Tag: VNOB

Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly giành giải A tác phẩm dự thi theo Chủ đề Học tập và làm theo Bác

VNOB tham gia các tiết mục nghệ thuật tại Lễ trao giải

Tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã vinh dự nhận giải A với tác phẩm múa “Dũng sĩ rừng Sác”

Tới dự Lễ trao thưởng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và đặc biệt là các văn nghệ sỹ, nhà báo có nhiều thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu ba tại Việt Nam bà Lianys Torres Rivera cùng Phu quân tham dự Chương trình.

Lễ trao giải thưởng nhằm đánh giá kết quả, biểu dương thành tích và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020; động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt huyết, năng lực tiếp tục sáng tác, quảng bá về chủ đề này.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho người sáng tác bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua phát hiện và giới thiệu của các cơ quan tuyên truyền báo chí, văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm "bình dị mà cao quý", "việc nhỏ nghĩa lớn", thể hiện cụ thể, sinh động việc học tập và làm theo gương sáng của Người; góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vinh dự nhận giải A

NSƯT Trần Ly Ly đoạt giải A với tác phẩm “Dũng sĩ rừng Sác”

Nhận được thông báo từ Ban tổ chức mình là một trong 11 cá nhân và tổ chức đạt giải A với tác phẩm múa ‘Dũng sĩ rừng Sác”, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vô cùng xúc động. Phát biểu sau Lễ trao giải, bà chia sẻ: “Đã nhiều lần đứng trên sân khấu, nhưng đây có lẽ là giây phút nhiều cảm xúc nhất đối với tôi. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng ngời trong tâm trí mỗi người Việt Nam nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Với các nghệ sĩ, dùng ngôn ngữ nghệ thuật của chính mình để truyền tải hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của cuộc sống để đem đến cho khán giả, tạo ra cảm xúc năng lượng tích cực cho xã hội. Ý tưởng “Dũng sĩ rừng Sác” đến với tôi rất nhanh. Nói về Cần Giờ, tôi tưởng tượng ra một không gian của rừng Sác, với các chiến sĩ ngâm mình trong nước hàng giờ, chịu đựng cái đói, cái lạnh và sự bao vây của quân thù. Hình ảnh chiến sĩ hy sinh vì bệnh sốt rét trên tay các đồng đội là minh chứng cho sự hy sinh âm thầm, cho đất nước, cho một ngày mai tươi sáng”.

Cùng với giải A dành cho NSƯT Trần Ly Ly, Ban Tổ chức còn trao tặng 2 giải đặc biệt (2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ"; "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez thuộc chuyên ngành Văn học; 10 Giải A; 42 Giải B; 74 Giải C và 99 Giải Khuyến khích được trao thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đã có thành tích xuất sắc trong sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn khen thưởng 42 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.

Đông đảo tác phẩm dự thi

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời, đẹp đẽ về ý chí, khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam để làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân, góp sức tạo nên động lực tinh thần vô giá, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp nối con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn; là niềm tin, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về Bác, như một truyền thống tốt đẹp, kể từ năm 2007 đến nay, cứ 2 năm một lần, Lễ trao giải thưởng được tổ chức để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài, bằng niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác, bằng cảm xúc chân thành từ trái tim và tâm hồn nghệ sỹ, đã có những tác phẩm sáng tác, các hoạt động quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức cho biết, sau 2 năm triển khai đã có gần 6 nghìn tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng. Nhiều nhất là Hà Nội với gần 700 tác phẩm; Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gần 600 tác phẩm; Đồng Nai 469 tác phẩm; Bắc Ninh trên 400 tác phẩm; Cà Mau 384 tác phẩm... Đa số các tác phẩm đã bám sát chủ đề Giải thưởng. Một số tác phẩm có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu, nhiều thời gian.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tham gia biểu diễn tại Lễ trao giải

Phát động Giải thưởng giai đoạn 2020-2025

Với kết quả của 6 đợt trao giải, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ta ở trong và ngoài nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận và biểu dương kết quả to lớn, ý nghĩa nhiều mặt của Giải thưởng, thể hiện tình cảm sâu nặng của các thành phần, giai tầng xã hội đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (1890-2020), tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những năm tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2020-2025.

