Tháng: Tháng Tư 2019

Nghệ sĩ Opera Vũ Mạnh Dũng tham gia chuyến lưu diễn đặc biệt tại Triều Tiên

Nhân Ngày lễ Thái Dương – Ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã thành lập đoàn nghệ thuật với 55 thành viên lưu diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã vinh dự có mặt trong đoàn lưu diễn này cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Trong chuyến lưu diễn này, 55 thành viên mang theo niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng mang theo áp lực rất lớn bởi đất nước bạn nổi tiếng với các chương trình nghệ thuật đẳng cấp. Nhờ sự nỗ lực hết mình, đoàn đã biểu diễn thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với thời lượng 90 phút, chương trình “Ánh dương Mùa xuân” gồm 16 tiết mục, trong đó có 8 tiết mục giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc với các di sản văn hóa của Việt Nam. Những tiết mục còn lại được các ca sỹ Việt Nam hát bằng tiếng Triều Tiên, biểu diễn các bản nhạc nổi tiếng của đất nước này bằng nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc… thể hiện sự gần gũi, tương đồng, giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Nghệ sĩ Opera Vũ Mạnh Dũng (đứng bên phải) đang trình diễn trong chương trình lưu diễn cũng với các nghệ sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam

Cả hội trường như lắng lại khi nghe ca khúc “Bài ca trung thành” ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành của NSND Quang Thọ, chìm đắm trong bài ca “Đam mê” của NS Thái Bảo, “phiêu” cùng ca khúc “Ngã ba Vạn Cảnh đài” của NS Vũ Mạnh Dũng, ấn tượng cùng điệu múa “Anh chàng cắt cỏ và cô gái hái hoa” do NSND Chu Thúy Quỳnh và NSND Kim Chung dàn dựng hay hòa mình trong bản nhạc “Đêm Bình Nhưỡng lắng đọng” do NSƯT Hoàng Xuân Bình và NSUT Trường Giang song tấu đàn bầu… Bên cạnh đó, tiết mục thể hiện sự hội nhập quốc tế với phần biểu diễn độc tấu violon do NSƯT Bùi Công Duy trình bày cũng được người dân Triều Tiên hưởng ứng nồng nhiệt.

Báo Đảng Rodongsinmun, Thông tấn xã Trung ương KCNA, Đài truyền hình Triều Tiên đăng nhiều tin bài chi tiết về chuyến lưu diễn của đoàn. Trong đó, báo Rodongsinmun đánh giá, những tiết mục mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam và những bài ca ca ngợi các Lãnh tụ Triều Tiên được các nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam biểu diễn đã gây ấn tượng sâu sắc và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả Triều Tiên.

Do đi công tác địa phương, Chủ tịch Kim Jong-un đã xem chương trình biểu diễn của đoàn qua truyền hình và chỉ thị trực tiếp cho lãnh đạo số 2 của Triều Tiên là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Choe Ryong Hae tiếp và dự xem đêm biểu diễn của đoàn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban Quốc tế Ri Su Yong hai lần chủ trì chiêu đãi đoàn.

Với mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Phó Cục trưởng Cục HTQT Nguyễn Phương Hòa bật mí: “Năm 2020, Việt Nam và Triều Tiên sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên dự kiến lên lịch trình tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đây cũng là năm sẽ diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng, do đó, nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ cử đoàn nghệ thuật tham gia sự kiện này”.

Tuyết Hoa

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp công về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2021, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với nhu cầu của xã hội, của từng địa phương và Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình sắp xếp, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu có 10% đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh

Theo Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực di sản văn hóa, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ yêu cầu công tác quản lý, kết quả hoạt động, quy mô của các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc, thực hiện rà soát, nghiên cứu tổ chức lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 01 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, nghiên cứu rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu tương đồng hoặc sáp nhập vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có.

Căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ban hoặc trung tâm quản lý (ban quản lý) di tích trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất thành 1 đầu mối cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ và theo dõi các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn hoặc nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập ban quản lý di tích cấp tỉnh vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức tự chủ cao hơn; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Giai đoạn 2021 – 2030, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu tổ chức lại các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có; tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sáp nhập các đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng

Với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng.

(Theo bvhttdl.gov.vn)

Tại sao nên cho trẻ học múa ba-lê?

Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn.

Nếu cảm thấy các bé thích nhảy múa, hay đong đưa theo nhạc, mẹ có thể cho bé trải nghiệm bản thân qua một lớp học ba-lê. Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động. Dù 4 tuổi hay 14 tuổi, bé đều có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể khi tập múa ba-lê.

Nghệ sĩ ba-lê Thu Huệ của VNOB đang say sưa sửa từng dáng chân cho các cháu tại lớp ba-lê cho trẻ em của Nhà hát

Lợi ích về thể chất

Cũng giống như các loại hình múa khác, ba-lê là một môn múa đòi hỏi cường độ tập luyện thể chất cao. Trường múa Colorado (Mỹ) cho biết múa ba-lê giúp cải thiện sức mạnh cơ thể, tính linh hoạt và tầm hoạt động. Ngoài ra, tập ba-lê còn làm tăng khả năng phối hợp và giữ thăng bằng, theo Học viện múa Joffrey (Chicago, Mỹ).

Nhảy múa làm tăng nhịp tim, tăng sức bền, khả năng chịu đựng và đặc biệt là tăng sức khỏe tim mạch nói chung. Với các bé nhỏ tuổi, đây là một cách giúp bé nâng cao nhận thức về cơ thể mình, tăng khả năng điều khiển các hoạt động tinh vi.

