Tag: VNOB

THÔNG BÁO Kết quả kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển viên chức năm 2021 của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam

Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và Thông tư hướng dẫn;

Căn cứ Quyết định số 3911/QĐ-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2020 -2021 của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam;

Quyết định số 619/QĐ-BVHTTDL ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021 của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam ;

Căn cứ kết quả kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển kỳ tuyển dụng  viên chức năm 2021 của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam.

 

HỘI ĐỒNG TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC

NHÀ HÁT NHẠC, VŨ KỊCH VIỆT NAM, THÔNG BÁO:

 

  1. Kết quả kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn theo Phiếu đăng ký của người dự tuyển
  2. Vị trí Diễn viên hạng III, Mã số: V.10.04.14 làm việc tại Đoàn Ca kịch:

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 06

– Số thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện: 06

– Số thí sinh đủ không tiêu chuẩn, điều kiện:  Không

  1. Vị trí Diễn viên hạng III, Mã số: V.10.04.14 làm việc tại Đoàn Nhạc kịch:

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 05

– Số thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện: 05

– Số thí sinh đủ không tiêu chuẩn, điều kiện:  Không

  1. Vị trí Diễn viên hạng IV, Mã số: V.10.04.15 làm việc tại Đoàn Vũ kịch:

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 09

– Số thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện: 09

– Số thí sinh đủ không tiêu chuẩn, điều kiện:  Không

  1. Vị trí Đạo diễn nghệ thuật hạng III (mã số V.10.03.10) làm việc tại Phòng Nghệ thuật:

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 01

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 01

– Số thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện: 01

– Số thí sinh đủ không tiêu chuẩn, điều kiện: Không

  1. Vị trí Chuyên viên, Mã số: 01.003 làm việc tại Phòng Hành chính Tổng hợp, Phòng Tổ chức biểu diễn và Phòng Nghệ thuật:

– Số phiếu đăng ký dự tuyển: 05

– Số thí sinh đủ tiêu chuẩn, điều kiện: 03

– Số thí sinh đủ không tiêu chuẩn, điều kiện: 02

Lý do: Chuyên ngành đào tạo không đúng với chuyên ngành vị trí tuyển dụng (thí sinh Nguyễn Thị Hải Yến, sinh ngày 27/11/1998; thí sinh Nguyễn Thị Huyền, sinh ngày 11.3.1994).

  1. Các thí sinh có đủ điều kiện tham dự xét tuyển vòng 2, lưu ý:
  2. Thời gian tổ chức xét tuyển vòng 2:

Từ 8h00, Thứ năm,  ngày 18 tháng 03 năm 2021.

  1. Hình thức xét tuyển vòng 2: Thực hành. Thang điểm 100 điểm.

2.1. Đối với vị trí Diễn viên hạng III, Đạo diễn nghệ thuật:

Mỗi thí sinh tự chuẩn bị nội dung thực hành với thời gian không quá 30 phút. Trong đó có: không quá 20 phút thực hành (80 điểm) và 10 phút trả lời câu hỏi thêm về kiến thức chung và kiến thức về chuyên môn (20 điểm).

2.2. Đối với vị trí Chuyên viên:

Thí sinh bốc thăm đề thực hành và tiến hành thực hành với thời gian không quá 30 phút. Trong đó có: không quá 20 phút thực hành (80 điểm) và 10 phút trả lời câu hỏi thêm về kiến thức chung và kiến thức về chuyên môn (20 điểm).

  1. Địa điểm tổ chức xét tuyển vòng 2: Trụ sở Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, số 11, ngõ Núi Trúc – Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

+ 9h00, Thứ Tư, ngày 17/03/2021: Thí sinh có mặt để nghe phổ biến nội quy, quy chế xét tuyển, xem số báo danh, địa điểm tuyển dụng và nộp Lệ phí dự tuyển.

+ 8h00, Thứ năm,  ngày 18 tháng 03 năm 2021.

  1. Lệ phí dự tuyển: 500.000 đồng/thí sinh, nộp tại Bộ phận Tài vụ, NHNVKVN.

Thông báo này được niêm yết công khai tại trụ sở Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam và đăng trên trang mạng thông tin của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam.

Trân trọng thông báo./.

