Ngày: Tháng Năm 20, 2020

Khuất Duy Cường

Khuất Duy Cường sinh năm 1987. Anh tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội.Anh bắt đầu công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 2008 đến nay, với vị trí Kỹ thuật viên.

Vũ Tuấn Anh

Vũ Tuấn Anh sinh năm 1966, tốt nghiệp Cao đẳng Đạo diễn Ánh sáng tại trường Đại học Văn hoá Nghệ Thuật Quân Đội.Từ năm 1985 đến nay, anh phụ trách âm thanh tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Anh tham gia tất cả các tác phẩm của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

Cao Hoàng Yến Nhi

Cao Hoàng Yến Nhi sinh năm 1996, tốt nghiệp cử nhân loại Giỏi chuyên ngành Biên tập Tuyền hình tại Học viện Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.Năm 2018, cô đã giành được số điểm cao nhất cho dự án tốt nghiệp của mình, đây cũng là bộ phim tài liệu đầu tay của cô có tên là “Nghệ sĩ múa Trần Ly Ly”.

Từ năm 2020 đến nay, cô là Nhân viên Marketing, phụ trách sản xuất các nội dung truyền thông tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại đây, cô đã sản xuất nhiều trailer và video cho các chương trình của nhà hát, trong đó có thể kể đến: vở Ballet Hồ Thiên Nga, chương trình Rock Symphony, vở Opera Người tạc tượng,… Mới đây, cô đã sản xuất một phim ngắn mang tên “VNOB và những người bạn”, nói về các hoạt động của các nghệ sĩ VNOB trong đại dịch Covid-19. Phim ngắn này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo giới truyền thông và truyền được cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực cho rất nhiều khán giả.

Ngô Thanh Sơn

Ngô Thanh Sơn sinh năm 1961, tốt nghiệp chuyên ngành Năng lượng và điều khiển tại Đại học Kỹ thuật Budapest – Hungary.

Từ 1996 đến nay, anh công tác tại Phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Nhạc Vũ  Kịch Việt Nam.

Trong quá trình công tác tại đây, anh phụ trách ánh sáng cho rất nhiều chương trình lớn của nhà hát, như : vở Ballet Hồ Thiên Nga, Kẹp Hạt Dẻ, vở Opera Carmen, Trường học tình yêu, …

Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm phần ánh sáng của rất nhiều tác phẩm đạt huy chương vàng tại các liên hoan nghệ thuật, ví dụ như: vở Nguồn sáng – Hội diễn ca Múa nhạc Toàn Quốc 2012 tại Nghệ An, Nhạc kịch Cô Sao – Hội diễn ca Múa nhạc Toàn Quốc 2015 tại Thái Nguyên, Nhạc kịch Lá đỏ – Liên hoan Nghệ thuật Đường 9 xanh – Quảng Trị 2019,…

Bên cạnh công việc tại nhà hát, từ năm 2002 đến nay, anh là cộng tác viên, giảng viên tại các lớp Đạo diễn âm thanh, ánh sáng của trường Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và hằng năm tập huấn nâng cao cho các đoàn nghệ thuật quân đội của các quân khu.

Nguyễn Tuyết Hoa

Nhà báo Nguyễn Tuyết Hoa sinh năm 1972 tại Hà Nội. Chị tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ, chuyên ngành phiên dịch tiếng Anh năm 1995 tại trường Đại học ngoại ngữ (nay là trường đại học Hà Nội), thạc sĩ báo chí năm 2015, kinh qua các lớp đào tạo về báo chí của các trường, các tổ chức quốc tế như Bernama (Malaysia), Nanyang Technological University – NTU (Singapore), BBC… Chị hiện phụ trách hoạt động PR, marketing và đối ngoại của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Trong sự nghiệp của mình, chị từng được biết đến là một nhà báo, với rất nhiều bài phóng sự, bình luận, phỏng vấn, phân tích, dự đoán ở các mảng khác nhau như chính trị, xã hội, kinh tế, quốc tế, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Bên cạnh hoạt động báo chí, chị còn là một trong những chuyên gia chính của Việt Nam trong hoạt động xây dựng, điều hành trung tâm báo chí, truyền thông cho những sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam và quốc tế. Chị từng nắm giữ vị trí Phó Giám đốc điều hành trung tâm báo chí SEA Games 2003, Asian Indoor Games 2009, Phó giám đốc điều hành Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á 2013, Phó Giám đốc báo chí tại Asian Beach Games 2016… tại Việt Nam. Năm 2018, chị được Hội đồng Olympic châu Á chỉ định phụ trách báo chí và quan hệ báo giới của Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) tại Indonesia.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhà báo Tuyết Hoa còn là một giảng viên nhiều kinh nghiệm. Chị đã và đang là giảng viên khách mời của Học viện báo chí và truyền thông, Viện Báo chí và một số trường đại học trong nước và quốc tế. Năm 2016, chị được Ủy ban Olympic quốc tế IOC trao giấy chứng nhận giảng viên cao cấp, chuyên giảng về các vấn đề liên quan đến hoạt động PR, marketing, nguồn nhân lực và tổ chức sự kiện bằng cả tiếng Anh và Việt. Chị cũng từng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị như đề tài Khảo sát kinh tế báo chí ở 4 nước Đông Nam Á năm 2015, Bản quyền sáng tạo nghệ thuật trong kỷ nguyên 4.0 năm 2019, Tác động của COVID 19 đối với các nghệ sĩ biểu diễn năm 2020…