Tại Lễ trao giải thưởng, khán giả đã thưởng thức một số tác phẩm âm nhạc, múa, sân khấu... được trao giải lần này để cùng trân trọng, tôn vinh những tài năng sáng tạo; đồng thời cùng chia sẻ những trăn trở, tìm tòi của các tác giả về phương pháp, phong cách nghệ thuật để nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục, tính quần chúng trong những sáng tác về chủ đề học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyết Hoa

Video Clip lễ trao giải

Gỡ khó cho các Nhà hát sau dịch bệnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần một chiến lược lâu dài để phát triển

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc của các Nhà hát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các giải pháp sắp tới.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch Tài chính và các Cục, Vụ liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Nhà hát đã báo cáo với Thứ trưởng về tình hình hoạt động trong quý I. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động do các chương trình hoạt động nghệ thuật đều bị hoãn, hủy. Nhiều nhà hát đã không có nguồn thu.

Đơn cử như Rạp Xiếc Trung ương, nếu quý I năm 2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt trên 2,4 tỷ đồng. Trong khi năm nay, nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai đã lỗ vài trăm triệu do công vận chuyển dụng cụ biểu diễn, thuê bến bãi… Chế độ lương thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và tập luyện để không bị xơ, cứng cơ thể…

Đại diện lãnh đạo các nhà hát cũng cho biết, các nghệ sĩ, diễn viên hầu như chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương.

Nhiều Nhà hát, đặc biệt là nhà hát nghệ thuật truyền thống bày tỏ lo lắng, trong thời gian qua, việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghề đã khó khăn thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc giữ các nghệ sĩ gắn bó với nghề càng khó khăn hơn gấp bội. Đại diện các nhà hát cũng đề xuất một số giải pháp và mong muốn Lãnh đạo Bộ VHTTDL có cơ chế hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ với những khó khăn của các Nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Thời điểm đầu năm mới là cơ hội để các Nhà hát biểu diễn phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu nhất trong năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà bị ảnh hưởng lớn. Thứ trưởng đánh giá cao việc nhiều Nhà hát đã chủ động cùng cả nước chống dịch và dù thiệt hại rất nặng nề vẫn có sự âm thầm vượt khó.

Thứ trưởng cho rằng, Lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề mà các Nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có chủ trương hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu phương thức xây dựng Nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các Nhà hát chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn./.

(bvhttdl.gov.vn)

Tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa

Cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, là diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc, thí sinh tự do có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

Cuộc thi chia làm 4 bảng với 4 phong cách múa: Ballet cổ điển và Ballet hiện đại (Bảng A), Đương đại (Bảng B), Dân gian dân tộc, Dân tộc hiện đại và truyền thống (Bảng C); Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ múa có tính chất đường phố – hiphop, popping, breakdance, locking… (Bảng D). Trong đó, Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho thí sinh, nhóm thí sinh xuất sắc mỗi bảng.

Ban Tổ chức cũng cho biết, thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích đăng ký các tác phẩm múa mới sáng tác. Về nội dung, tác phẩm cần có nội dung và thông điệp rõ ràng. Tiêu chí xét giải thưởng được đánh giá qua các yếu tố: kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện; nghệ thuật diễn xuất sáng tạo; ngôn ngữ hình thể và cảm xúc của diễn viên; có sáng tạo riêng về hình thức thể hiện để bộc lộ tài năng.

Gia Linh (https://bvhttdl.gov.vn)

Chương trình múa đương đại Bolero của VNOB

VNOB tham gia ngày hội hiến máu “Trao yêu thương để nhận lại” do Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức

Sáng ngày 3/3, tại Nhà hát Tuổi trẻ, Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng Viện huyết học – truyền máu trung ương tổ chức ngày hội “Trao yêu thương để nhận lại”. Các cán bộ, nghệ sĩ, công chức, viên chức của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tích cực tham gia với tinh thần tự nguyện.

Đây là một trong những hoạt động nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, đạo lý cao đẹp: “Thương người như thể thương thân”. Hành động hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi người.