 

 

GIÁM ĐỐC

 

Đã kí

 

 

Trần Ly Ly

 

 

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

NHÀ HÁT NHẠC, VŨ KỊCH VIỆT NAM

____________________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

____________________________________

 

DANH SÁCH

Kết quả kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của thí sinh

đăng ký tuyển dụng viên chức năm 2021

(Kèm theo Thông báo số: 23 /TB-HĐTDVC ngày 05/03/2021

của Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2021

của Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam)

 

  1. Các thí sinh đủ điều kiện và tiêu chuẩn tham dự vòng 2:

 

TT Họ và tên Ngày, tháng, năm sinh Quê quán Điện thoại Ghi chú
Nam Nữ
1 Nguyễn Phi Hùng 30.06.1974 Hà Nội 0973341919 Đạt
2 Đào Thị Tố Loan 15.09.1986 Thái Bình 0969622015 Đạt
3 Bùi Thị Trang 15/10/1987 Thái Nguyên 0979230970 Đạt
4 Đi Như Tới 20.09.1983 Hải Phòng 0947027799 Đạt
5 Ngô Hương Diệp 17.11.1984 Hưng Yên 0936469446 Đạt
6 Thế Tùng Lâm 19.04.1989 Bắc Ninh 0385487809 Đạt
7 Nguyễn Vương Anh 13.03.1990 Hải Dương 0934594496 Đạt
8 Nguyễn Minh Quý 10.04.1985 Thanh Hóa 0988484647 Đạt
9 Nghiêm Huy Vũ 07.07.1978 Hà Nội Đạt
10 Nguyễn Thị Thơ 04.05.1988 Bắc Ninh 0768241082 Đạt
11 Đỗ Thị Thu Huyền 19.11.1993 Hà Nội 0378559158 Đạt
12 Trần Thị Linh Ngân 06.08.1988 Tuyên Quang 0977731788 Đạt
13 Trần Lệ Thanh 20.09.1993 Bắc Ninh 0978010815 Đạt
14 Nguyễn Đức Hiếu 04.01.2000 Hà Nội 0705547376 Đạt
15 Vũ Vũ Anh 10.09.2000 Hà Nội 0388979671 Đạt
16 Đinh Thị Trà My 24.04.1988 Quảng Ninh 0979241988 Đạt
17 Vũ Dương Đức 06.04.2000 Hà Nội 0838308578 Đạt
18 Ngô Hạnh Dương 17.05.1997 Hải Dương 0833303330 Đạt
19 Dương Hồng Phi 27.12.2000 Vĩnh phúc 0988624284 Đạt
20 Nguyễn Thọ Dương 12.12.1983 Hà Nội 0943212123 Đạt
21 Đồng Quang Vinh 07.02.1984 Hà Nội 0962082347

 

Đạt
22 Phạm Hà My 03.08.1990 Hà Nội 0985307997

 

Đạt
23 Cao Hoàng Yến Nhi 03.10.1996 Hà Nội 0366569228 Đạt
24 Trần Khánh Minh 05.11.1995 Hà Nội 0942443936 Đạt

 

  1. Các thí sinh không đủ điều kiện và tiêu chuẩn tham dự vòng 2:

 

TT Họ và tên Ngày, tháng, năm sinh Quê quán Điện thoại Ghi chú
Nam Nữ
 

 

 

1

Nguyễn Thị Huyền 11.03.1994  

 

Hà Nội

 

 

0976096996

 

Không đạt.

Lý do: Chuyên ngành đào tạo không đúng với chuyên ngành vị trí tuyển dụng

 

 

 

2

Nguyễn Thị Hải Yến 27.11.1998  

 

Tuyên Quang

 

 

0979420143

 

Không đạt.

Lý do: Chuyên ngành đào tạo không đúng với chuyên ngành vị trí tuyển dụng

 

Tổng cộng: 26 thí sinh.

Trong đó: Thí sinh đạt yêu cầu: 24; Không đạt: 02.

VNOB phối hợp với trường ĐHSP nghệ thuật trung ương đào tạo sinh viên

Nằm trong chương trình phối hợp đào tạo với các trường đại học, cao đẳng nghệ thuật trong cả nước, thời gian qua, các sinh viên K5 chuyên ngành Thanh nhạc – Khoa Thanh nhạc và Piano trường ĐHSP Nghệ thuật Trung Ương đã có chương trình thực tập tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Ngày 24/12 vừa qua, khóa đã có buổi báo cáo thực tập tại sân khấu Nhà hát bằng các trích đoạn tiêu biểu của vở nhạc kịch Những người khốn khổ.

