Tháng: Tháng Mười Hai 2019

VNOB họp tổng kết cuối năm 2019

Ngày 25 tháng 12 vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tổ chức cuộc họp tổng kết các hoạt động của năm 2019, đưa ra phương hướng hoạt động năm 2020, Đại hội công nhân viên chức và Hội nghị Đảng Bộ. Tham dự cuộc họp có đầy đủ cán bộ, nghệ sĩ, viên chức và người lao động của Nhà hát. Các chương trình của Hội nghị đã diễn ra một cách nghiêm túc và có chất lượng cao. Điều đặc biệt nhất trong Hội nghị là những điểm nhấn của năm 2019 và định hướng cho năm 2020.

Dấu ấn 2019

Mở đầu chương trình, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB đã tổng kết các hoạt động, trong đó có cả hoạt động tài chính của năm 2019. Theo đó, Nhà hát đã có một năm nhiều dấu ấn và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu và kế hoạch đề ra. Các sản phẩm của Nhà hát về Vũ kịch, Nhac kịch, giao hưởng cũng như các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các sự kiện văn hóa và phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo đều đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế, thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và bắt đầu từng bước tiếp cận với nhu cầu của đông đảo công chúng.

Đặc biệt, theo NSƯT Trần Ly Ly, có hai dấu mốc quan trọng nhất trong năm 2019 là lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga thành công hơn mong đợi. Phát biểu về việc tổ chức lễ kỷ niệm, NSƯT Trần Ly Ly khẳng định: “60 năm là một mốc son đối với sự phát triển của một nhà hát nói chung và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nói riêng…năm 2019 đòi hỏi trách nhiệm của người lãnh đạo Nhà hát tạo ra một dấu ấn đậm nét, làm nổi bật sự tri ân đối với những người đi trước để toàn bộ những con người của Nhà hát nhìn lại quá khứ và tạo ra dấu ấn của hiện tại và tương lai”. Chính vì vậy, toàn bộ tập thể VNOB đã nỗ lực, với quyết tâm cao nhất, đoàn kết, đồng lòng, xây dựng được những sản phẩm để đời trong nền nghệ thuật hàn lâm Việt Nam cho ngày lễ trọng này. Đó chính là vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, phát biểu tại Hội nghị

Dấu ấn thứ hai chính là việc vở Hồ Thiên Nga đã tạo ra một cú hích lớn trong làng ballet Việt Nam, tạo ra tiếng vang với giới truyền thông nước nhà, khiến công chúng xôn xao với 7 đêm diễn đều cháy vé trước cả tháng. Theo NSƯT Trần Ly Ly: “Thành công này có được là nhờ sự quyết đoán và chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc, sự đồng lòng đoàn kết của toàn bộ tập thể cán bộ, diễn viên, nhân viên của Nhà hát, niềm đam mê với nghề và trên tất cả là niềm tin cháy bỏng vào việc xây dựng lại thương hiệu của Nhà hát”.

Trong năm 2019, VNOB đã xây dựng 23 chương trình nghệ thuật Giao hưởng – Hợp xướng, Vũ kịch và các chương trình nghệ thuật khác, trong đó có 5 chương trình phục vụ chính trị, sự kiện và các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Chương trình “Xuân quê hương”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” “Mùa Thu nhớ Bác”; 3 chương trình phục vụ đối ngoại và giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế như Lễ hội Phật Đản quốc tế VSACK năm 2019, biểu biễn chào mừng Lễ đăng quang Nhà vua Ramax tại Bangkok – Thái Lan, Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc;  3 đợt Liên hoan nghệ thuật biểu diễn ASEAN 2019 tại Hà Lan – Đan Mạch – Thái Lan; đợt 2 tại Hàn Quốc – Thái Lan và đợt 3 tại Nhật Bản. Nhà hát cũng có chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu II. 14 chương trình Opera & Ballet, Giao hưởng – Hợp xướng, Ca Múa Nhạc và các chương trình nghệ thuật khác. Số buổi biểu diễn lên tới con số 55, trong đó có 5 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngày lễ lớn của đất nước; 10 buổi biểu diễn phục vụ đối ngoại, giao lưu và hợp tác quốc tế; 10 buổi biểu diễn phục vụ ngoại tỉnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; 5 buổi biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặt hàng và 20 buổi biểu diễn xã hội hoá các chương trình Giao hưởng – Hợp xướng, Opera & Ballet. Số khán giả đến với các chương trình của Nhà hát trong năm đã lên tới 110.000 lượt, mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng. Đây là một con số chưa lớn, nhưng cho thấy nỗ lực của tập thể nhà hát trong việc đưa nền nghệ thuật hàn lâm tiếp cận với công chúng.

