Tag: Bộ VHTTDL

NSƯT Lê Tuấn Anh được bổ nhiệm là Phó Giám đốc VNOB

Ngày 17-9 vừa qua, tại trụ sở Bộ VHTTDL, NSƯT Lê Tuấn Anh, Phó Trưởng đoàn Đoàn Nhạc kịch, đã chính thức được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao quyết định số 2609, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Cùng dự lễ trao quyết định bổ nhiệm còn có đại diện lãnh đạo các Vụ, ban, đơn vị có liên quan cũng như lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo: “Thay mặt ban cán sự, đảng bộ, xin được chúc mừng các đồng chí vừa được bổ nhiệm. Đề nghị các đồng chí phát huy truyền thống đoàn kết, cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cùng với các lãnh đạo đơn vị”.

Riêng đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng với sự hoàn chỉnh trong cơ cấu tổ chức. Bộ trưởng chia sẻ: “Qua rất nhiều thời kì thì đến nay Nhà hát Nhạc Vũ Kịch mới có bộ máy hoàn chỉnh nhất, với 1 giám đốc và 3 phó giám đốc. Mong các lãnh đạo của các đơn vị có đồng chí được bổ nhiệm tạo điều kiện để các đồng chí được hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

NSƯT Lê Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 6 tuổi anh bắt đầu học Violin dưới sự dẫn dắt của bố, một nghệ sỹ Violin. Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc quốc gia, anh công tác tại Đoàn Nhạc kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và hiện đang đảm nhiệm vị trí Concert Master.

Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, anh đã nhận được lời mời tham gia biểu diễn cùng các dàn nhạc như Bangkok Opera, Asian Orchestra, Sony Symphony Orchestra, Kunming Orchestra.. với vai trò nghệ sỹ solist và leader. Bên cạnh đó anh là người sáng lập và thường xuyên tham gia biểu diễn với các nhóm thính phòng như String Quartet, Chamber music…trong các buổi hòa nhạc hàng năm.

Tuyết Hoa

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL thực hiện thành công chương trình nghệ thuật Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, tạo nên một đêm trình diễn đỉnh cao về nghệ thuật và dâng trào về cảm xúc…

Bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại, những tiết mục biểu diễn đỉnh cao trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ đã đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử 75 năm vẻ vang của đất nước, trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng, bước vào công cuộc dựng xây Tổ quốc “ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đúng như nguyện ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện là hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp tổ chức. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế TƯ Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư TƯ Đảng, Chánh án Toà án NDTC Nguyễn Hoà Bình; Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

 

Với ba chương: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, chương trình là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng về đất nước, con người Việt Nam, tái hiện hành trình vĩ đại của dân tộc từ mốc son chói lọi 75 năm trước cho tới ngày hôm nay.

Mở đầu chương trình là hòa tấu và hợp xướng Mười chín tháng Tám làm sống lại bầu không khí cách mạng sục sôi của 75 năm trước. Ngược thời gian, không gian, dường như mỗi công chúng được đứng trước Quảng trường Ba Đình lịch sử, xúc động và tự hào lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, rộn ràng hạnh phúc trong giai điệu của Đất nước trọn niềm vui.

Phần I với chủ đề Đất nước là bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm qua giọng thơ hào sảng, nồng ấm của Bộ trưởng, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Đất nước hiện lên vừa gần gũi, thân thuộc lại vừa thiêng liêng qua các ca khúc: Làng tôi, Biển hát chiều nay, Đêm thành phố đầy sao và khép lại với ca khúc biểu tượng của tình đoàn kết Hà Nội – Huế – Sài Gòn.

Phần II Khát vọng hòa bình đưa khán giả đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước qua những cuộc kháng chiến gian khổ mà hào hùng với Đường chúng ta đi, Giải phóng Điện Biên, Bài ca hy vọng, Dáng đứng Việt Nam, Chiều biên giới, Bài ca Thống nhất…

Phần III cũng là chủ đề của chương trình: Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với đất nước. Đất nước tình yêu, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Trên công trường rộn tiếng ca, đặc biệt là ca khúc Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm.

