Ngày: Tháng Mười 16, 2020

Hậu trường nhạc kịch “Những người khốn khổ” trên sân khấu Việt

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”

Sau 6 tháng chuẩn bị và luyện tập, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang gấp rút cho những công đoạn hoàn thiện để có thể ra mắt công chúng vào cuối tháng 11 tới.

Xóa nhòa không gian và thời gian

Những ngày này, các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang tất bật tập luyện cho vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Đây là lần đầu tiên một vở nhạc kịch thực hiện trên sân khấu Việt Nam được đầu tư mạnh với dàn nhạc chuyên nghiệp và ê-kíp tham gia sáng tạo gồm những tên tuổi lớn của Opera Việt Nam như nghệ sĩ Đào Tố Loan, Huy Đức, Trần Trang Sao Mai, Bùi Trang…

Đảm nhận vai trò đạo diễn là Nguyễn Triều Dương – một nghệ sĩ được đào tạo về nhạc kịch ở Anh. Theo anh Dương, nhạc kịch là loại hình khá mới mẻ tại Việt Nam và tìm được người hiểu được loại hình này không đơn giản. Trong khi đó, các ca sĩ ở Việt Nam thường được đào tạo thanh nhạc để hát Opera nên khi diễn nhạc kịch, họ không có những kỹ năng như nhảy múa, diễn xuất như các diễn viên nhạc kịch. Do đó, anh cùng biên đạo trong ê-kíp đã phải làm việc rất nhiều để hướng dẫn, bổ sung kỹ năng nhảy múa, diễn xuất cho các diễn viên.

Thiết kế sân khấu là một vấn đề vì đối với “Những người khốn khổ” trong bản gốc của Victor Hugo, có rất nhiều bối cảnh thay đổi liên tục từ nhà tù ra cánh đồng, nhà thờ… Do đó, đạo diễn Triều Dương lựa chọn cách dựng tối giản và mang tính biểu tượng, dựa trên những yếu tố sắp đặt để giúp người xem dễ liên tưởng, hiểu được mình đang ở đâu. Anh tiết lộ, mình không dùng phông cảnh vì sẽ không đủ thời gian để chuyển cảnh, trong khi vở liên tục chạy cảnh, biến đổi qua nhiều không gian.

Nói sâu hơn về sân khấu, đạo diễn Triều Dương khẳng định, anh muốn xóa nhòa không gian, thời gian. Thành phố mọi người nhìn thấy có thể là bất kỳ thành phố nào trên thế giới, cũng có thể là thành phố họ đang sống. Đó là thành phố mà mỗi người đều có thể thấy chính mình. “Giống như trong bối cảnh đại dịch, tất cả chúng ta đều như nhau và điều cuối cùng còn lại chính là tình người”, nam đạo diễn tâm sự.

Vở diễn sẽ có 2 màn trong thời lượng khoảng 2 tiếng và ở đó, sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp với thời điểm hiện tại. Trước nghi ngờ 2 tiếng có thể truyền tải được hết các sự việc trong câu chuyện nổi tiếng hay không, đạo diễn Triều Dương nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bỏ qua chi tiết nào và 2 tiếng đủ để người xem cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm”.

Không cố Việt hóa tác phẩm

Nhạc kịch “Những người khốn khổ” có sự tham gia của nghệ sĩ Việt và quốc tế

“Những người khốn khổ” là một trong những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất thế giới, có xuất xứ từ Pháp. Vở diễn đã được trình diễn ở 42 quốc gia, sử dụng 21 thứ tiếng, đồng thời giữ kỷ lục là vở nhạc kịch được diễn liên tục lâu nhất ở chuỗi nhà hát West End, London (Anh), với phần âm nhạc do nhạc sĩ Claude-Michel Schonberg biên soạn.

Khi về sân khấu Việt Nam, ê-kíp khẳng định không cố Việt hóa tác phẩm, cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Là tác phẩm được thực hiện tại Việt Nam và cho khán giả Việt nhưng “Những người khốn khổ” lần này lại sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Lý giải về điều này, NSƯT Trần Ly Ly – Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, đây là bản nhạc kịch quốc tế được mua bản quyền và trên thế giới, các nước hầu hết đều sử dụng bản tiếng Anh.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa đủ điều kiện để dịch phần âm nhạc sang tiếng Việt nên sử dụng bản gốc tiếng Anh. Khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Từ đó, chị mong muốn sẽ mang được cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu.

Điều đặc biệt, nhạc kịch “Những người khốn khổ” lần này không chỉ biểu diễn bằng tiếng Anh mà còn có sự tham gia của nhiều diễn viên ngoại quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Họ là những thành viên trong dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Điều này được đại diện nhà hát cho biết, nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên toàn thế giới, cùng chung tay chống lại đại dịch, thể hiện một cách rõ ràng tình người, niềm tin yêu cuộc sống và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

Vở diễn quy tụ khoảng 50 diễn viên và có tới 12 diễn viên chính – số lượng diễn viên chính nhiều nhất trong một tác phẩm nhạc kịch. Ca sĩ Đào Tố Loan tâm sự, các diễn viên phải luyện tập không chỉ cách biểu diễn, tập với dàn nhạc mà cả tập phát âm hát chuẩn tiếng Anh. Ê-kíp có đội ngũ hỗ trợ phần phát âm cho các diễn viên và các nghệ sĩ ngoại quốc cũng làm việc ăn ý, hỗ trợ diễn viên Việt về phần phát âm.

Bản thân chị không lo lắng về việc phải hát tiếng Anh nhưng áp lực về vai diễn của mình. Trong vở, Đào Tố Loan vào vai Cossette (con gái của Fantine) – một cô bé khoảng 16, 17 tuổi luôn suy nghĩ trong sáng và tràn đầy sự tươi mới, có niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Trong khi đó ngoài đời, Tố Loan đã là một người mẹ 2 con.

“Tôi đã phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ, làm sao để thể hiện sự ngây thơ, trong sáng, trẻ trung của một thiếu nữ. Nhưng tìm hiểu kỹ tác phẩm và khi hòa nhập được với nhân vật, mọi thứ lại không khó lắm. Nhạc kịch là loại hình không quá kỹ thuật như nhạc cổ điển, gần với tiếng nói cuộc sống hơn và tôi nghĩ khán giả sẽ dễ đón nhận hơn”, nữ nghệ sĩ bộc bạch.

Không tiết lộ con số cụ thể kinh phí cho vở diễn nhưng theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vở nhạc kịch có kinh phí lớn hơn nhiều so với các vở thông thường. Từ việc mua bản quyền, mời đạo diễn, dàn nhạc, tập luyện, thiết kế sân khấu… Ngoài số kinh phí theo đặt hàng của Nhà nước, nhà hát cũng phải huy động thêm nguồn kinh phí xã hội hóa. Kế hoạch trước mắt, nhà hát sẽ công diễn vào ngày 21 – 22/11 và tùy tình hình dịch bệnh sẽ tính các phương án tiếp theo. Đại diện nhà hát tiết lộ, dù hơn 1 tháng nữa mới công diễn nhưng hai đêm diễn sắp tới tại Nhà hát lớn Hà Nội đã gần hết vé, dù mức giá vé không rẻ, dao động tự 500 nghìn – 1,5 triệu đồng.

Hồ An – Báo Giao Thông