Bên cạnh việc biểu diễn nghệ thuật, hoạt động đối ngoại, đào tạo cũng được chú trọng và mang lại hiệu quả. Nhà hát đã từng bước hội nhập, tìm hiểu về nghệ thuật Flamingo của Tây Ban Nha khi cử 1 chuyên viên đối ngoại tham dự Hội thảo quốc tế tại Madrid, 2 cán bộ tham dự Hội nghị thường kì và bầu lại nhân sự của Ủy ban Múa châu Á tại Hàn Quốc; mời chuyên gia Đức làm workshop về Opera với Đoàn Ca kịch, giao lưu với Đoàn múa Dân gian Cộng hòa LB Nga…

Với những thành tích đã đạt được trong năm 2019 cũng như trong suốt chặng đường, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, các tập thể và cá nhân được Nhà nước, Bộ VHTTDL trao tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen đã có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, 43 cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát được tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 4 tập thể là Đoàn Ca kịch, Đoàn Vũ kịch, Đoàn Nhạc kịch, Phòng HCTH và 12 cán bộ lãnh đạo được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; 4 cá nhân được nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cấp Bộ. Riêng đối với chương trình “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Nhà hát và cá nhân NSƯT Trần Ly Ly cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng.

Để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát triển, Nhà hát cũng tham gia nhiều cuộc thi cũng như cử nhiều nghệ sĩ tham gia các cuộc thi. Trong đó, riêng cuộc thi Tiếng hát Đường 9 Xanh – 2019 tại Quảng Trị, Nhà hát cũng giành được nhiều giải thưởng tập thể và cá nhân. Trong đó có 1 giải xuất sắc toàn đoàn thể loại Opera, Huy chương vàng nhóm 8 cô hát: ( Đào Thị Tố Loan, Trần Thị Trang, Vũ Thị Nga, Phạm Thanh Hà, Phạm Thu Giang, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Quỳnh); Huy chương vàng 8 cô múa: (Phạm Thu Hằng, Nguyễn Thị Cần, Bùi Diễm Quỳnh, Nguyễn Ngọc Hải Ly, Đinh Thị Trà My, Nguyễn Thu Huệ, Ngô Hạnh Dương, Trần lệ Thanh); Huy chương vàng cá nhân: Đào Thị Tố Loan; Huy chương bạc cá nhân: Nguyễn Huy Đức – Nguyễn Minh Tới; Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Bằng khen của Đoàn Nhạc xuất sắc nhất của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu 2019 cũng có Giải nhì nữ Đào Thị Tố Loan; Giải nhì nam Nguyễn Huy Đức; Giải ba: Ngô Hương Diệp và giải khuyến khích Bùi Thị Trang.

Cũng trong năm 2019 này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vinh dự được Nhà nước phong tặng 1 NSND Nguyễn Hồng Phong và 6 NSƯT: Mai Thị Như Quỳnh; Nguyễn Thị Thúy Hằng, Bùi Việt An, Vũ Mạnh Dũng, Trương Hữu Văn, Lê Tuấn Anh. NSƯT Trần Ly Ly được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 Phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Định hướng cho năm 2020

Bước sang năm 2020, khi mà thương hiệu của Nhà hát đã được từng bước khẳng định thì sức ép về thành công cũng sẽ đè nặng hơn nữa. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là VNOB cần làm gì để tiếp tục giữ vững được thương hiệu và khiến công chúng đến với các vở diễn nhiều hơn, đông hơn nữa? Nhưng, với sự quyết tâm của VNOB nói chung và NSƯT Trần Ly Ly nói riêng khi khẳng định: “Nếu chúng ta vẫn tiếp tục đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm, chúng ta sẽ làm được”.

Trong kế hoạch hoạt động của năm 2020, VNOB sẽ tập trung vào một số vấn đề như: Thực hiện kế hoạch đưa vở ballet Hồ Thiên Nga lưu diễn trong nước vào thời gian 6 tháng đầu năm; Tiếp tục xây dựng thương hiệu Nhà hát thông qua các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, gắn với mục tiêu phát triển nhạc giao hưởng, Opera và Ballet, tạo ảnh hưởng lớn với công chúng; Xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các sự kiện văn hóa và đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo; Tích cực tham gia các festival quốc gia và quốc tế ở các nội dung nhạc giao hưởng, Opera, Ballet và các loại hình khác; Xây dựng đội ngũ nghệ sĩ có tài năng, có trình độ chuyên môn cao và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề cũng như với Nhà hát; Tiếp tục thực hiện việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp và hoạt động có hiệu quả; Kiện toàn bộ máy quản lý hành chính của Nhà hát theo mục tiêu mà Chính phủ và Bộ VHTTDL đã đề ra; Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và các hoạt động đối ngoại; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nguồn nhân lực cho tương lai.

