Tháng: Tháng Sáu 2021

VNOB tham dự tọa đàm về công nghiệp văn hóa

Một trong những vấn đề mà lãnh đạo Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đưa ra tại cuộc Tọa đàm được các đại biểu chú ý là xây dựng sản phẩm nghệ thuật cốt lõi và hệ sinh thái nghệ thuật nếu muốn đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền công nghiệp văn hóa.

Sáng 10-6, Ban chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Chương trình 06) tổ chức tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 – Thực trạng và giải pháp”. Chủ trì và chỉ đạo tại buổi tọa đàm có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương. Nhiều nhà báo, văn, nghệ sĩ đã đóng góp các ý kiến tâm huyết cho Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá. Trong số các đơn vị nghệ thuật trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã vinh dự được mời tham dự Cuộc tọa đàm với bài nghiên cứu của NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, mang chủ đề “Nghệ thuật biểu diễn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa: Thách thức và Giải pháp”.

Hà Nội cần có cơ chế đặt hàng sản phẩm nghệ thuật lõi

Một trong những vấn đề được NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, chia sẻ trong cuộc tọa đàm là Hà Nội cần giá trị lõi để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bền vững. Nhưng để làm được điều đó, NSƯT Trần Ly Ly cho rằng “Hà Nội nên có cơ chế đặt hàng sản phẩm nghệ thuật lõi để tạo sự hưởng thụ bền vững và lâu dài cho công chúng nói chung, đặc biệt là khách du lịch đến với Thủ đô”.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, phát biểu tại cuộc tọa đàm

Theo bà Ly, phát triển công nghiệp văn hoá là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách nhưng phải đồng bộ theo xu hướng phát triển của xã hội hiện đại. Để có thể làm được điều đó, bà Ly cho rằng cần có các chương trình dài hạn, không chỉ một vài năm, mà cần phân chia theo các giai đoạn 10 năm. Nghệ thuật biểu diễn cần được cho là công nghiệp mũi nhọn. Đơn cử tại sao khách du lịch khi đến Mỹ luôn có nhu cầu xem Broadway, xem Đại lộ danh vọng,… Đến Trung Quốc, khách du lịch sẽ muốn xem Trương Nghệ Mưu,… Cũng như vậy, khi đến Hà Nội, khách du lịch sẽ muốn xem gì tại Nhà hát Lớn, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Bát Tràng, … Từ đó, nên cân nhắc một hệ sinh thái nghệ thuật cốt lõi của Thủ đô để tạo nên chuỗi liên kết du lịch văn hóa – nghệ thuật độc đáo. Sản phẩm nghệ thuật biểu diễn lõi phải được tập trung các trọng điểm ở các điểm đặc thù, các khu liên hợp nhà hát hiện đại, các khu có giá trị lịch sử, kiến trúc, trong nhà hát và thực cảnh trong địa bàn Hà Nội. Ví dụ như khách du lịch đến Thủ đô theo một tour du lịch văn hóa – nghệ thuật thì họ sẽ hưởng thụ sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn vào buổi tối. Buổi sáng họ sẽ đến với Làng gốm Bát Tràng để tìm hiểu câu chuyện về lịch sử gốm sứ Hà thành. Chiều đến với Hồ Gươm và múa rối… Nhưng để hệ sinh thái nghệ thuật đó hoạt động có hiệu quả thì cần tạo ra “tổ” cho nghệ thuật sáng tạo. Đặc biệt hơn, là phải có một đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ và khán giả… mang tầm trí thức thời đại mới; Cần tiếp tục đổi mới cơ chế, cơ cấu các đơn vị nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn Hà Nội, để có môi trường lành mạnh và công bằng. Phải có những nhà hát với trang thiết bị, cơ sở vật chất tương xứng.

Bên cạnh đó, bà Ly còn nhấn mạnh đến nguồn nhân lực của nghệ thuật biểu diễn. Hiện tại, nghệ sĩ trẻ – lớp tiếp nối cho nền nghệ thuật, đang rất thiếu hoặc chưa có nhiều điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định tài năng. Điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương… hay nghệ thuật hàn lâm như Opera, giao hưởng, Ballet.

“Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng. Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu… Chưa kể các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho người quản lý đơn vị nghệ thuật”, bà Ly nói.

Chính vì vậy, để có thể đưa nghành nghệ thuật biểu diễn phát triển lên một tầm cao mới, có thể đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, cần có khảo sát thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. “Cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. Chú trọng hướng phát triển của nghệ thuật biểu diễn để có được một “nền văn hóa đỉnh cao” mà các thành phố lớn trực thuộc trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội, cần phải có. Đó là đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, cơ sở vật chất và trình độ nguồn nhân lực. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để biết nguồn nhân lực này hiện có được bao nhiêu để có sự điều chỉnh lại, đầu tư thêm, cần khai thác nguồn lực một cách hiệu quả…”, bà Ly nêu rõ.

