Ngày: Tháng Mười 9, 2018

10 vở ballet cổ điển sống cùng thời gian

“Hồ Thiên Nga”, “Cinderella”, “Don Quixote”… là những tác phẩm ballet có sức sống, được yêu thích trên mọi sân khấu vũ kịch thế giới.

Hồ Thiên Nga (Swan Lake)

Nhắc tới nghệ thuật ballet, nhiều người nghĩ ngay tới vở Hồ Thiên Nga. Phần âm nhạc được viết khoảng năm 1875 – 1876 bởi nhà soạn nhạc Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Đã có nhiều phiên bản Hồ Thiên Nga khác nhau, nhưng hầu hết các tác phẩm đều dựa trên bản năm 1895 của hai biên đạo Marius Petipa và Lev Ivanov. Vở ballet mẫu mực kể về câu chuyện tình yêu của công chúa Odette (người bị phù thủy biến thành thiên nga vào ban ngày, và trở thành người vào ban đêm) với hoàng tử Siegfried. Đằng sau những vũ điệu bay bổng, lãng mạn là triết lý về thề nguyện và hẹn ước, cái tốt đẹp chiến thắng cái xấu xa, sự hữu hạn và vô hạn của cuộc sống.

Người đẹp ngủ trong rừng (The Sleeping Beauty)

Vẫn là một tác phẩm của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky, Người đẹp ngủ trong rừng ra mắt năm 1890. Tác phẩm dựa trên truyện cùng tên của nhà văn Charles Perrault. Nghệ sĩ Marius Petipa viết lời (libretto) và biên đạo. Vở diễn hoành tráng, với sự tham gia của lượng lớn vũ công, chỉ tính riêng trích đoạn “điệu valse với các vòng hoa” ở hồi I đã phải huy động tới 150 diễn viên múa. Lúc mới ra mắt, tác phẩm bị giới phê bình tẩy chay với lý lẽ nhạc của Tchaikovsky khó để múa. Trái lại, công chúng đón nhận vở diễn nồng nhiệt. Tới nay, tác phẩm vẫn được coi là vở ballet nổi tiếng. Bản thân nhà soạn nhạc Tchaikovsky luôn coi Người đẹp ngủ trong rừng là tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng hay nhất của mình.

Giselle

Giselle còn có tên khác là The Wilis, là vở ballet hai màn do Adolphe Adam soạn nhạc, Jean Coralli và Jules Perrot biên đạo. Kịch bản được viết dựa trên ý tưởng từ một bài thơ của Victor Hugo. Tác phẩm ra mắt năm 1842 tại Paris. Vở vũ kịch khắc họa nàng Giselle – một cô nàng trẻ trung, xinh đẹp yêu thích khiêu vũ. Nàng đem lòng yêu một người đàn ông quý tộc mà không hề biết anh ta đã đính ước với người khác. Đau khổ, Giselle đã tự vẫn. The Wilis là một nhóm gồm các linh hồn nữ định giết người đàn ông quý tộc, nhưng tình yêu của linh hồn Giselle đã cứu anh thoát án tử hình.

Kẹp hạt dẻ (The Nutcracker)

Tuyệt phẩm ballet là sự kết hợp của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky và hai bậc thầy biên đạo: Marius Petipa, Lev Ivanov. Kẹp hạt dẻ ra mắt năm 1892 tại Nga, ban đầu chưa mấy thành công, nhưng vẫn có sức sống nhờ phần âm nhạc ấn tượng của Tchaikovsky. Tới những năm 1960, vở múa được hoàn thiện, và trở nên nổi tiếng. Tác phẩm được coi là “siêu phẩm ballet” mỗi mùa Noel. Ngày nay, các đoàn ballet tại Mỹ có tới 40% thu nhập nhờ biểu diễn Kẹp hạt dẻ vào dịp Giáng sinh.