Tại Hội nghị, thay mặt cho Đảng Bộ, Ban lãnh đạo VNOB, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã phát động phong trào thi đua trong toàn Nhà hát với tinh thần “Đoàn kết – Đam mê – Trách nhiệm”, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những gì đã làm được trong năm 2019, cùng sự đồng lòng muôn người như một, VNOB chắc chắn sẽ tiếp tục thu hoạch được những mùa bội thu về số lượng khán giả và người ủng hộ cho các sản phẩm nghệ thuật của Nhà hát trong năm 2020.

Tuyết Hoa

VNOB giành 4 giải cá nhân tại cuộc thi Âm nhạc mùa thu 2019

Sau một thời gian dài tạm dừng, đầu tháng 12 vừa qua, Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu đã được khởi động trở lại tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, với sự thay đổi mang tính đột phá về công nghệ giải trí. Các ca sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) cũng có mặt và giành nhiều giải thưởng. Trong đó, ca sĩ Đào Tố Loan và Huy Đức đã xuất sắc đoạt giải Nhì bảng B – Bảng dành cho ca sĩ chuyên nghiệp.

Cuộc thi vẫn có sức thu hút mạnh mẽ khi có tới gần 170 thí sinh trên mọi miền của đất nước cùng về tranh tài và toả sáng tại các bảng dành cho các độ tuổi khác nhau với các chuyên ngành Thanh nhạc, Độc tấu Piano, Violin và Hoà tấu.

Cuộc thi được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng giữa các hoạt động nghệ thuật trong năm, là dịp để các thí sinh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau để nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng dành cho âm nhạc cổ điển.

Nghệ sĩ Tố Loan giành giải Nhì bảng B

 

Với mong muốn cuộc thi sẽ vươn tới một tầm cao hơn, bên cạnh các Giáo sư, Tiến sĩ, các NSND, NSƯT và các giảng viên hàng đầu về dòng nhạc thính phòng cổ điển, Ban Tổ chức đã mời thêm các chuyên gia dầy dạn kinh nghiệm về các bộ môn Violin, Thanh nhạc và Piano đến từ các học viện nghệ thuật hàng đầu tại các nước Hungary, Pháp và Nga cùng tham gia các hội đồng. Đây cũng là cơ hội để các thí sinh, các nghệ sĩ giao lưu, tiếp xúc để học hỏi bổ sung thêm những kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp để tham gia hội nhập sánh vai với bạn bè quốc tế.

Thay mặt Hội đồng giám khảo của 4 bộ môn, NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi đã đánh giá tổng kết về chất lượng cuộc thi. Trước hết, về bộ môn Violin đã có 17 thí sinh đăng ký dự thi, tuy số lượng còn ít nhưng các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao.

Ca sĩ trẻ Bùi Trang lần đầu tham dự đã giành giải Khuyến khích

Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng có phần lấn át dòng nhạc cổ điển, từ đó hát cổ điển thính phòng ít có cơ hội phát triển như trước. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc, phương pháp hát cổ điển vẫn còn được duy trì phát triển, bởi nó là cơ sở khoa học tạo điều kiện cho dòng hát nghiêm túc phát triển vững vàng.

Tại cuộc thi này, các nghệ sĩ của VNOB đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng. Cụ thể: Đào Tố Loan, Huy Đức đoạt giải Nhì, Hương Diệp đạt giải Ba, và Bùi Trang giành giải Khuyến khích. Giải Nhất thuộc về Phạm Khánh Ngọc (Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Quang Tú (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Tuyết Hoa

Nghệ sĩ Nga học múa ở VNOB

Trong khuôn khổ năm Nga tại Việt Nam và năm Việt Nam tại Nga 2019-2020, Đoàn muá dân gian nước cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga đã có mặt tại Việt Nam từ ngày 28/11 đến ngày 5/12 để thực hiện tour lưu diễn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM. Trong chương trình lưu diễn này, đoàn đã dành trọn một buổi sáng để đến Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tham gia một chương trình giao lưu và học các điệu múa dân gian của Việt Nam.