Ngoài những lợi ích to lớn về thể chất mà ba-lê đem lại, khi tập luyện loại hình nghệ thuật này, sức khỏe tinh thần và tình cảm của bé cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Trang web của Nhà hát ba-lê Brighton (Mỹ) khẳng định việc luyện tập ba-lê cổ điển sẽ truyền cho bé cảm giác tự hào, thúc đẩy phát triển lòng tự trọng. Trong quá trình hoàn thiện các kĩ thuật múa, bé sẽ dần tự tin hơn. Cảm giác này không chỉ có khi bé tập múa mà sẽ theo bé trong tất cả các hoạt động khác của cuộc sống sau này. Sau những giờ học căng thẳng, múa ba-lê giúp bé thư giãn và sử dụng hiệu quả các năng lượng dư thừa.

NSƯT ba-lê Nguyễn Ngọc Cần của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang chỉnh sửa từng bước cơ bản về ba-lê cho trẻ em

Lợi ích về xã hội

Lớp học múa ba-lê cũng là một lớp học giao tiếp xã hội hữu ích. Tham gia thường xuyên, bé sẽ phát triển các kĩ năng xã hội của mình. Tổ chức giáo dục múa quốc gia (Mỹ) cho biết ba-lê cũng như các môn khiêu vũ khác giúp nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, kĩ năng trao đổi thông tin, hợp tác và nhất là niềm tin ở trẻ. Trong quá trình luyện tập, bé sẽ kết bạn mới một cách tự nhiên, vượt qua được tính nhút nhát, lúng túng khi các tình huống bất ngờ xảy ra. Tất cả những kĩ năng này sẽ góp phần rất lớn trong cuộc sống sau này của bé.

Lợi ích về giáo dục

Cho bé theo học một lớp ba-lê không chỉ giúp bé phát triển thể chất, tinh thần hay kĩ năng xã hội. Đây còn là một hình thức giáo dục đặc biệt và mang lại các lợi ích nhất định. Sự kết hợp giữa vận động, âm nhạc và biểu diễn giúp học viên ba-lê nâng cao nhận thức và cảm giác của mình. Khả năng chú ý, trí nhớ đều được phát huy. Những kĩ năng này rất cần thiết cho bé trong cuộc sống. Đối với những bé muốn khám phá bản thân qua các loại hình múa khác, ba-lê sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc và là điểm khởi đầu tuyệt vời cho bé.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Ba-lê không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động

Cùng tham gia lớp hợp xướng với nghệ sĩ Kiều Thẩm và VNOB

Hợp xướng là đỉnh cao của nghệ thuật hát phối hợp (hát bè), thường quy tụ một số lượng lớn người tham gia biểu diễn. Đây là một loại hình thanh nhạc gồm nhiều bè sẽ giúp bạn nhận ra giọng mình ở bè nào để chọn bài hát phù hợp, khi làm việc nhóm sẽ khiến bạn có khả năng tập trung cao độ và nâng cao tính kỷ luật hơn.

Hợp xướng có loại có dàn nhạc đệm, có loại không có dàn nhạc đệm. Một đội hợp xướng thường đông người, từ một vài chục đến hàng trăm người. Những tác phẩm âm nhạc soạn cho hợp xướng thường có những đặc điểm riêng, khác với ca khúc bình thường. Tuy nhiên cũng có những ca khúc được biên soạn lại để biểu diễn bằng một dàn hợp xướng. Có những bản đại hợp xướng được sáng tác hết sức công phu, phải mất rất nhiều thời gian dàn dựng để biểu diễn với một quy mô lớn.

Lớp Hợp xướng cơ bản giúp tránh khỏi việc hát sai nhạc, sai tone, lệch nhịp, rát họng, hụt hơi; luyện thanh mở rộng âm vực giọng; tăng khả năng cảm thụ âm nhạc. Bên cạnh đó, hợp xướng cơ bản giúp xử lý ca khúc có kỹ thuật khẩu hình, cao độ, tiết tấu, truyền cảm; Có kỹ thuật lấy hơi, nén giữ, điều tiết và xử lý hơi thở; Tập luyện các kỹ thuật ngân giọng, rung giọng các quãng dài ngắn khác nhau; Xác định quãng giọng giúp học viên lựa chọn đúng bài hát phù hợp.

Để giúp công chúng hiểu rõ hơn và đến gần hơn với hợp xướng cũng như phần nào giải tỏa áp lực công việc bằng thanh nhạc, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam mở lớp hợp xướng cơ bản, dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Kiều Thẩm.

Nguyễn Kiều Thẩm là một nghệ sĩ, giáo viên hợp xướng với hơn 20 năm tuổi nghề cùng rất nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và đào tạo.Hiện anh cũng đang giảng dạy hợp xướng tại nhiều trung tâm nghệ thuật như trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Hà Nội, Trung tâm đào tạo Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Nghệ sĩ Kiều Thẩm làm việc tại VNOB từ năm 1999 đến nay. Anh từng tốt nghiệp khoa thanh nhạc, chỉ huy hợp xướng tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Kiều Thẩm từng đóng vai chính (soloist) trong nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng như Cosi fan tutte, Cô Sao, Giao hưởng số 9, Carmen, Chiếu dời đô, Kiều…

Lớp Hợp xướng khóa 1:  từ 7 tuổi trở lên

Tuần 2 buổi: 19.30 – 20.30 thứ 5; 10.30 – 11.30 chủ nhật

Khóa 24 buổi dự kiến khai giảng 5/5/2019

Học phí: 2.400.000Đ/khóa

Nhân dịp 60 năm ngày thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB (1959-2019), Nhà hát đưa ra chương trình khuyến mại cho 60 suất học hợp xướng, trong đó giảm 40% học phí. Như vậy, học viên chỉ phải đóng 60% học phí (2.400.000Đ – 960.000 (40%) = 1.440.000Đ

Đặc biệt, các học viên sẽ được học trong phòng tập chuyên nghiệp, có người đệm đàn piano mỗi buổi học. Ngoài ra, học viên còn được Biên đạo hướng dẫn về tác phong biểu diễn cho buổi báo cáo cuối khóa học.

VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT HỢP XƯỚNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC

Hợp xướng là loại hình nghệ thuật âm nhạc được biểu hiện bằng giọng hát nhiều bè. Mỗi bè có cách thức trình diễn riêng tương đối độc lập về âm điệu và nhịp điệu, song liên kết hài hòa với nhau trong một chỉnh thể âm nhạc. Với đặc trưng cơ bản đó, hợp xướng thực chất là lối diễn tấu tập thể nhằm liên kết thống nhất tư tưởng, tình cảm của một cộng đồng nghệ sĩ trong một tác phẩm âm nhạc độc lập hoặc trong các thể loại âm nhạc khác như nhạc kịch, thanh xướng kịch, giao hưởng… Dù theo cách nào, thì hợp xướng cũng được coi là một trong những phương tiện âm nhạc để chuyển tải tiếng nói đồng vọng của quần chúng, đồng thời là công cụ hiệu quả nhất để tạo màu sắc cho sân khấu âm nhạc, thậm chí tạo ra kịch tính âm nhạc.

Trong giáo dục âm nhạc cộng đồng

Có thể nói giọng người là một trong những nhạc cụ đẹp, tiện dụng nhất với việc thể hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trong sự phát triển đời sống cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ âm nhạc của hợp xướng vốn có thế mạnh trong việc gợi lên hình tượng nghệ thuật và làm cho hình tượng nghệ thuật dội thẳng vào con tim trước khi vọng lên trí óc của người thưởng thức. Âm nhạc và lời ca của hợp xướng được tổ chức chặt chẽ theo một hệ thống khúc thức logic đem lại khả năng phản ánh cuộc sống đa dạng, phong phú của con người. Niềm vui và nỗi đau thương, sự say mê lao động và niềm hạnh phúc… luôn được sống dậy một cách kỳ ảo trong âm điệu và nhịp điệu của hợp xướng. Đến lượt nó, tiếng nói đồng vọng của dàn hợp xướng lại có sức hòa chung nhịp đập trái tim người thưởng thức để cảm hóa, khơi dậy vốn văn hóa âm nhạc cùng tâm hồn cao thượng của họ.

Lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật hợp xướng không tồn tại tách biệt khỏi các loại hình nghệ thuật khác như văn học, thơ ca, vũ đạo, hội họa, sân khấu… Hợp xướng cũng tích hợp trong nó các giá trị văn hóa phổ biến như ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, trang phục… Song, với lợi thế ngôn ngữ riêng là thế giới âm thanh, hợp xướng thu hút người thưởng thức trước hết bằng cái hay, cái đẹp của giọng người . Có bao nhiêu nét tinh tế trong đời sống tinh thần của con người thì có bấy nhiêu nét tinh tế trong ngôn ngữ âm nhạc hợp xướng. Có thể nói, hợp xướng không những hát mà còn vẽ, múa, kể chuyện, hối thúc, khuyên nhủ và dạy học được. Chính vì vậy, nói đến vai trò giáo dục của nghệ thuật hợp xướng là nói đến sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của hệ thống âm thanh và lời ca đã được nhào nặn nhuần nhụy vào tâm tư, tình cảm của người nghe, qua đó làm cho họ tự điều chỉnh nhân cách.

Lịch sử nhân loại đã ghi lại khả năng kỳ diệu của nghệ thuật hợp xướng trong việc thể hiện lý tưởng đạo đức của thời đại, giai cấp, của bản thân người nghệ sĩ. Sức sống mãnh liệt cũng như khả năng truyền cảm mạnh mẽ của các tác phẩm hợp xướng luôn có tác dụng động viên, cổ vũ con người và cộng đồng khát khao vươn tới chân giá trị của cuộc sống nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng. Hơn thế, những nét tinh tế của âm nhạc và lời ca trong tác phẩm thường là cái tinh tế được chọn lọc, điển hình hóa và kết tinh cao độ truyền thống của mỗi dân tộc. Một khi những giá trị ấy được ngấm sâu vào tâm hồn con người thì sẽ trở thành sự tinh tế, mẫu mực trong tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phong thái, ứng xử, hành động… của con người.

Trong định hình giá trị thẩm mỹ âm nhạc

Hợp xướng không chỉ là nghệ thuật dùng âm thanh giọng người làm phương tiện phản ánh cuộc sống, mà nó thực sự là mét khoa học. Nhà soạn nhạc phản ánh thế giới không phải bằng sự ngẫu hứng thuần túy, tùy tiện mà bao giờ cũng dựa trên những nguyên tắc khoa học về sự kết hợp, nối tiếp cũng như khả năng hòa hợp giữa âm nhạc và lời ca, khúc thức, phối giọng, phối khí sao cho phù hợp với sự phát triển tâm – sinh lý của người nghe. Để tạo nên sự thống nhất mang tính chỉnh thể của một tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là sự ăn nhập giữa âm nhạc và lời ca, giữa giọng người và dàn nhạc, người sáng tác không thể khiên cưỡng, gò ép mà phải xuất phát từ chính cảm xúc chân thực cùng sự lao động khoa học nhằm không ngừng hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật. Đó còn là quá trình kết hợp giữa cái riêng, cảm xúc tức thời của nghệ sĩ với cái phổ quát từ dấu ấn, hơi thở của dân tộc, thời đại – một quá trình đòi hỏi người nghệ sĩ cũng như người thưởng thức phải có sự hiểu biết khoa học về âm nhạc. Sự thống nhất giữa khoa học và nghệ thuật trong hợp xướng cũng chính là chìa khóa để con người nâng cao cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc trong hoạt động xã hội, giúp họ phân biệt được cái giản dị với sự nghèo nàn, giữa tâm hồn giàu tình cảm với sự đa cảm bệnh hoạn… Càng hiểu biết âm nhạc hợp xướng một cách đúng đắn, khoa học, sâu sắc thì con người càng gắn bó với âm nhạc, sử dụng âm nhạc để phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn mình, bồi bổ cốt cách và không ngừng vươn tới chân, thiện, mỹ.