Cinderella

Tác phẩm của nhà soạn nhạc Sergei Prokofiev, ra mắt những năm 1900 qua phần biên đạo của Rostislav Zakharov. Dù có nhiều phiên bản khác nhau, song nội dung các vở Cinderella đều dựa trên truyện cổ tích Cô bé lọ lemCinderella được đánh giá cao bởi âm nhạc đẹp, vũ đạo dí dỏm và lãng mạn.

Don Quixote

Vở ballet xuất hiện lần đầu năm 1614 tại Pháp, dựa trên tiểu thuyết Don Quixote nhà quý tộc tài ba xứ Mancha. Nhiều phiên bản khác nhau của Don Quixote đã được dàn dựng, trong đó phổ biến nhất là tác phẩm do Marius Petipa biên đạo. Nội dung tác phẩm trung thành với cốt truyện của nhà văn Cervantes. Trong vở vũ kịch này, nhân vật chính Don Quixote không phải là trọng tâm. Những màn múa đẹp nhất thường được thể hiện bởi cặp nhân vật phụ là Kitri và Basilio. Vũ điệu của Don Quixote sống động, quyến rũ, mang đậm phong cách Tây Ban Nha.

 

Romeo và Juliet

Dựa trên kịch của William Shakespeare, vở ballet có phần âm nhạc được soạn bởi Sergei Prokofiev, biên đọa Leonid Lavrovsky. Tác phẩm được dựng năm 1935, công diễn bản hoàn thiện những năm 1938 tại Czech. Tới 1940, tác phẩm mới được diễn ở Nga vở trở nên nổi tiếng. Romeo và Juliet trung thành với cốt truyện của William Shakespeare, tái hiện bi kịch tình yêu thông qua những vũ điệu bay bổng.

 

La Bayadere 

Ra mắt năm 1877 – giai đoạn mà ballet đi vào thời kỳ lãng mạn, La Bayadere được dàn dựng bởi Marius Petipa, phần âm nhạc của Ludwig Minkus. Nội dung tác phẩm kể câu chuyện tình vĩnh cửu giữa vũ nữ Ấn Độ Nikiya và chiến binh điển trai Solor. Brahmin là tay sỹ quan cao cấp đem lòng yêu Nikiya, bởi thế anh ta sắp xếp một lễ cưới cho Solor với công chúa. Bi kịch tình yêu, sự báo thù diễn ra từ đó. Qua bao thăng trầm, La Bayadere luôn được yêu thích bởi “màn múa trắng”, trong đó 32 phụ nữ mặc đồ trắng với những động tác nhún nhảy tinh tế theo hàng. Màn múa này trở thành một vũ đạo được sử dụng trong nhiều vở ballet.

 

Nàng tiên gió (La Sylphide)

Nàng tiên gió là một trong những vở ballet lãng mạn cổ xưa nhất còn được diễn tới ngày nay. Tác phẩm ra mắt năm 1832 tại Pháp, được biên đạo Filippo Taglioni sáng tạo như một món quà cho cô con gái Marie. Nhằm nhấn mạnh sự mỏng manh của nhân vật, Taglioni đã khai thác tối đa các kỹ thuật nhảy múa bằng ngón chân.

Vở ballet truyền cảm hứng từ phong cách, kỹ thuật múa, trang phục cho nhiều tác phẩm cùng thời. Năm 1836, Nàng tiên gió được nhóm múa Danish August Bournonville dàn dựng lại với phần âm nhạc của Herman Severin Lovenskiold.

 

Coppelia

Vở Coppelia được dàn dựng bởi Athur Saint- Leon, nhạc Leo Delibes, kịch bản ballet Charles Nuitter. Tác phẩm ra mắt năm 1870 tại Pháp. Biên đạo Marius Petipa sau đó đã dựng lại Coppelia vào cuối thế kỷ 19, phiên bản này vẫn được biểu diễn cho tới ngày nay. Vở múa có tiết tấu nhẹ nhàng, giai điệu vui vẻ, kể về trò cúp bắt tinh nghịch của đôi bạn Franz và Swanhilda. Tác phẩm thường thu hút trẻ em bởi những tạo hình xinh xắn. Coppelia là tác phẩm đầu tiên đưa con rối, búp bê lên sân khấu ballet.