Buổi báo cáo tốt nghiệp có sự tham dự của bà Hương Giang, Trưởng khoa và bà Đặng Loan – phó khoa Piano và Thanh nhạc trường ĐHSP Nghệ thuật Trung Ương, cùng các thầy cô và đông đảo sinh viên. Về phía nhà hát có ông Phan Mạnh Đức, Phó giám đốc, ông Phan Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, ông Nguyễn Huy Đức, Phó trưởng đoàn ca kịch, cùng các thầy cô là các nghệ sĩ, chuyên gia của Nhà hát trực tiếp hướng dẫn giảng dạy các em sinh viên.

30 bạn sinh viên diễn các trích đoạn tiêu biểu của vở Nhạc kịch “Những người khốn khổ”: Prologue, At the end of the day, I dreamed A dream, The Dock, Who am I, The beggars, Star, One Day More….

Buổi báo cáo thực tập này mang dấu ấn riêng trong lịch sử của Nhà hát cũng như trường ĐHSP Nghệ thuật Trung Ương khi lần đầu tiên, các bạn sinh viên được tiếp cận với nhạc kịch Musical. Trước đây, sinh viên các khóa cũng đã từng được tiếp cận với các tác phẩm Opera cổ điển của nước ngoài như Carmen, Cosifantutte, hay các vở nhạc kịch của Việt Nam như Lá đỏ, Người tạc tượng,…Qua những chương trình thực tập mang tính thực tế cao như thế này, các em sinh viên hông chỉ được thực hành, va chạm với thực tế mà còn được lĩnh hội thêm những kiến thức mới để trang bị cho con đường sự nghiệp của mình trong tương lai.

Để làm được điều này, không thể không nói đến chiến lược đẩy mạnh giáo dục về âm nhạc, văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chiến lược phổ cập giáo dục nghệ thuật của Nhà hát không chỉ dừng lại ở các trường nghệ thuật, mà còn mở rộng ra các trường đại học, trung học phổ thông, các trường năng khiếu nghệ thuật trong cả nước. Chính vì vậy, Nhà hát đã phối hợp với trường ĐHSP Nghệ thuật Trung Ương xây dựng một chủ trương đúng đắn trong việc để các em sinh viên, học sinh được tiếp cận với đơn vị hàng đầu trong cả nước về nghệ thuật hàn lâm. Từ những bài học thực tế này, các sinh viên đêu có cơ hội bộc lộ khả năng của mình, đồng thời có những tiến bộ vượt bậc về kỹ năng diễn suất trên sân khấu.

Các vai diễn:

Jean Val Jean: Bùi xuân Bắc
Javert: Nguyễn Tùng Dương
Fantine: Nguyễn Thùy Linh
Marius: Nguyễn Bảo Phúc
Cosette: Thảo Vân
Eponine: Huyền Trang
Bà già: Vũ Hà Trang
Enjolras: Nguyễn Văn Hải
Vợ chồng THenardiers: Đào Anh Minh – Hà Anh

Tuyết Hoa

Không cố Việt hóa “Những người khốn khổ”

Những ngày cuối tháng 10 này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đang nỗ lực cho tác phẩm được kỳ vọng sẽ hoành tráng nhất trong năm 2020. Đó là vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo. Thời Nay có dịp trò chuyện cùng NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc VNOB).

Chị có thể chia sẻ về ý tưởng ban đầu cũng như quá trình đàm phán bản quyền để mang tác phẩm này về Việt Nam như thế nào?

+ “Những người khốn khổ’ là một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, có sức lan tỏa, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và được chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trên sân khấu nhạc kịch, Những người khốn khổ thậm chí đã vượt qua rất nhiều sản phẩm khác để dẫn đầu cuộc bình chọn qui mô của đài BBC, trở thành nhạc kịch được yêu thích nhất tại Anh với 40% số phiếu bình chọn trên tổng số 400.000 người tham gia. Với mong muốn công chúng Việt có cơ hội hưởng thụ những sản phẩm kinh điển của thế giới, với thế mạnh về nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, ngay từ cuối năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã lên ý tưởng đưa vở nhạc kịch này lên sân khấu. Mặc dù vậy, trên con đường biến ý tưởng thành hiện thực, chúng tôi phải đương đầu với không ít khó khăn. Đầu tiên là vấn đề bản quyền. Chúng tôi đã liên hệ với sứ quán Pháp, sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp,… cũng như qua email với các công ty bản quyền quốc tế nhưng kết quả nhận được gần như là bất khả thi. Nhưng rất may, đến giờ, mọi việc đều suôn sẻ. VNOB đã có được bản quyền âm nhạc và sẽ chính thức ra mắt công chúng Việt vào ngày 21, 22 tháng 11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

– VNOB đã chuẩn bị như thế nào cho vở nhạc kịch?

