Là soilist chính của vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires hóa thân là nàng Maria, với ca sĩ Ngô Hương Diệp, đây là một thách thức không nhỏ. Nhưng với cô, đương mình với thử thách là niềm đam mê, đặc biệt khi vào vai Maria trong vở nhạc kịch do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sản xuất, sẽ trình diễn đêm 15 tháng 11 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Với Hương Diệp, với Maria de Buenos Aires, cái khó nhất là âm nhạc “Nghe có vẻ dễ nhưng hát không dễ chút nào”.
Trên thế giới hiện nay, Maria de Buenos Aires được trình diễn theo phong cách nhạc trẻ, thấp xuống quãng 8 nên dễ dàng hơn. Còn ở vở nhạc kịch này, theo yêu cầu của nhạc trưởng, ca sĩ buộc phải hát theo phong cách Opera, sử dụng nốt treo nên đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc có độ khó cao. Như Hương Diệp nói thì ‘dù hát Opera nhưng vẫn phải toát lên phong cách hiện đại”. Chính vì vậy, Hương Diệp cho rằng ca sĩ vào vai Maria phải suy nghĩ, tìm tòi “hát theo phong cách cổ điển nhưng bên cạnh sự chỉn chu, khuôn mẫu là sự hiện đại, phá cách, tạo nên sự thú vị với khán giả”.
Một thách thức nữa với ca sĩ chính của vở diễn là tạo sự phối hợp tốt, hòa quyện giữa ca sĩ, nhạc trưởng và dàn nhạc.
Tuy nhiên, với một ca sĩ Opera “gạo cội” như Hương Diệp, người từng vào vai Carmen, có nhiều nét tương đồng với Maria, thì việc biến Opera vào Tango không gặp nhiều khó khan. Bên cạnh đó, đây là cơ hội để Hương Diệp khám phá bản thân. Với bản tính thích chinh phục thử thách, có tâm hồn nghệ sĩ, Maria là vai diễn phù hợp với Hương Diệp.
Ca sĩ Ngô Hương Diệp là một trong những nghệ sĩ Opera hàng đầu của Việt Nam. Cô đã tốt nghiệp Đại học Thanh Nhạc Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam và thạc sĩ Thanh Nhạc tại Rumani loại xuất sắc . Hiện nay Ngô Hương Diệp thuộc biên chế Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB).
Vào 20g ngày 15 tháng 11 trên sân khấu Nhà hát Lớn, vở opera độc đáo trên nền nhạc và vũ điệu tango Maria De Buenos Aires sẽ đến với khán giả một đêm duy nhất. Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam VNOB, Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly đã dành vài phút để chia sẻ với Hanoi Grapevine về vở diễn trong không khí rộn ràng chuẩn bị.
Chị cho biết: “Vở Opera được xây dựng trên nền nhạc Tango là rất hiếm. VNOB muốn xây dựng tác phẩm tạo ra được không gian và cảm xúc qua ngôn ngữ đặc trưng là điệu Tango Argentina. Đây cũng là một vở khá nhỏ gọn nhưng có hình thức sân khấu phối hợp giữa Opera, vũ đạo, dàn nhạc, tất cả trên một sân khấu với bối cảnh là một quán bar nơi mọi chuyện xảy ra. Câu chuyện của vở là về cuộc đời cô gái Maria ở thành phố Buenos Aires, một cô gái thực ra rất trong sáng, bị hoàn cảnh dồn đẩy trở thành gái điếm. Cô yêu vũ điệu Tango và khát vọng của cô là dù có chết nhưng linh hồn của mình là điệu Tango,” Trần Ly Ly cho biết.
Chúng tôi muốn sản phẩm nào cũng tốt khi đến với khán giả, dù có thể không được 100% hoàn hảo, nhưng sẽ không thể tồi”. Trần Ly Ly khẳng định. Để chuyển tải được tinh thần vở diễn tốt nhất, VNOB đã mời hai chuyên gia cộng tác là chỉ huy dàn nhạc Philippe Lesburgueres và đạo diễn sân khấu, Thạc sỹ Huyền Nga.
