Tag: VNOB

Nhạc trưởng Argentina, Martín García León: “Dạ tiệc âm nhạc – tác phẩm lớn từ những mảnh ghép của các nền văn hóa”

“Dạ tiệc âm nhạc/ Around the world” là chương trình mở màn trong chuỗi chương trình hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Đây là món quà tinh thần du xuân với sự Chỉ đạo nghệ thuật NSƯT – Giám đốc Trần Ly Ly cùng toàn thể các nghệ sỹ Nhà hát dành tặng riêng cho những khán giả thủ đô đầu năm 2019. Điều đặc biệt nhất mà VNOB dành tặng các khán giả chính là sự có mặt của Nhạc trưởng tài năng người Argentina, Martín García León. Ngay khi có mặt ở Việt Nam tập luyện cùng với dàn nhạc giao hưởng của VNOB, anh đã dành cho website của Nhà hát một cuộc phỏng vấn:

  • Tại sao anh lại nhận lời chỉ huy cho Dạ tiệc âm nhạc/Around the world?
  • Tôi chấp nhận lời đề nghị tuyệt vời này tham gia Dạ tiệc âm nhạc/Around the world vì tôi nghĩ chương trình sẽ cho khán giả Thủ đô thấy âm nhạc có thể tuyệt vời như thế nào, rất cảm xúc, tràn đầy năng lượng và thú vị cho dù đó là tác phẩm nào trên thế giới. Chúng tôi có thể đưa ra sự khác nhau giữa các nền văn hóa và tôi cho rằng đó là điều kỳ diệu. Đó là lý do tôi chú ý đến chương trình này. Tôi luôn muốn được tham dự một chương trình nghệ thuật ở châu Á đề tìm hiểu thêm về sự độc đáo trong nền văn hóa của các nước phương Đông, học hỏi thêm về ngôn ngữ và sự giao tiếp thông qua âm nhạc. Tôi nghĩ rằng cách để làm cho âm nhạc trở nên thú vị hơn ở Việt Nam và Argentina khác nhau. Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau những cách mới để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc biệt như Dạ tiệc âm nhạc/Around the world.
  • Anh đã bao giờ tham dự một chương trình tương tự ở Việt Nam?
  • Tôi chưa bao giờ có được vinh dự này. Và tôi không thể bày tỏ niềm hạnh phúc của mình như thế nào khi được đến đất nước yên bình này lần đầu tiên, nhất là lại được chỉ huy một trong những dàn nhạc giao hưởng xuất sắc nhất – dàn nhạc giao hưởng của VNOB – tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dàn nhac giao hưởng VNOB đang tích cực tập luyện cho Dạ tiệc âm nhạc
  • Anh nghĩ thế nào về chương trình Dạ tiệc âm nhạc mà anh sẽ trình diễn với VNOB?
  • – Tôi nghĩ Dạ tiệc âm nhạc/Around the world là một ý tưởng tuyệt vời để mở đầu mùa diễn của một nhà hát nghệ thuật hàn lâm như VNOB. Chúng tôi có thể tạo ra một tác phẩm lớn từ những mảnh ghép của các nền văn hóa khác nhau. Tất cả sẽ tạo nên một không gian âm nhạc tuyệt vời, từ khán giả đến các nghệ sĩ VNOB và cả bản thân tôi nữa. Chương trình sẽ là đêm diễn tuyệt vời với pháo hoa, niềm vui và hạnh phúc. Tôi rất háo hức đợi đến khi chương trình ra mắt vào ngày 26 và 27 tới.
  • Theo anh, phần nào trong Dạ tiệc âm nhạc/Around the world sẽ là ấn tượng nhất?
  • Theo tôi, phần trình diễn ấn tượng nhất trong Dạ tiệc âm nhạc/Around the world là giai điệu tuyệt vời Russlan and Ludmila của Glinka. Âm nhạc phấn khích và đầy năng lượng đến mức nó khiến tôi như nhảy trên bục chỉ hiu như điệu nhảy số 8 của Dvorak’s Slavonic . Có lẽ giai điệu này cũng sẽ khiến các khán giả không thể ngồi một chỗ mà đôi chân cũng sẽ nhún nhảy theo.

  • Là một nhạc trưởng trẻ tài năng, anh nghĩ thế nào về thực trạng của nền giao hưởng hiện nay? Có trở ngại nào trong sự phát triển của nó và làm thế nào để vượt qua những khó khăn đó?
  • Tôi chỉ có thể đề cập đến thực trạng của đất nước tôi và các nước Mỹ Latinh.Đó là những khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế. Các dàn nhạc giao hưởng hiện đang gặp nhiều trở ngại. Hầu hết các dàn nhạc đều phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Số lượng nghệ sĩ kiếm sống từ các dàn nhạc đang bị thu hẹp vì chính sách không ổn định của các bang. Tôi nghĩ rằng để giải quyết thực trạng này thì cần có sự ra tay của các mạnh thường quân, thường là các nhà đầu tư tư nhân. Mặt khác, các nhà hát cũng cần tìm giải pháp để không phụ thuộc quá nhiều vào Nhà nước trong thời điểm khủng hoảng như hiện nay. Tôi hy vọng dàn nhạc có thể tìm được một nhà đầu tư quốc tế.
  • Anh có thể nói gì với các khán giả về Dạ tiệc âm nhạc/Around the world?
  • Tôi muốn nói với khán giả Việt Nam đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức một chương trình nghệ thuật độc đáo. Ở đây, các bạn sẽ được cười, được khóc và các giác quan sẽ được chạm tới tới tận cùng. Các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức đêm nghệ thuật hàn lâm thực sự với nhạc giao hưởng, Opera và ballet.
  • Xin cảm ơn và chúc anh cùng VNOB một Dạ tiệc âm nhạc/Around the world thành công.

