Ngày: Tháng Mười Hai 17, 2018

NSƯT Vành Khuyên tham gia biểu diễn tại chương trình Bản giao hưởng số 2 của Gustav Mahler

(Tổ quốc) Tối 14/12, tại Hà Nội, những người yêu nhạc giao hưởng đã có cơ hội được thưởng thức bản Giao hưởng số 2 của Gustav Mahler.

Đây là bản giao hưởng đứng thứ 5 trong danh sách 10 bản giao hưởng vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Âm nhạc của đài BBC tổ chức lấy ý kiến thăm dò từ 151 nhạc trưởng lớn nhất thế giới.

Gustav Mahler là nhà soạn nhạc và chỉ huy người Áo. Ông có những tác phẩm đánh dấu sự phát triển tới đỉnh cao của âm nhạc giao hưởng thời kỳ hậu lãng mạn và là một trong số những nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đối với các nhạc sĩ của thế kỷ 20.

Bản giao hưởng số 2, có tên gọi là Phục sinh, được ông viết vào năm 1894. Tham gia biểu diễn bản giao hưởng có 2 ca sĩ đơn ca, hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng. Đây là bản giao hưởng đầu tiên của Mahler có sự kết hợp giữa thanh nhạc và khí nhạc. Điều này còn xuất hiện trong các bản giao hưởng khác của ông.

Bản giao hưởng số 2 nổi tiếng của Gustav Mahler đã được vang lên hoành tráng tại phòng Hòa nhạc Lớn của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng nổi tiếng người Nhật Honna Tetsuji.

Trả lời về những khó khăn trong thời gian tập luyện, Nghệ sĩ Cello Hoàng Thế Mạnh của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam – một trong những nghệ sĩ tham gia trình diễn trong buổi tối ngày hôm nay cho biết: “Đây là một tác phẩm khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, cả nhân tố về con người, về nhạc cụ, vì thế, đối với tôi chương trình đã thành công rực rỡ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của NSƯT Hà Phạm Thăng Long và NSƯT Lê Thị Vành Khuyên. Sự kết hợp giữa Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã để lại nhiều cảm xúc thật dạt dào …”.

Bản giao hưởng có tên là “Phục sinh” nên nó lại càng có ý nghĩ, rất phù hợp với thời điểm hiện tại, trong không khí khi mà mùa giáng sinh đang đến rất gần”, .Nghệ sĩ Cello Hoàng Thế Mạnh nói.

Chị Trần Tuyết Trang (Quận Đống Đa) cho hay: “Tôi rất thích nghe nhạc giao hưởng. Bản giao hưởng tối nay đã đưa tôi tới nhiều cung bậc cảm xúc. Hy vọng, trong thời tới, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam sẽ có nhiều chương trình kết hợp như thế này, để những người yêu thích nhạc giao hưởng có cơ hội được thưởng thức”.

Có thể nói, hơn 90 phút diễn ra chương trình, Dàn nhạc Giao hưởng đã đem lại cho những người yêu nhạc giao hưởng một bữa tiệc âm nhạc hùng tráng. Kết thúc chương trình, Dàn nhạc giao hưởng liên tục nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Đây thực sự là sự kiện đặc biệt, nổi bật nhất của năm 2018 trong đời sống văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói chung và trong đời sống âm nhạc nói riêng.

Lan Anh