Nhân dịp năm mới 2019, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi gặp thân mật với các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ VH,TT&DL tổ chức tiệc chiêu đãi Ngoại giao đoàn tại Hà Nội. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Tham dự tiệc chiêu đãi có ông Jorge Rondon Uzcategui, Đại sứ nước Cộng hòa Venezuela tại Việt Nam, Trưởng Đoàn ngoại giao tại Việt Nam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, các Đại sứ và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các đơn vị trong Bộ VH,TT&DL …
Phát biểu chào mừng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định năm 2018, vượt lên những khó khăn trong và ngoài nước do những biến động, thách thức về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới, công tác hợp tác quốc tế về văn hóa, thể thao và du lịch của Việt Nam vẫn được tăng cường và thúc đẩy theo hướng hiệu quả, toàn diện và thực chất, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới .
Bộ Trưởng đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ, đồng hành của các nước, các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ ,các doanh nghiệp và các cá nhân trong các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
” Năm 2019, Bộ VHTTDL cam kết tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng hợp tác giao lưu quốc tế trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tăng cường hiểu biết, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau trên con đường phát triển ổn định và bền vững cho tương lai”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm nhằm thắt chặt hơn quan hệ gắn bó, hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực VH,TT&DL giữa Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao với các Đại sứ và Ngoại giao đoàn ở Việt Nam.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam đã được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa độc đáo của Việt Nam và thưởng thức văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã vinh dự được góp một số tiết mục đặc sắc, đã từng tạo nên tiếng vang lớn trong làng nghệ thuật trong năm 2018, trong đó có Nước cuốn Ả đào, tiết mục được đưa đi trình diễn tại Anh trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Vương quốc Anh – Việt Nam và trích đoạn vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên.
Ngày 23-1 vừa qua, Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, phương hướng năm 2019 và Hội nghị cán bộ, công nhân viên chức Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB đã diễn ra tại trụ sở ngõ 11 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có Ban giám đốc, Ban chấp hành Đảng bộ, Ban chấp hành Công đoàn cùng toàn thể cán bộ, diễn viên, viên chức của Nhà hát. Báo cáo về những thành tựu đạt được trong năm qua, Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB nhấn mạnh: “VNOB từng bước khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm trong nước và quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế”
Thành công rực rỡ trong năm 2018
Thực tế, trong năm 2018 vừa qua, với sự phấn đấu không ngừng của cán bộ, nghệ sỹ, công nhân viên và người lao động Nhà hát đã hoàn thành những chỉ tiêu, mục tiêu đã đặt ra theo kế hoạch đó là xây dựng các chương trình Vũ kịch, Nhạc kịch, Giao hưởng – Hợp xướng, Múa đương đại và Ca Múa Nhạc có chất lượng nghệ thuật cao, biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, giao lưu và hợp tác quốc tế, các sự kiện chính trị – xã hội – kinh tế – văn hoá.
Trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, VNOB đã xây dựng và biểu diễn thành công 32 chương trình nghệ thuật, trong đó có 6 chương trình phục vụ chính trị, sự kiện và các ngày lễ lớn của đất nước, 3 chương trình phục vụ đối ngoại và giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế, 3 chương trình phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu vùng xa, biên giới, và đặc biệt tới 20 chương trình Opera & Ballet, Giao hưởng – Hợp xướng, Ca Múa Nhạc. Trong đó, một số chương trình được đánh giá có chất lượng cao như Chương trình nghệ thuật “Khúc giao mùa” được dàn dựng cùng với sự chỉ huy của nhạc trưởng Tây Ban Nha – David Gosmez Ramirez; chương trình Hòa nhạc Cổ điển và Múa đương đại “Bản giao hưởng mùa Hạ” với sự chỉ huy của nhạc trưởng Kotaro Kimura, nghệ sĩ Piano Mika Kawasaki (piano), Ryohei Morita (Contrebasse) cùng 120 nghệ sĩ hợp xướng đến từ Nhật Bản cùng Dàn nhạc giao hưởng và Hợp xướng Nhà hát; Chương trình hòa nhạc và múa Giai điệu Mùa Thu dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi; Vở Opera Maria de Buenos Aires được đầu tư dàn dựng lại với phong cách mới, tiếp cận dần với nhu cầu thưởng thức của xã hội, với sự phối hợp của nhạc trưởng Philippe Lesburgueres (CH Pháp); Chương trình múa đương đại Bolero và Suite en Blanc, Đáy mắt, Peter và Chó sói, vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên…
