Tag: Ballet

VNOB có 10 NSND, NSƯT được vinh danh trong 2024

Sáng 6/3, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú lần thứ 10.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương cùng các nghệ sỹ và thân nhân gia đình nghệ sỹ được trao tặng danh hiệu đợt này.

Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao tinh thần lao động sáng tạo của các thế hệ nghệ sỹ. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các nghệ sỹ. Danh hiệu “Nghệ sỹ Nhân dân”, “Nghệ sỹ Ưu tú” là danh hiệu vinh dự, cao quý của Đảng, Nhà nước dành tặng những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng; được công chúng đón nhận, yêu thích, mến mộ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, các Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú thực sự là “vốn quý của đất nước”, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam rất vinh dự có 2 NSND được phong tặng trong đợt này là cố NSND Lê Gia Hội và NSND Hà Mạnh Chung. Bên cạnh đó, có 8 nghệ sỹ được vinh danh NSƯT bao gồm ông Phan Mạnh Đức (Giám đốc Nhà hát), ông Nguyễn Huy Đức (Trưởng đoàn Ca kịch), bà Bùi Thị Minh Hoa (Phó đoàn Nhạc kịch), bà Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Nhạc kịch), ông Nguyễn Văn Nam và bà Phạm Thu Hằng (đoàn Vũ kịch), ông Ngô Thanh Sơn và ông Vũ Tuấn Anh (Phòng TCBD).

Tuyết Hoa

NSND Hà Mạnh Chung và NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB
NSND Trần Ly Ly, Q.Cục trưởng Cục NTBD và NSƯT Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB
NSƯT Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc VNOB chúc mừng NSƯT Nguyễn Huy Đức
NSƯT Bùi Minh Hoa, Phó đoàn Nhạc kịch (phải)
NSƯT Nguyễn Hoàng Anh
NSƯT Văn Nam (phải) nhận hoa chúc mừng của nhạc sỹ Đỗ Hoàng Phương, Phó Giám đốc VNOB
NSƯT Phạm Thu Hằng (phải)
NSƯT Ngô Thanh Sơn (phải)
NSƯT Vũ Tuấn Anh (phải)

VNOB đón tiếp thống đốc tỉnh Kanagawa và Chủ tịch Ngân hàng Kiraboshi

Trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam và Tuần văn hóa Kanagawa tại Hà Nội, chiều 18/11, đoàn đại biểu của tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã đến thăm cơ sở vật chất và làm việc với Ban giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Về phía đoàn đại biểu tỉnh Kanagawa có Thống đốc Kuroiwa Yuji, Chủ tịch ngân hàng Kiraboshi, ông WATANABE Hisanobu, Chủ tịch Công ty thiết kế phục trang ballet Atelier Yoshino, bà Katsue YOSHINO và các thành viên khác.

Tại buổi tiếp, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc VNOB đã giới thiệu về sự phát triển của Nhà hát, kế hoạch xây dựng các chương trình nghệ thuật trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2024, khi Nhà hát kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Ông Phan Mạnh Đức cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến Thống đốc vì sự ủng hộ và đặc biệt Công ty Atelier Yoshino đã hỗ trợ trang phục Ballet cho Nhà hát.

Sau cuộc họp, thống đốc Kuroiwa Yuji cùng đoàn đã đi thăm cơ sở vật chất của Nhà hát và dự khán một buổi tập của đoàn Ballet Nhà hát. Thống đốc và đoàn chia sẻ ấn tượng khi trực tiếp theo dõi các nghệ sỹ tập luyện và hy vọng trong những năm tới, Nhà hát và tỉnh Kanagawa sẽ xây dựng các chương trình hợp tác về nghệ thuật.

Trước đó, đoàn đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trao tặng trang phục Ballet cho Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Tuyết Hoa

VNOB: Bội thu tại cuộc thi Tài năng Múa 2020

Từ ngày 9 đến ngày 17/10 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã diễn ra cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020 do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Thể hiện được trình độ đỉnh cao, nghệ thuật xuất chúng, các thí sinh đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã giành được 2 giải nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Biên đạo xuất sắc.

