Ngày: Tháng Năm 13, 2019

Mãn nhãn với màn trình diễn trong ‘Đại lộ di sản’

Tối 12/5 vừa qua, tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), chương trình nghệ thuật Đại lộ Di sản số đầu tiên của VTV đã diễn ra với các tiết mục đặc sắc của 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Toàn bộ chương trình do ê kíp sáng tạo thực hiện, trong đó NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), chịu trách nhiệm chính phần múa.

Có 8 đoàn nghệ thuật đến từ 8 nước châu Á cùng 300 tăng ni, 120 diễn viên của Việt Nam tham gia chương trình, trong đó có sự góp mặt của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak.

 

Đây là sân khấu nghệ thuật có bối cảnh lớn nhất trong các kỳ Vesak

 

Các đoàn nghệ thuật đã mang đến những tinh hoa nghệ thuật của quốc gia mình, trong đó mỗi tiết mục đều ẩn chứa một câu chuyện về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xưa cho đến ngày nay.

Tam Chúc là nơi lý tưởng để các nghệ sĩ “chơi” nghệ thuật ánh sáng và âm thanh cùng phong cách dàn dựng mới lạ.

Phần 1 của chương trình Đại lộ di sản với chủ đề Việt Nam – Đất Phật ngàn năm được mở màn bằng đoàn rước từ từ đi lên từ mặt nước. Không gian chùa Tam Chúc vô cùng lung linh với hình ảnh ánh sáng chiếu rọi vào 6 quả núi và hơn 2 vạn bông hoa đăng.

Sân khấu nổi lên vô cùng huyền bí, khách tham dự có cảm giác một ngôi chùa đang mọc lên từ biển cả bao la. 300 tăng ni từ từ tiến vào sân khấu cùng các ca sĩ Ngọc Sơn, Quách Tuấn Du, Đông Hùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh thể diện bài hát Việt Nam Phật giáo rạng ngời và màn múa Cờ Phật.

Màn hình hiện lên là nền đá nham thạch miêu tả các sự tích của Đức Phật tại khu du lịch Tam Chúc cùng với bài ca cổ “Chuyện Phật Thích Ca giáng trần” được soạn lời mới từ Thượng toạ Thích Nhật Từ khiến người xem, ai cũng muốn một lần được đặt chân tới ngôi chùa tuyệt đẹp này.

Đạo diễn, biên đạo múa Trần Ly Ly đã khiến người xem trầm trồ bởi phần dàn dựng màn múa Khai giác cho hơn 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Màn múa khiến người xem tâm đắc bởi chắc có lẽ, sinh ra, con người đã khơi mở Phật tính sẵn có của mình để chứng ngộ nguồn gốc của pháp.

Phần 2 của Đại lộ di sản, tại sân khấu của ngôi chùa lớn nhất thế giới Tam Chúc, khán giả được hoà mình vào không khí lễ hội đậm đặc màu sắc văn hoá được các nước.Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn khiến người xem thấy được nét đặc sắc của văn hoá Ấn Độ – quê hương của Phật giáo. Những điệu múa cổ điển nhất của Ấn Độ thể hiện những câu chuyện Phật giáo. Và điệu múa Odissi là một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ, là di sản văn hóa của quốc gia.

Tiết mục Nirvana do đoàn nghệ thuật Aniruddha Das & Group biểu diễn

Đoàn nghệ thuật Sampath Rangayathanaya – Sri Lanka

Múa Onden Onden do đoàn nghệ thuật Indonesia biểu diễn.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam nhận được rất nhiều lời khen ngợi của bạn bè quốc tế. “Lục cúng hoa đăng” là một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn. Đây là điệu múa có nguồn gốc từ lâu đời và đến hôm nay dù trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử, nhưng nó vẫn tồn tại, tuy không còn nguyên vẹn như ban đầu. “Lục cúng hoa đăng” là 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng lên một thứ lễ vật như: Hương, hoa, đăng, trà, quả, thực.

Màn múa Lục cúng hoa đăng của nước chủ nhà Việt Nam do các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) thực hiện

Tiết mục múa Awa Odori và các nhạc cụ do đoàn nghệ sĩ Nhật Bản – KINARI biểu diễn. Lễ hội nhảy múa Awa Odori Matsuri được cho là bắt nguồn từ năm 1586. Điệu múa “Awa Odori” truyền thống thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo.

Tiết mục The Defeat of Mara do đoàn nghệ thuật biểu diễn Bộ Văn hóa Thái Lan

Tiết mục múa Awa Odori của Nhật Bản

Tiết mục Suo Nan Zhi đoàn nghệ thuật Trung Quốc.

Điệu múa Cham Bhutan

Điệu múa Cham Bhutan – một điệu nhảy truyền thống gắn liền với văn hóa Phật giáo. Các vũ công sẽ đeo mặt nạ và nhảy múa trên nền nhạc truyền thống được chơi bởi các nhà sư. Những điệu múa Cham không chỉ miêu tả lại sự vĩ đại và công đức của Đức phật mà còn là một phương pháp thiền định, là sự kính ngưỡng của con người nơi đây hướng tới các vị thần. Điệu Cham thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn.

Với Đại lộ di sản, âm nhạc, nghệ thuật như một thứ tín ngưỡng chia sẻ tâm tư, tình cảm, ước mơ của con người. Màn hoà tấu của dàn nhạc dân tộc Việt Nam và màn pháo hoa đã kết lại chương trình thật đẹp và để lại nhiều xúc cảm cho người xem.

Tình Lê (VietnamNet)

Theo NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tiết lộ:

Tiết mục múa đông nhất tại Đại lộ Di sản lên tới hơn 300 tăng ni và 100 diễn viên múa chuyên nghiệp. Còn tổng thể thực hiện chương trinh lên tới con số hàng nghìn người, bao gồm cả diễn viên và người thực hiện