Tag: Thu Huệ

Hồ Thiên Nga của VNOB: Tiếp tục cơn địa chấn…

Vở ballet Hồ Thiên Nga do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời gian qua đã tạo nên cơn “địa chấn” về nghệ thuật tại Việt Nam với nhiều nguyên nhân. Trong đó, dàn diễn viên trẻ đầy tài năng là một trong những lý do chính để kéo khán giả đến với sàn diễn. Trong khi cặp Thu Huệ – Đàm Hàn Giang xuất hiện trong vai Hoàng tử Siegfried và Công chúa  Odette với sự chín chắn, kỹ năng và bản lĩnh sân khấu thì cặp Thu Hằng – Văn Nam lại thể hiện được sự mong manh như những đám mây, thuần khiết như những viên pha lê, mang hơi thở của những câu chuyện cổ tích.

Thu Hằng là một diễn viên múa tuy không quá trẻ, nhưng được thử sức ở nhiều chuyên ngành múa khác nhau. Nói về cơ duyên đến với múa, Hằng chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, mình ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Nhưng một lần được ông nội dẫn đi chơi ở Cung thiếu nhi Hà Nội, mình mải mê ngắm các bạn múa. Về nhà, ông đã nói với bố mẹ cho mình đi học múa. Vậy là, mình bén duyên với múa từ đó và đến nay đã được 22 năm”.

Thu Hằng trong vai nàng Odette của Hồ Thiên Nga

Tốt nghiệp Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) năm 2011, nhưng mãi đến năm 2016, Thu Hằng mới về đầu quân cho VNOB qua tài thuyết phục của NSƯT Trần Ly Ly. Hằng đã giành được nhiều giải thưởng về múa, trong đó có Huy chương Vàng tại  Liên hoan nghệ thuật 4 nước Đông Dương năm 2014 trong tác phẩm “Hạn hán” và tác phẩm “Mùa xuân thiêng liêng” tại Liên hoan múa quốc tế năm 2017. Cô cũng đóng vai chính trong nhiều tác phẩm múa nổi tiếng như Mối tình thành cổ, Cái chết và cô gái, Bobro, LeBanc…

Nói về vai diễn của mình trong Hồ Thiên Nga, Thu Hằng tâm sự: “Đây là vai diễn đầy thử thách. Nàng Odette tinh khiết như một viên pha lê, trong suốt và mong manh, đau khổ nhưng vẫn luôn tồn tại sự khao khát về một tình yêu mãnh liệt. Với tính cách vai diễn như vậy, muốn lột tả được hết vẻ đẹp trong sáng ấy, người diễn viên phải rũ bỏ được hoàn toàn những góc tối trong con người, khơi gợi và nuôi dưỡng những gì trong sáng và thuần khiết của bản thân khi hóa thân thành nàng thiên nga Odette”.

Văn Nam và Thu Hằng trong một buổi tập Hồ Thiên Nga

“Hoàng tử” của Thu Hằng trong Hồ Thiên Nga là nghệ sĩ trẻ Văn Nam, một hoàng tử đúng nghĩa về ngoại hình. Được mệnh danh là “Nam Tây”, Văn Nam từng giành giải thưởng Diễn viên múa xuất sắc nhất Cuộc thi Liên hoan Múa quốc tế năm 2017. Học tập tại cái nôi của đào tạo ngành múa Việt Nam đúng chuyên ngành Ballet – Đương đại, Văn Nam từng được biết đến qua các vai chính trong Kẹp hạt dẻ, Hồ Thiên Nga, Mùa xuân thiêng liêng, Vườn địa đàng, Người đãng trí, Đèn lồng, Mùa Đom đóm, Gió, Bến bờ, Cái chết và cô gái, Bolero….