Bên cạnh đó, VNOB còn tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở một số sự kiện chính trị, xã hội, ngoại giao lớn như Lễ hội Văn hoá – Du lịch Việt Nam tại Nhật Bản, Tuần Văn hoá Việt Nam tại Campuchia, chương trình nghệ thuật “Tâm hồn Việt” tại Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh tại Thủ đô London, chương trình nghệ thuật “Âm vang đất Việt”, trong đêm hội khai mạc các hoạt động Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2018, Chương trình nghệ thuật “Chiều nắng” và chương trình “Cho dù có đi muôn nơi” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh hình tượng người phụ nữ Việt Nam, Chương trình nghệ thuật đặc biệt – Bản giao hưởng 30 năm FPT (FPT Symphony) mang tên “Sống” dưới sự chỉ đạo của Đạo diễn Trần Ly Ly – Giám đốc VNOB …
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong hoạt động nghệ thuật và sự đóng góp không mệt mỏi của các đạo diễn, biên đạo múa, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và cán bộ, viên chức Nhà hát, các chương trình đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình và đánh giá cao của khán giả. Trong năm qua, VNOB đã đón tiếp tới 110.000 lượt khán giả đến thưởng thức các chương trình biểu diễn trong 102 buổi.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động về Đảng, Đoàn, Công đoàn, các tổ chức xã hội nghề nghiệp,… cũng được đẩy mạnh. Chính vì vậy, trong năm 2018, Nhà hát có tới 17 cán bộ, nghệ sĩ, viên chức được bình chọn Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 103 người được bình chọn Lao động Tiên tiến… Bên cạnh đó, NSƯT Trần Ly Ly đã giành được giải Đạo diễn chương trình xuất sắc tại Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 lần 2 tại Đà Nẵng, Nghệ sĩ Đào Tố Loan đã dành được Giải nhất trong Cuộc thi Opera Đông Nam Á 2018 tại Singapore. Cũng trong năm 2018, Nhà hát vinh dự có 1 nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 6 Nghệ sĩ ưu tú.
Định hướng phát triển thương hiệu trong năm 2019
Một trong những mục tiêu hàng đầu mà Ban giám đốc cũng như cán bộ, viên chức của VNOB đặt ra trong năm 2019 là xây dựng và phát triển thương hiệu của Nhà hát. Trong năm 2018, hoạt động xây dựng thương hiệu và marketing đã từng bước được thực hiện và đem lại kết quả đáng kể. Chính vì vậy, 2019 sẽ là cột mốc quan trọng trong việc phát triển mạnh thương hiệu, đặc biệt đây cũng là thời điểm Nhà hát kỷ niệm 60 năm ngày thành lập.
Để làm tốt hoạt động này, các chương trình nghệ thuật mang dấu ấn của VNOB sẽ được tính đến. Đó là vở ballet cổ điển “Hồ Thiên Nga’ dự kiến sẽ được xây dựng một cách hoàn chỉnh nhất với dàn nhạc của VNOB chơi live. Để làm được điều này, các nghệ sĩ của VNOB dự kiến sẽ tập trong vòng 3 tháng và biểu diễn ít nhất là 10 buổi. Bên cạnh đó là các chương trình đỉnh cao khác của Opera và giao hưởng. Nói về điều này, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc VNOB, khẳng định: ‘Năm 2019, VNOB sẽ xây dựng các chương trình Giao hưởng, Hợp xướng và Múa với phong cách mới nhằm đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khán giả trong nước và quốc tế nhằm khẳng định vị thế của nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam”.
Mặt khác, VNOB cũng sẽ từng bước xây dựng văn hóa, đạo đức của Nhà hát thông qua các phong trào nhằm tạo dựng sự gắn kết giữa các thành viên trong VNOB, tăng cường quan điểm từng người đều có trách nhiệm cùng nhau xây dựng Nhà hát để đưa VNOB trở thành con chim đầu đàn về nghệ thuật hàn lâm của Việt Nam.
Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 15/QĐ-ĐTN về việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Đoàn Bộ.
Việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ với mong muốn tạo môi trường để đoàn kết, tập hợp các văn nghệ sĩ trẻ, khuyến khích, động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội để nghệ sĩ trẻ phấn đấu, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng, đồng thời qua đó nhằm định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho giới trẻ phù hợp với văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; tập hợp, tổ chức và động viên các nghệ sĩ trẻ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xây dựng nền nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nghệ sĩ múa Phan Văn Lương, Bí thư Đoàn Cơ sở, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam – VNOB được bầu làm ủy viên Ban chủ nhiệm CLB. Các thành viên khác trong Ban chủ nhiệm CLB gồm: Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Thảnh, Phó Bí thư Đoàn Bộ, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Cải lương Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Vũ Thị Hương Lan, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Chèo Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Vũ Quang Huy, Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Ca Múa nhạc Việt Nam; Ủy viên Tạ Duy Lâm, Phó Bí thư Đoàn Cơ sở Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Ủy viên Lê Thị Trịnh, Phó Bí thư Đoàn Cơ sở Nhà hát Kịch Việt Nam; Ủy viên Sân Thị Thủy, Bí thư Đoàn Cơ sở Học viện Múa Việt Nam và Ủy viên Phạm Quang Ánh, Bí thư Chi đoàn Nhà hát Tuổi trẻ.
Việc thành lập CLB Nghệ sĩ trẻ trực thuộc Đoàn Bộ được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng, có những đóng góp cụ thể, thiết thực cho cộng đồng và xã hội./.
Nhân dịp đón năm mới, năm Kỷ Hợi 2019, sáng 22/1, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các văn nghệ sỹ tiêu biểu.
Tham dự có ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Nếu pháp luật dùng lý trí để thiết lập kỷ cương, quản lý xã hội, thì văn học nghệ thuật lại dùng tình cảm, trí tuệ để thiết lập các tòa án lương tâm, giúp con người hàng ngày soi chiếu, tự điều chỉnh, tự phán xét bản thân.Theo Nhà văn Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, pháp luật và văn học nghệ thuật là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng cùng có mục đích làm cho xã hội phát triển lành mạnh, luôn được kiểm soát bởi lẽ phải và tình thương.
Bằng tình thương và lẽ phải, văn học – nghệ thuật có khả năng to lớn biến những quy ước xã hội thành các quy chuẩn đạo đức, thành lối sống, thành thói quen hành xử hàng ngày của mỗi cá nhân. Văn học nghệ thuật sẽ luôn đồng hành với đất nước để hoàn thành sứ mệnh cao cả trong việc xây dựng bền vững nền văn hóa Việt Nam đậm đà, giàu bản sắc dân tộc.
Tại buổi gặp mặt, đại diện các lĩnh vực văn học, nghệ thuật đã trò chuyện, trải lòng với Chủ tịch Quốc hội về những thuận lợi, khó khăn trong lĩnh vực mà mình đang hoạt động.
Bảy tỏ sự ngưỡng mộ văn nghệ sỹ đã có đóng góp to lớn trong đời sống tinh thần, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt và vô vị nếu không có những tác phẩm văn học nghệ thuật song hành.
Năm 2018, nước ta đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và khá toàn diện trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, ngành Văn hóa cũng đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Đây cũng là năm đánh dấu hoạt động khá sôi nổi của các văn nghệ sĩ.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời gian qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, tài năng, không ngừng sáng tạo, vượt qua những khó khăn, vất vả để cống hiến cho nhân dân, cho nền văn hóa nước nhà và cho nhân loại những tác phẩm có giá trị, thể hiện được bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam; đồng thời, phản ánh chân thật, sinh động đời sống chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước.
Nhận rõ vị trí, vai trò, đóng góp to lớn của văn hóa, văn học, nghệ thuật, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng công tác xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, trong đó, có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng thời, cũng luôn tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, cố gắng tạo điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng; nhưng cũng luôn kỳ vọng, mong đợi và tin tưởng rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.
Vì thế, Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các văn nghệ sĩ cũng cần phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những “điểm nóng” của cuộc sống, của thị trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh chống những quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng con người, văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ rất quan trọng trong việc tham gia chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; trong giáo dục, xây dựng nhân cách con người, nhất là thế hệ trẻ. Với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay đặt ra rất nhiều thách thức, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự đổi mới, có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển.
