Tag: Vũ Ngọc Khải

Lạc hồng trong tuyết

Múa là loại hình nghệ thuật khắc nghiệt, đòi hỏi sự khổ luyện, niềm đam mê và cả sự đầu tư không mỏi mệt từ gia đình. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, thành danh và cả làm giàu trong nghề này quả là “nhiệm vụ bất khả thi”. Áy vậy mà một số nghệ sĩ, biên đạo múa người Việt đã “làm mưa, làm gió” trên sân khấu nước ngoài và biến mình thành cánh chim lạc hồng trên bầu trời nghệ thuật thế giới.

Trần Tiến Huy – Giám đốc nghệ thuật người Việt đầu tiên ở châu Âu

Biên đạo múa Trần Tiến Huy (Huy Tran)

Một người không thể không nói đến khi trở thành nhân vật đầu tiên là người Việt được mời làm Giám đốc nghệ thuật của một nhà hát châu Âu – Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức. Đó chính là biên đạo, nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy (sinh năm 1987). Là một tài năng múa trẻ ở Việt Nam, Trần Tiến Huy bước vào nghiệp múa từ năm 1999 tại Trường Múa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Năm 2008, Trần Tiến Huy giành giải Ba (solo) trong cuộc thi Tài năng múa trẻ. Cũng năm đó, anh bắt đầu thử sức mình trên sân khấu quốc tế khi làm việc cho Công ty Swiss Cinevox Junior do Malou Fenaroli Leclerc đứng đầu. Nhìn thấy tài năng thiên bẩm cũng như sự khổ luyện và niềm đam mê nghiệp múa của chàng lãng tử này, Thụy Sỹ đã trao cho anh học bổng dành cho biên đạp múa nằm trong dự án đào tạo của Chính phủ tại Reinhild Hoffmann. Kết thúc khóa đào tạo, anh làm việc tại Nhà hát Hagen (Đức) dưới sự chỉ đạo của Ricardo Ferando và Nationaltheater Mannheim từ năm 2011-2015. Sau đó, anh chuyển sang Nhà hát quốc gia Mannheim từ 2015-2016. Năm 2011, anh giải nhất của cuộc thi “Biên đạo múa trẻ – CJC – Neuhausen tại Thụy Sĩ. Anh bắt đầu đầu quân cho Nhà hát Tanzania der Pfalztheater Kaiserslautern từ năm 2016 và đến nay, anh chính thức được mời làm đồng đạo diễn nghệ thuật của Nhà hát danh giá này.

Nhưng, thành công trên sân khấu nước ngoài không khiến Trần Tiến Huy sống trong hào quang mà quên đi “quê cha, đất mẹ”. Huy thường dành thời gian trở về Việt Nam tham gia giảng dạy các lớp múa đương đại. Made in Vietnam – workshop múa đương đại 2018 là lần đầu tiên Huy cùng các đồng nghiệp đang chinh chiến tại trời Âu chia sẻ kiến thức, trải nghiệm với công chúng. Cuối tháng 6 vừa qua, Huy đã về nước tham dự chương trình Múa đương đại – Hanoi Dance Fest 2019 với tác phẩm Đa chiều (Multidimention) cùng sự thực hiện của các diễn viên múa nước ngoài. Tác phẩm Đa chiều của anh mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về cùng một vũ đạo – Một sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với những chiều kích biên thiên bao gồm không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu.

Một cảnh trong Đa chiều – tác phẩm do Huy Tran biên đạo được trình diễn tại Hanoi Dance Fest 2019

Nói về Trần Tiến Huy, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, mẹ của anh, cũng từng là một diễn viên múa đã hy sinh sự nghiệp vì gia đình, tâm sự: “Tiến Huy sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật múa nên từ bé, Huy đã có cái nôi của sự đam mê. Nhưng từ đam mê đến thành công của hôm nay sự sự hy sinh mọi thú vui, sự khổ công rèn luyện và quyết tâm của bản thân và sự ủng hộ của gia đình. Nhiều người hỏi tại sao đến giờ này, chúng tôi vẫn ở trong căn hộ tập thể được phân từ ngày xưa? Đơn giản thôi! Mọi thứ chúng tôi kiếm được đều để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy của con cái. Chỉ vậy là đủ rồi!”.