Trong vai Hoàng tử Siegfried, không ý lại vào lợi thế về ngoại hình cùng với kỹ năng sân khấu và kinh nghiệm trên sàn diễn Ballet, Văn Nam luôn có tâm thế sẵn sàng học hỏi những thần tượng Ballet trên thế giới đã từng rất thành công trong vai diễn này. Anh chia sẻ: “Tôi luôn dành thời gian xem lại các kỹ thuật trình diễn của những vũ công Ballet nổi tiếng thế giới, đặc biệt là khi được giao vai Hoàng tử Siegfried. Tôi rất thích cách trình diễn đầy ma lực nhưng cũng rất nam tính của diễn viên múa Andris Liepa (Nga). Nhưng tất nhiên, xem là để học, để tìm ra những nét riêng cho bản thân mình khi biểu diễn trên sân khấu. Còn quan trọng nhất của một diễn viên là tạo ra những đặc trưng của riêng mình trong mỗi vai diễn, để công chúng không thể nào quên’.

NSƯT Như Quỳnh trong vai Thiên Nga đen

Là những diễn viên múa hết mình cho sự nghiệp, NSƯT Như Quỳnh, Thu Hằng, Văn Nam, Thu Huệ, Đàm Hàn Giang và nhiều diễn viên khác, đều đang phải đánh đổi nhiều thứ khác trong cuộc sống để gắn bó với nghiệp múa. Được biết, để có được thành công trên sân khấu Hồ Thiên Nga nói riêng và Ballet Việt nói chung, các diễn viên múa đã phải đồ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sàn diễn mỗi ngày, từ 8h sáng đến 5h chiều, trong suốt 6 tháng trời. Không chỉ dừng lại ở đó, mỗi khi màn đêm buông xuống, xong hết công việc thường nhật trong gia đình, họ lại “lén lút” xem lại những màn diễn của các nghệ sĩ nổi tiếng hay học lại những kỹ năng đã tập trong ngày. Thậm chí, họ còn phải bỏ đi những show diễn kiếm thêm chút tiền ngoài trong suốt thời gian tập trung cho Hồ Thiên Nga để có thể tỏa sáng trên sân khấu. Nhọc nhằn là vậy, khổ luyện là thế, nhưng mức lương và cả thù lao diễn cộng thêm bồi dưỡng tập cho một soloist chỉ vài triệu đồng.

Tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mới có thể cho ra mắt một Hồ Thiên Nga với toàn bộ 4 chương và có đầy đủ 2 ekip. Đây được coi là một nỗ lực không mệt mỏi của Ban lãnh đạo và cán bộ, diễn viên của Nhà hát. Nhưng không chỉ dừng lại là đơn vị biểu diễn, VNOB còn đã, đang và sẽ là nơi ươm mầm và phát tiết những tài năng nghệ thuật của Việt Nam để nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Với những ekip như Thu Huệ – Đàm Hàn Giang, Thu Hằng – Văn Nam hay những cặp soloist trong tương lai, với sự định hướng đầy sáng suốt của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, “đoàn tàu” VNOB chắc chắn sẽ tiến bước xa hơn với Hồ Thiên Nga nói riêng và các tác phẩm khác nói chung trong năm tới. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ chế đặc thù cho những tài năng nghệ thuật nói chung và Ballet nói riêng để có được chính sách đào tạo dài hơi, từ khâu phát hiện đến đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Điều đó mới có thể giúp cho Ballet nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung có được nguồn nhân lực xứng tầm, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng hiện đại và khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập.

Tuyết Hoa

Vở Ballet Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB: Bí ẩn phương Đông và lộng lẫy phương Tây

Có mặt gần 140 năm qua, vở Ballet Hồ Thiên Nga của nhà soạn nhạc thiên tài Tchaikovsky vẫn được coi là “Ballet của những vở Ballet”. Từ những ngày đầu trình diễn tại Mariinsky ở St. Peterburg (Nga) cho đến nay, Hồ Thiên Nga đã được diễn lại với nhiều phiên bản khác nhau. Tại Việt Nam, Hồ Thiên Nga lần đầu tiên được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) trình diễn thời kỳ những năm 1980, dưới sự hỗ trợ toàn phần của các chuyên gia đến từ Liên bang Xô Viết (cũ). Từ đó đến nay, cho dù xã hội có nhiều biến chuyển, nhưng Việt Nam mới chỉ có thể biểu diễn được một số trích đoạn của vở Ballet này. Năm 2019, VNOB đã tạo nên một bước đột phá lớn nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát. Đó là dựng lại hoàn toàn vở Ballet Hồ Thiên Nga với đầy đủ 4 màn được sản xuất theo phiên bản Việt.