Tuyết Hoa

Martín García León sinh năm 1990 ở General Roca, một thành phố nhỏ ở miền Bắc của Patagonia, Argentina.

Anh đam mê âm nhạc từ khi còn nhỏ và đến với piano chuyên nghiệp năm 14 tuổi tại Học viện nghệ thuật Patagónico (I.U.P.A – Instituto universitario patagónico de las artes). 5 năm sau, anh quyết định sự nghiệp học thuật khi tham gia khóa học nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng ở Học viện nghệ thuật quốc gia UNA tại Buenos Aires. Tại đây, anh cảm thụ được những ảnh hưởng lớn về nghệ thuật từ các nghệ sĩ lớn như Luis Gorelik(chỉ huy dàn nhạc giao hưởng), Jordi Mora (chỉ huy dàn nhạc giao hưởng), Ernest Hoetzl (chỉ huy dàn nhạc giao hưởng), Mario Benzecry (chỉ huy dàn nhạc giao hưởng), và nghệ sĩ pianor Manuel Massone. Anh lấy bằng cử nhân chuyên khoa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng.

Trong 5 năm làm việc ở Buenos Aires Martín García León là trợ lý nhạc trưởng tại Camerata Santa Cecilia, đã chỉ huy nhiều lần dàn nhạc giao hưởng “Carlos Bertazza”, tham gia vào một số buổi hòa nhạc suốt trên chiều dài đất nước. Năm 2018, anh là nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Saint Petersburg. Sau đó, anh được mời chỉ huy tại Lễ hội âm nhạc đương đại Disat Terra do Antiqua Nova Foundation tổ chức tại Choele Choel (Argentinian Patagonia), ra mắt thế giới một số tác phẩm của Mariano Etkin, Cecilia Villanueva và Jose Sciarrino.

Tiếp đó, anh đã được mời đến Cusco Peru, trường đại học Nacional Diego Quispe Tito, để giảng bài cho lớp cao học về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng như một giáo viên thỉnh giảng và xây dựng chương trình hòa nhạc với dàn nhạc giao hưởng Cusco mùa diễn 2020.

Trên cương vị là chuyên gia nghiên cứu âm nhạc, Garcia đã xây dựng phương pháp nghiên cứu cho các tác phẩm giao hưởng nhằm giải thích một cách chi tiết cho mỗi chức năng của từng loại nhạc cụ trong dàn nhạc cùng với toàn bộ hệ thống màu sắc. Năm 2016, anh đã thành lập dự án “Musica para todos”, một dự án dịch âm thanh của từng thanh nhạc giao hưởng ra màu sắc khác nhau, giúp người khiếm thính có thể hiểu và tận hưởng thế giới âm nhạc rộng lớn.

Hiện tại, anh đang làm giảng viên tại I.U.P.A và tiếp tục sự nghiệp làm nhạc trưởng cho một số chương trình âm nhạc.

Nghệ sĩ Opera Đào Tố Loan: “Giữ cho trái tim âm nhạc cổ điển không bao giờ ngừng đập”

Là một trong những gương mặt sáng giá nhất làng Opera Việt Nam, nghệ sĩ Đào Tố Loan đã có 1 năm rất thành công. Với những nỗ lực của mình, nữ ca sĩ từng giành danh hiệu cao nhất dòng nhạc thính phòng của Sao mai Điểm hẹn 2011, đã có được giải thưởng danh giá trong năm qua. Đó là Giải nhất cuộc thi Singapore Lyric Opera 2018 – cuộc thi âm nhạc uy tín dành cho thí sinh chuyên nghiệp của các nước Đông Nam Á. Thuộc biên chế của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Loan đã trở thành ca sĩ chính (soloist) trong nhiều chương trình nổi tiếng của Nhà hát tại nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao,… có ý nghĩa quan trọng. Nhân dịp VNOB chuẩn bị ra mắt chương trình nghệ thuật “Dạ tiệc âm nhạc” (Around the world) vào ngày 26, 26 tháng 3 tới, với tư cách là solist, Tố Loan đã tiết lộ những thông tin chính về sự góp mặt của mình trong chương trình cũng như chia sẻ chuyện nghề:

  • 2018 đánh dấu một cột mốc mới trong thành công của Loan với giải nhất cuộc thi Singapore Lyric Opera 2018 – cuộc thi âm nhạc uy tín dành cho thí sinh chuyên nghiệp của các nước Đông Nam Á. Liệu đây có phải là thành tích Loan cảm thấy tự hào nhất tính đến thời điểm hiện nay?
  • Không hẳn như vậy. Loan có thể hơi khác biệt một chút khi mình lại cảm thấy tự hào về mỗi thành công có được. Một vị trí hát chính trong Giai điệu mùa Thu của VNOB hay thành công của sinh viên do mình hướng dẫn,… đều làm Loan cảm thấy hạnh phúc. Mọi người nhìn bề ngoài sẽ không thấu hiểu được những khó khăn, chông gai mà một ca sĩ Opera như mình đã vượt qua. Vì vậy, mình luôn trân trọng những thành tích, dù là nhỏ nhất.
  • Đầu tư cho nghệ thuật cần đến nhiều yếu tố như tài năng, tài chính, sự kiên nhẫn,… Theo đuổi dòng nhạc thính phòng ở thời điểm hiện nay lại càng khó khăn. Động lực nào khiến Loan vượt qua để thành danh như hiện nay?
  • Thực ra đúng là vô cùng khó khăn lúc Loan thi vào Nhạc viện. Có những lúc khó khăn, mình còn không muốn tồn tại nữa. Nhưng Loan cũng may mắn khi gặp được nhiều người tốt. Bên cạnh đó, trong quá trình học, Loan cũng được học bổng của trường nên khoản học phí tôi không lo. Mình chỉ cố gắng làm sao để học cho thật tốt. Đúng là nhạc thính phòng kén người nghe, nếu có show chạy ngoài thì cũng rất ít, nhưng cái gì thuộc về đam mê thì khó nói lắm.