Theo vnexpress.net

Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018: Sự tưởng tượng phi hoàn hảo

Nhằm tạo tiền đề và thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia đóng góp của nghệ sỹ Việt Nam vào Liên hoan Múa 2019, tạo điều kiện cho những biên đạo múa, diễn viên múa, nhạc công và nhạc sĩ người Việt, hiện đang làm việc  trong và ngoài nước, có cơ hội gặp gỡ giao lưu, trình bày ý tưởng và concept cá nhân, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Trường cao đẳng Múa Việt Nam và Viện Goethe đã tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 (Dance and Music Summer Camp 2018) tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 29 tháng 7 năm 2018.

Sau gần 2 tuần miệt mài sáng tạo, lễ tổng kết là một chương trình gồm 6 tác phẩm kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này, như NSƯT Trần Ly Ly cho biết: “”chúng tôi không chờ đợi những tác phẩm hoàn hảo ở đây”, nhưng nó là thành quả của quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của 8 biên đạo múa và 9 nhạc sĩ thể nghiệm trẻ hoạt động trong và ngoài nước trong suốt hai tuần dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Heiner Goebbels (Đức) và Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – NSƯT Trần Ly Ly.

Biên đạo múa, NSUT Trần Ly Ly tại Dance and Music Summer Camp 2018

Tất cả các vở múa đều không có tên vì theo triết lý của Heiner: “Tôi không cho rằng tác phẩm cần bất kỳ sự giới thiệu hay chuẩn bị nào cho khán giả. Nhưng chúng cần những khán giả tò mò, không mong chờ thì thấy những gì mà họ đã biết trước đó.” Những vở diễn kế tiếp nhau có thể là những tác phẩm riêng biệt, hay cũng có thể chỉ là từng phần của một chỉnh thể chưa hoàn hảo. Và như cảm nhận của ông Wilfried Eckstein: “buổi diễn bắt đầu và ngày càng trở nên tốt hơn, thú vị hơn và phức tạp hơn” cho đến tận cao trào là màn diễn cuối cùng với vật thể chủ đạo là các phông màn sân khấu cũ với sự tham gia của toàn bộ 17 nghệ sĩ. Các tác phẩm không truyền đạt một nội dung hay thông điệp về một cái gì quá cụ thể mà chỉ gợi ra những liên tưởng một cách tự nhiên gần như là bản năng nơi khán giả, để cho họ có thể tự do tham gia vào quá trình cảm nhận và sáng tạo một tác phẩm hoàn thiện cho riêng mình.

Trại hè Múa và Âm nhạc là chương trình kế thừa sự thành công và tinh thần của 7 kì liên hoan “Múa Đương Đại: Sự gặp gỡ Á-Âu”. Đầu năm 2017, xuất phát từ ý tưởng của ông Wilfried Eckstein (Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam) về một chương trình kết nối múa với âm nhạc, Nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh – HBSO), NSƯT Trần Ly Ly (quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) và GS. Dieter Heitkamp (Đại học chuyên ngành về Nghệ thuật Trình diễn và Âm nhạc) hợp tác cùng Viện Goethe để thai nghén dự án này.

Một chương trình tại lễ tổng kết

Sau một năm rưỡi, Viện Goethe và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã hiện thực hóa thành công chương trình, tạo ra sân chơi khơi nguồn cảm hứng để các nghệ sỹ múa, biên đạo múa, nhạc sĩ và nhạc công Việt Nam cùng hợp tác, tự thử thách và khám phá những khía cạnh thẩm mỹ đa chiều, cách thức giao tiếp mới và khả năng tương tác giữa các yếu tố kết hợp trên sân khấu mà từ trước tới nay họ chưa khám phá và trải nghiệm hết.

Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 chính là bước chuẩn bị dài hơi và mạnh mẽ cho sự xuất hiện của Việt Nam trong Liên hoan Múa 2019.

