Tin tức

Nghệ sĩ Trần Xuân Hòa: “Với bộ gõ, tôi muốn nói tiếng nói của chính mình”

Được mệnh danh là ‘phù thủy’ bộ gõ, Trần Xuân Hòa, nghệ sĩ chơi bộ gõ hiện đang làm tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã có hành trình độc đạo hơn 10 năm tìm kiếm và khẳng định ngôn ngữ độc lập của bộ gõ trong thế giới nhạc cụ.

Anh tạo ra một không gian đa sắc cho bộ gõ, có khi là tiếng của, đại ngàn, có khi là tiếng ru dịu dàng, là nỗi buồn, niềm vui… Anh chia sẻ: “Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó”.

– Chúc mừng Trần Xuân Hòa với dự án mới sắp trình làng vào tháng 5. Anh im hơi lặng tiếng khá lâu và lần này trở lại, anh chia sẻ với công chúng điều gì?

+ Cuối tháng năm này tôi sẽ có một buổi biểu diễn nho nhỏ ở Manzi, giới thiệu các tác phẩm mới của mình. Đó là những sáng tác rất gần với công chúng, tôi lấy chất liệu của các vùng miền dân tộc Việt Nam, những giai điệu ai cũng đã từng nghe ở đâu đó. Còn nhạc cụ chỉ là phương thức chuyển tải tiếng nói của mình mà thôi. Dự án có tên gọi “Âm hưởng vùng cao” gồm 6 bản nhạc mới “Mùa xuân”, “Chồi”, “Bản”, “Điệu nhảy”, “Nước”….

– Những sáng tác mới của anh mang âm hưởng dân gian của người Mông, Tày, Thái, Ráy. Điều gì ở âm nhạc vùng cao quyến rũ hút anh đến thế?

+ Mồng 3 Tết vừa rồi tôi thuê xe máy lên vùng Seo Mý Tỷ, một vùng heo hút ở Sa Pa. Tôi đang đi giữa rừng thì thấy một ngôi nhà tập trung rất đông người. Tôi tò mò vào hỏi, hóa ra đó là nhà thờ của người Mông, người dân đang tụ tập ở đó để nghe giảng về lễ đón năm mới. Tôi thấy trong sinh hoạt nhà thờ, người Mông đề cao âm nhạc và ca hát, sau một đoạn giảng thì có một tốp người lên hát bằng tiếng Mông. Dù không hiểu nhưng tôi thấy rất thú vị. Tôi cứ nghĩ đời sống của người dân tộc nghèo nàn, đơn điệu nhưng khi đi sâu vào thế giới của họ, đặc biệt âm nhạc của họ, tôi khám phá ra nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn. Đêm 30, tôi ăn Tết trong một gia đình người Ráy và được thưởng thức âm nhạc của họ, rất khác biệt với người Mông. Sống và tìm hiểu âm nhạc của người dân tộc, tôi hiểu vì sao các nhà nghiên cứu cho đó là một di sản. Nó thực sự đẹp và quyến rũ. Và tôi đã sử dụng chất liệu đó cho những sáng tác mới của mình.

– Lần đầu tiên anh có một dự án gồm những sáng tác mới dành cho bộ gõ, điều gì thôi thúc anh?

+ Tôi sáng tác những bản nhạc dành cho bộ gõ vì ở Việt Nam không có. Sáng tác ca khúc dễ kiếm tiền, dễ đi vào lòng người. Nhưng một tác phẩm viết cho nhạc cụ nó sẽ kén người nghe, đòi hỏi khản giả có kiến thức về âm nhạc, có thẩm mỹ âm nhạc nhất định. Trên thế giới cũng có tác phẩm viết cho bộ gõ nhưng muốn chơi phải chi trả tiền bản quyền khá cao. Tôi ấp ủ tự viết nhạc cho bộ gõ khá lâu rồi. Khi tự sáng tác, mình được nói lên tiếng nói của mình. Bây giờ tôi chạm mức 40 tuổi rồi, mình không thể là một nghệ sĩ đi biểu diễn tác phẩm của người khác mãi được. 40 tuổi, tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc của cuộc sống, những hỷ, nộ, ái, ố. Và tôi muốn gửi gắm tiếng nói của mình với khán giả qua bộ gõ.

– Vì sao anh chọn trống Handpan – một loại trống xuất phát từ Châu Âu để trình diễn những bản nhạc mới này? Tôi tò mò tự hỏi, âm nhạc truyền thống và nhạc cụ đương đại sẽ được kết nối với nhau thế nào?

+ Trống Handpan mang thiên hướng núi rừng. Tôi liên tưởng đến vùng cao, đến Tây Bắc, Tây Nguyên khi tiếng trống vang lên. Vì thế, tôi nghĩ đến việc đi tìm chất liệu và sáng tác. Như tôi nói, chiếc trống chỉ là phương tiện biểu đạt tình cảm, tâm tư của người nghệ sĩ mà thôi. Và dù là âm nhạc của vùng miền nào thì nó cũng được cất lên từ chính trái tim của người nghệ sĩ. Đó chính là sự kết nối.

– Từ một nghệ sĩ chơi trống trong dàn nhạc giao hưởng, Trần Xuân Hòa đã bứt phá trở thành một nghệ sĩ bộ gõ độc lập. Cơ duyên nào giúp anh đi con đường tiên phong đó?

+ Năm 2010, tôi học ở Singapore về, dự định sẽ về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB)  và chơi trống mà thôi. Nhưng nhạc sĩ Phạm Hồng Hải đã gọi tôi vào và động viên, Hòa phải làm một chương trình riêng đi. Nếu không có lời khuyến khích đó thì tôi mãi mãi chỉ là người đánh trống bình thường. Lúc đó tôi chưa hình dung ra con đường solo bộ gõ sẽ thế nào. Từ những góp ý, câu chuyện chia sẻ với đồng nghiệp và những ý tưởng nung nấu trong đầu, tôi bắt đầu bắt tay vào tổ chức chương trình riêng. Ở Hà Nội lần đầu tiên có một đêm diễn bộ gõ. Đó là năm 2010. Khó khăn, nỗ lực làm solo, tôi luôn dành thời gian đau đáu nghĩ về nó. Tại sao những môn nghệ thuật hay những món ăn tinh thần đặc biệt như thế mà khán giả Việt không được thưởng thức. Đó là động lực giúp tôi quyết tâm đi con đường solo.

 Trong dàn nhạc bộ gõ đóng vai phụ giữ nhịp điệu, tiết tấu, nhưng anh quyết tách nó ra thành một nhạc cụ chính, solo. Con đường đường đó hẳn sẽ nhiều chông gai?

+ Tôi đã đi con đường độc hành hơn 10 năm. Trên thế giới, những kiểu tách thế này rất nhiều, chỉ Việt Nam là chưa có. Tôi tự hỏi sao thế giới làm được mà mình thì không, vì thế hơn 10 năm nay tôi lầm lũi, cần mẫn làm các chương trình độc tấu của bộ gõ để giới thiệu với khán giả, giúp khán giả hiểu rằng, bộ gõ cũng có những tâm tư, tình cảm riêng, nó có thể tách rời, biểu diễn một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhiều người nghĩ đến bộ gõ là nghĩ đến sự ồn ào, náo nhiệt. Nhưng thực tế, bộ gõ không chỉ có trống, không chỉ có sự ồn ào mà nó vẫn có những khoảng lặng, những tâm tư tình cảm như con người. Bản thân nghệ sĩ bộ gõ không đóng mình trong khuôn phép nào cả, họ tự do sáng tạo đạo cụ riêng đưa lên sân khấu miễn là đạo cụ đó có nhịp điệu và tiết tấu riêng. Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó.