Mặc dù là chương trình chào mừng sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, nhưng Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ còn là tiếng nói tri ân tới các vị Vua Hùng để nhắc nhớ về nguồn cội của dân tộc Việt Nam. Với lẽ đó, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này, chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá khuôn mẫu. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người sẽ được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối đương đại. Chính vì thế, dàn dựng các tiết mục múa cũng sẽ có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, với toàn bộ đoàn Ca kịch và Vũ Kịch, đã tham gia rất tích cực và thể hiện tính chuyên nghiệp cũng như khả năng phối hợp tốt với các thành viên khác trong chương trình. Đặc biệt là hoạt cảnh múa kéo dài 10 phút. Đúng với những câu thơ “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”, phần biên đạo được NSƯT Trần Ly Ly dàn dựng kỹ lưỡng, làm bật lên hình tượng “cùng sinh ra từ một bào thai” đậm chất tạo hình. Biểu tượng về sự đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước đã được chuyển hóa, thể hiện bằng tất cả những phương diện, công nghệ hiện đại trên sân khấu. Hơn nữa, qua những động tác múa, khán giả còn được thấy về một giai đoạn người Việt phải gồng mình chống chọi với thiên tai, địch họa… nhưng vẫn đoàn kết để nỗ lực vượt qua, xây dựng được một Việt Nam tươi đẹp như ngày hôm nay.

Với chương II Khát vọng hòa bình và chương III Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, đây là những phần trình diễn liên hoàn thể hiện mạch chảy liên tục của lịch sử dân tộc. Các tác phẩm được kết nối với nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về một đất nước có bề dày lịch sử.

Không chỉ thành công ở mảng múa, các nghệ sĩ VNOB còn tạo được ấn tượng mạnh ở phần hát. Đặc biệt, hai nghệ sĩ trẻ đầy triển vọng là Tố Loan và Trần Trang đã vinh dự cùng NSND Quốc Hưng thể hiện thành công bài Đường chúng ta đi với sự dàn dựng và phối khí rất công phu, hoành tráng. Bài hát Làng tôi do nhóm Tố Loan, Trần Trang, Bùi Trang và Hương Diệp cũng được khán giả đón nhận một cách nồng nhiệt hay nghệ sĩ Đinh Như Tới cũng thể hiện được chất giọng Tenor cùng với nhóm Phương Bắc trong bài hát Việt Nam quê hương tôi.

Tuyết Hoa

NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Phó Tổng đạo diễn chương trình) cho biết: “Chương trình mang chủ đề về quê hương, đất nước nhưng lần này chúng tôi không chọn những bài hát hay cách dàn dựng quá nặng nề. Những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước, con người được “khoác” lên mình “tấm áo” mới là những bản phối mới. Chính vì sự mới lạ đó, dàn dựng các tiết mục múa cũng có sự khác biệt so với các chương trình trước”.

Chính thức bổ nhiệm NSƯT Trần Ly Ly làm Giám đốc VNOB

Ngày 28-5 vừa qua, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chính thức trao quyết định số 1128/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho NSƯT Trần Ly Ly. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2020 và thời gian thực hiện nhiệm kỳ là 5 năm.

Phát biểu tại lễ trao quyết định bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đây là lễ công bố quyết định bổ nhiệm đầu tiên kể từ sau khi đại dịch COVID 19. Vì vậy, tôi mong muốn các đồng chí được bổ nhiệm nói riêng và tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường. Hoạt động văn hóa nghệ thuật nên tưng bừng hơn. Các nhà hát tích cực ra mắt các chương trình mới để sân khấu sáng đèn trở lại. Tôi cũng chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm và rất mong các đồng chí nỗ lực hơn nữa”.

Thay mặt cho các cán bộ được bổ nhiệm, NSƯT Trần Ly Ly, phát biểu: “Chúng tôi rất xúc động trước sự tin tưởng của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi xin hứa sẽ dồn hết tâm sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin tưởng của Ban cán sự và lãnh đạo Bộ”.

Cùng với NSƯT Trần Ly Ly, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn trao quyết định cho 5 cán bộ khác của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai và Bảo tàng các dân tộc Việt Nam.