Tiếp cận theo thị trường

Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo, Chủ tịch Tập đoàn Le Group Lê Quốc Vinh góp ý, Hà Nội cần phát huy giá trị hữu hình và giá trị vô hình, điều này cần được cụ thể hóa bằng những hoạt động, sự kiện để người dân và du khách có những trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: Du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, truyền hình phát thanh, thời trang, điện ảnh, thiết kế, quảng cáo, các trò chơi giải trí…

Nhạc sĩ Quốc Trung, Tổng đạo diễn Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa cho rằng, Hà Nội vẫn chưa thực sự thu hút du khách do thiếu những hoạt động văn hoá nổi bật. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, các thói quen bao cấp, công chức vẫn còn ăn sâu tạo nên sự trì trệ và mất đi khả năng định hướng, thiếu nguồn lực để xây dựng những tác phẩm đỉnh cao và khó thu hút được công chúng.

Ông Lê Quốc Trung đóng góp ý kiến

Vì vậy, thành phố nên cởi mở hơn và xoá bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng được nguồn lực xã hội hoá, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển chung của toàn thành phố; mạnh dạn giao các dự án của thành phố cho các đơn vị tư nhân có uy tín và năng lực. Cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng, dám giao, dám làm và dám nhận trách nhiệm với thành phố, với công chúng và nhân dân, từ đó tạo nên sự đa dạng trong biểu đạt văn hoá, giao thoa bình đẳng với các nền công nghiệp văn hoá phát triển.

Nhạc sĩ Quốc Trung phân tích, công nghiệp văn hoá phát triển lành mạnh tạo ra những không gian văn hoá, những con người văn minh, văn hoá và những thói quen lành mạnh. Văn hoá lành mạnh hình thành nên những lý tưởng lành mạnh, văn hoá tiên tiến hình thành những tinh thần tiên tiến và tư tưởng tiến bộ.

Xóa bỏ những “sản phẩm giáo điều”

Một tác phẩm, một cuốn sách, bộ phim hay ngoài việc mang lại doanh thu cho nền công nghiệp văn hoá còn mang lại những cảm xúc tích cực, lan toả tinh thần nhân văn, lý tưởng sống cao đẹp. Bên cạnh đó, nó còn tạo nên những thói quen mới mà giới trẻ thường gọi là ‘trend’, mà thực chất nó có thể xây dựng một thói quen mới hiệu quả hơn rất nhiều so với những thứ phải vận động, giáo điều, thiếu hiệu quả.

Nhạc sĩ Quốc Trung lấy ví dụ về kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, họ đánh giá và xây dựng công nghiệp văn hoá từ cách tiếp cận theo tư duy thị trường, thông qua thị trường để giải toả sự sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng.

“Hàn Quốc cũng thông qua thị trường để sàng lọc và đào thải những sản phẩm yếu kém không phục vụ xã hội. Hàn Quốc là ví dụ cho thấy cần có cách nhìn tự tin và công bằng về thị trường thay vì luôn coi thị trường là văn hoá thấp, trong khi chúng ta lại có quá nhiều những thứ “văn hoá quần chúng” mà gần nhưng không thu hút được sự quan tâm của quần chúng. Thị trường không có nghĩa là bỏ mặc, phát triển tuỳ tiện, hoang dại. Thị trường rất cần được định hướng, cần xây dựng, ươm mầm khán giả tương lai thay vì chạy theo thị hiếu”, nhạc sĩ nói.

Từ kinh nghiệm thực tế khi thực hiện các dự án như Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Music Festival) và Hoà nhạc Cổ điển Hà Nội Vietnam Airlines (Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert), nhạc sĩ Quốc Trung nhìn nhận, chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, đồng thời thiếu những không gian văn hoá mang tính tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp và cộng đồng.

Để thế hệ trẻ biết hưởng thụ giá trị văn hoá

Kết luận toạ đàm, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, các ý kiến tại toạ đàm đều rất tâm huyết và gợi mở, giúp thành phố đánh giá về thực trạng, tiềm năng, hạn chế của Hà Nội trong phát triển công nghiệp văn hoá.

Ông Lê Thanh Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, kết luận tại cuộc tọa đàm

Theo ông Phong, trên thế giới đã phát triển công nghiệp văn hoá, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã hội nhập sâu rộng, không thể nằm ngoài dòng chảy. Ông Phong cho rằng, cần phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để văn hoá phát triển, gồm 3 nhóm việc.

