Nguyễn Chí Thanh sinh năm 1971. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Du lịch, Đại học văn hóa. Anh về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 2004, chịu trách nhiệm quản lý sân khấu. Anh tham gia tất cả các chương trình của Nhà hát.
Thống nhất với giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL biểu diễn đồng loạt trên nhiều sân khấu để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu phim sau ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng điều quan trọng nhất đặt ra đối với ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay đó là phải có những tác phẩm hay, chất lượng. Đây là nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị Khối nghệ thuật trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch COVID-19 vào sáng 19/5.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lãnh đạo Bộ nắm rất rõ những khó khăn mà các nhà hát và các nghệ sĩ đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua và Bộ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho các nhà hát. Tuy nhiên mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có thể nhìn lại mình. Hết giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường đối với mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Đây cũng là lúc nghệ thuật phải có sự thay đổi tư duy trong sáng tạo. “Có quá nhiều những chương trình nghệ thuật thể hiện một cách làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật xin hãy đừng kêu ca vì sao không có khán giả? 12 nhà hát của Bộ VHTTDL phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Phải dàn dựng những tác phẩm hay, có chất lượng và thực sự đi vào lòng người xem. Nghệ thuật cần được nâng cấp sao cho đẹp hơn, hấp dẫn ngay từ khâu dàn dựng, thiết kế sân khấu hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức được hai chương trình nghệ thuật đặc biệt, tạo được những dấu ấn khó quên đối với khán giả đó là Mùa xuân dâng Đảng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2020) và Dâng Người tiếng hát mùa xuân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020). Là chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị với những tiết mục về Đảng, về Bác Hồ nhưng điều thú vị mà khán giả cũng như đông đảo những người làm nghệ thuật ghi nhận chính là ở sự công phu đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo. Theo đề xuất của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thống nhất với giải pháp sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của Bộ tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng như tại địa điểm biểu diễn của đơn vị. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt trên các địa điểm như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Nhà hát Lớn, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ… Với các nhà hát chưa có địa điểm biểu diễn cố định như Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Kịch VN sẽ được Bộ bố trí biểu diễn ở các địa điểm của các nhà hát khác như: Nhà hát Lớn, Nhà hát Kim Mã… Theo dự kiến, Nhà hát Kịch VN sẽ mở đầu với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối thứ 7 ngày 23.5, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối 24.5.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL bố trí mua vé ủng hộ cho các chương trình này.Việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các nhà hát của Bộ VHTTDL bởi ảnh hưởng của mùa dịch đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đối với nghệ thuật để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp biểu diễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà hát đều có chung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn có định hướng lâu dài hơn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các nhà hát, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống… Ngay cả với bài toán về khán giả cũng cần có những dự án để làm sao có thể xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là việc tiếp cận với khán giả trẻ.
Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), tối 17-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với sự góp mặt chính của ekip đạo diễn, biên đạo múa và các diễn viên lên tới hơn 60 người của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Ðài Truyền hình Việt Nam.
Đến dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Đến dự còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.
“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tuyên truyền sâu rộng, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, các nghệ sỹ thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Người; góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.
Chương trình nghệ thuật “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” được chia thành ba phần: “Người là Hồ Chí Minh”, “Những bông hoa trong vườn Bác” và “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân”.
Trong phần đầu “Người là Hồ Chí Minh”, các nghệ sỹ gửi tới công chúng những tác phẩm ngợi ca thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh cống hiến của Người với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giải phóng dân tộc Việt Nam và với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Các tác phẩm được trình diễn trong phần này đều là những ca khúc nổi tiếng, được nhiều thế hệ công chúng Việt Nam biết đến như: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác An Thuyên); “Dấu chân phía trước” (sáng tác Phạm Minh Tuấn), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (sáng tác Văn Cao), “Đôi dép Bác Hồ” (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (sáng tác Trần Chung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (sáng tác Huy Thục), “Người là Hồ Chí Minh” (sáng tác Ewan MacColl).