Tuyết Hoa

Muốn khán giả tới nhà hát, phải có những chương trình nghệ thuật chất lượng

Thống nhất với giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL biểu diễn đồng loạt trên nhiều sân khấu để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu phim sau ảnh hưởng của mùa dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng điều quan trọng nhất đặt ra đối với ngành nghệ thuật biểu diễn hiện nay đó là phải có những tác phẩm hay, chất lượng. Đây là nội dung quan trọng trong buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện với lãnh đạo các đơn vị Khối nghệ thuật trao đổi về những giải pháp tổ chức các hoạt động sau dịch COVID-19 vào sáng 19/5.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị nghệ thuật

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lãnh đạo Bộ  nắm rất rõ những khó khăn mà các nhà hát và các  nghệ sĩ đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua và  Bộ đã có những giải pháp kịp thời hỗ trợ cho các nhà hát. Tuy nhiên mùa dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ có thể nhìn lại mình. Hết giãn cách xã hội, mọi hoạt động trở lại bình thường đối với mọi tầng lớp, ngành nghề trong xã hội. Đây cũng là lúc nghệ thuật  phải có sự thay đổi tư duy trong sáng tạo. “Có quá nhiều những chương trình nghệ thuật thể hiện một cách làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật xin hãy đừng kêu ca vì sao không có khán giả? 12 nhà hát của Bộ VHTTDL phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy dàn dựng các chương trình nghệ thuật. Phải  dàn dựng  những tác phẩm hay, có chất lượng và thực sự đi vào lòng người xem. Nghệ thuật cần được nâng cấp sao cho đẹp hơn, hấp dẫn ngay từ khâu dàn dựng, thiết kế sân khấu hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Trước và ngay sau giãn cách xã hội, Bộ VHTTDL đã tổ chức được hai chương trình nghệ thuật đặc biệt, tạo được những dấu ấn khó quên đối với khán giả đó là Mùa xuân dâng Đảng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2020) và Dâng Người tiếng hát mùa xuân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020). Là chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị với những tiết mục về Đảng, về Bác Hồ nhưng điều thú vị mà khán giả cũng như đông đảo những người làm nghệ thuật ghi nhận chính là ở sự công phu đầy tâm huyết của ê kíp sáng tạo. Theo đề xuất của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thống nhất với giải pháp sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của Bộ tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng như tại địa điểm biểu diễn của  đơn vị. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật của Bộ VHTTDL sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt trên các địa điểm như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Nhà hát Lớn, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kim Mã, Nhà hát Hồng Hà, Nhà hát Múa rối Trung ương, Không gian văn hóa Việt 16 Lê Thái Tổ… Với các nhà hát chưa có địa điểm biểu diễn cố định như Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Kịch VN sẽ được Bộ bố trí biểu diễn ở các địa điểm của các nhà hát khác như: Nhà hát Lớn, Nhà hát Kim Mã… Theo dự kiến, Nhà hát Kịch VN sẽ mở đầu với vở Bệnh sĩ của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối thứ 7 ngày 23.5, Trung tâm chiếu phim quốc gia sẽ chọn một bộ phim hay để chiếu vào tối  24.5.

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL bố trí mua vé ủng hộ cho các chương trình này.Việc hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các nhà hát của Bộ VHTTDL bởi ảnh hưởng của mùa dịch đã giải quyết được những khó khăn trước mắt đối với nghệ thuật để kéo khán giả trở lại với thói quen vào xem trực tiếp tại rạp biểu diễn. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà hát đều có chung mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn có định hướng lâu dài hơn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các nhà hát, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống… Ngay cả với bài toán về khán giả cũng cần có những dự án để làm sao có thể xây dựng thế hệ công chúng mới cho nghệ thuật, đặc biệt là việc tiếp cận với khán giả trẻ.

HIỀN LƯƠNG, Ảnh : TRẦN HUẤN (baovanhoa.vn)

VNOB tham gia chương trình nghệ thuật “Dâng người tiếng hát mùa Xuân”

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), tối 17-5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, với sự góp mặt chính của ekip đạo diễn, biên đạo múa và các diễn viên lên tới hơn 60 người của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Ðài Truyền hình Việt Nam.

