Tag: VNOB

Hanoi Dance Fest 2019: Cuộc hội ngộ của các tài năng trẻ

Chiều 21/6, tại Hà Nội, Viện Goethe (Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam) phối hợp Trung tâm Văn hóa Pháp (Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tổ chức họp báo công bố thông tin Chương trình Múa đương đại-Hanoi Dance Fest 2019.

Theo đó, Hanoi Dance Fest 2019 sẽ diễn ra vào hồi 20h từ ngày 28-30/6, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) với sự tham gia của các nghệ sỹ có độ tuổi dưới 34.

Là một trong những người đồng sáng lập ra Hanoi Dance Fest 2019, NSƯT Trần Ly Ly, Q, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), một trong những nhân vật quan trọng đã và đang đồng hành cùng Múa đương đại Việt Nam, cho biết: “Hanoi Dance Fest hướng đến việc tạo ra một sân chơi cho các biên đạo trẻ tài năng, khuyến khích những ý tưởng mới mẻ cũng như những hợp tác đa ngành giữa các biên đạo trong nước và quốc tế cùng với nhiều nghệ sỹ làm việc ở những lĩnh vực khác. Ngoài ra, sự kiện cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam tìm tòi và khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại”.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc nghệ thuật Hanoi Dance Fest 2019 (thứ 2 bên trái) phát biểu tại cuộc họp báo

Nói về sự “thai nghén” Hanoi Dance Fest, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe, chia sẻ: “Cuối năm 2018, khi khởi xướng và tài trợ cho sự kiện Múa đương đại-Hanoi Dance Fest 2019, Viện Goethe nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp. Cả ba bên đã có những cuộc thảo luận, lên ý tưởng, kế hoạch và chương trình cũng như thực hiện các giai đoạn chuẩn bị trong một thời gian dài”. Chính vì vậy, ông Wilfried Eckstein hy vọng các nghệ sỹ tham gia chương trình sẽ đem đến cho khán giả những điểm nhấn mới của múa đương đại.

Tháng 7.2018, Viện Goethe, hợp tác cùng VNOB và Học viện Múa Việt Nam, tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của Nhà soạn nhạc, đạo diễn nhạc kịch, GS. Heiner Goebbels và đồng giám đốc nghệ thuật – NSƯT Trần Ly Ly. Đây là chương trình đầu tiên dành riêng cho các biên đạo, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ và nhạc công trẻ tài năng người Việt.

Tiếp đó, dự án của các biên đạo Nguyễn Duy Thành, Huy Trần, Vũ Ngọc Khải và nghệ sĩ múa Hoàng Lan Phương được Viện Goethe hỗ trợ sản xuất để ra mắt trong ‘’Hanoi Dance Fest 2019’’, với sự đồng hành của Trung tâm Văn hóa Pháp và VNOB, nhằm tạo cơ hội để khán giả Việt Nam khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại.

Sự kiện ”Hanoi Dance Fest 2019” lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng của Việt Nam hội tụ cùng các biên đạo Pháp và Scottland trên cùng một sân khấu múa quốc tế.

Tại ”Hanoi Dance Fest 2019”, Huy Trần mang tới “Đa chiều” – một vở múa đương đại có sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với nhiều chiều: không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu… mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về một vũ đạo.

Tác phẩm Đa chiều của Huy Tran

Tác phẩm “Đáy giếng” của biên đạo múa Vũ Ngọc Khải, đang làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sỹ), được giới thiệu tại sự kiện lần này là hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hóa và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.

Vũ Ngọc Khải với tác phẩm Đáy giếng

Khởi nguồn từ niềm đam mê với hip-hop, đến nay biên đạo và nghệ sỹ múa Nguyễn Duy Thành đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa. Anh là một trong những nghệ sỹ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp hip-hop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Tác phẩm “Thán” được giới thiệu lần này của Nguyễn Duy Thành lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng với những cách điệu từ chính ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trong khi đó, Xuân Lê giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở múa “Vòng lặp”, một tác phẩm mang phong cách tối giản. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ được tái hiện trên sân khấu một cách ấn tượng.

Xuân Lê mang đến Hanoi Dance Fest 2019 tác phẩm Vòng lặp

Các nghệ sỹ trẻ của nhóm Baydanc đã khai thác nhiều chất liệu giản dị trong cuộc sống (bìa các-tông, băng dính…) để tạo nên “Khối bất kỳ”. Qua đó, người xem có thể quan sát những chất liệu này từ những khía cạnh khác nhau, đồng thời cảm nhận những ám ảnh và hiệu ứng mà chất liệu tác động lên nghệ sỹ và ngược lại. “Khối bất kỳ” thể hiện rõ phong cách của Baydanc – luôn trân trọng tự do, sự đa dạng và tự nhiên khi làm nghệ thuật.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Hanoi Dance Fest 2019, khán giả cũng sẽ có cơ hội thưởng thức tác phẩm “FeMale” của biên đạo James Sutherland (Scotland). “FeMale” là câu chuyện về những mối quan hệ bất thường, sự việc, hiện tượng tưởng chừng như “lệch chuẩn” nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng lại thuyết phục khi được soi chiếu vào sâu bản chất bên trong.

Các buổi biểu diễn đều từ 20h. Tối 28.6 gồm các tác phẩm: Khối bất kì – Thán – Đáy giếng và tối 30.6 gồm: FeMale – Vòng lặp – Đa chiều.

Hanoi Dance Fest được bán vé với mức giá rất hợp lý là 200.000 và 300.000VND. Đặc biệt, sinh viên còn được mua vé ở mức giá 100.000VND. Theo Ban tổ chức, việc bán vé qua Ticketbox.vn là để thể hiện việc công khai và minh bạch trong bán bé cũng như khuyến khích mọi người mua vé để thưởng thức nghệ thuật, tạo ra một phần giá trị của nghệ thuật nói chung và Múa đương đại nói riêng. Việc bán vé này không nhằm mục đích lợi nhuận.