Vũ Ngọc Khải đưa hồn Việt vào sáng tạo

Năm 2015, sân khấu múa Việt Nam xôn xao với vở “Nón”. Năm 2016, vở múa đương đại đậm chất Việt này được mời biểu diễn tại Hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu. Năm 2017, “Nón” tiếp tục được biểu diễn tại Liên hoan múa quốc tế Changmu Performing arts Festival (Seoul – Hàn Quốc). Biên đạo và diễn viên chính của vở là Vũ Ngọc Khải. Và gần đây nhất, năm 2019, “Đáy giếng” đã “hớp hồn” người yêu nghệ thuật múa đương đại trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace tổ chức.

Biên đạo múa Vũ Ngọc Khải

Múa là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện từ bé (thường từ 7-8 tuổi), và thời gian làm nghề ở độ thăng hoa không hề dài. Như với Khải, anh bắt đầu với 7 năm học múa ballet chuyên nghiệp tại trường Cao đẳng múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Từng làm việc cho một nhà hát tại Việt Nam, rồi tiếp tục tu nghiệp và làm việc tại Hà Lan, kể từ năm 2007, sự nghiệp nghệ thuật của anh gắn liền với các sàn diễn châu Âu. Không chỉ được thừa nhận trong vai trò diễn viên soloist, Vũ Ngọc Khải còn là biên đạo, Giám đốc chuyên môn và giảng viên múa. Anh luôn muốn đưa văn hóa Việt cộng hưởng với tư duy nghệ thuật đương đại vào tác phẩm của mình. Điển hình gần đây nhất là “Đáy giếng” với hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hoá và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.

Bên cạnh sáng tác, Vũ Ngọc Khải cũng chuyên tâm tới giảng dậy. Học về cơ thể và chuyển động nên anh quan tâm tới những chuyển động tự nhiên, hợp lý với cơ thể. Cách đi, đứng, nằm, ngồi, ngã và hít thở.

Đáy giếng của Vũ Ngọc Khải đã thu hút sự chú ý của khán giả tại Hanoi Dance Fest 2019

Ngọc Khải mang theo mình sự luyện tập của Ballet và chuyển dần sang Neo-Classical rồi  múa Đương đại. Mang một hơi thở luôn chuyển động về nghệ thuật múa, anh mong muốn những tác phẩm của anh sẽ chạm tới khán giả với nhiều khía cạnh của cuộc sống Đương đại hiện tại.  Tâm sự về “nghiệp múa”, Vũ Ngọc Khải cho biết: “Múa cho tôi hơi thở, khung hình, âm thanh, ánh sáng và đi vào trong không gian, tốc độ, với cảm giác và cảm  xúc rất thật!”.

Xuân Lê – chàng trai gốc Việt mang trượt băng vào múa

Tuy không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng Xuân Lê (người Pháp gốc Việt) lại rất muốn cống hiến tài năng của mình trên mảnh đất Tổ của mình. Dù gặt hái được nhiều thành công qua các tour lưu diễn vòng quanh thế giới với các đoàn nghệ thuật danh tiếng, Xuân Lê vẫn luôn khao khát tiến xa hơn nữa trong hành trình kiếm bản thân. Năm 2016, Xuân Lê quyết định thành lập đoàn múa tại Paris để theo đuổi một niềm đam mê khác, cũng không kém phần mãnh liệt: biên đạo và dàn dựng các tác phẩm của chính mình và Vòng lặp là sáng tác solo đầu tay của anh.

Xuân Lê – chàng nghệ sĩ Pháp gốc Việt với Vòng lặp

Là chủ nhân của giải vô địch nước Pháp và giải 6 – vô địch trượt patin thế giới (thể loại freestyle) năm 2009, Xuân Lê nhanh chóng bén duyên với nghệ thuật múa. Vừa đầu quân cho đoàn múa Käfig, Bissextile vừa là thành viên của đoàn xiếc Eloize, có thể nói Xuân Lê là một nghệ sĩ đa tài, một người nghệ sĩ “không giới hạn”.

Anh kết hợp tinh tế bộ môn nghệ thuật trượt băng và múa để tạo nên ngôn ngữ vũ đạo độc nhất của riêng mình. Tác phẩm Vòng lặp của anh mang phong cách tối giản, nơi con người, âm thanh và ánh sáng cùng nhau dung dưỡng và hồi đáp. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ tái hiện trên sân khấu huyễn tưởng đầy ấn tượng.

