Tháng: Tháng Mười 2020

Không cố Việt hóa “Những người khốn khổ”

Những ngày cuối tháng 10 này, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đang nỗ lực cho tác phẩm được kỳ vọng sẽ hoành tráng nhất trong năm 2020. Đó là vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo. Thời Nay có dịp trò chuyện cùng NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc VNOB).

Chị có thể chia sẻ về ý tưởng ban đầu cũng như quá trình đàm phán bản quyền để mang tác phẩm này về Việt Nam như thế nào?

+ “Những người khốn khổ’ là một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, có sức lan tỏa, được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ và được chuyển thể thành các tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trên sân khấu nhạc kịch, Những người khốn khổ thậm chí đã vượt qua rất nhiều sản phẩm khác để dẫn đầu cuộc bình chọn qui mô của đài BBC, trở thành nhạc kịch được yêu thích nhất tại Anh với 40% số phiếu bình chọn trên tổng số 400.000 người tham gia. Với mong muốn công chúng Việt có cơ hội hưởng thụ những sản phẩm kinh điển của thế giới, với thế mạnh về nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm, ngay từ cuối năm 2019, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã lên ý tưởng đưa vở nhạc kịch này lên sân khấu. Mặc dù vậy, trên con đường biến ý tưởng thành hiện thực, chúng tôi phải đương đầu với không ít khó khăn. Đầu tiên là vấn đề bản quyền. Chúng tôi đã liên hệ với sứ quán Pháp, sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Trung tâm văn hóa Pháp,… cũng như qua email với các công ty bản quyền quốc tế nhưng kết quả nhận được gần như là bất khả thi. Nhưng rất may, đến giờ, mọi việc đều suôn sẻ. VNOB đã có được bản quyền âm nhạc và sẽ chính thức ra mắt công chúng Việt vào ngày 21, 22 tháng 11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

– VNOB đã chuẩn bị như thế nào cho vở nhạc kịch?

+ Ngay từ những ngày đầu tiên, ekip sáng tạo đã trao đổi về ý tưởng kịch bản. Với những gì mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cho nhân loại, sự chống chọi ngoan cường của người dân trên toàn thế giới, việc nhường cơm, sẻ áo cho những người bị cách ly… đã khiến chúng tôi nghĩ đến một cách thể hiện mới của “Những người khốn khổ”. Đó là câu chuyện lồng ghép những giá trị nhân văn giữa con người với con người của cuộc sống thực tại vào trong tác phẩm kinh điển.

Cũng chính vì điều này, chúng tôi đã lựa chọn dàn diễn viên, với trụ cột là các nghệ sĩ Opera nổi tiếng của VNOB, cùng với dàn hợp xướng Hanoi Voices, có thành phần là các nghệ sĩ quốc tế hiện đang làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, ekip đạo diễn, biên đạo có sự cống hiến của sức trẻ và tri thức được học từ những nền nghệ thuật tiêu biểu trên thế giới. Đó là đạo diễn trẻ Triều Dương, tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn nhạc kịch tại Anh, chấp nhận cách ly 14 ngày sau khi từ Anh về, hay biên đạo múa Linh An, chuyên ngành biên đạo Broadway tại Mỹ…

Người xem sẽ chờ đợi gì ở “Những người khốn khổ” phiên bản Việt?

+ Xin khẳng định là chúng tôi không cố Việt hóa tác phẩm, cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Là tác phẩm được thực hiện tại Việt Nam và cho khán giả Việt nhưng “Những người khốn khổ” lần này lại sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Từ đó, chúng tôi mong muốn sẽ mang được cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu. Vở diễn sẽ có 2 màn trong thời lượng khoảng 2 tiếng và ở đó, sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp với thời điểm hiện tại. Sẽ không có chi tiết nào bị bỏ qua và cho dù chỉ có 2 tiếng, nhưng Những người khốn khô của VNOB đảm bảo đủ để người xem cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm. Người xem sẽ được sống, cảm nhận cùng các nhân vật trong tác phẩm và có thể nhìn thấy chính mình trong thành phố ấy, môi trường ấy.

