Tin tức

VNOB tham dự Tọa đàm về ngoại giao văn hóa

Nhận lời mời của Bộ Ngoại Giao nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001, ngày 11-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã tham dự cuộc tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong công tác ngoại giao văn hóa”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, điện ảnh, lịch sử, văn học nghệ thuật, hội họa mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, du lịch…Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam góp mặt 3 đại biểu là NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và nhà báo Nguyễn Tuyết Hoa, phó phòng Tổ chức biểu diễn, phụ trách PR và Marketing.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

 

 

 

 

 

 

Mở đầu cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao mỗi quốc gia. Vì vậy, theo Thứ trưởng, thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến…

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

 

Trong những năm qua, công tác ngoại giao văn hóa đã được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Thời gian tới, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ngoại giao văn hóa cần tiếp tục tập trung phát huy gắn kết với nhiệm vụ lớn, đóng góp cho môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm là dịp để những người làm văn hóa ở các lĩnh vực văn hóa khác nhau chia sẻ những ý kiến, đánh giá về công tác ngoại giao văn hóa hiện nay nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh quốc gia.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về văn hóa đã chia sẻ những đánh giá chung về các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, cũng như nêu một số những khó khăn trong việc phổ biến các giá trị, tác phẩm ra công chúng thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu một số những kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm giúp giới nghị sĩ, những người làm về văn hóa quảng bá được hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Trên cương vị là người đứng đầu nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã chia sẻ thực trạng về các chương trình đối ngoại văn hóa của Việt Nam hiện nay. Bà cho biết: “Hiện nay, chúng ta chưa cho nghệ thuật biểu diễn là một kênh, một tiềm năng, niềm tự hào Việt Nam để làm công tác ngoại giao văn hóa… Vì vậy, chúng ta cần những chương trình nghệ thuật thật sự có chất lượng, đươc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cả về yếu tố lịch sử lẫn nghệ thuật. Chúng ta cần những chương trình nghệ thuật được đặt hàng với chất lượng cao, để bạn bè quốc tế thông qua đó, phải ngước nhìn”./.

Tuyết Hoa

NSƯT Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm là Phó Giám đốc VNOB

Ngày 17-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL, NSƯT Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Nhạc kịch, đã chính thức được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định số 2609, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Cùng dự lễ trao quyết định bổ nhiệm còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, ban, đơn vị có liên quan cũng như lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: “Thay mặt ban cán sự, đảng bộ, xin được chúc mừng các đồng chí vừa được bổ nhiệm. Đề nghị các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cùng với các lãnh đạo đơn vị”.

Riêng đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với sự hoàn chỉnh trong cơ cấu tổ chức. Bộ trưởng chia sẻ: “Qua rất nhiều thời kì thì đến nay Nhà hát Nhạc Vũ Kịch mới có bộ máy hoàn chỉnh nhất, với 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Mong các lãnh đạo của các đơn vị có đồng chí được bổ nhiệm tạo điều kiện để các đồng chí được hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

NSƯT Lê Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 6 tuổi anh bắt đầu học Violin dưới sự dẫn dắt của bố, một nghệ sỹ Violin. Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, anh công tác tại Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và hiện đang đảm nhiệm vị trí Concert Master.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, anh đã nhận được lời mời tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc như Bangkok Opera, Asian Orchestra, Sony Symphony Orchestra, Kunming Orchestra.. với vai trò nghệ sỹ solist và leader. Bên cạnh đó anh là người sáng lập và thường xuyên tham gia biểu diễn với các nhóm thính phòng như String Quartet, Chamber music…trong các buổi hòa nhạc hàng năm.

Tuyết Hoa

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL thực hiện thành công chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, tạo nên một đêm trình diễn đỉnh cao về nghệ thuật và dâng trào về cảm xúc…

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, những tiết mục biểu diễn đỉnh cao trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử 75 năm vẻ vang của đất nước, trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng, bước vào công cuộc dựng xây Tổ quốc “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Toà án NDTC Nguyễn Hoà Bình; Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

 

Với ba chương: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, chương trình là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam, tái hiện hành trình vĩ đại của dân tộc từ mốc son chói lọi 75 năm trước cho tới ngày hôm nay.

Mở đầu chương trình là hòa tấu và hợp xướng Mười chín tháng Tám làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của 75 năm trước. Ngược thời gian, không gian, dường như mỗi công chúng được đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, xúc động và tự hào lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, rộn ràng hạnh phúc trong giai điệu của Đất nước trọn niềm vui.

