Tag: NSƯT Thúy Hằng

Sinh viên Học viện Múa Việt Nam thực tập tại VNOB

Triển khai việc thực hiện hợp tác về thực tập tốt nghiệp đã được ký kết ngày 25/5/2022 giữa Học viện Múa Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam; thực hiện kế hoạch số 203 /KH-HVMVN ngày 10/8/2022 của Học viện Múa Việt Nam và kế hoạch ngày 07/02/2023 về đào tạo trung cấp (điều chỉnh) năm học 2022 – 2023, ngày 7/4/2023, học sinh các lớp tốt nghiệp của hai khoá: K41/6KM và K1/5KM thuộc khoa Diễn viên múa đã có buổi báo cáo thực tập tốt nghiệp thành công tốt đẹp, đầy sự hào hứng và phấn khởi.

Thực tập tốt nghiệp là kỳ thực tập bắt buộc đối với học sinh nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận môi trường làm việc thực tế tại các đơn vị, củng cố nâng cao kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong nhà trường, gắn việc học tập với thực tiễn trong hoạt động biểu diễn giúp học sinh làm quen và tăng cường kỹ năng thực tế, năng lực chuyên môn phù hợp với ngành đào tạo Diễn viên múa, tạo điều kiện cho học sinh phát huy tính tích cực, chủ động khả năng tư duy sáng tạo trong thực tiễn; nâng cao khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm thích ứng với môi trường làm việc trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp; giáo dục học sinh tác phong làm việc, tiếp cận thực tiễn để hiểu sâu hơn về nghề nghiệp, nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc. Việc thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Học viện Múa Việt Nam và hai nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp đã tạo điều kiện để các em học sinh được trải nghiệm nghề nghiệp hướng chuẩn đầu ra, mở ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. 33 học sinh, gồm K41/6 nữ A, K41/6 nam, K1/5 nữ các khoá tốt nghiệp năm học 2022 – 2023 được thực tập tại Nhà hát.

Học sinh K1/5 nữ trong giờ thực tập tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam

Tại đây, các học sinh đã được các nghệ sỹ của Đoàn Vũ kịch, trong đó trực tiếp là NSƯT Phan Lương, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng, NSƯT Trần Thị Bích Hường, cùng các nghệ sỹ khác đào tạo, hướng dẫn những kỹ năng cơ bản của biểu diễn trên sân khấu cũng như trải nghiệm hoạt động tập luyện, chuẩn bị cho biểu diễn.

Tuyết Hoa

VNOB: Bội thu tại cuộc thi Tài năng Múa 2020

Từ ngày 9 đến ngày 17/10 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã diễn ra cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa năm 2020 do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức. Thể hiện được trình độ đỉnh cao, nghệ thuật xuất chúng, các thí sinh đến từ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã giành được 2 giải nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Biên đạo xuất sắc.

Tham dự cuộc thi có hơn 100 vũ công với 4 thể loại ballet, đương đại, dân gian và hiện đại ở TP.HCM và Hà Nội. Hội đồng Giám khảo của Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 là những nhà chuyên môn có uy tín, tài năng như TS., NSND Phạm Anh Phương, TS. NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, Ths. Đoàn Phúc Linh Tâm và hai chuyên gia, Biên đạo múa, Giám đốc Nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật SOUL, Alexander Tú; Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan, ông Arthur Kuggeleyn. VNOB cũng vinh dự có NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, là một trong những thành viên chủ chốt của Hội đồng.

Sau 6 ngày tranh tài, Ban giám khảo đã chọn ra 6 giải nhất, 14 giải nhì, 16 giải ba và 6 giải khuyến khích. Đặc biệt, VNOB, với 3 thí sinh dự thi, đã giành cả 3 giải thưởng quan trọng, trong đó, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Đức Hiếu giành Huy chương Vàng Bảng A: Ballet cổ điển Châu Âu và Ballet hiện đại, Nàng “Juliet” Trần Lệ Thanh của VNOB cũng đoạt Huy chương Vàng Bảng B: Đương đại. Đặng Bùi Minh Hiếu cũng giành Huy chương Bạc Bảng A. Và, với 10 tác phẩm tham dự dàn dựng và huấn luyện cùng 2 sinh viên do cô đào tạo đoạt Huy chương Bạc, NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Thông qua cuộc thi lần này, các thí sinh, nghệ sĩ, diễn viên và lực lượng sáng tạo nghệ thuật múa đã thu nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, bổ ích trong quá trình lao động, biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, tiếp tục trau dồi kỹ thuật biểu diễn, sáng tạo hơn nữa để những tác phẩm nghệ thuật múa có chiều sâu tư tưởng, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến với khán giả. Để tiếp tục phát triển những lớp tài năng biểu diễn Múa kế cận trong thời gian tới, là một nhà giáo đã từng giảng dạy và làm công tác quản lý, đào tạo trong nhiều năm, PGS, TS Tạ Quang Đông đã đưa ra một số yêu cầu thiết thực, thể hiện sự tâm huyết với công tác đào tạo để phát triển ngành múa: “Tôi đề nghị các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động phát triển các kỹ thuật cơ bản, đẩy mạnh nâng cao giảng dạy phần múa Dân gian dân tộc và múa Đương đại, tăng cường thể lực cho học sinh. Đối với các biên đạo, các huấn luyện, cần xác định rõ ý tưởng, phong cách, bố cục rõ ràng của mỗi tiết mục để giúp cho các các em luyện tập có được cảm hứng say mê, phát triển những kỹ năng biểu diễn”.

Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa – 2020 đã thành công tốt đẹp. Đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật múa, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Sau cuộc thi, mỗi nghệ sĩ, diễn viên sẽ có thêm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy khả năng và sự sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển.

Tuyết Hoa


 

Nguyễn Đức Hiếu (VNOB) trong bài biểu diễn tại Cuộc thi
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao giải cho các nghệ sĩ
NSƯT Nguyễn Thị Thúy Hằng của VNOB được trao giải thưởng Biên đạo xuất sắc