Ngày 29 tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã đến thăm và làm việc với cán bộ, diễn viên, người lao động Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với mục đích vừa tìm hiểu về thực trạng hoạt động hiện nay, vừa cùng với Ban lãnh đạo Nhà hát tìm cách tháo gỡ để thúc đẩy hoạt động nghệ thuật sau COVID 19.
Đi cùng với Thứ trưởng có NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn và các cán bộ của Bộ VHTTDL và Cục. Tiếp đoàn có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, các phó giám đốc cùng trưởng, phó các phòng, đoàn của Nhà hát. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông muốn tìm hiểu kế hoạch hoạt động của đoàn Nhạc kịch, Ca kịch và Vũ kịch cũng như các giải pháp nhằm tăng lượng khán giả đến với Nhà hát, quảng bá sản phẩm, thành tựu của Nhà hát ra xã hội cũng như mong muốn của VNOB trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Báo cáo thực trạng của VNOB, Giám đốc Trần Ly Ly cho biết: “Song song cùng các chương trình nghệ thuật thử nghiệm như Around the world, Rock Symphony,… VNOB đang nỗ lực hướng đến việc đưa các tác phẩm nghệ thuật kinh điển tiệm cận với công chúng. Hồ Thiên Nga là minh chứng rõ ràng nhất cho mục tiêu này. Sắp tới, VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao như vở Opera Những người khốn khổ nhưng theo phong cách Broadway hay vở ballet Romeo và Juliet. Tuy nhiên, VNOB đang gặp nhiều khó khăn về mặt nguồn nhân lực, khi cả 3 đoàn đều thiếu biên chế. Việc đào tạo diễn viên, đạo diễn, biên đạo cũng có nhiều thách thức do thời gian gần đây, Nhà hát hầu như không có chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn”.
Về phía Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra một số giải pháp ngắn hạn và lâu dài nhằm phần nào tháo gỡ khó khăn cho VNOB nói riêng và các nhà hát nói chung. Một trong những giải pháp tạm thời là Cục đã làm việc với các sân khấu của Nhà hát Lớn, Âu Cơ,…. Để giảm giá thuê địa điểm, giúp các Nhà hát có thể sáng đèn trở lại. Mặt khác, về lâu dài, VNOB nên có một địa điểm biểu diễn riêng để hoạt động hiệu quả hơn. Ông cũng kiến nghị Bộ VHTTDL nên có cơ chế đặc thù trong việc hỗ trợ mời chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, hướng dẫn, cho các nghệ sĩ Ballet, Opera, đào tạo thêm các sinh viên sau khi tốt nghiệp về Nhà hát, đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ ra nước ngoài đào tạo để trong tương lai, Việt Nam có đạo diễn Opera, Broadway… Về phía Nhà hát, ông Vinh cũng cho rằng nên tiến dần đến việc xã hội hóa và tìm kiếm các nguồn thu từ phía khán giả nhiều hơn.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết ông rất thấu hiểu về khó khăn hiện tại của VNOB, đặc biệt khi không có sân khấu riêng, cơ sở vật chất gặp nhiều khó khăn. Thứ trưởng cũng đánh giá cao những gì VNOB làm được trong thời gian qua, đặc biệt là sự kiện vở Ballet Hồ Thiên Nga đã đạt được thành tựu lớn và lọt vào TOP 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019. Tuy nhiên, để đối phó với những khó khăn do dịch COVID 19 gây ra thời gian qua, VNOB cần tính toán đến việc cân đối ngân sách, giảm số lượng, tăng chất lượng chương trình. Bên cạnh đó, VNOB cũng cần hướng đến việc tìm nguồn tài trợ nhờ tăng cường quảng bá sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc xây dựng chương trình chung cho cả 3 đoàn, mỗi đoàn cũng tính đến việc làm riêng các sản phẩm nhỏ như thính phòng, giao hưởng,… Bộ VHTTDL sẵn sàng hỗ trợ trong việc đàm phán giảm giá các địa điểm biểu diễn giúp các nhà hát tiếp tục sáng đèn trở lại. Về công tác đào tạo, Bộ sẽ tính toán việc phối hợp trong thời gian chuyên gia sang giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, có thể tổ chức workshop tại Nhà hát cho diễn viên hoặc đưa các biên đạo, đạo diễn trẻ có nhu cầu đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại nước ngoài.
Ngày 28-5 vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức trao quyết định số 1128/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho NSƯT Trần Ly Ly. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 và thời gian thực hiện nhiệm kỳ là 5 năm.
Phát biểu tại lễ trao quyết định bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đây là lễ công bố quyết định bổ nhiệm đầu tiên kể từ sau khi đại dịch COVID 19. Vì vậy, tôi mong muốn các đồng chí được bổ nhiệm nói riêng và tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Hoạt động văn hóa nghệ thuật nên tưng bừng hơn. Các nhà hát tích cực ra mắt các chương trình mới để sân khấu sáng đèn trở lại. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm và rất mong các đồng chí nỗ lực hơn nữa”.
Thay mặt cho các cán bộ được bổ nhiệm, NSƯT Trần Ly Ly, phát biểu: “Chúng tôi rất xúc động trước sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ dồn hết tâm sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự và lãnh đạo Bộ”.
Cùng với NSƯT Trần Ly Ly, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn trao quyết định cho 5 cán bộ khác của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai và Bảo tàng các dân tộc Việt Nam.
60 năm – một chặng đường nghệ thuật với đầy đủ những cung bậc hỷ – nộ – ái – ố, nhưng cũng rất ấn tượng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, được ghi dấu với những tác phẩm, vở diễn nổi tiếng, từ Đại hợp xướng giao hưởng: Sống mãi cùng Điện Biên, nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Cô Sao, Người tạc tượng, Bên bờ K’rôngpa, vũ kịch Chị Sứ, Phá lao … đến những tác phẩm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu và biểu diễn thành công như: nhạc kịch Phidelio (Bethoven), Ruồi Trâu (Xpadavecxki, Madame Butterfly), Vũ kịch Spactak, Gieselle, Hồ thiên nga… Mỗi bước đi của Nhà hát đều có dấu ấn của lao động nghệ thuật nghiêm túc và sự tận hiến của tập thể lãnh đạo Nhà hát và các nghệ sĩ, diễn viên tài năng. Tạp chí Âm nhạc mời bạn đọc nhìn lại chặng đường đã qua của Nhà hát qua cuộc trò chuyện của chúng tôi với Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).
