Tối 25/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình nghệ thuật “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019) và 50 năm ngày mất của Người (2/9/1969 -2/9/2019). Chương trình do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện.
Đến dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.
Tham dự chương trình còn có các ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Trung ương và thành phố Hà Nội.
Chương trình dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của PGS – TS Tạ Quang Đông; kịch bản văn học: nhà văn Nguyễn Quang Vinh; Tổng đạo diễn: NSND Quang Vinh; viết lời bình: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ…
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã đóng góp một phần công sức trong toàn bộ chương trình, trong đó, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, đảm nhiệm vị trí Tổng biên đạo kiêm Đạo diễn sân khấu, chịu trách nhiệm kết nối toàn bộ phần múa, hát, cải lương và kịch thành một tổng thể xuyên suốt. Bên cạnh đó, các NSND Nguyễn Hồng Phong cùng đoàn múa, kết hợp cùng với các đơn vị liên quan, hoàn thành 17 màn múa trong chương trình kéo dài gần 2 tiếng.
Chương trình gồm 3 phần: “Người đi tìm hình của nước”; “Trở về”; và “Người là niềm tin tất thắng”. Chương trình gồm 3 phần: “Người đi tìm hình của nước”; “Trở về”; và “Người là niềm tin tất thắng”. Ca khúc chủ đề của chương trình “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” là một sáng tác rất nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003). Ông viết ca khúc này vào năm 1989 dựa trên câu chuyện do ông Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác Hồ kể lại những giây phút cuối đời của Người với những tình tiết xúc động.
Phần đầu mang tên “Người đi tìm hình của nước” gồm rất nhiều hoạt cảnh, trong đó có hoạt cảnh thơ nhạc “Hồn nước”, hoạt cảnh ca kịch “Hồ Chí Minh – Hồi ức màu đỏ”, hát múa “Bác Hồ có một chuyến đi”, ca cảnh cải lương “Lời người ra đi”, hoạt cảnh thơ, hát, múa “Dấu chân phía trước”, “Những mùa đông trắng”… Phần này thể hiện giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bắt đầu với hành trình bôn ba khắp các châu lục tìm con đường cứu nước…
Phần hai có chủ đề “Trở về” gồm 11 tiết mục ca múa, liên khúc, hoạt cảnh dựng lại giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để giành chính quyền, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Trong phần “Trở về”, các nghệ sỹ trình diễn liên khúc hát múa “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó – Suối Lê Nin”, hoạt cảnh “Mười chín Tháng Tám – Lãnh tụ ca”, hoạt cảnh hát múa “Du kích Sông Thao – Giải phóng Điện Biên”, các bài hát “Chào anh giải phóng quân chào mùa xuân đại thắng”, “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”, “Người về thăm quê”…
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, người viết kịch bản văn học cho chương trình, chia sẻ với báo chí, “đề tài về Bác luôn thúc gọi và tạo nhiều cảm hứng cho các thế hệ nghệ sĩ. Chúng tôi làm chương trình này với một ê kíp hùng hậu, những nghệ sĩ tên tuổi, bằng toàn bộ tấm lòng và tâm huyết cùng gắn kết bên nhau để xây dựng một chương trình nghệ thuật đặc sắc nhất”.
Ngày 12.8.2019, Chủ tịch nước đã ký các Quyết định số 1358/QĐ-CTN, 1359/QĐ-CTN chính thức truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 391 nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Theo đó, biên đạo múa Nguyễn Hồng Phong của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) được phong tặng danh hiệu NSND.
Chủ tịch nước vừa ký Quyết định số 1358/QĐ-CTN ngày 12-8-2019 về việc truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Quyết định số 1359/QĐ-CTN ngày 12-8-2019 về việc phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Đây là đợt xét phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 9 của Đảng và Nhà nước dành cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Danh sách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân tại Quyết định số 1359/QĐ-CTN có 79 cá nhân, trong đó có nhiều tên tuổi được công chúng mến mộ. Đặc biệt, NSƯT Nguyễn Hồng Phong, biên đạo múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là nghệ sĩ duy nhất trong lĩnh vực múa, được phong tặng danh hiệu NSND đợt này.
Biên đạo múa Nguyễn Hồng Phong sinh năm 1974. Anh từng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật như Sắc màu Cửu Long (2016), Vì nhân dân quên mình (2013) và là biên đạo của nhiều tiết mục nổi tiếng như Ký ức cánh đồng chum, Asean – Bài ca hữu nghị, Đoàn quân Việt Nam đi, Vượt Pha Đin, Khoảnh khắc Bất tử, Mê kông xanh cuộn song… Anh cũng giành nhiều giải thưởng như Huy chương vàng Liên hoan nghệ thuật 5 nước: Việt Nam, Lào, campuchia, Mianma và Thái Lan (2016), Giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2015), Huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật Chuyên nghiệp Toàn quân (2014)…
Về danh hiệu NSƯT đợt này, 299 cá nhân được phong tặng đều đang hoạt động và đóng góp sôi nổi trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều vinh dự cho VNOB là ở lĩnh vực âm nhạc có 2 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSƯT là nghệ sĩ biểu diễn kèn Clarinet Trương Hữu Văn và Concert Master, nghệ sĩ biểu diễn Violon Lê Tuấn Anh. Lĩnh vực múa, VNOB đóng góp tới 3 diễn viên là Bùi Việt An, Nguyễn Thị Thúy Hằng và Mai Thị Như Quỳnh. Nghệ sĩ Opera Vũ Mạnh Dũng, người từng giành giải quốc tế ở Bĩnh Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên) cũng vinh dự được nhận danh hiệu NSƯT.