Hồ Thiên Nga và hành trình hơn trăm năm…

Tính đến thời điểm hiện nay, vở Ballet Hồ Thiên Nga có thể coi là tác phẩm được trình diễn nhiều nhất trong lịch sử. Đến nỗi, tạp chí Dance Gazette đã đặt cho 6 vị giám đốc nghệ thuật của những nhà hát Ballet nổi tiếng nhất thế giới một câu hỏi rằng: Hồ thiên nga đã có thể nghỉ ngơi một thời gian được chưa?

Trong lịch sử gần 140 năm tồn tại, Hồ Thiên Nga được hiểu và trình diễn theo nhiều trường phái, với tổng phổ và bối cảnh rất khác nhau, nhưng trường phái của Moskva được coi là “thể hiện đúng tinh thần và triết lý Tchaikovsky nhất”. Vở Ballete Hồ thiên nga được công diễn lần đầu tiên vào năm 1877, tại nhà hát Bolshoi (Nga). Tác phẩm Ballet kinh điển này được xem là đánh dấu một bước ngoặt trong sáng tác của nhạc sĩ thiên tài người Nga Tchaikovsky. Hồ thiên nga được Tchaikovsky sáng tác dựa trên truyền thuyết của Đức về một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Đó là câu chuyện cổ tích về tình yêu giữa nàng Odette và chàng hoàng tử Siegfried. Công chúa Odette bị phù thủy Von Rothbart biến thành thiên nga với lời nguyền rằng khi nào gặp được chàng trai chưa yêu ai bao giờ đem lòng yêu thương thì Odette mới được trở lại thành người. Và rồi nàng đã gặp và yêu chàng hoàng tử Siegfried với lời thề sẽ yêu nàng chung thủy để giải thoát lời nguyền. Nhưng trong một bữa tiệc, phù thủy Von Rothbart đã dùng phép thuật để biến Odile, con gái của mình trở thành người có ngoại hình giống Odette khiến cho chàng hoàng tử nhầm tưởng đó là người chàng yêu và mong muốn được cưới Odile. Khi biết sự thật, hoàng tử đã cầu xin Odette tha thứ và quyên sinh cùng nàng, cái chết của hai người đã hóa giải lời nguyền, phù thủy Von Rothbart mất hết phép thuật và chết, còn những người bạn của công chúa đều được trở lại thành người…

… Đến sự đổi mới của người Việt

Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ Hồ Thiên Nga mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc đưa đoàn Ballet Nga về trình diễn. Điều này khiến nhiều nghệ sĩ tâm huyết với Ballet Việt ưu tư, lo lắng và tìm mọi cách dựng lại tác phẩm tuyệt hảo này. Kể từ khi về nắm quyền lãnh đạo VNOB 93-2018), NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát đã nung nấu ý định đưa toàn bộ Hồ Thiên Nga lên sân khấu Việt. Chị chia sẻ: “Việc dựng vở Ballet Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ VNOB. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ Thiên Nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng với hơn 60 diễn viên múa và thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng’.