Xin chào NSƯT Trần Ly Ly! Năm 2019 là một năm đáng nhớ với tập thể nghệ sĩ diễn viên của VNOB?
Được thành lập ngày 6/8/1959, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, VNOB đạt được nhiều thành tích lớn trên các sân khấu trong nước, quốc tế và vinh dự được nhận nhiều Giải thưởng của Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Ngay từ khi thành lập, VNOB luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát Bài ca Kết đoàn ngày 3/9/1960 tại Hà Nội. Với sứ mệnh tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và phát triển nghệ thuật Giao hưởng Hợp xướng, nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) tại Việt Nam, VNOB liên tục phấn đấu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để sáng tạo ra nhiều tác phẩm, nhiều chương trình có giá trị nghệ thuật cao. Trong hành trình 60 thập kỷ qua, Nhà hát đã được tặng: Huân chương Lao động hạng III (1989); Huân chương Lao động hạng II (1999); Huân chương Lao động hạng Nhất (2009); Huân chương Độc lập hạng Ba (2014). Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, Nhà hát vinh dự được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhì và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tập thể nghệ sĩ, diễn viên của VNOB vì những đóng góp xuất sắc của Nhà hát trong suốt 60 năm qua – đó là niềm khích lệ, động viên to lớn để tập thể nghệ sĩ, diễn viên vững bước trên con đường nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm 2019 là bước đột phá trong sáng tạo nghệ thuật của Nhà hát với những vở diễn được ghi nhận, mà NSƯT Trần Ly Ly với vai trò là người định hướng, chỉ đạo nghệ thuật?
Cùng với việc dàn dựng, biểu diễn, tham gia các liên hoan, năm 2019, đánh dấu chặng đường 60 năm hình thành và phát triển (1959 – 2019), VNOB cho ra mắt hai tác phẩm kinh điển: nhạc kịch Người tạc tượng của cố Nhạc sĩ Ðỗ Nhuận và vũ kịch Hồ Thiên Nga của Nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Công diễn lần đầu năm 1971, nhạc kịch Người tạc tượng của cố Nhạc sĩ Ðỗ Nhuận được xem là một trong những vở Opera đầu tiên của Việt Nam. Vở diễn tái hiện giai đoạn lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên tại Buôn Bra trong thập niên 60 của thế kỷ 20, xoay quanh nhân vật trung tâm là Thạch Sơn, một người con Quảng Nam là cán bộ quân giải phóng. Tác phẩm nêu bật ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nơi chiến trường Tây Nguyên. Lấy bối cảnh chiến tranh cách mạng, nhưng Người tạc tượng không quá nhấn mạnh vào những đau thương, mất mát mà lột tả cuộc chiến về lý tưởng giữa các nhân vật ở hai đầu chiến tuyến. Vở diễn gây xúc động mạnh khi khai thác sâu sự lãng mạn của tình yêu, lòng thủy chung trong khói lửa chiến tranh. Bên cạnh vẻ đẹp của các nhân vật chính như Thạch Sơn hay H’Nuôn – con gái già làng, hình tượng những nhân vật phụ cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét, như già làng Tây Nguyên kiên cường và người chiến sĩ Y Giang với lời trăng trối về sống quỳ hay chết đứng…Tất cả làm sáng bừng chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tình đoàn kết dân tộc. Bên cạnh đó, vở nhạc kịch mang đến nhiều thú vị với những màn đồng ca, những dấu ấn đặc trưng trên trang phục thể hiện rõ nét văn hóa Tây Nguyên, sự dàn dựng công phu về sân khấu, decor, những màn múa lớn … tạo cảm xúc và gây hiệu ứng thị giác, đáp ứng thị hiếu của công chúng trong thời đại hiện nay mà không xa rời ý tưởng cốt lõi của tác phẩm. Để có được thành công này chính là sự gắn kết, tập hợp một đội ngũ những người sáng tạo có tầm ảnh hưởng trong nghệ thuật và xã hội như: PGS.TS.Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; Đạo diễn – NSND Trần Lực, Họa sĩ – NSND Hoàng Hà Tùng; Tổng biên đạo NSND Nguyễn Hồng Phong và tôi với vai trò là Tổng chỉ huy và là Quyền Giám đốc của Nhà hát…
Cùng với nhạc kịch Người tạc tượng, việc dựng lại đầy đủ ballet Hồ Thiên Nga, hẳn là một “cuộc chơi lớn” của Nhà hát?
Quyết định “chơi lớn” trước một dấu mốc lịch sử mới, với những đòi hỏi khắt khe về nghệ thuật, chúng tôi mời nghệ sĩ ballet nổi tiếng Lê Ngọc Văn, biên đạo múa của Nhà hát Ballet quốc gia Anh, về nước dàn dựng vở ballet kinh điển Hồ Thiên nga của biên đạo Marius Petipa and Lev Ivanov. Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt Nam chưa thể trình diễn một cách đầy đủ tác phẩm này mà chỉ là những trích đoạn nhỏ lẻ. Đây là lần đầu tiên Hồ Thiên nga được dựng lại với đầy đủ 4 màn và trình diễn một cách đầy đủ tại Việt Nam kể từ năm 1985, dưới sự dàn dựng của chuyên gia Nga. Hồ Thiên nga được VNOB dàn dựng theo phong cách Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, tạo nên nét độc đáo, tạo nên một Hồ Thiên nga của người Việt.
Đây có phải là một quyết định táo bạo của NSƯT Trần ly Ly trước vô vàn những khó khăn cả về nhân lực và vật lực?
Việc dựng vở ballet Hồ Thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công… của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Đó là một bài toán khó khan, bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát với trên 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc và chơi live trong suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng. Đầu tư lớn cho vở diễn vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập nhà hát và cũng là cách Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định quyết tâm đưa ballet kinh điển đến với khán giả, đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Để có được Hồ Thiên nga hoàn thiện hiện hữu trên sân khấu, trái tim tôi vụn vỡ vì cảm kích…Nếu nhạc kịch Người tạc tượng là di sản âm nhạc đỉnh cao của Việt Nam thì vũ kịch Hồ thiên nga là kiệt tác nghệ thuật thế giới được VNOB lựa chọn thực hiện trong dịp này. Xin thay mặt Nhà hát gửi lời tri ân các cộng sự là những Nhạc sĩ, Họa sĩ, Biên đạo Múa, Đạo diễn, Thiết kế Mỹ thuật, Phục trang, Sân khấu… và tập thể các nghệ sĩ, diễn viên đã tận hiến tâm sức, tài năng để Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam khẳng định bước đường đã qua và mở một trang mới trong nghệ thuật.