Không chỉ là Tiến Huy, Ngọc Khải hay Xuân Lê, cái nôi múa Việt còn có biết bao nhiêu gương mặt thành danh trên sân khấu quốc tế. Lê Ngọc Văn, diễn viên ballet Việt Nam cũng là một trong những cái tên mang đến niềm tự hào cho Việt Nam. Hiện anh đang làm việc cho Nhà hát Hoàng gia Anh. Bên cạnh đó, anh vẫn thường xuyên về nước để cộng tác với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) và một số đơn vị nghệ thuật khác. Năm 2018, Lê Ngọc Văn đã thể hiện tốt vai trò biên đạo múa khi phối hợp cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong hai vở Bolero và Suit en Blanc. Theo tiết lộ từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), Lê Ngọc Văn đã chính thức nhận lời về Việt Nam dàn dựng và biên đạo vở vũ kịch Hồ Thiên Nga một cách đầy đủ nhất, dự kiến ra mắt công chúng vào tháng 10 tới tại Hà Nội.

Có thể kể thêm nhiều cái tên khác được nhiều người biết đến như Hoàng Ngọc Tú (Conny Janssen Danst, Hà Lan), Lê Thanh Phong (Nhà hát Luneburg, Đức), Phạm Trí Thanh (Nhà hát St Gallen, Thụy Sỹ), Bùi Ngọc Quân (Công ty Les Ballet C de la B, Bỉ), Nguyễn Ngọc Anh (Random Dance Company, Anh).

Với tâm thế của những nghệ sĩ luôn muốn đóng góp khả năng của mình cho nền nghệ thuật nước nhà, các anh chị luôn theo dõi và sẵn sàng góp sức bất cứ lúc nào có thể. Không chỉ hoạt động ở lĩnh vực sáng tạo, biên đạo và biểu diễn, các nhóm các nghệ sĩ múa này cũng góp sức cho những khóa tập huấn về múa đương đại cho giảng viên, sinh viên khoa Múa các trường đại học ở Việt Nam.

Với những gì đã, đang và sẽ làm được, chúng ta tiếp tục hy vọng những cánh chim Lạc Hồng sẽ bay cao, bay xa hơn nữa để tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật quốc tế.

Nguyễn Tuyết Hoa (Theo Tạp chí Cục NTBD)

Biên đạo, nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải: Người đưa hồn Việt vào Múa đương đại

Năm 2016, “Nón”, một vở múa đương đại được do biên đạo, diễn viên múa Vũ Ngọc Khải thực hiện, biểu diễn tại Hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước tại châu Âu đã làm xôn xao sân khấu múa Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở đó, một loạt tác phẩm được anh thực hiện trên các sân khấu châu Âu đều được thổi hồn của văn hóa Việt. Một tác phẩm khác mang tên “Đáy giếng’ sẽ được Vũ Ngọc Khải ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối tuần này, trong chương trình Hanoi Dance Fest 2019 do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) phối hợp với Viện Goethe và Trung tâm văn hóa Pháp – L’Espace tổ chức, “Đáy giếng” mang hy vọng sẽ tiếp tục “hớp hồn” người yêu nghệ thuật Múa đương đại. Nhân dịp trở về Việt Nam lần này, Vũ Ngọc Khải đã dành cho nhà báo một cuộc trò chuyện về cái duyên đến với Múa cũng như những trăn trở về “nghiệp” múa:

– Cơ duyên nào đưa anh đến với nghệ thuật Múa?

– Cũng lạ là tôi đến với múa khá ép buộc do sự sắp đặt của bố. Lúc đó tôi khá hiếu động và rất thích các môn thề thao. Nói thật khi bố nộp hồ sơ bắt tôi thi tuyển vào trường múa, tôi không thích một chút nào cả. Nhưng giờ thì tôi phải cảm ơn bố vì nghề chọn tôi và tôi chọn nghề.