Các nghệ sĩ VNOB đang tích cực tập luyện cho Hồ Thiên Nga

Sự đột phá đầu tiên mà Hồ Thiên Nga của VNOB chính là biên đạo múa. Nếu như trước kia, Hồ Thiên Nga hoàn toàn nằm dưới sự dàn dựng của các biên đạo người nước ngoài, trong đó chủ yếu là các chuyên gia Nga, thì biên đạo múa Hồ Thiên Nga 2019 là người Việt 100% nhưng có thời gian dài biểu diễn trên các sân khấu nước ngoài. Đó chính là nghệ sĩ Lê Ngọc Văn, Hiện tại, anh đang là diễn viên múa hạng nhất (first artist) kiêm biên đạo múa của Nhà hát Hoàng gia Anh. Chia sẻ về Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, anh cho biết: “Hồ Thiên Nga của VNOB sẽ được dàn dựng theo trường phái Nga, nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn riêng, đạo nên nét độc đáo của phiên bản Việt. Tôi đã tận dụng tối đa sự mềm mại của diễn viên, sự năng động và hoạt bát của các tài năng trẻ, cắt bỏ những phần rườm rà để tạo nên một Hồ Thiên Nga của người Việt”.

Nhóm thiết kế EllieVu đã sử dụng họa tiết hoa sen để tạo điểm nhấn cho trang phục của Hồ Thiên Nga

Đi cùng với những mong muốn của Lê Ngọc Văn, ekip thiết kế EllieVu cũng đã cố gắng sáng tạo những nét độc đáo nhất trong trang phục của Hồ Thiên Nga phiên bản Việt. Chị Anh Triệu, CEO EllieVu, nhà thiết kế và tài trợ trang phục cho vở diễn, cho biết: “Trang phục của Hồ Thiên Nga 2019 chính là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại. Hồ Thiên Nga là vở Ballet kinh điển, trong đó sự hòa quyện giữa trang phục và kết cấu của vở diễn rất chặt chẽ. Vì vậy, form trang phục hầu hết được giữ nguyên. Nhưng nét độc đáo lại chính là điểm nhấn của họa tiết. Trong đó, đặc biệt nhất là họa tiết trên trang phục được lấy cảm hứng từ bông hoa sen trạm trổ trên đình làng xưa, được cách tân mang phong cách Baroque. Ê kíp của chúng tôi, dưới sự dẫn dắt của thầy Vũ Chí Công – trưởng khoa thiết kế thời trang trường Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp, đã làm việc nhiều tháng nay để có thể kịp cho ra mắt gần 100 bộ trang phục của Hồ Thiên Nga”.

Dàn nhạc giao hưởng VNOB đang nỗ lực tập luyện để tạo nên đêm diễn Hồ Thiên Nga thành công với 2h50 phút chơi nhạc live

Không chỉ dừng lại ở sự độc đáo của Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB và trang phục của ElliVu, NSƯT, họa sĩ sân khấu Hoàng Hà Tùng, cũng đang phác họa những điểm nhấn mới trên sân khấu cho vở diễn. Ông cho biết: “khi được NSƯT Trần Ly Ly mời thiết kế sân khấu cho Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB, tôi đã nghĩ nhiều đến một sân khấu mang tính ước lệ, có nét tráng lệ của thời kỳ phục hưng Italia, sự quý phái của kiến trúc Nga và sự bí ấn của phương Đông. Sân khấu Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB sẽ thể hiện được sự ước lệ về mặt tinh thần, gợi cho khán giả những cảm nhận mới về không gian của một vở Ballet Nga mà Việt”.