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tình cảm đặc biệt, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”…
Phần 2 của chương trình có tên gọi “Những bông hoa trong vườn Bác”, gồm các tác phẩm chọn lọc, mang âm hưởng vùng miền, đại diện các dân tộc, thể hiện lòng biết ơn, ngợi ca công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là các ca khúc: “Những bông hoa trong vườn Bác” (sáng tác Văn Dung), “Suối Lê Nin” (âm nhạc Phạm Tuyên, thơ Trần Văn Loa), “Miền Trung nhớ Bác” (sáng tác Thuận Yến); “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (âm nhạc Lưu Cầu, thơ Trần Nhật Lam), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (sáng tác Lê Lôi), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (sáng tác Thuận Yến)…
“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là phần cuối của chương trình, với các tác phẩm “Trông cây lại nhớ tới Người” (sáng tác Đỗ Nhuận – Đỗ Trung Phong), “Em mơ gặp Bác Hồ” (sáng tác Xuân Giao), “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” (sáng tác Nguyễn Văn Thương), “Hát về Người” (sáng tác Đoàn Bổng)…
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” do NSND Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD làm tổng đạo diễn. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và NSƯT Trường Bắc là phó tổng đạo diễn, với sự phối hợp của đông đảo các NSND, NSƯT cũng như các nghệ sĩ trẻ được công chúng yêu mến đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đặc biệt có sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).
Trịnh Thanh Bình sinh năm 1979 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp khoa Thanh nhạc Học Viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trịnh Thanh Bình là diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ năm 2003 với vai trò là solist.
Anh đã biểu diễn các vai: Rodolfo trong “La Boheme” – Puccini, Don Jose trong “Carmen” – Bizet, Ferrando trong “Cosi fan tutte” – Mozart
Với mảng opera đương đại anh đã đóng các vai chính Gawain trong “Người đi qua thung lũng” – Pierre Oser và Hưng trong “Blog opera” – Gustav Andersson và Trần Mạnh Hùng
Ngoài việc biểu diễn những tác phẩm opera kinh diển, Thanh Bình cũng là solo terno trong rất nhiều chương trình hòa nhạc và vở thanh xướng kịch lớn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến các tác phẩm: Giao hưởng số 9 (Beethoven) , Messiah (Handel), Carmina Burana (Orff), Coranation Mas (Mozart) và Bài ca Trái đất của Mahler. Năm 2012 Thanh Bình được chọn là soloist của loạt chương trình Toyota Concert cùng Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.
VNOB tham gia các tiết mục nghệ thuật tại Lễ trao giải
Tối 13/5, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018-2020. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã vinh dự nhận giải A với tác phẩm múa “Dũng sĩ rừng Sác”
Tới dự Lễ trao thưởng có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và đặc biệt là các văn nghệ sỹ, nhà báo có nhiều thành tích trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cu ba tại Việt Nam bà Lianys Torres Rivera cùng Phu quân tham dự Chương trình.
Lễ trao giải thưởng nhằm đánh giá kết quả, biểu dương thành tích và ghi nhận sự đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020; động viên, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sỹ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt huyết, năng lực tiếp tục sáng tác, quảng bá về chủ đề này.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn là đề tài phong phú, hấp dẫn, có sức truyền cảm hứng sáng tạo cho người sáng tác bởi Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, người bạn lớn của nhân dân thế giới, đã đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ thực tiễn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua phát hiện và giới thiệu của các cơ quan tuyên truyền báo chí, văn hóa, văn nghệ, đã xuất hiện, lan tỏa nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, những việc làm "bình dị mà cao quý", "việc nhỏ nghĩa lớn", thể hiện cụ thể, sinh động việc học tập và làm theo gương sáng của Người; góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
NSƯT Trần Ly Ly đoạt giải A với tác phẩm “Dũng sĩ rừng Sác”
Nhận được thông báo từ Ban tổ chức mình là một trong 11 cá nhân và tổ chức đạt giải A với tác phẩm múa ‘Dũng sĩ rừng Sác”, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vô cùng xúc động. Phát biểu sau Lễ trao giải, bà chia sẻ: “Đã nhiều lần đứng trên sân khấu, nhưng đây có lẽ là giây phút nhiều cảm xúc nhất đối với tôi. Tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sáng ngời trong tâm trí mỗi người Việt Nam nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Với các nghệ sĩ, dùng ngôn ngữ nghệ thuật của chính mình để truyền tải hình tượng nghệ thuật và cảm xúc của cuộc sống để đem đến cho khán giả, tạo ra cảm xúc năng lượng tích cực cho xã hội. Ý tưởng “Dũng sĩ rừng Sác” đến với tôi rất nhanh. Nói về Cần Giờ, tôi tưởng tượng ra một không gian của rừng Sác, với các chiến sĩ ngâm mình trong nước hàng giờ, chịu đựng cái đói, cái lạnh và sự bao vây của quân thù. Hình ảnh chiến sĩ hy sinh vì bệnh sốt rét trên tay các đồng đội là minh chứng cho sự hy sinh âm thầm, cho đất nước, cho một ngày mai tươi sáng”.
