Tháng: Tháng Bảy 2019

NHÀ HÁT NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM GIÀNH 11 GIẢI THƯỞNG TẠI LIÊN HOAN TIẾNG HÁT ĐƯỜNG 9 XANH

Từ ngày 20 đến ngày 27 tháng 7 năm 2019 vừa qua, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị chủ trì, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị tổ chức Liên hoan tiếng hát đường 9 xanh nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019).

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là một trong 10 đơn vị nghệ thuật trong nước và 2 đơn vị nước ngoài (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia) với sự tham dự của tổng cộng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên, tham gia Liên hoan với tác phẩm nhạc kịch mang tên ‘Lá đỏ” gồm 2 màn và 6 cảnh do NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB với tư cách chỉ đạo nghệ thuật, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là tác giả âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc, NSƯT Nguyễn Hồng Phong đạo diễn sân khấu kiêm biên đạo múa cùng các biên đạo khác như NSND Phạm Anh Phương, Minh Trang, với sự tham gia của các nghệ sĩ Opera, diễn viên múa và dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân là người trực tiếp viết theo ý tưởng và kịch bản thơ của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát. Hai tác giả đã cùng phối hợp triển khai với cảm hứng từ tứ thơ trong thi phẩm “Lá đỏ” của nhà thơ Nguyễn Đình Thi do nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc: “Gặp em trên cao lộng gió/Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”.

“Lá đỏ” được thực hiện dựa trên câu chuyện bi tráng của 8 chiến sỹ Thanh niên xung phong anh dũng hy sinh trong hang “8 cô” trên đường 20 Quyết Thắng những năm chống Mỹ. Tác giả đã phóng tác sân khấu hóa thành câu chuyện về 8 cô gái được thể hiện trên sân khấu với những hình tượng đẹp, xúc động, đi vào lòng người. 8 cô trở thành những vị anh hùng huyền thoại Mãi mãi vinh danh.

Với những cô gái này, hàng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sĩ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình đã là điều mãn nguyện. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến lúc hy sinh. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã sử dụng nhiều các điệu hò, điệu ví, giai điệu các bài hát quen thuộc viết về Trường Sơn thời kháng chiến và đưa vào âm nhạc bác học. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì sử dụng lời thoại và lời hát đậm chất thơ trên nền các thi phẩm của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đình Thi. Nhờ đó vở Opera “Lá đỏ” thêm phần gần gũi, dễ đi vào lòng người.

Vở nhạc kịch “Lá đỏ” trình diễn đã thực sự tạo nên ấn tượng sâu đậm với Ban giám khảo và đông đảo khán giả và đã nhận được tới 11 giải thưởng cho tập thể và cá nhân. Trong đó, có Giải xuất sắc toàn đoàn về thể loại Opera, Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho dàn nhạc biểu diễn xuất sắc, Bằng khen Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cho toàn đoàn, Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho toàn đoàn. Giải thưởng của hội đồng nghệ thuật dành cho chỉ huy xuất sắc Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Họa sĩ xuất sắc NSƯT Hoàng Hà Tùng. Huy chương Vàng tốp ca nữ thanh niên xung phong, Huy chương vàng tốp múa nữ thanh niên xung phong. Các cá nhân của Nhà hát cũng đoạt nhiều giải thưởng như nghệ sĩ Đào Tố Loan giành Huy chương Vàng, nghệ sĩ Đinh Như Tới và Nguyễn Huy Đức giành Huy chương Bạc.

Chia sẻ sau Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), cho biết: “Các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi có mặt ở Liên hoan Tiếng hát đường 9 xanh. Với nỗ lực về chất lượng và tri ân khán giả Quảng Bình – Quảng Trị, chúng tôi mong muốn mang đến cho Liên hoan một chương trình có chất lượng cao, với trách nhiệm đóng góp một phần sức mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Tác phẩm “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật nhọc nhằn, mang nhiều tâm huyết nhằm cống hiến cho nghệ thuật nước nhà một tác phẩm của đỉnh cao thế giới, đầy nhiệt huyết cách mạng và lòng tin yêu cuộc sống”.

Nhạc kịch (Opera) vốn được kết tụ từ ca từ, nghệ thuật vocal, nhạc giao hưởng đến kịch, múa nên được coi là thể loại nghệ thuật bác học. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam chưa có đạo diễn Opera thực thụ. Vì vậy, “Lá đỏ” được coi là một điểm nhấn hoàn thiện về nhạc kịch sau vở “Cô sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận những năm 60, 70 của thế kỷ trước.

Liên hoan Tiếng hát Đường 9 xanh là hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp diễn ra 3 năm một lần, để các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập thể hiện thành quả lao động, sáng tạo về đề tài chiến tranh cách mạng, đồng thời là sự kiện văn hóa, nghệ thuật gắn kết 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Tuyết Hoa

Lạc hồng trong tuyết

Múa là loại hình nghệ thuật khắc nghiệt, đòi hỏi sự khổ luyện, niềm đam mê và cả sự đầu tư không mỏi mệt từ gia đình. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, thành danh và cả làm giàu trong nghề này quả là “nhiệm vụ bất khả thi”. Áy vậy mà một số nghệ sĩ, biên đạo múa người Việt đã “làm mưa, làm gió” trên sân khấu nước ngoài và biến mình thành cánh chim lạc hồng trên bầu trời nghệ thuật thế giới.

