Học sinh trường Thực nghiệm đến giao lưu với VNOB về Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên
Nằm trong khuôn khổ đưa học sinh tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm, vừa qua, nhân dịp Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) xây dựng vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018, trường Tiểu học Thực nghiệm đã đưa 120 em học sinh thuộc khối lớp 4 của trường đến thăm quan, giao lưu và trực tiếp xem cách dàn dựng một vở diễn như thế nào.
Các em đã có cơ hội nhìn nhận một cách thực tế và rõ rang về các loại nhạc cụ được sử dụng trong một dàn nhạc giao hưởng, cách động tác múa ballet cũng như cách ghép chương trình như thế nào. Cũng trong chương trình giao lưu này, đạo diễn – biên đạo múa Lưu Thu Lan và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã giới thiệu cho các em một cách tổng quan về vở ballet kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên.
Trao đổi với VNOB, cô giáo Nguyễn Bạch Yến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thực nghiệm, cho biết: “Chúng tôi rất muốn phối hợp với VNOB để thực hiện các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm nhằm đưa đến cho các cháu những cảm nhận về nghệ thuật hàn lâm và hướng nghiệp từ nhỏ. Với những môn nghệ thuật như ballet, các cháu phải tập từ rất nhỏ mới có thể đạt được thành công. Vì vậy, những đợt trải nghiệm như thế này sẽ giúp hình thành nhân cách và hướng nghiệp sớm cho các cháu”.
Lần đầu tiên được đến với ballet một cách thực sự, nhiều học sinh đã không khỏi ngỡ ngàng và phần đông rất thích thú với các vai diễn cũng như vũ điệu điêu luyện của các nghệ sĩ. Cháu Trần Trang Linh, lớp 4C, cho biết: “Cháu chưa bao giờ được đi xem múa ballet như thế này. Cháu thích lắm và rất khâm phục các cô chú diễn viên. Cháu cũng mơ ước sau này mình được như vậy”.Còn cháu Đào Phương Anh, học sinh lớp 4C, lại tỏ ra rất hào hứng với âm nhạc: “Cháu rất muốn tìm hiểu về các loại nhạc cụ ở đây và nhất là cách chỉ huy dàn nhạc của chú Đồng Quang Vinh. Cháu sẽ nói với bố mẹ cho cháu đi xem các vở ballet và nghe nhạc giao hưởng sau này”.
Dự kiến, VNOB và trường Tiểu học Thực nghiệm sẽ có kế hoạch làm tiếp những chương trình giao lưu và trải nghiệm tương tự. Nếu mô hình này thành công, VNOB sẽ hướng đến việc đưa nghệ thuật hàn lâm đến với các trường học.
Tuyết Hoa