– Diễn viên múa như anh chắc phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình tập luyện…

– Tôi gặp rất nhiều chấn thương. Hồi còn bé, tôi hay bị trẹo cổ chân nên khi học múa Ballet, chân tôi khá yếu. Sau này, khi bước chân vào môi trường chuyên nghiệp, chấn thương lại càng thường xuyên hơn do nghề như ngã do sàn tập trơn hay bạn diễn đỡ hụt. Hậu quả của những chấn thương đó mới là chuyện đáng nói. Đau khớp, trẹo chân là chuyện nhỏ. Lần tôi bị nặng nhất là thoát vị đĩa đệm và lúc đó, tôi phải nghỉ múa mất một năm.

Vũ Ngọc Khải và Quỳnh Chi trong Đáy giếng. Ảnh: Celine Wetzels

– Biểu diễn chung với các nghệ sĩ nước ngoài, trên các sân khấu quốc tế đã mang lại cho anh những cơ hội gì?

– Các bạn diễn người nước ngoài có sự sáng tạo đáng ngạc nhiên. Phải nói là tôi rất vui khi mình được tham gia trong môi trường đó. Ngay từ trong trường, các nghệ sĩ múa đã được tạo điều kiện để sáng tạo. Hay dở không quan trọng và không ai được quyền đánh giá điều đó. Đây chính là chìa khóa của những bước đi sáng tạo đầu tiên. Trong Múa đương đại, các ý tưởng liên kết đến cuộc sống hàng ngày rất nhiều, nhất là trong lối suy nghĩ của con người. Cuộc sống hiện đại đưa mọi người tới nhiều suy nghĩ phức tạp hơn, nhất là giới trẻ muốn bộc lộ cảm xúc của mình.

Ngôn ngữ Múa đương đại rất rộng, gần như không có giới hạn. Nên ngay từ trong trường, các bạn được học nhiều các kĩ thuật khác nhau như kỹ thuật múa Ballet, Cunningham, Limon, Flying Flow, Floorwork, Alexande Technicque, Counter Technique, Release Technique…Những kĩ thuật này đều do biên đạo và giáo viên nghiên cứu và đưa vào thực hiện. Để có được những kĩ thuật là nhờ tư duy sáng tạo mà có.

– Đến với Hanoi Dance Fest năm nay, anh mong muốn gửi đến thông điệp gì thông qua tác phẩm của mình?

– Đáy giếng là tác phẩm tôi mang tới Hanoi Dance Fest lần này. Tôi như ngồi dưới đáy nhìn lên trên miệng giếng, nhìn Văn hoá Việt đi qua những khoảng không của sự đánh mất, còn lưu giữ và tiếp tục. Những chuyển động múa tôi cảm hứng từ hình ảnh con gà, con trâu trong các lễ hội, chiếu cói miền Bắc và đặc biệt là trống trận Tây Sơn.

– Để tạo nên thành công của Đáy giếng, chắc chắn anh có sự đầu tư nhiều vào âm thanh, ánh sáng… Vậy anh đã gặp gỡ với những người bạn cộng tác như thế nào?

– Tôi được nhiều người giới thiệu tới các bạn làm trong nhóm của mình. Về âm nhạc tôi mời anh Thành Nam/chơi trống dân tộc tham gia một dự án nhỏ năm 2018 sau đó tôi mời anh và bác Ngọc Khánh/ chơi kèn sona tham dự chương trình này. Họ là những nghệ sĩ đặc biệt được truyền nghề từ gia đình và trau dồi trong các trường đại học, nhà hát. Tôi luôn chọn nhóm của mình với những người có cùng chung ý tưởng, làm nghệ thuật là làm nghệ thuật chỉnh chu, được tập luyện kĩ càng và dành trọn tâm hồn cho tác phẩm.

– Anh có lời nhắn nhủ gì đến những nghệ sĩ muốn theo đuổi đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật và đặc biệt là Múa đương đại?

– Thực sự thì Múa là bộ môn khó xem. Vì vậy, tôi nghĩ rằng với các bạn trẻ nên định hướng ngay từ đầu cho mình muốn trở thành diễn viên múa Ballet, diễn viên múa Đương đại hay cả hai vì múa luôn cần thời gian để tập luyện. Bạn tập cái gì thì cơ thể sẽ xây dựng theo form đó, cách múa đó. Là diễn viên, thời gian đứng trên sân khấu khá ngắn, nên khi có kế hoạch, bạn sẽ đạt được mong muốn tốt hơn. Ngoài ra, khi còn là diễn viên, bạn nên học phương pháp giảng, biên đạo hay sân khấu vì đó là bàn đạp cho bạn khi hết tuổi nghề. Nhưng các bạn nhớ rằng, khi là diễn viên, hay là diễn viên giỏi, hãy hết mình cho những năm tháng của chính mình và cánh cửa sẽ mở rộng hơn cho bạn lựa chọn sau đó.