Khép lại năm cũ, chào Xuân 2010, con số thật đẹp, nghệ sĩ có thể chia sẽ về chặng đường mới của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam?
Năm 2020, cùng với việc dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm mới, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam mong muốn và đã xây dựng kế hoạch mang Người tạc tượng và Hồ Thiên nga đi lưu diễn trong toàn quốc. Đây là cơ hội để công chúng cả nước được hưởng những giá trị nghệ thuật đích thực. Với mục tiêu phát triển, kiến tạo nghệ thuật hàn lâm opera, ballet… VNOB sẽ tiếp tục đầu tư, dàn dựng nhiều hơn nữa những tác phẩm có gía trị nghệ thuật tiệm cận gần hơn với công chúng.
Vở ballet Hồ Thiên Nga do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời gian qua đã tạo nên cơn “địa chấn” về nghệ thuật tại Việt Nam với nhiều nguyên nhân. Trong đó, dàn diễn viên trẻ đầy tài năng là một trong những lý do chính để kéo khán giả đến với sàn diễn. Trong khi cặp Thu Huệ – Đàm Hàn Giang xuất hiện trong vai Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette với sự chín chắn, kỹ năng và bản lĩnh sân khấu thì cặp Thu Hằng – Văn Nam lại thể hiện được sự mong manh như những đám mây, thuần khiết như những viên pha lê, mang hơi thở của những câu chuyện cổ tích.
Thu Hằng là một diễn viên múa tuy không quá trẻ, nhưng được thử sức ở nhiều chuyên ngành múa khác nhau. Nói về cơ duyên đến với múa, Hằng chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, mình ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng một lần được ông nội dẫn đi chơi ở Cung thiếu nhi Hà Nội, mình mải mê ngắm các bạn múa. Về nhà, ông đã nói với bố mẹ cho mình đi học múa. Vậy là, mình bén duyên với múa từ đó và đến nay đã được 22 năm”.
Tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 2011, nhưng mãi đến năm 2016, Thu Hằng mới về đầu quân cho VNOB qua tài thuyết phục của NSƯT Trần Ly Ly. Hằng đã giành được nhiều giải thưởng về múa, trong đó có Huy chương Vàng tại Liên hoan nghệ thuật 4 nước Đông Dương năm 2014 trong tác phẩm “Hạn hán” và tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng” tại Liên hoan múa quốc tế năm 2017. Cô cũng đóng vai chính trong nhiều tác phẩm múa nổi tiếng như Mối tình thành cổ, Cái chết và cô gái, Bobro, LeBanc…
Nói về vai diễn của mình trong Hồ Thiên Nga, Thu Hằng tâm sự: “Đây là vai diễn đầy thử thách. Nàng Odette tinh khiết như một viên pha lê, trong suốt và mong manh, đau khổ nhưng vẫn luôn tồn tại sự khao khát về một tình yêu mãnh liệt. Với tính cách vai diễn như vậy, muốn lột tả được hết vẻ đẹp trong sáng ấy, người diễn viên phải rũ bỏ được hoàn toàn những góc tối trong con người, khơi gợi và nuôi dưỡng những gì trong sáng và thuần khiết của bản thân khi hóa thân thành nàng thiên nga Odette”.
“Hoàng tử” của Thu Hằng trong Hồ Thiên Nga là nghệ sĩ trẻ Văn Nam, một hoàng tử đúng nghĩa về ngoại hình. Được mệnh danh là “Nam Tây”, Văn Nam từng giành giải thưởng Diễn viên múa xuất sắc nhất Cuộc thi Liên hoan Múa quốc tế năm 2017. Học tập tại cái nôi của đào tạo ngành múa Việt Nam đúng chuyên ngành Ballet – Đương đại, Văn Nam từng được biết đến qua các vai chính trong Kẹp hạt dẻ, Hồ Thiên Nga, Mùa xuân thiêng liêng, Vườn địa đàng, Người đãng trí, Đèn lồng, Mùa Đom đóm, Gió, Bến bờ, Cái chết và cô gái, Bolero….
Trong vai Hoàng tử Siegfried, không ý lại vào lợi thế về ngoại hình cùng với kỹ năng sân khấu và kinh nghiệm trên sàn diễn Ballet, Văn Nam luôn có tâm thế sẵn sàng học hỏi những thần tượng Ballet trên thế giới đã từng rất thành công trong vai diễn này. Anh chia sẻ: “Tôi luôn dành thời gian xem lại các kỹ thuật trình diễn của những vũ công Ballet nổi tiếng thế giới, đặc biệt là khi được giao vai Hoàng tử Siegfried. Tôi rất thích cách trình diễn đầy ma lực nhưng cũng rất nam tính của diễn viên múa Andris Liepa (Nga). Nhưng tất nhiên, xem là để học, để tìm ra những nét riêng cho bản thân mình khi biểu diễn trên sân khấu. Còn quan trọng nhất của một diễn viên là tạo ra những đặc trưng của riêng mình trong mỗi vai diễn, để công chúng không thể nào quên’.
Là những diễn viên múa hết mình cho sự nghiệp, NSƯT Như Quỳnh, Thu Hằng, Văn Nam, Thu Huệ, Đàm Hàn Giang và nhiều diễn viên khác, đều đang phải đánh đổi nhiều thứ khác trong cuộc sống để gắn bó với nghiệp múa. Được biết, để có được thành công trên sân khấu Hồ Thiên Nga nói riêng và Ballet Việt nói chung, các diễn viên múa đã phải đồ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn diễn mỗi ngày, từ 8h sáng đến 5h chiều, trong suốt 6 tháng trời. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi màn đêm buông xuống, xong hết công việc thường nhật trong gia đình, họ lại “lén lút” xem lại những màn diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng hay học lại những kỹ năng đã tập trong ngày. Thậm chí, họ còn phải bỏ đi những show diễn kiếm thêm chút tiền ngoài trong suốt thời gian tập trung cho Hồ Thiên Nga để có thể tỏa sáng trên sân khấu. Nhọc nhằn là vậy, khổ luyện là thế, nhưng mức lương và cả thù lao diễn cộng thêm bồi dưỡng tập cho một soloist chỉ vài triệu đồng.
Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mới có thể cho ra mắt một Hồ Thiên Nga với toàn bộ 4 chương và có đầy đủ 2 ekip. Đây được coi là một nỗ lực không mệt mỏi của Ban lãnh đạo và cán bộ, diễn viên của Nhà hát. Nhưng không chỉ dừng lại là đơn vị biểu diễn, VNOB còn đã, đang và sẽ là nơi ươm mầm và phát tiết những tài năng nghệ thuật của Việt Nam để nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với những ekip như Thu Huệ – Đàm Hàn Giang, Thu Hằng – Văn Nam hay những cặp soloist trong tương lai, với sự định hướng đầy sáng suốt của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, “đoàn tàu” VNOB chắc chắn sẽ tiến bước xa hơn với Hồ Thiên Nga nói riêng và các tác phẩm khác nói chung trong năm tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ chế đặc thù cho những tài năng nghệ thuật nói chung và Ballet nói riêng để có được chính sách đào tạo dài hơi, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Điều đó mới có thể giúp cho Ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung có được nguồn nhân lực xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập.
Trong 3 ngày cuối tháng 11 vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tổ chức workshop về Opera cho các nghệ sĩ thuộc đoàn Hát với sự dẫn dắt của đạo diễn nổi tiếng người Đức, Beverly Blankenship.
Lấy bối cảnh thực tế từ vở nhạc kịch nổi tiếng Trường học tình yêu (Cosi fan Tutte) của nhạc sĩ thiên tài Mozart, đạo diễn Beverly Blankenship đã đưa các nghệ sĩ Opera của VNOB xử lý từng trường đoạn. Tập trung chủ yếu vào khả năng sáng tạo của các nghệ sĩ Opera, bà Beverly Blankenship đã hướng dẫn nhiều kỹ năng trình diễn hiện đại, áp dụng các tình huống khác nhau trong cùng một vấn đề. Trong suốt 3 ngày diễn ra workshop, các nghệ sĩ của VNOB đã học hỏi được rất nhiều, đặc biệt là khả năng sáng tạo và tự tin thực hiện vai diễn của mình. NSƯT Nguyễn Mạnh Dũng, Phó trưởng đoàn Hát của VNOB, cho biết: “Đây là cơ hội rất quý cho các nghệ sĩ Opera của Việt Nam nói chung và VNOB nói riêng, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ chưa có cơ hội được tham gia vở nhạc kịch Trường học tình yêu, được trải nghiệm và thử thách bản thân”.
Còn đạo diễn Beverly Blankenship thì rất vui trước thành quả đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nghệ sĩ của VNOB. Bà chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi được quay trở lại Việt Nam để hướng dẫn cho các nghệ sĩ của Nhà hát. Sau những thành công của các vở diễn trước đây, với khả năng và kinh nghiệm, cộng thêm những kỹ năng mới có được tại workshop này, tôi hy vọng VNOB sẽ tiếp tục cho ra mắt khán giả những vở nhạc kịch nổi tiếng trong thời gian tới”.
Là người đưa ra ý tưởng tổ chức workshop này, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, khẳng định “VNOB sẽ tiếp tục sự nghiệp đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và Opera nói riêng tiệm cận ngày càng gần hơn với công chúng. Mà để làm được điều đó, đào tạo kỹ năng và được lắng nghe kinh nghiệm từ các đạo diễn nổi tiếng thế giới là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những workshop như thế này không chỉ ở Opera, mà còn cả ở Ballet và dàn nhạc của VNOB”.
Nhằm tìm hiểu thị trường và đẩy mạnh nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, gần đây, đoàn cán bộ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) do NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị Ủy ban Múa châu Á 2019, tổ chức tại Trung tâm văn hóa châu Á (ACC) – thành phố Gwangju và bước đầu kết nối với các tổ chức quốc tế cũng như các nước trong khu vực và châu lục.
Hội nhập với nghệ thuật múa châu lục
Hội nghị Ủy ban Múa châu Á là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa trong việc kết nối, duy trì và phát triển nghệ thuật Múa của châu lục lên tầm cao mới cũng như tạo sự gắn kết giữa các quốc gia châu Á thông qua môn nghệ thuật này. Những hoạt động này trong tương lai sẽ được phát triển tốt hơn nữa và tạo cơ hội để các nước nâng cao bản sắc văn hóa thông qua nghệ thuật múa, từng bước đưa múa truyền thống giao thoa với múa đương đại để hội nhập vào thế giới.
Hội nghị Ủy ban Múa châu Á (ACC) diễn ra thường niên với khá nhiều hoạt động, trong đó chủ yếu là tổng kết hoạt động của Ủy ban trong năm trước, xem xét về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Điều lệ, trao đổi và thống nhất kế hoạch hoạt động của năm. Tham dự Hội nghị 2019 có 45 đại biểu – đại diện cho các nước Bhutan, Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam và nước chủ nhà Hàn Quốc, Viện Văn hóa châu Á đặt tại Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa châu Á. Ngoài ra, còn có đại diện thành phố Gwangju, phóng viên và đại diện các nghệ sĩ tham gia biểu diễn.
Trong năm 2019, ACC đã thành công trong việc hỗ trợ cho 5 biên đạo đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Philippines trong một dự án mang tên Choreographer Lab. Theo đó, các biên đạo được hỗ trợ ăn, ở, đi lại, người hướng dẫn để biến ý tưởng của mình thành tác phẩm múa đương đại tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc trong thời gian 3 tháng. Toàn bộ 5 tác phẩm đã được trình diễn trong chuỗi sự kiện của Hội nghị lần này.
Về Điều lệ, các thành viên nhất trí sửa đổi một số Điều trong Điều lệ hoạt động của Ủy ban Múa châu Á. Nét sửa đổi đặc biệt nhất tại Hội nghị năm nay là nếu thành viên trong Ủy ban Múa châu Á vắng mặt trong 2 năm liên tục không có lý do thì thành viên đó coi như rút khỏi Ủy ban; ACC sẽ thành lập nhóm Phản ứng nhanh để đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch đạt hiệu quả cao theo đánh giá của các chuyên gia múa châu Á phân tích. Nhiệm kỳ hoạt động của thành viên nhóm này là 2 năm. Nhóm sẽ họp 3 tháng/1 lần. Nhóm sẽ bao gồm nghệ sĩ, các nhà tổ chức festival, các nhà phê bình và đại diện của Viện nghiên cứu văn hóa châu Á.