Tham dự cuộc thi có hơn 100 vũ công với 4 thể loại ballet, đương đại, dân gian và hiện đại ở TP.HCM và Hà Nội. Hội đồng Giám khảo của Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 là những nhà chuyên môn có uy tín, tài năng như TS., NSND Phạm Anh Phương, TS. NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, Ths. Đoàn Phúc Linh Tâm và hai chuyên gia, Biên đạo múa, Giám đốc Nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật SOUL, Alexander Tú; Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan, ông Arthur Kuggeleyn. VNOB cũng vinh dự có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, là một trong những thành viên chủ chốt của Hội đồng.

Sau 6 ngày tranh tài, Ban giám khảo đã chọn ra 6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 6 giải khuyến khích. Đặc biệt, VNOB, với 3 thí sinh dự thi, đã giành cả 3 giải thưởng quan trọng, trong đó, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu giành Huy chương Vàng Bảng A: Ballet cổ điển Châu Âu và Ballet hiện đại, Nàng “Juliet” Trần Lệ Thanh của VNOB cũng đoạt Huy chương Vàng Bảng B: Đương đại. Đặng Bùi Minh Hiếu cũng giành Huy chương Bạc Bảng A. Và, với 10 tác phẩm tham dự dàn dựng và huấn luyện cùng 2 sinh viên do cô đào tạo đoạt Huy chương Bạc, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Thông qua cuộc thi lần này, các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên và lực lượng sáng tạo nghệ thuật múa đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, bổ ích trong quá trình lao động, biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, tiếp tục trau dồi kỹ thuật biểu diễn, sáng tạo hơn nữa để những tác phẩm nghệ thuật múa có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả. Để tiếp tục phát triển những lớp tài năng biểu diễn Múa kế cận trong thời gian tới, là một nhà giáo đã từng giảng dạy và làm công tác quản lý, đào tạo trong nhiều năm, PGS, TS Tạ Quang Đông đã đưa ra một số yêu cầu thiết thực, thể hiện sự tâm huyết với công tác đào tạo để phát triển ngành múa: “Tôi đề nghị các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động phát triển các kỹ thuật cơ bản, đẩy mạnh nâng cao giảng dạy phần múa Dân gian dân tộc và múa Đương đại, tăng cường thể lực cho học sinh. Đối với các biên đạo, các huấn luyện, cần xác định rõ ý tưởng, phong cách, bố cục rõ ràng của mỗi tiết mục để giúp cho các các em luyện tập có được cảm hứng say mê, phát triển những kỹ năng biểu diễn”.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 đã thành công tốt đẹp. Đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật múa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Sau cuộc thi, mỗi nghệ sĩ, diễn viên sẽ có thêm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng và sự sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển.

Tuyết Hoa


 

Nguyễn Đức Hiếu (VNOB) trong bài biểu diễn tại Cuộc thi
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho các nghệ sĩ
NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc

Tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa

Cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, là diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc, thí sinh tự do có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

Cuộc thi chia làm 4 bảng với 4 phong cách múa: Ballet cổ điển và Ballet hiện đại (Bảng A), Đương đại (Bảng B), Dân gian dân tộc, Dân tộc hiện đại và truyền thống (Bảng C); Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ múa có tính chất đường phố – hiphop, popping, breakdance, locking… (Bảng D). Trong đó, Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho thí sinh, nhóm thí sinh xuất sắc mỗi bảng.

Ban Tổ chức cũng cho biết, thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích đăng ký các tác phẩm múa mới sáng tác. Về nội dung, tác phẩm cần có nội dung và thông điệp rõ ràng. Tiêu chí xét giải thưởng được đánh giá qua các yếu tố: kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện; nghệ thuật diễn xuất sáng tạo; ngôn ngữ hình thể và cảm xúc của diễn viên; có sáng tạo riêng về hình thức thể hiện để bộc lộ tài năng.

