Ngày: Tháng Năm 9, 2019

VNOB tham gia Đại lộ di sản chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2019

Với mục đích giới thiệu đến khán giả những di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, Đài truyền hình Việt Nam đã cùng e kíp sáng tạo xây dựng một chương trình nghệ thuật quốc tế mang tên Đại lộ di sản, dự kiến sẽ diễn ra hàng năm với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, trong có có sự góp mặt của các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB). Dự kiến,  Chương trình Đại lộ di sản sẽ ra mắt số đầu tiên lúc 20h10 ngày 12 tháng 5 trên kênh VTV1.

NSƯT Trần Ly Ly, Q.Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), là một trong những nhân vật chủ chốt trong ê kíp sáng tạo của chương trình này. Bà Ly Ly sẽ phối hợp cùng với đạo diễn Việt Tú, nhạc sĩ Lưu Hà An và nhạc sĩ Thanh Phương. Số đầu tiên sẽ diễn ra tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Hà Nam, đúng vào đợt diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2019. Mục đích của chương trình là đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, thông qua đó sẽ góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hóa chân – thiện – mỹ của Việt Nam và nhân loại.

Quang cảnh họp báo ra mắt chương trình Đại lộ di sản

Theo thông tin từ ê-kíp sản xuất, chương trình gồm 2 phần. Phần đầu tiên mang tên Việt Nam – Đất Phật ngàn năm. Trong phần này, khán giả sẽ được xem những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản  tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng như Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian (Hát ru – Đi cấy – Vào chùa), Múa trống Thượng đường/Khai giác… với sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và hàng trăm diễn viên múa chuyên nghiệp.

Phần thứ hai mang tên Đại lộ di sản , giới thiệu tới công chúng những di sản văn hóa phi vật thể của nhiều quốc gia trên thế giới. Xuất hiện trong chương trình năm nay gồm múa “Lục cúng hoa đăng” – điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003); múa Odissi của Ấn Độ (một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ); múa Awa Odori Nhật Bản (được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo); múa Cham của Bhutan (một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này)…

Những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó hoặc của thế giới do UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.

Múa Lục cúng hoa đăng sẽ xuất hiện trong Đại lộ di sản số đầu tiên

Đặc biệt, trong phần múa, theo NSƯT Trần Ly Ly tiết lộ, chương trình sẽ được dàn dựng bao gồm 4 mảng múa lớn, trong đó có sự tham gia của 300 ni sư, 120 diễn viên múa…Đặc biệt, một tác phẩm được viết lời bởi chính Thượng tọa Thích Nhất Từ với việc viết lời có nội dung về đạo Phật trên nền bài “Dạ cổ hoài lang”. Theo đó, nét đặc biệt nhất của phần này là khán giả sẽ được xem một màn trình diễn với sự tham gia của 300 người xếp thành hình chữ “vạn”.

Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc. Mỗi di sản đều có điểm phát tích, có những thăng trầm gắn với lịch sử và văn hóa của mỗi quốc gia. Ngoài những mặt giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày nay di sản văn hóa còn được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian.

Chương trình nghệ thuật thường niên Đại lộ di sản hy vọng là một trong những nỗ lực góp phần bảo vệ di sản, cũng chính là bảo vệ văn hóa của mỗi một quốc gia.

 

Tuyết Hoa