Tag: Marie de Buenos Aires

60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB): Đột phá để tiếp cận công chúng

Nếu như suốt gần 60 năm qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) hầu như chỉ được nhóm công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm, mà con số này không lớn, biết đến, thông qua những tác phẩm trong nước như Cô Sao, Võ Thị Sáu, Nguồn sáng… hay các tác phẩm quốc tế kinh điển như Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà, La Sylphide, Kẹp hạt dẻ… thì chỉ trong hơn 1 năm qua, nếu chỉ cần nhấn nút tìm kiếm về Nhà hát, ngay lập tức đã có tới hơn 12.000 kết quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của đông đảo công chúng đối với VNOB…

… “Hiện tượng” VNOB

Năm 2018 trôi qua với hàng loạt thành công của VNOB trên sân khấu trong nước và cả quốc tế. Từ những chương trình như Bản giao hưởng mùa Hạ dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật, Kotaro Kimura và hơn 60 ca sĩ hợp xướng đến từ Nhật, đến Giai điệu mùa Thu với nhạc trưởng Lê Phi Phi, chương trình múa đương đại Bolero and Suite en Blanc với sự góp mặt của biên đạo múa Lê Ngọc Văn, vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires và kết thúc mùa diễn với vở Ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản Việt, VNOB được biết đến như một “hiện tượng”. Hàng trăm tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh, báo điện tử và thậm chỉ cả mạng xã hội đều “nhảy vào mổ xẻ”, phân tích, bình luận về sự thay đổi mang tính đột phá này.

Maria de Buenos Aires – vở nhạc kịch do VNOB dàn dựng hồi táng 11-2018 gây ấn tượng khá mạnh với khán giả

Không chỉ dừng lại ở các chương trình trong nước, VNOB còn góp phần quảng bá nghệ thuật Việt ra nước ngoài thông qua các chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh – Việt tại London, Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Nhật Bản…

Tiếp bước sang năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, VNOB tiếp tục mang đến một luồng gió mới cho khán giả bằng chương trình mở đầu mùa diễn mang tên “Dạ tiệc âm nhạc – Around the world”. Chương trình đã tạo nên một tiếng vang lớn trong công chúng yêu nhạc, giới phê bình và báo chí. Có thể nói, đây là một sự đột phá mang tính táo bạo nhất khi “dám” xây dựng các trích đoạn nổi tiếng thế giới thành một tác phẩm có sự kết nối đặc biệt hiệu quả giữa nhạc giao hưởng, Opera và Ballet.

Dạ tiệc âm nhạc – Around the world đã cho thấy sự đột phá mạnh mẽ của VNOB

Tất nhiên, để có được sự đột phá này, không thể không nói đến sự thay đổi cơ bản về mặt ý thức hệ của Ban lãnh đạo mới của Nhà hát cũng như tinh thần, nhiệt huyết, sự đoàn kết và quyết tâm sáng tạo của các diễn viên, nghệ sĩ. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm được là sự gắn kết các đoàn với nhau trong cùng một chương trình. Nếu như trước kia, một chương trình biểu diễn thường dàn nhạc giao hưởng sẽ ngồi dưới hố nhạc, trên sân khấu là nơi biểu diễn của hợp xướng, Opera hay Ballet, thì trong Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, dàn nhạc đã được đưa lên tầng 2 trong tư thế được tôn vinh, tạo cảm hứng cho nhạc công cũng như sự thăng hoa cho các nghệ sĩ khác. Khán giả được thưởng thức bằng tai, bằng mắt và các giác quan khác, khiến cảm xúc được nâng đến tận cùng.

… Nhưng khó khăn vẫn còn đó

Tuy đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng VNOB vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức không nhỏ chính là làm sao thu hút được công chúng đến với sân khấu. Bà Ly Ly chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết”.

Kinh phí tổ chức cũng là một bài toán khó. Thực tế là để tổ chức một chương trình nghệ thuật, VNOB đã phải huy động đến hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, ca sĩ… chưa nói đến đội ngũ làm hậu cần như ánh sáng, âm thanh, sân khấu. Rồi tiền phục trang, thiết kế, thuê nhà hát,…Tất cả những khoản này tính đến tiền tỷ. Nhưng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ chỉ bằng vài phần. Vậy, khoản còn lại lấy từ đâu? Xã hội hóa, xin tài trợ đối với những chương trình như thế này quả không phải là điều dễ dàng!

Bên cạnh đó, làm sao để giữ chân các tài năng hay tìm kiếm nguồn nhân lực trong tương lai cho Nhà hát? Thời buổi “gạo châu, củi quế” như hiện nay, với mức lương vài triệu, mỗi buổi tập luyện vất vả được bồi dưỡng vài chục nghìn, nhiều nghệ sĩ, vì đam mê nghề nghiệp, đã phải ra ngoài kiếm thêm bằng việc đi xe ôm, bán hàng ngoài chợ… Điều đó khiến Ban lãnh đạo VNOB phải tính toán cặn kẽ, tìm kiếm các nguồn khác để có thể giúp các nghệ sĩ vững tin với con đường nghệ thuật đã chọn.

