Biên đạo múa Trần Tiến Huy: “Nghệ thuật có thể nhìn Đa Chiều trong mỗi tác phẩm”

Biên đạo, nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy là một trong những tài năng nghệ thuật Việt Nam đang tỏa sáng ở sân khấu quốc tế. Với một quốc gia mà nền nghệ thuật nói chung và Múa đương đại nói riêng đã trở thành biểu tượng như nước Đức thì việc một người Việt Nam được mời làm Giám đốc nghệ thuật quả là điều đặc biệt. Vậy mà, Tiến Huy đã làm được điều đó khi chính thức trở thành Giám đốc nghệ thuật của một nhà hát châu Âu – Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức. Được biết, Tiến Huy sẽ về nước để tham dự chương trình Múa đương đại – Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) tổ chức vào ngày 28 và 30 tháng 6 tới tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Báo Tổ quốc đã liên hệ ngay với anh để thực hiện một cuộc phỏng vấn:

– Được biết anh đang làm việc tại Đức, anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình?

– Hiện tại tôi đang là diễn viên, biên đạo múa của của nhà hát Kaiserslautern (Đức). Nhưng đồng thời, tôi đang bắt đầu công việc mới, đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị. Đó là vị trí giám đốc nghệ thuật của đoàn múa PfalztheaterTanz thuộc Nhà hát Kaiserslautern. Từ tháng 8/2019, tôi chính thức rút khỏi sân khấu với tư cách diễn viên múa để tập trung cho công việc sáng tác và quản lý với vai trò Đồng Giám Đốc của PfalztheaterTanz Kaiserslautern. Nhiệm vụ mới trao vào tay tôi cơ hội, đồng thời cũng là thách thức. Thứ nhất là có rất nhiều chương trình diễn ra trong cùng một thời điểm do lịch làm việc dày đặc của Nhà hát. Vì vậy, vừa làm diễn viên, vừa là biên đạo, đồng thời lại thêm vị trí quản lý cũng đôi khi khiến tôi bị quá tải, khó tập trung vào một việc nhất định. Khó khăn tiếp theo là làm thế nào để sắp xếp thời gian nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy mình vẫn rất may mắn khi có sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong Nhà hát. Môi trường sống và làm việc tại châu Âu cho tôi đảm bảo sự ổn định cơ bản về kinh tế. Vì vậy tôi có thể tập trung thời gian để làm chuyên môn nhiều hơn mà không phải nghĩ nhiều đến việc mưu sinh. Bên cạnh đó môi trường phát triển của nghệ thuật châu Âu cho tôi nhiều cơ hội học hỏi và sáng tạo tự do.

Với sự trở lại lần này trên sân khấu Việt Nam cùng các nghệ sĩ quốc tế, anh mong muốn chia sẻ thông điệp gì đến với khán giả Việt Nam?

– Thông điệp của chúng tôi là muốn nói rằng nghệ thuật luôn mở rộng với những thể loại và những xu hướng mới. Nghệ thuật giúp ta gắn kết con người và văn hóa các nước khác nhau. Nghệ thuật có thể nhìn Đa Chiều trong mỗi tác phẩm. Yêu thích hay không là sự cảm nhận và lựa chọn từ mỗi cá nhân. Vẻ đẹp có thể đến từ nhiều hướng và nhiều góc cạnh trong từng vấn đề tùy thuộc theo cách nhìn nhận của bạn. Cá nhân tôi với sự thành công hiện có, tôi muốn khán giả Việt Nam nói chung và các bạn trẻ yêu nghệ thuật nói riêng biết rằng chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn, chăm chỉ hơn và tự tin hơn vì con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn xa ra ngoài mảnh đất hình chữ S!

Điểm nhấn quan trọng trong tác phẩm của anh là gì?  

– Một tác phẩm nghệ thuật không nên xé nhỏ ra để phân tích, đặc biệt đây lại không phải một cuộc thi. Mọi liên kết trong tác phẩm tạo ra một điểm nhấn cụ thể. Khi ta xem hết tác phẩm đó, điều đọng lại sau mỗi tác phẩm đó là gì trong mỗi cá thể quan trọng hơn. Điều tôi muốn gợi mở trước khi các bạn xem hay đưa ra nhận xét gì về tác phẩm cụ thể này đó là: Hãy tập trung vào 15 phút đầu tiên và bạn sẽ thấy câu trả lời ngay sau 15 phút tiếp theo!

Anh có nghĩ rằng nghệ thuật đương đại vẫn còn xa lạ với khán giả Việt Nam? Nếu có, đâu là những thử thách mà các nghệ sĩ tham gia vào Hanoi Dance Fest 2019 cần làm để mang loại hình nghệ thuật này đến với khán giả? 

– Nghệ thuật Đương Đại nói chung và nghệ thuật Múa Đương Đại nói riêng đến thời điểm hiện tại không còn quá xa lạ với người Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy vậy để hiểu rõ hơn về các thể loại ngôn ngữ chuyển động và các loại hình nghệ thuật đương đại thì vẫn cần rất nhiều thời gian cho mặt bằng chung khán giả, cần có sự cởi mở hơn từ khán giả, sự kết nối từ biên đạo, diễn viên tới người xem. Đây là thử thách chung của tất cả những người làm nghệ thuật nói chung, những người làm về giáo dục văn hóa và truyền thông!

Được biết, anh cũng đảm nhận về trang phục cho tác phẩm của mình, anh có thể chia sẻ thêm về vai trò này không ạ? 

– Nhìn chung các tác phẩm gần đây của tôi thường nói về con người đương đại, tôi muốn nó được gần gũi với con người và đời sống thường nhật nhất có thể. Vì vây tôi lựa chọn sự đơn giản, màu sắc cùng gần gũi với sự tự nhiên, màu của đất màu của cây lá.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc cho Đa chiều cũng như Hanoi Dance Fest 2019 thành công

Tuyết Hoa

Tiếp nối thành công của các kỳ liên hoan Múa đương đại trước đây, theo sáng kiến và được sự tài trợ của Viện Goethe, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace một lần nữa hợp tác tổ chức chương trình Múa đương đại- Hanoi Dance Fest 2019 vào hai ngày 28 và 30 tháng 6 năm 2019 tại Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội. Hanoi Dance Fest 2019 diễn ra với sáu tiết mục Múa đương đại với sự góp mặt của các biên đạo người Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Đức, Thụy Sĩ, biên đạo múa người Pháp và một biên đạo trẻ của Việt Nam. Các tác phẩm được sáng tạo theo nhiều phong cách khác nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng đa sắc màu của các nền văn hóa mỗi quốc gia.

Vé được bán tại: https://ticketbox.vn/event/hanoi-dance-fest-75915/53375

Did you like this? Share it!

0 comments on “Biên đạo múa Trần Tiến Huy: “Nghệ thuật có thể nhìn Đa Chiều trong mỗi tác phẩm”

Comments are closed.