Tuyết Hoa

Phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1881/QĐ-BVHTTDL về việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ. Theo Quyết định, Bộ trưởng và các Thứ trưởng được phân công nhiệm vụ cụ thể như sau:

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Lãnh đạo, quản lý toàn diện các mặt công tác của Bộ được Chính phủ quy định tại Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác gồm: Chiến lược, quy hoạch, đầu tư phát triển ngành văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; Tổ chức cán bộ; Kế hoạch, Tài chính; Đối ngoại; Xây dựng Đảng; bảo vệ chính trị nội bộ; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Cục Hợp tác quốc tế; các Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong nước và ngoài nước thuộc Bộ; các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải

Thứ trưởng Lê Khánh Hải: Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Thể dục thể thao; Thanh tra; Văn phòng; Thi đua, khen thưởng; Nghệ thuật biểu diễn; Quản lý nhà nước về Văn học nghệ thuật; Cải cách hành chính; Đảng, Đoàn thể; Quốc phòng – An ninh của Bộ. Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị: Tổng cục Thể dục thể thao; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Vụ Thi đua – Khen thưởng; Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; Trung tâm Công nghệ thông tin. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh thuộc khu vực miền Trung. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Quang Tùng

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Du lịch; Bản quyền tác giả; Công nghiệp văn hóa; Đổi mới và phát triển doanh nghiệp; Xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; Hội nhập quốc tế về kinh tế. Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị: Tổng cục Du lịch; Ban Quản lý làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; Cục Bản quyền tác giả; các doanh nghiệp. Là đầu mối phối hợp với Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trịnh Thị Thủy

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Giúp Bộ trưởng trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác sau: Văn hóa cơ sở; Văn hóa dân tộc; Di sản văn hóa, bảo tàng; Pháp chế; Thư viện; Gia đình. Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị sau: Cục Văn hóa cơ sở; Cục Di sản văn hóa; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Gia đình; Vụ Pháp chế; Vụ Thư viện; Báo Văn hóa; Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; Thư viện Quốc gia Việt Nam; Khối các đơn vị bảo tàng, di tích; Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Tạ Quang Đông

Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác: Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Điện ảnh; Đào tạo; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Quản lý Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Giúp Bộ trưởng theo dõi và chỉ đạo công tác chuyên môn đối với các đơn vị: Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Điện ảnh; Vụ Đào tạo; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật; Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; khối các đơn vị nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh; khối các đơn vị nghiên cứu khoa học; khối các đơn vị đào tạo. Theo dõi, chỉ đạo công tác văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch tại các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4109/QĐ-BVHTTDL ngày 01 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phân công nhiệm vụ trong lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thanh Thủy (bvhttdl.gov.vn)

60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB): Đột phá để tiếp cận công chúng

Nếu như suốt gần 60 năm qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) hầu như chỉ được nhóm công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm, mà con số này không lớn, biết đến, thông qua những tác phẩm trong nước như Cô Sao, Võ Thị Sáu, Nguồn sáng… hay các tác phẩm quốc tế kinh điển như Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà, La Sylphide, Kẹp hạt dẻ… thì chỉ trong hơn 1 năm qua, nếu chỉ cần nhấn nút tìm kiếm về Nhà hát, ngay lập tức đã có tới hơn 12.000 kết quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của đông đảo công chúng đối với VNOB…

… “Hiện tượng” VNOB

Năm 2018 trôi qua với hàng loạt thành công của VNOB trên sân khấu trong nước và cả quốc tế. Từ những chương trình như Bản giao hưởng mùa Hạ dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật, Kotaro Kimura và hơn 60 ca sĩ hợp xướng đến từ Nhật, đến Giai điệu mùa Thu với nhạc trưởng Lê Phi Phi, chương trình múa đương đại Bolero and Suite en Blanc với sự góp mặt của biên đạo múa Lê Ngọc Văn, vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires và kết thúc mùa diễn với vở Ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản Việt, VNOB được biết đến như một “hiện tượng”. Hàng trăm tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh, báo điện tử và thậm chỉ cả mạng xã hội đều “nhảy vào mổ xẻ”, phân tích, bình luận về sự thay đổi mang tính đột phá này.

Maria de Buenos Aires – vở nhạc kịch do VNOB dàn dựng hồi táng 11-2018 gây ấn tượng khá mạnh với khán giả

Không chỉ dừng lại ở các chương trình trong nước, VNOB còn góp phần quảng bá nghệ thuật Việt ra nước ngoài thông qua các chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh – Việt tại London, Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Nhật Bản…

Tiếp bước sang năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, VNOB tiếp tục mang đến một luồng gió mới cho khán giả bằng chương trình mở đầu mùa diễn mang tên “Dạ tiệc âm nhạc – Around the world”. Chương trình đã tạo nên một tiếng vang lớn trong công chúng yêu nhạc, giới phê bình và báo chí. Có thể nói, đây là một sự đột phá mang tính táo bạo nhất khi “dám” xây dựng các trích đoạn nổi tiếng thế giới thành một tác phẩm có sự kết nối đặc biệt hiệu quả giữa nhạc giao hưởng, Opera và Ballet.