Tuyết Hoa

Thạc sỹ, ca sỹ Vũ Mạnh Dũng

Ca sĩ Mạnh Dũng, giọng Nam trung (Bariton).

– Mạnh Dũng tốt nghiệp cử nhân sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc Họa Trung ương năm 2000. Năm 2004 tốt nghiệp Cử nhân Biểu diễn Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm 2009, Mạnh Dũng tốt nghiệp suất sắc Thạc sĩ Chuyên ngành Biểu diễn Opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

– Huy chương vàng bài hát “Người là niềm tin tất thắng” của nhạc sĩ Chu Minh, Hội diễn ngành giáo dục toàn quốc năm 2004.

– Đoạt giải Nhì cuộc thi hát “Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc năm 2009”.

– Huy chương Vàng vai diễn Anh Hà trong vở Nhạc kịch Cô Sao của nhạc sỹ Đỗ Nhuận – Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2015

– Cúp Vàng “Festival mùa xuân tháng tư 2016” tại Bình Nhưỡng – CHDCND Triều Tiên

– Mạnh Dũng vào vai Papageno trong vở Opera “The Magic flute” của V.A.Mozart rất thành công, chiếm được cảm tình của đông đảo công chúng vào tháng 9/2006 và tháng 9/2007. Ngoài ra anh còn vào các vai chính như: Don Alfonso trong vở “Cosi fan tutte” V.A.Mozart; Porgy trong vở “Porgy and Bess” của Gershwin; Father’s Hưng trong vở “The Dream and Realthy” âm nhạc Gustav và Trần Mạnh Hùng công diễn tháng 5/2009; Colline trong vở “La Boheme” của Puccini; Vai Merlin phù thủy trong vở “Người đi qua thung lũng” Âm nhạc Pierre Oser. Vai vua Mikado trong vở Opera “Bamboo princess” dự án hợp tác văn hóa Việt Nam – Nhật Bản 01/2015 …

– Anh đã từng hát solo trong các vở Thanh xướng kịch (Oratorio) như: “Chiếu dời đô” của Dzoãn Nho; “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” của Đinh Quang Hợp; “Sắc sắc không không” của Đỗ Dũng; Giao hưởng số 9 của L.V.Beethoven; Giao hưởng “Đất nước” của Đặng Hữu Phúc; “Mesa Cdur” của V.A.Mozart; “Requiem” của Verdi và nhiều chương trình hòa nhạc lớn nhỏ…

– Mạnh Dũng đi tu nghiêp tại Italy mùa hè năm 2011.

– Hiện nay anh là ca sĩ solist của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; là giảng viên cộng tác Khoa Thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Giảng viên cộng tác Khoa Thanh nhạc – Đại học VHNT Quân đội.

vu cong ballet mang doi chan quy du

Vũ công ballet, thiên nga mang đôi bàn chân của quỷ dữ

Cái giá phải trả cho sự tán thưởng yêu mến của khán giả dành cho vũ công ballet chính là đôi bàn chân khác thường và đầy thương tích.

Bạn thấy gì ở những vũ công ballet? Những con người có hình thể duyên dáng, những động tác dẻo đến kinh ngạc, những vẻ mặt ánh lên sự tự tin và thần thái chuyên nghiệp.

Nhưng ẩn sau từng điệu nhảy, từng vẻ mặt ấy là gì? Đó là nỗi đau được găm xuống nơi tận cùng của cơ thể, thứ hành hạ các vũ công sau những giờ tập luyện hay biểu diễn.

Người ta khen các vũ công có cơ thể của những con thiên nga, nhưng thực chất, họ là những con thiên nga mang đôi chân của quỷ dữ.

Để được khán giá tán tụng, được người ta vỗ tay cho màn biểu diễn của mình, từng người trong số những vũ công ballet đều phải trả giá bằng chính đôi chân của mình.

Khi trình diễn họ đẹp đến đâu, thì tới khi cởi bỏ lớp giày vải ra, họ lại càng trở nên xấu xí.

Móng chân thâm sịt, da thịt tím tái, bàn chân biến dạng là cái giá các vũ công phải bỏ ra để nhận được từng cái vỗ tay của khán giả khi trình diễn.

Nghề vũ công ballet khá bạc. Lớp khán giả đã kén chọn thì chớ, sự cạnh tranh trong nghề cũng vô cùng tàn khốc.

Bạn có từng xem bộ phim Thiên nga đen của Natalie Portman chưa? Nếu chưa thì hãy thử xem qua, để biết được sức ép của việc phải đạt được vai chính, cũng như giữ lấy vị trí toả sáng trên sân khấu lớn đến thế nào.

Cũng vì áp lực ấy, các vũ công buộc phải tập luyện cực kỳ vất vả. Rất nhiều cô vũ công phải xỏ đôi chân đầy thương tích, xương muốn vỡ ra thành từng mảnh vào đôi giày mũi cứng bước lên sân khấu.

Nói một cách phũ phàng, nhiều ông bà già ở tuổi 80, chân đã nứt nẻ tơi bời vẫn có đôi chân đẹp hơn hầu hết các vũ công ballet chuyên nghiệp.

Vì đặc thù của công việc, luôn phải sử dụng đôi giày mũi cứng, tư thế bàn chân luôn trong tình trạng đứng bằng mũi chân, áp lực đè nặng vào phần các ngón chân đã khiến từng vũ công một phải mang trên mình đôi bàn chân quái vật.

Bàn chân của những nghệ sỹ múa này luôn có một lớp chai rất dày trông rất xấu xí.

Thế nhưng chẳng ai dám loại bỏ những vết chai ấy, bởi nó là thứ duy nhất khiến đôi chân của các vũ công không bị phồng rộp đau đớn khi thực hiện các động tác múa.

Đối với hầu hết vũ công, chuyện chân bị viêm kẽ ngón, phồng rộp, thâm tím là chuyện rất đỗi bình thường, thậm chí nếu chân không có những đặc điểm ấy, nghệ sỹ múa ấy chỉ được xem là dân mới vào nghề.

Các bác sỹ có kinh nghiệm điều trị cho những vũ công ballet cho biết, nữ vũ công luôn phải chịu nhiều đau đớn hơn nam giới do phải xỏ chân vào giày nhảy trong thời gian dài.

Các vết chai mọc trên chân lâu ngày sẽ bị loét, móng chân phát triển dày ra, da ngón chân bên dưới cũng cứng lại.

Rồi cứ mỗi lần biểu diễn sử dụng nhiều đến chân là lại thêm vài vết thương mới. Chuyện nữ vũ công xuống sân khấu với đôi chân rướm máu chẳng còn là quá lạ.

Nam vũ công, không phải sử dụng giày nhảy đặc thù như nữ giới thì lại chịu các thương tổn khác.

Các động tác nhảy và nâng đỡ bạn diễn đặt nhiều áp lực xuống phần bàn chân, bắp chân. Vì vậy hầu hết nam vũ công sẽ gặp các vấn đề về cơ bắp chân cùng cổ chân.

Như Trevitt, anh từng phải biểu diễn từ đầu đến cuối vở kịch A Midsummer Night với cổ chân bị sái vô cùng đau đớn.

Anh hiểu rằng, nếu mình không cố gắng để biểu diễn, rất có thể cơ hội nhận được vai diễn lớn như thế sẽ chẳng bao giờ xuất hiện lần nữa. Và các nữ vũ công cũng vậy.

Đau đớn là thế, mệt mỏi là thế, nhưng một khi còn khán giả, một khi còn đam mê với ánh đèn sân khấu, với những vai diễn và từng điệu múa uyển chuyển, các vũ công ballet sẽ vẫn bỏ qua các vết thương đang rỉ máu dưới chân.

Cái gì cũng có cái giá của nó, và cái giá cho sự tán thưởng hâm mộ là đôi bàn chân biến dạng đầy thương tích của các vũ công ballet, những con thiên nga có đôi bàn chân ác quỷ.

Theo Kenh14/TTVN