Phần I với chủ đề Đất nước là bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua giọng thơ hào sảng, nồng ấm của Bộ trưởng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng qua các ca khúc: Làng tôi, Biển hát chiều nay, Đêm thành phố đầy sao và khép lại với ca khúc biểu tượng của tình đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn.

Phần II Khát vọng hòa bình đưa khán giả đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước qua những cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng với Đường chúng ta đi, Giải phóng Điện Biên, Bài ca hy vọng, Dáng đứng Việt Nam, Chiều biên giới, Bài ca Thống nhất…

Phần III cũng là chủ đề của chương trình: Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với đất nước. Đất nước tình yêu, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên công trường rộn tiếng ca, đặc biệt là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm.

Mặc dù là chương trình chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhưng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ còn là tiếng nói tri ân tới các vị Vua Hùng để nhắc nhớ về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với lẽ đó, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này, chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá khuôn mẫu. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người sẽ được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối đương đại. Chính vì thế, dàn dựng các tiết mục múa cũng sẽ có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với toàn bộ đoàn Ca kịch và Vũ Kịch, đã tham gia rất tích cực và thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phối hợp tốt với các thành viên khác trong chương trình. Đặc biệt là hoạt cảnh múa kéo dài 10 phút. Đúng với những câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, phần biên đạo được NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng kỹ lưỡng, làm bật lên hình tượng “cùng sinh ra từ một bào thai” đậm chất tạo hình. Biểu tượng về sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước đã được chuyển hóa, thể hiện bằng tất cả những phương diện, công nghệ hiện đại trên sân khấu. Hơn nữa, qua những động tác múa, khán giả còn được thấy về một giai đoạn người Việt phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa… nhưng vẫn đoàn kết để nỗ lực vượt qua, xây dựng được một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.

Với chương II Khát vọng hòa bình và chương III Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, đây là những phần trình diễn liên hoàn thể hiện mạch chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Các tác phẩm được kết nối với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một đất nước có bề dày lịch sử.

Không chỉ thành công ở mảng múa, các nghệ sĩ VNOB còn tạo được ấn tượng mạnh ở phần hát. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng là Tố Loan và Trần Trang đã vinh dự cùng NSND Quốc Hưng thể hiện thành công bài Đường chúng ta đi với sự dàn dựng và phối khí rất công phu, hoành tráng. Bài hát Làng tôi do nhóm Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang và Hương Diệp cũng được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt hay nghệ sĩ Đinh Như Tới cũng thể hiện được chất giọng Tenor cùng với nhóm Phương Bắc trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.

Tuyết Hoa

NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá nặng nề. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối mới. Chính vì sự mới lạ đó, dàn dựng các tiết mục múa cũng có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tham gia cuộc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chiều 30-7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ (TTNKHVNS) nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2020). Cùng dự có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, khoảng 200 đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ (TTNKHVNS) tiêu biểu, trong đó có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Cuộc gặp diễn ra nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 – 1-8-2020); đồng thời tôn vinh những cống hiến to lớn của giới TTNKHVNS vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo, văn học và nghệ thuật…

Tại buổi gặp mặt, đại diện một số TTNKHVNS đã phát biểu bày tỏ lòng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; trình bày tâm tư, nguyện vọng, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan các kiến nghị về cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, phát huy mạnh mẽ hơn nữa mọi tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ trí thức để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Theo đó, các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tập trung vào tận dụng lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là phát triển dữ liệu lớn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp thông minh, thương mại điện tử, nông nghiệp công nghệ cao…

Các đại biểu đại diện cho các văn nghệ sĩ bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho giới văn nghệ sĩ được đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà…

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bày tỏ ấn tượng những ý kiến đóng góp của các TTNKHVNS; nêu rõ, mong muốn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa để Đảng, Nhà nước để có định hướng tốt hơn cho sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn học nghệ thuật.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới đội ngũ TTNKHVNS, những người làm công tác Tuyên giáo cả nước những tình cảm sâu nặng, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, công tác Tuyên giáo là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đó là chính trị, tư tưởng và tổ chức; đóng vai trò bảo vệ và phát huy những giá trị, nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tuyên truyền cổ động văn hoá, văn nghệ, công tác báo chí, giáo dục, khoa học công nghệ; tổ chức, đóng vai trò đi trước mở đường trong phát triển kinh tế-xã hội; có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, xây dựng sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đưa đến thắng lợi vẻ vang cho đất nước, bảo đảm trường tồn của Đảng…