  • Nhạc thính phòng là dòng nhạc kén người nghe. Nếu có thể tư vấn, Loan sẽ gợi ý những tác phẩm nào?
  • Tác phẩm dễ nghe rất nhiều và Loan đã có trong tay, chỉ cần khán giả cho cơ hội Loan sẽ thể hiện. Sắp tới, Loan sẽ tham gia chương trình nghệ thuật “Dạ tiệc âm nhạc” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với sự góp mặt của nhạc trưởng trẻ người Argentina – Garcia. Lúc đó, Loan sẽ có cơ hội thể hiện một số tác phẩm như Brindisi from La Traviata hay Voice of Spring. “Around the world” là một sản phẩm âm nhạc đặc biệt mở màn cho mùa diễn 2019 của VNOB. Chương trình bao gồm những trích đoạn của các tác phẩm Opera tinh hoa trên thế giới, kết hợp với múa cổ điển, được tái hiện trên sân khấu hiện đại, với hình thức mới mẻ, tạo nên một dạ tiệc âm nhạc thú vị cho khán giả.

  • Nhạc thính phòng hiện tại đang chịu sức ép cạnh tranh từ rất nhiều dòng nhạc trẻ trung, sôi động như Pop, Rock, Rap cũng như các hướng giải trí khác. Những nghệ sĩ như Loan có cảm thấy bị áp lực?
  • Vì yêu và đam mê nên tôi không chịu một sức ép hay áp lực nào! Tôi không sợ khó, không sợ khổ. Những khó khăn mình đã trải qua nhiều rồi. Loan có cách để giữ cho thể loại nhạc cổ điển sống mãi. Đó là giữ cho trái tim âm nhạc cổ điển không bao giờ ngừng đập.
  • Loan có mục tiêu gì xa hơn danh hiệu của năm 2018? Và trong thời gian tới, khán giả sẽ thấy một hình ảnh mới của Loan như thế nào?
  • Đơn giản thôi. Mục tiêu phấn đấu của Loan là học tập và rèn luyện để trở thành một nghệ sĩ tốt, giỏi hơn, đẹp hơn. Tôi mong muốn khán giả sẽ nhìn nhận một nghệ sĩ Tố Loan đẹp mộc mạc, chân thành và không ngừng học hỏi. Đặc biệt, mọi người sẽ thấy một Tố Loan đầy cảm hứng ở “Around the world”
  • Xin cảm ơn và chúc Tố Loan thành công trong chương trình sắp tới.

Tuyết Hoa (th)

Đào Tố Loan là ca sĩ từng giành giải nhất Sao mai điểm hẹn 2011 dòng nhạc thính phòng. Hiện cô là ca sĩ Opera của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Tố Loan từng tham gia rất nhiều chương trình biểu diễn trong nước và quốc tế. Các vở Opera thành công như Nữ Hoàng Bóng Đêm, Don Giovani, Cinderella, Lá Đỏ, Cô Sao và nhiều ca khúc thành công như  Aria O mio babbino caro, Aria Nữ Hoàng bóng đêm, Ở rừng nhớ anh, Brindisi from La Traviata, Voice of Spring,…..

Chương trình nghệ thuật “Dạ tiệc âm nhạc với Garcia và VNOB” (New Season Concert around the World with Garcia & VNOB) một cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới với trích đoạn các tác phẩm tiêu biểu của mọi thời đại. Chương trình có sự góp mặt của nhạc trưởng tài năng người Argentina, Martín García León, giải nhất Sao mai điểm hẹn 2011 Đào Tố Loan và ca sĩ Vũ Mạnh Dũng, giải nhì cuộc thi Hát thính phòng Nhạc kịch toàn quốc lần thứ IV – 2009

VNOB phục vụ các chiến sĩ và đồng bào biên giới Tây Bắc: Đưa nghệ thuật hàn lâm lên biên giới

Theo chương trình hoạt động của năm 2019, thời gian gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB đã có chuyến công diễn mang tên “Tình yêu chiến sĩ” phục vụ các chiến sĩ Quân khu 2 và đồng bào vùng biên giới Tây Bắc. Chương trình kéo dài suốt 10 đêm diễn và nhận được sự cổ vũ nhiệt liệt của đông đảo người dân cũng như các chiến sĩ bộ đội biên phòng tại đây.