– Điều gì giúp anh vẫn miệt mài đi con đường độc hành nhiều năm qua?

+ Tôi không thấy cô đơn trên con đường của mình, vì bên cạnh tôi luôn có khán giả và bạn bè. Tôi cũng không thấy khó khăn vì thực tế trong cuộc sống, nhu cầu của tôi đơn giản lắm. Lựa chọn thì phải chấp nhận đánh đổi. Người nghệ sĩ không thể vừa muốn cái này, vừa muốn cái kia. Thực tế, nhiều nghệ sĩ bộ gõ không có cái tôi thôi thúc mạnh mẽ để vươn lên. Tại sao mình cũng học như người khác nhưng cuối cùng phải ngồi chờ, làm theo ý tưởng tác phẩm của họ. Tôi không chấp nhận điều đó và không muốn làm theo ý tưởng của người khác, tôi muốn đi con đường của mình. Bởi nếu mình không vươn lên thì mình chỉ là người có tay nghề cao, chỉ là công cụ để thực hiện ước mơ của người khác. Nếu không có đam mê, theo đuổi con đường riêng thì tôi mãi mãi chỉ là một người đánh trống vô danh trong dàn nhạc.

– Anh nói anh không đơn độc vì luôn có khán giả bên cạnh. Sau một chặng đường dài, khán giả đón nhận anh và các tác phẩm mới của bộ gõ như thế nào?

+ Tôi đã có một lượng khán giả riêng sau một hành trình dài. Tuy nhiên, phải xác định khán giả của tôi không đông, không thể là đại chúng. Vì thế, những đêm diễn của tôi thường là những khán phòng nhỏ, 70-100 khán giả. Như thế là vui rồi. Cứ từng bước bền bỉ, lan tỏa như vậy thôi.

– Anh được mời đi diễn ở nhiều nước, có lúc nào đó anh mơ ước những tác phẩm của mình sẽ vượt ra ngoài biên giới?

+ Đó là giấc mơ của người nghệ sĩ, một lúc nào đó, tác phẩm của mình sẽ được biểu diễn tại các Festival quốc tế. Tôi luôn ấp ủ khát vọng đó. Tại sao không nhỉ. Có thể thời tôi chưa làm được thì các thế hệ sau tôi, họ nhìn thấy con đường mình khai phá, họ sẽ tiếp nối. Phải có người tiên phong, tạo nền tảng để người đi sau phát triển lên. Trên thế giới có nhiều Festival. Mỗi lần đi diễn tôi thường vào cửa hàng nhạc cụ các nước, tìm cái nào hay và lạ thì mua, tìm những tài liệu của nó để học. Có lẽ cuộc đời tôi chỉ có một đam mê quái gở, sưu tầm các nhạc cụ trên thế giới và học cách chơi của nó. Ở nước ngoài, tôi may mắn đi diễn với nhiều nghệ sĩ, họ rất coi trọng sự sáng tạo của nghệ sĩ, một ban nhạc nước ngoài thường sáng tác và tự biểu diễn tác phẩm của họ, họ đánh giá cao những sản phẩm cá nhân. Đó là tiếng nói của cá nhân. Còn ở ta, sự sáng tạo chưa được coi trọng, thậm chí nhiều khi mờ nhòa trong thế giới ồn ào của showbiz. Các giá trị thật- giả cứ lẫn lộn. Nhưng thôi, tôi may mắn đã có một con đường, cứ thế mà đi. Cuối năm, tôi dự định sẽ ra một album riêng của bộ gõ, mong được khán giả đón nhận.

V.Hà (thực hiện)

Bộ gõ là vô vàn tiếng động của đời thường, nó không chỉ là một tiết tấu để giữ nhịp cho ban nhạc nào đó, nó có giọng điệu, tiếng nói riêng, ngôn ngữ riêng của mình, tôi đã và đang khai thác ngôn ngữ riêng đó

Mãn nhãn với màn trình diễn trong ‘Đại lộ di sản’

Tối 12/5 vừa qua, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), chương trình nghệ thuật Đại lộ Di sản số đầu tiên của VTV đã diễn ra với các tiết mục đặc sắc của 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Toàn bộ chương trình do ê kíp sáng tạo thực hiện, trong đó NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), chịu trách nhiệm chính phần múa.

Có 8 đoàn nghệ thuật đến từ 8 nước châu Á cùng 300 tăng ni, 120 diễn viên của Việt Nam tham gia chương trình, trong đó có sự góp mặt của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak.

 

Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak

 

Các đoàn nghệ thuật đã mang đến những tinh hoa nghệ thuật của quốc gia mình, trong đó mỗi tiết mục đều ẩn chứa một câu chuyện về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xưa cho đến ngày nay.

Tam Chúc là nơi lý tưởng để các nghệ sĩ “chơi” nghệ thuật ánh sáng và âm thanh cùng phong cách dàn dựng mới lạ.

Phần 1 của chương trình Đại lộ di sản với chủ đề Việt Nam – Đất Phật ngàn năm được mở màn bằng đoàn rước từ từ đi lên từ mặt nước. Không gian chùa Tam Chúc vô cùng lung linh với hình ảnh ánh sáng chiếu rọi vào 6 quả núi và hơn 2 vạn bông hoa đăng.

Sân khấu nổi lên vô cùng huyền bí, khách tham dự có cảm giác một ngôi chùa đang mọc lên từ biển cả bao la. 300 tăng ni từ từ tiến vào sân khấu cùng các ca sĩ Ngọc Sơn, Quách Tuấn Du, Đông Hùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh thể diện bài hát Việt Nam Phật giáo rạng ngời và màn múa Cờ Phật.

Màn hình hiện lên là nền đá nham thạch miêu tả các sự tích của Đức Phật tại khu du lịch Tam Chúc cùng với bài ca cổ “Chuyện Phật Thích Ca giáng trần” được soạn lời mới từ Thượng toạ Thích Nhật Từ khiến người xem, ai cũng muốn một lần được đặt chân tới ngôi chùa tuyệt đẹp này.

Đạo diễn, biên đạo múa Trần Ly Ly đã khiến người xem trầm trồ bởi phần dàn dựng màn múa Khai giác cho hơn 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Màn múa khiến người xem tâm đắc bởi chắc có lẽ, sinh ra, con người đã khơi mở Phật tính sẵn có của mình để chứng ngộ nguồn gốc của pháp.

Phần 2 của Đại lộ di sản, tại sân khấu của ngôi chùa lớn nhất thế giới Tam Chúc, khán giả được hoà mình vào không khí lễ hội đậm đặc màu sắc văn hoá được các nước.Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn khiến người xem thấy được nét đặc sắc của văn hoá Ấn Độ – quê hương của Phật giáo. Những điệu múa cổ điển nhất của Ấn Độ thể hiện những câu chuyện Phật giáo. Và điệu múa Odissi là một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ, là di sản văn hóa của quốc gia.

Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn

Đoàn nghệ thuật Sampath Rangayathanaya – Sri Lanka

Múa Onden Onden do đoàn nghệ thuật Indonesia biểu diễn.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam nhận được rất nhiều lời khen ngợi của bạn bè quốc tế. “Lục cúng hoa đăng” là một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn. Đây là điệu múa có nguồn gốc từ lâu đời và đến hôm nay dù trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử, nhưng nó vẫn tồn tại, tuy không còn nguyên vẹn như ban đầu. “Lục cúng hoa đăng” là 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng lên một thứ lễ vật như: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam do các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thực hiện

Tiết mục múa Awa Odori và các nhạc cụ do đoàn nghệ sĩ Nhật Bản – KINARI biểu diễn. Lễ hội nhảy múa Awa Odori Matsuri được cho là bắt nguồn từ năm 1586. Điệu múa “Awa Odori” truyền thống thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo.

Tiết mục The Defeat of Mara do đoàn nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa Thái Lan

Tiết mục múa Awa Odori của Nhật Bản

Tiết mục Suo Nan Zhi đoàn nghệ thuật Trung Quốc.

Điệu múa Cham Bhutan

Điệu múa Cham Bhutan – một điệu nhảy truyền thống gắn liền với văn hóa Phật giáo. Các vũ công sẽ đeo mặt nạ và nhảy múa trên nền nhạc truyền thống được chơi bởi các nhà sư. Những điệu múa Cham không chỉ miêu tả lại sự vĩ đại và công đức của Đức phật mà còn là một phương pháp thiền định, là sự kính ngưỡng của con người nơi đây hướng tới các vị thần. Điệu Cham thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn.

Với Đại lộ di sản, âm nhạc, nghệ thuật như một thứ tín ngưỡng chia sẻ tâm tư, tình cảm, ước mơ của con người. Màn hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam và màn pháo hoa đã kết lại chương trình thật đẹp và để lại nhiều xúc cảm cho người xem.

Tình Lê (VietnamNet)

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tiết lộ:

Tiết mục múa đông nhất tại Đại lộ Di sản lên tới hơn 300 tăng ni và 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Còn tổng thể thực hiện chương trinh lên tới con số hàng nghìn người, bao gồm cả diễn viên và người thực hiện

VNOB tham gia Đại lộ di sản chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019

Với mục đích giới thiệu đến khán giả những di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Đài truyền hình Việt Nam đã cùng e kíp sáng tạo xây dựng một chương trình nghệ thuật quốc tế mang tên Đại lộ di sản, dự kiến sẽ diễn ra hàng năm với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong có có sự góp mặt của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Dự kiến,  Chương trình Đại lộ di sản sẽ ra mắt số đầu tiên lúc 20h10 ngày 12 tháng 5 trên kênh VTV1.

NSƯT Trần Ly Ly, Q.Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), là một trong những nhân vật chủ chốt trong ê kíp sáng tạo của chương trình này. Bà Ly Ly sẽ phối hợp cùng với đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Lưu Hà An và nhạc sĩ Thanh Phương. Số đầu tiên sẽ diễn ra tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Hà Nam, đúng vào đợt diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2019. Mục đích của chương trình là đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, thông qua đó sẽ góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hóa chân – thiện – mỹ của Việt Nam và nhân loại.

Quang cảnh họp báo ra mắt chương trình Đại lộ di sản

Theo thông tin từ ê-kíp sản xuất, chương trình gồm 2 phần. Phần đầu tiên mang tên Việt Nam – Đất Phật ngàn năm. Trong phần này, khán giả sẽ được xem những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản  tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng như Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian (Hát ru – Đi cấy – Vào chùa), Múa trống Thượng đường/Khai giác… với sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và hàng trăm diễn viên múa chuyên nghiệp.

Phần thứ hai mang tên Đại lộ di sản , giới thiệu tới công chúng những di sản văn hóa phi vật thể của nhiều quốc gia trên thế giới. Xuất hiện trong chương trình năm nay gồm múa “Lục cúng hoa đăng” – điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003); múa Odissi của Ấn Độ (một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ); múa Awa Odori Nhật Bản (được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo); múa Cham của Bhutan (một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này)…

Những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó hoặc của thế giới do UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.

Múa Lục cúng hoa đăng sẽ xuất hiện trong Đại lộ di sản số đầu tiên

Đặc biệt, trong phần múa, theo NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ, chương trình sẽ được dàn dựng bao gồm 4 mảng múa lớn, trong đó có sự tham gia của 300 ni sư, 120 diễn viên múa…Đặc biệt, một tác phẩm được viết lời bởi chính Thượng tọa Thích Nhất Từ với việc viết lời có nội dung về đạo Phật trên nền bài “Dạ cổ hoài lang”. Theo đó, nét đặc biệt nhất của phần này là khán giả sẽ được xem một màn trình diễn với sự tham gia của 300 người xếp thành hình chữ “vạn”.

Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc. Mỗi di sản đều có điểm phát tích, có những thăng trầm gắn với lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia. Ngoài những mặt giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày nay di sản văn hóa còn được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian.

Chương trình nghệ thuật thường niên Đại lộ di sản hy vọng là một trong những nỗ lực góp phần bảo vệ di sản, cũng chính là bảo vệ văn hóa của mỗi một quốc gia.

 

Tuyết Hoa

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn mới: Thông thoáng, nhưng sẽ chặt chẽ hơn

Nhiều quy định đã được sửa đổi thông thoáng hơn trong dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng.

Thông tin cho báo chí về dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn đang được Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng, chiều 12/2, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, nhiều quy định được cởi mở, thông thoáng hơn. Tuy nhiên, Nghị định cũng sẽ chặt chẽ hơn và giao quyền về địa phương quản lý.

Bỏ cấp phép ca khúc

Theo ông Nguyễn Quang Vinh- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định về Hoạt động biểu diễn (sau đây gọi tắt là Nghị định) trên cơ sở các Nghị định 79, 15 trước đây. Những vấn đề trong quá trình quản lý còn bất cập sẽ được sửa đổi, mục đích của Nghị định là giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và các thành viên khác trong xã hội khi tham gia hoạt động Nghệ thuật biểu diễn.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Nghị định mới không chỉ quan tâm các điều kiện về cấp phép biểu diễn, cấp phép thi hoa hậu… mà một phần quan trọng là xây dựng chính sách cho nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật trong bối cảnh mở cửa thị trường.

Một vấn đề được quan tâm trong dự thảo Nghị định lần này là cấp phép các ca khúc trước năm 1975. Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975, chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân thì sẽ bị cấm.

“Trước đây quy định cấp phép ca khúc trước 1975, tuy nhiên, hiện giờ không còn phù hợp. Cục NTBD cũng băn khoăn giữa việc lựa chọn danh mục công bố các ca khúc được phép, nhưng trên thực tế không làm được. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định, các đơn vị quản lý nhà nước căn cứ vào quy định này, tác phẩm không chỉ bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, nội dung xấu thì không được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào. Giám sát sẽ là các địa phương, tăng cường quyền cho địa phương. Cục NTBD không trực tiếp quản lý, các Sở địa phương cấp phép và quản lý. Cục NTBD chỉ giám sát” – Ông Nguyễn Quang Vinh khẳng định.

Trước băn khoăn về năng lực của cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương chưa đồng bộ, có thể chưa chặt chẽ trong cấp phép biểu diễn ca khúc, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, cán bộ văn hóa đủ trình độ để biết bài hát có chống lại lợi ích đất nước, có bôi nhọ tổ chức, cá nhân hay không.

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng chế tài xử phạt như rút phép biểu diễn đối với công ty, tổ chức vi phạm.

“Cởi mở” quy định về thi hoa hậu

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, quy định về các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong Dự thảo Nghị định cũng “thông thoáng” hơn.