Dạ tiệc âm nhạc – Around the world đã cho thấy sự đột phá mạnh mẽ của VNOB

Tất nhiên, để có được sự đột phá này, không thể không nói đến sự thay đổi cơ bản về mặt ý thức hệ của Ban lãnh đạo mới của Nhà hát cũng như tinh thần, nhiệt huyết, sự đoàn kết và quyết tâm sáng tạo của các diễn viên, nghệ sĩ. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm được là sự gắn kết các đoàn với nhau trong cùng một chương trình. Nếu như trước kia, một chương trình biểu diễn thường dàn nhạc giao hưởng sẽ ngồi dưới hố nhạc, trên sân khấu là nơi biểu diễn của hợp xướng, Opera hay Ballet, thì trong Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, dàn nhạc đã được đưa lên tầng 2 trong tư thế được tôn vinh, tạo cảm hứng cho nhạc công cũng như sự thăng hoa cho các nghệ sĩ khác. Khán giả được thưởng thức bằng tai, bằng mắt và các giác quan khác, khiến cảm xúc được nâng đến tận cùng.

… Nhưng khó khăn vẫn còn đó

Tuy đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng VNOB vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức không nhỏ chính là làm sao thu hút được công chúng đến với sân khấu. Bà Ly Ly chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết”.

Kinh phí tổ chức cũng là một bài toán khó. Thực tế là để tổ chức một chương trình nghệ thuật, VNOB đã phải huy động đến hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, ca sĩ… chưa nói đến đội ngũ làm hậu cần như ánh sáng, âm thanh, sân khấu. Rồi tiền phục trang, thiết kế, thuê nhà hát,…Tất cả những khoản này tính đến tiền tỷ. Nhưng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ chỉ bằng vài phần. Vậy, khoản còn lại lấy từ đâu? Xã hội hóa, xin tài trợ đối với những chương trình như thế này quả không phải là điều dễ dàng!

Bên cạnh đó, làm sao để giữ chân các tài năng hay tìm kiếm nguồn nhân lực trong tương lai cho Nhà hát? Thời buổi “gạo châu, củi quế” như hiện nay, với mức lương vài triệu, mỗi buổi tập luyện vất vả được bồi dưỡng vài chục nghìn, nhiều nghệ sĩ, vì đam mê nghề nghiệp, đã phải ra ngoài kiếm thêm bằng việc đi xe ôm, bán hàng ngoài chợ… Điều đó khiến Ban lãnh đạo VNOB phải tính toán cặn kẽ, tìm kiếm các nguồn khác để có thể giúp các nghệ sĩ vững tin với con đường nghệ thuật đã chọn.

Đột phá để tiếp cận khán giả

Trong nghệ thuật trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu mà nghệ thuật hàn lâm vốn là loại hình còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chính vì vậy, Bà Ly Ly cho rằng: “muốn khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ, nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữa lành vết thương tâm hồn”.

Theo chiều hướng đó, VNOB đã mạnh dạn “thay áo mới” cho loại hình nghệ thuật quý tộc này. Hàng loạt những chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện một cách nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của VNOB trong việc tạo bước đột phá để tiếp cận khán giả có hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng lại ở những “hiện tượng’ như Maria de Buenos Aires, Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên hay Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, trong thời gian tới, VNOB sẽ cho tiếp tục cho ra mắt những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và nhiều sắc màu hơn như vở ca kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở vũ kịch Hồ Thiên Nga hay chương trình múa đương đại Đất và Nước… Đây cũng sẽ là điểm nhấn cho năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Nhà hát với các chương trình sẽ được được trình diễn lâu dài, thay vì chỉ vài ba đêm như trước đây.

Một thực tế cho thấy là loại hình nghệ thuật hàn lâm này ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để phát triển trong khi ở các nước khác, nó là bắt buộc. Trong nhà trường, các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch. Nhưng tại Việt Nam, giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật còn xa lạ với khán giả. Chính vì thế, để các chương trình tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, theo bà Trần Ly Ly, sự ra đời của cách mạng 4.0 và tận dụng mạng xã hội sẽ phần nào tạo ra hướng tiếp cận mới với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….Nhưng, để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. “Điều quan trọng là cái khán giả cần thì ta mang đến cho họ, nhưng không được phép rời xa nghệ thuật của mình”. Bà Ly khẳng định: “Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích”.

Lượng khán giả đến với VNOB ngày một nhiều

Để có thể đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận gần hơn với công chúng, ngoài việc “thay áo mới” cho các chương trình, VNOB cũng đang thực hiện một chiến lược khá hay. Đó là xây dựng và phát triển mạng lưới khán giả tích cực cho nghệ thuật hàn lâm. Chiến lược này đang được thực hiện thông qua hai hệ thống. Một là phối hợp với các tổ chức có liên quan để xây dựng câu lạc bộ người yêu nghệ thuật hàn lâm qua mạng xã hội. Hai là thành lập, mở rộng các lớp đào tạo ngắn hạn về hợp xướng, Ballet, Opera và âm nhạc. Những hoạt động này đã và đang góp phần tích cực vào việc mở rộng sự hiểu biết, niềm đam mê nghệ thuật hàn lâm cho công chúng.

Tuyết Hoa (Theo Tạp chí Cục NTBD)

 

Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB

VNOB tham dự chương trình nghệ thuật quốc tế chào mừng lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan

Nhận lời mời của Bộ Văn hóa Thái Lan, Ban tổ chức chương trình nghệ thuật chào mừng lễ đăng quang của Nhà vua Thái Lan, Rama X, được sự cho phép của Bộ VH, TT & DL, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã cử đoàn nghệ sỹ sang tham dự Chương trình nghệ thuật giao lưu của các nước châu Á tại thủ đô BangKok, Thái Lan từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 5 vừa qua.

Tham dự Chương trình nghệ thuật có 10 quốc gia đến từ châu Á, gồm Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Việt Nam. Đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) bao gồm 25 thành viên, dưới sự lãnh đạo của ông Phan Văn Dũng, Trưởng phòng Hành chính, Tổng hợp và biên đạo múa nổi tiếng, NSƯT Nguyễn Hồng Phong, đã tham dự 4 chương trình biểu diễn nghệ thuật cùng với các đoàn khác.