Gia Linh (https://bvhttdl.gov.vn)

Chương trình múa đương đại Bolero của VNOB

VNOB tham dự chương trình nghệ thuật “Mùa xuân dâng Đảng”

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), tối ngày 2/2, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Mùa xuân dâng Đảng” với không khí trang trọng, hào hùng và tươi vui. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với sự góp mặt của các Nhà hát trực thuộc Bộ, trong đó đặc biệt là màn trình diễn xuất sắc của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) dưới bàn tay tài năng của Tổng biên đạo múa – Q. Giám đốc Nhà hát, NSƯT Trần Ly Ly.

Dự Chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Chương trình có sự góp mặt của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước
Đến dự còn có đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, Hà Nội và công chúng Thủ đô.

Chương trình “Mùa xuân dâng Đảng” nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó tôn vinh truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam 90 năm qua.

Chương trình nghệ thuât chủ đề “Mùa xuân dâng Đảng” diễn ra trong 90 phút, gồm 3 phần nội dung chính: “Mùa xuân dâng Đảng”, “Đất nước bốn mùa hoa”, “Tình ca mùa xuân”.

Trong phần 1, khán giả được thưởng thức những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và thể hiện niềm tin son sắt với Đảng của toàn dân tộc thông qua màn đại hợp xướng gồm 3 tác phẩm “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Giai điệu Tổ quốc” và các bài “Đảng là cuộc sống của tôi”, “Lá cờ Đảng”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người là niềm tin tất thắng” cùng dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi.

Ca sĩ Tố Loan của VNOB biểu diễn trong chương trình
Phần thứ 2 “Đất nước bốn mùa hoa” gồm những ca khúc tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, như: “Đất nước”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Tình em”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…

Phần cuối chương trình, khán giả được đến với những ca khúc lãng mạn về mùa xuân và tình yêu: “Cung đàn mùa xuân”, “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, “Quê hương tình yêu tuổi trẻ”, “Em là mầm non của Đảng”…

Những bài hát về Đảng với phần hòa âm đặc sắc được trình bày qua giọng ca truyền cảm, tràn đầy nội lực của các nghệ sỹ, sự hòa quyện đến hoàn hảo của các màn trình diễn múa đến từ VNOB như NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang (hát), NSƯT Phan Lương, NSƯT Quỳnh Nga, NSƯT Nguyễn Thị Cần, Thu Huệ, Thu Hằng (múa)… và các nghệ sĩ của đoàn nhạc kịch, vũ kịch của Nhà hát.

Rất đông khán giả đến thưởng thức chương trình
Với những thành công trong năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) ngày càng được công chúng và giới chuyên môn biết đến nhiều hết khi có mặt ở rất nhiều chương trình nghệ thuật trong dịp Tết Canh Tý vừa qua cũng như trong thời gian tới.

Tuyết Hoa

Màn đại hợp xướng dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi và phần trình diễn chính của Đoàn nhạc kịch VNOB
3 ca sĩ và các nghệ sĩ Ballet của VNOB với phần trình bày xuất sắc tại chương trình
Các nghệ sĩ múa của VNOB

Hồ Thiên nga của VNOB được bình chọn là sự kiện văn hoá tiêu biểu 2019

Sự trở lại của tuyệt phẩm Ballet “Hồ Thiên nga” sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn đã lọt top 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch năm 2019 do Bộ VHTT&DL tổ chức bình chọn.

Tối 9/1, Bộ VHTTDL đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2019. Trong số 10 sự kiện được công bố có sự góp mặt của tuyệt phầm Ballet Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với số phiếu rất cao.