Còn rất nhiều nét mới tạo nên một Hồ Thiên Nga phiên bản 2019 mà chỉ có thể tận mắt chứng kiến, người xem mới có thể cảm nhận được hết cái đẹp, nét sang và cả nỗi đau đớn giằng xé trong tâm hồn giữa cái thiện và cái ác. Nhưng không thể không nói đến sự độc đáo trong giá vé. Nếu như cách đây 2 năm, khi Hồ Thiên Nga được Nhà hát Talarium et Lux (Nga) trình diễn tại Việt Nam với giá vé ngất ngưởng (gần 10 triệu đồng/cặp) trong khi âm nhạc lại được thu âm và phát lại, thì Hồ Thiên Nga phiên bản VNOB được trình diễn với dàn nhạc chơi live hoàn toàn với giá vé chỉ bằng 1/5 so với mức trên. Nói về vấn đề này, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ: “ VNOB xây dựng Hồ Thiên Nga phiên bản Việt không phải để so sánh với các phiên bản khác, mà là nhằm đánh dấu một chặng đường nỗ lực vươn đến nền nghệ thuật bác học của thế giới. Các nghệ sĩ của VNOB tin rằng với sự dẫn dắt của biên đạo Việt, sự hòa quyện và ăn ý của dàn nhạc cũng như các vũ công, VNOB sẽ cống hiến cho khán giả một vở diễn thăng hoa của cảm xúc. Chúng tôi không tính toán đến giá vé cho dù kinh phí cho vở diễn là khủng khiếp. Chúng tôi chỉ muốn khán giả đều có cơ hội thưởng thức tác phẩm kinh điển này và có thể tự hào rằng các nghệ sĩ Việt hoàn toàn có thể làm nên một Hồ Thiên Nga thành công”.

Tuyết Hoa (Tạp chí Cục NTBD)

CEO Triệu Anh, phụ trách nhóm thiết kế EllieVu, nhà tài trợ và thiết kế trang ohucj Hồ Thiên Nga của VNOB

Tại sao nên cho trẻ học múa ba-lê?

Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn.

Nếu cảm thấy các bé thích nhảy múa, hay đong đưa theo nhạc, mẹ có thể cho bé trải nghiệm bản thân qua một lớp học ba-lê. Môn nghệ thuật này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động. Dù 4 tuổi hay 14 tuổi, bé đều có thể gặt hái được những lợi ích đáng kể khi tập múa ba-lê.

Nghệ sĩ ba-lê Thu Huệ của VNOB đang say sưa sửa từng dáng chân cho các cháu tại lớp ba-lê cho trẻ em của Nhà hát

Lợi ích về thể chất

Cũng giống như các loại hình múa khác, ba-lê là một môn múa đòi hỏi cường độ tập luyện thể chất cao. Trường múa Colorado (Mỹ) cho biết múa ba-lê giúp cải thiện sức mạnh cơ thể, tính linh hoạt và tầm hoạt động. Ngoài ra, tập ba-lê còn làm tăng khả năng phối hợp và giữ thăng bằng, theo Học viện múa Joffrey (Chicago, Mỹ).

Nhảy múa làm tăng nhịp tim, tăng sức bền, khả năng chịu đựng và đặc biệt là tăng sức khỏe tim mạch nói chung. Với các bé nhỏ tuổi, đây là một cách giúp bé nâng cao nhận thức về cơ thể mình, tăng khả năng điều khiển các hoạt động tinh vi.

Ngoài những lợi ích to lớn về thể chất mà ba-lê đem lại, khi tập luyện loại hình nghệ thuật này, sức khỏe tinh thần và tình cảm của bé cũng sẽ được cải thiện rất nhiều. Trang web của Nhà hát ba-lê Brighton (Mỹ) khẳng định việc luyện tập ba-lê cổ điển sẽ truyền cho bé cảm giác tự hào, thúc đẩy phát triển lòng tự trọng. Trong quá trình hoàn thiện các kĩ thuật múa, bé sẽ dần tự tin hơn. Cảm giác này không chỉ có khi bé tập múa mà sẽ theo bé trong tất cả các hoạt động khác của cuộc sống sau này. Sau những giờ học căng thẳng, múa ba-lê giúp bé thư giãn và sử dụng hiệu quả các năng lượng dư thừa.

