MAP- IMC là cuộc thi được tài trợ bởi Trung tâm Giao lưu Văn hóa Quốc tế Marker and Pioneer, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, dành cho người chơi nhạc, người học nhạc và những người yêu âm nhạc thuộc mọi quốc tịch và lứa tuổi từ khắp nơi trên thế giới. Cuộc thi được tổ chức hai phiên mỗi năm, nhằm khuyến khích sự phát triển lành mạnh của các nghệ sĩ trẻ và chuyên nghiệp trong lĩnh vực học tập và biểu diễn âm nhạc.
Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế MAP năm nay được tổ chức online vì tình hình dịch bệnh phức tạp. Điều đó phần nào cũng gây khó cho các nghệ sĩ tham dự vì phải tự quay video, cũng như không thể gặp người đệm đàn cho mình. Bên cạnh đó, múi giờ thay đổi cũng khiến mọi sinh hoạt của nhiều thí sinh, trong đó có Tố Loan, bị đảo lộn, đặc biệt khi Ban Tổ Chức yêu cầu gặp mặt các thi sinh online hay có giờ học Master miễn phí việc thức đêm tham dự là chuyện thường.
Trong số rất nhiều thí sinh trên khắp thế giới tham dự cuộc thi bằng cách ghi hình gửi đến Ban tổ chức, Đào Tố Loan, nghệ sĩ Opera thuộc biên chế đoàn Ca kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với chất giọng Soprano khỏe khoắn đầy nội lực, khả năng hát tiếng nước ngoài tốt, đã lọt vào chung kết và giành giải Ba cuộc thi.
Khi biết được kết quả, Tố Loan đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc, vinh dự và niềm tự hào dân tộc, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cơ hội đứng trên sân khấu biểu diễn là điều bất khả thi, thì cô vẫn có thể giải tỏa được cơn khát diễn, tạo cơ hội cho chính bản thân mình được làm nghề, được cống hiến tài năng qua Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế MAP. Cô chia sẻ: “Đại dịch bùng phát tại Việt Nam, nhiều chuyện thương tâm đã xảy ra. Trái tim của người nghệ sĩ như mình cũng héo hon theo. Nhưng được bình yên trong ngôi nhà của mình, được cất tiếng hát đã là may mắn hơn rất nhiều so với những vất vả của Những y, bác sĩ tuyến đầu hay những người dân nơi tâm dịch đang phải đối mặt! Mình cảm thấy khoảng thời gian giãn cách xã hội, ở nhà thật sự ý nghĩa”.
Nguồn gốc và sự phát triển của âm nhạc cổ điển, đặc biệt là Opera đều xuất phát từ phương Tây. Tố Loan đã có khoảng thời gian ngắn được đào tạo tại Áo, Đức và Nauy. Trước đó, cô cũng là trò cưng của PGS-TS Trần Thị Ngọc Lan. Chính vì vậy, Tố Loan luôn có niềm tin biến ước mơ thành sự thật. Nói về giải thưởng lần này, Loan cho biết: “Đây là một trong những ước mơ mà mình đã biến nó thành sự thật. Mình muốn thử sức, muốn học hỏi và thể hiện bản thân. Đơn giản vì mình đã quá đam mê Opera cho dù đây là một lĩnh vực nghệ thuật khó. Mình luôn biết bản thân còn thiếu sót và về kiến thức lẫn kỹ thuật. Song, mỗi một giấc mơ biến thành sự thật, mình lại thấy quyết định dấn thân là hoàn toàn đúng đắn”.
