Biên đạo, nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải: Người đưa hồn Việt vào Múa đương đại

Năm 2016, “Nón”, một vở múa đương đại được do biên đạo, diễn viên múa Vũ Ngọc Khải thực hiện, biểu diễn tại Hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu đã làm xôn xao sân khấu múa Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, một loạt tác phẩm được anh thực hiện trên các sân khấu châu Âu đều được thổi hồn của văn hóa Việt. Một tác phẩm khác mang tên “Đáy giếng’ sẽ được Vũ Ngọc Khải ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối tuần này, trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace tổ chức, “Đáy giếng” mang hy vọng sẽ tiếp tục “hớp hồn” người yêu nghệ thuật Múa đương đại. Nhân dịp trở về Việt Nam lần này, Vũ Ngọc Khải đã dành cho nhà báo một cuộc trò chuyện về cái duyên đến với Múa cũng như những trăn trở về “nghiệp” múa:

– Cơ duyên nào đưa anh đến với nghệ thuật Múa?

– Cũng lạ là tôi đến với múa khá ép buộc do sự sắp đặt của bố. Lúc đó tôi khá hiếu động và rất thích các môn thề thao. Nói thật khi bố nộp hồ sơ bắt tôi thi tuyển vào trường múa, tôi không thích một chút nào cả. Nhưng giờ thì tôi phải cảm ơn bố vì nghề chọn tôi và tôi chọn nghề.

– Diễn viên múa như anh chắc phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình tập luyện…

– Tôi gặp rất nhiều chấn thương. Hồi còn bé, tôi hay bị trẹo cổ chân nên khi học múa Ballet, chân tôi khá yếu. Sau này, khi bước chân vào môi trường chuyên nghiệp, chấn thương lại càng thường xuyên hơn do nghề như ngã do sàn tập trơn hay bạn diễn đỡ hụt. Hậu quả của những chấn thương đó mới là chuyện đáng nói. Đau khớp, trẹo chân là chuyện nhỏ. Lần tôi bị nặng nhất là thoát vị đĩa đệm và lúc đó, tôi phải nghỉ múa mất một năm.

Vũ Ngọc Khải và Quỳnh Chi trong Đáy giếng. Ảnh: Celine Wetzels

– Biểu diễn chung với các nghệ sĩ nước ngoài, trên các sân khấu quốc tế đã mang lại cho anh những cơ hội gì?

– Các bạn diễn người nước ngoài có sự sáng tạo đáng ngạc nhiên. Phải nói là tôi rất vui khi mình được tham gia trong môi trường đó. Ngay từ trong trường, các nghệ sĩ múa đã được tạo điều kiện để sáng tạo. Hay dở không quan trọng và không ai được quyền đánh giá điều đó. Đây chính là chìa khóa của những bước đi sáng tạo đầu tiên. Trong Múa đương đại, các ý tưởng liên kết đến cuộc sống hàng ngày rất nhiều, nhất là trong lối suy nghĩ của con người. Cuộc sống hiện đại đưa mọi người tới nhiều suy nghĩ phức tạp hơn, nhất là giới trẻ muốn bộc lộ cảm xúc của mình.

Ngôn ngữ Múa đương đại rất rộng, gần như không có giới hạn. Nên ngay từ trong trường, các bạn được học nhiều các kĩ thuật khác nhau như kỹ thuật múa Ballet, Cunningham, Limon, Flying Flow, Floorwork, Alexande Technicque, Counter Technique, Release Technique…Những kĩ thuật này đều do biên đạo và giáo viên nghiên cứu và đưa vào thực hiện. Để có được những kĩ thuật là nhờ tư duy sáng tạo mà có.

– Đến với Hanoi Dance Fest năm nay, anh mong muốn gửi đến thông điệp gì thông qua tác phẩm của mình?

– Đáy giếng là tác phẩm tôi mang tới Hanoi Dance Fest lần này. Tôi như ngồi dưới đáy nhìn lên trên miệng giếng, nhìn Văn hoá Việt đi qua những khoảng không của sự đánh mất, còn lưu giữ và tiếp tục. Những chuyển động múa tôi cảm hứng từ hình ảnh con gà, con trâu trong các lễ hội, chiếu cói miền Bắc và đặc biệt là trống trận Tây Sơn.

– Để tạo nên thành công của Đáy giếng, chắc chắn anh có sự đầu tư nhiều vào âm thanh, ánh sáng… Vậy anh đã gặp gỡ với những người bạn cộng tác như thế nào?

– Tôi được nhiều người giới thiệu tới các bạn làm trong nhóm của mình. Về âm nhạc tôi mời anh Thành Nam/chơi trống dân tộc tham gia một dự án nhỏ năm 2018 sau đó tôi mời anh và bác Ngọc Khánh/ chơi kèn sona tham dự chương trình này. Họ là những nghệ sĩ đặc biệt được truyền nghề từ gia đình và trau dồi trong các trường đại học, nhà hát. Tôi luôn chọn nhóm của mình với những người có cùng chung ý tưởng, làm nghệ thuật là làm nghệ thuật chỉnh chu, được tập luyện kĩ càng và dành trọn tâm hồn cho tác phẩm.

– Anh có lời nhắn nhủ gì đến những nghệ sĩ muốn theo đuổi đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật và đặc biệt là Múa đương đại?

– Thực sự thì Múa là bộ môn khó xem. Vì vậy, tôi nghĩ rằng với các bạn trẻ nên định hướng ngay từ đầu cho mình muốn trở thành diễn viên múa Ballet, diễn viên múa Đương đại hay cả hai vì múa luôn cần thời gian để tập luyện. Bạn tập cái gì thì cơ thể sẽ xây dựng theo form đó, cách múa đó. Là diễn viên, thời gian đứng trên sân khấu khá ngắn, nên khi có kế hoạch, bạn sẽ đạt được mong muốn tốt hơn. Ngoài ra, khi còn là diễn viên, bạn nên học phương pháp giảng, biên đạo hay sân khấu vì đó là bàn đạp cho bạn khi hết tuổi nghề. Nhưng các bạn nhớ rằng, khi là diễn viên, hay là diễn viên giỏi, hãy hết mình cho những năm tháng của chính mình và cánh cửa sẽ mở rộng hơn cho bạn lựa chọn sau đó.

Xin cảm ơn và chúc cho Đáy giếng cũng như Hanoi Dance Fest 2019 thành công

Nhật Nam (Báo chính phủ)

Vũ Ngọc Khải hiện đang làm việc tại nhà hát Konzert Theater  Bern – Thụy Sĩ. Anh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Múa Việt Nam khoa múa ballet hệ 7 năm 1997-2004 và sang học tại Học Viện Múa Codarts/Rotterdam Dance Academy – Vương quốc Hà Lan 1 năm. Sau đó, anh làm việc trong các công ty, nhà hát tại Việt Nam, Hà Lan,  Bỉ, Italia, Đức và Thụy Sĩ.

Anh tham gia dàn dựng, biên đạo từ 2009. Từ năm 2018, anh là Giám đốc nghệ thuật, cùng sáng lập Tổ chức 1648kilomet (Biểu diễn nghệ thuật & Tổ chức sinh hoạt cộng đồng).

Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc – Ayang Young Choreographer Competition – năm 2018.

Did you like this? Share it!

0 comments on “Biên đạo, nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải: Người đưa hồn Việt vào Múa đương đại

Comments are closed.