Những thành tựu vĩ đại cách mạng vĩ đại của Đảng ta suốt 90 năm qua có sự đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo, mà trực tiếp người trực tiếp làm công tác Tuyên giáo – những chiến sĩ dũng cảm, kiên trung trên mặt trận tư tưởng văn hoá. Đảng, Nhà nước cần vinh danh nhiều hơn nữa cả về vật chất và tinh thần trên các lĩnh vực này. Dấu ấn 90 năm của ngành Tuyên giáo có vai trò to lớn của đội ngũ TTNKHVNS nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ TTNKHVNS đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, đóng góp công sức tài năng trí tuệ, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc đại dịch COVID-19, đội ngũ TTNKHVNS đã kịp thời vào cuộc, nghiên cứu sản xuất bộ kit xét nghiệm, vật tư y tế, phần mềm khai báo y tế, truy vết; sáng tác nhiều tác phẩm động viên, công tác Tuyên giáo góp phần tuyên truyền công tác phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới chuyển sang trạng thái bình thường mới. Điều này góp phần làm cho thế giới hiểu rằng Việt Nam không còn là một cuộc chiến tranh, mà thực sự là trở thành biểu tượng của hoà bình, luôn nuôi dưỡng trong mình khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường, không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới.

Đội ngũ TTNKHVNS luôn có tinh thần cống hiến, yêu nước, trung thành với Tổ quốc. Dân tộc ta luôn có truyền thống coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đảng, Nhà nước luôn coi trọng, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế chính sách quan tâm xây dựng phát triển đội ngũ TTNKHVNS cả về số lượng và chất lượng; luôn trân trọng, ghi nhận công lao đóng góp, thấu hiểu mọi khó khăn, đồng thời luôn tạo mọi điều kiện cho đội ngũ TTNKHVNS đóng góp sức mình cho sự nghiệp phát triển đất nước. Chúng ta cũng cần có thêm nhiều hình thức vinh danh, tưởng thưởng xứng đáng cả vật chất, tinh thần, kiến tạo môi trường tự do sáng tạo cho đội ngũ TTNKHVNS.

Bày tỏ vui mừng được gặp những gương mặt đại biểu tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nước nhà, Thủ tướng nêu rõ, trong xu thế toàn cầu hoá, nền kinh tế tri thức, cách mạng khoa học công nghệ, nhất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những đột phá có ảnh hưởng to lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Từ thế kỷ 21 trở đi, không phải tài nguyên đất đai, tài nguyên tự nhiên mà chính là con người với chất xám và khả năng sáng tạo mới là tài nguyên quý giá nhất; tri thức là tài nguyên duy nhất, càng khai thác, càng sinh sôi nảy nở.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặt niềm tin và sự kỳ vọng vào đội ngũ TTNKHVNS; mong đội ngũ tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại những điều tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Thủ tướng khẳng định, trong một thế giới phẳng, thách thức lớn đặt ra cho đội ngũ TTNKHVNS chính là bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc, hoà nhập chứ không hoà tan. Các văn nghệ sĩ, trí thức ngày nay cũng là chiến sĩ, luôn đề cao cảnh giác, đấu tranh trên mặt trận này, truyền cảm hứng về tinh thần, lý tưởng phụng sự quốc gia, độc lập tự cường, thịnh vượng của đất nước Việt Nam. Đây là nhiệm vụ sống còn, thể hiện niềm tin, niềm tự hào của tinh thân dân tộc, chảy trong huyết quản của mỗi chúng ta.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đội ngũ TTNKHVNS tiếp tục đóng góp hết sức quan trọng trong nghiên cứu, sáng tạo, đề xuất, phản biện chính sách, triển khai đường lối của Đảng, Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Một dân tộc giàu chưa phải là dân tộc mạnh, một dân tộc mạnh phải có khả năng trường tồn, một dân tộc mạnh phải có quyết tâm để trở thành dân tộc giàu; một dân tộc có bề dày hơn 4.000 năm lịch sử văn hiến, sinh ra nhiều hiền tài, có khí phách chống lại hàng trăm cuộc xâm lăng của ngoại bang thì đó phải là dân tộc mạnh, không thể để thế giới coi thường, không thể là dân tộc nghèo. Đây chính là nền tảng sức mạnh để chúng ta cùng chung tay thực hiện.

