Tag: nghệ thuật biểu diễn

Gỡ khó cho các Nhà hát sau dịch bệnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần một chiến lược lâu dài để phát triển

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc của các Nhà hát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các giải pháp sắp tới.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch Tài chính và các Cục, Vụ liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Nhà hát đã báo cáo với Thứ trưởng về tình hình hoạt động trong quý I. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động do các chương trình hoạt động nghệ thuật đều bị hoãn, hủy. Nhiều nhà hát đã không có nguồn thu.

Đơn cử như Rạp Xiếc Trung ương, nếu quý I năm 2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt trên 2,4 tỷ đồng. Trong khi năm nay, nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai đã lỗ vài trăm triệu do công vận chuyển dụng cụ biểu diễn, thuê bến bãi… Chế độ lương thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và tập luyện để không bị xơ, cứng cơ thể…

Đại diện lãnh đạo các nhà hát cũng cho biết, các nghệ sĩ, diễn viên hầu như chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương.

Nhiều Nhà hát, đặc biệt là nhà hát nghệ thuật truyền thống bày tỏ lo lắng, trong thời gian qua, việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghề đã khó khăn thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc giữ các nghệ sĩ gắn bó với nghề càng khó khăn hơn gấp bội. Đại diện các nhà hát cũng đề xuất một số giải pháp và mong muốn Lãnh đạo Bộ VHTTDL có cơ chế hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ với những khó khăn của các Nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Thời điểm đầu năm mới là cơ hội để các Nhà hát biểu diễn phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu nhất trong năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà bị ảnh hưởng lớn. Thứ trưởng đánh giá cao việc nhiều Nhà hát đã chủ động cùng cả nước chống dịch và dù thiệt hại rất nặng nề vẫn có sự âm thầm vượt khó.

Thứ trưởng cho rằng, Lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề mà các Nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có chủ trương hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu phương thức xây dựng Nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các Nhà hát chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn./.

(bvhttdl.gov.vn)

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn mới: Thông thoáng, nhưng sẽ chặt chẽ hơn

Nhiều quy định đã được sửa đổi thông thoáng hơn trong dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng.

Thông tin cho báo chí về dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng, chiều 12/2, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều quy định được cởi mở, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, Nghị định cũng sẽ chặt chẽ hơn và giao quyền về địa phương quản lý.

Bỏ cấp phép ca khúc

Theo ông Nguyễn Quang Vinh- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định về Hoạt động biểu diễn (sau đây gọi tắt là Nghị định) trên cơ sở các Nghị định 79, 15 trước đây. Những vấn đề trong quá trình quản lý còn bất cập sẽ được sửa đổi, mục đích của Nghị định là giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và các thành viên khác trong xã hội khi tham gia hoạt động Nghệ thuật biểu diễn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Nghị định mới không chỉ quan tâm các điều kiện về cấp phép biểu diễn, cấp phép thi hoa hậu… mà một phần quan trọng là xây dựng chính sách cho nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh mở cửa thị trường.

Một vấn đề được quan tâm trong dự thảo Nghị định lần này là cấp phép các ca khúc trước năm 1975. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân thì sẽ bị cấm.

“Trước đây quy định cấp phép ca khúc trước 1975, tuy nhiên, hiện giờ không còn phù hợp. Cục NTBD cũng băn khoăn giữa việc lựa chọn danh mục công bố các ca khúc được phép, nhưng trên thực tế không làm được. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định, các đơn vị quản lý nhà nước căn cứ vào quy định này, tác phẩm không chỉ bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, nội dung xấu thì không được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. Giám sát sẽ là các địa phương, tăng cường quyền cho địa phương. Cục NTBD không trực tiếp quản lý, các Sở địa phương cấp phép và quản lý. Cục NTBD chỉ giám sát” – Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Trước băn khoăn về năng lực của cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương chưa đồng bộ, có thể chưa chặt chẽ trong cấp phép biểu diễn ca khúc, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, cán bộ văn hóa đủ trình độ để biết bài hát có chống lại lợi ích đất nước, có bôi nhọ tổ chức, cá nhân hay không.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng chế tài xử phạt như rút phép biểu diễn đối với công ty, tổ chức vi phạm.

“Cởi mở” quy định về thi hoa hậu

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, quy định về các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong Dự thảo Nghị định cũng “thông thoáng” hơn.

“Thực tế hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh về các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật. Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước, là các hoạt động xã hội hóa, vì vậy, theo tôi, không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để điều hành, quản lý”- Quyền Cục trưởng Cục NTBD nhấn mạnh.

Với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định theo hướng khoanh vùng các cuộc thi, Cục chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Đối với các cuộc thi do các đơn vị tổ chức, công ty tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó cấp phép quản lý.

Dự thảo nghị định mới cũng sẽ bỏ cấp phép cho các người đẹp đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Theo Nghị định 79 đang có hiệu lực, top 3 các người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi các cuộc thi người đẹp ở nước ngoài. Theo Dự thảo Nghị định mới, tất cả các cá nhân có đủ điều kiện theo yêu cầu của cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà thí sinh muốn dự thi đều được cấp phép tham gia. Giấy phép này không nhất thiết phải do Cục NTBD cấp, có thể là địa phương quản lý cấp.

Về việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về biểu diễn tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định, Cục NTBD cấp phép cho cá nhân nghệ sĩ về Việt Nam, còn việc biểu diễn trong các chương trình nào, ở địa phương nào, nghệ sĩ hát bài nào thì đơn vị tổ chức xin phép địa phương đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ được hoàn thiện, xin ý kiến các cá nhân, tổ chức trong quý IV/2019, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành./.

Hoàng Nguyên (Theo bvhttdl.gov.vn)