+ Ngay từ những ngày đầu tiên, ekip sáng tạo đã trao đổi về ý tưởng kịch bản. Với những gì mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho nhân loại, sự chống chọi ngoan cường của người dân trên toàn thế giới, việc nhường cơm, sẻ áo cho những người bị cách ly… đã khiến chúng tôi nghĩ đến một cách thể hiện mới của “Những người khốn khổ”. Đó là câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển.

Cũng chính vì điều này, chúng tôi đã lựa chọn dàn diễn viên, với trụ cột là các nghệ sĩ Opera nổi tiếng của VNOB, cùng với dàn hợp xướng Hanoi Voices, có thành phần là các nghệ sĩ quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, ekip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là đạo diễn trẻ Triều Dương, tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn nhạc kịch tại Anh, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành biên đạo Broadway tại Mỹ…

Người xem sẽ chờ đợi gì ở “Những người khốn khổ” phiên bản Việt?

+ Xin khẳng định là chúng tôi không cố Việt hóa tác phẩm, cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Là tác phẩm được thực hiện tại Việt Nam và cho khán giả Việt nhưng “Những người khốn khổ” lần này lại sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Từ đó, chúng tôi mong muốn sẽ mang được cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu. Vở diễn sẽ có 2 màn trong thời lượng khoảng 2 tiếng và ở đó, sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp với thời điểm hiện tại. Sẽ không có chi tiết nào bị bỏ qua và cho dù chỉ có 2 tiếng, nhưng Những người khốn khô của VNOB đảm bảo đủ để người xem cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm. Người xem sẽ được sống, cảm nhận cùng các nhân vật trong tác phẩm và có thể nhìn thấy chính mình trong thành phố ấy, môi trường ấy.

Nghệ thuật hàn lâm khó tiếp cận với khán giả, vậy theo chị yếu tố nào đã thu hút công chúng và trong những tác phẩm mà VNOB thể hiện những năm gần đây?

+ Tôi nghĩ, trong thời gian gần đây, VNOB, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ, dám làm, đã từng bước chạm dần đến trái tim của khán giả qua những sản phẩm vừa mang tính hàn lâm, nhưng lại rất đời thường. Những vở nhạc kịch như “Maria de Buenos Aires”, ballet “Kẹp hạt dẻ”, “Peter và Chó sói”, những chương trình nghệ thuật như “Around the world”, “Rock Symphony”… và đặc biệt là vở ballet “Hồ thiên nga” đã đánh thức tâm hồn yêu nghệ thuật của người Việt, giúp công chúng cảm thấy nghệ thuật hàn lâm không còn xa lạ với mình nữa. Họ muốn được xem, được thưởng thức, được tiếp cận nhiều hơn nữa với nền nghệ thuật đỉnh cao của thế giới theo cách mà người Việt nói chung và VNOB đã, đang và sẽ làm.

  • Chúc chị sức khỏe và thành công!

(nhandan.com.vn)

VNOB: Bội thu tại cuộc thi Tài năng Múa 2020

Từ ngày 9 đến ngày 17/10 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã diễn ra cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020 do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Thể hiện được trình độ đỉnh cao, nghệ thuật xuất chúng, các thí sinh đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã giành được 2 giải nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Biên đạo xuất sắc.

Tham dự cuộc thi có hơn 100 vũ công với 4 thể loại ballet, đương đại, dân gian và hiện đại ở TP.HCM và Hà Nội. Hội đồng Giám khảo của Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 là những nhà chuyên môn có uy tín, tài năng như TS., NSND Phạm Anh Phương, TS. NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, Ths. Đoàn Phúc Linh Tâm và hai chuyên gia, Biên đạo múa, Giám đốc Nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật SOUL, Alexander Tú; Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan, ông Arthur Kuggeleyn. VNOB cũng vinh dự có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, là một trong những thành viên chủ chốt của Hội đồng.