Sự trở lại của ballet “Hồ Thiên Nga” sau 35 năm vắng bóng trên sàn diễn được trở lại với khán giả Việt với toàn bộ ekip sáng tạo và sản xuất đều đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Với sự nỗ lực không kể ngày đêm liên tục trong suốt 6 tháng của những nghệ sĩ tài năng, ngay lập tức, “Hồ Thiên nga” đã 7 đêm diễn đều “cháy vé” trước đó cả tháng trời.

Tuyệt phẩm Hồ Thiên Nga của VNOB được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình dù diễn trong Nhà hát Lớn hay sân khấu ngoài trời

Cùng với Hồ Thiên Nga, các sự kiện văn hóa được bình chọn gồm Luật Thư viện – Động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh tại Danh sách Si sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Tôn vinh 100 năm Nghệ thuật Sân khấu Cải lương.

Lĩnh vực thể thao và 3 sự kiện, trong đó nổi bật là sự kiện Đoàn Thể thao Việt Nam với thành tích đặc biệt xuất sắc xếp hạng 2 toàn đoàn trên 11 quốc gia tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 (SEA Games 30). Tại Đại hội SEA Games 30, Đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra là có mặt trong tốp 3 toàn đoàn.

Đặc biệt đây là kỳ SEA Games thành công nhất trên sân khách khi chúng ta vượt qua Thái Lan để có mặt ở vị trí thứ 2/11 quốc gia dự Đại hội. Đây cũng là kỳ SEA Games thành công trọn vẹn của thể thao Việt Nam khi cả hai Đội tuyển bóng đá nam, nữ đều giành Huy chương Vàng; các môn Olympic như điền kinh, bơi… tiếp tục khẳng định vị thế và sức mạnh.

Lĩnh vực du lịch có 3 sự kiện được chọn. Đáng chú ý nhất là sự kiện năm 2019, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018; phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tăng 6%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 726.000 tỷ đồng, tăng trên 17,1%, trong đó tháng 11/2019 cán mốc tăng trưởng cao nhất đạt kỷ lục 1,81 triệu lượt/tháng.
Du lịch Việt Nam liên tiếp nhiều năm được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp trong số 10 điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách nhanh nhất thế giới. Với kết quả trên, những mục tiêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang thành hiện thực. Đây cũng là kỷ lục về lượng khách quốc tế đón được trong 1 năm trong lịch sử gần 60 năm ngành Du lịch.

Các sự kiện được bình chọn trên tổng số 39 hồ sơ đề cử sự kiện từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở văn hóa, thể thao và du lịch; sở văn hóa và thể thao; sở du lịch; sở văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó lĩnh vực văn hóa có 21 hồ sơ đề cử, thể thao có 11 hồ sơ đề cử và lĩnh vực du lịch có 7 hồ sơ đề cử.

Trên cơ sở hồ sơ đề cử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổng hợp, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, lựa chọn 15 sự kiện tiêu biểu giới thiệu bình chọn dưới hai hình thức: Tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn, thời gian bình chọn 5 ngày (từ ngày 2-1 đến 6-1-2020) với sự tham gia của toàn thể độc giả trên toàn quốc và tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 3-1-2020 tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.

Tuyết Hoa

Vở Ballet Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB: Bí ẩn phương Đông và lộng lẫy phương Tây

Có mặt gần 140 năm qua, vở Ballet Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky vẫn được coi là “Ballet của những vở Ballet”. Từ những ngày đầu trình diễn tại Mariinsky ở St. Peterburg (Nga) cho đến nay, Hồ Thiên Nga đã được diễn lại với nhiều phiên bản khác nhau. Tại Việt Nam, Hồ Thiên Nga lần đầu tiên được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời kỳ những năm 1980, dưới sự hỗ trợ toàn phần của các chuyên gia đến từ Liên bang Xô Viết (cũ). Từ đó đến nay, cho dù xã hội có nhiều biến chuyển, nhưng Việt Nam mới chỉ có thể biểu diễn được một số trích đoạn của vở Ballet này. Năm 2019, VNOB đã tạo nên một bước đột phá lớn nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát. Đó là dựng lại hoàn toàn vở Ballet Hồ Thiên Nga với đầy đủ 4 màn được sản xuất theo phiên bản Việt.