Cán bộ, nghệ sĩ VNOB tham gia Ngày hội hiến máu

Việc tổ chức lễ phát động nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về giá trị nhân văn cao cả và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Qua đó, giúp công chức, viên chức, người lao động hiểu và tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần cứu chữa những bệnh nhân đang cần máu.

Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu điều trị. Tuy nhiên, số đơn vị máu hiện tại mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu máu cho điều trị.

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL, hiến máu nhân đạo không chỉ là hành động nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của mỗi người mà còn giúp đáp ứng phần nào nhu cầu máu cho điều trị hiện nay.

Ông Nguyễn Tuấn Linh, Chủ tịch Công đoàn Bộ chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ trong ngày hội hiến máu

Bên cạnh đó, hiến máu hoàn toàn không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể. Việc hiến máu thường xuyên sẽ giúp cơ thể giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, ung thư gan, phổi, ruột, dạ dày và cổ họng. Lượng máu đã hiến sẽ được cơ thể nhanh chóng tái tạo, phục vụ cho quá trình tuần hoàn. Hiến máu không mất nhiều thời gian, sức lực nhưng vô cùng cần thiết cho xã hội.

(Theo bvhttdl.gov.vn)

THÔNG CÁO BÁO CHÍ: NSƯT VŨ MẠNH DŨNG TỪ TRẦN

(Hà Nội ngày 19 tháng 2 năm 2020): Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vô cùng thương tiếc báo tin NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng, Phó trưởng Đoàn đoàn Hát đã từ trần lúc 22h10 ngày 18 tháng 2 (tức ngày 25 tháng Giêng) năm 2020 tại nhà riêng, ngõ 609 đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm.

Theo thông tin ban đầu, NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng bị anh vợ là Dương Quang Bình sát hại. Hiện công an đang tiến hành điều tra vụ việc.

NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng sinh ngày 21 tháng 8 năm 1978. Anh hiện là một trong những giọng ca Bariton nổi tiếng hiện nay tại Việt Nam. Anh tốt nghiệp cử nhân sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Họa Trung ương năm 2000. Năm 2004 tốt nghiệp Cử nhân Biểu diễn Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2009, Mạnh Dũng tốt nghiệp suất sắc Thạc sĩ Chuyên ngành Biểu diễn Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Ngay khi nhận được thông tin đau buồn trên, tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vô cùng đau xót và bàng hoàng. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Chúng tôi không thể tin nổi! NSƯT Vũ Mạnh Dũng là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, có tài năng và đức độ. Trong công việc, anh là diễn viên chính trong các vở Opera của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, gần đây nhất là vai Thạch Sơn trong vở Opera nổi tiếng Người tạc tượng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Anh được đánh giá là một trong những nghệ sĩ Opera hàng đầu của Việt Nam. Về công tác quản lý, anh là một người hết sức trách nhiệm, thương mến, chia sẻ với anh em, chịu thương chịu khó, vượt qua rất nhiều khó khăn trong những thời kỳ khác nhau của Nhà hát. Nhà hát vô cùng thương tiếc khi mất đi một nghệ sĩ tài năng, một người chân chính, đức độ. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Ban lãnh đạo cùng các anh em Nhà hát đã có mặt ngay tại hiện trường. Hiện tại, Nhà hát đang phối hợp cùng với gia đình để lo chu đáo tang lễ cho NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng. Nhà hát cũng cùng với tổ chức công đoàn lo lắng cho gia đình của nghệ sĩ”.

Lễ viếng NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng sẽ diễn ra lúc 13.30 đến 14.45 ngày 20 tháng 2 (tức ngày 27 tháng Giêng) năm 2020 tại Nhà tang lễ Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ”.

Tiểu sử của NSƯT, Thạc sĩ Vũ Mạnh Dũng

Năm 2000: tốt nghiệp cử nhân sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Họa Trung ương năm 2000.

Năm 2004; tốt nghiệp Cử nhân Biểu diễn Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Năm 2009, Mạnh Dũng tốt nghiệp suất sắc Thạc sĩ Chuyên ngành Biểu diễn Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

* Các giải thưởng;

– Huy chương vàng bài hát “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh, Hội diễn ngành giáo dục toàn quốc năm 2004.