Sau 6 ngày tranh tài, Ban giám khảo đã chọn ra 6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 6 giải khuyến khích. Đặc biệt, VNOB, với 3 thí sinh dự thi, đã giành cả 3 giải thưởng quan trọng, trong đó, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu giành Huy chương Vàng Bảng A: Ballet cổ điển Châu Âu và Ballet hiện đại, Nàng “Juliet” Trần Lệ Thanh của VNOB cũng đoạt Huy chương Vàng Bảng B: Đương đại. Đặng Bùi Minh Hiếu cũng giành Huy chương Bạc Bảng A. Và, với 10 tác phẩm tham dự dàn dựng và huấn luyện cùng 2 sinh viên do cô đào tạo đoạt Huy chương Bạc, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Thông qua cuộc thi lần này, các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên và lực lượng sáng tạo nghệ thuật múa đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, bổ ích trong quá trình lao động, biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, tiếp tục trau dồi kỹ thuật biểu diễn, sáng tạo hơn nữa để những tác phẩm nghệ thuật múa có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả. Để tiếp tục phát triển những lớp tài năng biểu diễn Múa kế cận trong thời gian tới, là một nhà giáo đã từng giảng dạy và làm công tác quản lý, đào tạo trong nhiều năm, PGS, TS Tạ Quang Đông đã đưa ra một số yêu cầu thiết thực, thể hiện sự tâm huyết với công tác đào tạo để phát triển ngành múa: “Tôi đề nghị các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động phát triển các kỹ thuật cơ bản, đẩy mạnh nâng cao giảng dạy phần múa Dân gian dân tộc và múa Đương đại, tăng cường thể lực cho học sinh. Đối với các biên đạo, các huấn luyện, cần xác định rõ ý tưởng, phong cách, bố cục rõ ràng của mỗi tiết mục để giúp cho các các em luyện tập có được cảm hứng say mê, phát triển những kỹ năng biểu diễn”.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 đã thành công tốt đẹp. Đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật múa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Sau cuộc thi, mỗi nghệ sĩ, diễn viên sẽ có thêm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng và sự sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển.

Tuyết Hoa


 

Nguyễn Đức Hiếu (VNOB) trong bài biểu diễn tại Cuộc thi
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho các nghệ sĩ
NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc

VNOB tổ chức Hội thi nấu ăn nhân dịp 20-10

Ngày 19-10 vừa qua, tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Ban chấp hành công đoàn đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam trong không khí ấm áp và đặc biệt tổ chức Hội thi nấu ăn cho các nam nghệ sĩ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, khẳng định phụ nữ là kỳ quan đặc biệt nhất trong số các kỳ quan của thế giới. Những đóng góp của phái yếu trong xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập, càng trở nên to lớn. Tuy vậy, Phụ nữ Việt Nam nói chung và VNOB nói riêng mang trong mình những phẩm chất cao quí mà Bác Hồ đã từng trao tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Ở bất cứ cương vị nào, dù là nghệ sĩ, hay những người làm hậu trường, chị em Nhà hát cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình.

Nghệ sĩ Hà Ngọc Thiện, Chủ tịch Công đoàn, tặng hoa cho NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB

Thay mặt cho các cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên nam trong Nhà hát, ông Phan Mạnh Đức, Phó Giám đốc, đã chúc tất cả các chị em luôn hạnh phúc, xinh đẹp và tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có cũng như nét đặc thù của hoạt động nghề nghiệp.

Phần quan trọng nhất của lễ kỷ niệm là Hội thi nấu ăn với sự tham gia của các anh em thuộc 3 đoàn: Đoàn ca kịch, Đoàn Vũ Kịch và Nhóm HC-TCBD. Sau khi lắng nghe phần thuyết trình đầy tâm huyết của các nghệ sĩ, cán bộ nam và chấm điểm thực chất các món ăn, Ban giám khảo đã quyết định trao giải Nhất cho Đoàn ca kịch với 2 món ăn mang tên Hương Việt và Tinh hoa mỹ nhân. 2 đoàn còn lại đồng giải nhì.

Nằm ngoài chương trình kỷ niệm nhưng rất được cán bộ, diễn viên VNOB ủng hộ nhiệt tình chính là sự kiện quyên góp tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung đang đối mặt với thiên tai của Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội cựu chiến binh Nhà hát. Ngay sau lễ phát động, các cán bộ, diễn viên, nhân viên VNOB đã đóng góp một chút tấm lòng với người dân vùng lũ, đồng thời, cũng lập sự kiện trên fanpage kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng. Theo kế hoạch vừa đưa ra, tuần tới, đại diện Đoàn TNCSHCM của Nhà hát, do NSƯT Phan Lương dẫn đầu, sẽ có mặt tại miền Trung để thực hiện đợt cứu trợ.