Theo chủ trương của Ban giám đốc Nhà hát, dưới sự lãnh đạo của ông Đỗ Phương, Phó Giám đốc Nhà hát cùng trưởng đoàn hát Phan Mạnh Đức, đoàn nghệ sĩ Nhà hát đã có mặt tại hàng loạt các điểm như huyện Văn Yên, Bát Xát, thành phố Lào Cai, Tam Đường, đến với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… để biểu diễn phục vụ các chiến sĩ và đồng bào thuộc khu vực biên giới Tây Bắc. Những ca khúc, trữ tình, lãng mạn về tình yêu lứa đôi, người chiến sĩ, quê hương đất nước như Việt Nam ơi, Người chiến sĩ ấy, Đất nước tình yêu,… kết hợp cùng các tác phẩm kinh điển của VNOB như  Múa Một thoáng quê hương, Vũ khúc Hungari, Vũ khúc Thổ Nhĩ Kỳ, Danuyp xanh… đã được các chiến sĩ và đồng bào cổ vũ nồng nhiệt Đặc biệt, VNOB đã từng bước đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng miền Tây Bắc như biểu diễn một số trích đoạn nổi tiếng trong các tác phẩm kinh điển như màn múa “ Những đóa hồng ” trong Kẹp hạt dẻ, trích đoạn nhạc kịch O Sole Mio…. Nói về việc đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận với công chúng miền biên giới, ông Đỗ Phương, Phó Giám đốc VNOB, chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn từng bước đưa nhạc giao hưởng, Opera và nhạc kịch đến với công chúng qua những chương trình như thế này. Một thực tế là nghe có vẻ xa lạ, nhưng những tác phẩm này thực ra khá gần gũi với công chúng. Các chiến sĩ, đồng bào ở những nơi chúng tôi biểu diễn khi nghe đến giai điệu, nhìn thấy những bước nhảy ballet đều thấy quen thuộc. Họ đều rất thích và hy vọng sẽ có cơ hội để tiếp tục thưởng thức những tác phẩm như thế này”.

Không chỉ thu hút khoảng trên 500 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đến với mỗi chương trình biểu diễn, “Tình yêu chiến sĩ” còn nhận được sự chào đón của lãnh đạo, đại diễn các trung đoàn, huyện, tỉnh… nơi VNOB phục vụ. Ông Lê Thành Long, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, cho biết: “Chúng tôi rất xúc động với tinh thần biểu diễn quên mình của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Dù đường xá xa xôi, nhiều đoạn đi lại khó khăn, cộng thêm thời tiết thất thường, có lúc trời mưa, rét,… nhưng các nghệ sĩ vẫn biểu diễn hết mình. Điều này đã và đang động viên tinh thần các chiến sĩ và đồng bào miền biên giới Tây Bắc, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc”.

Không chỉ biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, đồng bào miền biên giới, các nghệ sĩ của VNOB còn xây dựng các chương trình giao lưu, 3 cùng với các chiến sĩ, làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho các chiến sĩ và đồng bào. Bên cạnh đó, các nghệ sĩ của VNOB còn đi thăm cột mốc biên giới Việt – Trung tại Lào Cai cũng như các di tích lịch sử khác.

Tuyết Hoa

Q. GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM, NSƯT TRẦN LY LY ĐƯỢC BÌNH CHỌN TRONG TOP 50 PHỤ NỮ CÓ ẢNH HƯỞNG NHẤT VIỆT NAM NĂM 2019

Trong số báo đặc biệt tháng 3/2019, tạp chí Forbes Việt Nam đã chính thức công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã vinh dự được bình chọn trong Top 50 ở lĩnh vực truyền thông – sáng tạo.

Đây là lần thứ hai Forbes Việt Nam công bố danh sách này, bao gồm các gương mặt phụ nữ nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao. Danh sách này được lựa chọn dựa trên các tiêu chí Ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực của họ đối với nền kinh tế và cộng đồng, xã hội.

“Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam trong danh sách năm 2019 là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại.” ông Võ Quốc Khánh – Thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam nói.

Chia sẻ về niềm vinh dự này, bà Trần Ly Ly cho biết tiêu chí hoạt động của mình dựa trên 3 yếu tố chủ chốt “sáng tạo, nghĩ sâu, làm nhanh’. Đặc biệt, điều đó càng được chú trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà nghệ thuật hàn lâm đang cần được quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Trong vai trò là Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB, bà xác định: “sứ mệnh của tôi là giữ vững mục tiêu phát triển của VNOB  thông qua liên tục sáng tạo mới, đưa các tác phẩm nghệ thuật của VNOB có tiếng nói chung với thế giới mà trước hết là đến gần hơn với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật”.

Với những khó khăn và thách thức hiện nay đối với Nhà hát nói riêng và nhạc giao hưởng, múa ba lê cũng như nhạc kịch nói chung, bà Trần Ly Ly cho rằng “cần xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi trong giai đoạn mới”. Trong đó, cần đưa ra chiến lược ngắn hạn và dài hạn.