– Đoạt giải Nhì cuộc thi hát “Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2009”.

– Huy chương Vàng vai diễn Anh Hà trong vở Nhạc kịch Cô Sao của nhạc sỹ Đỗ Nhuận – Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2015

– Cúp Vàng “Festival mùa xuân tháng tư 2016” tại Bình Nhưỡng – CHDCND Triều Tiên

– Năm 2019: Được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT

*Thành tựu nghệ thuật;

– Mạnh Dũng vào vai Papageno trong vở Opera “The Magic flute” của V.A.Mozart rất thành công, chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng vào tháng 9/2006 và tháng 9/2007. Ngoài ra anh còn vào các vai chính như: Don Alfonso trong vở “Cosi fan tutte” V.A.Mozart; Porgy trong vở “Porgy and Bess” của Gershwin; Father’s Hưng trong vở “The Dream and Realthy” âm nhạc Gustav và Trần Mạnh Hùng công diễn tháng 5/2009; Colline trong vở “La Boheme” của Puccini; Vai Merlin phù thủy trong vở “Người đi qua thung lũng” Âm nhạc Pierre Oser. Vai vua Mikado trong vở Opera “Bamboo princess” dự án hợp tác văn hóa Việt Nam – Nhật Bản 01/2015, vai Thạch Sơn trong vở Opera Người tạc tượng năm 2019 …

– Anh đã từng hát solo trong các vở Thanh xướng kịch (Oratorio) như: “Chiếu dời đô” của Dzoãn Nho; “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” của Đinh Quang Hợp; “Sắc sắc không không” của Đỗ Dũng; Giao hưởng số 9 của L.V.Beethoven; Giao hưởng “Đất nước” của Đặng Hữu Phúc; “Mesa Cdur” của V.A.Mozart; “Requiem” của Verdi, Người thợ cạo thành Siviglia trong Around the world và nhiều chương trình hòa nhạc lớn nhỏ…

– Mạnh Dũng đi tu nghiêp tại Italy mùa hè năm 2011.

– Hiện nay anh là Phó trưởng Đoàn đoàn Ca kịch,  nghệ sĩ solist của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; là giảng viên cộng tác Khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giảng viên cộng tác Khoa Thanh nhạc – Đại học VHNT Quân đội.

Link ảnh NSƯT Vũ Mạnh Dũng: https://drive.google.com/drive/folders/1e3kJAOYq59dE5j-ScaFudjPvEdSG2s6G?usp=sharing

Các thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với:

Ms. Nguyễn Tuyết Hoa

Phó phòng, Phụ trách Truyền thông – Marketing Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

ĐT:0913056462

Email:[email protected]: website: https://nhahatnhacvukichvietnam.com

Facebook: Vietnam National Opera and Ballet

VNOB tham dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân dâng Đảng”

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), tối ngày 2/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân dâng Đảng” với không khí trang trọng, hào hùng và tươi vui. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với sự góp mặt của các Nhà hát trực thuộc Bộ, trong đó đặc biệt là màn trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) dưới bàn tay tài năng của Tổng biên đạo múa – Q. Giám đốc Nhà hát, NSƯT Trần Ly Ly.

Dự Chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Chương trình có sự góp mặt của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Đến dự còn có đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, Hà Nội và công chúng Thủ đô.

Chương trình “Mùa xuân dâng Đảng” nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó tôn vinh truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam 90 năm qua.

Chương trình nghệ thuât chủ đề “Mùa xuân dâng Đảng” diễn ra trong 90 phút, gồm 3 phần nội dung chính: “Mùa xuân dâng Đảng”, “Đất nước bốn mùa hoa”, “Tình ca mùa xuân”.

Trong phần 1, khán giả được thưởng thức những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và thể hiện niềm tin son sắt với Đảng của toàn dân tộc thông qua màn đại hợp xướng gồm 3 tác phẩm “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Giai điệu Tổ quốc” và các bài “Đảng là cuộc sống của tôi”, “Lá cờ Đảng”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người là niềm tin tất thắng” cùng dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi.