Tuyết Hoa

Đại diện đoàn Ca kịch thuyết trình về món ăn
Đại diện Đoàn Vũ kịch trình bày về ý nghĩa của món ăn
Đại diện Phòng HC-TCBD thuyết trình
Ban giám khảo chấm các món ăn do các nghệ sĩ nam thực hiện
Giải nhất thuộc về đoàn Ca kịch
Tại buổi lễ, cán bộ, diễn viên, nhân viên VNOB đã ủng hộ cho đồng bào miền Trung

VNOB tham dự Tọa đàm về ngoại giao văn hóa

Nhận lời mời của Bộ Ngoại Giao nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001, ngày 11-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã tham dự cuộc tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong công tác ngoại giao văn hóa”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, điện ảnh, lịch sử, văn học nghệ thuật, hội họa mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, du lịch…Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam góp mặt 3 đại biểu là NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và nhà báo Nguyễn Tuyết Hoa, phó phòng Tổ chức biểu diễn, phụ trách PR và Marketing.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

 

 

 

 

 

 

Mở đầu cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao mỗi quốc gia. Vì vậy, theo Thứ trưởng, thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến…

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

 

Trong những năm qua, công tác ngoại giao văn hóa đã được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Thời gian tới, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ngoại giao văn hóa cần tiếp tục tập trung phát huy gắn kết với nhiệm vụ lớn, đóng góp cho môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm là dịp để những người làm văn hóa ở các lĩnh vực văn hóa khác nhau chia sẻ những ý kiến, đánh giá về công tác ngoại giao văn hóa hiện nay nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh quốc gia.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về văn hóa đã chia sẻ những đánh giá chung về các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, cũng như nêu một số những khó khăn trong việc phổ biến các giá trị, tác phẩm ra công chúng thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu một số những kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm giúp giới nghị sĩ, những người làm về văn hóa quảng bá được hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Trên cương vị là người đứng đầu nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã chia sẻ thực trạng về các chương trình đối ngoại văn hóa của Việt Nam hiện nay. Bà cho biết: “Hiện nay, chúng ta chưa cho nghệ thuật biểu diễn là một kênh, một tiềm năng, niềm tự hào Việt Nam để làm công tác ngoại giao văn hóa… Vì vậy, chúng ta cần những chương trình nghệ thuật thật sự có chất lượng, đươc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cả về yếu tố lịch sử lẫn nghệ thuật. Chúng ta cần những chương trình nghệ thuật được đặt hàng với chất lượng cao, để bạn bè quốc tế thông qua đó, phải ngước nhìn”./.

Tuyết Hoa

NSƯT Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm là Phó Giám đốc VNOB

Ngày 17-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL, NSƯT Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Nhạc kịch, đã chính thức được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định số 2609, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Cùng dự lễ trao quyết định bổ nhiệm còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, ban, đơn vị có liên quan cũng như lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: “Thay mặt ban cán sự, đảng bộ, xin được chúc mừng các đồng chí vừa được bổ nhiệm. Đề nghị các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cùng với các lãnh đạo đơn vị”.

Riêng đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với sự hoàn chỉnh trong cơ cấu tổ chức. Bộ trưởng chia sẻ: “Qua rất nhiều thời kì thì đến nay Nhà hát Nhạc Vũ Kịch mới có bộ máy hoàn chỉnh nhất, với 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Mong các lãnh đạo của các đơn vị có đồng chí được bổ nhiệm tạo điều kiện để các đồng chí được hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

NSƯT Lê Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 6 tuổi anh bắt đầu học Violin dưới sự dẫn dắt của bố, một nghệ sỹ Violin. Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, anh công tác tại Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và hiện đang đảm nhiệm vị trí Concert Master.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, anh đã nhận được lời mời tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc như Bangkok Opera, Asian Orchestra, Sony Symphony Orchestra, Kunming Orchestra.. với vai trò nghệ sỹ solist và leader. Bên cạnh đó anh là người sáng lập và thường xuyên tham gia biểu diễn với các nhóm thính phòng như String Quartet, Chamber music…trong các buổi hòa nhạc hàng năm.