Dưới đây là một vài hình ảnh về dàn nhạc và đoàn múa tập luyện cho vở diễn:
Là một trong những đạo diễn sân khấu thành công của Việt Nam và từng dàn dựng khá nhiều chương trình nổi tiếng như Carmen Hà Nội, La Boheme, Cosi Fantutte, Cô Sao,… Huyền Nga được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mời tham gia đạo diễn sân khấu cho vở nhạc kịch nổi tiếng “Maria de Buenos Aires”. Thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng đạo diễn Huyền Nga đã tạo dựng được những nét riêng độc đáo cho vở nhạc kịch này. Cô đã chia sẻ khá cởi mở về những nét mới của vở diễn năm nay:
Với tư cách đạo diễn sân khấu của Maria de Buenos Aires, xin chị cho biết những nét mới của vở nhạc kịch này khác biệt so với những sân khấu trước kia?
Maria de Buenos Aires vốn không phải là một vở nhạc kịch theo phong cách truyền thống. Nó là một chu kì bài hát được liên kết với nhau bởi một chủ đề nhưng không tạo thành cốt truyện theo nghĩa thông thường. Năm nay, Maria de Buenos Aires của tôi là một câu chuyện về cô gái Maria cháy cùng điệu Tango cho đến tận hơi thở cuối cùng tại Buenos Aires – thành phố lớn nhất của Argentina – nơi được mệnh danh là “Paris của châu Mỹ Latin”. Để khắc hoạ được rõ nét bối cảnh và diễn biến của câu chuyện này, ngoài việc bưng dàn nhạc lên sân khấu để trở thành một phần của mi- zăng- xen, tôi phải thêm vào đó một số nhân vật nhằm tạo ra những mắt xích kết nối chặt chẽ các tuyến kịch trên sân khấu, tạo cảm giác logic cho khán giả dễ cảm nhận hơn và tiếp cận gần hơn với các nhân vật trong vở nhạc kịch.
Được biết, Maria de Buenos Aires là một vở nhạc kịch mang chiều hướng “Opera Mới” và Nuevo Tango. Vậy chị sẽ tạo dựng một sân khấu ra sao để thể hiện được một cách tốt nhất nét đặc biệt của vở diễn?
Đúng, đây là vở nhạc kịch duy nhất do nhà soạn nhạc Người Argentina, Astor Piazzolla, viết như một bản tuyên ngôn về tình yêu của mình dành cho Tango và thành phố quê hương của ông là Buenos Aries. Tôi cho rằng Tango, bản thân nó, đã là một bản giao hưởng của các vũ điệu. Vì vậy, tôi đã tạo dựng một không gian sống cho vở diễn là một quán bar hiện đại và phóng khoáng – nơi mà mọi người có thể lui tới và cùng nhau thể hiện đam mê của mình trong những bước nhảy Tango điệu nghệ.
Maria là một nhân vật mang tính cách của thiên thần ẩn mình trong bản năng đầy nhục dục của một cô gái. Để thể hiện được một cách hiệu quả nhất nhân vật này, chị sẽ phối hợp như nào với đạo diễn múa và chỉ huy dàn nhạc?
Maria là một nhân vật đầy mầu sắc với hai mặt đối lập. Khi thì nồng nàn da diết qua những lời ca, tiếng hát. Lúc lại mạnh mẽ, dứt khoát và quyết liệt như những bước nhảy Tango. Tôi đã sử dụng thủ pháp “phân thân” (có nghĩa là 2 diễn viên cùng thể hiện một nhân vật) để có thể truyền tải được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria. Việc này sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho người xem và được Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, bà Trần Ly Ly, vừa là chỉ đạo nghệ thuật, vừa trực tiếp sản xuất, và nhạc trưởng Philip nhiệt liệt hưởng ứng.
Vở nhạc kịch Maria của VNOB năm nay có mang lại cảm xúc gì cho chị và chị nhớ nhất khoảnh khắc nào của vở diễn?