Nghệ sĩ trẻ người Argentina, Martín García León, sẽ chỉ huy dàn nhạc cho chương trình nghệ thuật “Dạ tiệc âm nhạc” diễn ra đêm 26, 27 tháng 3 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội

Gần đây nhất, NSƯT Trần Ly Ly đã mời nghệ sĩ trẻ đầy tài năng người Argentina, Martín García León, về chỉ huy dàn nhạc cho chương trình nghệ thuật ‘Dạ tiệc âm nhạc” của VNOB cùng với Đào Tố Loan, nghệ sĩ vừa giành giải nhất cuộc thi Singapore Lyric Opera – ASEAN Vocal 2018 và Vũ Mạnh Dũng, Cúp Vàng “Festival mùa xuân tháng tư 2016” tại Bình Nhưỡng – CHDCND Triều Tiên. Dự kiến, đây sẽ là một lễ hội âm nhạc đầy phấn khích với trích đoạn các tác phẩm Opera kinh điển nhất, được xây dựng trên nền sân khấu hiện đại với sự kết hợp của múa đương đại. Chương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn vào ngày 26, 27 tháng 3 tới tại Hà Nội. Tiếp đó, Nhà hát sẽ xây dựng một loạt các chương trình có chất lượng cao nhằm tôn vinh lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập VNOB như vở Ballet Hồ Thiên Nga, Kẹp hạt dẻ, vở nhạc kịch Phantom of Opera…

Tuyết Hoa

 

Lý lịch tóm tắt của NSƯT Trần Ly Ly:

NSƯT Trần Ly Ly sinh năm 1978, tốt nghiệp trường đại học công nghệ Queensland,  Australia năm  2003. Bà là đạo diễn, biên đạo múa và hiện là Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Bà là nhân vật chủ chốt và nổi tiếng trong Làng Ballet và múa đương đại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp tại trường, bà làm việc tại Pháp một thời gian.

Khi còn là diễn viên múa, bà từng biểu diễn rất thành công nhiều tác phẩm do các biên đạo nổi tiếng ở Việt Nam và quốc tế dàn dựng như “ Cứu bạn” “Paquita”- của Maurice Bejart, “Xin chào” của biên đạo người Australia, “Under skin” and “Body armour” của biên đạo Pháp – Regine Chopinot, “Venus ở Hanoi” của Felix Ruckert (Đức)… Bà cũng tham dự nhiều Festival múa đương đại quốc tế ở Hồng Kông, Hàn Quốc,  Australia, Pháp, Đức, Ba Lan… Bà từng giành giải thưởng Tài năng trẻ Việt Nam.

Là biên đạo, bà đã có nhiều tác phẩm thành công, được Việt Nam và quốc tế ghi nhận như múa đương đại “ Một ngày”, tác phẩm được chọn trình diễn tại Những ngày châu Âu tại Việt Nam năm 2007, “Sống trong hộp” năm 2008. Năm 2012, bà biên đạo tác phẩm “Zen” và “7X”. Năm 2016, bà làm tác phẩm “Có có không không” lần 2, một vở múa nói về những người đồng tính, thể hiện khát vọng được là chính mình của họ. Một số tác phẩm múa hiện tại đang được trình diễn như Ionah,  Làng chài…

Bên cạnh sự nghiệp là diễn viên và biên đạo múa, bà còn tham dự nhiều chương trình với tư cách là chuyên gia, cố vấn nghệ thuật, đạo diễn, tổng đạo diễn cho nhiều chương trình lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, bà còn được biết đến với tư cách thành viên Ban giám khảo của một số cuộc thi như “Green Dance”, “So You Think You Can Dance“, “Perfect Dance“ and “Passioned Dances”…

Lắng nghe Phiên chợ Ba Tư – Những chuyện kể kỳ diệu của nàng Sê-hê-ra-dát trong ‘Nghìn lẻ một đêm’

Theo nhà phê bình Anh Ralph Hill, một người rất sành về âm nhạc Ba Tư, đây là tác phẩm về Ba Tư hay nhất được viết ra bên ngoài vùng đất này.

Phiên chợ Ba Tư (“In a Persian market”) gợi nhớ những chuyện kể kỳ diệu của nàng Sê hê ra dát (Scheherazade) trong “Nghìn lẻ một đêm” thuở nào, không chỉ có sức cuốn hút kỳ lạ với những em nhỏ, mà những người lớn cũng say mê những câu chuyện hàng đêm của Nàng.

Không kém phần rực rỡ, tác phẩm Phiên Chợ Ba Tư với khí nhạc vô cùng lôi cuốn và đa màu sắc đã trở thành một kiệt tác âm nhạc.

Tác phẩm được sáng tác năm 1920, là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, nghệ sĩ piano người Anh Albert William Ketèlbey (1875 – 1959).

Màu sắc phối khí phong phú là một đặc trưng lớn trong nhiều sáng tác của Ketèlbey. Đặc biệt ở tác phẩm này.

Tuy Ketèlbey không phải là một tên tuổi lớn ở nhạc cổ điển, ngoài những tác phẩm thời kỳ đầu mang phong cách cổ điển, phần lớn thời gian ông chuyên tâm vào kiểu nhạc nhẹ (Light Music) viết cho piano hoặc dàn nhạc.

Tuy vâỵ, ông đã biết cách nâng nghệ thuật nhạc nhẹ lên một đỉnh cao hiếm thấy.

Thành công lớn nhất của ông ở tác phẩm này là khả năng miêu tả chi tiết một phiên chợ Ba tư cổ bằng âm nhạc tuyệt vời, trong đó có miêu tả buổi dạo chơi phiên chợ của nàng công chúa Ba tư.

Qua âm thanh, giai điệu người ta hình dung đươc toàn bộ mọi diễn biến của buổi phiên chợ thời cổ như một bức tranh vô cùng sống động.