Tuyết Hoa

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL thực hiện thành công chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, tạo nên một đêm trình diễn đỉnh cao về nghệ thuật và dâng trào về cảm xúc…

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, những tiết mục biểu diễn đỉnh cao trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử 75 năm vẻ vang của đất nước, trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng, bước vào công cuộc dựng xây Tổ quốc “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Toà án NDTC Nguyễn Hoà Bình; Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

 

Với ba chương: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, chương trình là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam, tái hiện hành trình vĩ đại của dân tộc từ mốc son chói lọi 75 năm trước cho tới ngày hôm nay.

Mở đầu chương trình là hòa tấu và hợp xướng Mười chín tháng Tám làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của 75 năm trước. Ngược thời gian, không gian, dường như mỗi công chúng được đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, xúc động và tự hào lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, rộn ràng hạnh phúc trong giai điệu của Đất nước trọn niềm vui.

Phần I với chủ đề Đất nước là bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua giọng thơ hào sảng, nồng ấm của Bộ trưởng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng qua các ca khúc: Làng tôi, Biển hát chiều nay, Đêm thành phố đầy sao và khép lại với ca khúc biểu tượng của tình đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn.

Phần II Khát vọng hòa bình đưa khán giả đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước qua những cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng với Đường chúng ta đi, Giải phóng Điện Biên, Bài ca hy vọng, Dáng đứng Việt Nam, Chiều biên giới, Bài ca Thống nhất…

Phần III cũng là chủ đề của chương trình: Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với đất nước. Đất nước tình yêu, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên công trường rộn tiếng ca, đặc biệt là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm.

Mặc dù là chương trình chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhưng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ còn là tiếng nói tri ân tới các vị Vua Hùng để nhắc nhớ về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với lẽ đó, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này, chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá khuôn mẫu. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người sẽ được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối đương đại. Chính vì thế, dàn dựng các tiết mục múa cũng sẽ có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với toàn bộ đoàn Ca kịch và Vũ Kịch, đã tham gia rất tích cực và thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phối hợp tốt với các thành viên khác trong chương trình. Đặc biệt là hoạt cảnh múa kéo dài 10 phút. Đúng với những câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, phần biên đạo được NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng kỹ lưỡng, làm bật lên hình tượng “cùng sinh ra từ một bào thai” đậm chất tạo hình. Biểu tượng về sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước đã được chuyển hóa, thể hiện bằng tất cả những phương diện, công nghệ hiện đại trên sân khấu. Hơn nữa, qua những động tác múa, khán giả còn được thấy về một giai đoạn người Việt phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa… nhưng vẫn đoàn kết để nỗ lực vượt qua, xây dựng được một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.

Với chương II Khát vọng hòa bình và chương III Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, đây là những phần trình diễn liên hoàn thể hiện mạch chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Các tác phẩm được kết nối với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một đất nước có bề dày lịch sử.

Không chỉ thành công ở mảng múa, các nghệ sĩ VNOB còn tạo được ấn tượng mạnh ở phần hát. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng là Tố Loan và Trần Trang đã vinh dự cùng NSND Quốc Hưng thể hiện thành công bài Đường chúng ta đi với sự dàn dựng và phối khí rất công phu, hoành tráng. Bài hát Làng tôi do nhóm Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang và Hương Diệp cũng được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt hay nghệ sĩ Đinh Như Tới cũng thể hiện được chất giọng Tenor cùng với nhóm Phương Bắc trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.

Tuyết Hoa

NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá nặng nề. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối mới. Chính vì sự mới lạ đó, dàn dựng các tiết mục múa cũng có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông thăm và làm việc với VNOB

Ngày 29 tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã đến thăm và làm việc với cán bộ, diễn viên, người lao động Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với mục đích vừa tìm hiểu về thực trạng hoạt động hiện nay, vừa cùng với Ban lãnh đạo Nhà hát tìm cách tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động nghệ thuật sau COVID 19.