Có mặt tại trụ sở của VNOB từ 9.30 sáng, gần 50 nghệ sỹ trẻ của Đoàn múa dân gian nước cộng hòa Bashkortostan, dưới sự dẫn dắt của Giám đốc Almaz Saiatov, đã được lãnh đạo VNOB đón tiếp một cách chu đáo, với bài phát biểu chào mừng của ông Đỗ Hoàng Phương, Phó Giám đốc Nhà hát. Ông Phương đã nhấn mạnh đến mối quan hệ bền chặt giữa hai nước nói chung, cũng như sự hỗ trợ của Liên bang Nga trong lĩnh vực đào tạo các nghệ sĩ múa của Việt Nam nói riêng. Ông cũng hy vọng các bạn Nga sẽ có buổi trải nghiệm về múa dân gian Việt Nam thú vị và hiệu quả.

Tiếp đó, các nghệ sĩ Nga đã được tham gia tìm hiểu và học 3 điệu múa dân gian của Việt Nam, trong đó có điệu múa ngón tay và múa quạt của người Kinh và 1 điệu múa của người Khơ Mú. Các nghệ sĩ trẻ của Đoàn đã rất thích thú khi được chứng kiến sự mềm mại, đầy chất thơ và khéo léo của những ngón tay trong điệu múa. Bên cạnh đó, đoàn cũng được giới thiệu về nét đẹp văn hóa của người Việt thông qua trang phục và phong cách biểu diễn múa.

Ông Almaz Saitov, Giám đốc Đoàn muá dân gian nước cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga, cho biết: “Chúng tôi rất vui được có mặt ở Việt Nam để tham gia chương trình văn hóa trong khuôn khổ năm chéo giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Tại VNOB, chúng tôi có cơ hội được học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế những điệu múa dân gian của đất nước các bạn. Tôi hy vọng mối quan hệ của hai nước nói chung và hai đoàn nói riêng sẽ ngày càng phát triển”.

Tuyết Hoa

 

 

 

 

 

Hồ Thiên Nga của VNOB: Tiếp tục cơn địa chấn…

Vở ballet Hồ Thiên Nga do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời gian qua đã tạo nên cơn “địa chấn” về nghệ thuật tại Việt Nam với nhiều nguyên nhân. Trong đó, dàn diễn viên trẻ đầy tài năng là một trong những lý do chính để kéo khán giả đến với sàn diễn. Trong khi cặp Thu Huệ – Đàm Hàn Giang xuất hiện trong vai Hoàng tử Siegfried và Công chúa  Odette với sự chín chắn, kỹ năng và bản lĩnh sân khấu thì cặp Thu Hằng – Văn Nam lại thể hiện được sự mong manh như những đám mây, thuần khiết như những viên pha lê, mang hơi thở của những câu chuyện cổ tích.

Thu Hằng là một diễn viên múa tuy không quá trẻ, nhưng được thử sức ở nhiều chuyên ngành múa khác nhau. Nói về cơ duyên đến với múa, Hằng chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, mình ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng một lần được ông nội dẫn đi chơi ở Cung thiếu nhi Hà Nội, mình mải mê ngắm các bạn múa. Về nhà, ông đã nói với bố mẹ cho mình đi học múa. Vậy là, mình bén duyên với múa từ đó và đến nay đã được 22 năm”.

Thu Hằng trong vai nàng Odette của Hồ Thiên Nga

Tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 2011, nhưng mãi đến năm 2016, Thu Hằng mới về đầu quân cho VNOB qua tài thuyết phục của NSƯT Trần Ly Ly. Hằng đã giành được nhiều giải thưởng về múa, trong đó có Huy chương Vàng tại  Liên hoan nghệ thuật 4 nước Đông Dương năm 2014 trong tác phẩm “Hạn hán” và tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng” tại Liên hoan múa quốc tế năm 2017. Cô cũng đóng vai chính trong nhiều tác phẩm múa nổi tiếng như Mối tình thành cổ, Cái chết và cô gái, Bobro, LeBanc…

Nói về vai diễn của mình trong Hồ Thiên Nga, Thu Hằng tâm sự: “Đây là vai diễn đầy thử thách. Nàng Odette tinh khiết như một viên pha lê, trong suốt và mong manh, đau khổ nhưng vẫn luôn tồn tại sự khao khát về một tình yêu mãnh liệt. Với tính cách vai diễn như vậy, muốn lột tả được hết vẻ đẹp trong sáng ấy, người diễn viên phải rũ bỏ được hoàn toàn những góc tối trong con người, khơi gợi và nuôi dưỡng những gì trong sáng và thuần khiết của bản thân khi hóa thân thành nàng thiên nga Odette”.