NSƯT ba-lê Nguyễn Ngọc Cần của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang chỉnh sửa từng bước cơ bản về ba-lê cho trẻ em

Lợi ích về xã hội

Lớp học múa ba-lê cũng là một lớp học giao tiếp xã hội hữu ích. Tham gia thường xuyên, bé sẽ phát triển các kĩ năng xã hội của mình. Tổ chức giáo dục múa quốc gia (Mỹ) cho biết ba-lê cũng như các môn khiêu vũ khác giúp nuôi dưỡng khả năng làm việc nhóm, kĩ năng trao đổi thông tin, hợp tác và nhất là niềm tin ở trẻ. Trong quá trình luyện tập, bé sẽ kết bạn mới một cách tự nhiên, vượt qua được tính nhút nhát, lúng túng khi các tình huống bất ngờ xảy ra. Tất cả những kĩ năng này sẽ góp phần rất lớn trong cuộc sống sau này của bé.

Lợi ích về giáo dục

Cho bé theo học một lớp ba-lê không chỉ giúp bé phát triển thể chất, tinh thần hay kĩ năng xã hội. Đây còn là một hình thức giáo dục đặc biệt và mang lại các lợi ích nhất định. Sự kết hợp giữa vận động, âm nhạc và biểu diễn giúp học viên ba-lê nâng cao nhận thức và cảm giác của mình. Khả năng chú ý, trí nhớ đều được phát huy. Những kĩ năng này rất cần thiết cho bé trong cuộc sống. Đối với những bé muốn khám phá bản thân qua các loại hình múa khác, ba-lê sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc và là điểm khởi đầu tuyệt vời cho bé.

(Theo Trí Thức Trẻ)

Ba-lê không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp bé trở nên nhanh nhẹn hơn, tập trung hơn. Bên cạnh đó, ba-lê còn trau dồi cả kiến thức về âm nhạc, nhịp điệu, giúp bé phát triển sở thích vận động

Trailer vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Ai trong chúng ta cũng đã quen thuộc với câu chuyện Kẹp hạt dẻ, được kể từ những ngày thần tiên thơ bé, trong những ước nguyện và những giấc mơ. Nhưng, liệu bạn có yêu được một cái nhìn mơ mộng mới của người Việt theo câu chuyện cổ điển này?

Qua lăng kính truyền thống của người Việt, thông qua sự kết hợp giữa múa ballet thuần khiết, múa dân gian cổ truyền Việt Nam, cùng điệu nhảy sôi động của những dân tộc trên thế giới, chúng tôi sẽ kể câu chuyện về một cô bé tên là Quỳnh Lan. Như những cô gái mới lớn khác, cô khát khao và tò mò với những điều mới lạ, tìm kiếm một tình yêu cho riêng mình. Ngủ quên trong đêm Giáng sinh, cô tỉnh dậy ở một miền đất nhiệm màu, nơi chàng kẹp hạt dẻ là hoàng tử, dẫn dắt cô đi qua các cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ.

Việc làm cho vở múa này hài lòng cả những thế hệ đã bước qua thời mơ mộng chính là sự kết hợp của các nền văn hoá. Quỳnh Lan sẽ đưa bạn đến một nơi không có giới tuyến, không có chia cách, phân ly về văn hoá, không có bất kì một rào cản nào. Chỉ có cái đẹp thuần khiết, sự giao hoà giữa con người với con người, cái mới và cái cũ, tình yêu và niềm hạnh phúc.

https://www.youtube.com/watch?v=j65iimN8MAE&feature=youtu.be–

Tiếp biến trong ngôn ngữ múa “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên”

Múa là một loại hình nghệ thuật trong đó những tư tưởng và tình cảm của con người nảy sinh trong quá trình giao tiếp xã hội và giao tiếp với tự nhiên được diễn đạt bằng những tác phẩm cụ thể với các hình tượng nghệ thuật được xây dựng từ nhiều phương tiện biểu hiện. Động tác, điệu bộ được cách điệu và âm nhạc là những phương tiện biểu hiện chủ yếu và quan trọng nhất. Để có được sự giao thoa giữa múa ballet cổ điển và dân gian, cần có sự nghiên cứu, sáng tạo của các đạo diễn, biên đạo và thâm chí cả diễn viên múa nữa. Để có được sự độc đáo và gần gũi của múa ballet trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sản xuất do NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật, dưới sự dàn dựng của NSƯT Lưu Thu Lan, hãy cùng các chuyên gia phân tích về sự tiếp biến trong ngôn ngữ múa ở vở Ba-lê nổi tiếng, “làm mưa, làm gió” trên các sân khấu vũ kịch thế giới vào mỗi dịp Giáng sinh về.