Đội ngũ văn nghệ sĩ cần tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, mài sắc ý chí chiến đấu, giữ vững bản lĩnh và sự tỉnh táo, không bị lung lay tinh thần trước sự lôi kéo, lợi dụng của các thế lực thù địch trên mặt trận không tiếng súng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hơn ai hết, đội ngũ văn nghệ sĩ cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tiếp tục bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại sự thâm nhập của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường.
Nhân dịp Năm mới 2019 và đón Xuân Kỷ Hợi, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các văn nghệ sĩ.
“Chúc các văn nghệ sĩ có nhiều sáng tạo, có nhiều tác phẩm nghệ thuật phản ánh công cuộc đổi mới sinh động của đất nước, phản ánh những hình ảnh đẹp của con người Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu cho sự phồn vinh và hạnh phúc của đất nước. Những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại trong giai đọan đất nước chuyển mình, phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ” – Chủ tịch Quốc hội nói./.
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi – 2019, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi thư chúc mừng năm mới tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nghệ sĩ, nghệ nhân, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, hướng dẫn viên và các em học sinh, sinh viên Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng gia đình những lời chúc mừng tốt đẹp nhất
Dưới đây là toàn văn thư chúc Tết của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:
THƯ CHÚC TẾT
Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2019
Các đồng chí thân mến!
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi – 2019, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi thân ái gửi đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các nghệ sĩ, nghệ nhân, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài, hướng dẫn viên và các em học sinh, sinh viên Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng gia đình những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban, Bộ, ngành, địa phương, với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả“, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cả nước đã nỗ lực, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển Ngành và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Năm qua, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc được tổ chức góp phần tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” được tổ chức với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Hội đồng cấp Nhà nước lần đầu tiên tổ chức xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta cùng toàn thể xã hội trong việc giữ gìn kho tàng di sản văn hóa độc đáo, đa dạng, có giá trị về nhiều mặt của dân tộc và sự tôn trọng đối với vai trò sáng tạo văn hóa của cộng đồng.
Thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên cả lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên trường quốc tế. Lần đầu tiên Bóng đá Việt Nam giành ngôi Á quân tại Giải vô địch Bóng đá U23 Châu Á; Đội tuyển bóng đá nam quốc gia giành Cúp vô địch tại giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) sau 10 năm chờ đợi; năm 2018, Thể thao Việt Nam đã có một kỳ Asian Games thành công nhất trong lịch sử với 38 Huy chương các loại, trong đó có 04 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ, xếp thứ 17/45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Asian Games 2018; Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 khẳng định bước tiến vượt bậc khi lập 199 kỷ lục, trong đó có 151 kỷ lục đại hội, 48 kỷ lục quốc gia.
Du lịch Việt Nam với những điểm sáng nổi bật, đóng góp lớn vào GDP cả nước, đang từng bước khẳng định vị thế ngành kinh tế mũi nhọn, xứng đáng với kỳ vọng của toàn xã hội. Năm 2018, với lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 15,5 triệu lượt, du lịch Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời lần đầu tiên du lịch Việt Nam được vinh danh là Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch nhanh nhất thế giới và đứng đầu Châu Á.
Những dấu ấn đạt được là thành quả xứng đáng cho sự tận tâm và nhiệt huyết cống hiến của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bước sang năm 2019 – năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, tôi tin tưởng và hy vọng các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành sẽ tập trung cao độ, đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Chúc các đồng chí cùng gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Để tri ân tới các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, biên đạo, nhạc công đã từng làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB trong thời gian qua, ngày 25-1 tới, VNOB sẽ xây dựng một chương trình mang tên “Nhớ về nguồn cội” với rất nhiều các hoạt động các khác nhau như phần lễ, các chương trình nghệ thuật và giao lưu giữa các thế hệ.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB coi đây như như một lời cảm ơn chân thành tới các vị tiền bối đã từng đóng góp công sức, tài năng và ngọn lửa nhiệt tình của mình cho sự phát triển của Nhà hát. VNOB cũng hy vọng rằng những bước tiến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng của các chương trình, các tác phẩm nghệ thuật mà Nhà hát có được trong năm 2019 sẽ là món quà tri ân thiết thực và xứng đáng với những đóng góp của các thế hệ của Nhà hát.