Nghệ thuật hàn lâm khó tiếp cận với khán giả, vậy theo chị yếu tố nào đã thu hút công chúng và trong những tác phẩm mà VNOB thể hiện những năm gần đây?

+ Tôi nghĩ, trong thời gian gần đây, VNOB, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ, dám làm, đã từng bước chạm dần đến trái tim của khán giả qua những sản phẩm vừa mang tính hàn lâm, nhưng lại rất đời thường. Những vở nhạc kịch như “Maria de Buenos Aires”, ballet “Kẹp hạt dẻ”, “Peter và Chó sói”, những chương trình nghệ thuật như “Around the world”, “Rock Symphony”… và đặc biệt là vở ballet “Hồ thiên nga” đã đánh thức tâm hồn yêu nghệ thuật của người Việt, giúp công chúng cảm thấy nghệ thuật hàn lâm không còn xa lạ với mình nữa. Họ muốn được xem, được thưởng thức, được tiếp cận nhiều hơn nữa với nền nghệ thuật đỉnh cao của thế giới theo cách mà người Việt nói chung và VNOB đã, đang và sẽ làm.

  • Chúc chị sức khỏe và thành công!

(nhandan.com.vn)

VNOB: Bội thu tại cuộc thi Tài năng Múa 2020

Từ ngày 9 đến ngày 17/10 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã diễn ra cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020 do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Thể hiện được trình độ đỉnh cao, nghệ thuật xuất chúng, các thí sinh đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã giành được 2 giải nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Biên đạo xuất sắc.

Tham dự cuộc thi có hơn 100 vũ công với 4 thể loại ballet, đương đại, dân gian và hiện đại ở TP.HCM và Hà Nội. Hội đồng Giám khảo của Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 là những nhà chuyên môn có uy tín, tài năng như TS., NSND Phạm Anh Phương, TS. NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, Ths. Đoàn Phúc Linh Tâm và hai chuyên gia, Biên đạo múa, Giám đốc Nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật SOUL, Alexander Tú; Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan, ông Arthur Kuggeleyn. VNOB cũng vinh dự có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, là một trong những thành viên chủ chốt của Hội đồng.

Sau 6 ngày tranh tài, Ban giám khảo đã chọn ra 6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 6 giải khuyến khích. Đặc biệt, VNOB, với 3 thí sinh dự thi, đã giành cả 3 giải thưởng quan trọng, trong đó, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu giành Huy chương Vàng Bảng A: Ballet cổ điển Châu Âu và Ballet hiện đại, Nàng “Juliet” Trần Lệ Thanh của VNOB cũng đoạt Huy chương Vàng Bảng B: Đương đại. Đặng Bùi Minh Hiếu cũng giành Huy chương Bạc Bảng A. Và, với 10 tác phẩm tham dự dàn dựng và huấn luyện cùng 2 sinh viên do cô đào tạo đoạt Huy chương Bạc, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Thông qua cuộc thi lần này, các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên và lực lượng sáng tạo nghệ thuật múa đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, bổ ích trong quá trình lao động, biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, tiếp tục trau dồi kỹ thuật biểu diễn, sáng tạo hơn nữa để những tác phẩm nghệ thuật múa có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả. Để tiếp tục phát triển những lớp tài năng biểu diễn Múa kế cận trong thời gian tới, là một nhà giáo đã từng giảng dạy và làm công tác quản lý, đào tạo trong nhiều năm, PGS, TS Tạ Quang Đông đã đưa ra một số yêu cầu thiết thực, thể hiện sự tâm huyết với công tác đào tạo để phát triển ngành múa: “Tôi đề nghị các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động phát triển các kỹ thuật cơ bản, đẩy mạnh nâng cao giảng dạy phần múa Dân gian dân tộc và múa Đương đại, tăng cường thể lực cho học sinh. Đối với các biên đạo, các huấn luyện, cần xác định rõ ý tưởng, phong cách, bố cục rõ ràng của mỗi tiết mục để giúp cho các các em luyện tập có được cảm hứng say mê, phát triển những kỹ năng biểu diễn”.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 đã thành công tốt đẹp. Đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật múa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Sau cuộc thi, mỗi nghệ sĩ, diễn viên sẽ có thêm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng và sự sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển.