Một họa sĩ vẽ hình ảnh cho tác phẩm của ông đã hóm hỉnh mô tả chính nhà soạn nhạc như một phù thủy đang pha chế một hỗn hợp âm điệu trong một cái vạc lớn. Ketèlbey đã pha màu và vẽ ra loạt 9 bức tranh liên hoàn miêu tả cảnh tượng một phiên chợ Ba Tư cổ xưa trong “In a Persian market”:

Cảnh 1: Những người đánh lạc đà đang tới chợ
Cảnh 2: Những kẻ hành khất đang cầu xin bố thí

Cảnh 3: Sự xuất hiện bất ngờ của nàng công chúa xinh đẹp khiến tất cả đột ngột lắng xuống sững sờ…
Cảnh 4: Những người làm trò tung hứng trong chợ
Cảnh 5: Những người làm trò dụ rắn trong chợ
Cảnh 6: Đức Kha-lip (vua Hồi giáo) đi qua chợ
Cảnh 7: Những kẻ hành khất lại lên tiếng cầu xin
Cảnh 8: Những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường, cảm nhận tiếng xe đi xa dần, xa dần…
Cảnh 9: Chợ trở nên vắng vẻ, hoang vu trong tiếng nhạc êm buồn liu riu. Rồi, bỗng dưng nghe tiếng “xầm” cuối cùng, đó là tiếng cổng chợ đóng lại.

Lắng nghe bản nhạc “In a Persian market”, chắc chắn bạn có thể “nhìn được” và “cảm nhận được” mình đang lạc vào một bức vẽ một nàng công chúa xứ Ba Tư thế giới cổ tích diệu kỳ.

Như thể bạn đang có mặt tại phiên chợ cổ xưa và tận mắt chứng kiến những cảnh tượng vô cùng sống động – những cảnh tượng mà có lẽ trước đây bạn đã từng hình dung khi nghe những câu chuyện cuốn hút mê hồn của nàng Scheherazade trong “Ngàn lẻ một đêm”.

Ở phút 1:15, khi nàng công chúa đột nhiên xuất hiện, nhạc đột nhiên dịu xuống tới nao lòng, báo hiệu sự xuất hiện của nàng công chúa. Khi nàng công chúa xuất hiện, nền nhạc chuyển sang giai điệu nhịp nhàng, uyển chuyển miêu tả bước đi của công chúa, tựa như tiếng nước suối róc rách, và rồi dòng suối ngừng chảy, dường như bị mê hoặc bởi sắc đẹp mê hồn, và mọi thứ bừng tỉnh trong niềm vui hân hoan của buổi họp chợ được đón nàng công chúa ở phút 2:11, nhạc dâng cao những nốt thăng tuyệt mỹ.

Sau đó là những chi tiết một phiên chợ cổ Ba tư, xứ sở của nàng Scheherazade trong “Nghìn lẻ một đêm”, nào là những con lạc đà, những kẻ hành khất, ông lão bán rắn…trong giai điệu rộn ràng huyền bí xứ Ba Tư…

Rồi những tiếng động, và không khí trang nghiêm khi nhà vua Khalip đi qua chợ…tất cả như quyện lại, thật hoàn hảo.

Khi những người đánh lạc đà tiếp tục lên đường, cảm nhận tiêng xe đi xa dần, xa dần…âm nhạc dần nhỏ lại, nhỏ lại ở phút 5:38, rồi vào âm thanh dịu buồn liu riu của cảnh chợ trở lại vắng vẻ, hoang vu…

Và bỗng dưng nghe tiếng “xầm”, đó là tiếng cổng chợ đóng lại ở phút 6:39.

Điểm tuyệt vời và độc đáo của Ketèlbey là ở chỗ này, nó đã làm ông khác biệt với tất cả, và nhắc đến ông là người ta sẽ phải nhớ đến Phiên chợ Ba Tư huyền thoại của ông…

https://www.youtube.com/watch?v=9G4zHEVOtNk&feature=youtu.be

Ngày hội gia đình VNOB Xuân 2019

Ngày 24-2 vừa qua, Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phối hợp với cựu diễn viên múa  Đỗ Thu Huyền đã tổ chức Ngày hội Gia đình tại Nông trại Cà To, An Dương Vương, Hà Nội với sự tham gia của hầu hết các gia đình cán bộ, nghệ sĩ, viên chức của VNOB, trong đó đặc biệt còn có sự góp mặt của các ông, bà và các con là con, em cán bộ, diễn viên.

Thời tiết mát mẻ trở lại khiến cho các hoạt động thi kéo co, chặt chuối, nhổ su hào, hái cà chua…. của các gia đình càng thêm thú vị và gay cấn. Các hoạt động cũng giúp nâng cao tình đoàn kết, sự hiểu biết về thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường của các con nói riêng và anh chị em, gia đình các cán bộ, diễn viên Nhà hát nói chung.

VNOB cũng xin cảm ơn Nhà tài trợ độc quyền và toàn phần, Đỗ Thu Huyền, đã giúp cho Ngày hội Gia đình VNOB được thành công rực rõ.

Được biết, tiếp sau thành công của Ngày hội Gia đình VNOB vừa qua, Công đoàn Nhà hát và Nhà tài trợ Đỗ Thu Huyền đang tiếp tục tính đến việc tổ chức Ngày Quốc tế Nhi đồng 1-6 tới.

Tuyết Hoa

Sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, Thể thao và Du lịch”

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Quyết định số 4832/QĐ-BVHTTDL Công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực văn hóa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, Thể thao và Du lịch”.

Số lượng hồ sơ là 01 bộ. Thời hạn giải quyết: Xét tặng 02 đợt vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính bao gồm Tổ chức và cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền quyết định và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cơ quan phối họp thực hiện là đơn vị thuộc Bộ và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải trao Kỷ niệm chương cho Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam

Kết quả thực hiện thủ tục hành chính gồm: Quyết định hành chính, Giấy chứng nhận và Huy hiệu Kỷ niệm chương.

Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính đối với cá nhân công tác trong ngành Văn hóa, Thế thao và Du lịch phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên đối với nam và 15 năm trở lên đối với nữ.

Đối với cá nhân công tác ngoài ngành Văn hóa, Thế thao và Du lịch, phải có công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ được nghiệm thu xếp loại Tốt; đoạt giải Vàng (giải A), Giải Bạc (giải B) tại các Cuộc thi sáng tác, biểu diễn, triển lãm do Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch và các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tố chức, có giá trị thiết thực phục vụ cho sự nghiệp của Ngành; có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính, phục vụ cho sự nghiệp của Ngành.

Đối với người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài phải có công đóng góp xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ngành với các nước và các tổ chức quốc tế, các đơn vị thuộc Bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng quyết định./.

 

Gia Linh (Theo BVHTTDL)

VNOB tham gia biểu diễn tại chương trình Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Nhân dịp năm mới 2019, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi gặp thân mật với các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ VH,TT&DL tổ chức tiệc chiêu đãi Ngoại giao đoàn tại Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Tham dự tiệc chiêu đãi có ông Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ nước Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam, Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, các Đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ VH,TT&DL …

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định năm 2018, vượt lên những khó khăn  trong và ngoài nước do những biến động, thách thức về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới, công tác hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam vẫn được tăng cường và thúc đẩy theo hướng hiệu quả, toàn diện và thực chất, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới .

 

 

Bộ Trưởng đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành của các nước, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ ,các doanh nghiệp và các cá nhân trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

” Năm 2019, Bộ VHTTDL cam kết tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hợp tác  giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tăng cường hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau trên con đường phát triển ổn định và bền vững cho tương lai”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngài Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam phát biểu tại buổi tiệc

Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm thắt chặt hơn quan hệ gắn bó, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực VH,TT&DL giữa Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao với các Đại sứ và Ngoại giao đoàn ở Việt Nam.

Toàn cảnh tiệc chiêu đãi

Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đã được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa độc đáo của Việt Nam và thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Trích đoạn vở ballet “Kẹp hạt dẻ” do các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB biểu diễn​​​​​​​

Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã vinh dự được góp một số tiết mục đặc sắc, đã từng tạo nên tiếng vang lớn trong làng nghệ thuật trong năm 2018, trong đó có Nước cuốn Ả đào, tiết mục được đưa đi trình diễn tại Anh trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và trích đoạn vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên.

 

Tuyết Hoa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Các chương trình của VNOB sẽ đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả

Ngày 23-1 vừa qua, Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, phương hướng năm 2019 và Hội nghị cán bộ, công nhân viên chức Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB đã diễn ra tại trụ sở ngõ 11 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Ban giám đốc, Ban chấp hành Đảng bộ, Ban chấp hành Công đoàn cùng toàn thể cán bộ, diễn viên, viên chức của Nhà hát. Báo cáo về những thành tựu đạt được trong năm qua, Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB nhấn mạnh: “VNOB từng bước khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm trong nước và quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế

Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB đọc báo cáo tổng kết tại Hội nghị

Thành công rực rỡ trong năm 2018

Thực tế, trong năm 2018 vừa qua, với sự phấn đấu không ngừng của cán bộ, nghệ sỹ, công nhân viên và người lao động Nhà hát đã hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra theo kế hoạch đó là xây dựng các chương trình Vũ kịch, Nhạc kịch, Giao hưởng – Hợp xướng, Múa đương đại và Ca Múa Nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, giao lưu và hợp tác quốc tế, các sự kiện chính trị – xã hội – kinh tế – văn hoá.

Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, VNOB đã xây dựng và biểu diễn thành công 32 chương trình nghệ thuật, trong đó có 6 chương trình phục vụ chính trị, sự kiện và các ngày lễ lớn của đất nước, 3 chương trình phục vụ đối ngoại và giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế, 3 chương trình phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu vùng xa, biên giới, và đặc biệt tới 20 chương trình Opera & Ballet, Giao hưởng – Hợp xướng, Ca Múa Nhạc. Trong đó, một số chương trình được đánh giá có chất lượng cao như Chương trình nghệ thuật “Khúc giao mùa” được dàn dựng cùng với sự chỉ huy của nhạc trưởng Tây Ban Nha – David Gosmez Ramirez; chương trình Hòa nhạc Cổ điển và Múa đương đại “Bản giao hưởng mùa Hạ” với sự chỉ huy của nhạc trưởng Kotaro Kimura, nghệ sĩ Piano Mika Kawasaki (piano), Ryohei Morita (Contrebasse) cùng 120 nghệ sĩ hợp xướng đến từ Nhật Bản cùng Dàn nhạc giao hưởng và Hợp xướng Nhà hát; Chương trình hòa nhạc và múa Giai điệu Mùa Thu dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi; Vở Opera Maria de Buenos Aires được đầu tư dàn dựng lại với phong cách mới, tiếp cận dần với nhu cầu thưởng thức của xã hội, với sự phối hợp của nhạc trưởng Philippe Lesburgueres (CH Pháp); Chương trình múa đương đại Bolero và Suite en Blanc, Đáy mắt, Peter và Chó sói, vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên…

Vở Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên tạo được tiếng vang trong làng nghệ thuật hàn lâm Việt Nam