Các tác phẩm mà Đoàn Việt Nam thể hiện tại các chương trình chào mừng đều là những tiết mục đặc sắc, mang đậm hồn văn hóa Việt như Bèo giạt mây trôi, Khách đến chơi nhà, Hello Việt Nam, các tiết mục múa thể hiện bản sắc văn hóa như Lục cúng hoa đăng, Nón ba tầm, Tây Nguyên… cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Đào Tố Loan, Bùi Trang, diễn viên múa Thu Huệ, NSƯT múa Phan Lương…

Các tiết mục của Đoàn Việt Nam đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo người dân Thái Lan nói riêng và các du khách có mặt tại Trung tâm Văn hóa ASEAN, Trung tâm thương mại ICONSIAM và đặc biệt tại khu vực sân khấu phía trước Hoàng Cung.

Tuyết Hoa

Một số tiết mục biểu diễn của VNOB tại Thái Lan

Các nghệ sĩ VNOB thướt tha trong tà áo tứ thân trong bài hát Khách đến chơi nhà

Bài hát Hello Việt Nam do ca sĩ Đào Tố Loan trình bày cùng màn trình diễn áo dài của các nghệ sĩ múa VNOB

https://www.youtube.com/watch?v=pK6ChDuZs3o&feature=youtu.be

NSƯT Trần Ly Ly được vinh danh Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam

Trong khuôn khổ hội nghị The Women’s Summit vừa diễn ra tại TP.HCM, Tạp chí Forbes đã tổ chức lễ vinh danh Top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019, trong đó có NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Danh sách Top 50 này đã được Forbes Việt Nam công bố.

Cuộc bình chọn nhằm tôn vinh những phụ nữ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực bền bỉ và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực hoạt động, cũng như góp phần xác lập, khẳng định những giá trị mới của người phụ nữ thời hiện đại.

Để thực hiện danh sách này, Forbes Việt Nam đã sử dụng phương pháp đánh giá 50 phụ nữ quyền lực nhất thế giới sau khi đã điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và môi trường Việt Nam. Bảng xếp hạng được thực hiện căn cứ trên các tiêu chí về ảnh hưởng tài chính, cũng như tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực mà người được xếp hạng hoạt động, như: chính trị, kinh doanh, giải trí, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, hoạt động xã hội…

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) được vinh danh tại Diễn đàn Phụ nữ ( Women Summit) vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh

Trong nhiều năm qua, với tiêu chí hoạt động dựa trên 3 yếu tố chủ chốt “sáng tạo, nghĩ sâu, làm nhanh’, bà Trần Ly Ly đã không ngừng sáng tạo ra những chương trình nghệ thuật, phối hợp cùng các đồng nghiệp thúc đẩy sự phát triển của văn hóa nghệ thuật nói chung và múa ballet, múa đương đại, ca kịch và nhạc kịch của Việt Nam nói riêng… nhằm tận dụng và phát triển tối đa nguồn tài năng nghệ thuật của đất nước. Trong vai trò là Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB, bà xác định: “sứ mệnh của tôi là giữ vững mục tiêu phát triển của VNOB  thông qua liên tục sáng tạo mới, đưa các tác phẩm nghệ thuật của VNOB có tiếng nói chung với thế giới mà trước hết là đến gần hơn với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật”.

NSƯT Trần Ly Ly cùng các phụ nữ được vinh danh trong Top 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất năm 2018

Sau tiếng vang của Dạ tiệc âm nhạc – Around the world cuối tháng 3 vừa qua, bà Trần Ly Ly và VNOB dự định sẽ ra mắt khán giả Hà Nội chương trình vũ kịch “bom tấn’ Hồ Thiên Nga cùng với vở Opera “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận và chương trình nghệ thuật đương đại “Đất và nước” trong thời gian tới của năm 2019.

Tuyết Hoa

Sứ mệnh của tôi là giữ vững mục tiêu phát triển của VNOB  thông qua liên tục sáng tạo mới, đưa các tác phẩm nghệ thuật của VNOB có tiếng nói chung với thế giới mà trước hết là đến gần hơn với khu vực và châu lục, thông qua việc tổ chức và tham dự các festival nghệ thuật

Thủ tướng bổ nhiệm Giám đốc Nhạc viện TP HCM giữ chức Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tại Quyết định 592/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm ông Tạ Quang Đông, Giám đốc Nhạc viện TP HCM giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ VHTTDL.

PGS. TS Tạ Quang Đông được đào tạo Trung cấp Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tới năm 1988, ông được cử đi học bậc Đại học và Thạc sĩ chuyên ngành Piano tại Học viện Âm nhạc Gnessin (Nga)

Năm 2003, ông nhận bằng Tiến sĩ Âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Gnessin (Nga). Năm 2013 ông được phong hàm PGS.

PGS. TS Tạ Quang Đông từng là giảng viên khoa Piano và giữ chức vụ Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Huế.

Từ tháng 8/2016 đến nay, ông giữ chức Giám đốc Nhạc viện TP. HCM.

Ngoài ra, tại Quyết định 609/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng điều động, bổ nhiệm ông Võ Thành Thống, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

(bvhttdl.gov.vn)

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa: “Với bộ gõ, tôi muốn nói tiếng nói của chính mình”

Được mệnh danh là ‘phù thủy’ bộ gõ, Trần Xuân Hòa, nghệ sĩ chơi bộ gõ hiện đang làm tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã có hành trình độc đạo hơn 10 năm tìm kiếm và khẳng định ngôn ngữ độc lập của bộ gõ trong thế giới nhạc cụ.

