Vào lúc 14h ngày 09/01/2023, tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã diễn ra buổi lễ công bố quyết định Chuẩn y bổ sung chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy và chỉ định uỷ viên BCH Đảng uỷ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nhiệm kỳ 2020 -2025.
Đến dự Lễ công bố có đồng chí Nguyễn Tuấn Linh – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và đồng chí Võ An Ninh – Phó Chánh Văn phòng Đảng uỷ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Về phía Nhà hát có sự tham dự của các đồng chí trong Cấp uỷ, Chi ủy của 03 chi bộ và Chủ tịch công đoàn.
Sau khi nghe quyết định của Đảng ủy Bộ VHTTDL do đồng chí Võ An Ninh công bố, đồng chí Nguyễn Tuấn Linh – Phó Bí thư thường trực Đảng uỷ Bộ VHTTDL đã trao quyết định cho đồng chí Phan Mạnh Đức – Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Đỗ Phương – Phó Bí thư Đảng uỷ, đồng chí Nguyễn Tuyết Hoa – uỷ viên BCH Đảng uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và tặng hoa chúc mừng.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Tuấn Linh chúc mừng các đồng chí vừa được bổ sung vào chức danh Bí thư, Phó Bí thư và uỷ viên BCH Đảng uỷ Nhà hát và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ủy cần tập trung trong thời gian tới, đặc biệt chú ý xây dựng và bạn hành các quy chế làm việc, tăng cường, củng cố xây dựng tổ chức và nâng cao, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Phan Mạnh Đức, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi được đảng viên tin tưởng giao phó chức vụ bí thư Đảng bộ Nhà hát. Đồng chí sẽ nỗ lực cố gắng ở cương vị mới, khẳng định sẽ luôn giữ vững bản lĩnh chính trị và sẽ cùng Ban lãnh đạo Nhà hát đưa ra những đường hướng phát triển đúng đắn cho Nhà hát trong những năm tới.
Ngày 21 & 22 tháng 12 vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phối hợp cùng Trường Đại học văn hoá nghệ thuật Quân đội – Tổng cục chính trị tổ chức thành công vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho.Trong hơn 3 tháng, hơn 150 nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện để vở diễn ra mắt công chúng đúng vào dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2022), 33 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Với sự dẫn dắt của nhạc trưởng Doãn Nguyên, các giọng hát Opera hàng đầu Việt Nam đến từ VNOB như nghệ sĩ Tố Loan, Hương Diệp,… đã kết hợp với các giảng viên, học viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội: thiếu tá Trịnh Phương, đại uý Ngô Đức,… Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng và đoàn Vũ Kịch VNOB.
Ông Phan Mạnh Đức, giám đốc Nhà hát –đồng chỉ đạo nghệ thuật chương trình chia sẻ: “Khi nhận được lời mời thực hiện Vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của nhạc sĩ Doãn Nho, đây là niềm vui rất lớn đối với anh chị em nghệ sĩ diễn viên của nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, cùng với Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội, Nhà hát đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện để công diễn.”
Vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” xoay quanh câu chuyện tình yêu của một anh lính và cô giáo làng, được lấy từ nguyên mẫu những cuộc đời có thật trong những cuộc kháng chiến. Câu chuyện tình yêu, tình quân dân trong vở nhạc kịch trở nên hấp dẫn hơn khi được các nghệ sĩ thể hiện thông qua những giai điệu, lời ca, thoại kịch, múa… trên sân khấu. Đặc biệt, trong “Bài ca tình yêu”, chất liệu âm nhạc dân gian là thành tố không thể thiếu để kết hợp với âm nhạc hiện đại. Nhạc sĩ Doãn Nho đã gom lại trong “Bài ca tình yêu” những trải nghiệm của ông sau khi đi qua 2 cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông chọn câu chuyện tình yêu của đôi nam nữ để nói lên câu chuyện của sự hòa hợp dân tộc.