Hồ Thiên Nga và hành trình hơn trăm năm…

Tính đến thời điểm hiện nay, vở Ballet Hồ Thiên Nga có thể coi là tác phẩm được trình diễn nhiều nhất trong lịch sử. Đến nỗi, tạp chí Dance Gazette đã đặt cho 6 vị giám đốc nghệ thuật của những nhà hát Ballet nổi tiếng nhất thế giới một câu hỏi rằng: Hồ thiên nga đã có thể nghỉ ngơi một thời gian được chưa?

Trong lịch sử gần 140 năm tồn tại, Hồ Thiên Nga được hiểu và trình diễn theo nhiều trường phái, với tổng phổ và bối cảnh rất khác nhau, nhưng trường phái của Moskva được coi là “thể hiện đúng tinh thần và triết lý Tchaikovsky nhất”. Vở Ballete Hồ thiên nga được công diễn lần đầu tiên vào năm 1877, tại nhà hát Bolshoi (Nga). Tác phẩm Ballet kinh điển này được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của nhạc sĩ thiên tài người Nga Tchaikovsky. Hồ thiên nga được Tchaikovsky sáng tác dựa trên truyền thuyết của Đức về một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Đó là câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa nàng Odette và chàng hoàng tử Siegfried. Công chúa Odette bị phù thủy Von Rothbart biến thành thiên nga với lời nguyền rằng khi nào gặp được chàng trai chưa yêu ai bao giờ đem lòng yêu thương thì Odette mới được trở lại thành người. Và rồi nàng đã gặp và yêu chàng hoàng tử Siegfried với lời thề sẽ yêu nàng chung thủy để giải thoát lời nguyền. Nhưng trong một bữa tiệc, phù thủy Von Rothbart đã dùng phép thuật để biến Odile, con gái của mình trở thành người có ngoại hình giống Odette khiến cho chàng hoàng tử nhầm tưởng đó là người chàng yêu và mong muốn được cưới Odile. Khi biết sự thật, hoàng tử đã cầu xin Odette tha thứ và quyên sinh cùng nàng, cái chết của hai người đã hóa giải lời nguyền, phù thủy Von Rothbart mất hết phép thuật và chết, còn những người bạn của công chúa đều được trở lại thành người…

… Đến sự đổi mới của người Việt

Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ Hồ Thiên Nga mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc đưa đoàn Ballet Nga về trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với Ballet Việt ưu tư, lo lắng và tìm mọi cách dựng lại tác phẩm tuyệt hảo này. Kể từ khi về nắm quyền lãnh đạo VNOB 93-2018), NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát đã nung nấu ý định đưa toàn bộ Hồ Thiên Nga lên sân khấu Việt. Chị chia sẻ: “Việc dựng vở Ballet Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên Nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng’.

Các nghệ sĩ VNOB đang tích cực tập luyện cho Hồ Thiên Nga

Sự đột phá đầu tiên mà Hồ Thiên Nga của VNOB chính là biên đạo múa. Nếu như trước kia, Hồ Thiên Nga hoàn toàn nằm dưới sự dàn dựng của các biên đạo người nước ngoài, trong đó chủ yếu là các chuyên gia Nga, thì biên đạo múa Hồ Thiên Nga 2019 là người Việt 100% nhưng có thời gian dài biểu diễn trên các sân khấu nước ngoài. Đó chính là nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, Hiện tại, anh đang là diễn viên múa hạng nhất (first artist) kiêm biên đạo múa của Nhà hát Hoàng gia Anh. Chia sẻ về Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, anh cho biết: “Hồ Thiên Nga của VNOB sẽ được dàn dựng theo trường phái Nga, nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, đạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên Nga của người Việt”.