Hướng tới thời điểm năm 2030 là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, cũng là 100 năm thành lập ngành Tuyên giáo, với những nét son sáng chói trong những năm qua, Thủ tướng tin tưởng ngành Tuyên giáo sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy hơn nữa truyền thống, giành được những thành tựu to lớn hơn, vinh quang hơn.

Theo nhandan.com.vn

Thứ trưởng Tạ Quang Đông thăm và làm việc với VNOB

Ngày 29 tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã đến thăm và làm việc với cán bộ, diễn viên, người lao động Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với mục đích vừa tìm hiểu về thực trạng hoạt động hiện nay, vừa cùng với Ban lãnh đạo Nhà hát tìm cách tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động nghệ thuật sau COVID 19.

Đi cùng với Thứ trưởng có NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cán bộ của Bộ VHTTDL và Cục. Tiếp đoàn có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, các phó giám đốc cùng trưởng, phó các phòng, đoàn của Nhà hát. Tại buổi làm việc,  Thứ trưởng Tạ Quang Đông muốn tìm hiểu kế hoạch hoạt động của đoàn Nhạc kịch, Ca kịch và Vũ kịch cũng như các giải pháp nhằm tăng lượng khán giả đến với Nhà hát, quảng bá sản phẩm, thành tựu của Nhà hát ra xã hội cũng như mong muốn của VNOB trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Báo cáo thực trạng của VNOB, Giám đốc Trần Ly Ly cho biết: “Song song cùng các chương trình nghệ thuật thử nghiệm như Around the world, Rock Symphony,… VNOB đang nỗ lực hướng đến việc đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển tiệm cận với công chúng. Hồ Thiên Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho mục tiêu này. Sắp tới, VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao như vở Opera Những người khốn khổ nhưng theo phong cách Broadway hay vở ballet Romeo và Juliet. Tuy nhiên, VNOB đang gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn nhân lực, khi cả 3 đoàn đều thiếu biên chế. Việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo cũng có nhiều thách thức do thời gian gần đây, Nhà hát hầu như không có chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn”.

Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và lâu dài nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn cho VNOB nói riêng và các nhà hát nói chung. Một trong những giải pháp tạm thời là Cục đã làm việc với các sân khấu của Nhà hát Lớn, Âu Cơ,…. Để giảm giá thuê địa điểm, giúp các Nhà hát có thể sáng đèn trở lại. Mặt khác, về lâu dài, VNOB nên có một địa điểm biểu diễn riêng để hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng kiến nghị Bộ VHTTDL nên có cơ chế đặc thù trong việc hỗ trợ mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, hướng dẫn, cho các nghệ sĩ Ballet, Opera, đào tạo thêm các sinh viên sau khi tốt nghiệp về Nhà hát, đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ ra nước ngoài đào tạo để trong tương lai, Việt Nam có đạo diễn Opera, Broadway… Về phía Nhà hát, ông Vinh cũng cho rằng nên tiến dần đến việc xã hội hóa và tìm kiếm các nguồn thu từ phía khán giả nhiều hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết ông rất thấu hiểu về khó khăn hiện tại của VNOB, đặc biệt khi không có sân khấu riêng, cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những gì VNOB làm được trong thời gian qua, đặc biệt là sự kiện vở Ballet Hồ Thiên Nga đã đạt được thành tựu lớn và lọt vào TOP 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019. Tuy nhiên, để đối phó với những khó khăn do dịch COVID 19 gây ra thời gian qua, VNOB cần tính toán đến việc cân đối ngân sách, giảm số lượng, tăng chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, VNOB cũng cần hướng đến việc tìm nguồn tài trợ nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc xây dựng chương trình chung cho cả 3 đoàn, mỗi đoàn cũng tính đến việc làm riêng các sản phẩm nhỏ như thính phòng, giao hưởng,… Bộ VHTTDL sẵn sàng hỗ trợ trong việc đàm phán giảm giá các địa điểm biểu diễn giúp các nhà hát tiếp tục sáng đèn trở lại. Về công tác đào tạo, Bộ sẽ tính toán việc phối hợp trong thời gian chuyên gia sang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, có thể tổ chức workshop tại Nhà hát cho diễn viên hoặc đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ có nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại nước ngoài.