Giá trị thẩm mỹ do hợp xướng đem lại thể hiện ở chỗ nó tác động mạnh về cảm xúc, thức tỉnh ngay trong bản thân người nghe về cái đẹp, qua đó nâng cao khả năng nhận thức thẩm mỹ của người thưởng thức. Một tác phẩm hợp xướng hay, bao giờ cũng chứa đựng hệ giá trị chân, thiện, mỹ thể hiện tập trung lý tưởng cao đẹp của nhân loại, làm cho người nghe nhận thức được thế giới bằng cảm xúc âm nhạc – lời ca một cách có chiều sâu theo các quy luật tình cảm riêng. Con người có thể thông qua nghệ thuật hợp xướng để mở rộng nhận thức về thế giới và hoàn thiện các mối quan hệ của chính mình với thế giới. Nhờ sự thể hiện bằng giọng hát vô cùng sống động, cụ thể và cảm tính, hợp xướng không chỉ mang lại lợi ích thẩm mỹ mà còn cung cấp kinh nghiệm và vốn sống cho người thưởng thức. Hơn nữa, tính chất nhiều bè, nhiều giọng của hợp xướng tạo ra khả năng nhận thức nhiều cấp độ, nhiều ý nghĩa, nhìn thấy cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong, cả hiện tại quá khứ và tương lai cho người thưởng thức.

Đặc biệt, sự định hình giá trị thẩm mỹ âm nhạc đối với con người và cộng đồng của hợp xướng được thể hiện ở tiềm năng to lớn của nó trong hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn. Hợp xướng, bằng cách thức riêng nó, còn có vai trò quan trọng liên kết con người với con người, cộng đồng, dân tộc và thời đại. Trong giao lưu văn hóa quốc tế, mọi người dù khác nhau về tiếng nói, nhưng đều có thể giao tiếp thân thiện với nhau nhờ đứng chung trong một dàn hợp xướng. Thực tiễn lịch sử âm nhạc thế giới cho thấy, đã có những bản hợp xướng nổi tiếng vượt khỏi biên giới quốc gia để trở thành di sản chung của nhân loại, điển hình như Chương 4 trong Giao hưởng số 9 của L.V. Beethoven.

Trong việc nâng cao thị hiếu âm nhạc của con người và cộng đồng

Có thể nhìn nhận khái quát rằng, vấn đề quan trọng nhất của đời sống âm nhạc chính là thính giả. Dù có những nhạc sĩ, ca sĩ tài ba cũng sẽ ít có giá trị cống hiến và kém phát triển nếu công chúng thưởng thức âm nhạc thờ ơ. Trong đời sống âm nhạc, ngoài những chân giá trị, không thể không thừa nhận còn có những xu hướng, thị hiếu thiếu lành mạnh, những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đa chiều tới sự phát triển nhân cách của các lứa tuổi, tầng lớp xã hội. Trách nhiệm của nghệ thuật âm nhạc nói chung, của nghệ thuật hợp xướng nói riêng là đấu tranh loại bỏ những xu hướng thị hiếu âm nhạc thiếu lành mạnh ấy bằng chính sức mạnh âm nhạc.

Hợp xướng có lợi thế lớn nhờ đặc trưng kết hợp hài hòa giữa âm nhạc với lời ca, nên nó không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mà còn xây dựng, uốn nắn thị hiếu âm nhạc, làm cho âm nhạc thực sự trở thành vũ khí đặc biệt để chiếm và giữ được con người.

Với hoạt động sáng tác âm nhạc

Nghệ thuật thanh nhạc nói chung và hợp xướng nói riêng có vai trò không nhỏ trong việc tạo tiền đề, cơ sở và động lực của lao động sáng tạo, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công việc của người sáng tác âm nhạc. Trong thực tiễn đời sống âm nhạc thì nhạc sĩ được công chúng biết đến nhiều hơn cả, nếu họ quan tâm đến cả sáng tác thanh nhạc và khí nhạc.

Vai trò của nghệ thuật hợp xướng đối với hoạt động sáng tác âm nhạc thể hiện trước hết ở việc cung cấp dữ liệu, chất liệu âm nhạc cho công việc sáng tác. Những bài hòa thanh bốn bè theo kiểu học đường mới chỉ là kiến thức tiền đề. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì những bài fuy gơ và những bài hòa âm sạch sẽ, người ta thường chưa chú ý đến hiệu quả thật của các giọng (ví dụ: thường các bè nữ trầm viết quá thấp, do đó mất cân bằng với các bè nữ cao và nam cao; đôi khi bè nam trầm viết cách quá xa với những bè khác, nên khó có thể hòa hợp với nhau). Đối với bài tập ở trường, người ta đã cấm hoặc tránh một số cách dùng cho là không tốt, song thực tế cách dùng này khi áp dụng vào giọng hát lại rất tốt. Ngay cả các nhạc sĩ nổi tiếng như J.S. Bach, W.A. Mozart cũng đã viết những đoạn nhạc với hòa âm có vẻ phạm vào lỗi cấm theo luật hòa thanh, nhưng lại có hiệu quả tốt đối với giọng hát. Mặt khác, nhiều đoạn của các bài fuy gơ hoặc bài làm hòa thanh được giải ở các kỳ thi, khi dựng bằng giọng hát lại ít hiệu quả so với khi dùng cho đàn dây, đàn oóc gơ hoặc piano. Bởi vậy, khi viết cho hợp xướng, phải luôn căn cứ trên cơ sở âm vang thật của các giọng và những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sáng tác hợp xướng mang lại.