Cùng với giải A dành cho NSƯT Trần Ly Ly, Ban Tổ chức còn trao tặng 2 giải đặc biệt (2 tác phẩm thơ "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ"; "Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ" của Nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez thuộc chuyên ngành Văn học; 10 Giải A; 42 Giải B; 74 Giải C và 99 Giải Khuyến khích được trao thưởng cho các tác giả, nhóm tác giả đã có thành tích xuất sắc trong sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn khen thưởng 42 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020.
Đông đảo tác phẩm dự thi
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản hùng ca bất diệt, là biểu tượng sáng ngời, đẹp đẽ về ý chí, khát vọng đấu tranh của dân tộc Việt Nam để làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sỹ và các tầng lớp nhân dân, góp sức tạo nên động lực tinh thần vô giá, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp nối con đường cách mạng mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn; là niềm tin, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.Tiếp nối mạch nguồn cảm xúc về Bác, như một truyền thống tốt đẹp, kể từ năm 2007 đến nay, cứ 2 năm một lần, Lễ trao giải thưởng được tổ chức để tôn vinh, biểu dương các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài, bằng niềm kính yêu, lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Bác, bằng cảm xúc chân thành từ trái tim và tâm hồn nghệ sỹ, đã có những tác phẩm sáng tác, các hoạt động quảng bá về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.Ban Tổ chức cho biết, sau 2 năm triển khai đã có gần 6 nghìn tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong và nước ngoài, của tác giả là người nước ngoài gửi tham gia Giải thưởng. Nhiều nhất là Hà Nội với gần 700 tác phẩm; Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam gần 600 tác phẩm; Đồng Nai 469 tác phẩm; Bắc Ninh trên 400 tác phẩm; Cà Mau 384 tác phẩm... Đa số các tác phẩm đã bám sát chủ đề Giải thưởng. Một số tác phẩm có quy mô lớn, được đầu tư sáng tác công phu, nhiều thời gian.
Phát động Giải thưởng giai đoạn 2020-2025
Với kết quả của 6 đợt trao giải, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sỹ, nhà báo, các tầng lớp nhân dân ta ở trong và ngoài nước.Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận và biểu dương kết quả to lớn, ý nghĩa nhiều mặt của Giải thưởng, thể hiện tình cảm sâu nặng của các thành phần, giai tầng xã hội đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (1890-2020), tiếp tục phát huy hiệu quả của hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh những năm tới, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát động Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2020-2025.Tại Lễ trao giải thưởng, khán giả đã thưởng thức một số tác phẩm âm nhạc, múa, sân khấu... được trao giải lần này để cùng trân trọng, tôn vinh những tài năng sáng tạo; đồng thời cùng chia sẻ những trăn trở, tìm tòi của các tác giả về phương pháp, phong cách nghệ thuật để nâng cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn, tính thuyết phục, tính quần chúng trong những sáng tác về chủ đề học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thúy Hằng sinh năm 1982. Chị là diễn viên soloist, một biên đạo múa nhiều nhiệt huyết và yêu nghề. Sau khi tốt nghiệp hệ 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam năm 2001, Thúy Hằng trở thành soloist múa tại VNOB. Năm 2017, chị tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội.