Trần Tiến Huy – Giám đốc nghệ thuật người Việt đầu tiên ở châu Âu

Biên đạo múa Trần Tiến Huy (Huy Tran)

Một người không thể không nói đến khi trở thành nhân vật đầu tiên là người Việt được mời làm Giám đốc nghệ thuật của một nhà hát châu Âu – Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức. Đó chính là biên đạo, nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy (sinh năm 1987). Là một tài năng múa trẻ ở Việt Nam, Trần Tiến Huy bước vào nghiệp múa từ năm 1999 tại Trường Múa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 2008, Trần Tiến Huy giành giải Ba (solo) trong cuộc thi Tài năng múa trẻ. Cũng năm đó, anh bắt đầu thử sức mình trên sân khấu quốc tế khi làm việc cho Công ty Swiss Cinevox Junior do Malou Fenaroli Leclerc đứng đầu. Nhìn thấy tài năng thiên bẩm cũng như sự khổ luyện và niềm đam mê nghiệp múa của chàng lãng tử này, Thụy Sỹ đã trao cho anh học bổng dành cho biên đạp múa nằm trong dự án đào tạo của Chính phủ tại Reinhild Hoffmann. Kết thúc khóa đào tạo, anh làm việc tại Nhà hát Hagen (Đức) dưới sự chỉ đạo của Ricardo Ferando và Nationaltheater Mannheim từ năm 2011-2015. Sau đó, anh chuyển sang Nhà hát quốc gia Mannheim từ 2015-2016. Năm 2011, anh giải nhất của cuộc thi “Biên đạo múa trẻ – CJC – Neuhausen tại Thụy Sĩ. Anh bắt đầu đầu quân cho Nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern từ năm 2016 và đến nay, anh chính thức được mời làm đồng đạo diễn nghệ thuật của Nhà hát danh giá này.

Nhưng, thành công trên sân khấu nước ngoài không khiến Trần Tiến Huy sống trong hào quang mà quên đi “quê cha, đất mẹ”. Huy thường dành thời gian trở về Việt Nam tham gia giảng dạy các lớp múa đương đại. Made in Vietnam – workshop múa đương đại 2018 là lần đầu tiên Huy cùng các đồng nghiệp đang chinh chiến tại trời Âu chia sẻ kiến thức, trải nghiệm với công chúng. Cuối tháng 6 vừa qua, Huy đã về nước tham dự chương trình Múa đương đại – Hanoi Dance Fest 2019 với tác phẩm Đa chiều (Multidimention) cùng sự thực hiện của các diễn viên múa nước ngoài. Tác phẩm Đa chiều của anh mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về cùng một vũ đạo – Một sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những chiều kích biên thiên bao gồm không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu.

Một cảnh trong Đa chiều – tác phẩm do Huy Tran biên đạo được trình diễn tại Hanoi Dance Fest 2019

Nói về Trần Tiến Huy, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, mẹ của anh, cũng từng là một diễn viên múa đã hy sinh sự nghiệp vì gia đình, tâm sự: “Tiến Huy sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật múa nên từ bé, Huy đã có cái nôi của sự đam mê. Nhưng từ đam mê đến thành công của hôm nay sự sự hy sinh mọi thú vui, sự khổ công rèn luyện và quyết tâm của bản thân và sự ủng hộ của gia đình. Nhiều người hỏi tại sao đến giờ này, chúng tôi vẫn ở trong căn hộ tập thể được phân từ ngày xưa? Đơn giản thôi! Mọi thứ chúng tôi kiếm được đều để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy của con cái. Chỉ vậy là đủ rồi!”.

Vũ Ngọc Khải đưa hồn Việt vào sáng tạo

Năm 2015, sân khấu múa Việt Nam xôn xao với vở “Nón”. Năm 2016, vở múa đương đại đậm chất Việt này được mời biểu diễn tại Hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu. Năm 2017, “Nón” tiếp tục được biểu diễn tại Liên hoan múa quốc tế Changmu Performing arts Festival (Seoul – Hàn Quốc). Biên đạo và diễn viên chính của vở là Vũ Ngọc Khải. Và gần đây nhất, năm 2019, “Đáy giếng” đã “hớp hồn” người yêu nghệ thuật múa đương đại trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace tổ chức.

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải

Múa là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện từ bé (thường từ 7-8 tuổi), và thời gian làm nghề ở độ thăng hoa không hề dài. Như với Khải, anh bắt đầu với 7 năm học múa ballet chuyên nghiệp tại trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Từng làm việc cho một nhà hát tại Việt Nam, rồi tiếp tục tu nghiệp và làm việc tại Hà Lan, kể từ năm 2007, sự nghiệp nghệ thuật của anh gắn liền với các sàn diễn châu Âu. Không chỉ được thừa nhận trong vai trò diễn viên soloist, Vũ Ngọc Khải còn là biên đạo, Giám đốc chuyên môn và giảng viên múa. Anh luôn muốn đưa văn hóa Việt cộng hưởng với tư duy nghệ thuật đương đại vào tác phẩm của mình. Điển hình gần đây nhất là “Đáy giếng” với hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hoá và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.