Nó đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc, vui mừng, lo lắng và cả hoảng sợ! Vui mừng vì được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nơi tôi công tác 20 năm, mời quay lại dàn dựng nhạc kịch – vốn là niềm đam mê và là sở trường của tôi. Mừng quá nên chẳng kịp nhận ra là mình chỉ có 20 ngày để dàn dựng từ khi nhận lời mời đến lúc biểu diễn mà đã nhận lời. Đến lúc nhận lời xong thì đâm lo. Khi bắt tay vào việc thì thấy hoảng sợ. Thông thường chuyên gia khi sang đây dựng thì cũng cần đến vài tháng để thực hiện! Nhưng đồng hành cùng tôi là ê kíp sáng tạo giàu kinh nghiệm và dàn diễn viên rất chuyên nghiệp của VNOB. Đặc biệt, giám đốc Nhà hát cũng là người đạo diễn những màn múa của vở nhạc kịch. NSƯT Trần Ly Ly rất quyết liệt trong cách chỉ đạo các khâu hỗ trợ thực hiện ý tưởng của tôi nên công việc tiến triển rất tốt. Tôi thực sự xúc động mạnh ở khoảnh khắc trước khi chết cô ấy sinh ra một bé gái. Đứa bé chào đời không bằng tiếng khóc mà bằng những bước nhảy Tango, phải chăng đó là vòng luân hồi của chính Maria? phải chăng kiếp trước tôi cũng chính là người miệt mài, say mê với nghệ thuật Opera…
Cảm ơn đạo diễn Huyền Nga và chúc vở nhạc kịch thành công tốt đẹp, tạo hiệu ứng tốt với khán giả Việt Nam.
(Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2018): Tango là một trong những vũ điệu hấp dẫn nhất trên thế giới. Tango đẹp và quyến rũ ở sự huyền bí vô tận. Huyền bí là bởi tango có thể là bi kịch đẫm lệ, nhưng cũng có thể là một cái kết hạnh phúc vỡ òa. Điệu Tango của Argentina đã được hóa thân trong vở Nhạc kịch mang tên María đến từ Buenos Aires, được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 15 tháng 11 tới với khả năng chỉ huy dàn nhạc đầy kinh nghiệm của nghệ sĩ Philippe Lesburgueres đến từ Pháp, đạo diễn múa đầy sáng tạo, NSƯT Trần Ly Ly, và đạo diễn sân khấu Huyền Nga.
María đến từ Buenos Aires là một vở Opera nói về thân phận của cô gái Maria trong vòng xoáy cuộc đời ở Argentina. Maria được sinh ra “…trong một ngày Chúa say” ở một vùng ngoại ô nghèo của thành phố Buenos Aires. Sống trong bạo lực và sự hỗn loạn, lại bị coi như công cụ tình dục, nhưng nhờ những vũ điệu Tango nàng đã tìm ra lẽ sống, tìm thấy bản chất thiên thần của mình. Tango giúp Maria nhận thức được sức mạnh quyến rũ của bản thân cho dù bị vùi dập trong vòng xoáy của tình yêu đã mất. Vở nhạc kịch xoay quanh cuộc sống và cái chết của Maria, sự hóa thân của cô vào vẻ đẹp của những người phụ nữ Buenos Aires với vũ điệu Tango bất diệt, mãi say đắm lòng người…
Maria đến từ Buenos Aires được coi như một bản tuyên ngôn về “Opera thế hệ mới” của nhà soạn nhac Astor Piazzolla khi ông đưa Tango vào làm chất liệu âm nhạc để viết nên vở Opera này. Sự kết hợp của các nhạc cụ như guitar, bộ dây, piano, bộ gõ… tạo nên sự nổi bật và khác biệt của một dàn nhạc giao hưởng mang phong cách Tango mới.
Nói về tác phẩm này, NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nhận xét: “Maria là Tango. Cô là một phần của lịch sử, là trái tim và linh hồn của Argentina. Cô là chủ đề truyền cảm hứng, thể hiện một cách sinh động từng lời thơ của Horacio Ferrer cũng như giai điệu của Astor Piazzolla”.
Nghệ sĩ Philippe Lesburgueres cũng tiết lộ một trong những nét mới của vở nhạc kịch lần này là việc đưa dàn nhạc lên sân khấu. Điều này, theo ông là rất tuyệt vì “tạo được sự tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ”.