Đi cùng với Thứ trưởng có NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cán bộ của Bộ VHTTDL và Cục. Tiếp đoàn có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, các phó giám đốc cùng trưởng, phó các phòng, đoàn của Nhà hát. Tại buổi làm việc,  Thứ trưởng Tạ Quang Đông muốn tìm hiểu kế hoạch hoạt động của đoàn Nhạc kịch, Ca kịch và Vũ kịch cũng như các giải pháp nhằm tăng lượng khán giả đến với Nhà hát, quảng bá sản phẩm, thành tựu của Nhà hát ra xã hội cũng như mong muốn của VNOB trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Báo cáo thực trạng của VNOB, Giám đốc Trần Ly Ly cho biết: “Song song cùng các chương trình nghệ thuật thử nghiệm như Around the world, Rock Symphony,… VNOB đang nỗ lực hướng đến việc đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển tiệm cận với công chúng. Hồ Thiên Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho mục tiêu này. Sắp tới, VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao như vở Opera Những người khốn khổ nhưng theo phong cách Broadway hay vở ballet Romeo và Juliet. Tuy nhiên, VNOB đang gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn nhân lực, khi cả 3 đoàn đều thiếu biên chế. Việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo cũng có nhiều thách thức do thời gian gần đây, Nhà hát hầu như không có chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn”.

Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và lâu dài nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn cho VNOB nói riêng và các nhà hát nói chung. Một trong những giải pháp tạm thời là Cục đã làm việc với các sân khấu của Nhà hát Lớn, Âu Cơ,…. Để giảm giá thuê địa điểm, giúp các Nhà hát có thể sáng đèn trở lại. Mặt khác, về lâu dài, VNOB nên có một địa điểm biểu diễn riêng để hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng kiến nghị Bộ VHTTDL nên có cơ chế đặc thù trong việc hỗ trợ mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, hướng dẫn, cho các nghệ sĩ Ballet, Opera, đào tạo thêm các sinh viên sau khi tốt nghiệp về Nhà hát, đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ ra nước ngoài đào tạo để trong tương lai, Việt Nam có đạo diễn Opera, Broadway… Về phía Nhà hát, ông Vinh cũng cho rằng nên tiến dần đến việc xã hội hóa và tìm kiếm các nguồn thu từ phía khán giả nhiều hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết ông rất thấu hiểu về khó khăn hiện tại của VNOB, đặc biệt khi không có sân khấu riêng, cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những gì VNOB làm được trong thời gian qua, đặc biệt là sự kiện vở Ballet Hồ Thiên Nga đã đạt được thành tựu lớn và lọt vào TOP 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019. Tuy nhiên, để đối phó với những khó khăn do dịch COVID 19 gây ra thời gian qua, VNOB cần tính toán đến việc cân đối ngân sách, giảm số lượng, tăng chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, VNOB cũng cần hướng đến việc tìm nguồn tài trợ nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc xây dựng chương trình chung cho cả 3 đoàn, mỗi đoàn cũng tính đến việc làm riêng các sản phẩm nhỏ như thính phòng, giao hưởng,… Bộ VHTTDL sẵn sàng hỗ trợ trong việc đàm phán giảm giá các địa điểm biểu diễn giúp các nhà hát tiếp tục sáng đèn trở lại. Về công tác đào tạo, Bộ sẽ tính toán việc phối hợp trong thời gian chuyên gia sang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, có thể tổ chức workshop tại Nhà hát cho diễn viên hoặc đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ có nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại nước ngoài.

Tuyết Hoa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nghe báo cáo của NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát về thực trạng VNOB
Toàn cảnh buổi làm việc

Chính thức bổ nhiệm NSƯT Trần Ly Ly làm Giám đốc VNOB

Ngày 28-5 vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức trao quyết định số 1128/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho NSƯT Trần Ly Ly. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 và thời gian thực hiện nhiệm kỳ là 5 năm.

Phát biểu tại lễ trao quyết định bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đây là lễ công bố quyết định bổ nhiệm đầu tiên kể từ sau khi đại dịch COVID 19. Vì vậy, tôi mong muốn các đồng chí được bổ nhiệm nói riêng và tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Hoạt động văn hóa nghệ thuật nên tưng bừng hơn. Các nhà hát tích cực ra mắt các chương trình mới để sân khấu sáng đèn trở lại. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm và rất mong các đồng chí nỗ lực hơn nữa”.

Thay mặt cho các cán bộ được bổ nhiệm, NSƯT Trần Ly Ly, phát biểu: “Chúng tôi rất xúc động trước sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ dồn hết tâm sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự và lãnh đạo Bộ”.

Cùng với NSƯT Trần Ly Ly, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn trao quyết định cho 5 cán bộ khác của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai và Bảo tàng các dân tộc Việt Nam.

Tuyết Hoa