Tuyết Hoa

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nghe báo cáo của NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát về thực trạng VNOB
Toàn cảnh buổi làm việc

Chính thức bổ nhiệm NSƯT Trần Ly Ly làm Giám đốc VNOB

Ngày 28-5 vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức trao quyết định số 1128/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho NSƯT Trần Ly Ly. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 và thời gian thực hiện nhiệm kỳ là 5 năm.

Phát biểu tại lễ trao quyết định bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đây là lễ công bố quyết định bổ nhiệm đầu tiên kể từ sau khi đại dịch COVID 19. Vì vậy, tôi mong muốn các đồng chí được bổ nhiệm nói riêng và tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Hoạt động văn hóa nghệ thuật nên tưng bừng hơn. Các nhà hát tích cực ra mắt các chương trình mới để sân khấu sáng đèn trở lại. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm và rất mong các đồng chí nỗ lực hơn nữa”.

Thay mặt cho các cán bộ được bổ nhiệm, NSƯT Trần Ly Ly, phát biểu: “Chúng tôi rất xúc động trước sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ dồn hết tâm sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự và lãnh đạo Bộ”.

Cùng với NSƯT Trần Ly Ly, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn trao quyết định cho 5 cán bộ khác của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai và Bảo tàng các dân tộc Việt Nam.

Tuyết Hoa

Muốn khán giả tới nhà hát, phải có những chương trình nghệ thuật chất lượng

Thống nhất với giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL biểu diễn đồng loạt trên nhiều sân khấu để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu phim sau ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng điều quan trọng nhất đặt ra đối với ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay đó là phải có những tác phẩm hay, chất lượng. Đây là nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị Khối nghệ thuật trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch COVID-19 vào sáng 19/5.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị nghệ thuật

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lãnh đạo Bộ  nắm rất rõ những khó khăn mà các nhà hát và các  nghệ sĩ đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua và  Bộ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho các nhà hát. Tuy nhiên mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có thể nhìn lại mình. Hết giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường đối với mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Đây cũng là lúc nghệ thuật  phải có sự thay đổi tư duy trong sáng tạo. “Có quá nhiều những chương trình nghệ thuật thể hiện một cách làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật xin hãy đừng kêu ca vì sao không có khán giả? 12 nhà hát của Bộ VHTTDL phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Phải  dàn dựng  những tác phẩm hay, có chất lượng và thực sự đi vào lòng người xem. Nghệ thuật cần được nâng cấp sao cho đẹp hơn, hấp dẫn ngay từ khâu dàn dựng, thiết kế sân khấu hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức được hai chương trình nghệ thuật đặc biệt, tạo được những dấu ấn khó quên đối với khán giả đó là Mùa xuân dâng Đảng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2020) và Dâng Người tiếng hát mùa xuân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020). Là chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị với những tiết mục về Đảng, về Bác Hồ nhưng điều thú vị mà khán giả cũng như đông đảo những người làm nghệ thuật ghi nhận chính là ở sự công phu đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo. Theo đề xuất của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thống nhất với giải pháp sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của Bộ tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng như tại địa điểm biểu diễn của  đơn vị. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt trên các địa điểm như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Nhà hát Lớn, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ… Với các nhà hát chưa có địa điểm biểu diễn cố định như Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Kịch VN sẽ được Bộ bố trí biểu diễn ở các địa điểm của các nhà hát khác như: Nhà hát Lớn, Nhà hát Kim Mã… Theo dự kiến, Nhà hát Kịch VN sẽ mở đầu với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối thứ 7 ngày 23.5, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối  24.5.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL bố trí mua vé ủng hộ cho các chương trình này.Việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các nhà hát của Bộ VHTTDL bởi ảnh hưởng của mùa dịch đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đối với nghệ thuật để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp biểu diễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà hát đều có chung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn có định hướng lâu dài hơn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các nhà hát, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống… Ngay cả với bài toán về khán giả cũng cần có những dự án để làm sao có thể xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là việc tiếp cận với khán giả trẻ.

HIỀN LƯƠNG, Ảnh : TRẦN HUẤN (baovanhoa.vn)

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật “Dâng người tiếng hát mùa Xuân”

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), tối 17-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với sự góp mặt chính của ekip đạo diễn, biên đạo múa và các diễn viên lên tới hơn 60 người của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Ðài Truyền hình Việt Nam.

Đến dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Đến dự còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.

