Tag: múa đương đại

VNOB mời Hoàng Tú tập huấn cho đoàn Vũ kịch

Nhằm có thêm kinh nghiệm múa đương đại cũng như giới thiệu cho diễn viên các bài tập để cảm nhận cơ thể, bóc tách giữa cơ và khớp, học hỏi thêm kỹ thuật múa ở nước ngoài, trong tuần qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã mời biên đạo múa Hoàng Tú đến tập huấn cho các nghệ sĩ của đoàn Vũ kịch VNOB.

Trong suốt cả tuần qua, các nghệ sĩ thuộc đoàn Vũ kịch VNOB đã có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật cơ bản cũng như các phong cách múa đương đại mới đang được các nước chú ý với biên đạo múa người Việt đang làm việc tại Hà Lan – biên đạo múa kiêm nghệ sĩ múa Hoàng Tú.

Nghệ sĩ Hoàng Tú sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 2007, anh dành được học bổng toàn phần tu nghiệp tại Cinevox Junior Company tại Thụy Sỹ. Từ 2007 cho đến nay, anh đã làm việc cho nhiều công ty khác nhau tại các nước như Đức và Hà Lan. Hiện tại, Hoàng Tú đang làm việc tại Conny Janssen Danst, một trong Top 5 công ty múa có tiếng nhất tại Hà Lan. Bên cạnh đó, anh còn là biên đạo múa có triển vọng trên thế giới với những tác phẩm được diễn tại các nước như Đức, Thụy Sỹ, Hà Lan, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Đan Mạch.

Với kinh nghiệm lâu năm, và am hiểu về các thể loại múa/dance khác nhau như Ballet, Hiphop, Neo Classical, Dân Gian Việt Nam cũng như nghiên võ thuật như Thái Cực Quyền, Khí Công, Hoàng Tú đã kết hợp lại, tạo riêng cho mình một phong cách về Múa đương đại. Anh cũng là một trong những người tiên phong về phong trào múa đương đại tại Việt Nam. Năm 2018, anh đồng sáng lập ra chuỗi Workshops về Múa đương đại “Made In ViêtNam” nhằm mục đích kết hợp với những diễn viên Việt Nam đang làm việc tại Nước ngoài về lại Việt Nam để giới thiệu thêm về múa đương đại cho giới không chuyên cũng nâng cao trình độ cho dân “trong nghề”.

Nói về khóa tập huấn với các nghệ sĩ của VNOB, Hoàng Tú chia sẻ: “Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam là ngôi nhà thứ hai, nơi Tú đã từng làm việc và trưởng thành. Vì vậy, mình rất vui khi được quay trở lại nơi này sau một thời gian học hỏi ở nước ngoài. Với những gì đang có, mình mong muốn được truyền đạt, chia sẻ với các nghệ sĩ trẻ của Nhà hát những kiến thức, kinh nghiệm và cả năng lượng. VNOB hiện nay đang quy tụ nhiều nghệ sĩ trẻ say mê, nhiệt huyết nhưng còn thiếu kiến thức chuyên sâu về múa đương đại. Dịch bệnh kéo dài cũng khiến các bạn ngày càng ít có cơ hội được tiếp cận với các chuyên gia hay các dòng múa đương đại khác nhau trên thế giới. Vì vậy, mình hy vọng sẽ hỗ trợ các bạn để đánh thức tiềm năng cơ thể và khám phá bản thân nhiều hơn”.

Trải qua thời gian gặp gỡ, cảm thụ những dòng múa đương đại khác nhau trên thế giới, các nghệ sĩ của VNOB cũng tỏ ra rất phấn khích. NSƯT Phan Lương, Trưởng đoàn Vũ kịch VNOB cho biết: “Đây là cơ hội tốt để các nghệ sĩ múa trẻ của Nhà hát học hỏi, tiếp cận với các dòng múa đương đại khác nhau và đặc biệt là đánh thức cơ thể mình để tiếp cận những kỹ thuật mới trong nghệ thuật biểu diễn đương đại. Khóa tập huấn này đồng thời cũng giúp các nghệ sĩ tái khởi động sau một mùa giãn cách kéo dài’.