Đào Tố Loan là giọng ca soprano nổi bật của Nhà hát Nhạc vũ Kịch Việt Nam và là một trong những nghệ sĩ Opera nổi tiếng nhất của Việt Nam hiện nay. Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, nữ ca sĩ từng đạt được nhiều giải thưởng danh giá cả trong nước và quốc tế. Năm 2011, cô xuất sắc trở thành Quán quân dòng nhạc thính phòng của cuộc thi Sao Mai. Với tình yêu và sự trau dồi nghiêm túc với dòng nhạc Opera, năm 2019, Tố Loan được trao tặng Huy chương vàng tại Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh, Huy chương vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, những tiết mục biểu diễn đỉnh cao trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử 75 năm vẻ vang của đất nước, trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng, bước vào công cuộc dựng xây Tổ quốc “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Toà án NDTC Nguyễn Hoà Bình; Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.
Với ba chương: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, chương trình là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam, tái hiện hành trình vĩ đại của dân tộc từ mốc son chói lọi 75 năm trước cho tới ngày hôm nay.
Mở đầu chương trình là hòa tấu và hợp xướng Mười chín tháng Tám làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của 75 năm trước. Ngược thời gian, không gian, dường như mỗi công chúng được đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, xúc động và tự hào lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, rộn ràng hạnh phúc trong giai điệu của Đất nước trọn niềm vui.
Phần I với chủ đề Đất nước là bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua giọng thơ hào sảng, nồng ấm của Bộ trưởng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng qua các ca khúc: Làng tôi, Biển hát chiều nay, Đêm thành phố đầy sao và khép lại với ca khúc biểu tượng của tình đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn.
Phần II Khát vọng hòa bình đưa khán giả đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước qua những cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng với Đường chúng ta đi, Giải phóng Điện Biên, Bài ca hy vọng, Dáng đứng Việt Nam, Chiều biên giới, Bài ca Thống nhất…
Phần III cũng là chủ đề của chương trình: Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với đất nước. Đất nước tình yêu, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên công trường rộn tiếng ca, đặc biệt là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm.
Mặc dù là chương trình chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhưng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ còn là tiếng nói tri ân tới các vị Vua Hùng để nhắc nhớ về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với lẽ đó, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này, chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá khuôn mẫu. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người sẽ được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối đương đại. Chính vì thế, dàn dựng các tiết mục múa cũng sẽ có sự khác biệt so với các chương trình trước”.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với toàn bộ đoàn Ca kịch và Vũ Kịch, đã tham gia rất tích cực và thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phối hợp tốt với các thành viên khác trong chương trình. Đặc biệt là hoạt cảnh múa kéo dài 10 phút. Đúng với những câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, phần biên đạo được NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng kỹ lưỡng, làm bật lên hình tượng “cùng sinh ra từ một bào thai” đậm chất tạo hình. Biểu tượng về sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước đã được chuyển hóa, thể hiện bằng tất cả những phương diện, công nghệ hiện đại trên sân khấu. Hơn nữa, qua những động tác múa, khán giả còn được thấy về một giai đoạn người Việt phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa… nhưng vẫn đoàn kết để nỗ lực vượt qua, xây dựng được một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.
Với chương II Khát vọng hòa bình và chương III Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, đây là những phần trình diễn liên hoàn thể hiện mạch chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Các tác phẩm được kết nối với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một đất nước có bề dày lịch sử.
Không chỉ thành công ở mảng múa, các nghệ sĩ VNOB còn tạo được ấn tượng mạnh ở phần hát. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng là Tố Loan và Trần Trang đã vinh dự cùng NSND Quốc Hưng thể hiện thành công bài Đường chúng ta đi với sự dàn dựng và phối khí rất công phu, hoành tráng. Bài hát Làng tôi do nhóm Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang và Hương Diệp cũng được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt hay nghệ sĩ Đinh Như Tới cũng thể hiện được chất giọng Tenor cùng với nhóm Phương Bắc trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.
Tuyết Hoa
NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá nặng nề. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối mới. Chính vì sự mới lạ đó, dàn dựng các tiết mục múa cũng có sự khác biệt so với các chương trình trước”.
Dự Chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Minh Chính, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.