Không chỉ tham gia các chương trình của VNOB, Thúy Hằng còn cộng tác làm việc với đoàn múa tại Thụy Điển và Đức. Chị từng tham gia lưu diễn tại Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Châu Phi, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ…
Năm 2013, chị lọt vào TOP 6 chương trình So you think you can dance mùa thứ nhất. Ở các chương trình này của 4 mùa liên tiếp sau đó, Thúy Hằng trở thành biên đạo múa. Bên cạnh đó, Thúy Hằng còn hoạt động với tư cách thành viên Ban giám khảo của chương trình múa “Sắc màu tuổi thơ” và dàn dựng nhiều chương trình và tiết mục cho các chương trình nghệ thuật lớn và VTV.
Tính đến nay, nghệ sĩ múa Thúy Hằng đã có kinh nghiệm giảng dạy môn múa đương đại trên 10 năm và có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi múa đương đại trong nước và quốc tế với các thành tích. Các học trò của chị từng đoạt giải nhất, giải ba Cuộc thi tài năng múa thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 1; Giải 3 Cuộc thi Múa quốc tế Grand Prix tại Taiwan 2018; Giải nhất và nhì Cuộc thi Múa quốc tế Star of Canaan tại Malaysia 2018.
Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Sơn (nghệ danh SơnX) tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc (1986-1990) và hội họa (2002-2007) tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trước khi về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam năm 2018, anh từng công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam (1992-2007), Nhà Hát Tuồng Việt Nam (2007-2012) và Nhà Hát Chèo Hà nội (2012-2017).
Anh từng sáng tác nhạc cho nhiều tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam như vở Khúc Cầu Nguyện (2000) Hạn Hán và Cơn mưa Vol.1 (2011), Hạn Hán và Cơn mưa Vol.2 (2005), Đường Bay (2008), Cơ thể Trắng (2009) của Đạo diễn, biên đạo múa Ea Sola; Cuộc sống trong chiếc hộp (2007) của biên đạo Múa Trần Lyly; Nhạc phim Hạt mưa rơi bao lâu (2003) của Đạo diễn Đoàn Minh Phượng.
Các tác phẩm đã trình hiện tại các Bảo tàng và nhà hát trên thế giới gồm: Bài tập cho Bộ gõ số 1 (1998), Vọng Cổ (2001), Đi ra (2001), Âm Phủ (2002), Trương Chi (2003), Một gương mặt số 2 ( 2004), Bài tập Đỏ ( 2004), Một Gương Mặt số 4 (2009), Vòng tròn đen ( 2011), Rơi Vào Giấc Ngủ (2013), Hoà Bình ( 2014), Sự Tích Đá Chồng (2014), Những Biên Giới Lỏng Lẻo ( 2014), Cổ tích Vỡ (2015), Văn Hoá Âm Thanh Việt Nam Xưa và Nay (2015), Thở Dài (2016), Hai Nàng Nguyệt Cô (2018).
Biên đạo múa Nguyễn Minh Trang sinh năm 1978. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Ballet tại Học viện Múa Việt Nam năm 1998, Huấn luyện múa tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Chị công tác tại Đoàn Vũ kịch Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 1998. Năm 2018, chị chuyển về Phòng nghệ thuật.
Khi còn là diễn viên, chị từng tham gia nhiều vở Ballet như Spartacus, Hồ thiên nga, Kẹp hạt dẻ, La Sylphide, Chopiniana, Romeo và Juliet, Giselle, Gió mùa, Chim lửa, Câu chuyện miền Tây, Mối tình thành cổ, Khoảnh khắc bất tử…Chị còn biểu diễn một số vở múa đương đại như Dấu trừ, Khoảnh khắc…
Hiện tại, chị là biên đạo dàn tập, đã từng là trợ lý đạo diễn vở Ballet nổi tiếng Hồ Thiên Nga năm 2019…
Họa sĩ thiết kế sân khấu Nguyễn Công Hoan sinh năm 1972. Anh tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1997 và công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 1998 đến nay.