Xin cảm ơn và chúc cho Đáy giếng cũng như Hanoi Dance Fest 2019 thành công

Nhật Nam (Báo chính phủ)

Vũ Ngọc Khải hiện đang làm việc tại nhà hát Konzert Theater  Bern – Thụy Sĩ. Anh tốt nghiệp trường Cao Đẳng Múa Việt Nam khoa múa ballet hệ 7 năm 1997-2004 và sang học tại Học Viện Múa Codarts/Rotterdam Dance Academy – Vương quốc Hà Lan 1 năm. Sau đó, anh làm việc trong các công ty, nhà hát tại Việt Nam, Hà Lan,  Bỉ, Italia, Đức và Thụy Sĩ.

Anh tham gia dàn dựng, biên đạo từ 2009. Từ năm 2018, anh là Giám đốc nghệ thuật, cùng sáng lập Tổ chức 1648kilomet (Biểu diễn nghệ thuật & Tổ chức sinh hoạt cộng đồng).

Anh từng đoạt giải Nhất cuộc thi Biên đạo trẻ quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc – Ayang Young Choreographer Competition – năm 2018.

Hanoi Dance Fest 2019: Cuộc hội ngộ của các tài năng trẻ

Chiều 21/6, tại Hà Nội, Viện Goethe (Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam) phối hợp Trung tâm Văn hóa Pháp (Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam) và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tổ chức họp báo công bố thông tin Chương trình Múa đương đại-Hanoi Dance Fest 2019.

Theo đó, Hanoi Dance Fest 2019 sẽ diễn ra vào hồi 20h từ ngày 28-30/6, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) với sự tham gia của các nghệ sỹ có độ tuổi dưới 34.

Là một trong những người đồng sáng lập ra Hanoi Dance Fest 2019, NSƯT Trần Ly Ly, Q, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), một trong những nhân vật quan trọng đã và đang đồng hành cùng Múa đương đại Việt Nam, cho biết: “Hanoi Dance Fest hướng đến việc tạo ra một sân chơi cho các biên đạo trẻ tài năng, khuyến khích những ý tưởng mới mẻ cũng như những hợp tác đa ngành giữa các biên đạo trong nước và quốc tế cùng với nhiều nghệ sỹ làm việc ở những lĩnh vực khác. Ngoài ra, sự kiện cũng là cơ hội để khán giả Việt Nam tìm tòi và khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại”.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc nghệ thuật Hanoi Dance Fest 2019 (thứ 2 bên trái) phát biểu tại cuộc họp báo

Nói về sự “thai nghén” Hanoi Dance Fest, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe, chia sẻ: “Cuối năm 2018, khi khởi xướng và tài trợ cho sự kiện Múa đương đại-Hanoi Dance Fest 2019, Viện Goethe nhận được sự ủng hộ và hợp tác của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Pháp. Cả ba bên đã có những cuộc thảo luận, lên ý tưởng, kế hoạch và chương trình cũng như thực hiện các giai đoạn chuẩn bị trong một thời gian dài”. Chính vì vậy, ông Wilfried Eckstein hy vọng các nghệ sỹ tham gia chương trình sẽ đem đến cho khán giả những điểm nhấn mới của múa đương đại.

Tháng 7.2018, Viện Goethe, hợp tác cùng VNOB và Học viện Múa Việt Nam, tổ chức Trại hè Múa và Âm nhạc dưới sự hướng dẫn của Nhà soạn nhạc, đạo diễn nhạc kịch, GS. Heiner Goebbels và đồng giám đốc nghệ thuật – NSƯT Trần Ly Ly. Đây là chương trình đầu tiên dành riêng cho các biên đạo, nghệ sĩ múa, nhạc sĩ và nhạc công trẻ tài năng người Việt.

Tiếp đó, dự án của các biên đạo Nguyễn Duy Thành, Huy Trần, Vũ Ngọc Khải và nghệ sĩ múa Hoàng Lan Phương được Viện Goethe hỗ trợ sản xuất để ra mắt trong ‘’Hanoi Dance Fest 2019’’, với sự đồng hành của Trung tâm Văn hóa Pháp và VNOB, nhằm tạo cơ hội để khán giả Việt Nam khám phá những dấu ấn và giá trị thẩm mỹ được truyền tải qua múa đương đại.