Nhân dịp này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB trân trọng kính mời các cán bộ, đạo diễn, biên đạo, nhạc công, ca sĩ, nghệ sĩ múa, nhân viên, viên chức đã từng công tác và nghỉ hưu tại Nhà hát đến tham dự chương trình “Nhớ về nguồn cội” lúc 9h00 sáng ngày 25-1-2019 tại trụ sở Nhà hát. Nhà hát trân trọng kính mời và rất mong được đón tiếp!
Vòng Sơ khảo cuộc thi Hoa hậu Bản sắc Việt toàn cầu 2019 khu vực phía nam vừa diễn ra trong hai ngày 5 và 6/11 tại khách sạn Kim Đô – Royal Hotel Saigon (TP.HCM) với phần tranh tài của hàng trăm thí sinh.
Tham gia Ban giám khảo quyền lực của năm nay có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, người từng rất có kinh nghiệm trong vị trí này ở nhiều cuộc thi trước đó. Cùng với chị là những gương mặt quen thuộc khác như người mẫu Thúy Hạnh, Á hậu Thúy Vân, chuyên gia Tâm lý Lý Thị Mai, chuyên gia Nhân trắc học Vũ Hương, và bà Nguyễn Hằng Nga trưởng Ban Tuyển sinh HHBSVTC 2019 .
Tham gia cuộc thi năm nay có một số thí sinh quen thuộc từng có danh hiệu như: Hoa hậu – người mẫu Tường Linh, Á hậu – Á khôi Thùy Dung; các người đẹp nổi tiếng: H’Bella H’Đơk, Phương Hiền, Thùy Dung, Thu Trang, Linh Chi, Đỗ Thị Duyên…
Các thí sinh đã trải qua các vòng thi trình diễn với bikini, nhân trắc học và chụp ảnh với trang phục áo dài trong ngày sơ tuyển đầu tiên.
Tiếp theo khu vực phía Nam, vòng sơ khảo phía bắc sẽ diễn ra vào ngày 21, 22.1 tại Trung tâm Trống Đồng Palace Trần Đăng Ninh (Hà Nội). Tổng giá trị giải thưởng cho danh hiệu hoa hậu năm nay là 2 tỉ đồng.
Viện Âm nhạc Mỹ Latinh, trụ sở tại Mexico, ngày 28.12 đã trao tặng huyền thoại ballet của Cuba Alicia Alonso danh hiệu “Ngôi sao Thế kỷ”, khi là “một động lực thực sự cho sự phát triển của nghệ thuật múa cổ điển Mỹ Latinh”.
Nữ nghệ sĩ huyền thoại, người vừa tròn 97 tuổi vào ngày 21.12 vừa qua, sẽ nhận giải thưởng vào tháng 2 tới. Bà Alonso là nghệ sĩ thứ 5 được Viện Âm nhạc Mỹ Latinh vinh danh với danh hiệu này, nhưng là người duy nhất không phải là nhạc sĩ hay ca sĩ.
Đến với nghệ thuật múa ballet từ năm 9 tuổi, nhưng tới năm 19 tuổi, khi bắt đầu trở thành một nữ diễn viên múa chính tại các vũ đoàn lớn, Alicia Alonso bị suy giảm và hầu như mất thị lực. Bất chấp khó khăn đó, bà vẫn có một sự nghiệp biểu diễn rực rỡ kéo dài tới hơn 5 thập kỷ, trở thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất trong lịch sử ballet toàn thế giới. Tại Cuba, ngoài hình tượng một nghệ sĩ ballet huyền thoại đã nhận được các giải thưởng ở mọi cấp độ của Nhà nước, Alicia Alonso được coi là một trong những nhân tố chính giúp môn nghệ thuật cổ điển “quý tộc” này trở nên phổ biến với công chúng tại “hòn đảo tự do”.
ANTD.VN – Đó là tiết lộ của NSƯT Trần Ly Ly – quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.
Theo đó, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, năm 2019 tới đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sẽ kỷ niệm 60 năm thành lập. Vì thế, Nhà hát dự kiến sẽ thực hiện nhiều chương trình, sự kiện đặc biệt để kỷ niệm dấu mốc lịch sử này.