“Thực tế hiện nay Việt Nam phát triển khá mạnh về các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Chính sách của Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân tích cực tham gia hoạt động biểu diễn theo quy định pháp luật. Hầu hết các cuộc thi này không sử dụng ngân sách nhà nước, là các hoạt động xã hội hóa, vì vậy, theo tôi, không nên cấm nếu họ không vi phạm pháp luật. Dự thảo Nghị định chỉ đưa ra quy định, định mức kỹ thuật để các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó để điều hành, quản lý”- Quyền Cục trưởng Cục NTBD nhấn mạnh.

Với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, Dự thảo Nghị định theo hướng khoanh vùng các cuộc thi, Cục chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Đối với các cuộc thi do các đơn vị tổ chức, công ty tổ chức tại địa phương nào thì địa phương đó cấp phép quản lý.

Dự thảo nghị định mới cũng sẽ bỏ cấp phép cho các người đẹp đi thi hoa hậu ở nước ngoài. Theo Nghị định 79 đang có hiệu lực, top 3 các người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi các cuộc thi người đẹp ở nước ngoài. Theo Dự thảo Nghị định mới, tất cả các cá nhân có đủ điều kiện theo yêu cầu của cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà thí sinh muốn dự thi đều được cấp phép tham gia. Giấy phép này không nhất thiết phải do Cục NTBD cấp, có thể là địa phương quản lý cấp.

Về việc cấp phép cho nghệ sĩ hải ngoại về biểu diễn tại Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định, Cục NTBD cấp phép cho cá nhân nghệ sĩ về Việt Nam, còn việc biểu diễn trong các chương trình nào, ở địa phương nào, nghệ sĩ hát bài nào thì đơn vị tổ chức xin phép địa phương đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Dự thảo Nghị định về Nghệ thuật biểu diễn dự kiến sẽ được hoàn thiện, xin ý kiến các cá nhân, tổ chức trong quý IV/2019, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành./.

Hoàng Nguyên (Theo bvhttdl.gov.vn)

Nghệ sĩ Opera Vũ Mạnh Dũng tham gia chuyến lưu diễn đặc biệt tại Triều Tiên

Nhân Ngày lễ Thái Dương – Ngày sinh của Chủ tịch Kim Nhật Thành, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã thành lập đoàn nghệ thuật với 55 thành viên lưu diễn tại thủ đô Bình Nhưỡng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã vinh dự có mặt trong đoàn lưu diễn này cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng khác.

Trong chuyến lưu diễn này, 55 thành viên mang theo niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng mang theo áp lực rất lớn bởi đất nước bạn nổi tiếng với các chương trình nghệ thuật đẳng cấp. Nhờ sự nỗ lực hết mình, đoàn đã biểu diễn thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với thời lượng 90 phút, chương trình “Ánh dương Mùa xuân” gồm 16 tiết mục, trong đó có 8 tiết mục giới thiệu vẻ đẹp đất nước, con người, ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc với các di sản văn hóa của Việt Nam. Những tiết mục còn lại được các ca sỹ Việt Nam hát bằng tiếng Triều Tiên, biểu diễn các bản nhạc nổi tiếng của đất nước này bằng nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc… thể hiện sự gần gũi, tương đồng, giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Nghệ sĩ Opera Vũ Mạnh Dũng (đứng bên phải) đang trình diễn trong chương trình lưu diễn cũng với các nghệ sĩ nổi tiếng khác của Việt Nam

Cả hội trường như lắng lại khi nghe ca khúc “Bài ca trung thành” ca ngợi Chủ tịch Kim Nhật Thành của NSND Quang Thọ, chìm đắm trong bài ca “Đam mê” của NS Thái Bảo, “phiêu” cùng ca khúc “Ngã ba Vạn Cảnh đài” của NS Vũ Mạnh Dũng, ấn tượng cùng điệu múa “Anh chàng cắt cỏ và cô gái hái hoa” do NSND Chu Thúy Quỳnh và NSND Kim Chung dàn dựng hay hòa mình trong bản nhạc “Đêm Bình Nhưỡng lắng đọng” do NSƯT Hoàng Xuân Bình và NSUT Trường Giang song tấu đàn bầu… Bên cạnh đó, tiết mục thể hiện sự hội nhập quốc tế với phần biểu diễn độc tấu violon do NSƯT Bùi Công Duy trình bày cũng được người dân Triều Tiên hưởng ứng nồng nhiệt.

Báo Đảng Rodongsinmun, Thông tấn xã Trung ương KCNA, Đài truyền hình Triều Tiên đăng nhiều tin bài chi tiết về chuyến lưu diễn của đoàn. Trong đó, báo Rodongsinmun đánh giá, những tiết mục mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam và những bài ca ca ngợi các Lãnh tụ Triều Tiên được các nghệ sỹ nổi tiếng của Việt Nam biểu diễn đã gây ấn tượng sâu sắc và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả Triều Tiên.

Do đi công tác địa phương, Chủ tịch Kim Jong-un đã xem chương trình biểu diễn của đoàn qua truyền hình và chỉ thị trực tiếp cho lãnh đạo số 2 của Triều Tiên là Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Choe Ryong Hae tiếp và dự xem đêm biểu diễn của đoàn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Trưởng Ban Quốc tế Ri Su Yong hai lần chủ trì chiêu đãi đoàn.

Với mong muốn tiếp tục tăng cường hơn nữa tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Phó Cục trưởng Cục HTQT Nguyễn Phương Hòa bật mí: “Năm 2020, Việt Nam và Triều Tiên sẽ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên dự kiến lên lịch trình tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Đây cũng là năm sẽ diễn ra Liên hoan Nghệ thuật Mùa xuân Bình Nhưỡng, do đó, nếu không có gì thay đổi, Việt Nam sẽ cử đoàn nghệ thuật tham gia sự kiện này”.

Tuyết Hoa

Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm hình thành mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; bố trí hợp lý nguồn lực ngân sách nhà nước dành cho hoạt động sự nghiệp công về văn hóa, thể thao và du lịch; thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh…

Mục tiêu cụ thể đến năm 2021, thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo phù hợp với nhu cầu của xã hội, của từng địa phương và Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đảm bảo tinh gọn, đồng bộ, thống nhất. Trong quá trình sắp xếp, giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập và giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW).

Hằng năm, tăng dần mức độ tự chủ chi thường xuyên phù hợp với lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Phấn đấu có 10% đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015 theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh

Theo Quy hoạch các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực di sản văn hóa, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ yêu cầu công tác quản lý, kết quả hoạt động, quy mô của các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc, thực hiện rà soát, nghiên cứu tổ chức lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 01 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, nghiên cứu rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu tương đồng hoặc sáp nhập vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có.

Căn cứ vào yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ban hoặc trung tâm quản lý (ban quản lý) di tích trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất thành 1 đầu mối cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ và theo dõi các hoạt động tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn hoặc nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập ban quản lý di tích cấp tỉnh vào bảo tàng cấp tỉnh. Duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích tăng dần mức độ tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo từng năm. Phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức tự chủ cao hơn; giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Giai đoạn 2021 – 2030, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục rà soát, nghiên cứu tổ chức lại các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng bảo tàng, ban quản lý di tích hiện có thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh hiện có; tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối ban quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tiếp tục duy trì số lượng ban quản lý đối với di tích là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam.

Các bảo tàng, ban quản lý di tích phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Sáp nhập các đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng

Với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, giai đoạn đến năm 2021, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các nhà hát hoặc đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ, loại hình tương đồng.