Như vậy, trong đợt trao tặng danh hiệu lần này, có 84 cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và 307 cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú .
Dự kiến, lễ trao tặng, truy tặng các danh hiệu sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào dịp Quốc khánh 2-9.
Không lựa chọn con đường khiến khán giả nhớ mặt nhiều ngay sau khi giành quán quân Sao Mai 2011, Đào Tố Loan chọn học hành để có một bước đi lâu dài hơn trong sự nghiệp ca hát. Là nghệ sĩ theo dòng nhạc thính phòng Opera cổ điển, Đào Tố Loan có thể giao tiếp được 3 ngoại ngữ. Chị bảo chính vì tình yêu với opera trong chị quá lớn nên đã tạo động lực cho chị từng bước đi tới ngày hôm nay.
Thạo 3 ngoại ngữ vì muốn tìm hiểu về Opera cổ điển
– Đào Tố Loan sẽ trình diễn tác phẩm nào trong chương trình Điều Còn Mãi 2019?
Năm nay, tôi rất vui và thú vị khi được thể hiện một tác phẩm mang hơi hướm dân ca “Lời ca dâng Bác”. Khi sắp thể hiện một tác phẩm, tôi có thói quen nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về tác phẩm. Khi hiểu rõ thì người thể hiện có thể truyền tải đúng tinh thần của bài hát tới khán giả. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham gia tiết mục kết “Bay lên Việt Nam” cùng tất cả các ca sĩ và Dàn nhạc Giao hưởng.
– Việc hát cùng dàn nhạc giao hưởng có lẽ sẽ không khó khăn với chị?
Tôi may mắn bởi đã được hát với dàn nhạc giao hưởng rất nhiều. Điều khó khăn ở đây đó là tôi là ca sĩ thính phòng opera nhưng lần này lại hát một bài mang hơi hướm dân ca. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm thú vị cho tôi khi tham gia Điều Còn Mãi năm nay. Tôi có cơ hội được thể hiện một mảng khác, gần gũi với khán giả. Tôi mong mọi người sẽ yêu thích và đón nhận tác phẩm này.
Cuộc sống của chị có thay đổi như thế nào sau 9 năm đạt giải Sao Mai?
Sao Mai là bệ phóng cho tất cả các ca sĩ không riêng gì tôi. Đó là một bước ngoặt cuộc đời, một bước đệm nhưng chưa phải đầy đủ. Sau cuộc thi, tôi đã phải cố gắng tìm tòi, học hỏi rất nhiều để trở nên hoàn hảo hơn trong mắt công chúng – những người yêu mến dòng nhạc này.
– Điều gì đã thúc đẩy để chị lựa chọn đi du học bỏ cơ hội chạy show kiếm tiền ngay sau khi đoạt giải cao ở Sao Mai? Tôi là một người có cá tính mạnh mẽ nên không thích chọn con đường giống người khác để phấn đấu theo họ. Tôi chọn con đường học hành để có những bước dài trong tương lai. Tôi từng tìm nhiều học bổng xin đi học ở Đức, Nauy và Áo. Một lý do nữa khiến tôi làm vậy đó chính là tình yêu thính phòng opera cổ điển trong tôi quá lớn. Và khi muốn tìm hiểu sâu chắc chắn việc sang nước ngoài học hỏi vì đó là cầu nối để tôi mở mang kiến thức cho mình. Tôi cũng muốn mang những điều mình học được để cống hiến và truyền đạt lại cho học sinh của mình.
– Không phải ai cũng tìm được con đường đi học ở nước ngoài, nói được nhiều ngoại ngữ là lợi thế của chị?
Ngay từ đầu tôi chọn con đường này ngoại ngữ chính là việc đầu tiên tôi phải học. Bởi chỉ có ngoại ngữ mới giúp tôi hiểu được những gì bạn bè quốc tế muốn truyền tải. Trước khi thi Sao Mai, tôi cũng nói được tiếng Anh kha khá nhưng sau đó tôi đã phải tự học thêm nhiều. Tôi cũng chưa giỏi quá nhưng giao tiếp bình thường có thể đáp ứng được. Hiện tại, tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, Đức, Italy.
– Thể loại thính phòng Opera kén người nghe, chị đã nỗ lực như thế nào để có thể theo đuổi và sống bằng nghề?
Tôi phải cảm ơn thế hệ đi trước. Họ hy sinh cho nền âm nhạc mới có ngày hôm nay cho những người như Tố Loan. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, phát triển thì không thể vắng bóng thể loại âm nhạc sang trọng đó. Hiện tại, tuy thể loại nhạc này còn kén người nghe nhưng tôi vẫn có thể sống được với niềm đam mê của mình. Lượng khán giả của dòng nhạc này bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Tôi cũng hy vọng, trong tương lai, âm nhạc cổ điển opera thính phòng sẽ ngày càng tiến gần hơn tới khán giả.
– Bản thân chị làm cách nào để đến gần hơn với khán giả?
Thực tế mọi người có xu hướng nghe những giai điệu lời ca tiếng hát dễ nghe dễ nhớ. Tôi cũng rất mong muốn có thể làm một chương trình của riêng mình để đến gần hơn với khán giả. Tôi sẽ lên một chương trình gần gũi với khán giả, hướng tới đáp ứng cho khán giả dễ nghe, dễ hưởng thụ và tận hưởng những giai điệu đẹp chứ không nhất thiết phải hiểu được tường tận bài hát.
– Khi đứng ở sân khấu quốc tế, chị có gặp trở ngại gì?