Nguyễn Vũ Thương Huyền

Nguyễn Vũ Thương Huyền sinh năm 1981. Chị tốt nghiệp Cao đẳng Múa cổ điển Ấn Độ năm 1999, cử nhân Anh Văn (hệ danh dự) năm 2004 tại Đại học Delhi. Chị làm việc từ năm 2007 đến nay với vị trí chuyên viên đối ngoại của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Nông Thị Hải Yến

Nông Thị Hải Yến sinh năm 1971. Chị tốt nghiệp chuyên ngành múa Ballet tại Liên bang Xô Viết cũ. Từ khi về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, chị luôn là một trong những nghệ sĩ ballet nổi tiếng. Chị từng tham gia trong các vở Romero & Juliet, Hồ Thiên Nga, Spartak, Gió mùa…

Năm 2018, chị chuyển sang Phòng TCBD với vị trí chuyên viên phụ trách phục trang.

Dương Hồng Vân

Dương Hồng Vân sinh năm 1972. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý hành chính tại Học viện Hành chính quốc gia. Chị về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 1991, chịu trách nhiệm thiết kế và thực hiện phục trang. Chị tham gia tất cả các chương trình của Nhà hát.

Nguyễn Chí Thanh

Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1971. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, Đại học văn hóa. Anh về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 2004, chịu trách nhiệm quản lý sân khấu. Anh tham gia tất cả các chương trình của Nhà hát.

Muốn khán giả tới nhà hát, phải có những chương trình nghệ thuật chất lượng

Thống nhất với giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL biểu diễn đồng loạt trên nhiều sân khấu để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu phim sau ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng điều quan trọng nhất đặt ra đối với ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay đó là phải có những tác phẩm hay, chất lượng. Đây là nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị Khối nghệ thuật trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch COVID-19 vào sáng 19/5.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị nghệ thuật

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lãnh đạo Bộ  nắm rất rõ những khó khăn mà các nhà hát và các  nghệ sĩ đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua và  Bộ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho các nhà hát. Tuy nhiên mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có thể nhìn lại mình. Hết giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường đối với mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Đây cũng là lúc nghệ thuật  phải có sự thay đổi tư duy trong sáng tạo. “Có quá nhiều những chương trình nghệ thuật thể hiện một cách làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật xin hãy đừng kêu ca vì sao không có khán giả? 12 nhà hát của Bộ VHTTDL phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Phải  dàn dựng  những tác phẩm hay, có chất lượng và thực sự đi vào lòng người xem. Nghệ thuật cần được nâng cấp sao cho đẹp hơn, hấp dẫn ngay từ khâu dàn dựng, thiết kế sân khấu hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức được hai chương trình nghệ thuật đặc biệt, tạo được những dấu ấn khó quên đối với khán giả đó là Mùa xuân dâng Đảng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2020) và Dâng Người tiếng hát mùa xuân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020). Là chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị với những tiết mục về Đảng, về Bác Hồ nhưng điều thú vị mà khán giả cũng như đông đảo những người làm nghệ thuật ghi nhận chính là ở sự công phu đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo. Theo đề xuất của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thống nhất với giải pháp sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của Bộ tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng như tại địa điểm biểu diễn của  đơn vị. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt trên các địa điểm như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Nhà hát Lớn, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ… Với các nhà hát chưa có địa điểm biểu diễn cố định như Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Kịch VN sẽ được Bộ bố trí biểu diễn ở các địa điểm của các nhà hát khác như: Nhà hát Lớn, Nhà hát Kim Mã… Theo dự kiến, Nhà hát Kịch VN sẽ mở đầu với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối thứ 7 ngày 23.5, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối  24.5.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL bố trí mua vé ủng hộ cho các chương trình này.Việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các nhà hát của Bộ VHTTDL bởi ảnh hưởng của mùa dịch đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đối với nghệ thuật để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp biểu diễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà hát đều có chung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn có định hướng lâu dài hơn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các nhà hát, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống… Ngay cả với bài toán về khán giả cũng cần có những dự án để làm sao có thể xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là việc tiếp cận với khán giả trẻ.

HIỀN LƯƠNG, Ảnh : TRẦN HUẤN (baovanhoa.vn)