Đến dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt này có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.

Đến dự còn có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.

“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm tuyên truyền sâu rộng, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, các nghệ sỹ thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn đối với Người; góp phần khắc sâu và thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân.

Chương trình nghệ thuật “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” được chia thành ba phần: “Người là Hồ Chí Minh”, “Những bông hoa trong vườn Bác” và “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân”.

Trong phần đầu “Người là Hồ Chí Minh”, các nghệ sỹ gửi tới công chúng những tác phẩm ngợi ca thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh cống hiến của Người với sự nghiệp cách mạng của Đảng, giải phóng dân tộc Việt Nam và với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.

Các tác phẩm được trình diễn trong phần này đều là những ca khúc nổi tiếng, được nhiều thế hệ công chúng Việt Nam biết đến như: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” (sáng tác An Thuyên); “Dấu chân phía trước” (sáng tác Phạm Minh Tuấn), “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” (sáng tác Nguyễn Tài Tuệ), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (sáng tác Văn Cao), “Đôi dép Bác Hồ” (nhạc Văn An, thơ Tạ Hữu Yên), “Đêm Trường Sơn nhớ Bác” (sáng tác Trần Chung), “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” (sáng tác Huy Thục), “Người là Hồ Chí Minh” (sáng tác Ewan MacColl).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tình cảm đặc biệt, “đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”…

Phần 2 của chương trình có tên gọi “Những bông hoa trong vườn Bác”, gồm các tác phẩm chọn lọc, mang âm hưởng vùng miền, đại diện các dân tộc, thể hiện lòng biết ơn, ngợi ca công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó là các ca khúc: “Những bông hoa trong vườn Bác” (sáng tác Văn Dung), “Suối Lê Nin” (âm nhạc Phạm Tuyên, thơ Trần Văn Loa), “Miền Trung nhớ Bác” (sáng tác Thuận Yến); “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” (âm nhạc Lưu Cầu, thơ Trần Nhật Lam), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (sáng tác Lê Lôi), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (sáng tác Thuận Yến)…

“Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” là phần cuối của chương trình, với các tác phẩm “Trông cây lại nhớ tới Người” (sáng tác Đỗ Nhuận – Đỗ Trung Phong), “Em mơ gặp Bác Hồ” (sáng tác Xuân Giao), “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” (sáng tác Nguyễn Văn Thương), “Hát về Người” (sáng tác Đoàn Bổng)…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dâng Người tiếng hát mùa Xuân” do NSND Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục NTBD làm tổng đạo diễn. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và NSƯT Trường Bắc là phó tổng đạo diễn, với sự phối hợp của đông đảo các NSND, NSƯT cũng như các nghệ sĩ trẻ được công chúng yêu mến đến từ các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, đặc biệt có sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Tuyết Hoa

Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch nêu 7 nhiệm vụ chung của ngành trong 6 tháng cuối năm 2019

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Thông báo số 3058/TB-BVHTTDL thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Theo Thông báo, ngày 29/7/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT &DL) đã chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự Hội nghị có thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc; đại diện Ủy ban kiểm tra Trung ương.

Sau khi nghe Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, ý kiến của các đại biểu, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ chung gồm: Hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2019.

Toàn cảnh Hội nghị sơ kết công tác văn hóa, thể thao, du lịch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Tổ chức Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2019. Đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức tốt các Ngày hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc.

Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Thư viện tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua.

Hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Chỉ đạo và tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế năm 2019.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu năm 2019 đạt mục tiêu đón và phục vụ 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế; khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng. Đẩy mạnh quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thông báo cũng nêu nhiệm vụ cụ thể gồm: Yêu cầu Thủ trưởng các Tổng cục, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng tiến độ, không để nợ đọng văn bản. Thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có hướng xử lý kịp thời.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 115/QĐ-BVHTTDL ngày 10/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 01/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.

Thông báo cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể cho Vụ Pháp chế; Vụ Gia đình; Tổng Cục thể dục Thể thao; Tổng cục Du lịch; Cục Di sản văn hóa; Cục Điện ảnh… đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng./.

(Theo bvhttdl.gov.vn)