Có chứ. Lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu lớn là ở Sao Mai. Sau đó, tôi đi học ở Đức và Nauy. Tôi cũng có cơ hội biểu diễn ở trên sân khấu quốc tế cùng các bạn sinh viên quốc tế khác. Sự hồi hộp, lo lắng nhiều hơn rất nhiều. Ở nước ngoài, ngay cả một em nhỏ cũng có hiểu biết rất tốt về opera. Ở Singapore, tôi đăng ký tham gia thi với mục đích học hỏi bởi các bạn quốc tế có khả năng hát rất tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc bản thân sẽ đoạt giải. Cuộc thi của họ tổ chức rất chuyên nghiệp, giờ giấc tập luyện rất chính xác. Khi ngồi nghe các bạn tập luyện, tôi đã bị choáng và run vì họ hát quá tốt. Nhưng không ngờ, lần đó tôi lại may mắn giành giải quán quân. Tôi hạnh phúc khi không uổng phí công sức bỏ ra một thời gian khá dài để học hỏi. Do đó, tôi nghĩ, nếu ngay từ đầu chưa làm đã nghĩ sẽ không làm được thì mình sẽ thất bại. Khi cố gắng hết mình, có lẽ điều bất ngờ sẽ tới. Nếu còn trẻ, tôi sẽ tham gia nhiều cuộc thi hơn nhưng tôi bị quá độ tuổi nên rất tiếc.
‘Không bao giờ tự hài lòng’
– Chị đã đạt được một số thành tựu, chị có hài lòng về con đường mình đã chọn?
Tôi chưa bao giờ hài lòng về bản thân mình. Một vị Giáo sư nước ngoài nói với tôi rằng, người nghệ sĩ opera sẽ đi xuống nếu họ bằng lòng với những gì mình đang có hiện tại. Người nghệ sĩ opera vất vả đó là phải tìm hiểu rất nhiều, phải học nhiều ngoại ngữ, hiểu về nền âm nhạc cổ điển tốt và phải nắm vững về kiến thức về âm nhạc. Âm nhạc cổ điển chiếm quá nhiều thời gian về việc học. Khi tôi chọn học hỏi sẽ không thể có nhiều thời gian để biểu diễn. Sắp tới, tôi sẽ quay lại Singapore diễn một đêm Gala Concert. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm sẽ biểu diễn. Đôi khi tôi ngẫm, người nghệ sĩ chọn theo âm nhạc cổ điển sẽ rất vất vả. Tôi mong trong tương lai, những người nghệ sĩ như tôi sẽ được nhìn nhận, đồng cảm và công nhận bởi để hát 2-3 tiếng trên sân khấu, chúng tôi đã phải khổ luyện rất nhiều. Tôi rất thích hát nhiều thể loại nhạc Việt Nam nhưng không có quá nhiều thời gian. Do vậy, lần hát trong Điều Còn Mãi năm nay cũng là một may mắn cho tôi.
– Ông xã là người rất quan trọng trong việc định hướng chị đi theo con đường ca hát?
Đúng vậy! Nếu không có ông xã, có lẽ tôi sẽ không có ngày hôm nay. Trước đây, gia đình tôi cũng nghèo nên không mơ tưởng đi học. Ngay từ khi là bạn, chồng thấy tôi có khả năng nên đã hướng tôi đi học và theo nghệ thuật. Chồng tôi làm bên ngân hàng nhưng rất yêu âm nhạc và có tốt chất viết nhạc. Anh ấy mới gia nhập Hội nhạc sĩ Hà Nội và viết nhiều tác phẩm cho thị trường. Hiện tại, anh vẫn luôn là người sát cánh bên tôi mỗi dịp quan trọng. Tôi luôn biết ơn vì anh đã luôn ủng hộ, thậm chí nhiều lúc thay tôi chăm sóc cho các con khi tôi quá bận rộn.
– Công việc bận rộn như vậy, chị giành thời gian nào cho gia đình?
Nếu không đủ tình yêu và niềm đam mê với opera cổ điển, có lẽ tôi đã không thể cân bằng được. Lượng công việc của người phụ nữ có gia đình rất khủng khiếp. Có những ngày, tôi đầu tắt mặt tối từ sáng tới tối, vừa dạy con học, vừa tìm hiểu nhưng tôi vẫn có thể vượt qua được. Bên cạnh đó, sự động viên của gia đình cũng tạo động lực lớn cho tôi có thể yên tâm làm việc.
– Chị có định hướng cho các con theo con đường ca hát?
Con gái 4 tuổi của tôi cũng có năng khiếu. Cháu thuộc rất nhanh những bài hát mới của bố. Những nốt cao trong bài hát mà tôi phải tập nhiều cháu lên một cách dễ dàng. Cháu cũng biết hát giọng thật, giọng giả thanh. Nhưng tôi không phải người quân phiệt mà chỉ hướng cho các con. Tôi sẽ tạo mọi điều kiện giáo dục, hướng cho con. Nếu con không thích tôi cũng sẽ để cháu làm gì mình thích chứ không nhất thiết phải theo nghề mẹ.
(Vietnamnet)
Tôi chọn con đường học hành để có những bước dài trong tương lai. Tôi từng tìm nhiều học bổng xin đi học ở Đức, Nauy và Áo. Một lý do nữa khiến tôi làm vậy đó chính là tình yêu thính phòng opera cổ điển trong tôi quá lớn
Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Thông báo số 3058/TB-BVHTTDL thông báo Kết luận của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Theo Thông báo, ngày 29/7/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT &DL) đã chủ trì Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự Hội nghị có thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ khu vực phía Bắc; đại diện Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Sau khi nghe Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, ý kiến của các đại biểu, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ chung gồm: Hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, các giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 và Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2019.