(Theo bvhttdl.gov.vn)

Tại sao nên cho trẻ học múa ba-lê?

Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn.

Nếu cảm thấy các bé thích nhảy múa, hay đong đưa theo nhạc, mẹ có thể cho bé trải nghiệm bản thân qua một lớp học ba-lê. Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động. Dù 4 tuổi hay 14 tuổi, bé đều có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể khi tập múa ba-lê.

Nghệ sĩ ba-lê Thu Huệ của VNOB đang say sưa sửa từng dáng chân cho các cháu tại lớp ba-lê cho trẻ em của Nhà hát

Lợi ích về thể chất

Cũng giống như các loại hình múa khác, ba-lê là một môn múa đòi hỏi cường độ tập luyện thể chất cao. Trường múa Colorado (Mỹ) cho biết múa ba-lê giúp cải thiện sức mạnh cơ thể, tính linh hoạt và tầm hoạt động. Ngoài ra, tập ba-lê còn làm tăng khả năng phối hợp và giữ thăng bằng, theo Học viện múa Joffrey (Chicago, Mỹ).

Nhảy múa làm tăng nhịp tim, tăng sức bền, khả năng chịu đựng và đặc biệt là tăng sức khỏe tim mạch nói chung. Với các bé nhỏ tuổi, đây là một cách giúp bé nâng cao nhận thức về cơ thể mình, tăng khả năng điều khiển các hoạt động tinh vi.

Ngoài những lợi ích to lớn về thể chất mà ba-lê đem lại, khi tập luyện loại hình nghệ thuật này, sức khỏe tinh thần và tình cảm của bé cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Trang web của Nhà hát ba-lê Brighton (Mỹ) khẳng định việc luyện tập ba-lê cổ điển sẽ truyền cho bé cảm giác tự hào, thúc đẩy phát triển lòng tự trọng. Trong quá trình hoàn thiện các kĩ thuật múa, bé sẽ dần tự tin hơn. Cảm giác này không chỉ có khi bé tập múa mà sẽ theo bé trong tất cả các hoạt động khác của cuộc sống sau này. Sau những giờ học căng thẳng, múa ba-lê giúp bé thư giãn và sử dụng hiệu quả các năng lượng dư thừa.

NSƯT ba-lê Nguyễn Ngọc Cần của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang chỉnh sửa từng bước cơ bản về ba-lê cho trẻ em

Lợi ích về xã hội

Lớp học múa ba-lê cũng là một lớp học giao tiếp xã hội hữu ích. Tham gia thường xuyên, bé sẽ phát triển các kĩ năng xã hội của mình. Tổ chức giáo dục múa quốc gia (Mỹ) cho biết ba-lê cũng như các môn khiêu vũ khác giúp nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, kĩ năng trao đổi thông tin, hợp tác và nhất là niềm tin ở trẻ. Trong quá trình luyện tập, bé sẽ kết bạn mới một cách tự nhiên, vượt qua được tính nhút nhát, lúng túng khi các tình huống bất ngờ xảy ra. Tất cả những kĩ năng này sẽ góp phần rất lớn trong cuộc sống sau này của bé.

Lợi ích về giáo dục

Cho bé theo học một lớp ba-lê không chỉ giúp bé phát triển thể chất, tinh thần hay kĩ năng xã hội. Đây còn là một hình thức giáo dục đặc biệt và mang lại các lợi ích nhất định. Sự kết hợp giữa vận động, âm nhạc và biểu diễn giúp học viên ba-lê nâng cao nhận thức và cảm giác của mình. Khả năng chú ý, trí nhớ đều được phát huy. Những kĩ năng này rất cần thiết cho bé trong cuộc sống. Đối với những bé muốn khám phá bản thân qua các loại hình múa khác, ba-lê sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc và là điểm khởi đầu tuyệt vời cho bé.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Ba-lê không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động

VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT HỢP XƯỚNG TRONG ĐỜI SỐNG ÂM NHẠC

Hợp xướng là loại hình nghệ thuật âm nhạc được biểu hiện bằng giọng hát nhiều bè. Mỗi bè có cách thức trình diễn riêng tương đối độc lập về âm điệu và nhịp điệu, song liên kết hài hòa với nhau trong một chỉnh thể âm nhạc. Với đặc trưng cơ bản đó, hợp xướng thực chất là lối diễn tấu tập thể nhằm liên kết thống nhất tư tưởng, tình cảm của một cộng đồng nghệ sĩ trong một tác phẩm âm nhạc độc lập hoặc trong các thể loại âm nhạc khác như nhạc kịch, thanh xướng kịch, giao hưởng… Dù theo cách nào, thì hợp xướng cũng được coi là một trong những phương tiện âm nhạc để chuyển tải tiếng nói đồng vọng của quần chúng, đồng thời là công cụ hiệu quả nhất để tạo màu sắc cho sân khấu âm nhạc, thậm chí tạo ra kịch tính âm nhạc.

Trong giáo dục âm nhạc cộng đồng

Có thể nói giọng người là một trong những nhạc cụ đẹp, tiện dụng nhất với việc thể hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trong sự phát triển đời sống cộng đồng xã hội. Ngôn ngữ âm nhạc của hợp xướng vốn có thế mạnh trong việc gợi lên hình tượng nghệ thuật và làm cho hình tượng nghệ thuật dội thẳng vào con tim trước khi vọng lên trí óc của người thưởng thức. Âm nhạc và lời ca của hợp xướng được tổ chức chặt chẽ theo một hệ thống khúc thức logic đem lại khả năng phản ánh cuộc sống đa dạng, phong phú của con người. Niềm vui và nỗi đau thương, sự say mê lao động và niềm hạnh phúc… luôn được sống dậy một cách kỳ ảo trong âm điệu và nhịp điệu của hợp xướng. Đến lượt nó, tiếng nói đồng vọng của dàn hợp xướng lại có sức hòa chung nhịp đập trái tim người thưởng thức để cảm hóa, khơi dậy vốn văn hóa âm nhạc cùng tâm hồn cao thượng của họ.

Lẽ dĩ nhiên, nghệ thuật hợp xướng không tồn tại tách biệt khỏi các loại hình nghệ thuật khác như văn học, thơ ca, vũ đạo, hội họa, sân khấu… Hợp xướng cũng tích hợp trong nó các giá trị văn hóa phổ biến như ngôn ngữ, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, trang phục… Song, với lợi thế ngôn ngữ riêng là thế giới âm thanh, hợp xướng thu hút người thưởng thức trước hết bằng cái hay, cái đẹp của giọng người . Có bao nhiêu nét tinh tế trong đời sống tinh thần của con người thì có bấy nhiêu nét tinh tế trong ngôn ngữ âm nhạc hợp xướng. Có thể nói, hợp xướng không những hát mà còn vẽ, múa, kể chuyện, hối thúc, khuyên nhủ và dạy học được. Chính vì vậy, nói đến vai trò giáo dục của nghệ thuật hợp xướng là nói đến sự tác động trực tiếp, mạnh mẽ của hệ thống âm thanh và lời ca đã được nhào nặn nhuần nhụy vào tâm tư, tình cảm của người nghe, qua đó làm cho họ tự điều chỉnh nhân cách.