“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tuyên truyền sâu rộng, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, các nghệ sỹ thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Người; góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Chương trình nghệ thuật “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” được chia thành ba phần: “Người là Hồ Chí Minh”, “Những bông hoa trong vườn Bác” và “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân”.

Trong phần đầu “Người là Hồ Chí Minh”, các nghệ sỹ gửi tới công chúng những tác phẩm ngợi ca thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh cống hiến của Người với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giải phóng dân tộc Việt Nam và với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

Các tác phẩm được trình diễn trong phần này đều là những ca khúc nổi tiếng, được nhiều thế hệ công chúng Việt Nam biết đến như: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác An Thuyên); “Dấu chân phía trước” (sáng tác Phạm Minh Tuấn), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (sáng tác Văn Cao), “Đôi dép Bác Hồ” (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (sáng tác Trần Chung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (sáng tác Huy Thục), “Người là Hồ Chí Minh” (sáng tác Ewan MacColl).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tình cảm đặc biệt, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”…

Phần 2 của chương trình có tên gọi “Những bông hoa trong vườn Bác”, gồm các tác phẩm chọn lọc, mang âm hưởng vùng miền, đại diện các dân tộc, thể hiện lòng biết ơn, ngợi ca công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là các ca khúc: “Những bông hoa trong vườn Bác” (sáng tác Văn Dung), “Suối Lê Nin” (âm nhạc Phạm Tuyên, thơ Trần Văn Loa), “Miền Trung nhớ Bác” (sáng tác Thuận Yến); “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (âm nhạc Lưu Cầu, thơ Trần Nhật Lam), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (sáng tác Lê Lôi), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (sáng tác Thuận Yến)…

“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là phần cuối của chương trình, với các tác phẩm “Trông cây lại nhớ tới Người” (sáng tác Đỗ Nhuận – Đỗ Trung Phong), “Em mơ gặp Bác Hồ” (sáng tác Xuân Giao), “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” (sáng tác Nguyễn Văn Thương), “Hát về Người” (sáng tác Đoàn Bổng)…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” do NSND Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD làm tổng đạo diễn. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và NSƯT Trường Bắc là phó tổng đạo diễn, với sự phối hợp của đông đảo các NSND, NSƯT cũng như các nghệ sĩ trẻ được công chúng yêu mến đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đặc biệt có sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Tuyết Hoa

Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly giành giải A tác phẩm dự thi theo Chủ đề Học tập và làm theo Bác

VNOB tham gia các tiết mục nghệ thuật tại Lễ trao giải

Tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã vinh dự nhận giải A với tác phẩm múa “Dũng sĩ rừng Sác”

Tới dự Lễ trao thưởng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và đặc biệt là các văn nghệ sỹ, nhà báo có nhiều thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu ba tại Việt Nam bà Lianys Torres Rivera cùng Phu quân tham dự Chương trình.

Lễ trao giải thưởng nhằm đánh giá kết quả, biểu dương thành tích và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020; động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt huyết, năng lực tiếp tục sáng tác, quảng bá về chủ đề này.

Phát biểu tại Lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho người sáng tác bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua phát hiện và giới thiệu của các cơ quan tuyên truyền báo chí, văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm "bình dị mà cao quý", "việc nhỏ nghĩa lớn", thể hiện cụ thể, sinh động việc học tập và làm theo gương sáng của Người; góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vinh dự nhận giải A

NSƯT Trần Ly Ly đoạt giải A với tác phẩm “Dũng sĩ rừng Sác”

Nhận được thông báo từ Ban tổ chức mình là một trong 11 cá nhân và tổ chức đạt giải A với tác phẩm múa ‘Dũng sĩ rừng Sác”, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vô cùng xúc động. Phát biểu sau Lễ trao giải, bà chia sẻ: “Đã nhiều lần đứng trên sân khấu, nhưng đây có lẽ là giây phút nhiều cảm xúc nhất đối với tôi. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng ngời trong tâm trí mỗi người Việt Nam nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Với các nghệ sĩ, dùng ngôn ngữ nghệ thuật của chính mình để truyền tải hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của cuộc sống để đem đến cho khán giả, tạo ra cảm xúc năng lượng tích cực cho xã hội. Ý tưởng “Dũng sĩ rừng Sác” đến với tôi rất nhanh. Nói về Cần Giờ, tôi tưởng tượng ra một không gian của rừng Sác, với các chiến sĩ ngâm mình trong nước hàng giờ, chịu đựng cái đói, cái lạnh và sự bao vây của quân thù. Hình ảnh chiến sĩ hy sinh vì bệnh sốt rét trên tay các đồng đội là minh chứng cho sự hy sinh âm thầm, cho đất nước, cho một ngày mai tươi sáng”.