Trong kế hoạch hoạt động của năm 2020, Ủy ban Múa châu Á đặc biệt chú trọng vào Hội thảo mang tính học thuật về múa châu Á (Asian Dance Symposium), tiếp tục dự án Choreographer Lab và lần đầu tiên giới thiệu các chương trình của Công ty múa châu Á tại châu Âu.
Sự khởi đầu ấn tượng của VNOB
Trong khuôn khổ chương trình, VNOB đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội nghị. Bên cạnh việc được mời chia sẻ kinh nghiệm tổ chức một số sự kiện múa đương đại cùng với Viện Goethe (Đức) và Trung tâm văn hóa Pháp (L’Space), đại diện của Việt Nam đã đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung luật, Điều lệ và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2020.
Nhân dịp này, Đoàn đã gặp và làm việc với Giám đốc nghệ thuật của Công ty Múa châu Á, Chủ tịch ACC, đại diện Singapore, Campuchia… để trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong thời gian tới và dự kiến phối hợp tổ chức một số sự kiện. Đặc biệt là đại diện của Việt Nam được mời tham gia vào Nhóm Phản ứng Nhanh của Ủy ban Múa châu Á.
Cũng trong Hội nghị này, Chủ tịch ACC và Giám đốc nghệ thuật của Công ty Múa châu Á đề xuất việc Việt Nam và Philippines sẽ đăng cai một Festival múa châu Á (Asian Dance Festival) trong tương lai vì nhận thấy hai nước có đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện này.
Chiều 25/9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo về các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát và công diễn hai tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ VH,TT&DL, có chức năng biểu diễn nghệ thuật nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) được thành lập ngày 6/8/1959.
Ngay từ khi thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát Bài ca Kết đoàn ngày 3/9/1960 tại Hà Nội.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn trên các sân khấu trong nước, quốc tế và vinh dự được nhận giải thưởng của Nhà nước với hình thức và mức độ khác nhau, đóng góp tích cực vào việc phát triển sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam một lần nữa được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ tổ chức công diễn hai tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của tác giả – nhạc sĩ Đỗ Nhuận và vở vũ kịch “Hồ thiên nga”.
Đã gần 50 năm trôi qua, kể từ khi công bố lần đầu tiên (2/9/1971), vở “Người tạc tượng” của tác giả – nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới được VNOB phục dựng trở lại và công diễn phục vụ khán giả.
Con trai tác giả – nhạc sĩ Đỗ Nhuận – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ nhận lãnh vai trò chỉ huy, đạo diễn âm nhạc. Đảm nhận vị trí đạo diễn là NSƯT Trần Lực, họa sĩ Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong chịu trách nhiệm đạo diễn múa. Các diễn viên gạo cội NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Trang đảm nhận các vai nặng ký trong “Người tạc tượng” như Thạch Sơn, H’ Nuôn – Con gái già làng Aêpông,…
Nội dung xuyên suốt của “Người tạc tượng” chủ yếu nói về tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào sự mất mát của con người hay khốc liệt trong cuộc chiến.
Nếu như “Người tạc tượng” là tác phẩm đỉnh cao của Việt Nam thì “Hồ thiên nga” lại là một trong những kiệt tác nghệ thuật thế giới. Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ “Hồ thiên nga” mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc mời đoàn Ballet Nga sang trình diễn.
Với phiên bản Việt, “Hồ thiên nga” vẫn được dựng theo trường phái Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn, tạo nên nét độc đáo riêng.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, sẽ có hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát và Học viện Múa Việt Nam cùng đóng góp tâm huyết, tình yêu nghệ thuật cho vũ kịch này. Đặc biệt, với sự hợp tác của nhóm thiết kế EllieVu, phục trang sẽ đem đến cho “Hồ thiên nga” vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng gia Nga cùng sự bí ẩn đầy ma thuật của họa tiết hoa sen Việt.
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ: “Việc dựng vở Hồ thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ thiên nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng gần 100 diễn viên múa. Thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng”.
Theo kế hoạch, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sẽ được biểu diễn vào tối 5 và 10 /10 và vũ kịch “Hồ thiên nga” sẽ được biểu diễn vào tối 7, 12 và 13/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Có mặt gần 140 năm qua, vở Ballet Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky vẫn được coi là “Ballet của những vở Ballet”. Từ những ngày đầu trình diễn tại Mariinsky ở St. Peterburg (Nga) cho đến nay, Hồ Thiên Nga đã được diễn lại với nhiều phiên bản khác nhau. Tại Việt Nam, Hồ Thiên Nga lần đầu tiên được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời kỳ những năm 1980, dưới sự hỗ trợ toàn phần của các chuyên gia đến từ Liên bang Xô Viết (cũ). Từ đó đến nay, cho dù xã hội có nhiều biến chuyển, nhưng Việt Nam mới chỉ có thể biểu diễn được một số trích đoạn của vở Ballet này. Năm 2019, VNOB đã tạo nên một bước đột phá lớn nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát. Đó là dựng lại hoàn toàn vở Ballet Hồ Thiên Nga với đầy đủ 4 màn được sản xuất theo phiên bản Việt.
Hồ Thiên Nga và hành trình hơn trăm năm…
Tính đến thời điểm hiện nay, vở Ballet Hồ Thiên Nga có thể coi là tác phẩm được trình diễn nhiều nhất trong lịch sử. Đến nỗi, tạp chí Dance Gazette đã đặt cho 6 vị giám đốc nghệ thuật của những nhà hát Ballet nổi tiếng nhất thế giới một câu hỏi rằng: Hồ thiên nga đã có thể nghỉ ngơi một thời gian được chưa?