Hợp xướng cũng giúp gợi mở ý tưởng cho sáng tác các thể loại âm nhạc khác. Các nhạc sĩ muốn viết được thể loại âm nhạc lớn như thanh xướng kịch, opera… thì cần có sự hiểu biết về nghệ thuật và kỹ thuật viết hợp xướng, bởi hợp xướng là một thành phần quan trọng trong các thể loại âm nhạc đó. Việc viết tác phẩm hợp xướng đòi hỏi người sáng tác vừa có cảm xúc âm nhạc sâu sắc, vừa có tri thức khoa học về tổ chức âm thanh, hòa âm, phối giọng, phối khí… Không những thế, nhạc sĩ còn phải thấu hiểu cả về khả năng biểu hiện và phối hợp của các loại giọng, chất giọng, cách nhấn chữ của các loại giọng, cách phát âm, âm khu và sắc thái biểu hiện, cân bằng âm lượng giữa các bè. Thông qua các động thái này, mà hợp xướng giúp gợi mở được nhiều ý tưởng trong việc sáng tác các thể loại âm nhạc khác với tính cách kế thừa và phát triển từ ngôn ngữ hợp xướng.

Nghệ thuật hợp xướng còn đóng góp vào lĩnh vực sáng tác âm nhạc thông qua vai trò kích thích và phát triển, hội nhập cùng các nước tiên tiến, đồng thời khai thác thành tựu hội nhập để cống hiến trở lại cho việc sáng tạo nghệ thuật hợp xướng. Rõ ràng, qua giao lưu văn hóa âm nhạc, mà hợp xướng ở mỗi quốc gia trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu để khẳng định chân giá trị và làm tỏa sáng tính dân tộc độc đáo của mình. Mặt khác, qua giao lưu, hội nhập, những tinh hoa âm nhạc mang tính quốc tế, tính đương đại… sẽ được hợp xướng ứng dụng một cách trực tiếp và thuận lợi nhất để làm nảy sinh các khuynh hướng sáng tác âm nhạc lành mạnh, tiên tiến ở nước mình.

Với hoạt động biểu diễn âm nhạc

Hoạt động biểu diễn hợp xướng sẽ thúc đẩy cả hai khuynh hướng biểu diễn âm nhạc nghiêm túc và thông tục vốn tồn tại và phát triển song song hiện nay. Hợp xướng, với tính cách là một thể loại âm nhạc, vừa mang tính chuyên nghiệp, đồng thời vừa mang tính phổ cập, dễ hiểu, gần với công chúng hơn so với những loại hình biểu diễn âm nhạc dành cho dàn nhạc giao hưởng. Việc biểu diễn những bản hợp xướng của các nhạc sĩ cổ điển cũng như đương đại là một phương diện nâng cao giá trị ưu tú của âm nhạc bác học, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển những thị hiếu đúng đắn của công chúng. Đặc biệt, một hình thức biểu diễn hợp xướng đã được thịnh hành từ lâu là a cappella có thể đạt hiệu quả rất tốt giúp cho các thành viên của dàn hợp xướng có sự trải nghiệm tuyệt vời cả phương diện âm nhạc, giáo dục và văn hóa. Đây còn là thể thức có ưu thế rất mạnh trong biểu diễn thanh nhạc, trau dồi học thuật, tọa đàm học thuật.

Lĩnh vực biểu diễn hợp xướng được phát triển thỏa đáng còn mang lại cơ hội tiếp xúc với khán giả trong và ngoài nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người Việt Nam và các nước khác.

Với hoạt động chỉ huy âm nhạc

Nghệ thuật hợp xướng đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong kho tàng âm nhạc của nhân loại. Cho nên, đào tạo chỉ huy hợp xướng cùng với nghiên cứu khả năng của giọng người, các thủ pháp chỉ huy… nhất thiết phải gắn với việc nghiên cứu tác phẩm của các bậc thày viết cho thanh nhạc. Ngay cả đối với đào tạo chỉ huy dàn nhạc nói chung, cũng cần tăng cơ hội nghe hợp xướng để nâng cao kỹ năng chỉ huy.

Công việc chỉ huy hợp xướng bắt đầu từ nghiên cứu tác phẩm hợp xướng, phân tích cấu trúc của nó, chia tác phẩm hợp xướng ra thành từng đoạn để hiểu các đoạn này hòa nhập vào chỉnh thể thống nhất… Để xử lý thành công tổng phổ hợp xướng và dàn nhạc, người chỉ huy cần phải biết tự đặt mình vào các vị trí khác trong dàn hợp xướng, dù đó chỉ là vị trí khiêm tốn của một diễn viên hát bè. Mặt khác, việc xử lý tác phẩm, đảm bảo sự cân bằng giữa dàn nhạc và hợp xướng là vấn đề hết sức phức tạp. Người chỉ huy hợp xướng dễ mắc sai lầm, khiếm khuyết nếu không am hiểu về thanh nhạc, cũng như không cân đối được liều lượng để đạt hiệu quả hài hòa, phá vỡ cấu trúc tổng thể của hợp xướng. Điều đó sẽ dẫn đến việc biểu diễn tác phẩm không thành công, cho dù tác phẩm đó có giá trị.