Thu Huệ – vai Quỳnh Lan trong vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Vào thế kỷ 19, việc phát triển những điệu múa dân gian Châu Âu thành múa tính cách sân khấu để thể hiện những cảnh múa mang tính sinh hoạt, mang lại cho những vở múa cổ điển nhiều sinh khí và gần gũi với khán giả hơn. Trước những câu hỏi, tại sao ông lại lựa chọn cách thể hiện bối cảnh vở múa Kẹp hạt dẻ tại Việt Nam, biên đạo múa Philippe Cohen đã từng chia sẻ, mỗi con người trong chúng ta đều có những giấc mơ về những điều tốt đẹp, giấc mơ của Clara, có thể là giấc mơ của bất kì cô gái nào; chính vì vậy giấc mơ của Quỳnh Lan sẽ là giấc mơ gần gũi với những khán giả Việt Nam. Lựa chọn này cũng là thử thách của ông trong quá trình biên đạo tác phẩm. Để đưa khán giả tới không gian mang tính truyền thống Việt, một không khí gia đình mang văn hoá Việt, biên đạo múa không chỉ mặc cho nhân vật của mình những bộ trang phục Việt, không chỉ thay đổi trang trí theo cảnh trí của người Việt mà mọi cử chỉ, động tác, ngôn ngữ múa cũng được thay đổi cho phù hợp với tính cách của từng nhân vật, hoà hợp với bối cảnh câu chuyện.

Toàn bộ phần khánh lễ của buổi sinh nhật trong màn một lấy ngôn ngữ múa dân gian dân tộc kinh làm ngôn ngữ thể hiện chính. Ngôn ngữ múa dân gian được khéo léo lồng ghép, hoà cùng giai điệu âm nhạc giao hưởng của Tchaikovsky mà vẫn không bị khiên cưỡng hay mất đi tính tự nhiên của nó. Màn múa các bậc cha mẹ mang tính sang trọng với những động tác chậm rãi như đại lộ, quay guộn ngón chuyển tư thế, quay di động, đi xiến kết hợp guộn tay tiên, hái đào… Trong các phần múa vui vẻ các động tác được xử lý linh hoạt trong nhịp nhạc nhanh như bỏ bộ, trống nhật tân, quay tơ và trống quảng bị… Phần chân tận dụng toàn bộ các bước đi trong múa dân gian như đi lướt, bước quả trám, đi thế hai, đi kiễng… Màn múa của các bạn nhỏ được kết hợp hài hoà với những động tác múa Ba-lê cổ điển mang tính nhanh nhỏ tạo vẻ nhí nhảnh, vui tươi và hồn nhiên. Phần thân trên và tay sử dụng hệ thống tay dân gian, phần di chuyển của chân kết hợp giữa các bước đi dân gian với pas curu, pas suivi của múa Ba-lê cổ điển.

Một vũ điệu trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Đặc trưng của múa dân gian dân tộc kinh là tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, đặc biệt phong phú và đặc sắc trong những chuyển động của phần tay và thân trên mang lại sự yểu điệu, tình cảm và rất thanh lịch. Điều này đã được biên đạo múa tận dụng và sử dụng triệt để. Tạo nên những màn múa sang trọng mà vẫn vui tươi ấm áp, đặc biệt hoàn toàn không bị chênh với sắc thái của âm nhạc cổ điển trong vở múa.

Sự giao thoa uyển chuyển và tinh tế giữa hai thể loại múa, sự hoà trộn hài hoà những nét văn hoá phương Đông và phương Tây mang lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị và đầy bất ngờ; đẩy hình tượng của vở múa tới một tầm cao hơn trong tư duy và tính triết lý.