Nhóm thiết kế EllieVu đã sử dụng họa tiết hoa sen để tạo điểm nhấn cho trang phục của Hồ Thiên Nga

Đi cùng với những mong muốn của Lê Ngọc Văn, ekip thiết kế EllieVu cũng đã cố gắng sáng tạo những nét độc đáo nhất trong trang phục của Hồ Thiên Nga phiên bản Việt. Chị Anh Triệu, CEO EllieVu, nhà thiết kế và tài trợ trang phục cho vở diễn, cho biết: “Trang phục của Hồ Thiên Nga 2019 chính là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Hồ Thiên Nga là vở Ballet kinh điển, trong đó sự hòa quyện giữa trang phục và kết cấu của vở diễn rất chặt chẽ. Vì vậy, form trang phục hầu hết được giữ nguyên. Nhưng nét độc đáo lại chính là điểm nhấn của họa tiết. Trong đó, đặc biệt nhất là họa tiết trên trang phục được lấy cảm hứng từ bông hoa sen trạm trổ trên đình làng xưa, được cách tân mang phong cách Baroque. Ê kíp của chúng tôi, dưới sự dẫn dắt của thầy Vũ Chí Công – trưởng khoa thiết kế thời trang trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp, đã làm việc nhiều tháng nay để có thể kịp cho ra mắt gần 100 bộ trang phục của Hồ Thiên Nga”.

Dàn nhạc giao hưởng VNOB đang nỗ lực tập luyện để tạo nên đêm diễn Hồ Thiên Nga thành công với 2h50 phút chơi nhạc live

Không chỉ dừng lại ở sự độc đáo của Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB và trang phục của ElliVu, NSƯT, họa sĩ sân khấu Hoàng Hà Tùng, cũng đang phác họa những điểm nhấn mới trên sân khấu cho vở diễn. Ông cho biết: “khi được NSƯT Trần Ly Ly mời thiết kế sân khấu cho Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, tôi đã nghĩ nhiều đến một sân khấu mang tính ước lệ, có nét tráng lệ của thời kỳ phục hưng Italia, sự quý phái của kiến trúc Nga và sự bí ấn của phương Đông. Sân khấu Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB sẽ thể hiện được sự ước lệ về mặt tinh thần, gợi cho khán giả những cảm nhận mới về không gian của một vở Ballet Nga mà Việt”.

Còn rất nhiều nét mới tạo nên một Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 mà chỉ có thể tận mắt chứng kiến, người xem mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, nét sang và cả nỗi đau đớn giằng xé trong tâm hồn giữa cái thiện và cái ác. Nhưng không thể không nói đến sự độc đáo trong giá vé. Nếu như cách đây 2 năm, khi Hồ Thiên Nga được Nhà hát Talarium et Lux (Nga) trình diễn tại Việt Nam với giá vé ngất ngưởng (gần 10 triệu đồng/cặp) trong khi âm nhạc lại được thu âm và phát lại, thì Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB được trình diễn với dàn nhạc chơi live hoàn toàn với giá vé chỉ bằng 1/5 so với mức trên. Nói về vấn đề này, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “ VNOB xây dựng Hồ Thiên Nga phiên bản Việt không phải để so sánh với các phiên bản khác, mà là nhằm đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Các nghệ sĩ của VNOB tin rằng với sự dẫn dắt của biên đạo Việt, sự hòa quyện và ăn ý của dàn nhạc cũng như các vũ công, VNOB sẽ cống hiến cho khán giả một vở diễn thăng hoa của cảm xúc. Chúng tôi không tính toán đến giá vé cho dù kinh phí cho vở diễn là khủng khiếp. Chúng tôi chỉ muốn khán giả đều có cơ hội thưởng thức tác phẩm kinh điển này và có thể tự hào rằng các nghệ sĩ Việt hoàn toàn có thể làm nên một Hồ Thiên Nga thành công”.