Anh tham gia thiết kế sân khấu từ những năm 1992 cùng các họa sĩ sân khấu nổi tiếng như NSND, thầy giáo Bùi Huy Hiếu, NSƯT Trần Mậu, Dân Quốc, NSND Xuân Tùng, NSƯT Đinh Quý Thêm, NSND Nguyễn Hồng, NSƯT Hoàng Song Hào…, Tính đến nay, anh đã thực hiện hơn 200 vở diễn lớn nhỏ phục vụ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp và các Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp. Một số tác phẩm nổi tiếng anh đã tham gia thiết kế, dàn dựng và thực hiện trang trí như vở Opera Lucile của Grétry (1996) ; La Vie Parisienne của Offenbach (1997); vở Ballet Qua mắt Phượng Hoàng Biên đạo Sheron Stock, Micheal Pearce (1997); Roméo and Juliette của Biên Đạo Philippe Cohen(1998), Điệu múa Gió mùa Biên Đạo Philippe Cohen; Chương trình Kỷ niệm 110 năm năm Sinh nhật Bác Tại thành phố Vinh – Nghệ An (2000); vở vũ kịch Chàng YĐăm(2003), Hồn Trương Chi (3/2003); vở Opera Chú Hề cho Hội đồng Anh; vở Ballet Tiên Nữ (La Sylphide), Biên đạo người Pháp Jean Paul Comelin; vở Mùa xuân Thiêng liêng Biên đạo Phạm Minh; vở Ballet Câu chuyện Miền Tây, Âm nhạc: Leonard Bernsteins, Biên đạo Múa Lisa Travis (1/2007); vở Ballet “Giselle”…
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh sinh năm 1984. Anh là nhạc trưởng trẻ tài năng thường xuyên được mời chỉ huy dàn dựng cho nhiều dàn nhạc hàng đầu ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Sinh ra trong một gia đình âm nhạc truyền thống, Đồng Quang Vinh có khả năng diễn tấu thuần thục nhiều loại nhạc cụ dân tộc và từng nhiều lần đại diện cho nước nhà biểu diễn trên nhiều sân khấu quốc tế lớn. Tháng 9/2004 Đồng Quang Vinh được Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Văn hóa thông tin, Thể thao và Du lịch cử đi du học bậc đại học chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại khoa Chỉ huy, Học viện âm nhạc Thượng Hải – Trung Quốc. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học với thành tích cao nhất toàn khóa, anh đã tiếp tục thi đỗ đầu vào bậc Thạc sĩ để tiếp tục học chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc, đồng thời nhận được học bổng toàn phần cao nhất của quỹ Học bổng quốc gia chính phủ Trung Quốc dành cho lưu học sinh ưu tú nhất. Sau 9 năm học tập và làm việc tại Thượng Hải – TQ, tháng 7/2013, Đồng Quang Vinh đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc với thành tích xuất sắc nhất toàn khoá và trở về phục vụ đất nước.
Tại Trung Quốc, từ khi còn đang tu nghiệp cho đến nay, anh vẫn luôn nhận được lời mời cộng tác chỉ huy nhiều dàn nhạc: Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Thượng Hải; Dàn nhạc Giao hưởng thành phố Thượng Hải; Dàn nhạc Giao hưởng Học viện âm nhạc Thượng Hải; Dàn nhạc Dân tộc Thượng Hải; Dàn nhạc Dân tộc nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Triết Giang; Dàn nhạc Dân tộc Hồng Kông v.v… Ngoài ra, anh còn thường xuyên chỉ huy nhiều dàn nhạc học sinh sinh viên tại Thượng Hải tham gia các cuộc thi Concour cấp quốc gia cho các dàn nhạc trẻ Trung Quốc và luôn mang lại các giải nhất cho các dàn nhạc này. Tại Việt Nam, hiện anh đang giữ các vai trò: Chỉ huy dàn nhạc, giảng viên bộ môn Chỉ huy dàn nhạc – khoa Lý Sáng Chỉ – Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam; Chỉ huy/Giám đốc nghệ thuật của Hợp xướng quốc tế Hanoi Voices Giám đốc nghệ thuật/Nghệ sĩ độc tấu của dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới và dàn nhạc tre nứa Nhật Bản Waraku Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tháng 4 năm 2017, Vinh và hai dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới và Waraku (Nhật Bản) của anh được mời nói chuyện và biểu diễn tại Talkshow quốc tế TEDx Tháng 1/2018, Vinh được chính phủ Mỹ chọn là đại diện duy nhất của Đông Nam Á trong số 18 quốc gia từ khắp năm châu tham gia dự án “Promote social change through the arts” thuộc chương trình “International Visitor Leadership Program” (IVLP) được tổ chức tại 5 thành phố lớn của Mỹ trong thời gian 3 tuần.