Cháy vé vở ballet Kẹp hạt dẻ: Khi nghệ thuật hàn lâm đáp ứng thị hiếu
VOV.VN-Vở ballet “Kẹp hạt dẻ” không còn vé để bán vào đúng đêm đội tuyển Việt Nam có trận cầu quan trọng, không phải là nghiễm nhiên, NSUT Trần Ly Ly cho biết.
Phóng viên VOV.VN có dịp gặp Nghệ sỹ Ưu tú (NSUT) Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào một ngày đầu đông lạnh tê tái nhưng từ chị tỏa ra một bầu nhiệt huyết làm ấm cả căn phòng. Biên đạo Trần Ly Ly nở nụ cười rạng rỡ, hồ hởi chia sẻ về thành công của vở ballet “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 mang tên “Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên” do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng khi cả 2 đêm công diễn đều “cháy vé” dù trùng với ngày đội tuyển bóng đá Việt Nam có trận cầu quan trọng để bước vào Chung kết AFF cup.
Nhưng với nhà biên đạo nhiều trăn trở này, thành công đó không tự nhiên mà đến và cũng chỉ là khởi đầu cho hành trình quảng bá rộng rãi hơn nữa ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung đến với công chúng.
Đối với đại bộ phận khán giả cả nước, có lẽ cái tên Trần Ly Ly một thời được nhắc tới nhiều trong các chương trình giải trí. Nhưng lần này, chị lại khiến khán giả phải xôn xao vì vở ballet “Kẹp hạt dẻ”. Vậy đây có phải là một sự “trở lại” của Trần Ly Ly?
NSUT Trần Ly Ly: Thật ra mình bắt đầu nổi tiếng trong nghề với tư cách là “dân” múa đương đại. Mình dựng những vở múa đương đại và mình là dân cổ điển, được đào tạo cẩn thận, đi học ở nước ngoài cũng học bài bản về cổ điển.
Mình may mắn được công chúng biết đến nhiều hơn vì một thời gian gắn bó với truyền hình qua những chương trình giải trí nhưng bản chất của mình là dân làm nghề chính thống.
Vậy có khi nào chính cái tên Trần Ly Ly khiến “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 được thêm phần chú ý?
NSUT Trần Ly Ly: Mình nghĩ là vì xu hướng khán giả đang quay lại với nghệ thuật truyền thống và cổ điển. Bởi vì nói thực, đã qua rồi những trào lưu của showbiz và bây giờ khán giả sẽ quay lại với cổ điển.
Phải chăng vì xu hướng đó mà “Kẹp hạt dẻ” cháy vé?
NSUT Trần Ly Ly: Tại sao “Kẹp hạt dẻ” cháy vé? Đó là do sản phẩm nghệ thuật!
Từ tháng 3 đến giờ chúng tôi đã ra 6 chương trình và dần dần mọi người biết đến chương trình của mình chứ không phải chỉ có chương trình cuối năm nay. Thành công này đến từ những bước đầu tiên như là vở ballet “Chim lửa”, chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ”, rồi vở múa đương đại “Đáy mắt”, rồi vở ballet “Bolero & Suite en Blanc”, rồi nhạc kịch “Maria đến từ Buenos Aires” và đến “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên”.
Không phải tự nhiên mọi người cảm thấy bị thu hút bởi một chương trình. Điều đó rất khó. Đây là một loạt chương trình được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam sản xuất trong năm qua. Từ từ, từng bước một, mọi người thấy rằng, nhà hát đã có những bước tiến mới và chất lượng mọi người cảm thấy có sự thay đổi. Vì vậy đến cuối năm “Kẹp hạt dẻ” mới cháy vé.
Ban đầu chúng tôi định diễn 3 buổi nhưng sợ là thu về không thể đủ được thì sẽ phí sức lực của anh em, rồi còn phải trả tiền thuê nhiều thứ. Nhưng cuối cùng lại cảm thấy rất tiếc. Tại sao lại không làm 3 đêm.