Tuyết Hoa (Tạp chí Cục NTBD)

CEO Triệu Anh, phụ trách nhóm thiết kế EllieVu, nhà tài trợ và thiết kế trang ohucj Hồ Thiên Nga của VNOB

Tại sao nên cho trẻ học múa ba-lê?

Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn.

Nếu cảm thấy các bé thích nhảy múa, hay đong đưa theo nhạc, mẹ có thể cho bé trải nghiệm bản thân qua một lớp học ba-lê. Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động. Dù 4 tuổi hay 14 tuổi, bé đều có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể khi tập múa ba-lê.

Nghệ sĩ ba-lê Thu Huệ của VNOB đang say sưa sửa từng dáng chân cho các cháu tại lớp ba-lê cho trẻ em của Nhà hát

Lợi ích về thể chất

Cũng giống như các loại hình múa khác, ba-lê là một môn múa đòi hỏi cường độ tập luyện thể chất cao. Trường múa Colorado (Mỹ) cho biết múa ba-lê giúp cải thiện sức mạnh cơ thể, tính linh hoạt và tầm hoạt động. Ngoài ra, tập ba-lê còn làm tăng khả năng phối hợp và giữ thăng bằng, theo Học viện múa Joffrey (Chicago, Mỹ).

Nhảy múa làm tăng nhịp tim, tăng sức bền, khả năng chịu đựng và đặc biệt là tăng sức khỏe tim mạch nói chung. Với các bé nhỏ tuổi, đây là một cách giúp bé nâng cao nhận thức về cơ thể mình, tăng khả năng điều khiển các hoạt động tinh vi.

Ngoài những lợi ích to lớn về thể chất mà ba-lê đem lại, khi tập luyện loại hình nghệ thuật này, sức khỏe tinh thần và tình cảm của bé cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Trang web của Nhà hát ba-lê Brighton (Mỹ) khẳng định việc luyện tập ba-lê cổ điển sẽ truyền cho bé cảm giác tự hào, thúc đẩy phát triển lòng tự trọng. Trong quá trình hoàn thiện các kĩ thuật múa, bé sẽ dần tự tin hơn. Cảm giác này không chỉ có khi bé tập múa mà sẽ theo bé trong tất cả các hoạt động khác của cuộc sống sau này. Sau những giờ học căng thẳng, múa ba-lê giúp bé thư giãn và sử dụng hiệu quả các năng lượng dư thừa.

NSƯT ba-lê Nguyễn Ngọc Cần của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang chỉnh sửa từng bước cơ bản về ba-lê cho trẻ em

Lợi ích về xã hội

Lớp học múa ba-lê cũng là một lớp học giao tiếp xã hội hữu ích. Tham gia thường xuyên, bé sẽ phát triển các kĩ năng xã hội của mình. Tổ chức giáo dục múa quốc gia (Mỹ) cho biết ba-lê cũng như các môn khiêu vũ khác giúp nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, kĩ năng trao đổi thông tin, hợp tác và nhất là niềm tin ở trẻ. Trong quá trình luyện tập, bé sẽ kết bạn mới một cách tự nhiên, vượt qua được tính nhút nhát, lúng túng khi các tình huống bất ngờ xảy ra. Tất cả những kĩ năng này sẽ góp phần rất lớn trong cuộc sống sau này của bé.

Lợi ích về giáo dục

Cho bé theo học một lớp ba-lê không chỉ giúp bé phát triển thể chất, tinh thần hay kĩ năng xã hội. Đây còn là một hình thức giáo dục đặc biệt và mang lại các lợi ích nhất định. Sự kết hợp giữa vận động, âm nhạc và biểu diễn giúp học viên ba-lê nâng cao nhận thức và cảm giác của mình. Khả năng chú ý, trí nhớ đều được phát huy. Những kĩ năng này rất cần thiết cho bé trong cuộc sống. Đối với những bé muốn khám phá bản thân qua các loại hình múa khác, ba-lê sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc và là điểm khởi đầu tuyệt vời cho bé.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Ba-lê không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động