Tổ chức Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.
Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2019. Đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tổ chức tốt các Ngày hội, hoạt động văn hóa nghệ thuật, giao lưu văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc.
Tập trung hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Luật Thư viện tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Chỉ đạo và tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và quốc tế năm 2019.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu năm 2019 đạt mục tiêu đón và phục vụ 103 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế; khoảng 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng. Đẩy mạnh quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thông báo cũng nêu nhiệm vụ cụ thể gồm: Yêu cầu Thủ trưởng các Tổng cục, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng tiến độ, không để nợ đọng văn bản. Thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ về những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có hướng xử lý kịp thời.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 115/QĐ-BVHTTDL ngày 10/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 01/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.
Thông báo cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể cho Vụ Pháp chế; Vụ Gia đình; Tổng Cục thể dục Thể thao; Tổng cục Du lịch; Cục Di sản văn hóa; Cục Điện ảnh… đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Văn phòng Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng./.
Nói tới văn hóa Nga, có lẽ rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nghệ thuật ballet của Nga, và nhắc đến ballet Nga thì ai cũng nghĩ ngay tới một vở ballet được gọi là “ballet của những vở ballet”, đó la vở ” Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky. “Hồ thiên nga” là vở ballet đã ra đời từ hơn một trăm năm trước, vào năm 1877, nhưng đến nay nó vẫn là niềm say mê của những ai yêu thích nghệ thuật này. Không phải vô cớ mà vở “Hồ thiên Nga” trụ lại được với thời gian lâu như vậy. Vở ballet này gắn với những tên tuổi đã đi vào lịch sử nghệ thuật của thế giới, như nhà soạn nhạc Pie Tchaikovsky, nhà biên đạo múa Petin, Ivanov, Grigorovich. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó bộc bạch được những tâm tư thường cháy bỏng trong mỗi con người: tình yêu tuyệt đối, ước mơ cao cả, nỗi thất vọng, sự cám dỗ của đời thường.
“Hồ thiên nga” là vở ballet đầu tiên mà Tchaikovsky sáng tác. Ông quan niệm, ballet cũng là một bản giao hưởng, và ông đã thể hiện ý tưởng của mình vào vở ballet đầu tay này của mình. Tchaikovsky đã làm thay đổi hoàn toàn cách nghĩ về các vở ballet, đưa thứ nghệ thuật giải trí này lên thành một nghệ thuật trừu tượng, sâu sắc, mang được cả chiều sâu của tư duy.
Vào thời Tchaikovsky sáng tác vở “Hồ thiên nga”, ở xứ Bavaria thuộc nước Đức bây giơ, có vị vua Lidvig Đệ nhị nổi tiếng lãng mạn, nổi tiếng say mê nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Vua Lidvig Đệ nhị đã cho xây một tòa lâu đài thần tiên tuyệt đẹp gọi là lâu đài Thiên Nga, đứng trên sườn núi trông ra khu hồ cũng mang tên là hồ Thiên nga hết sức thơ mộng. Tòa lâu đài, khu hồ Thiên nga, vị vua lãng mạn đến khác thường đã gợi lên niềm cảm hứng cho Tchaikovsky sáng tác nên vở “Hồ thiên nga” tuyệt tác, một vở ballet được xếp vào loại bi, trữ tình. Và có lẽ vì vậy Tchaikovsky đã quyết định đặt cho hoàng tử nhân vật chính của mình một cái tên Đức, dù Tchaikovsky là người Nga.
“Hồ thiên nga” ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1877. Sau sáu năm trình diễn thì tạm ngưng. Đối với thời kỳ đó, sáu năm cho một vở diễn đã là rất dài, vì nghệ thuật múa vẫn chưa đạt được độ điêu luyện và chưa truyền đạt được hết cái hồn của âm nhạc Tchaikovsky. Hồ thiên nga chỉ thành danh, chỉ thực sự được biết đến sau khi Tchaikovsky đã qua đời gần 20 năm sau. Vào năm 1895, Hồ thiên nga được dàn dựng lại và từ đó người ta mới cảm nhận được cái đẹp của nhạc Tchaikovsky, cái hồn lãng mạn của “Hồ thiên nga”, cái dịu dàng, quyến rũ của những vũ điệu ballet.
Peter Illitch Tchaïkovsky sinh năm 1840 . Năm 1877, lấy vợ để che dấu chứng đồng tình luyến ái nhưng chỉ 3 tuần lễ sau là ly dị. Cũng vì đồng tình luyến ái mà Tchaïkovsky đã bị ruồng đuổi khỏi ra Nga. Được bà Von Neck tài trợ để sống và sáng tác rất nhiều trong đó có vở balê lừng danh Hồ Thiên Nga . Tchaïkovsky mất năm 1893 vì bị dịch tả.