Đạo diễn sân khấu Huyền Nga cũng chia sẻ ý tưởng độc đáo về tạo hình trên sân khấu của Maria đến từ Buenos Aires “sẽ có sự trừu tượng, bí ẩn và độc đáo”.
Tham gia vào vai diễn Maria của vở nhạc kịch là hai nghệ sĩ nổi tiếng Hương Diệp, Diễm Quỳnh, cùng sự hóa thân vào vai El Duende của nghệ sĩ Phan Đức và tập thể ca sĩ, nhạc công, diễn viên múa của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.
Thông tin về Nhạc trưởng
Philippe Lesburgueres là một nhạc trưởng người Pháp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng. Ông từng chỉ huy nhiều bản nhạc cổ điển cũng như đương đại nổi tiếng.
Sau khi tốt nghiệp tại Sorbonne và Paris Conservatoire Supérieur de Musique et de Danse – nơi ông đã đạt nhiều giải thưởng danh giá, niềm đam mê với nhạc Baroque đã đưa ông đến làm việc với những nhạc trưởng nổi tiếng Jordi Savall Và Franz Bruggen.
Năm 1985, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa ông và huyền thoại Asto Piazzolla đã giúp ông học được phong cách tinh tế của Nuevo Tango, và cuộc gặp gỡ với Gyorgy Ligeti tao cơ hội cho ông được chỉ huy những tác phẩm kinh điển nhất của Ligeti trên toàn thế giới. Họ vẫn là những người bạn thân thiết nhất của nhau cho đến hiện nay.
Philippe nguyên là giám đốc của Viện bảo tồn văn hóa Pháp ở nước ngoài, nơi mà ông bắt đầu thành lập các tổ chức sư phạm sáng tạo cũng nhiều những tiết mục mới.
Đam mê với sự kết hợp những loại hình nghệ thuật khác nhau, Philippe đã chỉ huy vô số những buổi biểu diễn, mang các diễn viên nhà hát, các nghệ sĩ làm nghệ thuật thị giác, các biên đạo múa và các nghệ sĩ xiếc đến với nhau, tạo ra các mối liên kết quan trọng để quảng bá về văn hóa và nghệ thuật và phản ánh những nguyện vọng thiết yếu của con người: mối liên kết giữa con người với trái đất – cuộc sống và những phản ứng chúng ta phải đối mặt với áp lực của thế giới đương đại…
Philippe Lesburgueres đã từng chơi vở opera Maria de Buenos Aires ở một vài quốc gia. Đây là một trong số những tác phẩm yêu thích của ông vì Maria được coi như thước đo của opera, đòi hỏi tình yêu tinh thần nghệ thuật và phong cách của Astor Piazzolla … của Nuevo Tango
Các thông tin chi tiết vui lòng liên hệ với:
Ms. Nguyễn Tuyết Hoa
Phụ trách Truyền thông – Marketing Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam
Nằm trong kế hoạch hợp tác giữa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – VNOB và Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, kỳ thực tập kéo dài 20 ngày của sinh viên năm thứ 4 khoa thanh nhạc tại Nhà hát đã thành công tốt đẹp. Đêm 3-11 vừa qua, tại sân khấu VNOB đã diễn ra chương trình báo cáo thực tập.
Với trích đoạn các tác phẩm nổi tiếng như Carmen, Habanera, Escamillo, một số bài hát của Nga được thực hiện theo tốp ca, tam ca, đơn ca… các sinh viên, được sự hướng dẫn tận tình của các nghệ sị VNOB như Kiều Thẩm, Đoàn Đức, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Vành Khuyên,… đã biểu diễn rất thành công và tạo được ấn tượng tốt với khán giả.
Chia sẻ cảm xúc của mình, bạn Nguyễn Ngọc Ánh, sinh viên khóa K3, nói: “Chúng em là khoá đầu tiên của khoa thanh nhạc được diễn Opera trong kỳ thực tập nghề nghiệp nên lo lắng rất nhiều nhưng cũng rất vinh dự vì đã được đứng trên sân khấu biểu diễn các trích đoạn nổi tiểng mà k phải ai cũng được làm. Để có được thành công như vậy chúng em xin cảm ơn các cô giảng viên của khoa thanh nhạc trường ĐHSPNTTW & các thầy cô bên Nhà Hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã dìu dắt, tận tình chỉ bảo hướng dẫn và lo lắng cho chúng em trong suốt thời gian vừa qua để chúng em có được kết quả tốt như đêm diễn ngày hôm qua”.
Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết
Từng chỉ huy dàn nhạc trong vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires ở nhiều nơi trên thế giới, nghệ sĩ Philippe Lesburguères – Giám đốc Studio des Arts Vivants, đã đến với dải đất nhỏ bé hình chứ S với dự án xây dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng này cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với một phong cách mới. Ông đã chia sẻ điều này trong cuộc trò chuyện với nhà báo Tuyết Hoa:
Thưa nghệ sĩ, Maria de Buenos Aires của năm 2018 có thay đổi gì khi đến với công chúng Việt Nam?
Maria de Buenos Aires 2018 có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi VNOB thổi một làn gió mới trong ý tưởng, đạo diễn sân khấu và biên đạo. Để chuẩn bị cho vở diễn, VNOB đã tạo điều kiện để tôi được làm việc trực tiếp với biên đạo múa ngay từ đầu. Điều đó giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, tạo được tiếng nói chung và nảy sinh nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là sự sáng tạo của biên đạo múa.
Được biết, nét độc đáo của vở nhạc kịch lần này chính là ý tưởng đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu thay vì ngồi tại hố nhạc. Điều này có tác động như thế nào đến vở diễn, thưa ông?
Điều này thực sự gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Việc đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu sẽ tạo cảm giác như đang trình diễn trong một quán bar. Nhân vật Maria vốn là một phụ nữ có 2 mặt đối nghịch, Đó là bản năng tính dục và tính cách thiên thần. Việc đưa dàn nhạc lên sân khấu sẽ mang tính trình diễn nhiều hơn. Dàn nhạc cũng dễ tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ hơn. Một chi tiết thú vị là khi Asto Piazzolla lần đầu tiên dàn dựng Maria de Buenos Aires, ông cũng có ý muốn như VNOB.
Với Maria de Buenos Aires, dàn nhạc sẽ sử dụng những loại nhạc cụ nào, thưa ông?
Khoảng 10 loại nhạc vụ khác nhau như Violon, Viola, Cello, Double Bass, Sáo, Piano, Accordeon, Guitar và bộ gõ.
Là người châu Âu, tại sao ông lại đến với Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng?
Năm 1985, tôi tình cờ gặp gỡ huyền thoại Asto Piazzolla. Đây có thể coi như bước ngoặt của cuộc đời tôi khi biết đến tinh thần của Nuevo Tango. Từ đó, Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng trở thành niềm cảm hứng mới của tôi. Tôi đã trình diễn vở này ở nhiều nơi trên thế giới. Còn lần này, tôi rất vui khi được phối hợp với VNOB để tạo nên con gió mới mang tên Maria de Buenos Aires tại Việt Nam.
Ông có thể cho biết ý kiến của mình về gu cảm thụ nghệ thuật của khán giả Việt Nam qua các chương trình ông trình diễn?
Một câu hỏi rất hay. Chúng ta hãy tưởng tượng xem nhé. Tôi là người châu Âu, biểu diễn Tango là chất nhạc Nam Mỹ xen lẫn chất châu Phi và giai điệu của người Ang – điêng, tại Việt Nam. Đây có thể xem là minh chứng rõ ràng của sự toàn cầu hóa. Những gì mà tôi cảm nhận được từ khán giả Việt Nam là sự hòa nhập, cảm thụ và tiếp nhận đầy nhiệt tình. Sự ủng hộ của khán giả Việt đã giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê để giới thiệu Tango rộng rãi hơn nữa ở Việt Nam.
Nếu được chia sẻ về Tango với công chúng Việt, ông sẽ nói gì?
Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết.
Xin cảm ơn và chúc cho Maria de Buenos Aires thành công tốt đẹp