Với sự phát triển thanh nhạc

Mối liên hệ hữu cơ giữa hợp xướng với các thể loại thanh nhạc khác thể hiện ở sự tương tác thúc đẩy nhau cùng phát triển, đặc biệt là chuyển hóa lẫn nhau rất nhuần nhuyễn. Chính từ sinh hoạt âm nhạc hợp xướng mà làm nảy sinh những tinh túy của giọng hát. Ngược lại, một giọng hát hay nếu từng đứng vững trên nền hợp xướng thì trở nên có giá trị gấp bội. Lịch sử âm nhạc đã chứng kiến rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như J.S. Bach, J.S.Haydn, R.Schumann, F.Mendelssohn, H.Berlioz… đã từng tham gia dàn hợp xướng. Âm nhạc hợp xướng là mạch nguồn vô tận sản sinh ra những tài năng thanh nhạc, và ngược lại, bản thân âm nhạc hợp xướng cũng phải nhờ những tinh túy thanh nhạc để tự nâng mình lên. Chính quá trình tương tác, chuyển hóa hữu cơ ấy làm cho nghệ thuật âm nhạc nói chung, nghệ thuật hợp xướng nói riêng không ngừng phát triển và hoàn thiện về cả phương diện nghệ thuật và phương diện khoa học âm nhạc.

Lê Vinh Hưng (Tạp chí VHNT)

 

Hát hòa giọng là một trong những yêu cầu cao nhất phải đạt được trong hát hợp xướng, dù hợp xướng có 2, 3 hoặc 4 bè… nhưng không được bè nào át bè nào, phải cân bằng âm lượng, tạo ra một tập thể nghệ thuật hòa hợp. Muốn vậy, các bè và các thành viên trong hợp xướng phải biết nghe – đây là điều cần thiết và khó nhất.

Đến với múa đương đại tại VNOB

Múa đương đại (Contemporary Dance) là một phong cách múa nổi lên trong thế kỷ 20, là sự giao thoa giữa múa hiện đại (Modern Dance) và múa Ballet, cùng với các thành phần từ jazz và múa trữ tình. Để định nghĩa được thể loại này rất khó bởi múa đương đại thiên về cảm xúc, cốt yếu truyền tải được nội dung câu chuyện đến khán giả nói nôm na là diễn một vở kịch không bằng lời mà bằng ngôn ngữ hình thể.

Diễn viên múa đương đại có thể đến từ các nền tảng đào tạo khác nhau, từ Ballet cổ điển hay múa dân gian dân tộc đến nhảy hiphop hay nhảy-break hoặc yoga cho đến múa hiện đại đều có thể múa đương đại. Phong cách đương đại nhấn mạnh vào sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí, với các diễn viên được khuyến khích khám phá cảm xúc của mình thông qua các điệu múa để chống lại ranh giới truyền thống. Phong cách của điệu múa này thường liên quan rất nhiều đến sự cân bằng, không gian, tiếp xúc mặt sàn, phục hồi và ứng biến.

Múa đương đại phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây là vì những lý do sau đây:

– Người múa được thỏa mãn đam mê, được sống trong từng nốt nhạc, được điều khiển chính hơi thở của mình

– Múa đương đại còn có lợi cho sức khỏe của bạn. Những động tác đòi hỏi sự dẻo dai, căng cơ, nhịp thở. Nhờ bộ môn này mà người học sẽ làm được những động tác mà trước đây cơ thể cứng ngắt không cho phép từ đó cho bạn được một cơ thể linh hoạt, nhanh nhẹn

– Được luyện tập uyển chuyển trên nhiều nền nhạc giúp bạn tự tin vào cơ thể mình, năng động và biết cách quyến rũ

– Nghệ thuật được gắn liền với cảm xúc, nhuần nhuyễn động tác thôi chưa đủ mà người học còn phải học cách biểu lộ tâm trạng theo đúng câu chuyện mà mình đang biểu diễn.

Để góp phần đưa múa đương đại đến gần hơn với công chúng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thời gian tới sẽ tổ chức các lớp học về múa đương đại dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Nguyễn Thị Thúy Hằng sinh năm 1982. Chị là diễn viên solist, một biên đạo múa nhiều nhiệt huyết và yêu nghề.  Sau khi tốt nghiệp hệ 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam năm 2001, Thúy Hằng trở thành solist múa tại VNOB.
Không chỉ tham gia các chương trình của VNOB, Thúy Hằng còn cộng tác làm việc với đoàn múa tại Thụy Điển và Đức. Chị từng tham gia lưu diễn tại Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Châu Phi, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ…

Năm 2013, chị lọt vào TOP 6 chương trình So you think you can dance mùa thứ nhất. Ở các chương trình này của 4 mùa liên tiếp sau đó, Thúy Hằng trở thành biên đạo múa. Bên cạnh đó, Thúy Hằng còn hoạt động với tư cách thành viên Ban giám khảo của chương trình múa “Sắc màu tuổi thơ” và dàn dựng nhiều chương trình và tiết mục cho các chương trình nghệ thuật lớn và VTV.

Năm 2017, chị tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội. Tính đến nay, nghệ sĩ múa Thúy Hằng đã có kinh nghiệm giảng dạy môn múa đương đại trên 10 năm và có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi múa đương đại trong nước và quốc tế với các thành tích. Các học trò của chị từng đoạt giải nhất, giải ba Cuộc thi tài năng múa thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 1; Giải 3 Cuộc thi Múa quốc tế Grand Prix tại Taiwan 2018; Giải nhất và nhì Cuộc thi Múa quốc tế Star of Canaan tại Malaysia 2018.

Tuyết Hoa

Chúng tôi hướng tới việc tạo ra sân chơi. Đây chỉ là bước khởi đầu để các bạn có sự hiểu biết lẫn nhau, để có thể tìm ra những nội dung, ý tưởng, cấu trúc về mặt nghệ thuật, đặc biệt là xu hướng nghệ thuật đương đại trong tương lai cho Việt Nam

NSƯT Trần Ly Ly, Q, Giám đốc VNOB

 

Học Dance Sport cùng Kiện tướng Diễm Quỳnh

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) chiêu sinh lớp học Dance Sport cùng Kiện tướng Khiêu vũ thể thao, đồng thời hiện là ngôi sao ballet của Nhà hát – Diễm Quỳnh. Khóa Dancesport cơ bản gồm 24 buổi cam kết học viên nắm vững kiến thức cơ bản 5 điệu nhảy:

3 điệu Latin: Các điệu nhảy Latin American có xuất xứ từ các nước châu Mỹ latin và vùng Caribbean sử dụng kỹ thuật lắc hôngtrên nền nhạc ở nhịp 4/4.Trang phục được thiết kế với màu sắc sặc sỡ của các bộ tộc châu Mỹ.