Nhằm mục đích đưa nghê thuật hàn lâm và đương đại tiếp cận gần hơn tới khán giả trẻ, thiết lập lượng khán giả trung thành vì sự phát triển bền vững của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), từ năm 2018 đến nay, Nhà hát đã tổ chức “Sân chơi nghệ thuật VNOB” với nhiều nội dung phong phú. Để kỷ niệm 1 năm ngày “ra đời” của “Sân chơi nghệ thuật VNOB”, tối 11 tháng 8 vừa qua, vào lúc 19h.00, tại sân khấu tầng 3 Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã diễn ra Chương trình Biểu diễn báo cáo tổng kết Hè 2019 với các tiết mục của 4 lớp Ballet lứa tuổi kid và teen, 3 lớp Đương đại cơ bản, nâng cao và chuyên sâu, nhảy K-pop và lời ca “Mashup” từ lớp Hợp xướng, độc tấu Ghita tác phẩm “Thư gửi Elise”…
Trong một năm qua, “Sân chơi nghệ thuật VNOB” đã hoạt động rất hiệu quả. Các chương trình học, bao gồm cá nhân và tập thể, thường diễn ra vào khung giờ trưa, tối và cuối tuần để thuận tiện cho các đối tượng tham dự. Với sự dẫn dắt chung của Thạc sĩ, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, người sáng lập ra Sân chơi nghệ thuật, cùng với các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, giảng dạy như NSƯT, nguyên Phó đoàn trưởng Đoàn múa Trần Bích Hường (Ballet), Top 6 So you think you can dance Nguyễn Thúy Hằng (Múa đương đại), Thạc sỹ Vũ Mạnh Dũng- Cúp vàng quốc tế tại Bình Nhưỡng- Phó đoàn trưởng Đoàn Hát (thanh nhạc), Thạc sỹ Nguyễn Kiều Thẩm (hợp xướng), Trương Hữu Văn- Đoàn trưởng Đoàn Nhạc (Kèn Clarinet); Thạc sỹ Đinh Thu Hương (Piano)… Đặc biệt, cô Nguyễn Thúy Hằng vừa giành Giải Biên đạo xuất sắc World Ballet Art Competition tại Manila, Philippines 2019.
Nhà hát đã tổ chức được 20 lớp với hơn 200 học viên tham gia, trong đó có 5 lớp Ballet, 5 lớp múa đương đại, 2 lớp Dance Sport, 2 lớp thanh nhạc, 1 lớp cho mỗi môn học: nhảy K-pop; Ghita, Kèn, Piano và Hợp xướng. Nhiều học viên đã dành được những giải thưởng xuất sắc trong các cuộc thi trong nước và quốc tế, như bạn Nguyễn Đức Huy giành giải Nhất World Ballet Art Competition- Contemporary Solo tại Manila, Philippines 2019, giải Nhất Star of Canaan Dance International Ballet – Contemporary Solo tại Malaysia 2018; giải Ba Grand Prix International Ballet Competition- Contemporary Solo tại Đài Loan 2018. Bạn Nguyễn Việt Bách giành giải Nhì Star of Canaan Dance International Ballet – Contemporary Solo tại Malaysia 2018…
Các học viên tham dự những hoạt động trên đều được trải nghiệm và cùng tham gia một số chương trình biểu diễn với các diễn viên chuyên nghiệp của Nhà hát như vở Ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên tháng 12-2018, “Peter và Chó sói’ tại Nhà hát Star Galaxy cũng như nhiều sự kiện khác.
Năm 2019, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam “Sân chơi Nghệ thuật VNOB” tiếp tục các hoạt động để nâng cao trình độ cũng như khuyến khích người yêu nghệ thuật hàn lâm, tham gia các khóa học như giảm 5% cho học viên khi nộp cả khóa học 24 buổi, cho 2 học viên cùng đăng ký hoặc học từ môn thứ 2 trở lên; Giảm 10% cho toàn bộ con em nghệ sỹ, nhân viên của Nhà hát, cho nhóm 5 học viên cùng đăng ký; Giảm 15% cho tất cả học viên đăng ký lớp Hợp xướng khóa 2; Giảm 20% cho học viên đã tham gia lớp Hợp xướng khóa 1 tiếp tục học nâng cao; Học viên trên 50 tuổi được ưu đãi thêm 5% cộng vào cùng các ưu đãi trên…
Ngày 6-8 vừa qua, đoàn cán bộ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), dưới sự dẫn đầu của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, do ông Huynh Văn Hùng, Giám đốc Sở chủ trì, về việc đưa các sản phẩm nghệ thuật của VNOB đến với người dân thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Năm 2020 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ đối với Đà Nẵng khi kỷ niệm 45 năm giải phóng thành phố. Vì vậy, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng rất muốn có một chương trình nghệ thuật đặc biệt để phục vụ người dân cũng như du khách đến với thành phố vừa được chọn là 1 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do NewYork Time bình chọn trong năm 2019. Để đáp ứng tiêu chí này, trong cuộc họp tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, NSƯT Trần Ly Ly đã trình bày điểm đặc sắc của một số sản phẩm nghệ thuật do Nhà hát thực hiện, trong đó có vở vũ kịch Hồ Thiên Nga và chương trình nghệ thuật Around the world.
Với uy tín 60 năm hình thành và phát triển, lại là đơn vị hàng đầu trong sản xuất và biểu diễn các chương trình nghệ thuật hàn lâm như giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch, đã từng đưa nhiều sản phẩm có chất lượng cao đến với các Liên hoan quốc gia và sân khấu quốc tế, VNOB, với các sản phẩm của mình, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo sở. Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn trong từng sản phẩm cũng như khả năng tiếp nhận của công chúng thành phố, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao nghiêng về khả năng đưa vở vũ kịch Hồ Thiên Nga về diễn tại Nhà hát Trưng Vương trong khoảng thời gian từ 25 đến 28 tháng 3 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng thành phố. Được biết, Nhà hát Trưng Vương, với sức chứa trên 1000 khán giả, sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho người dân thưởng thức tác phẩm tầm cỡ thế giới này.
Hiện tại, VNOB và Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đang tiếp tục những bước thương thảo tiếp theo để đi đến quyết định cuối về việc đưa Hồ Thiên Nga đến với Đà Nẵng. Theo kế hoạch, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng sẽ ra thăm và dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát vào đầu tháng 10 tới và bàn tiếp những kế hoạch chi tiết của chương trình.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 54/NQ-CP về việc phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9.