Được biết, sau khóa tập huấn này, các nghệ sĩ múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho việc trở lại sân khấu biểu diễn ngay khi Chính phủ cho phép.

Tuyết Hoa

Tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa

Cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, là diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc, thí sinh tự do có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

Cuộc thi chia làm 4 bảng với 4 phong cách múa: Ballet cổ điển và Ballet hiện đại (Bảng A), Đương đại (Bảng B), Dân gian dân tộc, Dân tộc hiện đại và truyền thống (Bảng C); Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ múa có tính chất đường phố – hiphop, popping, breakdance, locking… (Bảng D). Trong đó, Ban Tổ chức sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho thí sinh, nhóm thí sinh xuất sắc mỗi bảng.

Ban Tổ chức cũng cho biết, thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTT&DL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích đăng ký các tác phẩm múa mới sáng tác. Về nội dung, tác phẩm cần có nội dung và thông điệp rõ ràng. Tiêu chí xét giải thưởng được đánh giá qua các yếu tố: kỹ thuật, kỹ xảo điêu luyện; nghệ thuật diễn xuất sáng tạo; ngôn ngữ hình thể và cảm xúc của diễn viên; có sáng tạo riêng về hình thức thể hiện để bộc lộ tài năng.

Gia Linh (https://bvhttdl.gov.vn)

Chương trình múa đương đại Bolero của VNOB

Biên đạo múa Trần Tiến Huy: “Nghệ thuật có thể nhìn Đa Chiều trong mỗi tác phẩm”

Biên đạo, nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy là một trong những tài năng nghệ thuật Việt Nam đang tỏa sáng ở sân khấu quốc tế. Với một quốc gia mà nền nghệ thuật nói chung và Múa đương đại nói riêng đã trở thành biểu tượng như nước Đức thì việc một người Việt Nam được mời làm Giám đốc nghệ thuật quả là điều đặc biệt. Vậy mà, Tiến Huy đã làm được điều đó khi chính thức trở thành Giám đốc nghệ thuật của một nhà hát châu Âu – Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức. Được biết, Tiến Huy sẽ về nước để tham dự chương trình Múa đương đại – Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace) tổ chức vào ngày 28 và 30 tháng 6 tới tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Báo Tổ quốc đã liên hệ ngay với anh để thực hiện một cuộc phỏng vấn:

– Được biết anh đang làm việc tại Đức, anh có thể chia sẻ một chút về công việc hiện tại của mình?

– Hiện tại tôi đang là diễn viên, biên đạo múa của của nhà hát Kaiserslautern (Đức). Nhưng đồng thời, tôi đang bắt đầu công việc mới, đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị. Đó là vị trí giám đốc nghệ thuật của đoàn múa PfalztheaterTanz thuộc Nhà hát Kaiserslautern. Từ tháng 8/2019, tôi chính thức rút khỏi sân khấu với tư cách diễn viên múa để tập trung cho công việc sáng tác và quản lý với vai trò Đồng Giám Đốc của PfalztheaterTanz Kaiserslautern. Nhiệm vụ mới trao vào tay tôi cơ hội, đồng thời cũng là thách thức. Thứ nhất là có rất nhiều chương trình diễn ra trong cùng một thời điểm do lịch làm việc dày đặc của Nhà hát. Vì vậy, vừa làm diễn viên, vừa là biên đạo, đồng thời lại thêm vị trí quản lý cũng đôi khi khiến tôi bị quá tải, khó tập trung vào một việc nhất định. Khó khăn tiếp theo là làm thế nào để sắp xếp thời gian nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Mặc dù vậy, tôi cảm thấy mình vẫn rất may mắn khi có sự ủng hộ nhiệt tình của các đồng nghiệp trong Nhà hát. Môi trường sống và làm việc tại châu Âu cho tôi đảm bảo sự ổn định cơ bản về kinh tế. Vì vậy tôi có thể tập trung thời gian để làm chuyên môn nhiều hơn mà không phải nghĩ nhiều đến việc mưu sinh. Bên cạnh đó môi trường phát triển của nghệ thuật châu Âu cho tôi nhiều cơ hội học hỏi và sáng tạo tự do.

Với sự trở lại lần này trên sân khấu Việt Nam cùng các nghệ sĩ quốc tế, anh mong muốn chia sẻ thông điệp gì đến với khán giả Việt Nam?