Nhưng qua việc đó, mình đong đếm và mình thấy rằng, nhu cầu của xã hội là có. Vậy thì quay lại hỏi chính mình là sản phẩm của mình đã đáp ứng được với xã hội hay chưa, đã đủ hấp dẫn chưa?
Nhưng rất nhiều nhà hát trên thế giới đã dựng vở ballet “Kẹp hạt dẻ”, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh. Bản thân Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đã dựng 2 vở “Kẹp hạt dẻ” rồi. Vậy “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018 có điều gì hay và hấp dẫn đến thế?
NSUT Trần Ly Ly: Ngay khi nhận nhiệm vụ quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ tháng 3/2018, mình đã hối thúc Ban giám đốc cùng toàn bộ đội ngũ sản xuất tư duy về 1 vở “Kẹp hạt dẻ” mang hình thức mới cũng như phương hướng mới, mang hồn vía và cách tiếp cận khác với những năm khác.
Phiên bản 2018 – “Kẹp hạt dẻ: Giấc mơ thần tiên” thực ra được truyền cảm hứng từ nhà biên đạo Pháp Philippe Cohen, người cách đây hơn 10 năm đã đến Việt Nam và xây dựng phiên bản “Kẹp hạt dẻ” đầu tiên. Đó là suy nghĩ về 1 “Kẹp hạt dẻ” cho Việt Nam chứ không phải của nước khác bởi mỗi một vở “Kẹp hạt dẻ” lại phản ánh cảm nhận riêng về đất nước đó.
Từ cảm hứng đó, chúng tôi xây dựng lại một phiên bản mới của năm 2018. Đó là giấc mơ thần tiên của 1 em bé người Việt Nam, trong bối cảnh lễ Giáng sinh ở đất nước Việt Nam.
Đặc biệt là toàn bộ dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, gồm 60 nhạc công dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng và rất trẻ, Đồng Quang Vinh, đã chơi nhạc sống.
Với chúng tôi, vũ kịch mà có nhạc sống mới là món quà lớn nhất, mang cảm xúc cộng hưởng giữa người múa lẫn người chơi nhạc và khán giả. Điều đó là rất đáng quý. Chính sự phối hợp của hơn 100 người, gồm 60 nhạc công cùng 60 diễn viên và ê-kíp xung quanh để sản xuất đã tạo ra dấu ấn cho “Kẹp hạt dẻ” phiên bản 2018.
Nhưng nếu ngày hôm nay chúng tôi có 1 chút thành công của “Kẹp hạt dẻ” thì đó cũng chỉ là tiền đề để mình nghĩ đến tương lai mà thôi.
Tương lai đó là gì?
NSUT Trần Ly Ly: Ước ao thì lớn nhưng để làm thì phải đi từng bước một. Bởi vì để dựng được một vở nhạc kịch hay opera cần phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và cả tài chính.
2019 là một năm đặc biệt với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam bởi chúng tôi kỷ niệm 60 năm, một chặng đường huy hoàng và đáng phải nhìn lại. Chúng tôi sẽ xây dựng ít nhất là 1 vở Opera và dàn dựng mới vũ kịch “Hồ Thiên nga”.
Hy vọng thiên thời địa lợi nhân hòa thì tháng 10/2019 “Hồ Thiên nga” sẽ ra mắt. Và chúng tôi sẽ không chỉ diễn 1 buổi mà là 1 series. Bởi vì như các nước trên thế giới thì 1 vở người ta diễn mãi, hết mùa này sang đến mùa sau, chứ không phải chỉ diễn 1 buổi, có 500 người trong khán phòng được xem.
Tại sao Nhà hát lại chọn “Hồ Thiên nga”?