Ngày 18/7/2019, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 9. Theo đó, 50 cá nhân được Chính phủ đồng ý đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu NSND và 149 cá nhân được Chính phủ đồng ý đề nghị truy tặng, phong tặng danh hiệu NSƯT.
Nghị quyết nêu rõ, trong khi chưa sửa đổi Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân“, “Nghệ sĩ ưu tú”, đồng ý đề nghị xét phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” cho 50 cá nhân; phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” cho 149 cá nhân.
Cụ thể, cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” lĩnh vực âm nhạc có 11 người, lĩnh vực điện ảnh có 8 người, lĩnh vực phát thanh – truyền hình có 2 người, lĩnh vực sân khấu có 25 người (trong đó ở loại hình nghệ thuật Cải lương có 7 người, nghệ thuật Chèo có 11 người, nghệ thuật Dân ca kịch có 1 người, nghệ thuật Kịch nói có 3 người và nghệ thuật Tuồng có 3 người).
Trong danh sách NSND này có những cái tên như biên đạo múa Lê Hồng Phong của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, diễn viên Chiều Xuân, nghệ sĩ cải lương Minh Vương, diễn viên Trần Hạnh, Nghệ sĩ Quốc Hưng…
Các cá nhân được đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” lĩnh vực âm nhạc có 34 người, lĩnh vực điện ảnh có 6 người, lĩnh vực múa có 23 người, lĩnh vực phát thanh- truyền hình có 3 người, lĩnh vực sân khấu có 79 người (trong đó loại hình nghệ thuật cải lương có 23 người, nghệ thuật Chèo có 15 người, nghệ thuật Dân ca kịch có 5 người, nghệ thuật Kịch nói có 17 người, nghệ thuật Múa Rối có 3 người, nghệ thuật Tuồng có 9 người, nghệ thuật Xiếc có 6 người và họa sĩ thiết kế sân khấu có 1 người.
Có 4 cá nhân được đề nghị truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” gồm: NSƯT. Nguyễn Đăng Toàn, diễn viên Đoàn Cải lương Hải Phòng; NSƯT. Bùi Văn Cường, đạo diễn, Hãng phim Truyệt Việt Nam (nay là Công ty cổ phần đầu tư và Phát triển phim Truyện Việt Nam); NSƯT. Đoàn Anh Tuấn, diễn viên nhạc, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; NSƯT. Trần Ngọc Châu, diễn viên công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
4 cá nhân được đề nghị truy tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” gồm: Ông Trần Công Pho, diễn viên hát, Đoàn Ca Múa Nhạc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; ông Vũ Văn Học, diễn viên hát, Đoàn Ca Múa Quân khu Việt Bắc (nay là Đoàn Văn công Quân khu I); ông Nguyễn Quý Bôn (Thanh Quý), diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội; ông Huỳnh Hữu Hòa, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết sở dĩ có nghị quyết riêng đề nghị về việc xét tặng danh hiệu 199 trường hợp này là do trong quá trình xét duyệt hồ sơ có một số tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định ví dụ như số lượng huy chương…
Theo kế hoạch trong tuần tới 199 trường hợp này cùng 192 hồ sơ đủ tiêu chuẩn sẽ được Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ để đề nghị Chủ tịch nước quyết định.
Dự kiến, lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân“, “Nghệ sĩ ưu tú” sẽ được tổ chức vào dịp Quốc khánh mùng 2-9 năm nay./.
Từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 7 năm 2019 vừa qua, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị tổ chức Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là một trong 10 đơn vị nghệ thuật trong nước và 2 đơn vị nước ngoài (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia) với sự tham dự của tổng cộng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên, tham gia Liên hoan với tác phẩm nhạc kịch mang tên ‘Lá đỏ” gồm 2 màn và 6 cảnh do NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB với tư cách chỉ đạo nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là tác giả âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Nguyễn Hồng Phong đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa cùng các biên đạo khác như NSND Phạm Anh Phương, Minh Trang, với sự tham gia của các nghệ sĩ Opera, diễn viên múa và dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là người trực tiếp viết theo ý tưởng và kịch bản thơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hai tác giả đã cùng phối hợp triển khai với cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: “Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”.
“Lá đỏ” được thực hiện dựa trên câu chuyện bi tráng của 8 chiến sỹ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong hang “8 cô” trên đường 20 Quyết Thắng những năm chống Mỹ. Tác giả đã phóng tác sân khấu hóa thành câu chuyện về 8 cô gái được thể hiện trên sân khấu với những hình tượng đẹp, xúc động, đi vào lòng người. 8 cô trở thành những vị anh hùng huyền thoại Mãi mãi vinh danh.
Với những cô gái này, hàng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình đã là điều mãn nguyện. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến lúc hy sinh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc viết về Trường Sơn thời kháng chiến và đưa vào âm nhạc bác học. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi. Nhờ đó vở Opera “Lá đỏ” thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.
Vở nhạc kịch “Lá đỏ” trình diễn đã thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm với Ban giám khảo và đông đảo khán giả và đã nhận được tới 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân. Trong đó, có Giải xuất sắc toàn đoàn về thể loại Opera, Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho dàn nhạc biểu diễn xuất sắc, Bằng khen Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cho toàn đoàn, Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho toàn đoàn. Giải thưởng của hội đồng nghệ thuật dành cho chỉ huy xuất sắc Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Họa sĩ xuất sắc NSƯT Hoàng Hà Tùng. Huy chương Vàng tốp ca nữ thanh niên xung phong, Huy chương vàng tốp múa nữ thanh niên xung phong. Các cá nhân của Nhà hát cũng đoạt nhiều giải thưởng như nghệ sĩ Đào Tố Loan giành Huy chương Vàng, nghệ sĩ Đinh Như Tới và Nguyễn Huy Đức giành Huy chương Bạc.