Anh tạo ra một không gian đa sắc cho bộ gõ, có khi là tiếng của, đại ngàn, có khi là tiếng ru dịu dàng, là nỗi buồn, niềm vui… Anh chia sẻ: “Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó”.

– Chúc mừng Trần Xuân Hòa với dự án mới sắp trình làng vào tháng 5. Anh im hơi lặng tiếng khá lâu và lần này trở lại, anh chia sẻ với công chúng điều gì?

+ Cuối tháng năm này tôi sẽ có một buổi biểu diễn nho nhỏ ở Manzi, giới thiệu các tác phẩm mới của mình. Đó là những sáng tác rất gần với công chúng, tôi lấy chất liệu của các vùng miền dân tộc Việt Nam, những giai điệu ai cũng đã từng nghe ở đâu đó. Còn nhạc cụ chỉ là phương thức chuyển tải tiếng nói của mình mà thôi. Dự án có tên gọi “Âm hưởng vùng cao” gồm 6 bản nhạc mới “Mùa xuân”, “Chồi”, “Bản”, “Điệu nhảy”, “Nước”….

– Những sáng tác mới của anh mang âm hưởng dân gian của người Mông, Tày, Thái, Ráy. Điều gì ở âm nhạc vùng cao quyến rũ hút anh đến thế?

+ Mồng 3 Tết vừa rồi tôi thuê xe máy lên vùng Seo Mý Tỷ, một vùng heo hút ở Sa Pa. Tôi đang đi giữa rừng thì thấy một ngôi nhà tập trung rất đông người. Tôi tò mò vào hỏi, hóa ra đó là nhà thờ của người Mông, người dân đang tụ tập ở đó để nghe giảng về lễ đón năm mới. Tôi thấy trong sinh hoạt nhà thờ, người Mông đề cao âm nhạc và ca hát, sau một đoạn giảng thì có một tốp người lên hát bằng tiếng Mông. Dù không hiểu nhưng tôi thấy rất thú vị. Tôi cứ nghĩ đời sống của người dân tộc nghèo nàn, đơn điệu nhưng khi đi sâu vào thế giới của họ, đặc biệt âm nhạc của họ, tôi khám phá ra nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. Đêm 30, tôi ăn Tết trong một gia đình người Ráy và được thưởng thức âm nhạc của họ, rất khác biệt với người Mông. Sống và tìm hiểu âm nhạc của người dân tộc, tôi hiểu vì sao các nhà nghiên cứu cho đó là một di sản. Nó thực sự đẹp và quyến rũ. Và tôi đã sử dụng chất liệu đó cho những sáng tác mới của mình.

– Lần đầu tiên anh có một dự án gồm những sáng tác mới dành cho bộ gõ, điều gì thôi thúc anh?

+ Tôi sáng tác những bản nhạc dành cho bộ gõ vì ở Việt Nam không có. Sáng tác ca khúc dễ kiếm tiền, dễ đi vào lòng người. Nhưng một tác phẩm viết cho nhạc cụ nó sẽ kén người nghe, đòi hỏi khản giả có kiến thức về âm nhạc, có thẩm mỹ âm nhạc nhất định. Trên thế giới cũng có tác phẩm viết cho bộ gõ nhưng muốn chơi phải chi trả tiền bản quyền khá cao. Tôi ấp ủ tự viết nhạc cho bộ gõ khá lâu rồi. Khi tự sáng tác, mình được nói lên tiếng nói của mình. Bây giờ tôi chạm mức 40 tuổi rồi, mình không thể là một nghệ sĩ đi biểu diễn tác phẩm của người khác mãi được. 40 tuổi, tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống, những hỷ, nộ, ái, ố. Và tôi muốn gửi gắm tiếng nói của mình với khán giả qua bộ gõ.

– Vì sao anh chọn trống Handpan – một loại trống xuất phát từ Châu Âu để trình diễn những bản nhạc mới này? Tôi tò mò tự hỏi, âm nhạc truyền thống và nhạc cụ đương đại sẽ được kết nối với nhau thế nào?

+ Trống Handpan mang thiên hướng núi rừng. Tôi liên tưởng đến vùng cao, đến Tây Bắc, Tây Nguyên khi tiếng trống vang lên. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đi tìm chất liệu và sáng tác. Như tôi nói, chiếc trống chỉ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tâm tư của người nghệ sĩ mà thôi. Và dù là âm nhạc của vùng miền nào thì nó cũng được cất lên từ chính trái tim của người nghệ sĩ. Đó chính là sự kết nối.

– Từ một nghệ sĩ chơi trống trong dàn nhạc giao hưởng, Trần Xuân Hòa đã bứt phá trở thành một nghệ sĩ bộ gõ độc lập. Cơ duyên nào giúp anh đi con đường tiên phong đó?

+ Năm 2010, tôi học ở Singapore về, dự định sẽ về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB)  và chơi trống mà thôi. Nhưng nhạc sĩ Phạm Hồng Hải đã gọi tôi vào và động viên, Hòa phải làm một chương trình riêng đi. Nếu không có lời khuyến khích đó thì tôi mãi mãi chỉ là người đánh trống bình thường. Lúc đó tôi chưa hình dung ra con đường solo bộ gõ sẽ thế nào. Từ những góp ý, câu chuyện chia sẻ với đồng nghiệp và những ý tưởng nung nấu trong đầu, tôi bắt đầu bắt tay vào tổ chức chương trình riêng. Ở Hà Nội lần đầu tiên có một đêm diễn bộ gõ. Đó là năm 2010. Khó khăn, nỗ lực làm solo, tôi luôn dành thời gian đau đáu nghĩ về nó. Tại sao những môn nghệ thuật hay những món ăn tinh thần đặc biệt như thế mà khán giả Việt không được thưởng thức. Đó là động lực giúp tôi quyết tâm đi con đường solo.