Chacha xuất hiện đầu tiên ở Châu Mỹ và rồi du nhập vào Châu Âu cùng lúc với Mambo. Thể hiện rõ sự táo bạo, sống động tự nhiên; cặp nhảy chuyển động đối ngược nhau, chú trọng phần lắc hông theo nhịp 4/4, phách mạnh là phách đầu tiên của mỗi nhịp.

Rumba xuất xứ từ rất nhiều các điệu nhảy khác nhau như Afro-Cuban, Son, Son-Montuno, Danson, Daaanzon, Guarira, Mambo,Conga, Guaracha, Nanigo… Rumba hình thành chủ yếu ở Cuba nhưng cũng có những điệu nhảy tương tự được phát triển ở các hòn đảo vùng Caribean khác và ở Nam Mỹ nói chung. Đa sắc thái từ tình tứ, say mê, trêu chọc rồi trốn tránh với chuyển động tại chỗ, trượt ngang, liên tục có điểm dừng trên nhịp 4/4. Đặc trưng phách thứ nhất của mỗi nhịp là phách mạnh nhưng trọng tâm di chuyển từ phách 4 của nhịp trước. 27 nhịp trên 1 phút theo tiêu chuẩn IDSF.

Samba có nguồn gốc từ Châu Phi và được những người nô lệ làm việc ở các đồn điền trồng mía mang đến Bahia một vùng đất phía bắc Brasil. Điệu nhảy phô diễn sự hào hứng với các chuyển động zích zắc, tiến thẳng và quay tròn trong nhịp 2/4. Tiết tấu nhanh 50 nhịp /phút; phách mạnh có thể ở các phách khác nhau có tính ngẫu hứng cao.

1 điệu cổ điển Ballroom/Standard: có nguồn gốc từ chữ Ballare của Latin có nghĩa là “khiêu vũ” (to dance). Hầu hết các điệu nhảy cổ điển đều có xuất xứ từ châu Âu, thường được tổ chức trong các buổi lễ tiệc hoàng gia cho tầng lớp quí tộc.

  • Phần thân trên luôn ở tư thế thẳng.
  • Tư thế của nam nữ luôn gần nhau trong suốt quá trình thi đấu.
  • Các động tác nổi bật (highlight) thường được thực hiện tại các góc hoặc giữa sàn nhảy.
  • Các bước xoay, mở (open) tạo dáng đặc trưng.

Slow Waltz: Được hình thành ở Anh vào năm 1910. Đây là điệu nhảy được hình thành từ 2 điệu Landler và Boston. Tình cảm trữ tình với chuyển động mềm mại và trôi đều trên nền nhạc 3/4 là đặc trưng rõ nét của slow waltz.

1 điệu khiêu vũ giao tiếp (Social dance):

Bachata ra đời tại những khu nhà ổ chuột của nước cộng hòa Dominica trong những năm 1960 đến 1970. Từ năm 1992, khi Juan Luis Guerra giành được một giải Grammy cho Album “Bachata Rosa” thì Bachata đã chính thức được công nhận trên bình diện quốc tế như một loại nhạc khiêu vũ Latin giao tiếp và là một trong những loại nhạc được sử dụng trong các câu lạc bộ Salsa. Như với tất cả những vũ điệu Latin khác, phần khó nhất của điệu Bachata chính là những chuyển động cách điệu của phần thân. Âm nhạc 3 nhịp “nghỉ” 1, mềm đầu gối ra và nhớ chuyển động hông của bạn nhé.

Dance Sport – bước nhảy của nghệ thuật và thể thao

Khiêu vũ thể thao (Dance Sport) là một môn thể thao đặc biệt vừa để luyện tập thể chất vừa còn làm đẹp cho con người. Đây là môn thể thao mang nhiều sắc thái nhất, hoàn thiện nhất cho con người hiện đại. Khi tập luyện môn thể thao này con người sẽ được phát triển đầy đủ các tố chất thể lực như: tốc độ, sức mạnh, sức nhanh, sức bền và sự khéo léo mềm dẻo. Quá trình tập luyện sẽ tạo cho thân hình có được vẻ đẹp cân đối, thời trang và rất duyên dáng. Đặc biệt môn thể thao này còn mang trong nó vẻ đẹp của tâm hồn đầy quyến rũ. Chính vì vậy, tuy giống khiêu vũ, nhưng khiêu vũ thể thao lại mang tính khỏe khoắn, nhanh mạnh hơn. Để tìm hiểu về môn thể thao nghệ thuật này nhằm có những sự lựa chọn thích hợp, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử của Dance Sport.

Dance Sport có một lịch sử phát triển lâu dài mà ở nhiều khía cạnh nó mang tính phổ cập, giải trí, đồng thời cũng là một dạng thi đấu thể thao.

Khiêu vũ được ra đời ở nước Anh từ cuối thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19 gắn liền với các vũ hội của giới thượng lưu. Cho đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 mới được phổ biến trong tầng lớp bình dân. Cho đến đầu những năm 20 của thế kỷ trước các cuộc thi khiêu vũ mới bắt đầu phát triển.

Năm 1924, Hiệp hội vũ sư Anh mới lập ra Chi hội khiêu vũ với nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn (standard) về nhạc, về bước, về kỹ thuật biểu diễn cho khiêu vũ thể thao, dần dần bộ môn này mới lan rộng ra toàn châu Âu,tới châu Á và châu Mỹ.