Lịch sử nhân loại đã ghi lại khả năng kỳ diệu của nghệ thuật hợp xướng trong việc thể hiện lý tưởng đạo đức của thời đại, giai cấp, của bản thân người nghệ sĩ. Sức sống mãnh liệt cũng như khả năng truyền cảm mạnh mẽ của các tác phẩm hợp xướng luôn có tác dụng động viên, cổ vũ con người và cộng đồng khát khao vươn tới chân giá trị của cuộc sống nói chung và đời sống âm nhạc nói riêng. Hơn thế, những nét tinh tế của âm nhạc và lời ca trong tác phẩm thường là cái tinh tế được chọn lọc, điển hình hóa và kết tinh cao độ truyền thống của mỗi dân tộc. Một khi những giá trị ấy được ngấm sâu vào tâm hồn con người thì sẽ trở thành sự tinh tế, mẫu mực trong tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phong thái, ứng xử, hành động… của con người.

Trong định hình giá trị thẩm mỹ âm nhạc

Hợp xướng không chỉ là nghệ thuật dùng âm thanh giọng người làm phương tiện phản ánh cuộc sống, mà nó thực sự là mét khoa học. Nhà soạn nhạc phản ánh thế giới không phải bằng sự ngẫu hứng thuần túy, tùy tiện mà bao giờ cũng dựa trên những nguyên tắc khoa học về sự kết hợp, nối tiếp cũng như khả năng hòa hợp giữa âm nhạc và lời ca, khúc thức, phối giọng, phối khí sao cho phù hợp với sự phát triển tâm – sinh lý của người nghe. Để tạo nên sự thống nhất mang tính chỉnh thể của một tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là sự ăn nhập giữa âm nhạc và lời ca, giữa giọng người và dàn nhạc, người sáng tác không thể khiên cưỡng, gò ép mà phải xuất phát từ chính cảm xúc chân thực cùng sự lao động khoa học nhằm không ngừng hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật. Đó còn là quá trình kết hợp giữa cái riêng, cảm xúc tức thời của nghệ sĩ với cái phổ quát từ dấu ấn, hơi thở của dân tộc, thời đại – một quá trình đòi hỏi người nghệ sĩ cũng như người thưởng thức phải có sự hiểu biết khoa học về âm nhạc. Sự thống nhất giữa khoa học và nghệ thuật trong hợp xướng cũng chính là chìa khóa để con người nâng cao cảm xúc, thị hiếu và lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc trong hoạt động xã hội, giúp họ phân biệt được cái giản dị với sự nghèo nàn, giữa tâm hồn giàu tình cảm với sự đa cảm bệnh hoạn… Càng hiểu biết âm nhạc hợp xướng một cách đúng đắn, khoa học, sâu sắc thì con người càng gắn bó với âm nhạc, sử dụng âm nhạc để phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn mình, bồi bổ cốt cách và không ngừng vươn tới chân, thiện, mỹ.

Giá trị thẩm mỹ do hợp xướng đem lại thể hiện ở chỗ nó tác động mạnh về cảm xúc, thức tỉnh ngay trong bản thân người nghe về cái đẹp, qua đó nâng cao khả năng nhận thức thẩm mỹ của người thưởng thức. Một tác phẩm hợp xướng hay, bao giờ cũng chứa đựng hệ giá trị chân, thiện, mỹ thể hiện tập trung lý tưởng cao đẹp của nhân loại, làm cho người nghe nhận thức được thế giới bằng cảm xúc âm nhạc – lời ca một cách có chiều sâu theo các quy luật tình cảm riêng. Con người có thể thông qua nghệ thuật hợp xướng để mở rộng nhận thức về thế giới và hoàn thiện các mối quan hệ của chính mình với thế giới. Nhờ sự thể hiện bằng giọng hát vô cùng sống động, cụ thể và cảm tính, hợp xướng không chỉ mang lại lợi ích thẩm mỹ mà còn cung cấp kinh nghiệm và vốn sống cho người thưởng thức. Hơn nữa, tính chất nhiều bè, nhiều giọng của hợp xướng tạo ra khả năng nhận thức nhiều cấp độ, nhiều ý nghĩa, nhìn thấy cả cái bên ngoài lẫn cái bên trong, cả hiện tại quá khứ và tương lai cho người thưởng thức.

Đặc biệt, sự định hình giá trị thẩm mỹ âm nhạc đối với con người và cộng đồng của hợp xướng được thể hiện ở tiềm năng to lớn của nó trong hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn. Hợp xướng, bằng cách thức riêng nó, còn có vai trò quan trọng liên kết con người với con người, cộng đồng, dân tộc và thời đại. Trong giao lưu văn hóa quốc tế, mọi người dù khác nhau về tiếng nói, nhưng đều có thể giao tiếp thân thiện với nhau nhờ đứng chung trong một dàn hợp xướng. Thực tiễn lịch sử âm nhạc thế giới cho thấy, đã có những bản hợp xướng nổi tiếng vượt khỏi biên giới quốc gia để trở thành di sản chung của nhân loại, điển hình như Chương 4 trong Giao hưởng số 9 của L.V. Beethoven.

Trong việc nâng cao thị hiếu âm nhạc của con người và cộng đồng

Có thể nhìn nhận khái quát rằng, vấn đề quan trọng nhất của đời sống âm nhạc chính là thính giả. Dù có những nhạc sĩ, ca sĩ tài ba cũng sẽ ít có giá trị cống hiến và kém phát triển nếu công chúng thưởng thức âm nhạc thờ ơ. Trong đời sống âm nhạc, ngoài những chân giá trị, không thể không thừa nhận còn có những xu hướng, thị hiếu thiếu lành mạnh, những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đa chiều tới sự phát triển nhân cách của các lứa tuổi, tầng lớp xã hội. Trách nhiệm của nghệ thuật âm nhạc nói chung, của nghệ thuật hợp xướng nói riêng là đấu tranh loại bỏ những xu hướng thị hiếu âm nhạc thiếu lành mạnh ấy bằng chính sức mạnh âm nhạc.

Hợp xướng có lợi thế lớn nhờ đặc trưng kết hợp hài hòa giữa âm nhạc với lời ca, nên nó không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của công chúng mà còn xây dựng, uốn nắn thị hiếu âm nhạc, làm cho âm nhạc thực sự trở thành vũ khí đặc biệt để chiếm và giữ được con người.

Với hoạt động sáng tác âm nhạc

Nghệ thuật thanh nhạc nói chung và hợp xướng nói riêng có vai trò không nhỏ trong việc tạo tiền đề, cơ sở và động lực của lao động sáng tạo, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công việc của người sáng tác âm nhạc. Trong thực tiễn đời sống âm nhạc thì nhạc sĩ được công chúng biết đến nhiều hơn cả, nếu họ quan tâm đến cả sáng tác thanh nhạc và khí nhạc.

Vai trò của nghệ thuật hợp xướng đối với hoạt động sáng tác âm nhạc thể hiện trước hết ở việc cung cấp dữ liệu, chất liệu âm nhạc cho công việc sáng tác. Những bài hòa thanh bốn bè theo kiểu học đường mới chỉ là kiến thức tiền đề. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì những bài fuy gơ và những bài hòa âm sạch sẽ, người ta thường chưa chú ý đến hiệu quả thật của các giọng (ví dụ: thường các bè nữ trầm viết quá thấp, do đó mất cân bằng với các bè nữ cao và nam cao; đôi khi bè nam trầm viết cách quá xa với những bè khác, nên khó có thể hòa hợp với nhau). Đối với bài tập ở trường, người ta đã cấm hoặc tránh một số cách dùng cho là không tốt, song thực tế cách dùng này khi áp dụng vào giọng hát lại rất tốt. Ngay cả các nhạc sĩ nổi tiếng như J.S. Bach, W.A. Mozart cũng đã viết những đoạn nhạc với hòa âm có vẻ phạm vào lỗi cấm theo luật hòa thanh, nhưng lại có hiệu quả tốt đối với giọng hát. Mặt khác, nhiều đoạn của các bài fuy gơ hoặc bài làm hòa thanh được giải ở các kỳ thi, khi dựng bằng giọng hát lại ít hiệu quả so với khi dùng cho đàn dây, đàn oóc gơ hoặc piano. Bởi vậy, khi viết cho hợp xướng, phải luôn căn cứ trên cơ sở âm vang thật của các giọng và những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sáng tác hợp xướng mang lại.