Chia sẻ sau Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), cho biết: “Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi có mặt ở Liên hoan Tiếng hát đường 9 xanh. Với nỗ lực về chất lượng và tri ân khán giả Quảng Bình – Quảng Trị, chúng tôi mong muốn mang đến cho Liên hoan một chương trình có chất lượng cao, với trách nhiệm đóng góp một phần sức mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Tác phẩm “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao thế giới, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.
Nhạc kịch (Opera) vốn được kết tụ từ ca từ, nghệ thuật vocal, nhạc giao hưởng đến kịch, múa nên được coi là thể loại nghệ thuật bác học. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có đạo diễn Opera thực thụ. Vì vậy, “Lá đỏ” được coi là một điểm nhấn hoàn thiện về nhạc kịch sau vở “Cô sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh là hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp diễn ra 3 năm một lần, để các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập thể hiện thành quả lao động, sáng tạo về đề tài chiến tranh cách mạng, đồng thời là sự kiện văn hóa, nghệ thuật gắn kết 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
Múa là loại hình nghệ thuật khắc nghiệt, đòi hỏi sự khổ luyện, niềm đam mê và cả sự đầu tư không mỏi mệt từ gia đình. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, thành danh và cả làm giàu trong nghề này quả là “nhiệm vụ bất khả thi”. Áy vậy mà một số nghệ sĩ, biên đạo múa người Việt đã “làm mưa, làm gió” trên sân khấu nước ngoài và biến mình thành cánh chim lạc hồng trên bầu trời nghệ thuật thế giới.
Trần Tiến Huy – Giám đốc nghệ thuật người Việt đầu tiên ở châu Âu
Một người không thể không nói đến khi trở thành nhân vật đầu tiên là người Việt được mời làm Giám đốc nghệ thuật của một nhà hát châu Âu – Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức. Đó chính là biên đạo, nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy (sinh năm 1987). Là một tài năng múa trẻ ở Việt Nam, Trần Tiến Huy bước vào nghiệp múa từ năm 1999 tại Trường Múa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 2008, Trần Tiến Huy giành giải Ba (solo) trong cuộc thi Tài năng múa trẻ. Cũng năm đó, anh bắt đầu thử sức mình trên sân khấu quốc tế khi làm việc cho Công ty Swiss Cinevox Junior do Malou Fenaroli Leclerc đứng đầu. Nhìn thấy tài năng thiên bẩm cũng như sự khổ luyện và niềm đam mê nghiệp múa của chàng lãng tử này, Thụy Sỹ đã trao cho anh học bổng dành cho biên đạp múa nằm trong dự án đào tạo của Chính phủ tại Reinhild Hoffmann. Kết thúc khóa đào tạo, anh làm việc tại Nhà hát Hagen (Đức) dưới sự chỉ đạo của Ricardo Ferando và Nationaltheater Mannheim từ năm 2011-2015. Sau đó, anh chuyển sang Nhà hát quốc gia Mannheim từ 2015-2016. Năm 2011, anh giải nhất của cuộc thi “Biên đạo múa trẻ – CJC – Neuhausen tại Thụy Sĩ. Anh bắt đầu đầu quân cho Nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern từ năm 2016 và đến nay, anh chính thức được mời làm đồng đạo diễn nghệ thuật của Nhà hát danh giá này.
Nhưng, thành công trên sân khấu nước ngoài không khiến Trần Tiến Huy sống trong hào quang mà quên đi “quê cha, đất mẹ”. Huy thường dành thời gian trở về Việt Nam tham gia giảng dạy các lớp múa đương đại. Made in Vietnam – workshop múa đương đại 2018 là lần đầu tiên Huy cùng các đồng nghiệp đang chinh chiến tại trời Âu chia sẻ kiến thức, trải nghiệm với công chúng. Cuối tháng 6 vừa qua, Huy đã về nước tham dự chương trình Múa đương đại – Hanoi Dance Fest 2019 với tác phẩm Đa chiều (Multidimention) cùng sự thực hiện của các diễn viên múa nước ngoài. Tác phẩm Đa chiều của anh mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về cùng một vũ đạo – Một sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những chiều kích biên thiên bao gồm không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu.
Nói về Trần Tiến Huy, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, mẹ của anh, cũng từng là một diễn viên múa đã hy sinh sự nghiệp vì gia đình, tâm sự: “Tiến Huy sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật múa nên từ bé, Huy đã có cái nôi của sự đam mê. Nhưng từ đam mê đến thành công của hôm nay sự sự hy sinh mọi thú vui, sự khổ công rèn luyện và quyết tâm của bản thân và sự ủng hộ của gia đình. Nhiều người hỏi tại sao đến giờ này, chúng tôi vẫn ở trong căn hộ tập thể được phân từ ngày xưa? Đơn giản thôi! Mọi thứ chúng tôi kiếm được đều để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy của con cái. Chỉ vậy là đủ rồi!”.
