Tag: Ngoại giao văn hóa

VNOB tham dự Tọa đàm về ngoại giao văn hóa

Nhận lời mời của Bộ Ngoại Giao nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2001, ngày 11-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đã tham dự cuộc tọa đàm “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong công tác ngoại giao văn hóa”.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự có nhiều đại biểu hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, tôn giáo, điện ảnh, lịch sử, văn học nghệ thuật, hội họa mỹ thuật, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, du lịch…Đặc biệt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam góp mặt 3 đại biểu là NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và nhà báo Nguyễn Tuyết Hoa, phó phòng Tổ chức biểu diễn, phụ trách PR và Marketing.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm

 

 

 

 

 

 

Mở đầu cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng, hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú có vai trò quan trọng trong nền ngoại giao mỗi quốc gia. Vì vậy, theo Thứ trưởng, thông qua ngoại giao văn hóa, thông tin, hình ảnh về đất nước, văn hóa, lịch sử, con người, chính sách của Việt Nam được quảng bá, phổ biến và lan tỏa rộng rãi, giúp nhân dân thế giới hiểu biết, thiện cảm, yêu mến…

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã và đang góp phần xóa mờ đi hình ảnh một Việt Nam nghèo đói, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá để thay bằng hình ảnh đất nước hiện đại nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, cởi mở, thân thiện, thủy chung với bạn bè, tôn trọng đối tác, trách nhiệm với công việc chung của thế giới.

 

Trong những năm qua, công tác ngoại giao văn hóa đã được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, ngoại giao văn hóa được xác định là một trụ cột, cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Thời gian tới, trước bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ngoại giao văn hóa cần tiếp tục tập trung phát huy gắn kết với nhiệm vụ lớn, đóng góp cho môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững; quảng bá hình ảnh Việt Nam; bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước; đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Chính vì vậy, việc tổ chức tọa đàm là dịp để những người làm văn hóa ở các lĩnh vực văn hóa khác nhau chia sẻ những ý kiến, đánh giá về công tác ngoại giao văn hóa hiện nay nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa của Việt Nam giúp nâng cao hình ảnh quốc gia.

Tại cuộc tọa đàm, nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về văn hóa đã chia sẻ những đánh giá chung về các giá trị văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, cũng như nêu một số những khó khăn trong việc phổ biến các giá trị, tác phẩm ra công chúng thế giới. Đồng thời, các đại biểu cũng đã nêu một số những kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm giúp giới nghị sĩ, những người làm về văn hóa quảng bá được hình ảnh tươi đẹp của Việt Nam ra thế giới.

Trên cương vị là người đứng đầu nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã chia sẻ thực trạng về các chương trình đối ngoại văn hóa của Việt Nam hiện nay. Bà cho biết: “Hiện nay, chúng ta chưa cho nghệ thuật biểu diễn là một kênh, một tiềm năng, niềm tự hào Việt Nam để làm công tác ngoại giao văn hóa… Vì vậy, chúng ta cần những chương trình nghệ thuật thật sự có chất lượng, đươc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng cả về yếu tố lịch sử lẫn nghệ thuật. Chúng ta cần những chương trình nghệ thuật được đặt hàng với chất lượng cao, để bạn bè quốc tế thông qua đó, phải ngước nhìn”./.

Tuyết Hoa