Chương trình đã vinh dự được đón tiếp Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Trung ương. Ngoài ra, đến tham dự chương trình còn có các đại biểu của Hội Nhạc Sĩ: Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; các nhạc sĩ trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, cùng các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ của Thủ đô.
Ngày 10/10 vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL đã diễn ra Lễ công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ. Ông Phan Mạnh Đức, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã chính thức được bổ nhiệm làm giám đốc.
Tham dự Lễ công bố quyết định có PGS. TS Tạ Quang Đông, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, bà Lê Thị Phượng, Vụ trưởng Vụ TCCB, đại diện các cơ quan, đơn vị cho cán bộ được bổ nhiệm.
Tại Lễ công bố, thay mặt Đảng ủy, Vụ TCCB Bộ VHTTDL, bà Lê Thị Phượng đã công bố quyết định bổ nhiệm cán bộ và PGS. TS Tạ Quang Đông,Thứ trưởng Bộ VHTTDL trực tiếp trao quyết định cho các cán bộ được bổ nhiệm. Theo đó, ông Phan Mạnh Đức, Phó Giám đốc phụ trách, được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong thời hạn 5 năm.
Thay mặt cho các cán bộ được bổ nhiệm, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các đồng chí trong Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ đã luôn quan tâm, tin tưởng, giao trọng trách và hứa sẽ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa, bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Chúc mừng và giao nhiệm vụ cho các cán bộ mới được bổ nhiệm, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL mong muốn các đồng chí mới được bổ nhiệm sẽ học tập kinh nghiệm những người đi trước, phát huy mọi khả năng, đoàn kết trong lãnh đạo và cả đơn vị. Thứ trưởng cũng yêu cầu các cán bộ mới được bổ nhiệm cần thể hiện tốt hơn nữa trong vai trò lãnh đạo, quản lý. Phát huy trí tuệ, lòng nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm, không ngừng rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị, tạo nguồn cán bộ quy hoạch cho tương lai, chung tay xây dựng cơ quan ngày càng phát triển.
Nhằm đa dạng hóa kỹ thuật múa không chỉ ở lĩnh vực Ballet cổ điển, mà còn ở đương đại, vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tổ chức workshop về múa dưới sự chia sẻ của biên đạo múa, nghệ sỹ múa Hoàng Tú, người hiện đang làm việc cho Conny Janssen Danst, một trong Top 5 công ty múa có tiếng nhất tại Hà Lan.
Qua 1 tuần workshop, các nghệ sỹ múa của VNOB đã được giới thiệu, trải nghiệm một số kỹ thuật mới trong múa đương đại trên thế giới. Bên cạnh đó, nghệ sỹ Hoàng Tú cũng giới thiệu với các diễn viên những chất liệu múa mới đầy sáng tạo của cá nhân biên đạo múa cũng như đưa ra các bài tập giúp đánh thức các giác quan, từng bộ phận trên cơ thể diễn viên. Những bài tập chuyển động cùng lúc, chuyển động đơn lẻ, không gian và tiết tấu giúp các chuyển động của diễn viên trở nên hấp dẫn và lôi cuốn hơn. Workshop cũng là cơ hội để các nghệ sỹ múa của VNOB được lên ý tưởng và thể hiện những sáng tạo của riêng mình.
Biên đạo múa Hoàng Tú:
Nghệ sĩ Hoàng Tú sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 2007, anh dành được học bổng toàn phần tu nghiệp tại Cinevox Junior Company tại Thụy Sỹ. Từ 2007 cho đến nay, anh đã làm việc cho nhiều công ty khác nhau tại các nước như Đức và Hà Lan. Hiện tại, Hoàng Tú đang làm việc tại Conny Janssen Danst, một trong Top 5 công ty múa có tiếng nhất tại Hà Lan. Bên cạnh đó, anh còn là biên đạo múa có triển vọng trên thế giới với những tác phẩm được diễn tại các nước như Đức, Thụy Sỹ, Hà Lan, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch.