Hợp xướng cũng giúp gợi mở ý tưởng cho sáng tác các thể loại âm nhạc khác. Các nhạc sĩ muốn viết được thể loại âm nhạc lớn như thanh xướng kịch, opera… thì cần có sự hiểu biết về nghệ thuật và kỹ thuật viết hợp xướng, bởi hợp xướng là một thành phần quan trọng trong các thể loại âm nhạc đó. Việc viết tác phẩm hợp xướng đòi hỏi người sáng tác vừa có cảm xúc âm nhạc sâu sắc, vừa có tri thức khoa học về tổ chức âm thanh, hòa âm, phối giọng, phối khí… Không những thế, nhạc sĩ còn phải thấu hiểu cả về khả năng biểu hiện và phối hợp của các loại giọng, chất giọng, cách nhấn chữ của các loại giọng, cách phát âm, âm khu và sắc thái biểu hiện, cân bằng âm lượng giữa các bè. Thông qua các động thái này, mà hợp xướng giúp gợi mở được nhiều ý tưởng trong việc sáng tác các thể loại âm nhạc khác với tính cách kế thừa và phát triển từ ngôn ngữ hợp xướng.

Nghệ thuật hợp xướng còn đóng góp vào lĩnh vực sáng tác âm nhạc thông qua vai trò kích thích và phát triển, hội nhập cùng các nước tiên tiến, đồng thời khai thác thành tựu hội nhập để cống hiến trở lại cho việc sáng tạo nghệ thuật hợp xướng. Rõ ràng, qua giao lưu văn hóa âm nhạc, mà hợp xướng ở mỗi quốc gia trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu để khẳng định chân giá trị và làm tỏa sáng tính dân tộc độc đáo của mình. Mặt khác, qua giao lưu, hội nhập, những tinh hoa âm nhạc mang tính quốc tế, tính đương đại… sẽ được hợp xướng ứng dụng một cách trực tiếp và thuận lợi nhất để làm nảy sinh các khuynh hướng sáng tác âm nhạc lành mạnh, tiên tiến ở nước mình.

Với hoạt động biểu diễn âm nhạc

Hoạt động biểu diễn hợp xướng sẽ thúc đẩy cả hai khuynh hướng biểu diễn âm nhạc nghiêm túc và thông tục vốn tồn tại và phát triển song song hiện nay. Hợp xướng, với tính cách là một thể loại âm nhạc, vừa mang tính chuyên nghiệp, đồng thời vừa mang tính phổ cập, dễ hiểu, gần với công chúng hơn so với những loại hình biểu diễn âm nhạc dành cho dàn nhạc giao hưởng. Việc biểu diễn những bản hợp xướng của các nhạc sĩ cổ điển cũng như đương đại là một phương diện nâng cao giá trị ưu tú của âm nhạc bác học, đồng thời tạo điều kiện cho sự phát triển những thị hiếu đúng đắn của công chúng. Đặc biệt, một hình thức biểu diễn hợp xướng đã được thịnh hành từ lâu là a cappella có thể đạt hiệu quả rất tốt giúp cho các thành viên của dàn hợp xướng có sự trải nghiệm tuyệt vời cả phương diện âm nhạc, giáo dục và văn hóa. Đây còn là thể thức có ưu thế rất mạnh trong biểu diễn thanh nhạc, trau dồi học thuật, tọa đàm học thuật.

Lĩnh vực biểu diễn hợp xướng được phát triển thỏa đáng còn mang lại cơ hội tiếp xúc với khán giả trong và ngoài nước, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người Việt Nam và các nước khác.

Với hoạt động chỉ huy âm nhạc

Nghệ thuật hợp xướng đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong kho tàng âm nhạc của nhân loại. Cho nên, đào tạo chỉ huy hợp xướng cùng với nghiên cứu khả năng của giọng người, các thủ pháp chỉ huy… nhất thiết phải gắn với việc nghiên cứu tác phẩm của các bậc thày viết cho thanh nhạc. Ngay cả đối với đào tạo chỉ huy dàn nhạc nói chung, cũng cần tăng cơ hội nghe hợp xướng để nâng cao kỹ năng chỉ huy.

Công việc chỉ huy hợp xướng bắt đầu từ nghiên cứu tác phẩm hợp xướng, phân tích cấu trúc của nó, chia tác phẩm hợp xướng ra thành từng đoạn để hiểu các đoạn này hòa nhập vào chỉnh thể thống nhất… Để xử lý thành công tổng phổ hợp xướng và dàn nhạc, người chỉ huy cần phải biết tự đặt mình vào các vị trí khác trong dàn hợp xướng, dù đó chỉ là vị trí khiêm tốn của một diễn viên hát bè. Mặt khác, việc xử lý tác phẩm, đảm bảo sự cân bằng giữa dàn nhạc và hợp xướng là vấn đề hết sức phức tạp. Người chỉ huy hợp xướng dễ mắc sai lầm, khiếm khuyết nếu không am hiểu về thanh nhạc, cũng như không cân đối được liều lượng để đạt hiệu quả hài hòa, phá vỡ cấu trúc tổng thể của hợp xướng. Điều đó sẽ dẫn đến việc biểu diễn tác phẩm không thành công, cho dù tác phẩm đó có giá trị.

Với sự phát triển thanh nhạc

Mối liên hệ hữu cơ giữa hợp xướng với các thể loại thanh nhạc khác thể hiện ở sự tương tác thúc đẩy nhau cùng phát triển, đặc biệt là chuyển hóa lẫn nhau rất nhuần nhuyễn. Chính từ sinh hoạt âm nhạc hợp xướng mà làm nảy sinh những tinh túy của giọng hát. Ngược lại, một giọng hát hay nếu từng đứng vững trên nền hợp xướng thì trở nên có giá trị gấp bội. Lịch sử âm nhạc đã chứng kiến rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như J.S. Bach, J.S.Haydn, R.Schumann, F.Mendelssohn, H.Berlioz… đã từng tham gia dàn hợp xướng. Âm nhạc hợp xướng là mạch nguồn vô tận sản sinh ra những tài năng thanh nhạc, và ngược lại, bản thân âm nhạc hợp xướng cũng phải nhờ những tinh túy thanh nhạc để tự nâng mình lên. Chính quá trình tương tác, chuyển hóa hữu cơ ấy làm cho nghệ thuật âm nhạc nói chung, nghệ thuật hợp xướng nói riêng không ngừng phát triển và hoàn thiện về cả phương diện nghệ thuật và phương diện khoa học âm nhạc.

Lê Vinh Hưng (Tạp chí VHNT)

 

Hát hòa giọng là một trong những yêu cầu cao nhất phải đạt được trong hát hợp xướng, dù hợp xướng có 2, 3 hoặc 4 bè… nhưng không được bè nào át bè nào, phải cân bằng âm lượng, tạo ra một tập thể nghệ thuật hòa hợp. Muốn vậy, các bè và các thành viên trong hợp xướng phải biết nghe – đây là điều cần thiết và khó nhất.