Tuyết Hoa


 

Nguyễn Đức Hiếu (VNOB) trong bài biểu diễn tại Cuộc thi
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho các nghệ sĩ
NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc

VNOB tổ chức Hội thi nấu ăn nhân dịp 20-10

Ngày 19-10 vừa qua, tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Ban chấp hành công đoàn đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội phụ nữ Việt Nam trong không khí ấm áp và đặc biệt tổ chức Hội thi nấu ăn cho các nam nghệ sĩ.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, khẳng định phụ nữ là kỳ quan đặc biệt nhất trong số các kỳ quan của thế giới. Những đóng góp của phái yếu trong xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập, càng trở nên to lớn. Tuy vậy, Phụ nữ Việt Nam nói chung và VNOB nói riêng mang trong mình những phẩm chất cao quí mà Bác Hồ đã từng trao tặng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”. Ở bất cứ cương vị nào, dù là nghệ sĩ, hay những người làm hậu trường, chị em Nhà hát cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình.

Nghệ sĩ Hà Ngọc Thiện, Chủ tịch Công đoàn, tặng hoa cho NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB

Thay mặt cho các cán bộ, nghệ sĩ, nhân viên nam trong Nhà hát, ông Phan Mạnh Đức, Phó Giám đốc, đã chúc tất cả các chị em luôn hạnh phúc, xinh đẹp và tiếp tục phát huy những phẩm chất vốn có cũng như nét đặc thù của hoạt động nghề nghiệp.

Phần quan trọng nhất của lễ kỷ niệm là Hội thi nấu ăn với sự tham gia của các anh em thuộc 3 đoàn: Đoàn ca kịch, Đoàn Vũ Kịch và Nhóm HC-TCBD. Sau khi lắng nghe phần thuyết trình đầy tâm huyết của các nghệ sĩ, cán bộ nam và chấm điểm thực chất các món ăn, Ban giám khảo đã quyết định trao giải Nhất cho Đoàn ca kịch với 2 món ăn mang tên Hương Việt và Tinh hoa mỹ nhân. 2 đoàn còn lại đồng giải nhì.

Nằm ngoài chương trình kỷ niệm nhưng rất được cán bộ, diễn viên VNOB ủng hộ nhiệt tình chính là sự kiện quyên góp tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung đang đối mặt với thiên tai của Công đoàn, Đoàn thanh niên và Hội cựu chiến binh Nhà hát. Ngay sau lễ phát động, các cán bộ, diễn viên, nhân viên VNOB đã đóng góp một chút tấm lòng với người dân vùng lũ, đồng thời, cũng lập sự kiện trên fanpage kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng. Theo kế hoạch vừa đưa ra, tuần tới, đại diện Đoàn TNCSHCM của Nhà hát, do NSƯT Phan Lương dẫn đầu, sẽ có mặt tại miền Trung để thực hiện đợt cứu trợ.

Tuyết Hoa

Đại diện đoàn Ca kịch thuyết trình về món ăn
Đại diện Đoàn Vũ kịch trình bày về ý nghĩa của món ăn
Đại diện Phòng HC-TCBD thuyết trình
Ban giám khảo chấm các món ăn do các nghệ sĩ nam thực hiện
Giải nhất thuộc về đoàn Ca kịch
Tại buổi lễ, cán bộ, diễn viên, nhân viên VNOB đã ủng hộ cho đồng bào miền Trung

Hậu trường nhạc kịch “Những người khốn khổ” trên sân khấu Việt

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”

Sau 6 tháng chuẩn bị và luyện tập, vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang gấp rút cho những công đoạn hoàn thiện để có thể ra mắt công chúng vào cuối tháng 11 tới.