Với kinh nghiệm lâu năm, và am hiểu về các thể loại múa/dance khác nhau như Ballet, Hiphop, Neo Classical, Dân Gian Việt Nam cũng như nghiên võ thuật như Thái Cực Quyền, Khí Công, Hoàng Tú đã kết hợp lại, tạo riêng cho mình một phong cách về Múa đương đại. Anh cũng là một trong những người tiên phong về phong trào múa đương đại tại Việt Nam. Năm 2018, anh đồng sáng lập ra chuỗi Workshops về Múa đương đại “Made In ViêtNam” nhằm mục đích kết hợp với những diễn viên Việt Nam đang làm việc tại Nước ngoài về lại Việt Nam để giới thiệu thêm về múa đương đại cho giới không chuyên cũng nâng cao trình độ cho các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Campuchia nhân dịp kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, chào mừng Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022, từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 8 năm 2022, các nghệ sỹ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tham gia biểu diễn chương trình nghệ thuật tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap, tỉnh Siem Reap, dưới sự chỉ đạo và dẫn đầu đoàn Việt Nam của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.
Đoàn nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), dưới sự dẫn dắt của ông Phan Mạnh Đức, Phó Giám đốc phụ trách, phối hợp cùng các nghệ sỹ nhạc dân tộc của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã xây dựng lên chương trình nghệ thuật với những âm hưởng và màu sắc đặc trưng của Việt Nam, hòa trộn với tinh hoa nghệ thuật hàn lâm thế giới như Opera và Ballet. Đoàn Campuchia cũng đón chào Tuần Văn hóa Việt Nam tại đây bằng những bài hát, điệu múa cổ truyền rộn ràng và gắn kết.
Chương trình diễn ra với thời lượng hơn 70 phút, bao gồm nhiều tiết mục được các nghệ sĩ đầu tư công phu, nghiêm túc, mang đến một bữa tiệc nghệ thuật ấn tượng, làm thỏa lòng khán giả ở cả hai thành phố.
Trong phần đầu chương trình, ca sĩ Tố Loan và và tập thể múa nam nữ diễn viên mang đến ca khúc Hello Việt Nam (Sáng tác: Marc Lovoine và Yvan Coriat). Ngay sau đó, độc tấu đàn bầu: Cung đàn đất nước (Sáng tác: Kim Thành) do nghệ sĩ Lê Thùy Linh và tốp nhạc đã mang đến những giây phút trầm lắng, làm xao xuyến người nghe, đặc biệt là những người con xa xứ không khỏi da diết nhớ quê khi tiếng đàn bầu khoan nhặt cất lên giữa không gian tĩnh lặng quê người…
Tiếp theo, tiết mục múa: Nón ba tầm (Âm nhạc: NSND Quang Vinh, Biên đạo múa: NSND Hồng Phong) do tốp múa biểu diễn và ca khúc Quảng Bình quê ta ơi (Sáng tác: Hoàng Vân) do ca sĩ Trần Trang vút lên càng khiến những người con nơi đất khách có dịp được trải lòng, dìu dặt theo cung đàn, tiếng hát và những điệu múa quê hương.