Thứ nhất là tạo dựng được hạ tầng, trước mắt là những hạ tầng cứng như nhà hát, quảng trường. Việc này Hà Nội đang tập trung các quy hoạch chuyên ngành, trong đó có quy hoạch văn hoá, trong đó có những thiết chế văn hoá chuyên nghiệp… không chỉ nhà nước làm mà cả tư nhân tham gia.

Nhóm thứ hai là tạo dựng các cơ chế chính sách, việc gì thuộc thẩm quyền của Hà Nội, thành phố sẽ tháo gỡ, hoàn thiện. Việc nào vượt quá thẩm quyền sẽ xin ý kiến các cơ quan cấp trên tháo gỡ.

Nhóm thứ ba, theo ông Phong là tạo ra hệ sinh thái sáng tạo. Phải tạo ra một lớp, một thị trường, con người, nhất là thế hệ trẻ biết hưởng thụ văn hoá, trân trọng giá trị văn hoá truyền thống và có khả năng tiếp thu, thẩm thấu được giá trị văn hoá nhân loại trên nền tảng sáng tạo…

Tuyết Hoa

THÔNG BÁO VỀ VIỆC HOÀN VÉ VỞ NHẠC KỊCH “NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ” TẠI TPHCM

Quý vị khán giả yêu mến!

Những ngày qua, đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên cả nước và diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện tại, nhiều địa phương đã thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuân thủ Chỉ thị của Thủ tướng và đảm bảo an toàn, sức khỏe cộng đồng, cách đây không lâu, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch đã quyết định hoãn lịch biểu diễn vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” vào ngày 2,3 tháng 6 năm 2021 tại TPHCM. Sau khi đưa ra thông báo, nhiều khán giả đã lựa chọn bảo lưu vé và chờ tới khi có lịch diễn mới. Điều đó khiến Nhà hát vô cùng cảm kích với sự động viên và quan tâm của các quý vị khán giả.
Tuy nhiên, dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó dự đoán thời gian kết thúc. Vì vậy, Nhà hát chưa thể xác định được lịch diễn mới trong giai đoạn khó khăn này. Để đảm bảo quyền lợi của các khán giả, Nhà hát quyết định hoàn tiền vé 100% cho tất các các quý vị khán giả đã đặt mua vé.
Thông tin cụ thể về thủ tục hoàn vé sẽ được gửi tới quý vị qua email hoặc tin nhắn điện thoại. Các đăng ký hoàn vé sẽ được xử lý trong vòng 30 ngày kể từ khi chúng tôi nhận được phản hồi từ quý vị.
Với mong muốn chương trình tiếp tục sau thời gian dịch bệnh, Nhà hát vẫn nhận ĐĂNG KÝ ĐẶT VÉ qua hotline, Fanpage và Website (https://nhahatnhacvukichvietnam.com/ve-ban/), và sẽ thông báo đến quý khán giả ngay khi có lịch diễn mới.
Một lần nữa, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam xin chân thành cảm ơn các quý vị đã ủng hộ vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” nói riêng và các sản phẩm nghệ thuật nói chung trong suốt thời gian qua. Chúng tôi mong các quý vị khán giả thông cảm với quyết định này và hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ sớm ổn định để nhạc kịch “Những người khốn khổ” có thể đến với khán giả TPHCM trong một ngày gần nhất.

Chúc các quý vị khán giả sức khỏe và bình an!
Trân trọng!
Ban Giám đốc
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

Vietnam Airlines tặng quà gia đình cố NSƯT Vũ Mạnh Dũng

Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhưng Tổng công ty hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines vẫn quan tâm và chia sẻ với khó khăn của các nghệ sĩ biểu diễn, trong đó có nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Vừa qua, đại diện Quỹ Tình thương của Vietnam Airlines đã tới thăm hỏi và trao quà cho gia đình cố NSƯT Vũ Mạnh Dũng – nguyên Phó trưởng đoàn Ca kịch, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Đầu năm 2020, NSƯT Vũ Mạnh Dũng đột ngột ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, đồng nghiệp và nhiều khán giả yêu nghệ thuật cổ điển. Anh để lại bốn con nhỏ, cháu bé nhất mới được hơn 1 tuổi, và người vợ, chị Dương Thị Hoàng Yến, là giáo viên thanh nhạc. Mang trên vai gánh nặng gia đình, chị Yến đã phải gồng mình vượt qua nỗi đau để chăm lo cho cha mẹ và các con nhỏ.
Khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình cố NSƯT Vũ Mạnh Dũng, Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã quyết định trích 10.000.000đ (mười triệu đồng) trong Quỹ tình thương để thăm hỏi và động viên với hy vọng gia đình nghệ sĩ sẽ sớm vượt qua mất mát và có một cuộc sống ổn định, hạnh phúc.