– Thông điệp của chúng tôi là muốn nói rằng nghệ thuật luôn mở rộng với những thể loại và những xu hướng mới. Nghệ thuật giúp ta gắn kết con người và văn hóa các nước khác nhau. Nghệ thuật có thể nhìn Đa Chiều trong mỗi tác phẩm. Yêu thích hay không là sự cảm nhận và lựa chọn từ mỗi cá nhân. Vẻ đẹp có thể đến từ nhiều hướng và nhiều góc cạnh trong từng vấn đề tùy thuộc theo cách nhìn nhận của bạn. Cá nhân tôi với sự thành công hiện có, tôi muốn khán giả Việt Nam nói chung và các bạn trẻ yêu nghệ thuật nói riêng biết rằng chúng ta hãy cố gắng nhiều hơn, chăm chỉ hơn và tự tin hơn vì con người Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn xa ra ngoài mảnh đất hình chữ S!

Điểm nhấn quan trọng trong tác phẩm của anh là gì?  

– Một tác phẩm nghệ thuật không nên xé nhỏ ra để phân tích, đặc biệt đây lại không phải một cuộc thi. Mọi liên kết trong tác phẩm tạo ra một điểm nhấn cụ thể. Khi ta xem hết tác phẩm đó, điều đọng lại sau mỗi tác phẩm đó là gì trong mỗi cá thể quan trọng hơn. Điều tôi muốn gợi mở trước khi các bạn xem hay đưa ra nhận xét gì về tác phẩm cụ thể này đó là: Hãy tập trung vào 15 phút đầu tiên và bạn sẽ thấy câu trả lời ngay sau 15 phút tiếp theo!

Anh có nghĩ rằng nghệ thuật đương đại vẫn còn xa lạ với khán giả Việt Nam? Nếu có, đâu là những thử thách mà các nghệ sĩ tham gia vào Hanoi Dance Fest 2019 cần làm để mang loại hình nghệ thuật này đến với khán giả? 

– Nghệ thuật Đương Đại nói chung và nghệ thuật Múa Đương Đại nói riêng đến thời điểm hiện tại không còn quá xa lạ với người Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn. Tuy vậy để hiểu rõ hơn về các thể loại ngôn ngữ chuyển động và các loại hình nghệ thuật đương đại thì vẫn cần rất nhiều thời gian cho mặt bằng chung khán giả, cần có sự cởi mở hơn từ khán giả, sự kết nối từ biên đạo, diễn viên tới người xem. Đây là thử thách chung của tất cả những người làm nghệ thuật nói chung, những người làm về giáo dục văn hóa và truyền thông!

Được biết, anh cũng đảm nhận về trang phục cho tác phẩm của mình, anh có thể chia sẻ thêm về vai trò này không ạ? 

– Nhìn chung các tác phẩm gần đây của tôi thường nói về con người đương đại, tôi muốn nó được gần gũi với con người và đời sống thường nhật nhất có thể. Vì vây tôi lựa chọn sự đơn giản, màu sắc cùng gần gũi với sự tự nhiên, màu của đất màu của cây lá.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc cho Đa chiều cũng như Hanoi Dance Fest 2019 thành công

Tuyết Hoa

Tiếp nối thành công của các kỳ liên hoan Múa đương đại trước đây, theo sáng kiến và được sự tài trợ của Viện Goethe, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace một lần nữa hợp tác tổ chức chương trình Múa đương đại- Hanoi Dance Fest 2019 vào hai ngày 28 và 30 tháng 6 năm 2019 tại Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội. Hanoi Dance Fest 2019 diễn ra với sáu tiết mục Múa đương đại với sự góp mặt của các biên đạo người Việt Nam hiện đang sống và làm việc tại Đức, Thụy Sĩ, biên đạo múa người Pháp và một biên đạo trẻ của Việt Nam. Các tác phẩm được sáng tạo theo nhiều phong cách khác nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng đa sắc màu của các nền văn hóa mỗi quốc gia.