 Trong dàn nhạc bộ gõ đóng vai phụ giữ nhịp điệu, tiết tấu, nhưng anh quyết tách nó ra thành một nhạc cụ chính, solo. Con đường đường đó hẳn sẽ nhiều chông gai?

+ Tôi đã đi con đường độc hành hơn 10 năm. Trên thế giới, những kiểu tách thế này rất nhiều, chỉ Việt Nam là chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không, vì thế hơn 10 năm nay tôi lầm lũi, cần mẫn làm các chương trình độc tấu của bộ gõ để giới thiệu với khán giả, giúp khán giả hiểu rằng, bộ gõ cũng có những tâm tư, tình cảm riêng, nó có thể tách rời, biểu diễn một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhiều người nghĩ đến bộ gõ là nghĩ đến sự ồn ào, náo nhiệt. Nhưng thực tế, bộ gõ không chỉ có trống, không chỉ có sự ồn ào mà nó vẫn có những khoảng lặng, những tâm tư tình cảm như con người. Bản thân nghệ sĩ bộ gõ không đóng mình trong khuôn phép nào cả, họ tự do sáng tạo đạo cụ riêng đưa lên sân khấu miễn là đạo cụ đó có nhịp điệu và tiết tấu riêng. Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó.

– Điều gì giúp anh vẫn miệt mài đi con đường độc hành nhiều năm qua?

+ Tôi không thấy cô đơn trên con đường của mình, vì bên cạnh tôi luôn có khán giả và bạn bè. Tôi cũng không thấy khó khăn vì thực tế trong cuộc sống, nhu cầu của tôi đơn giản lắm. Lựa chọn thì phải chấp nhận đánh đổi. Người nghệ sĩ không thể vừa muốn cái này, vừa muốn cái kia. Thực tế, nhiều nghệ sĩ bộ gõ không có cái tôi thôi thúc mạnh mẽ để vươn lên. Tại sao mình cũng học như người khác nhưng cuối cùng phải ngồi chờ, làm theo ý tưởng tác phẩm của họ. Tôi không chấp nhận điều đó và không muốn làm theo ý tưởng của người khác, tôi muốn đi con đường của mình. Bởi nếu mình không vươn lên thì mình chỉ là người có tay nghề cao, chỉ là công cụ để thực hiện ước mơ của người khác. Nếu không có đam mê, theo đuổi con đường riêng thì tôi mãi mãi chỉ là một người đánh trống vô danh trong dàn nhạc.

– Anh nói anh không đơn độc vì luôn có khán giả bên cạnh. Sau một chặng đường dài, khán giả đón nhận anh và các tác phẩm mới của bộ gõ như thế nào?

+ Tôi đã có một lượng khán giả riêng sau một hành trình dài. Tuy nhiên, phải xác định khán giả của tôi không đông, không thể là đại chúng. Vì thế, những đêm diễn của tôi thường là những khán phòng nhỏ, 70-100 khán giả. Như thế là vui rồi. Cứ từng bước bền bỉ, lan tỏa như vậy thôi.

– Anh được mời đi diễn ở nhiều nước, có lúc nào đó anh mơ ước những tác phẩm của mình sẽ vượt ra ngoài biên giới?

+ Đó là giấc mơ của người nghệ sĩ, một lúc nào đó, tác phẩm của mình sẽ được biểu diễn tại các Festival quốc tế. Tôi luôn ấp ủ khát vọng đó. Tại sao không nhỉ. Có thể thời tôi chưa làm được thì các thế hệ sau tôi, họ nhìn thấy con đường mình khai phá, họ sẽ tiếp nối. Phải có người tiên phong, tạo nền tảng để người đi sau phát triển lên. Trên thế giới có nhiều Festival. Mỗi lần đi diễn tôi thường vào cửa hàng nhạc cụ các nước, tìm cái nào hay và lạ thì mua, tìm những tài liệu của nó để học. Có lẽ cuộc đời tôi chỉ có một đam mê quái gở, sưu tầm các nhạc cụ trên thế giới và học cách chơi của nó. Ở nước ngoài, tôi may mắn đi diễn với nhiều nghệ sĩ, họ rất coi trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, một ban nhạc nước ngoài thường sáng tác và tự biểu diễn tác phẩm của họ, họ đánh giá cao những sản phẩm cá nhân. Đó là tiếng nói của cá nhân. Còn ở ta, sự sáng tạo chưa được coi trọng, thậm chí nhiều khi mờ nhòa trong thế giới ồn ào của showbiz. Các giá trị thật- giả cứ lẫn lộn. Nhưng thôi, tôi may mắn đã có một con đường, cứ thế mà đi. Cuối năm, tôi dự định sẽ ra một album riêng của bộ gõ, mong được khán giả đón nhận.

V.Hà (thực hiện)

Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó

Mãn nhãn với màn trình diễn trong ‘Đại lộ di sản’

Tối 12/5 vừa qua, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), chương trình nghệ thuật Đại lộ Di sản số đầu tiên của VTV đã diễn ra với các tiết mục đặc sắc của 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Toàn bộ chương trình do ê kíp sáng tạo thực hiện, trong đó NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), chịu trách nhiệm chính phần múa.

Có 8 đoàn nghệ thuật đến từ 8 nước châu Á cùng 300 tăng ni, 120 diễn viên của Việt Nam tham gia chương trình, trong đó có sự góp mặt của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak.

 

Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak

 

Các đoàn nghệ thuật đã mang đến những tinh hoa nghệ thuật của quốc gia mình, trong đó mỗi tiết mục đều ẩn chứa một câu chuyện về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xưa cho đến ngày nay.