Trong đó có việc dựng lại toàn bộ vở ballet “Hồ Thiên Nga”. Cách đây 20 năm, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từng dựng vở này dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Liên Xô. Từ đó đến nay, “Hồ Thiên Nga” cũng nhiều lần được mang lên sân khấu song phần lớn chỉ là những trích đoạn.
Cũng theo NSƯT Trần Ly Ly, vở “Hồ Thiên Nga” phiên bản năm 2019 sẽ ghi nhận sự tham gia của dàn nhạc có khoảng 60 nghệ sĩ cùng 60-70 nghệ sĩ múa. Để chuẩn bị cho vở diễn đặc sắc này, các nghệ sĩ sẽ phải luyện tập ít nhất trong vòng 6 tháng.
Người đứng đầu Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định, dù tập luyện trong điều kiện nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế song toàn bộ êkip sẽ cống hiến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật nhiều cảm xúc, đánh dấu chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học trên thế giới. Theo kế hoạch, vở “Hồ Thiên Nga” sẽ ra mắt công chúng vào tháng 10-2019.
Sau một thời gian ra Hà Nội để đảm nhận vai trò lãnh đạo Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, cô xác định rõ đây là nhà hát hợp xướng, Opera và Ballet quốc gia nên trọng trách đặt lên vai mình là làm sao đưa được thương hiệu của Nhà hát trở nên bền vững, có bước phát triển mới.
Sáng 25 tháng 11 năm 2018, tại phòng hòa nhạc nhỏ, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã diễn ra chương trình Hòa nhạc Thính phòng dành cho các nhạc sĩ Trẻ Việt Nam trong khuôn khổ Festival quốc tế Âm nhạc Mới “Á – Âu” lần thứ III tại Việt Nam 2018, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
Đến dự có các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế của hơn 40 quốc gia tham dự Festival. Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội, Trưởng Ban tổ chức Festival; cùng nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; cùng các nhạc sĩ trong Ban Chấp hành Hội, các nhạc sĩ lão thành: GS. Chu Minh, TS Doãn Nho, GS Thế Bảo…
“Buổi hòa nhạc hôm nay, chúng tôi sẽ dành cho quý vị một bất ngờ về tài năng âm nhạc của các em sinh viên đang học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (trước đây là Nhạc viện Hà Nội) được thành lập từ năm 1956, đến nay đã là trên 60 năm, trong đó có khoa Sáng tác – Lý luận – Chỉ huy, là một khoa lớn và quan trọng. Trong 60 năm qua nhà trường đã đào tạo rất nhiều các nhạc sĩ và sau này trở thành những nhạc sĩ rất nổi tiếng của Việt Nam. Trong những năm qua, nhà trường cũng đã gửi rất nhiều du học sinh sang các nhạc viện quốc tế để học tập như Liên bang Nga, CHDC Đức, Pháp, Mỹ… để tiếp tục học tập về sáng tác. Một trong những người thầy đầu tiên của khoa Sáng tác mà hôm nay cũng có mặt ở đây là GS Chu Minh năm nay đã 88 tuổi đã đào tạo rất nhiều các thế hệ học sinh, tiếp theo đã có nhiều thế hệ các người thầy khác như TS, Doãn Nho, GS Thế Bảo…
Chương trình Hòa nhạc trẻ hôm nay có 4 nhạc sĩ trẻ là nữ trong đó có em Nguyễn Thị Ngọc Tú hiện đang theo học cao học sáng tác tại Nhạc viện quốc gia Rumani, Em Phó Đức Hoàng mới tốt nghiệp bằng Thạc sĩ sáng tác tại trường Đại học Nam Florida – Mỹ, và em Trần Lưu Hoàng đang làm công tác giảng dạy tại Học viện”.
Chương trình hòa nhạc đã biểu diễn 8 tác phẩm âm nhạc tính phòng của 8 nhạc sĩ trẻ là: Nguyễn Thị Ngọc Tú; Nguyễn Minh Trang; Trịnh Nhật Anh, Phạm Xuân Cung, Phó Đức Hoàng, Phan Vi, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Lưu Hoàng, do các nghệ sĩ trẻ của Nhóm OCD và Nhóm Tứ tấu Cadenza.
Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của ca sỹ Opera nổi tiếng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam Ngô Hương Diệp. Cô đã trình bày rất thành công một số tác phẩm trong Festival và được đánh giá cao.