Chương trình nghệ thuật tiếp tục đưa người xem đến vùng Tây Nguyên hùng vĩ và đầy sức sống qua các tiết mục độc tấu đàn T’rưng Mùa hái quả (Sáng tác: Hữu Xuân) do NSƯT Hoa Đăng trình diễn. Bằng ngón đàn điêu luyện, nữ nghệ sĩ đã đưa khán giả biết đến một nhạc cụ độc đáo của đồng bào và cả văn hóa đặc sắc nơi vùng cao của các cộng đồng cư dân Việt… Ngoài ra, chương trình còn biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc như Hát: Arab pi ya (Dân ca Campuchia) do ca sĩ Tố Loan trình bày; độc tấu Sáo: Lý Hoài nam (Sáng tác: Nguyễn Văn Thương phát triển từ dân ca Việt Nam) do nghệ sĩ trẻ Hải An trình diễn…
Không chỉ đưa khán giả đi dọc Việt Nam với các làn điệu quê hương, trong phần 2 chương trình, khán giả trầm trồ thán phục khi được xem trích đoạn vở Ballet Duo Hồ Thiên Nga (Âm nhạc : P.I.Tchaikovsky, Biên đạo múa: Marius Petipa, Lev Ivanov) do hai diễn viên trẻ Đức Hiếu, Thu Hằng cùng tập thể nữ diễn viên thể hiện. Tiếp theo đó là các tác phẩm đơn ca nữ: Queen of the night aria (Âm nhạc:Wolfgang Amadens Mozart) qua giọng Opera Tố Loan và đơn ca nam: O sole Mio (Âm nhạc: Eduardo di Capua) với giọng hát đầy nội lực của nam ca sĩ Anh Vũ.
Ca sĩ Trang Trần và Anh Vũ có màn song ca bản Brindisi (Âm nhạc: Giuseppe Verdi) đồng điệu, mang đến những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt. Chương trình biểu diễn kết lại với Bài ca hữu nghị Việt Nam Campuchia Samaki (Sáng tác: Bảo Chung) do toàn đoàn nghệ sĩ thể hiện đã mang đến không khí vui tươi, đầy sắc màu trên sân khấu nơi đất bạn.
Kết thúc chương trình ở cả thủ đô Phnom Penh và thành phố Siem Reap, nhiều khán giả vẫn không muốn rời đi. Đại diện lãnh đạo Campuchia cũng như các khán giả bày tỏ ấn tượng sâu sắc với phong cách độc đáo và tinh tế của chương trình do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam xây dựng và thực hiện.
Nói về chương trình nghệ thuật nói riêng và chương trình tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Campuchia nói chung, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định các chương trình văn hóa của hai nước được tổ chức thường xuyên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước. Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và Kế hoạch hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2018 – 2022.
Về phía nước chủ nhà, thay mặt Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật Phoeurng Sackona bày tỏ tin tưởng rằng Tuần Văn hóa Việt Nam và chương trình biểu diễn nghệ thuật do các nghệ sĩ hai nước cùng thể hiện sẽ giúp cho nhân dân hai nước hiểu biết nhau hơn nữa, đồng thời góp phần tăng cường, đưa quan hệ gắn bó thân thiết giữa hai quốc gia láng giềng anh em lên mức cao hơn nữa.
Nhân dịp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2022, Ban chấp hành Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tổ chức giao lưu bóng đá giữa các phòng, đoàn trong đơn vị nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phong trào thể thao, rèn luyện sức khỏe cho cán bộ, viên chức, nghệ sỹ và người lao động.
Sau hơn 2 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã đánh dấu sự trở lại của mình bằng hàng loạt các hoạt động chuyên môn cũng như giải trí. Giao lưu bóng đá giữa các phòng, đoàn trong đơn vị là hoạt động thường niên và luôn nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ, viên chức, nghệ sỹ, người lao động.
Ngày 21 tháng 7 vừa qua, tại sân vận động trường thể thao 10-10, trận bóng đá giao lưu giữa 3 đoàn và 2 phòng đã diễn ra một cách kịch tính với sự cổ vũ nhiệt tình của các fan nữ trong Nhà hát. Sau 90 phút thi đấu quyết liệt, kịch tính và sôi nổi, các cầu thủ của cả hai đội đã ghi được tới 7 bàn thắng, trong đó có 2 “Vua phá lưới” là Đinh Khánh Cường (đoàn Ca kịch) và Vũ Anh (đoàn Vũ kịch). Đây cũng là lần hiếm hoi trong lịch sử các trận bóng đá giao lưu khi có sự góp mặt của các nghệ sỹ ballet thuộc đoàn Vũ kịch, bởi lẽ nguy cơ chấn thương chân rất dễ xảy ra trong bóng đá và điều đó càng trở nên nguy hiểm đối với đôi chân của vũ công.