NSUT Trần Ly Ly: “Kẹp Hạt Dẻ” chỉ là một câu chuyện nhỏ, là giấc mơ của một em bé, không phải là một vở lớn, chỉ là 1 vở có 2 màn thôi mà mọi người đã thích đến thế. Vậy thì với “Hồ Thiên nga”, vốn là một câu chuyện lớn hơn rất nhiều, bởi vì đó là một huyền thoại cả về văn học, âm nhạc và bản dựng múa của Petipa nữa, mình tin rằng, mọi người sẽ rất thích thú để xem Hồ Thiên Nga của Việt Nam.
Ngoài ra, Nhà hát còn dự định nào không?
NSUT Trần Ly Ly: Làm được 1 vở opera và 1 vở ballet thôi thì gần như chúng tôi không còn sức lực để làm việc gì khác nữa. Chúng tôi phải tập trước từ 4-6 tháng.
Ngay sau vở “Kẹp hạt dẻ” thì 1 bạn phải đi mổ viêm xoang và 1 bạn phải đi chữa lưng.
Nhu cầu của khán giả nhiều như thế mà mình không phục vụ thì đấy là 1 thiếu xót. Tuy nhiên có quá nhiều mắt xích, hơn 100 người, chỉ cần 1 mắt xích lỏng thôi cũng đã khó khăn lắm rồi.
Dường như chị có rất nhiều trăn trở trên cương vị mới?
NSUT Trần Ly Ly: Thực ra ở các nhà hát lớn trên thế giới, việc dành 100% sức lực cũng như đầu tư đặc biệt cho ngành nghệ thuật đặc biệt này phải khác, rất khác.
Chúng ta không thể đổ đồng một diễn viên múa ballet với 1 diễn viên múa thông thường. Các vũ công ballet có ít nhất 8 năm được đào tạo trong nhà trường, ngoài ra còn 4 năm học tiếp, và để ra nghề phải là mười mấy năm học tập và luyện tập một cách khắc nghiệt. Cũng như vậy, 1 nhạc công của dàn nhạc giao hưởng phải học ít nhất 16 năm. Chúng tôi cần những cơ chế đặc biệt.
Thứ nhất là về độ tuổi. Sau tuổi 40, các diễn viên ballet gặp vấn đề về xương cốt, sức khỏe bởi vì họ phải đứng trên đầu mũi chân làm cho cột sống không được tốt. Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng. Người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho ballet, rồi đến 40 tuổi không thể múa được nữa, thì không thể như công chức là làm việc đến 60 tuổi. Vì thế phải có chế độ cho những người làm nghề đặc biệt.
Thứ hai, giá trị về danh dự và tiền lương của các bạn cũng phải rất đặc biệt. Chúng ta không thể đổ đồng mùa chi trả cho 1 diễn viên, tất cả như nhau. Tôi nghĩ rằng, như thế dần dần chúng ta sẽ mất những tài năng và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vô cùng khó khăn để giữ lại được những người có tài bởi ngoài đam mê thì họ còn phải sống.
Thứ ba, mỗi một dự án phải mất ít nhất từ 4-6 tháng để hoàn thành. Ví dụ như từ bây giờ, chúng tôi đã phải lên kế hoạch là năm sau sẽ làm việc với ai, đạo diễn nào, biên đạo nào, nhạc sỹ nào, họ có đủ thời gian về với chúng ta không. Họ có đủ thời gian thì họ có đủ hiểu người Việt Nam hay không bởi có nhiều người rất tài giỏi trên thế giới những lại không hiểu cách làm việc của chúng ta thì cũng khó thành công.
Mỗi một phút trên sân khấu là chúng tôi phải luyện hàng tuần, hàng tháng. Đó là con tim, là khối óc, là cảm xúc, là độ tinh tế, không phải nói làm là làm được mà phải ngấm dần qua cuộc đời. Đến lúc “quả chín” thì công chúng mới được thưởng thức nghệ thuật nó là như thế nào. Cho nên công chúng càng hiểu thấu người làm nghề thì mới càng trân trọng nghề. Mà càng như thế mới càng thấy cái đẹp của nghệ thuật là vô cùng.
Xin cảm ơn biên đạo Trần Ly Ly về cuộc trò chuyện này!
Sao Chi/VOV.VN