Xóa nhòa không gian và thời gian

Những ngày này, các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang tất bật tập luyện cho vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Đây là lần đầu tiên một vở nhạc kịch thực hiện trên sân khấu Việt Nam được đầu tư mạnh với dàn nhạc chuyên nghiệp và ê-kíp tham gia sáng tạo gồm những tên tuổi lớn của Opera Việt Nam như nghệ sĩ Đào Tố Loan, Huy Đức, Trần Trang Sao Mai, Bùi Trang…

Đảm nhận vai trò đạo diễn là Nguyễn Triều Dương – một nghệ sĩ được đào tạo về nhạc kịch ở Anh. Theo anh Dương, nhạc kịch là loại hình khá mới mẻ tại Việt Nam và tìm được người hiểu được loại hình này không đơn giản. Trong khi đó, các ca sĩ ở Việt Nam thường được đào tạo thanh nhạc để hát Opera nên khi diễn nhạc kịch, họ không có những kỹ năng như nhảy múa, diễn xuất như các diễn viên nhạc kịch. Do đó, anh cùng biên đạo trong ê-kíp đã phải làm việc rất nhiều để hướng dẫn, bổ sung kỹ năng nhảy múa, diễn xuất cho các diễn viên.

Thiết kế sân khấu là một vấn đề vì đối với “Những người khốn khổ” trong bản gốc của Victor Hugo, có rất nhiều bối cảnh thay đổi liên tục từ nhà tù ra cánh đồng, nhà thờ… Do đó, đạo diễn Triều Dương lựa chọn cách dựng tối giản và mang tính biểu tượng, dựa trên những yếu tố sắp đặt để giúp người xem dễ liên tưởng, hiểu được mình đang ở đâu. Anh tiết lộ, mình không dùng phông cảnh vì sẽ không đủ thời gian để chuyển cảnh, trong khi vở liên tục chạy cảnh, biến đổi qua nhiều không gian.

Nói sâu hơn về sân khấu, đạo diễn Triều Dương khẳng định, anh muốn xóa nhòa không gian, thời gian. Thành phố mọi người nhìn thấy có thể là bất kỳ thành phố nào trên thế giới, cũng có thể là thành phố họ đang sống. Đó là thành phố mà mỗi người đều có thể thấy chính mình. “Giống như trong bối cảnh đại dịch, tất cả chúng ta đều như nhau và điều cuối cùng còn lại chính là tình người”, nam đạo diễn tâm sự.

Vở diễn sẽ có 2 màn trong thời lượng khoảng 2 tiếng và ở đó, sẽ có những thay đổi nhất định để phù hợp với thời điểm hiện tại. Trước nghi ngờ 2 tiếng có thể truyền tải được hết các sự việc trong câu chuyện nổi tiếng hay không, đạo diễn Triều Dương nhấn mạnh: “Tôi sẽ không bỏ qua chi tiết nào và 2 tiếng đủ để người xem cảm nhận được mạch câu chuyện, những thăng trầm của nhân vật trong tác phẩm”.

Không cố Việt hóa tác phẩm

Nhạc kịch “Những người khốn khổ” có sự tham gia của nghệ sĩ Việt và quốc tế

“Những người khốn khổ” là một trong những vở nhạc kịch nổi tiếng nhất thế giới, có xuất xứ từ Pháp. Vở diễn đã được trình diễn ở 42 quốc gia, sử dụng 21 thứ tiếng, đồng thời giữ kỷ lục là vở nhạc kịch được diễn liên tục lâu nhất ở chuỗi nhà hát West End, London (Anh), với phần âm nhạc do nhạc sĩ Claude-Michel Schonberg biên soạn.