Trong lịch sử gần 140 năm tồn tại, Hồ Thiên Nga được hiểu và trình diễn theo nhiều trường phái, với tổng phổ và bối cảnh rất khác nhau, nhưng trường phái của Moskva được coi là “thể hiện đúng tinh thần và triết lý Tchaikovsky nhất”. Vở Ballete Hồ thiên nga được công diễn lần đầu tiên vào năm 1877, tại nhà hát Bolshoi (Nga). Tác phẩm Ballet kinh điển này được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của nhạc sĩ thiên tài người Nga Tchaikovsky. Hồ thiên nga được Tchaikovsky sáng tác dựa trên truyền thuyết của Đức về một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Đó là câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa nàng Odette và chàng hoàng tử Siegfried. Công chúa Odette bị phù thủy Von Rothbart biến thành thiên nga với lời nguyền rằng khi nào gặp được chàng trai chưa yêu ai bao giờ đem lòng yêu thương thì Odette mới được trở lại thành người. Và rồi nàng đã gặp và yêu chàng hoàng tử Siegfried với lời thề sẽ yêu nàng chung thủy để giải thoát lời nguyền. Nhưng trong một bữa tiệc, phù thủy Von Rothbart đã dùng phép thuật để biến Odile, con gái của mình trở thành người có ngoại hình giống Odette khiến cho chàng hoàng tử nhầm tưởng đó là người chàng yêu và mong muốn được cưới Odile. Khi biết sự thật, hoàng tử đã cầu xin Odette tha thứ và quyên sinh cùng nàng, cái chết của hai người đã hóa giải lời nguyền, phù thủy Von Rothbart mất hết phép thuật và chết, còn những người bạn của công chúa đều được trở lại thành người…
… Đến sự đổi mới của người Việt
Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ Hồ Thiên Nga mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc đưa đoàn Ballet Nga về trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với Ballet Việt ưu tư, lo lắng và tìm mọi cách dựng lại tác phẩm tuyệt hảo này. Kể từ khi về nắm quyền lãnh đạo VNOB 93-2018), NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát đã nung nấu ý định đưa toàn bộ Hồ Thiên Nga lên sân khấu Việt. Chị chia sẻ: “Việc dựng vở Ballet Hồ Thiên Ngaphiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên Nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng’.
Sự đột phá đầu tiên mà Hồ Thiên Nga của VNOB chính là biên đạo múa. Nếu như trước kia, Hồ Thiên Nga hoàn toàn nằm dưới sự dàn dựng của các biên đạo người nước ngoài, trong đó chủ yếu là các chuyên gia Nga, thì biên đạo múa Hồ Thiên Nga 2019 là người Việt 100% nhưng có thời gian dài biểu diễn trên các sân khấu nước ngoài. Đó chính là nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, Hiện tại, anh đang là diễn viên múa hạng nhất (first artist) kiêm biên đạo múa của Nhà hát Hoàng gia Anh. Chia sẻ về Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, anh cho biết: “Hồ Thiên Nga của VNOB sẽ được dàn dựng theo trường phái Nga, nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, đạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên Nga của người Việt”.
Đi cùng với những mong muốn của Lê Ngọc Văn, ekip thiết kế EllieVu cũng đã cố gắng sáng tạo những nét độc đáo nhất trong trang phục của Hồ Thiên Nga phiên bản Việt. Chị Anh Triệu, CEO EllieVu, nhà thiết kế và tài trợ trang phục cho vở diễn, cho biết: “Trang phục của Hồ Thiên Nga 2019 chính là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Hồ Thiên Nga là vở Ballet kinh điển, trong đó sự hòa quyện giữa trang phục và kết cấu của vở diễn rất chặt chẽ. Vì vậy, form trang phục hầu hết được giữ nguyên. Nhưng nét độc đáo lại chính là điểm nhấn của họa tiết. Trong đó, đặc biệt nhất là họa tiết trên trang phục được lấy cảm hứng từ bông hoa sen trạm trổ trên đình làng xưa, được cách tân mang phong cách Baroque. Ê kíp của chúng tôi, dưới sự dẫn dắt của thầy Vũ Chí Công – trưởng khoa thiết kế thời trang trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp, đã làm việc nhiều tháng nay để có thể kịp cho ra mắt gần 100 bộ trang phục của Hồ Thiên Nga”.
Không chỉ dừng lại ở sự độc đáo của Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB và trang phục của ElliVu, NSƯT, họa sĩ sân khấu Hoàng Hà Tùng, cũng đang phác họa những điểm nhấn mới trên sân khấu cho vở diễn. Ông cho biết: “khi được NSƯT Trần Ly Ly mời thiết kế sân khấu cho Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, tôi đã nghĩ nhiều đến một sân khấu mang tính ước lệ, có nét tráng lệ của thời kỳ phục hưng Italia, sự quý phái của kiến trúc Nga và sự bí ấn của phương Đông. Sân khấu Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB sẽ thể hiện được sự ước lệ về mặt tinh thần, gợi cho khán giả những cảm nhận mới về không gian của một vở Ballet Nga mà Việt”.
Còn rất nhiều nét mới tạo nên một Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 mà chỉ có thể tận mắt chứng kiến, người xem mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, nét sang và cả nỗi đau đớn giằng xé trong tâm hồn giữa cái thiện và cái ác. Nhưng không thể không nói đến sự độc đáo trong giá vé. Nếu như cách đây 2 năm, khi Hồ Thiên Nga được Nhà hát Talarium et Lux (Nga) trình diễn tại Việt Nam với giá vé ngất ngưởng (gần 10 triệu đồng/cặp) trong khi âm nhạc lại được thu âm và phát lại, thì Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB được trình diễn với dàn nhạc chơi live hoàn toàn với giá vé chỉ bằng 1/5 so với mức trên. Nói về vấn đề này, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “ VNOB xây dựng Hồ Thiên Nga phiên bản Việt không phải để so sánh với các phiên bản khác, mà là nhằm đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Các nghệ sĩ của VNOB tin rằng với sự dẫn dắt của biên đạo Việt, sự hòa quyện và ăn ý của dàn nhạc cũng như các vũ công, VNOB sẽ cống hiến cho khán giả một vở diễn thăng hoa của cảm xúc. Chúng tôi không tính toán đến giá vé cho dù kinh phí cho vở diễn là khủng khiếp. Chúng tôi chỉ muốn khán giả đều có cơ hội thưởng thức tác phẩm kinh điển này và có thể tự hào rằng các nghệ sĩ Việt hoàn toàn có thể làm nên một Hồ Thiên Nga thành công”.