Sự kiện ”Hanoi Dance Fest 2019” lần đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ biên đạo trẻ tài năng của Việt Nam hội tụ cùng các biên đạo Pháp và Scottland trên cùng một sân khấu múa quốc tế.

Tại ”Hanoi Dance Fest 2019”, Huy Trần mang tới “Đa chiều” – một vở múa đương đại có sự kết hợp giữa hiệu ứng thị giác với nhiều chiều: không gian, âm nhạc, ánh sáng, dàn cảnh và thiết kế sân khấu… mở ra cho công chúng những điểm nhìn khác nhau về một vũ đạo.

Tác phẩm Đa chiều của Huy Tran

Tác phẩm “Đáy giếng” của biên đạo múa Vũ Ngọc Khải, đang làm việc tại Nhà hát Konzert Theater Bern (Thụy Sỹ), được giới thiệu tại sự kiện lần này là hành trình người Việt tìm kiếm căn tính, vượt qua những thách thức văn hóa và soi rọi chính mình trong mối tương quan với thiên nhiên.

Vũ Ngọc Khải với tác phẩm Đáy giếng

Khởi nguồn từ niềm đam mê với hip-hop, đến nay biên đạo và nghệ sỹ múa Nguyễn Duy Thành đã có hơn 16 năm theo đuổi sự nghiệp múa. Anh là một trong những nghệ sỹ đầu tiên tại Việt Nam kết hợp hip-hop với ngôn ngữ múa đương đại và truyền thống Á Đông để tạo nên phong cách riêng biệt. Tác phẩm “Thán” được giới thiệu lần này của Nguyễn Duy Thành lấy cảm hứng từ nghệ thuật tuồng với những cách điệu từ chính ngôn ngữ hình thể của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Trong khi đó, Xuân Lê giới thiệu tới khán giả Thủ đô vở múa “Vòng lặp”, một tác phẩm mang phong cách tối giản. Khán giả sẽ có cơ hội đắm mình trong thế giới của đường băng nghệ thuật đầy chất thơ được tái hiện trên sân khấu một cách ấn tượng.

Xuân Lê mang đến Hanoi Dance Fest 2019 tác phẩm Vòng lặp

Các nghệ sỹ trẻ của nhóm Baydanc đã khai thác nhiều chất liệu giản dị trong cuộc sống (bìa các-tông, băng dính…) để tạo nên “Khối bất kỳ”. Qua đó, người xem có thể quan sát những chất liệu này từ những khía cạnh khác nhau, đồng thời cảm nhận những ám ảnh và hiệu ứng mà chất liệu tác động lên nghệ sỹ và ngược lại. “Khối bất kỳ” thể hiện rõ phong cách của Baydanc – luôn trân trọng tự do, sự đa dạng và tự nhiên khi làm nghệ thuật.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Hanoi Dance Fest 2019, khán giả cũng sẽ có cơ hội thưởng thức tác phẩm “FeMale” của biên đạo James Sutherland (Scotland). “FeMale” là câu chuyện về những mối quan hệ bất thường, sự việc, hiện tượng tưởng chừng như “lệch chuẩn” nếu nhìn từ bên ngoài, nhưng lại thuyết phục khi được soi chiếu vào sâu bản chất bên trong.

Các buổi biểu diễn đều từ 20h. Tối 28.6 gồm các tác phẩm: Khối bất kì – Thán – Đáy giếng và tối 30.6 gồm: FeMale – Vòng lặp – Đa chiều.

Hanoi Dance Fest được bán vé với mức giá rất hợp lý là 200.000 và 300.000VND. Đặc biệt, sinh viên còn được mua vé ở mức giá 100.000VND. Theo Ban tổ chức, việc bán vé qua Ticketbox.vn là để thể hiện việc công khai và minh bạch trong bán bé cũng như khuyến khích mọi người mua vé để thưởng thức nghệ thuật, tạo ra một phần giá trị của nghệ thuật nói chung và Múa đương đại nói riêng. Việc bán vé này không nhằm mục đích lợi nhuận.

Tuyết Hoa