Đây cũng cột mốc mới đối với Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam khi Phó Giám đốc Đỗ Hoàng Phương vừa được bầu vào ban chấp hành Công đoàn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhiệm kỳ 2017-2023.
Thời gian qua, Công đoàn Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong thành công của đơn vị, trong đó không thể không nói đến thành tích 10 giải thưởng các loại tại Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt II) được tổ chức tại Đắk Lắk.
Ngày 30-6 vừa qua, Lễ bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, TP Buôn Ma Thuột. Sau màn trình diễn rất thành công của vở Ballet “Hàm Lệ Minh Châu”, tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã nhận được những lời khen ngợi của ban giám khảo và sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Với sự đánh giá rất công tâm của hội đồng nghệ thuật, VNOB đạt giải xuất sắc và giành được nhiều huy chương tại liên hoan.
Liên hoan do Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ, cán bộ các nhà hát trên toàn quốc.
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài thay mặt hội đồng nghệ thuật của liên hoan nhận xét liên hoan đã có một bức tranh đa sắc khi kết hợp được những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền và những tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo. Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với nguồn năng lượng dồi dào đã chứng minh khả năng dàn dựng vũ kịch xuất sắc. Bên cạnh đó, vở Ballet đã chạm vào cảm xúc người xem, thể hiện được năng lực chuyên môn cao của các nghệ sĩ.
Đảm nhiệm các vai chính trong vở ballet “Hàm Lệ Minh Châu” là các nghệ sĩ tài năng của nhà hát như NSƯT Phan Lương, nghệ sĩ Thu Hằng, nghệ sĩ Văn Nam, nghệ sĩ Vũ Anh… cùng nhiều NSƯT và các ng hệ sĩ khác. Trang phục của vở ballet “Hàm Lệ Minh Châu” cũng được đầu tư một cách kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh của tác phẩm mà vẫn mang đến nét độc đáo và ấn tượng của hiện đại.
Thành tích của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tại Liên hoan:
1. Giải xuất sắc: Chương trình vở Ballet “Hàm Lệ Minh Châu”
2. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng bằng khen: Đoàn múa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam có thành tích xuất sắc trong “Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc – 2021” – Đợt II
3. Diễn viên nữ múa chính xuất sắc: Nghệ sĩ Phạm Thu Hằng – vai Mị Châu
4. Diễn viên nam múa chính xuất sắc: NSƯT Phan Văn Lương – vai Trọng Thủy
5. Huy chương vàng: Nghệ sĩ Nguyễn Văn Nam – vai diễn An Dương Vương
6. Huy chương vàng: Nghệ sĩ Vũ Vũ Anh – vai Triệu Đà
7. Huy chương bạc: Nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu – vai Thần Kim Quy
8. Huy chương bạc: Nghệ sĩ Phạm Trí Thanh, nghệ sĩ Nguyễn Thọ Dương – vai Tể tướng
9. Huy chương bạc: Nghệ sĩ Dương Hồng Phi, nghệ sĩ Vũ Dương Đức – vai Tướng Việt
10. Huy chương bạc: Nghệ sĩ Dương Thị Thanh Hòa, nghệ sĩ Bùi Diễm Quỳnh – vai Vú em
Một trong những bước tiến lớn nhất trong việc tìm nguồn nhân lực cho nghệ thuật hàn lâm nói chung và Ballet nói riêng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong năm 2022 là bắt tay với Học viện Múa Việt Nam để đưa các sinh viên ngành Múa về Nhà hát thực tập, trải nghiệm thực tế qua các chương trình biểu diễn.