Đến với múa đương đại tại VNOB

Múa đương đại (Contemporary Dance) là một phong cách múa nổi lên trong thế kỷ 20, là sự giao thoa giữa múa hiện đại (Modern Dance) và múa Ballet, cùng với các thành phần từ jazz và múa trữ tình. Để định nghĩa được thể loại này rất khó bởi múa đương đại thiên về cảm xúc, cốt yếu truyền tải được nội dung câu chuyện đến khán giả nói nôm na là diễn một vở kịch không bằng lời mà bằng ngôn ngữ hình thể.

Diễn viên múa đương đại có thể đến từ các nền tảng đào tạo khác nhau, từ Ballet cổ điển hay múa dân gian dân tộc đến nhảy hiphop hay nhảy-break hoặc yoga cho đến múa hiện đại đều có thể múa đương đại. Phong cách đương đại nhấn mạnh vào sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí, với các diễn viên được khuyến khích khám phá cảm xúc của mình thông qua các điệu múa để chống lại ranh giới truyền thống. Phong cách của điệu múa này thường liên quan rất nhiều đến sự cân bằng, không gian, tiếp xúc mặt sàn, phục hồi và ứng biến.

Múa đương đại phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây là vì những lý do sau đây:

– Người múa được thỏa mãn đam mê, được sống trong từng nốt nhạc, được điều khiển chính hơi thở của mình

– Múa đương đại còn có lợi cho sức khỏe của bạn. Những động tác đòi hỏi sự dẻo dai, căng cơ, nhịp thở. Nhờ bộ môn này mà người học sẽ làm được những động tác mà trước đây cơ thể cứng ngắt không cho phép từ đó cho bạn được một cơ thể linh hoạt, nhanh nhẹn

– Được luyện tập uyển chuyển trên nhiều nền nhạc giúp bạn tự tin vào cơ thể mình, năng động và biết cách quyến rũ

– Nghệ thuật được gắn liền với cảm xúc, nhuần nhuyễn động tác thôi chưa đủ mà người học còn phải học cách biểu lộ tâm trạng theo đúng câu chuyện mà mình đang biểu diễn.

Để góp phần đưa múa đương đại đến gần hơn với công chúng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thời gian tới sẽ tổ chức các lớp học về múa đương đại dưới sự dẫn dắt của nghệ sĩ múa Nguyễn Thị Thúy Hằng.

Nguyễn Thị Thúy Hằng sinh năm 1982. Chị là diễn viên solist, một biên đạo múa nhiều nhiệt huyết và yêu nghề.  Sau khi tốt nghiệp hệ 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam năm 2001, Thúy Hằng trở thành solist múa tại VNOB.
Không chỉ tham gia các chương trình của VNOB, Thúy Hằng còn cộng tác làm việc với đoàn múa tại Thụy Điển và Đức. Chị từng tham gia lưu diễn tại Italia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đức, Châu Phi, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ…

Năm 2013, chị lọt vào TOP 6 chương trình So you think you can dance mùa thứ nhất. Ở các chương trình này của 4 mùa liên tiếp sau đó, Thúy Hằng trở thành biên đạo múa. Bên cạnh đó, Thúy Hằng còn hoạt động với tư cách thành viên Ban giám khảo của chương trình múa “Sắc màu tuổi thơ” và dàn dựng nhiều chương trình và tiết mục cho các chương trình nghệ thuật lớn và VTV.

Năm 2017, chị tốt nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa Trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội. Tính đến nay, nghệ sĩ múa Thúy Hằng đã có kinh nghiệm giảng dạy môn múa đương đại trên 10 năm và có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi múa đương đại trong nước và quốc tế với các thành tích. Các học trò của chị từng đoạt giải nhất, giải ba Cuộc thi tài năng múa thiếu niên nhi đồng thành phố Hà Nội lần thứ 1; Giải 3 Cuộc thi Múa quốc tế Grand Prix tại Taiwan 2018; Giải nhất và nhì Cuộc thi Múa quốc tế Star of Canaan tại Malaysia 2018.

Tuyết Hoa

Chúng tôi hướng tới việc tạo ra sân chơi. Đây chỉ là bước khởi đầu để các bạn có sự hiểu biết lẫn nhau, để có thể tìm ra những nội dung, ý tưởng, cấu trúc về mặt nghệ thuật, đặc biệt là xu hướng nghệ thuật đương đại trong tương lai cho Việt Nam

NSƯT Trần Ly Ly, Q, Giám đốc VNOB

 

Dance Sport – bước nhảy của nghệ thuật và thể thao

Khiêu vũ thể thao (Dance Sport) là một môn thể thao đặc biệt vừa để luyện tập thể chất vừa còn làm đẹp cho con người. Đây là môn thể thao mang nhiều sắc thái nhất, hoàn thiện nhất cho con người hiện đại. Khi tập luyện môn thể thao này con người sẽ được phát triển đầy đủ các tố chất thể lực như: tốc độ, sức mạnh, sức nhanh, sức bền và sự khéo léo mềm dẻo. Quá trình tập luyện sẽ tạo cho thân hình có được vẻ đẹp cân đối, thời trang và rất duyên dáng. Đặc biệt môn thể thao này còn mang trong nó vẻ đẹp của tâm hồn đầy quyến rũ. Chính vì vậy, tuy giống khiêu vũ, nhưng khiêu vũ thể thao lại mang tính khỏe khoắn, nhanh mạnh hơn. Để tìm hiểu về môn thể thao nghệ thuật này nhằm có những sự lựa chọn thích hợp, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử của Dance Sport.

Dance Sport có một lịch sử phát triển lâu dài mà ở nhiều khía cạnh nó mang tính phổ cập, giải trí, đồng thời cũng là một dạng thi đấu thể thao.

Khiêu vũ được ra đời ở nước Anh từ cuối thế kỷ 18- đầu thế kỷ 19 gắn liền với các vũ hội của giới thượng lưu. Cho đến cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 mới được phổ biến trong tầng lớp bình dân. Cho đến đầu những năm 20 của thế kỷ trước các cuộc thi khiêu vũ mới bắt đầu phát triển.

Năm 1924, Hiệp hội vũ sư Anh mới lập ra Chi hội khiêu vũ với nhiệm vụ đề ra các tiêu chuẩn (standard) về nhạc, về bước, về kỹ thuật biểu diễn cho khiêu vũ thể thao, dần dần bộ môn này mới lan rộng ra toàn châu Âu,tới châu Á và châu Mỹ.

Ngày 8/9/1997 trong giới Dancesport diễn ra một sự kiện trọng đại: Uỷ ban Olympic Quốc tế (IOC) công bố Liên đoàn khiêu vũ thể thao quốc tế (IDSF) chính thức được công nhận và trở thành thành viên toàn quyền của IOC.

Hệ thống mười điệu theo tiêu chuẩn quốc tế:

  1. Điệu nhảy Chachacha
  2. Điệu nhảy Rumba
  3. Điệu nhảy Pasodoble
  4. Điệu nhảy Tango
  5. Điệu nhảy Waltz
  6. Điệu nhảy Quickstep
  7. Điệu nhảy Foxtrot
  8. Điệu nhảy Viennese Waltz
  9. Điệu nhảy Jive
  10. Điệu nhảy Samba.

Trước kia khiêu vũ được coi là một dạng nghệ thuật, ngày nay người ta coi các điệu nhảy thi đấu là một dạng thể thao nghệ thuật.