Vũ Ngọc Khải đưa hồn Việt vào sáng tạo
Năm 2015, sân khấu múa Việt Nam xôn xao với vở “Nón”. Năm 2016, vở múa đương đại đậm chất Việt này được mời biểu diễn tại Hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu. Năm 2017, “Nón” tiếp tục được biểu diễn tại Liên hoan múa quốc tế Changmu Performing arts Festival (Seoul – Hàn Quốc). Biên đạo và diễn viên chính của vở là Vũ Ngọc Khải. Và gần đây nhất, năm 2019, “Đáy giếng” đã “hớp hồn” người yêu nghệ thuật múa đương đại trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace tổ chức.
Múa là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện từ bé (thường từ 7-8 tuổi), và thời gian làm nghề ở độ thăng hoa không hề dài. Như với Khải, anh bắt đầu với 7 năm học múa ballet chuyên nghiệp tại trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Từng làm việc cho một nhà hát tại Việt Nam, rồi tiếp tục tu nghiệp và làm việc tại Hà Lan, kể từ năm 2007, sự nghiệp nghệ thuật của anh gắn liền với các sàn diễn châu Âu. Không chỉ được thừa nhận trong vai trò diễn viên soloist, Vũ Ngọc Khải còn là biên đạo, Giám đốc chuyên môn và giảng viên múa. Anh luôn muốn đưa văn hóa Việt cộng hưởng với tư duy nghệ thuật đương đại vào tác phẩm của mình. Điển hình gần đây nhất là “Đáy giếng” với hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hoá và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.
Bên cạnh sáng tác, Vũ Ngọc Khải cũng chuyên tâm tới giảng dậy. Học về cơ thể và chuyển động nên anh quan tâm tới những chuyển động tự nhiên, hợp lý với cơ thể. Cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngã và hít thở.
Ngọc Khải mang theo mình sự luyện tập của Ballet và chuyển dần sang Neo-Classical rồi múa Đương đại. Mang một hơi thở luôn chuyển động về nghệ thuật múa, anh mong muốn những tác phẩm của anh sẽ chạm tới khán giả với nhiều khía cạnh của cuộc sống Đương đại hiện tại. Tâm sự về “nghiệp múa”, Vũ Ngọc Khải cho biết: “Múa cho tôi hơi thở, khung hình, âm thanh, ánh sáng và đi vào trong không gian, tốc độ, với cảm giác và cảm xúc rất thật!”.
Xuân Lê – chàng trai gốc Việt mang trượt băng vào múa
Tuy không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) lại rất muốn cống hiến tài năng của mình trên mảnh đất Tổ của mình. Dù gặt hái được nhiều thành công qua các tour lưu diễn vòng quanh thế giới với các đoàn nghệ thuật danh tiếng, Xuân Lê vẫn luôn khao khát tiến xa hơn nữa trong hành trình kiếm bản thân. Năm 2016, Xuân Lê quyết định thành lập đoàn múa tại Paris để theo đuổi một niềm đam mê khác, cũng không kém phần mãnh liệt: biên đạo và dàn dựng các tác phẩm của chính mình và Vòng lặp là sáng tác solo đầu tay của anh.
Là chủ nhân của giải vô địch nước Pháp và giải 6 – vô địch trượt patin thế giới (thể loại freestyle) năm 2009, Xuân Lê nhanh chóng bén duyên với nghệ thuật múa. Vừa đầu quân cho đoàn múa Käfig, Bissextile vừa là thành viên của đoàn xiếc Eloize, có thể nói Xuân Lê là một nghệ sĩ đa tài, một người nghệ sĩ “không giới hạn”.
Anh kết hợp tinh tế bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình. Tác phẩm Vòng lặp của anh mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ tái hiện trên sân khấu huyễn tưởng đầy ấn tượng.
Không chỉ là Tiến Huy, Ngọc Khải hay Xuân Lê, cái nôi múa Việt còn có biết bao nhiêu gương mặt thành danh trên sân khấu quốc tế. Lê Ngọc Văn, diễn viên ballet Việt Nam cũng là một trong những cái tên mang đến niềm tự hào cho Việt Nam. Hiện anh đang làm việc cho Nhà hát Hoàng gia Anh. Bên cạnh đó, anh vẫn thường xuyên về nước để cộng tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và một số đơn vị nghệ thuật khác. Năm 2018, Lê Ngọc Văn đã thể hiện tốt vai trò biên đạo múa khi phối hợp cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong hai vở Bolero và Suit en Blanc. Theo tiết lộ từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Lê Ngọc Văn đã chính thức nhận lời về Việt Nam dàn dựng và biên đạo vở vũ kịch Hồ Thiên Nga một cách đầy đủ nhất, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 10 tới tại Hà Nội.
Có thể kể thêm nhiều cái tên khác được nhiều người biết đến như Hoàng Ngọc Tú (Conny Janssen Danst, Hà Lan), Lê Thanh Phong (Nhà hát Luneburg, Đức), Phạm Trí Thanh (Nhà hát St Gallen, Thụy Sỹ), Bùi Ngọc Quân (Công ty Les Ballet C de la B, Bỉ), Nguyễn Ngọc Anh (Random Dance Company, Anh).
Với tâm thế của những nghệ sĩ luôn muốn đóng góp khả năng của mình cho nền nghệ thuật nước nhà, các anh chị luôn theo dõi và sẵn sàng góp sức bất cứ lúc nào có thể. Không chỉ hoạt động ở lĩnh vực sáng tạo, biên đạo và biểu diễn, các nhóm các nghệ sĩ múa này cũng góp sức cho những khóa tập huấn về múa đương đại cho giảng viên, sinh viên khoa Múa các trường đại học ở Việt Nam.
Với những gì đã, đang và sẽ làm được, chúng ta tiếp tục hy vọng những cánh chim Lạc Hồng sẽ bay cao, bay xa hơn nữa để tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật quốc tế.