Chiều 25 tháng 5 vừa qua, tại trụ sở Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có chương trình ký kết hợp tác về đạo tạo thực tập tốt nghiệp với Học viện Múa Việt Nam và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các giảng viên, nghệ sĩ trực thuộc các đơn vị trên.
Theo đó, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ nhận các học viên của Học viện về thực tập qua hoạt động trải nghiệm thực tế để rèn luyện, nâng cao trình độ và thích nghi nhanh chóng hơn với môi trường hoạt động biểu diễn. Nói về sự kiện này, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam Phan Mạnh Đức cho biết: “Lâu nay Nhà hát chỉ có thể trông chờ vào nguồn diễn viên múa bale của Học viện Múa Việt Nam. Việc ký kết hợp tác đào tạo là một hướng đi đúng, đáp ứng chuẩn đầu ra và đầu vào cho công tác đào tạo diễn viên múa cũng như “thanh xuân hóa” nhân lực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc hợp tác này là chiến lược lâu dài, các nhà hát và Học viện sẽ cùng sát cánh và linh hoạt để tạo sự thuận lợi nhất có thể trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành múa Việt Nam”.
Tại lễ ký kết, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, NSƯT Trần Văn Hải chia sẻ: “Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ VHTTDL, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Học viện Múa Việt Nam rất vui mừng khi được hai đơn vị hàng đầu là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam ký kết hợp tác đào tạo thực tập tốt nghiệp. Việc hỗ trợ của các đơn vị nghệ thuật sẽ giúp học viên Học viện Múa Việt Nam có được trải nghiệm thực tế để rèn luyện bản thân. Sau lễ ký kết này, lãnh đạo của Học viện Múa Việt Nam sẽ cùng hai nhà hát ngồi lại để đưa ra những bước đi chính thức, cụ thể, sao cho công tác đào tạo này sát với thực tiễn”.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Việc hợp tác này sẽ tháo gỡ những bất cập và hạn chế trong công tác đào tạo diễn viên múa, thường chỉ mạnh về kiến thức cơ bản nhưng lại yếu về thực hành. Lễ ký kết hợp tác chỉ là sự khởi đầu và lãnh đạo Bộ rất mong Học viện Múa Việt Nam cùng với các nhà hát sẽ xây dựng một chương trình đào tạo chuyên môn hợp lý cả về thời gian lẫn kỹ năng biểu diễn. Sự hợp tác này cũng giúp cho các giảng viên múa sát sao hơn với công tác đào tạo. Đội ngũ giảng viên cũng cần thay đổi phương pháp dạy học tích hợp liên môn nhằm rèn luyện kỹ năng nghe, hiểu, nhận biết để thực hành ngay vào những bước chân đầu tiên trên sàn diễn của các em”.
Thứ trưởng cũng bày tỏ niềm vui khi các nhóm tác giả của Học viện Múa Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực hoàn thiện giáo trình giảng dạy đào tạo tài năng múa trên phạm vi cả nước như: Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa, Lịch sử kịch múa Việt Nam... Đặc biệt là hai chương trình đào tạo diễn viên múa chuyên sâu Kịch múa 6 năm và Dân gian dân tộc 4 năm được triển khai vào tháng 9.2022, sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Thứ trưởng cho rằng những chương trình và giáo trình đào tạo cho ngành múa của Học viện Múa Việt Nam xây dựng có chất lượng tốt sẽ là cơ sở để đưa những kiến thức cơ bản, chuyên sâu không chỉ cho học viên của Học viện mà chắc chắn sẽ được các trường văn hóa nghệ thuật đào tạo múa đón nhận và sử dụng như một hành trang tốt để có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
(Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2022): Năm 2021, vượt qua những thách thức của dịch bệnh, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã gây tiếng vang lớn với vở nhạc kịch Những người khốn khổ sau 6 đêm diễn đầy ắp khán giả tại Nhà hát lớn Hà Nội và giành được rất nhiều giải thưởng danh giá tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021. Để đáp lại sự ủng hộ và mong đợi của công chúng trong nước và quốc tế, VNOB sẽ ra mắt hai sản phẩm nghệ thuật mới vào tháng 5 và tháng 6 năm 2022, đó là chương trình hòa nhạc Đêm huyền ảo và vở vũ kịch Hàm Lệ Minh Châu.