Đến dự còn có đồng chí: Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, Hà Nội và công chúng Thủ đô. Chương trình “Mùa xuân dâng Đảng” nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó tôn vinh truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc; khẳng định vai trò, uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong suốt chặng đường cách mạng Việt Nam 90 năm qua. Chương trình nghệ thuât chủ đề “Mùa xuân dâng Đảng” diễn ra trong 90 phút, gồm 3 phần nội dung chính: “Mùa xuân dâng Đảng”, “Đất nước bốn mùa hoa”, “Tình ca mùa xuân”. Trong phần 1, khán giả được thưởng thức những ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và thể hiện niềm tin son sắt với Đảng của toàn dân tộc thông qua màn đại hợp xướng gồm 3 tác phẩm “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Giai điệu Tổ quốc” và các bài “Đảng là cuộc sống của tôi”, “Lá cờ Đảng”, “Bác Hồ một tình yêu bao la”, “Người là niềm tin tất thắng” cùng dàn nhạc giao hưởng dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi.
Phần thứ 2 “Đất nước bốn mùa hoa” gồm những ca khúc tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, như: “Đất nước”, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”, “Tình em”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”…
Phần cuối chương trình, khán giả được đến với những ca khúc lãng mạn về mùa xuân và tình yêu: “Cung đàn mùa xuân”, “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, “Em ơi mùa xuân đến rồi đó”, “Quê hương tình yêu tuổi trẻ”, “Em là mầm non của Đảng”…
Những bài hát về Đảng với phần hòa âm đặc sắc được trình bày qua giọng ca truyền cảm, tràn đầy nội lực của các nghệ sỹ, sự hòa quyện đến hoàn hảo của các màn trình diễn múa đến từ VNOB như NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang (hát), NSƯT Phan Lương, NSƯT Quỳnh Nga, NSƯT Nguyễn Thị Cần, Thu Huệ, Thu Hằng (múa)… và các nghệ sĩ của đoàn nhạc kịch, vũ kịch của Nhà hát.
Với những thành công trong năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) ngày càng được công chúng và giới chuyên môn biết đến nhiều hết khi có mặt ở rất nhiều chương trình nghệ thuật trong dịp Tết Canh Tý vừa qua cũng như trong thời gian tới.
Tuyết Hoa
Cuộc thi vẫn có sức thu hút mạnh mẽ khi có tới gần 170 thí sinh trên mọi miền của đất nước cùng về tranh tài và toả sáng tại các bảng dành cho các độ tuổi khác nhau với các chuyên ngành Thanh nhạc, Độc tấu Piano, Violin và Hoà tấu.
Cuộc thi được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng giữa các hoạt động nghệ thuật trong năm, là dịp để các thí sinh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng dành cho âm nhạc cổ điển.
Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, bên cạnh các Giáo sư, Tiến sĩ, các NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển, Ban Tổ chức đã mời thêm các chuyên gia dầy dạn kinh nghiệm về các bộ môn Violin, Thanh nhạc và Piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungary, Pháp và Nga cùng tham gia các hội đồng. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ giao lưu, tiếp xúc để học hỏi bổ sung thêm những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế.
Thay mặt Hội đồng giám khảo của 4 bộ môn, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã đánh giá tổng kết về chất lượng cuộc thi. Trước hết, về bộ môn Violin đã có 17 thí sinh đăng ký dự thi, tuy số lượng còn ít nhưng các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao.
Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng có phần lấn át dòng nhạc cổ điển, từ đó hát cổ điển thính phòng ít có cơ hội phát triển như trước. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, phương pháp hát cổ điển vẫn còn được duy trì phát triển, bởi nó là cơ sở khoa học tạo điều kiện cho dòng hát nghiêm túc phát triển vững vàng.
Tại cuộc thi này, các nghệ sĩ của VNOB đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng. Cụ thể: Đào Tố Loan, Huy Đức đoạt giải Nhì, Hương Diệp đạt giải Ba, và Bùi Trang giành giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về Phạm Khánh Ngọc (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Tú (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Tuyết Hoa