Ca sĩ Tố Loan của VNOB biểu diễn trong chương trình
Phần thứ 2 “Đất nước bốn mùa hoa” gồm những ca khúc tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, như: “Đất nước”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Tình em”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…

Phần cuối chương trình, khán giả được đến với những ca khúc lãng mạn về mùa xuân và tình yêu: “Cung đàn mùa xuân”, “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, “Quê hương tình yêu tuổi trẻ”, “Em là mầm non của Đảng”…

Những bài hát về Đảng với phần hòa âm đặc sắc được trình bày qua giọng ca truyền cảm, tràn đầy nội lực của các nghệ sỹ, sự hòa quyện đến hoàn hảo của các màn trình diễn múa đến từ VNOB như NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang (hát), NSƯT Phan Lương, NSƯT Quỳnh Nga, NSƯT Nguyễn Thị Cần, Thu Huệ, Thu Hằng (múa)… và các nghệ sĩ của đoàn nhạc kịch, vũ kịch của Nhà hát.

Rất đông khán giả đến thưởng thức chương trình
Với những thành công trong năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) ngày càng được công chúng và giới chuyên môn biết đến nhiều hết khi có mặt ở rất nhiều chương trình nghệ thuật trong dịp Tết Canh Tý vừa qua cũng như trong thời gian tới.

Tuyết Hoa

Màn đại hợp xướng dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi và phần trình diễn chính của Đoàn nhạc kịch VNOB
3 ca sĩ và các nghệ sĩ Ballet của VNOB với phần trình bày xuất sắc tại chương trình
Các nghệ sĩ múa của VNOB

Hồ Thiên nga của VNOB được bình chọn là sự kiện văn hoá tiêu biểu 2019

Sự trở lại của tuyệt phẩm Ballet “Hồ Thiên nga” sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn đã lọt top 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch năm 2019 do Bộ VHTT&DL tổ chức bình chọn.

Tối 9/1, Bộ VHTTDL đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2019. Trong số 10 sự kiện được công bố có sự góp mặt của tuyệt phầm Ballet Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với số phiếu rất cao.

Sự trở lại của ballet “Hồ Thiên Nga” sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn được trở lại với khán giả Việt với toàn bộ ekip sáng tạo và sản xuất đều đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Với sự nỗ lực không kể ngày đêm liên tục trong suốt 6 tháng của những nghệ sĩ tài năng, ngay lập tức, “Hồ Thiên nga” đã 7 đêm diễn đều “cháy vé” trước đó cả tháng trời.

Tuyệt phẩm Hồ Thiên Nga của VNOB được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình dù diễn trong Nhà hát Lớn hay sân khấu ngoài trời

Cùng với Hồ Thiên Nga, các sự kiện văn hóa được bình chọn gồm Luật Thư viện – Động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Si sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Tôn vinh 100 năm Nghệ thuật Sân khấu Cải lương.

Lĩnh vực thể thao và 3 sự kiện, trong đó nổi bật là sự kiện Đoàn Thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30). Tại Đại hội SEA Games 30, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra là có mặt trong tốp 3 toàn đoàn.

Đặc biệt đây là kỳ SEA Games thành công nhất trên sân khách khi chúng ta vượt qua Thái Lan để có mặt ở vị trí thứ 2/11 quốc gia dự Đại hội. Đây cũng là kỳ SEA Games thành công trọn vẹn của thể thao Việt Nam khi cả hai Đội tuyển bóng đá nam, nữ đều giành Huy chương Vàng; các môn Olympic như điền kinh, bơi… tiếp tục khẳng định vị thế và sức mạnh.

Lĩnh vực du lịch có 3 sự kiện được chọn. Đáng chú ý nhất là sự kiện năm 2019, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 726.000 tỷ đồng, tăng trên 17,1%, trong đó tháng 11/2019 cán mốc tăng trưởng cao nhất đạt kỷ lục 1,81 triệu lượt/tháng.
Du lịch Việt Nam liên tiếp nhiều năm được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp trong số 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách nhanh nhất thế giới. Với kết quả trên, những mục tiêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang thành hiện thực. Đây cũng là kỷ lục về lượng khách quốc tế đón được trong 1 năm trong lịch sử gần 60 năm ngành Du lịch.