Đêm huyền ảo – Sparkling Night được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thực hiện là một chương trình hòa nhạc hàn lâm được lấy ý tưởng từ sự lãng mạn như vũ điệu của các nàng tiên, sự rượt đuổi đầy cảm xúc của các đôi tình nhân, hòa trộn cùng nỗi buồn vì tình yêu lóng lánh qua những giọt nước mắt. Với các giọng ca Opera hàng đầu của Việt Nam hiện nay như Huy Đức (Baritone), Tố Loan – nghệ sĩ từng giành giải cao nhất tại các cuộc thi Opera quốc tế, hay Bùi Trang, ca sĩ giành HCV tại Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc năm 2021,… khán giả sẽ được đắm mình trong mùi thơm của rượu Champane trong Brindisi (Trà Hoa Nữ – La Traviata), âm thanh đầy tinh quái của Nữ Hoàng Bóng Đêm (Queen of the night – The Magic Flute) hay nỗi buồn của Mimi và Rodolfo (La boheme).
Không chỉ đắm chìm trong những aria nổi tiếng, khán giả còn được đến với câu chuyện tình của những người yêu nhau đến điên cuồng, những hiểu lầm khiến cuộc tình đi vào u mê và rồi tất cả đều được hóa giải qua phần Overture Midsummer’s night dream với các bản nhạc quen thuộc như Wedding March, Scherzo, Intermezzo, Notturno,… với tài năng của các nhạc công của dàn nhạc giao hưởng, trong đó mỗi nhạc cụ đều thể hiện những kỹ năng tinh hoa nổi trội của mình.
Nối tiếp chương trình hòa nhạc Đêm huyền ảo với các tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng của châu Âu, VNOB sẽ đưa khán giả đến với một vở múa mang đậm bản sắc Việt Nam, đó là vở vũ kịch Hàm lệ minh châu. Sau những thành công rực rỡ với các vở vũ kịch kinh điển, như vở Ballet “Hồ Thiên Nga” và “Kẹp hạt dẻ” của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Tchaikovsky, để bắt kịp với xu hướng nghệ thuật chung của thế giới, VNOB tiếp tục đổi mới và sáng tạo bằng các tác phẩm nghệ thuật đương đại.
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam. Với mong muốn tái hiện câu chuyện này thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật múa, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho ra mắt vở múa “Hàm Lệ Minh Châu”. Là một vở múa có sự pha trộn giữa nghệ thuật ballet và múa đương đại, và là sự giao thoa văn hóa giữa phương Tây và phương Đông, “Hàm Lệ Minh Châu” hứa hẹn sẽ là một vở múa độc đáo và mới lạ. Tác phẩm không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, dễ xem và gần gũi với công chúng trong nước, mà còn mang tính nghệ thuật cao, sánh vai với các tác phẩm của các nước có nền nghệ thuật phát triển trên thế giới.
Sau khi ra mắt tại Hà Nội, VNOB sẽ xây dựng kế hoạch để đưa vở vũ kịch “Hàm Lệ Minh Châu” lưu diễn tại các thành phố lớn của Việt Nam, dự kiến sẽ là Đắk Lắk và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại, ekip sáng tạo cùng các nghệ sĩ của Nhà hát đang nỗ lực sáng tạo và tập luyện để có thể đem đến những đêm diễn thăng hoa nhất cho các khán giả. Hi vọng, hai sản phẩm này sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của công chúng trên khắp cả nước và trở thành điểm nhấn của nền nghệ thuật nước nhà trong năm 2022.
Các thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Ms. Nguyễn Tuyết Hoa
Phụ trách Truyền thông – Marketing Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam