Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018: Sự tưởng tượng phi hoàn hảo

Nhằm tạo tiền đề và thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia đóng góp của nghệ sỹ Việt Nam vào Liên hoan Múa 2019, tạo điều kiện cho những biên đạo múa, diễn viên múa, nhạc công và nhạc sĩ người Việt, hiện đang làm việc  trong và ngoài nước, có cơ hội gặp gỡ giao lưu, trình bày ý tưởng và concept cá nhân, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Trường cao đẳng Múa Việt Nam và Viện Goethe đã tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 (Dance and Music Summer Camp 2018) tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 29 tháng 7 năm 2018.

Sau gần 2 tuần miệt mài sáng tạo, lễ tổng kết là một chương trình gồm 6 tác phẩm kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ. Những tác phẩm này, như NSƯT Trần Ly Ly cho biết: “”chúng tôi không chờ đợi những tác phẩm hoàn hảo ở đây”, nhưng nó là thành quả của quá trình lao động sáng tạo không mệt mỏi của 8 biên đạo múa và 9 nhạc sĩ thể nghiệm trẻ hoạt động trong và ngoài nước trong suốt hai tuần dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Heiner Goebbels (Đức) và Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam – NSƯT Trần Ly Ly.

Biên đạo múa, NSUT Trần Ly Ly tại Dance and Music Summer Camp 2018

Tất cả các vở múa đều không có tên vì theo triết lý của Heiner: “Tôi không cho rằng tác phẩm cần bất kỳ sự giới thiệu hay chuẩn bị nào cho khán giả. Nhưng chúng cần những khán giả tò mò, không mong chờ thì thấy những gì mà họ đã biết trước đó.” Những vở diễn kế tiếp nhau có thể là những tác phẩm riêng biệt, hay cũng có thể chỉ là từng phần của một chỉnh thể chưa hoàn hảo. Và như cảm nhận của ông Wilfried Eckstein: “buổi diễn bắt đầu và ngày càng trở nên tốt hơn, thú vị hơn và phức tạp hơn” cho đến tận cao trào là màn diễn cuối cùng với vật thể chủ đạo là các phông màn sân khấu cũ với sự tham gia của toàn bộ 17 nghệ sĩ. Các tác phẩm không truyền đạt một nội dung hay thông điệp về một cái gì quá cụ thể mà chỉ gợi ra những liên tưởng một cách tự nhiên gần như là bản năng nơi khán giả, để cho họ có thể tự do tham gia vào quá trình cảm nhận và sáng tạo một tác phẩm hoàn thiện cho riêng mình.

Trại hè Múa và Âm nhạc là chương trình kế thừa sự thành công và tinh thần của 7 kì liên hoan “Múa Đương Đại: Sự gặp gỡ Á-Âu”. Đầu năm 2017, xuất phát từ ý tưởng của ông Wilfried Eckstein (Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam) về một chương trình kết nối múa với âm nhạc, Nhạc trưởng, NSƯT Trần Vương Thạch (Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh – HBSO), NSƯT Trần Ly Ly (quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) và GS. Dieter Heitkamp (Đại học chuyên ngành về Nghệ thuật Trình diễn và Âm nhạc) hợp tác cùng Viện Goethe để thai nghén dự án này.

Một chương trình tại lễ tổng kết

Sau một năm rưỡi, Viện Goethe và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã hiện thực hóa thành công chương trình, tạo ra sân chơi khơi nguồn cảm hứng để các nghệ sỹ múa, biên đạo múa, nhạc sĩ và nhạc công Việt Nam cùng hợp tác, tự thử thách và khám phá những khía cạnh thẩm mỹ đa chiều, cách thức giao tiếp mới và khả năng tương tác giữa các yếu tố kết hợp trên sân khấu mà từ trước tới nay họ chưa khám phá và trải nghiệm hết.

Trại hè Múa và Âm nhạc 2018 chính là bước chuẩn bị dài hơi và mạnh mẽ cho sự xuất hiện của Việt Nam trong Liên hoan Múa 2019.

Tuyết Hoa

Did you like this? Share it!

0 comments on “Trại Hè Múa và Âm nhạc 2018: Sự tưởng tượng phi hoàn hảo

Comments are closed.