(Chinhphu.vn) – Nghệ thuật hàn lâm với nhạc giao hưởng, hợp xướng và múa ballet nhận được nhiều sự quan tâm của Bác Hồ ngay từ ngày đầu thành lập.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tập hợp mọi lực lượng, mọi người yêu nước, tiến bộ dưới ngọn cờ của Đảng, của dân tộc, trong đó Người dành nhiều tình cảm và rất quan tâm đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta.
Trong số các môn nghệ thuật, ballet được Bác Hồ quan tâm từ những ngày đầu mới được đưa về Việt Nam.
Năm 1959, ballet được dạy trong Trường Điện ảnh cùng với các môn khác như diễn viên, đạo diễn… Ngày 10/2/1960, Bác bất ngờ đến thăm trường (lúc đó đặt tại số 7 Trần Phú, Hà Nội). Cùng với việc hỏi thăm tình hình học tập của các học viên, Bác Hồ đã dừng lại giữa nhóm tập ballet. Bác hỏi thăm tình hình học tập của các học viên, nhắc nhở và động viên các cháu học tập tốt hơn.
Bác còn hướng dẫn các học viên nói năng sao cho dễ hiểu như khi một học viên trả lời Bác là “tập vũ”, Bác đã sửa lại là “múa”, hay nên dùng các chữ “tiểu phẩm” hay “trích đoạn” để công chúng hiểu dễ hơn.
Bác luôn đề cao vai trò, thể hiện trân trọng và động viên đội ngũ làm nghệ thuật đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác thường nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chính sự quan tâm sâu sắc đó đã dẫn dắt đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đem trí tuệ, tài năng và nhiệt tình cống hiến cho đất nước, dân tộc.
Không chỉ quan tâm đến các diễn viên múa ballet, Người cũng dành nhiều tình cảm cho các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng.
Nhớ lại đêm diễn ngày 3/9/1960 tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) trong chương trình kỷ niệm Đảng Lao động Việt Nam, Nhạc sĩ Phú Ân kể lại: “Lúc đó, Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) (lúc đó được gọi là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) có 114 thành viên, cùng với dàn hợp xướng quốc gia 120 người, cùng với mấy trăm học sinh của Hà Nội, Thành Đoàn, trường Hoa kiều đang biểu diễn.
Bác Hồ bất ngờ xuất hiện trong bộ quần nâu, áo lụa trắng, dép cao su. Bác đề nghị dàn nhạc chuẩn bị bài Kết đoàn. Mọi người xúc động, sung sướng ngỡ ngàng, cùng hát vang bài ca trong giây phút ý nghĩa lắng đọng. Theo nguyện vọng của mọi người, Bác đứng lên bục chỉ huy, cầm đũa bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Và bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn là biểu tượng đẹp trường tồn về hình ảnh một vị lãnh tụ bình dị, trân trọng tình yêu nghệ thuật.
Chế độ đặc biệt thời kỳ khó khăn
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã dành sự quan tâm đặc biệt không những về tinh thần mà cả vật chất cho các nghệ sĩ, những người làm văn hóa, nghệ thuật.
Không chỉ là người lãnh đạo, dẫn dắt, đưa đường, chỉ lối, đặt nền móng cho nền văn hóa, văn nghệ Cách mạng Việt Nam, Bác còn quan tâm đến từng bữa ăn cho các văn nghệ sĩ.
Ngày Bác Hồ về thăm khu Văn công Cầu Giấy, lúc đó là trụ sở của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (tiền thân của VNOB), mọi người đều hứng khởi. Các nghệ sĩ kể lại rằng, buổi sáng hôm ấy vừa tập xong với chuyên gia Triều Tiên, đang nghỉ ngơi, nghe tiếng reo hò ầm ngoài ngõ “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”. Nhiều người khóc vì được nhìn thấy Bác.
Bác nói chuyện ân cần, hỏi thăm từng nghệ sĩ. Người nói rằng rất vui mừng vì nước Việt Nam có dàn nhạc.
Biết các nghệ sĩ tập luyện nhiều vất vả, Bác quyết định thưởng thêm 15 ngày phép và yêu cầu thực hiện tiêu chuẩn cho các anh chị em làm công tác nghệ thuật được hưởng chế độ đặc biệt: Một cân đường, bốn hộp sữa, cân bánh, cân kẹo, mười quả trứng, một lít nước mắm/xì dầu, 1 cân cá, mười bìa đậu phụ…
Thành công lại nhớ đến Người
Trong suốt thời gian 60 năm thành lập và phát triển, những chỉ thị, lời dạy của Bác về văn hóa, văn nghệ vẫn luôn là những bài học lớn đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).
Từ lúc mới chỉ là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với vỏn vẹn vài chục người, đến nay, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã trưởng thành với 3 đoàn lớn bao gồm Đoàn Hát, Đoàn Nhạc kịch và Đoàn Múa với gần 200 diễn viên và nghệ sĩ.
Lời dạy của Bác Hồ đã được đúc kết và trở thành kim chỉ nam cho sự tiến bước của Nhà hát. Chính vì vậy, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau, liên tục bị thách thức bởi kinh phí xây dựng tác phẩm hạn chế, và đồng lương cho nghệ sỹ không đủ sống, thì phẩm chất xuyên suốt của những con người gắn bó với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) vẫn là đam mê được làm nghệ thuật, được phát triển nghề nghiệp một cách nghiêm túc, với niềm tin mãnh liệt về sứ mệnh đem lại sự đổi thay tươi đẹp.
NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Mục đích của nghệ thuật là đem lại liều thuốc cho tâm hồn con người đẹp hơn, trong sáng thánh thiện hơn, khai mở trí huệ của con người. Chính vì vậy, có tình yêu thương mới làm nghệ thuật được, chứ còn chỉ vì trách nhiệm thì không làm được”.
50 năm trôi qua, thực hiện Di chúc của Người, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vẫn không ngừng phấn đấu, phát triển và từng bước đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng Việt.
Ngay từ thời kỳ đầu, Dàn nhạc Giao hưởng và Dàn Hợp xướng đã xây dựng nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)… đặc biệt vở nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận là nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được dàn dựng công phu, thu hút sự quan tâm của công chúng.
Tiếp đó là các vở nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Evghehi Oneghin, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng và các vở vũ kịch Chị Sứ, Phá lao của nhiều tác giả âm nhạc và biên đạo múa người Việt đã tạo tiếng vang.