Cùng với giải A dành cho NSƯT Trần Ly Ly, Ban Tổ chức còn trao tặng 2 giải đặc biệt (2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ"; "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez thuộc chuyên ngành Văn học; 10 Giải A; 42 Giải B; 74 Giải C và 99 Giải Khuyến khích được trao thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đã có thành tích xuất sắc trong sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn khen thưởng 42 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.

Đông đảo tác phẩm dự thi

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời, đẹp đẽ về ý chí, khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam để làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân, góp sức tạo nên động lực tinh thần vô giá, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp nối con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn; là niềm tin, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về Bác, như một truyền thống tốt đẹp, kể từ năm 2007 đến nay, cứ 2 năm một lần, Lễ trao giải thưởng được tổ chức để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài, bằng niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác, bằng cảm xúc chân thành từ trái tim và tâm hồn nghệ sỹ, đã có những tác phẩm sáng tác, các hoạt động quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức cho biết, sau 2 năm triển khai đã có gần 6 nghìn tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng. Nhiều nhất là Hà Nội với gần 700 tác phẩm; Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gần 600 tác phẩm; Đồng Nai 469 tác phẩm; Bắc Ninh trên 400 tác phẩm; Cà Mau 384 tác phẩm... Đa số các tác phẩm đã bám sát chủ đề Giải thưởng. Một số tác phẩm có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu, nhiều thời gian.
Các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, tham gia biểu diễn tại Lễ trao giải

Phát động Giải thưởng giai đoạn 2020-2025

Với kết quả của 6 đợt trao giải, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ta ở trong và ngoài nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận và biểu dương kết quả to lớn, ý nghĩa nhiều mặt của Giải thưởng, thể hiện tình cảm sâu nặng của các thành phần, giai tầng xã hội đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (1890-2020), tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những năm tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2020-2025.

Tại Lễ trao giải thưởng, khán giả đã thưởng thức một số tác phẩm âm nhạc, múa, sân khấu... được trao giải lần này để cùng trân trọng, tôn vinh những tài năng sáng tạo; đồng thời cùng chia sẻ những trăn trở, tìm tòi của các tác giả về phương pháp, phong cách nghệ thuật để nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục, tính quần chúng trong những sáng tác về chủ đề học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuyết Hoa

Video Clip lễ trao giải

Gỡ khó cho các Nhà hát sau dịch bệnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần một chiến lược lâu dài để phát triển

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc của các Nhà hát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các giải pháp sắp tới.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch Tài chính và các Cục, Vụ liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Nhà hát đã báo cáo với Thứ trưởng về tình hình hoạt động trong quý I. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động do các chương trình hoạt động nghệ thuật đều bị hoãn, hủy. Nhiều nhà hát đã không có nguồn thu.

Đơn cử như Rạp Xiếc Trung ương, nếu quý I năm 2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt trên 2,4 tỷ đồng. Trong khi năm nay, nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai đã lỗ vài trăm triệu do công vận chuyển dụng cụ biểu diễn, thuê bến bãi… Chế độ lương thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và tập luyện để không bị xơ, cứng cơ thể…

Đại diện lãnh đạo các nhà hát cũng cho biết, các nghệ sĩ, diễn viên hầu như chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương.

Nhiều Nhà hát, đặc biệt là nhà hát nghệ thuật truyền thống bày tỏ lo lắng, trong thời gian qua, việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghề đã khó khăn thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc giữ các nghệ sĩ gắn bó với nghề càng khó khăn hơn gấp bội. Đại diện các nhà hát cũng đề xuất một số giải pháp và mong muốn Lãnh đạo Bộ VHTTDL có cơ chế hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ với những khó khăn của các Nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Thời điểm đầu năm mới là cơ hội để các Nhà hát biểu diễn phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu nhất trong năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà bị ảnh hưởng lớn. Thứ trưởng đánh giá cao việc nhiều Nhà hát đã chủ động cùng cả nước chống dịch và dù thiệt hại rất nặng nề vẫn có sự âm thầm vượt khó.

Thứ trưởng cho rằng, Lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề mà các Nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có chủ trương hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu phương thức xây dựng Nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các Nhà hát chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn./.

(bvhttdl.gov.vn)