Các sự kiện được bình chọn trên tổng số 39 hồ sơ đề cử sự kiện từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở văn hóa, thể thao và du lịch; sở văn hóa và thể thao; sở du lịch; sở văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó lĩnh vực văn hóa có 21 hồ sơ đề cử, thể thao có 11 hồ sơ đề cử và lĩnh vực du lịch có 7 hồ sơ đề cử.

Trên cơ sở hồ sơ đề cử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, lựa chọn 15 sự kiện tiêu biểu giới thiệu bình chọn dưới hai hình thức: Tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn, thời gian bình chọn 5 ngày (từ ngày 2-1 đến 6-1-2020) với sự tham gia của toàn thể độc giả trên toàn quốc và tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 3-1-2020 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.

Tuyết Hoa

VNOB giành 4 giải cá nhân tại cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2019

Sau một thời gian dài tạm dừng, đầu tháng 12 vừa qua, Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu đã được khởi động trở lại tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, với sự thay đổi mang tính đột phá về công nghệ giải trí. Các ca sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) cũng có mặt và giành nhiều giải thưởng. Trong đó, ca sĩ Đào Tố Loan và Huy Đức đã xuất sắc đoạt giải Nhì bảng B – Bảng dành cho ca sĩ chuyên nghiệp.

Cuộc thi vẫn có sức thu hút mạnh mẽ khi có tới gần 170 thí sinh trên mọi miền của đất nước cùng về tranh tài và toả sáng tại các bảng dành cho các độ tuổi khác nhau với các chuyên ngành Thanh nhạc, Độc tấu Piano, Violin và Hoà tấu.

Cuộc thi được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng giữa các hoạt động nghệ thuật trong năm, là dịp để các thí sinh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng dành cho âm nhạc cổ điển.

Nghệ sĩ Tố Loan giành giải Nhì bảng B

 

Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, bên cạnh các Giáo sư, Tiến sĩ, các NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển, Ban Tổ chức đã mời thêm các chuyên gia dầy dạn kinh nghiệm về các bộ môn Violin, Thanh nhạc và Piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungary, Pháp và Nga cùng tham gia các hội đồng. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ giao lưu, tiếp xúc để học hỏi bổ sung thêm những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế.

Thay mặt Hội đồng giám khảo của 4 bộ môn, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã đánh giá tổng kết về chất lượng cuộc thi. Trước hết, về bộ môn Violin đã có 17 thí sinh đăng ký dự thi, tuy số lượng còn ít nhưng các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao.

Ca sĩ trẻ Bùi Trang lần đầu tham dự đã giành giải Khuyến khích

Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng có phần lấn át dòng nhạc cổ điển, từ đó hát cổ điển thính phòng ít có cơ hội phát triển như trước. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, phương pháp hát cổ điển vẫn còn được duy trì phát triển, bởi nó là cơ sở khoa học tạo điều kiện cho dòng hát nghiêm túc phát triển vững vàng.

Tại cuộc thi này, các nghệ sĩ của VNOB đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng. Cụ thể: Đào Tố Loan, Huy Đức đoạt giải Nhì, Hương Diệp đạt giải Ba, và Bùi Trang giành giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về Phạm Khánh Ngọc (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Tú (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Tuyết Hoa

Nghệ sĩ Nga học múa ở VNOB

Trong khuôn khổ năm Nga tại Việt Nam và năm Việt Nam tại Nga 2019-2020, Đoàn muá dân gian nước cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga đã có mặt tại Việt Nam từ ngày 28/11 đến ngày 5/12 để thực hiện tour lưu diễn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Trong chương trình lưu diễn này, đoàn đã dành trọn một buổi sáng để đến Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tham gia một chương trình giao lưu và học các điệu múa dân gian của Việt Nam.