Vé được bán tại: https://ticketbox.vn/event/hanoi-dance-fest-75915/53375

Đến với múa đương đại tại VNOB

Múa đương đại (Contemporary Dance) là một phong cách múa nổi lên trong thế kỷ 20, là sự giao thoa giữa múa hiện đại (Modern Dance) và múa Ballet, cùng với các thành phần từ jazz và múa trữ tình. Để định nghĩa được thể loại này rất khó bởi múa đương đại thiên về cảm xúc, cốt yếu truyền tải được nội dung câu chuyện đến khán giả nói nôm na là diễn một vở kịch không bằng lời mà bằng ngôn ngữ hình thể.

Diễn viên múa đương đại có thể đến từ các nền tảng đào tạo khác nhau, từ Ballet cổ điển hay múa dân gian dân tộc đến nhảy hiphop hay nhảy-break hoặc yoga cho đến múa hiện đại đều có thể múa đương đại. Phong cách đương đại nhấn mạnh vào sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí, với các diễn viên được khuyến khích khám phá cảm xúc của mình thông qua các điệu múa để chống lại ranh giới truyền thống. Phong cách của điệu múa này thường liên quan rất nhiều đến sự cân bằng, không gian, tiếp xúc mặt sàn, phục hồi và ứng biến.

Múa đương đại phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây là vì những lý do sau đây:

– Người múa được thỏa mãn đam mê, được sống trong từng nốt nhạc, được điều khiển chính hơi thở của mình

– Múa đương đại còn có lợi cho sức khỏe của bạn. Những động tác đòi hỏi sự dẻo dai, căng cơ, nhịp thở. Nhờ bộ môn này mà người học sẽ làm được những động tác mà trước đây cơ thể cứng ngắt không cho phép từ đó cho bạn được một cơ thể linh hoạt, nhanh nhẹn

– Được luyện tập uyển chuyển trên nhiều nền nhạc giúp bạn tự tin vào cơ thể mình, năng động và biết cách quyến rũ

– Nghệ thuật được gắn liền với cảm xúc, nhuần nhuyễn động tác thôi chưa đủ mà người học còn phải học cách biểu lộ tâm trạng theo đúng câu chuyện mà mình đang biểu diễn.

Để góp phần đưa múa đương đại đến gần hơn với công chúng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thời gian tới sẽ tổ chức các lớp học về múa đương đại dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Nguyễn Thị Thúy Hằng sinh năm 1982. Chị là diễn viên solist, một biên đạo múa nhiều nhiệt huyết và yêu nghề.  Sau khi tốt nghiệp hệ 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam năm 2001, Thúy Hằng trở thành solist múa tại VNOB.
Không chỉ tham gia các chương trình của VNOB, Thúy Hằng còn cộng tác làm việc với đoàn múa tại Thụy Điển và Đức. Chị từng tham gia lưu diễn tại Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Châu Phi, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ…

Năm 2013, chị lọt vào TOP 6 chương trình So you think you can dance mùa thứ nhất. Ở các chương trình này của 4 mùa liên tiếp sau đó, Thúy Hằng trở thành biên đạo múa. Bên cạnh đó, Thúy Hằng còn hoạt động với tư cách thành viên Ban giám khảo của chương trình múa “Sắc màu tuổi thơ” và dàn dựng nhiều chương trình và tiết mục cho các chương trình nghệ thuật lớn và VTV.

Năm 2017, chị tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội. Tính đến nay, nghệ sĩ múa Thúy Hằng đã có kinh nghiệm giảng dạy môn múa đương đại trên 10 năm và có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi múa đương đại trong nước và quốc tế với các thành tích. Các học trò của chị từng đoạt giải nhất, giải ba Cuộc thi tài năng múa thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 1; Giải 3 Cuộc thi Múa quốc tế Grand Prix tại Taiwan 2018; Giải nhất và nhì Cuộc thi Múa quốc tế Star of Canaan tại Malaysia 2018.

Tuyết Hoa

Chúng tôi hướng tới việc tạo ra sân chơi. Đây chỉ là bước khởi đầu để các bạn có sự hiểu biết lẫn nhau, để có thể tìm ra những nội dung, ý tưởng, cấu trúc về mặt nghệ thuật, đặc biệt là xu hướng nghệ thuật đương đại trong tương lai cho Việt Nam

NSƯT Trần Ly Ly, Q, Giám đốc VNOB