Tag: Người tạc tượng

VNOB họp tổng kết cuối năm 2019

Ngày 25 tháng 12 vừa qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã tổ chức cuộc họp tổng kết các hoạt động của năm 2019, đưa ra phương hướng hoạt động năm 2020, Đại hội công nhân viên chức và Hội nghị Đảng Bộ. Tham dự cuộc họp có đầy đủ cán bộ, nghệ sĩ, viên chức và người lao động của Nhà hát. Các chương trình của Hội nghị đã diễn ra một cách nghiêm túc và có chất lượng cao. Điều đặc biệt nhất trong Hội nghị là những điểm nhấn của năm 2019 và định hướng cho năm 2020.

Dấu ấn 2019

Mở đầu chương trình, NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB đã tổng kết các hoạt động, trong đó có cả hoạt động tài chính của năm 2019. Theo đó, Nhà hát đã có một năm nhiều dấu ấn và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu và kế hoạch đề ra. Các sản phẩm của Nhà hát về Vũ kịch, Nhac kịch, giao hưởng cũng như các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các sự kiện văn hóa và phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo đều đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo khán giả trong nước và quốc tế, thu hút được sự chú ý của giới truyền thông và bắt đầu từng bước tiếp cận với nhu cầu của đông đảo công chúng.

Đặc biệt, theo NSƯT Trần Ly Ly, có hai dấu mốc quan trọng nhất trong năm 2019 là lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga thành công hơn mong đợi. Phát biểu về việc tổ chức lễ kỷ niệm, NSƯT Trần Ly Ly khẳng định: “60 năm là một mốc son đối với sự phát triển của một nhà hát nói chung và Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nói riêng…năm 2019 đòi hỏi trách nhiệm của người lãnh đạo Nhà hát tạo ra một dấu ấn đậm nét, làm nổi bật sự tri ân đối với những người đi trước để toàn bộ những con người của Nhà hát nhìn lại quá khứ và tạo ra dấu ấn của hiện tại và tương lai”. Chính vì vậy, toàn bộ tập thể VNOB đã nỗ lực, với quyết tâm cao nhất, đoàn kết, đồng lòng, xây dựng được những sản phẩm để đời trong nền nghệ thuật hàn lâm Việt Nam cho ngày lễ trọng này. Đó chính là vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, phát biểu tại Hội nghị

Dấu ấn thứ hai chính là việc vở Hồ Thiên Nga đã tạo ra một cú hích lớn trong làng ballet Việt Nam, tạo ra tiếng vang với giới truyền thông nước nhà, khiến công chúng xôn xao với 7 đêm diễn đều cháy vé trước cả tháng. Theo NSƯT Trần Ly Ly: “Thành công này có được là nhờ sự quyết đoán và chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc, sự đồng lòng đoàn kết của toàn bộ tập thể cán bộ, diễn viên, nhân viên của Nhà hát, niềm đam mê với nghề và trên tất cả là niềm tin cháy bỏng vào việc xây dựng lại thương hiệu của Nhà hát”.

Trong năm 2019, VNOB đã xây dựng 23 chương trình nghệ thuật Giao hưởng – Hợp xướng, Vũ kịch và các chương trình nghệ thuật khác, trong đó có 5 chương trình phục vụ chính trị, sự kiện và các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là Chương trình “Xuân quê hương”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” “Mùa Thu nhớ Bác”; 3 chương trình phục vụ đối ngoại và giao lưu, hợp tác văn hóa quốc tế như Lễ hội Phật Đản quốc tế VSACK năm 2019, biểu biễn chào mừng Lễ đăng quang Nhà vua Ramax tại Bangkok – Thái Lan, Lễ hội Du lịch – Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc;  3 đợt Liên hoan nghệ thuật biểu diễn ASEAN 2019 tại Hà Lan – Đan Mạch – Thái Lan; đợt 2 tại Hàn Quốc – Thái Lan và đợt 3 tại Nhật Bản. Nhà hát cũng có chương trình biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu II. 14 chương trình Opera & Ballet, Giao hưởng – Hợp xướng, Ca Múa Nhạc và các chương trình nghệ thuật khác. Số buổi biểu diễn lên tới con số 55, trong đó có 5 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngày lễ lớn của đất nước; 10 buổi biểu diễn phục vụ đối ngoại, giao lưu và hợp tác quốc tế; 10 buổi biểu diễn phục vụ ngoại tỉnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; 5 buổi biểu diễn các chương trình nghệ thuật đặt hàng và 20 buổi biểu diễn xã hội hoá các chương trình Giao hưởng – Hợp xướng, Opera & Ballet. Số khán giả đến với các chương trình của Nhà hát trong năm đã lên tới 110.000 lượt, mang lại doanh thu trên 3 tỷ đồng. Đây là một con số chưa lớn, nhưng cho thấy nỗ lực của tập thể nhà hát trong việc đưa nền nghệ thuật hàn lâm tiếp cận với công chúng.