Có mặt tại trụ sở của VNOB từ 9.30 sáng, gần 50 nghệ sỹ trẻ của Đoàn múa dân gian nước cộng hòa Bashkortostan, dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Almaz Saiatov, đã được lãnh đạo VNOB đón tiếp một cách chu đáo, với bài phát biểu chào mừng của ông Đỗ Hoàng Phương, Phó Giám đốc Nhà hát. Ông Phương đã nhấn mạnh đến mối quan hệ bền chặt giữa hai nước nói chung, cũng như sự hỗ trợ của Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo các nghệ sĩ múa của Việt Nam nói riêng. Ông cũng hy vọng các bạn Nga sẽ có buổi trải nghiệm về múa dân gian Việt Nam thú vị và hiệu quả.

Tiếp đó, các nghệ sĩ Nga đã được tham gia tìm hiểu và học 3 điệu múa dân gian của Việt Nam, trong đó có điệu múa ngón tay và múa quạt của người Kinh và 1 điệu múa của người Khơ Mú. Các nghệ sĩ trẻ của Đoàn đã rất thích thú khi được chứng kiến sự mềm mại, đầy chất thơ và khéo léo của những ngón tay trong điệu múa. Bên cạnh đó, đoàn cũng được giới thiệu về nét đẹp văn hóa của người Việt thông qua trang phục và phong cách biểu diễn múa.

Ông Almaz Saitov, Giám đốc Đoàn muá dân gian nước cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga, cho biết: “Chúng tôi rất vui được có mặt ở Việt Nam để tham gia chương trình văn hóa trong khuôn khổ năm chéo giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Tại VNOB, chúng tôi có cơ hội được học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế những điệu múa dân gian của đất nước các bạn. Tôi hy vọng mối quan hệ của hai nước nói chung và hai đoàn nói riêng sẽ ngày càng phát triển”.

Tuyết Hoa

 

 

 

 

 

VNOB tổ chức workshop Opera

Trong 3 ngày cuối tháng 11 vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tổ chức workshop về Opera cho các nghệ sĩ thuộc đoàn Hát với sự dẫn dắt của đạo diễn nổi tiếng người Đức, Beverly Blankenship.

Lấy bối cảnh thực tế từ vở nhạc kịch nổi tiếng Trường học tình yêu (Cosi fan Tutte) của nhạc sĩ thiên tài Mozart, đạo diễn Beverly Blankenship đã đưa các nghệ sĩ Opera của VNOB xử lý từng trường đoạn.  Tập trung chủ yếu vào khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ Opera, bà Beverly Blankenship đã hướng dẫn nhiều kỹ năng trình diễn hiện đại, áp dụng các tình huống khác nhau trong cùng một vấn đề. Trong suốt 3 ngày diễn ra workshop, các nghệ sĩ của VNOB đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là khả năng sáng tạo và tự tin thực hiện vai diễn của mình. NSƯT Nguyễn Mạnh Dũng, Phó trưởng đoàn Hát của VNOB, cho biết: “Đây là cơ hội rất quý cho các nghệ sĩ Opera của Việt Nam nói chung và VNOB nói riêng, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ chưa có cơ hội được tham gia vở nhạc kịch Trường học tình yêu, được trải nghiệm và thử thách bản thân”.

Còn đạo diễn Beverly Blankenship thì rất vui trước thành quả đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nghệ sĩ của VNOB. Bà chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi được quay trở lại Việt Nam để hướng dẫn cho các nghệ sĩ của Nhà hát. Sau những thành công của các vở diễn trước đây, với khả năng và kinh nghiệm, cộng thêm những kỹ năng mới có được tại workshop này, tôi hy vọng VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt khán giả những vở nhạc kịch nổi tiếng trong thời gian tới”.

Là người đưa ra ý tưởng tổ chức workshop này, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, khẳng định “VNOB sẽ tiếp tục sự nghiệp đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và Opera nói riêng tiệm cận ngày càng gần hơn với công chúng. Mà để làm được điều đó, đào tạo kỹ năng và được lắng nghe kinh nghiệm từ các đạo diễn nổi tiếng thế giới là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những workshop như thế này không chỉ ở Opera, mà còn cả ở Ballet và dàn nhạc của VNOB”.

Tuyết Hoa