Bên cạnh sáng tác, Vũ Ngọc Khải cũng chuyên tâm tới giảng dậy. Học về cơ thể và chuyển động nên anh quan tâm tới những chuyển động tự nhiên, hợp lý với cơ thể. Cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngã và hít thở.

Đáy giếng của Vũ Ngọc Khải đã thu hút sự chú ý của khán giả tại Hanoi Dance Fest 2019

Ngọc Khải mang theo mình sự luyện tập của Ballet và chuyển dần sang Neo-Classical rồi  múa Đương đại. Mang một hơi thở luôn chuyển động về nghệ thuật múa, anh mong muốn những tác phẩm của anh sẽ chạm tới khán giả với nhiều khía cạnh của cuộc sống Đương đại hiện tại.  Tâm sự về “nghiệp múa”, Vũ Ngọc Khải cho biết: “Múa cho tôi hơi thở, khung hình, âm thanh, ánh sáng và đi vào trong không gian, tốc độ, với cảm giác và cảm  xúc rất thật!”.

Xuân Lê – chàng trai gốc Việt mang trượt băng vào múa

Tuy không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) lại rất muốn cống hiến tài năng của mình trên mảnh đất Tổ của mình. Dù gặt hái được nhiều thành công qua các tour lưu diễn vòng quanh thế giới với các đoàn nghệ thuật danh tiếng, Xuân Lê vẫn luôn khao khát tiến xa hơn nữa trong hành trình kiếm bản thân. Năm 2016, Xuân Lê quyết định thành lập đoàn múa tại Paris để theo đuổi một niềm đam mê khác, cũng không kém phần mãnh liệt: biên đạo và dàn dựng các tác phẩm của chính mình và Vòng lặp là sáng tác solo đầu tay của anh.

Xuân Lê – chàng nghệ sĩ Pháp gốc Việt với Vòng lặp

Là chủ nhân của giải vô địch nước Pháp và giải 6 – vô địch trượt patin thế giới (thể loại freestyle) năm 2009, Xuân Lê nhanh chóng bén duyên với nghệ thuật múa. Vừa đầu quân cho đoàn múa Käfig, Bissextile vừa là thành viên của đoàn xiếc Eloize, có thể nói Xuân Lê là một nghệ sĩ đa tài, một người nghệ sĩ “không giới hạn”.

Anh kết hợp tinh tế bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình. Tác phẩm Vòng lặp của anh mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ tái hiện trên sân khấu huyễn tưởng đầy ấn tượng.

Không chỉ là Tiến Huy, Ngọc Khải hay Xuân Lê, cái nôi múa Việt còn có biết bao nhiêu gương mặt thành danh trên sân khấu quốc tế. Lê Ngọc Văn, diễn viên ballet Việt Nam cũng là một trong những cái tên mang đến niềm tự hào cho Việt Nam. Hiện anh đang làm việc cho Nhà hát Hoàng gia Anh. Bên cạnh đó, anh vẫn thường xuyên về nước để cộng tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và một số đơn vị nghệ thuật khác. Năm 2018, Lê Ngọc Văn đã thể hiện tốt vai trò biên đạo múa khi phối hợp cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong hai vở Bolero và Suit en Blanc. Theo tiết lộ từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Lê Ngọc Văn đã chính thức nhận lời về Việt Nam dàn dựng và biên đạo vở vũ kịch Hồ Thiên Nga một cách đầy đủ nhất, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 10 tới tại Hà Nội.

Có thể kể thêm nhiều cái tên khác được nhiều người biết đến như Hoàng Ngọc Tú (Conny Janssen Danst, Hà Lan), Lê Thanh Phong (Nhà hát Luneburg, Đức), Phạm Trí Thanh (Nhà hát St Gallen, Thụy Sỹ), Bùi Ngọc Quân (Công ty Les Ballet C de la B, Bỉ), Nguyễn Ngọc Anh (Random Dance Company, Anh).

Với tâm thế của những nghệ sĩ luôn muốn đóng góp khả năng của mình cho nền nghệ thuật nước nhà, các anh chị luôn theo dõi và sẵn sàng góp sức bất cứ lúc nào có thể. Không chỉ hoạt động ở lĩnh vực sáng tạo, biên đạo và biểu diễn, các nhóm các nghệ sĩ múa này cũng góp sức cho những khóa tập huấn về múa đương đại cho giảng viên, sinh viên khoa Múa các trường đại học ở Việt Nam.

Với những gì đã, đang và sẽ làm được, chúng ta tiếp tục hy vọng những cánh chim Lạc Hồng sẽ bay cao, bay xa hơn nữa để tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật quốc tế.

Nguyễn Tuyết Hoa (Theo Tạp chí Cục NTBD)