Tam Chúc là nơi lý tưởng để các nghệ sĩ “chơi” nghệ thuật ánh sáng và âm thanh cùng phong cách dàn dựng mới lạ.

Phần 1 của chương trình Đại lộ di sản với chủ đề Việt Nam – Đất Phật ngàn năm được mở màn bằng đoàn rước từ từ đi lên từ mặt nước. Không gian chùa Tam Chúc vô cùng lung linh với hình ảnh ánh sáng chiếu rọi vào 6 quả núi và hơn 2 vạn bông hoa đăng.

Sân khấu nổi lên vô cùng huyền bí, khách tham dự có cảm giác một ngôi chùa đang mọc lên từ biển cả bao la. 300 tăng ni từ từ tiến vào sân khấu cùng các ca sĩ Ngọc Sơn, Quách Tuấn Du, Đông Hùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh thể diện bài hát Việt Nam Phật giáo rạng ngời và màn múa Cờ Phật.

Màn hình hiện lên là nền đá nham thạch miêu tả các sự tích của Đức Phật tại khu du lịch Tam Chúc cùng với bài ca cổ “Chuyện Phật Thích Ca giáng trần” được soạn lời mới từ Thượng toạ Thích Nhật Từ khiến người xem, ai cũng muốn một lần được đặt chân tới ngôi chùa tuyệt đẹp này.

Đạo diễn, biên đạo múa Trần Ly Ly đã khiến người xem trầm trồ bởi phần dàn dựng màn múa Khai giác cho hơn 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Màn múa khiến người xem tâm đắc bởi chắc có lẽ, sinh ra, con người đã khơi mở Phật tính sẵn có của mình để chứng ngộ nguồn gốc của pháp.

Phần 2 của Đại lộ di sản, tại sân khấu của ngôi chùa lớn nhất thế giới Tam Chúc, khán giả được hoà mình vào không khí lễ hội đậm đặc màu sắc văn hoá được các nước.Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn khiến người xem thấy được nét đặc sắc của văn hoá Ấn Độ – quê hương của Phật giáo. Những điệu múa cổ điển nhất của Ấn Độ thể hiện những câu chuyện Phật giáo. Và điệu múa Odissi là một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ, là di sản văn hóa của quốc gia.

Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn

Đoàn nghệ thuật Sampath Rangayathanaya – Sri Lanka

Múa Onden Onden do đoàn nghệ thuật Indonesia biểu diễn.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam nhận được rất nhiều lời khen ngợi của bạn bè quốc tế. “Lục cúng hoa đăng” là một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn. Đây là điệu múa có nguồn gốc từ lâu đời và đến hôm nay dù trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử, nhưng nó vẫn tồn tại, tuy không còn nguyên vẹn như ban đầu. “Lục cúng hoa đăng” là 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng lên một thứ lễ vật như: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam do các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thực hiện

Tiết mục múa Awa Odori và các nhạc cụ do đoàn nghệ sĩ Nhật Bản – KINARI biểu diễn. Lễ hội nhảy múa Awa Odori Matsuri được cho là bắt nguồn từ năm 1586. Điệu múa “Awa Odori” truyền thống thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo.

Tiết mục The Defeat of Mara do đoàn nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa Thái Lan

Tiết mục múa Awa Odori của Nhật Bản

Tiết mục Suo Nan Zhi đoàn nghệ thuật Trung Quốc.

Điệu múa Cham Bhutan

Điệu múa Cham Bhutan – một điệu nhảy truyền thống gắn liền với văn hóa Phật giáo. Các vũ công sẽ đeo mặt nạ và nhảy múa trên nền nhạc truyền thống được chơi bởi các nhà sư. Những điệu múa Cham không chỉ miêu tả lại sự vĩ đại và công đức của Đức phật mà còn là một phương pháp thiền định, là sự kính ngưỡng của con người nơi đây hướng tới các vị thần. Điệu Cham thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn.

Với Đại lộ di sản, âm nhạc, nghệ thuật như một thứ tín ngưỡng chia sẻ tâm tư, tình cảm, ước mơ của con người. Màn hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam và màn pháo hoa đã kết lại chương trình thật đẹp và để lại nhiều xúc cảm cho người xem.

Tình Lê (VietnamNet)

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tiết lộ:

Tiết mục múa đông nhất tại Đại lộ Di sản lên tới hơn 300 tăng ni và 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Còn tổng thể thực hiện chương trinh lên tới con số hàng nghìn người, bao gồm cả diễn viên và người thực hiện

VNOB tham gia Đại lộ di sản chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019

Với mục đích giới thiệu đến khán giả những di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Đài truyền hình Việt Nam đã cùng e kíp sáng tạo xây dựng một chương trình nghệ thuật quốc tế mang tên Đại lộ di sản, dự kiến sẽ diễn ra hàng năm với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong có có sự góp mặt của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Dự kiến,  Chương trình Đại lộ di sản sẽ ra mắt số đầu tiên lúc 20h10 ngày 12 tháng 5 trên kênh VTV1.

NSƯT Trần Ly Ly, Q.Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), là một trong những nhân vật chủ chốt trong ê kíp sáng tạo của chương trình này. Bà Ly Ly sẽ phối hợp cùng với đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Lưu Hà An và nhạc sĩ Thanh Phương. Số đầu tiên sẽ diễn ra tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Hà Nam, đúng vào đợt diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2019. Mục đích của chương trình là đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, thông qua đó sẽ góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hóa chân – thiện – mỹ của Việt Nam và nhân loại.