Những năm tháng chiến tranh, các đoàn nghệ thuật xung kích, các nghệ sĩ, cán bộ của nhà hát đã không quản gian khổ hy sinh, mang nghệ thuật đến với đồng bào chiến sĩ ở tuyến lửa Vĩnh Linh hoặc đi dọc đường Trường Sơn.
Nhiều nghệ sĩ của nhà hát đã được trao tặng huân chương và nhiều danh hiệu cao quý như các nghệ sĩ chỉ huy Dương Quang Thiện, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Quý, Đỗ Dũng, Trọng Bằng, Nguyễn Hải, đạo diễn Võ Bài, họa sĩ Trần Mậu, biên đạo múa Thái Ly, Đoàn Long, Hồng Linh, các ca sĩ Quốc Hương, Tân Nhân, Quý Dương, Quang Hưng, Trung Kiên, Vũ Dậu, Anh Đào, Thúy Hà, Kim Định, Bích Liên, Tâm Trừng…
Sau này, nhiều vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển được chuyên gia bạn sang dàn dựng thành công như kịch múa Spartacus, Giselle, Hồ thiên nga, Chàng du đãng và cô tiểu thư, Faust, Madam Butterfly… Những tác phẩm này đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Kim Quy, Kiều Ngân, Thế Dũng, Lê Vân, Lê An, Thúy Hạnh, Văn Hải, Anh Quân, Minh Thông, Hoàng Hoa, Gia Hội, Gia Khánh…
Những vở kịch có sức hấp dẫn như Tiếng hát Trương Chi, Vợ chồng A Phủ (NSND Đoàn Long), Huyền thoại mẹ (Nguyễn Công Nhạc), Huyền tích Trường Sơn (Bằng Thịnh)… đã xuất hiện trong giai đoạn nhà hát đã chính thức đổi tên thành Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (1985).
Nhiều biên đạo, chỉ huy, nghệ sĩ nước ngoài đã đến làm việc với nhà hát. Sự hợp tác này làm phong phú hơn các chương trình nghệ thuật, nâng cao trình độ biểu diễn cho tập thể nhà hát. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời, tiêu biểu: Em người phụ nữ Việt Nam, Qua miền đất lạ, Mắt phượng hoàng, Cuộc sống Paris, Trường học Tình yêu, Giấc mơ và hiện thực…
Không chỉ thành công với nghệ thuật cổ điển bác học, hòa nhập và bắt kịp bước với trào lưu nghệ thuật múa đương đại thế giới, nhà hát là một trong những cái nôi tiếp nhận và phát triển múa hiện đại ở Việt Nam.
Nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã được cử đi học tập tại Australia, Pháp, Thụy Điển, Mỹ… Họ đã góp phần tạo cho múa hiện đại đến gần với công chúng trẻ. Một số tác phẩm múa đương đại đã tỏa sáng văn hóa Việt Nam như Hồn Trương Chi, Nguồn sáng, Trường tương tư, Mùa đom đóm…
60 năm thành lập và phát triển, lớp lớp nghệ sĩ đã nối tiếp truyền thống, cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật bằng tất cả tâm, trí, lực. Đã có nhiều nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú xuất hiện ở đây. Đã có tới 3 Huân chương Lao động, thứ tự qua từng thời kỳ, bắt đầu từ hạng Ba (1990), hạng Nhì (1999) và hạng Nhất (2009) và tiếp tục nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014 của Nhà nước tặng cho tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).
Tối 25/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 -2/9/2019). Chương trình do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện.
Đến dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Tham dự chương trình còn có các ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Chương trình dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của PGS – TS Tạ Quang Đông; kịch bản văn học: nhà văn Nguyễn Quang Vinh; Tổng đạo diễn: NSND Quang Vinh; viết lời bình: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ…
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã đóng góp một phần công sức trong toàn bộ chương trình, trong đó, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, đảm nhiệm vị trí Tổng biên đạo kiêm Đạo diễn sân khấu, chịu trách nhiệm kết nối toàn bộ phần múa, hát, cải lương và kịch thành một tổng thể xuyên suốt. Bên cạnh đó, các NSND Nguyễn Hồng Phong cùng đoàn múa, kết hợp cùng với các đơn vị liên quan, hoàn thành 17 màn múa trong chương trình kéo dài gần 2 tiếng.
Chương trình gồm 3 phần: “Người đi tìm hình của nước”; “Trở về”; và “Người là niềm tin tất thắng”. Chương trình gồm 3 phần: “Người đi tìm hình của nước”; “Trở về”; và “Người là niềm tin tất thắng”. Ca khúc chủ đề của chương trình “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” là một sáng tác rất nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003). Ông viết ca khúc này vào năm 1989 dựa trên câu chuyện do ông Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác Hồ kể lại những giây phút cuối đời của Người với những tình tiết xúc động.
Phần đầu mang tên “Người đi tìm hình của nước” gồm rất nhiều hoạt cảnh, trong đó có hoạt cảnh thơ nhạc “Hồn nước”, hoạt cảnh ca kịch “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ”, hát múa “Bác Hồ có một chuyến đi”, ca cảnh cải lương “Lời người ra đi”, hoạt cảnh thơ, hát, múa “Dấu chân phía trước”, “Những mùa đông trắng”… Phần này thể hiện giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt đầu với hành trình bôn ba khắp các châu lục tìm con đường cứu nước…
Phần hai có chủ đề “Trở về” gồm 11 tiết mục ca múa, liên khúc, hoạt cảnh dựng lại giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để giành chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Trong phần “Trở về”, các nghệ sỹ trình diễn liên khúc hát múa “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó – Suối Lê Nin”, hoạt cảnh “Mười chín Tháng Tám – Lãnh tụ ca”, hoạt cảnh hát múa “Du kích Sông Thao – Giải phóng Điện Biên”, các bài hát “Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân đại thắng”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Người về thăm quê”…
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người viết kịch bản văn học cho chương trình, chia sẻ với báo chí, “đề tài về Bác luôn thúc gọi và tạo nhiều cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ. Chúng tôi làm chương trình này với một ê kíp hùng hậu, những nghệ sĩ tên tuổi, bằng toàn bộ tấm lòng và tâm huyết cùng gắn kết bên nhau để xây dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc nhất”.