Bên cạnh việc biểu diễn nghệ thuật, hoạt động đối ngoại, đào tạo cũng được chú trọng và mang lại hiệu quả. Nhà hát đã từng bước hội nhập, tìm hiểu về nghệ thuật Flamingo của Tây Ban Nha khi cử 1 chuyên viên đối ngoại tham dự Hội thảo quốc tế tại Madrid, 2 cán bộ tham dự Hội nghị thường kì và bầu lại nhân sự của Ủy ban Múa châu Á tại Hàn Quốc; mời chuyên gia Đức làm workshop về Opera với Đoàn Ca kịch, giao lưu với Đoàn múa Dân gian Cộng hòa LB Nga…

Với những thành tích đã đạt được trong năm 2019 cũng như trong suốt chặng đường, tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, các tập thể và cá nhân được Nhà nước, Bộ VHTTDL trao tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen đã có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, 43 cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát được tặng Kỉ niệm chương Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 4 tập thể là Đoàn Ca kịch, Đoàn Vũ kịch, Đoàn Nhạc kịch, Phòng HCTH và 12 cán bộ lãnh đạo được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL; 4 cá nhân được nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Cấp Bộ. Riêng đối với chương trình “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Nhà hát và cá nhân NSƯT Trần Ly Ly cũng được nhận bằng khen của Bộ trưởng.

Để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ phát triển, Nhà hát cũng tham gia nhiều cuộc thi cũng như cử nhiều nghệ sĩ tham gia các cuộc thi. Trong đó, riêng cuộc thi Tiếng hát Đường 9 Xanh – 2019 tại Quảng Trị, Nhà hát cũng giành được nhiều giải thưởng tập thể và cá nhân. Trong đó có 1 giải xuất sắc toàn đoàn thể loại Opera, Huy chương vàng nhóm 8 cô hát: ( Đào Thị Tố Loan, Trần Thị Trang, Vũ Thị Nga, Phạm Thanh Hà, Phạm Thu Giang, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Thị Thu Quỳnh); Huy chương vàng 8 cô múa: (Phạm Thu Hằng, Nguyễn Thị Cần, Bùi Diễm Quỳnh, Nguyễn Ngọc Hải Ly, Đinh Thị Trà My, Nguyễn Thu Huệ, Ngô Hạnh Dương, Trần lệ Thanh); Huy chương vàng cá nhân: Đào Thị Tố Loan; Huy chương bạc cá nhân: Nguyễn Huy Đức – Nguyễn Minh Tới; Bằng khen của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Bằng khen của Đoàn Nhạc xuất sắc nhất của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Cuộc thi Âm nhạc Mùa Thu 2019 cũng có Giải nhì nữ Đào Thị Tố Loan; Giải nhì nam Nguyễn Huy Đức; Giải ba: Ngô Hương Diệp và giải khuyến khích Bùi Thị Trang.

Cũng trong năm 2019 này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vinh dự được Nhà nước phong tặng 1 NSND Nguyễn Hồng Phong và 6 NSƯT: Mai Thị Như Quỳnh; Nguyễn Thị Thúy Hằng, Bùi Việt An, Vũ Mạnh Dũng, Trương Hữu Văn, Lê Tuấn Anh. NSƯT Trần Ly Ly được tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 50 Phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Định hướng cho năm 2020

Bước sang năm 2020, khi mà thương hiệu của Nhà hát đã được từng bước khẳng định thì sức ép về thành công cũng sẽ đè nặng hơn nữa. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là VNOB cần làm gì để tiếp tục giữ vững được thương hiệu và khiến công chúng đến với các vở diễn nhiều hơn, đông hơn nữa? Nhưng, với sự quyết tâm của VNOB nói chung và NSƯT Trần Ly Ly nói riêng khi khẳng định: “Nếu chúng ta vẫn tiếp tục đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm, chúng ta sẽ làm được”.

Trong kế hoạch hoạt động của năm 2020, VNOB sẽ tập trung vào một số vấn đề như: Thực hiện kế hoạch đưa vở ballet Hồ Thiên Nga lưu diễn trong nước vào thời gian 6 tháng đầu năm; Tiếp tục xây dựng thương hiệu Nhà hát thông qua các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, gắn với mục tiêu phát triển nhạc giao hưởng, Opera và Ballet, tạo ảnh hưởng lớn với công chúng; Xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, các sự kiện văn hóa và đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo; Tích cực tham gia các festival quốc gia và quốc tế ở các nội dung nhạc giao hưởng, Opera, Ballet và các loại hình khác; Xây dựng đội ngũ nghệ sĩ có tài năng, có trình độ chuyên môn cao và lòng yêu nghề, gắn bó với nghề cũng như với Nhà hát; Tiếp tục thực hiện việc tinh giảm biên chế, sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp và hoạt động có hiệu quả; Kiện toàn bộ máy quản lý hành chính của Nhà hát theo mục tiêu mà Chính phủ và Bộ VHTTDL đã đề ra; Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và các hoạt động đối ngoại; Phối hợp với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nguồn nhân lực cho tương lai.