Quang cảnh họp báo ra mắt chương trình Đại lộ di sản

Theo thông tin từ ê-kíp sản xuất, chương trình gồm 2 phần. Phần đầu tiên mang tên Việt Nam – Đất Phật ngàn năm. Trong phần này, khán giả sẽ được xem những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản  tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng như Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian (Hát ru – Đi cấy – Vào chùa), Múa trống Thượng đường/Khai giác… với sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và hàng trăm diễn viên múa chuyên nghiệp.

Phần thứ hai mang tên Đại lộ di sản , giới thiệu tới công chúng những di sản văn hóa phi vật thể của nhiều quốc gia trên thế giới. Xuất hiện trong chương trình năm nay gồm múa “Lục cúng hoa đăng” – điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003); múa Odissi của Ấn Độ (một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ); múa Awa Odori Nhật Bản (được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo); múa Cham của Bhutan (một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này)…

Những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó hoặc của thế giới do UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.

Múa Lục cúng hoa đăng sẽ xuất hiện trong Đại lộ di sản số đầu tiên

Đặc biệt, trong phần múa, theo NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ, chương trình sẽ được dàn dựng bao gồm 4 mảng múa lớn, trong đó có sự tham gia của 300 ni sư, 120 diễn viên múa…Đặc biệt, một tác phẩm được viết lời bởi chính Thượng tọa Thích Nhất Từ với việc viết lời có nội dung về đạo Phật trên nền bài “Dạ cổ hoài lang”. Theo đó, nét đặc biệt nhất của phần này là khán giả sẽ được xem một màn trình diễn với sự tham gia của 300 người xếp thành hình chữ “vạn”.

Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc. Mỗi di sản đều có điểm phát tích, có những thăng trầm gắn với lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia. Ngoài những mặt giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày nay di sản văn hóa còn được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian.

Chương trình nghệ thuật thường niên Đại lộ di sản hy vọng là một trong những nỗ lực góp phần bảo vệ di sản, cũng chính là bảo vệ văn hóa của mỗi một quốc gia.

 

Tuyết Hoa

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn mới: Thông thoáng, nhưng sẽ chặt chẽ hơn

Nhiều quy định đã được sửa đổi thông thoáng hơn trong dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng.

Thông tin cho báo chí về dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng, chiều 12/2, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều quy định được cởi mở, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, Nghị định cũng sẽ chặt chẽ hơn và giao quyền về địa phương quản lý.

Bỏ cấp phép ca khúc

Theo ông Nguyễn Quang Vinh- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định về Hoạt động biểu diễn (sau đây gọi tắt là Nghị định) trên cơ sở các Nghị định 79, 15 trước đây. Những vấn đề trong quá trình quản lý còn bất cập sẽ được sửa đổi, mục đích của Nghị định là giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và các thành viên khác trong xã hội khi tham gia hoạt động Nghệ thuật biểu diễn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Nghị định mới không chỉ quan tâm các điều kiện về cấp phép biểu diễn, cấp phép thi hoa hậu… mà một phần quan trọng là xây dựng chính sách cho nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh mở cửa thị trường.

Một vấn đề được quan tâm trong dự thảo Nghị định lần này là cấp phép các ca khúc trước năm 1975. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân thì sẽ bị cấm.

“Trước đây quy định cấp phép ca khúc trước 1975, tuy nhiên, hiện giờ không còn phù hợp. Cục NTBD cũng băn khoăn giữa việc lựa chọn danh mục công bố các ca khúc được phép, nhưng trên thực tế không làm được. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định, các đơn vị quản lý nhà nước căn cứ vào quy định này, tác phẩm không chỉ bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, nội dung xấu thì không được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. Giám sát sẽ là các địa phương, tăng cường quyền cho địa phương. Cục NTBD không trực tiếp quản lý, các Sở địa phương cấp phép và quản lý. Cục NTBD chỉ giám sát” – Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Trước băn khoăn về năng lực của cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương chưa đồng bộ, có thể chưa chặt chẽ trong cấp phép biểu diễn ca khúc, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, cán bộ văn hóa đủ trình độ để biết bài hát có chống lại lợi ích đất nước, có bôi nhọ tổ chức, cá nhân hay không.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng chế tài xử phạt như rút phép biểu diễn đối với công ty, tổ chức vi phạm.

“Cởi mở” quy định về thi hoa hậu

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, quy định về các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong Dự thảo Nghị định cũng “thông thoáng” hơn.

“Thực tế hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh về các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật. Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước, là các hoạt động xã hội hóa, vì vậy, theo tôi, không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để điều hành, quản lý”- Quyền Cục trưởng Cục NTBD nhấn mạnh.

Với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định theo hướng khoanh vùng các cuộc thi, Cục chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Đối với các cuộc thi do các đơn vị tổ chức, công ty tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó cấp phép quản lý.

Dự thảo nghị định mới cũng sẽ bỏ cấp phép cho các người đẹp đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Theo Nghị định 79 đang có hiệu lực, top 3 các người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi các cuộc thi người đẹp ở nước ngoài. Theo Dự thảo Nghị định mới, tất cả các cá nhân có đủ điều kiện theo yêu cầu của cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà thí sinh muốn dự thi đều được cấp phép tham gia. Giấy phép này không nhất thiết phải do Cục NTBD cấp, có thể là địa phương quản lý cấp.

Về việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về biểu diễn tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định, Cục NTBD cấp phép cho cá nhân nghệ sĩ về Việt Nam, còn việc biểu diễn trong các chương trình nào, ở địa phương nào, nghệ sĩ hát bài nào thì đơn vị tổ chức xin phép địa phương đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ được hoàn thiện, xin ý kiến các cá nhân, tổ chức trong quý IV/2019, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành./.

Hoàng Nguyên (Theo bvhttdl.gov.vn)