NHÀ HÁT NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM GIÀNH 11 GIẢI THƯỞNG TẠI LIÊN HOAN TIẾNG HÁT ĐƯỜNG 9 XANH

Từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 7 năm 2019 vừa qua, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị tổ chức Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là một trong 10 đơn vị nghệ thuật trong nước và 2 đơn vị nước ngoài (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia) với sự tham dự của tổng cộng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên, tham gia Liên hoan với tác phẩm nhạc kịch mang tên ‘Lá đỏ” gồm 2 màn và 6 cảnh do NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB với tư cách chỉ đạo nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là tác giả âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Nguyễn Hồng Phong đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa cùng các biên đạo khác như NSND Phạm Anh Phương, Minh Trang, với sự tham gia của các nghệ sĩ Opera, diễn viên múa và dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là người trực tiếp viết theo ý tưởng và kịch bản thơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hai tác giả đã cùng phối hợp triển khai với cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: “Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”.

“Lá đỏ” được thực hiện dựa trên câu chuyện bi tráng của 8 chiến sỹ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong hang “8 cô” trên đường 20 Quyết Thắng những năm chống Mỹ. Tác giả đã phóng tác sân khấu hóa thành câu chuyện về 8 cô gái được thể hiện trên sân khấu với những hình tượng đẹp, xúc động, đi vào lòng người. 8 cô trở thành những vị anh hùng huyền thoại Mãi mãi vinh danh.

Với những cô gái này, hàng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình đã là điều mãn nguyện. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến lúc hy sinh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc viết về Trường Sơn thời kháng chiến và đưa vào âm nhạc bác học. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi. Nhờ đó vở Opera “Lá đỏ” thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.

Vở nhạc kịch “Lá đỏ” trình diễn đã thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm với Ban giám khảo và đông đảo khán giả và đã nhận được tới 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân. Trong đó, có Giải xuất sắc toàn đoàn về thể loại Opera, Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho dàn nhạc biểu diễn xuất sắc, Bằng khen Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cho toàn đoàn, Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho toàn đoàn. Giải thưởng của hội đồng nghệ thuật dành cho chỉ huy xuất sắc Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Họa sĩ xuất sắc NSƯT Hoàng Hà Tùng. Huy chương Vàng tốp ca nữ thanh niên xung phong, Huy chương vàng tốp múa nữ thanh niên xung phong. Các cá nhân của Nhà hát cũng đoạt nhiều giải thưởng như nghệ sĩ Đào Tố Loan giành Huy chương Vàng, nghệ sĩ Đinh Như Tới và Nguyễn Huy Đức giành Huy chương Bạc.

Chia sẻ sau Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), cho biết: “Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi có mặt ở Liên hoan Tiếng hát đường 9 xanh. Với nỗ lực về chất lượng và tri ân khán giả Quảng Bình – Quảng Trị, chúng tôi mong muốn mang đến cho Liên hoan một chương trình có chất lượng cao, với trách nhiệm đóng góp một phần sức mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Tác phẩm “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao thế giới, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.

Nhạc kịch (Opera) vốn được kết tụ từ ca từ, nghệ thuật vocal, nhạc giao hưởng đến kịch, múa nên được coi là thể loại nghệ thuật bác học. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có đạo diễn Opera thực thụ. Vì vậy, “Lá đỏ” được coi là một điểm nhấn hoàn thiện về nhạc kịch sau vở “Cô sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh là hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp diễn ra 3 năm một lần, để các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập thể hiện thành quả lao động, sáng tạo về đề tài chiến tranh cách mạng, đồng thời là sự kiện văn hóa, nghệ thuật gắn kết 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Tuyết Hoa

Did you like this? Share it!

0 comments on “NHÀ HÁT NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM GIÀNH 11 GIẢI THƯỞNG TẠI LIÊN HOAN TIẾNG HÁT ĐƯỜNG 9 XANH

Comments are closed.