Văn Nam và Thu Hằng trong một buổi tập Hồ Thiên Nga

“Hoàng tử” của Thu Hằng trong Hồ Thiên Nga là nghệ sĩ trẻ Văn Nam, một hoàng tử đúng nghĩa về ngoại hình. Được mệnh danh là “Nam Tây”, Văn Nam từng giành giải thưởng Diễn viên múa xuất sắc nhất Cuộc thi Liên hoan Múa quốc tế năm 2017. Học tập tại cái nôi của đào tạo ngành múa Việt Nam đúng chuyên ngành Ballet – Đương đại, Văn Nam từng được biết đến qua các vai chính trong Kẹp hạt dẻ, Hồ Thiên Nga, Mùa xuân thiêng liêng, Vườn địa đàng, Người đãng trí, Đèn lồng, Mùa Đom đóm, Gió, Bến bờ, Cái chết và cô gái, Bolero….

Trong vai Hoàng tử Siegfried, không ý lại vào lợi thế về ngoại hình cùng với kỹ năng sân khấu và kinh nghiệm trên sàn diễn Ballet, Văn Nam luôn có tâm thế sẵn sàng học hỏi những thần tượng Ballet trên thế giới đã từng rất thành công trong vai diễn này. Anh chia sẻ: “Tôi luôn dành thời gian xem lại các kỹ thuật trình diễn của những vũ công Ballet nổi tiếng thế giới, đặc biệt là khi được giao vai Hoàng tử Siegfried. Tôi rất thích cách trình diễn đầy ma lực nhưng cũng rất nam tính của diễn viên múa Andris Liepa (Nga). Nhưng tất nhiên, xem là để học, để tìm ra những nét riêng cho bản thân mình khi biểu diễn trên sân khấu. Còn quan trọng nhất của một diễn viên là tạo ra những đặc trưng của riêng mình trong mỗi vai diễn, để công chúng không thể nào quên’.

NSƯT Như Quỳnh trong vai Thiên Nga đen

Là những diễn viên múa hết mình cho sự nghiệp, NSƯT Như Quỳnh, Thu Hằng, Văn Nam, Thu Huệ, Đàm Hàn Giang và nhiều diễn viên khác, đều đang phải đánh đổi nhiều thứ khác trong cuộc sống để gắn bó với nghiệp múa. Được biết, để có được thành công trên sân khấu Hồ Thiên Nga nói riêng và Ballet Việt nói chung, các diễn viên múa đã phải đồ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn diễn mỗi ngày, từ 8h sáng đến 5h chiều, trong suốt 6 tháng trời. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi màn đêm buông xuống, xong hết công việc thường nhật trong gia đình, họ lại “lén lút” xem lại những màn diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng hay học lại những kỹ năng đã tập trong ngày. Thậm chí, họ còn phải bỏ đi những show diễn kiếm thêm chút tiền ngoài trong suốt thời gian tập trung cho Hồ Thiên Nga để có thể tỏa sáng trên sân khấu. Nhọc nhằn là vậy, khổ luyện là thế, nhưng mức lương và cả thù lao diễn cộng thêm bồi dưỡng tập cho một soloist chỉ vài triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mới có thể cho ra mắt một Hồ Thiên Nga với toàn bộ 4 chương và có đầy đủ 2 ekip. Đây được coi là một nỗ lực không mệt mỏi của Ban lãnh đạo và cán bộ, diễn viên của Nhà hát. Nhưng không chỉ dừng lại là đơn vị biểu diễn, VNOB còn đã, đang và sẽ là nơi ươm mầm và phát tiết những tài năng nghệ thuật của Việt Nam để nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với những ekip như Thu Huệ – Đàm Hàn Giang, Thu Hằng – Văn Nam hay những cặp soloist trong tương lai, với sự định hướng đầy sáng suốt của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, “đoàn tàu” VNOB chắc chắn sẽ tiến bước xa hơn với Hồ Thiên Nga nói riêng và các tác phẩm khác nói chung trong năm tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ chế đặc thù cho những tài năng nghệ thuật nói chung và Ballet nói riêng để có được chính sách đào tạo dài hơi, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Điều đó mới có thể giúp cho Ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung có được nguồn nhân lực xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập.

Tuyết Hoa