Tại Hội nghị, thay mặt cho Đảng Bộ, Ban lãnh đạo VNOB, NSƯT Trần Ly Ly cũng đã phát động phong trào thi đua trong toàn Nhà hát với tinh thần “Đoàn kết – Đam mê – Trách nhiệm”, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với những gì đã làm được trong năm 2019, cùng sự đồng lòng muôn người như một, VNOB chắc chắn sẽ tiếp tục thu hoạch được những mùa bội thu về số lượng khán giả và người ủng hộ cho các sản phẩm nghệ thuật của Nhà hát trong năm 2020.

Tuyết Hoa

Kỷ niệm 60 năm thành lập VNOB: Công diễn hai tác phẩm lớn của thế giới và Việt Nam

Chiều 25/9, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông báo về các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát và công diễn hai tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là vở nhạc kịch Người tạc tượng và vở vũ kịch Hồ Thiên Nga.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ VH,TT&DL, có chức năng biểu diễn nghệ thuật nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) được thành lập ngày 6/8/1959.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB tại cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát

Ngay từ khi thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người trực tiếp chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng hát Bài ca Kết đoàn ngày 3/9/1960 tại Hà Nội.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích lớn trên các sân khấu trong nước, quốc tế và vinh dự được nhận giải thưởng của Nhà nước với hình thức và mức độ khác nhau, đóng góp tích cực vào việc phát triển sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật của Việt Nam. Nhân kỷ niệm 60 năm, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam một lần nữa được Đảng và Nhà nước ghi nhận trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ tổ chức công diễn hai tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới là vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của tác giả –  nhạc sĩ Đỗ Nhuận và vở vũ kịch “Hồ thiên nga”.

Đã gần 50 năm trôi qua, kể từ khi công bố lần đầu tiên (2/9/1971), vở “Người tạc tượng” của tác giả –  nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới được VNOB phục dựng trở lại và công diễn phục vụ khán giả.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ với báo chí về Người tạc tượng

Con trai tác giả –  nhạc sĩ Đỗ Nhuận – nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sẽ nhận lãnh vai trò chỉ huy, đạo diễn âm nhạc. Đảm nhận vị trí đạo diễn là NSƯT Trần Lực, họa sĩ Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, NSND Hồng Phong chịu trách nhiệm đạo diễn múa. Các diễn viên gạo cội NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Trang đảm nhận các vai nặng ký trong “Người tạc tượng” như Thạch Sơn, H’ Nuôn – Con gái già làng Aêpông,…

Nội dung xuyên suốt của “Người tạc tượng” chủ yếu nói về tình yêu một thời khói lửa, sự thủy chung và tình yêu đất nước, chứ không quá nhấn mạnh vào sự mất mát của con người hay khốc liệt trong cuộc chiến.

Nếu như “Người tạc tượng” là tác phẩm đỉnh cao của Việt Nam thì “Hồ thiên nga” lại là một trong những kiệt tác nghệ thuật thế giới. Hơn 30 năm trôi qua, Ballet Việt chưa thể trình diễn một cách đầy đủ “Hồ thiên nga” mà chỉ là những trích đoạn nhỏ, lẻ hoặc mời đoàn Ballet Nga sang trình diễn.

Nghệ sĩ Lê Ngọc Văn trong ekip sáng tạo Hồ Thiên Nga

Với phiên bản Việt, “Hồ thiên nga” vẫn được dựng theo trường phái Nga nhưng có sự xen kẽ, pha trộn những điểm nhấn, tạo nên nét độc đáo riêng.

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết, sẽ có hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát và Học viện Múa Việt Nam cùng đóng góp tâm huyết, tình yêu nghệ thuật cho vũ kịch này. Đặc biệt, với sự hợp tác của nhóm thiết kế EllieVu, phục trang sẽ đem đến cho “Hồ thiên nga” vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng gia Nga cùng sự bí ẩn đầy ma thuật của họa tiết hoa sen Việt.

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ: “Việc dựng vở Hồ thiên nga phiên bản 2019 là một quyết định táo bạo đối với lãnh đạo và toàn bộ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Bởi lẽ không chỉ đòi hỏi đầu tư về tiền bạc, Hồ thiên nga còn đòi hỏi sự tập trung cao độ của toàn bộ dàn diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát với 60 nghệ sĩ tham gia dàn nhạc chơi live suốt vở cùng gần 100 diễn viên múa. Thời gian tập luyện cũng kéo dài 6 tháng”.

Theo kế hoạch, vở nhạc kịch “Người tạc tượng” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận sẽ được biểu diễn vào tối 5 và 10 /10 và vũ kịch “Hồ thiên nga” sẽ được biểu diễn vào tối 7, 12 và 13/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tuyết Hoa