Khi về sân khấu Việt Nam, ê-kíp khẳng định không cố Việt hóa tác phẩm, cả âm nhạc, trang phục hay tên nhân vật, cốt lõi câu chuyện. Là tác phẩm được thực hiện tại Việt Nam và cho khán giả Việt nhưng “Những người khốn khổ” lần này lại sử dụng toàn bộ ngôn ngữ bằng tiếng Anh. Lý giải về điều này, NSƯT Trần Ly Ly – Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, đây là bản nhạc kịch quốc tế được mua bản quyền và trên thế giới, các nước hầu hết đều sử dụng bản tiếng Anh.

Ở Việt Nam, hiện nay chưa đủ điều kiện để dịch phần âm nhạc sang tiếng Việt nên sử dụng bản gốc tiếng Anh. Khi nghệ sĩ biểu diễn, sẽ có phần sub tiếng Việt được chiếu để khán giả nắm được nội dung. Từ đó, chị mong muốn sẽ mang được cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật đạt được những tiêu chuẩn tổng thể của một vở nhạc kịch quốc tế, về cả phần hát và diễn, tổng thể sân khấu.

Điều đặc biệt, nhạc kịch “Những người khốn khổ” lần này không chỉ biểu diễn bằng tiếng Anh mà còn có sự tham gia của nhiều diễn viên ngoại quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Họ là những thành viên trong dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices. Điều này được đại diện nhà hát cho biết, nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên toàn thế giới, cùng chung tay chống lại đại dịch, thể hiện một cách rõ ràng tình người, niềm tin yêu cuộc sống và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.

Vở diễn quy tụ khoảng 50 diễn viên và có tới 12 diễn viên chính – số lượng diễn viên chính nhiều nhất trong một tác phẩm nhạc kịch. Ca sĩ Đào Tố Loan tâm sự, các diễn viên phải luyện tập không chỉ cách biểu diễn, tập với dàn nhạc mà cả tập phát âm hát chuẩn tiếng Anh. Ê-kíp có đội ngũ hỗ trợ phần phát âm cho các diễn viên và các nghệ sĩ ngoại quốc cũng làm việc ăn ý, hỗ trợ diễn viên Việt về phần phát âm.

Bản thân chị không lo lắng về việc phải hát tiếng Anh nhưng áp lực về vai diễn của mình. Trong vở, Đào Tố Loan vào vai Cossette (con gái của Fantine) – một cô bé khoảng 16, 17 tuổi luôn suy nghĩ trong sáng và tràn đầy sự tươi mới, có niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Trong khi đó ngoài đời, Tố Loan đã là một người mẹ 2 con.

“Tôi đã phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ, làm sao để thể hiện sự ngây thơ, trong sáng, trẻ trung của một thiếu nữ. Nhưng tìm hiểu kỹ tác phẩm và khi hòa nhập được với nhân vật, mọi thứ lại không khó lắm. Nhạc kịch là loại hình không quá kỹ thuật như nhạc cổ điển, gần với tiếng nói cuộc sống hơn và tôi nghĩ khán giả sẽ dễ đón nhận hơn”, nữ nghệ sĩ bộc bạch.

Không tiết lộ con số cụ thể kinh phí cho vở diễn nhưng theo NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, vở nhạc kịch có kinh phí lớn hơn nhiều so với các vở thông thường. Từ việc mua bản quyền, mời đạo diễn, dàn nhạc, tập luyện, thiết kế sân khấu… Ngoài số kinh phí theo đặt hàng của Nhà nước, nhà hát cũng phải huy động thêm nguồn kinh phí xã hội hóa. Kế hoạch trước mắt, nhà hát sẽ công diễn vào ngày 21 – 22/11 và tùy tình hình dịch bệnh sẽ tính các phương án tiếp theo. Đại diện nhà hát tiết lộ, dù hơn 1 tháng nữa mới công diễn nhưng hai đêm diễn sắp tới tại Nhà hát lớn Hà Nội đã gần hết vé, dù mức giá vé không rẻ, dao động tự 500 nghìn – 1,5 triệu đồng.

Hồ An – Báo Giao Thông