Ngày 8/9/1997 trong giới Dancesport diễn ra một sự kiện trọng đại: Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) công bố Liên đoàn khiêu vũ thể thao quốc tế (IDSF) chính thức được công nhận và trở thành thành viên toàn quyền của IOC.

Hệ thống mười điệu theo tiêu chuẩn quốc tế:

  1. Điệu nhảy Chachacha
  2. Điệu nhảy Rumba
  3. Điệu nhảy Pasodoble
  4. Điệu nhảy Tango
  5. Điệu nhảy Waltz
  6. Điệu nhảy Quickstep
  7. Điệu nhảy Foxtrot
  8. Điệu nhảy Viennese Waltz
  9. Điệu nhảy Jive
  10. Điệu nhảy Samba.

Trước kia khiêu vũ được coi là một dạng nghệ thuật, ngày nay người ta coi các điệu nhảy thi đấu là một dạng thể thao nghệ thuật.

Kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam Ra mắt “Dạ tiệc âm nhạc” đa sắc màu

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) vừa ra mắt công chúng chương trình Dạ tiệc âm nhạc – Around the world (Vòng quanh thế giới). Chương trình đã mang đến cảm xúc nghệ thuật thăng hoa với sự kết hợp ấn tượng của âm nhạc, nghệ thuật trình diễn và tạo hình sân khấu.

Với 16 tiết mục đặc sắc kéo dài 90 phút, chương trình Dạ tiệc âm nhạc được thiết kế với ý tưởng như một chuyến du xuân vòng quanh thế giới bằng nghệ thuật, kết hợp bởi sự pha trộn độc đáo giữa yếu tố nghệ thuật cổ điển và hiện đại hòa cùng những màn nhảy, múa đầy chất thơ. Ở đó, bắt đầu từ giai điệu tuyệt vời của nhà soạn nhạc M.Glin-ca, người xem được đến với nước Nga xinh đẹp để thưởng thức Ðiệu van-xơ của những đóa hoa trong tác phẩm Kẹp hạt dẻ; tiếp đó được khám phá I-ta-li-a qua tác phẩm thanh nhạc nổi tiếng Thợ cạo thành Se-vi-la; dạo qua Hung-ga-ri qua điệu nhảy đầy mê hoặc của tác giả J.Bra-ham; hay khám phá Ác-hen-ti-na bằng vũ điệu tăng-gô; bước qua biên giới Mỹ cùng câu chuyện miền Tây Mam-bô; đến với xứ sở kim chi cùng điệu A-ri-rang truyền thống. Chương trình có điểm nhấn Việt Nam với những giai điệu âm nhạc vừa quen vừa lạ, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân gian mà hàn lâm của các làn điệu dân ca: Trèo lên quán dốc, Trống cơm, Ði cấy. Bên cạnh đó là hành trình đến với xứ sở “Nghìn lẻ một đêm” cùng Phiên chợ Ba Tư; tham quan nước Pháp mộng mơ với tác phẩm Trà hoa nữ… Chia sẻ về ý tưởng thực hiện Dạ tiệc âm nhạc, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình chia sẻ: “Thông qua sự bùng nổ của nghệ thuật trình diễn cùng những vũ điệu vui tươi và các giọng ca xuất sắc, chương trình mong muốn được chạm đến tận cùng những giác quan, cảm xúc của người xem để từ đó truyền tải niềm tin mạnh mẽ về tình cảm đoàn kết, yêu chuộng hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới”.

Ðể mang đến diện mạo mới cho những tác phẩm âm nhạc cổ điển đã làm nên sắc màu văn hóa của các miền đất khác nhau, VNOB mời Nhạc trưởng trẻ tuổi M.G.Lê-ông (người Ác-hen-ti-na) tham gia vai trò chỉ huy dàn nhạc. Không chỉ là nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc trưởng tài năng của nhiều dàn nhạc nổi tiếng thế giới, anh còn được biết đến là người đã thành lập dự án dịch âm thanh của từng thanh nhạc giao hưởng ra các màu sắc khác nhau, giúp người khiếm thính có thể khám phá thế giới âm nhạc rộng lớn. Có lẽ bởi vậy mà khi đến với Dạ tiệc âm nhạc của VNOB, cảm giác như M.G.Lê-ông đã thổi thêm những sắc màu mới cho các tác phẩm âm nhạc. Tính kết nối, xâu chuỗi giữa các tiết mục cũng nhờ đó mà hòa nhịp chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, phải kể đến sự góp mặt của những giọng hát xuất sắc đầy nội lực như: Ðào Tố Loan, người vừa giành giải cao nhất tại cuộc thi tìm kiếm tài năng ô-pê-ra khu vực Ðông – Nam Á – Singapore Lyric Opera – Asian Vocal Competition năm 2018, đồng thời là quán quân dòng nhạc thính phòng Cuộc thi Sao mai điểm hẹn năm 2011; hay nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng, người đoạt Cúp vàng Festival Mùa xuân Bình Nhưỡng năm 2016, Huy chương vàng Liên hoan Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2015…

Chương trình đặc biệt gây ấn tượng cho người xem ở thiết kế sân khấu hai tầng độc đáo với sự xuất hiện của dàn nhạc giao hưởng ở tầng trên, ngay phía sau ca sĩ và dàn diễn viên múa. Cách thể hiện mới này khiến những chuyển động sân khấu trở nên sống động, vui tươi hơn, không chỉ phô diễn được tính kết nối giữa các tác phẩm, mà còn góp phần giúp người xem cảm nhận được cách chơi nhạc và khả năng trình
diễn đầy ngẫu hứng của các nghệ sĩ VNOB.

HƯƠNG CHI (Nhân dân)