Bên cạnh đó, VNOB còn tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở một số sự kiện chính trị, xã hội, ngoại giao lớn như Lễ hội Văn hoá – Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Tuần Văn hoá Việt Nam tại Campuchia, chương trình nghệ thuật “Tâm hồn Việt” tại Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh tại Thủ đô London, chương trình nghệ thuật “Âm vang đất Việt”, trong đêm hội khai mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018, Chương trình nghệ thuật “Chiều nắng” và chương trình “Cho dù có đi muôn nơi” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh hình tượng người phụ nữ Việt Nam, Chương trình nghệ thuật đặc biệt – Bản giao hưởng 30 năm FPT (FPT Symphony) mang tên “Sống” dưới sự chỉ đạo của Đạo diễn Trần Ly Ly – Giám đốc VNOB …

Chương trình nghệ thuật “Tâm hồn Việt” rất thành công tại Anh

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hoạt động nghệ thuật và sự đóng góp không mệt mỏi của các đạo diễn, biên đạo múa, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và cán bộ, viên chức Nhà hát, các chương trình đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình và đánh giá cao của khán giả. Trong năm qua, VNOB đã đón tiếp tới 110.000 lượt khán giả đến thưởng thức các chương trình biểu diễn trong 102 buổi.

Các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên VNOB được bầu chọn là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2018

Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động về Đảng, Đoàn, Công đoàn, các tổ chức xã hội nghề nghiệp,… cũng được đẩy mạnh. Chính vì vậy, trong năm 2018, Nhà hát có tới 17 cán bộ, nghệ sĩ, viên chức được bình chọn Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 103 người được bình chọn Lao động Tiên tiến… Bên cạnh đó, NSƯT Trần Ly Ly đã giành được giải Đạo diễn chương trình xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 lần 2 tại Đà Nẵng, Nghệ sĩ Đào Tố Loan đã dành được Giải nhất trong Cuộc thi Opera Đông Nam Á 2018 tại Singapore. Cũng trong năm 2018, Nhà hát vinh dự có 1 nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 6 Nghệ sĩ ưu tú.

Định hướng phát triển thương hiệu trong năm 2019

Một trong những mục tiêu hàng đầu mà Ban giám đốc cũng như cán bộ, viên chức của VNOB đặt ra trong năm 2019 là xây dựng và phát triển thương hiệu của Nhà hát. Trong năm 2018, hoạt động xây dựng thương hiệu và marketing đã từng bước được thực hiện và đem lại kết quả đáng kể. Chính vì vậy, 2019 sẽ là cột mốc quan trọng trong việc phát triển mạnh thương hiệu, đặc biệt đây cũng là thời điểm Nhà hát kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.

Vở Ballet “Hồ Thiên Nga” sẽ được dựng lại đầy đủ nhất với dàn nhạc chơi live

Để làm tốt hoạt động này, các chương trình nghệ thuật mang dấu ấn của VNOB sẽ được tính đến. Đó là vở ballet cổ điển “Hồ Thiên Nga’ dự kiến sẽ được xây dựng một cách hoàn chỉnh nhất với dàn nhạc của VNOB chơi live. Để làm được điều này, các nghệ sĩ của VNOB dự kiến sẽ tập trong vòng 3 tháng và biểu diễn ít nhất là 10 buổi. Bên cạnh đó là các chương trình đỉnh cao khác của Opera và giao hưởng. Nói về điều này,  NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB, khẳng định: ‘Năm 2019, VNOB sẽ xây dựng các chương trình Giao hưởng, Hợp xướng và Múa với phong cách mới nhằm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả trong nước và quốc tế nhằm khẳng định vị thế của nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam”.

Mặt khác, VNOB cũng sẽ từng bước xây dựng văn hóa, đạo đức của Nhà hát thông qua các phong trào nhằm tạo dựng sự gắn kết giữa các thành viên trong VNOB, tăng cường quan điểm từng người đều có trách nhiệm cùng nhau xây dựng Nhà hát để đưa VNOB trở thành con chim đầu đàn về nghệ thuật hàn lâm của Việt Nam.

Tuyết Hoa

Thành lập Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Đoàn Bộ

Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 15/QĐ-ĐTN về việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Đoàn Bộ.

Việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ với mong muốn tạo môi trường để đoàn kết, tập hợp các văn nghệ sĩ trẻ, khuyến khích, động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội để nghệ sĩ trẻ phấn đấu, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng, đồng thời qua đó nhằm định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho giới trẻ phù hợp với văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; tập hợp, tổ chức và động viên các nghệ sĩ trẻ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghệ sĩ múa Phan Văn Lương, Bí thư Đoàn Cơ sở, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam – VNOB được bầu làm ủy viên Ban chủ nhiệm CLB. Các thành viên khác trong Ban chủ nhiệm CLB gồm: Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Thảnh, Phó Bí thư Đoàn Bộ, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Cải lương Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Hương Lan, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Chèo Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Vũ Quang Huy, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam; Ủy viên Tạ Duy Lâm, Phó Bí thư Đoàn Cơ sở Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Ủy viên Lê Thị Trịnh, Phó Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Kịch Việt Nam; Ủy viên Sân Thị Thủy, Bí thư Đoàn Cơ sở Học viện Múa Việt Nam và Ủy viên Phạm Quang Ánh, Bí thư Chi đoàn Nhà hát Tuổi trẻ.

Việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Đoàn Bộ được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng, có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho cộng đồng và xã hội./.

(BVHTTDL)