Đột phá để tiếp cận khán giả

Trong nghệ thuật trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu mà nghệ thuật hàn lâm vốn là loại hình còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chính vì vậy, Bà Ly Ly cho rằng: “muốn khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ, nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữa lành vết thương tâm hồn”.

Theo chiều hướng đó, VNOB đã mạnh dạn “thay áo mới” cho loại hình nghệ thuật quý tộc này. Hàng loạt những chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện một cách nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của VNOB trong việc tạo bước đột phá để tiếp cận khán giả có hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng lại ở những “hiện tượng’ như Maria de Buenos Aires, Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên hay Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, trong thời gian tới, VNOB sẽ cho tiếp tục cho ra mắt những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và nhiều sắc màu hơn như vở ca kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở vũ kịch Hồ Thiên Nga hay chương trình múa đương đại Đất và Nước… Đây cũng sẽ là điểm nhấn cho năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Nhà hát với các chương trình sẽ được được trình diễn lâu dài, thay vì chỉ vài ba đêm như trước đây.

Một thực tế cho thấy là loại hình nghệ thuật hàn lâm này ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để phát triển trong khi ở các nước khác, nó là bắt buộc. Trong nhà trường, các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch. Nhưng tại Việt Nam, giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật còn xa lạ với khán giả. Chính vì thế, để các chương trình tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, theo bà Trần Ly Ly, sự ra đời của cách mạng 4.0 và tận dụng mạng xã hội sẽ phần nào tạo ra hướng tiếp cận mới với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….Nhưng, để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. “Điều quan trọng là cái khán giả cần thì ta mang đến cho họ, nhưng không được phép rời xa nghệ thuật của mình”. Bà Ly khẳng định: “Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích”.

Lượng khán giả đến với VNOB ngày một nhiều

Để có thể đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận gần hơn với công chúng, ngoài việc “thay áo mới” cho các chương trình, VNOB cũng đang thực hiện một chiến lược khá hay. Đó là xây dựng và phát triển mạng lưới khán giả tích cực cho nghệ thuật hàn lâm. Chiến lược này đang được thực hiện thông qua hai hệ thống. Một là phối hợp với các tổ chức có liên quan để xây dựng câu lạc bộ người yêu nghệ thuật hàn lâm qua mạng xã hội. Hai là thành lập, mở rộng các lớp đào tạo ngắn hạn về hợp xướng, Ballet, Opera và âm nhạc. Những hoạt động này đã và đang góp phần tích cực vào việc mở rộng sự hiểu biết, niềm đam mê nghệ thuật hàn lâm cho công chúng.

Tuyết Hoa (Theo Tạp chí Cục NTBD)

 

Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB

Philippe Lesburgueres, chỉ huy dàn nhạc vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires: VNOB tạo nên sức sống mới cho Maria de Buenos Aires

Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết

Từng chỉ huy dàn nhạc trong vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires ở nhiều nơi trên thế giới, nghệ sĩ Philippe Lesburguères – Giám đốc Studio des Arts Vivants, đã đến với dải đất nhỏ bé hình chứ S với dự án xây dựng lại vở nhạc kịch nổi tiếng này cùng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) với một phong cách mới. Ông đã chia sẻ điều này trong cuộc trò chuyện với nhà báo Tuyết Hoa:

  • VARMATIN TOULON M. BERGUERES DIRECTEUR DU CONCERVATOIR NATIONAL DE REGION

    Thưa nghệ sĩ, Maria de Buenos Aires của năm 2018 có thay đổi gì khi đến với công chúng Việt Nam?

  • Maria de Buenos Aires 2018 có nhiều thay đổi lớn, nhất là khi VNOB thổi một làn gió mới trong ý tưởng, đạo diễn sân khấu và biên đạo. Để chuẩn bị cho vở diễn, VNOB đã tạo điều kiện để tôi được làm việc trực tiếp với biên đạo múa ngay từ đầu. Điều đó giúp chúng tôi hiểu nhau hơn, tạo được tiếng nói chung và nảy sinh nhiều ý tưởng mới, đặc biệt là sự sáng tạo của biên đạo múa.
  • Được biết, nét độc đáo của vở nhạc kịch lần này chính là ý tưởng đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu thay vì ngồi tại hố nhạc. Điều này có tác động như thế nào đến vở diễn, thưa ông?
  • Điều này thực sự gây được ấn tượng mạnh với khán giả. Việc đưa toàn bộ dàn nhạc lên sân khấu sẽ tạo cảm giác như đang trình diễn trong một quán bar. Nhân vật Maria vốn là một phụ nữ có 2 mặt đối nghịch, Đó là bản năng tính dục và tính cách thiên thần. Việc đưa dàn nhạc lên sân khấu sẽ mang tính trình diễn nhiều hơn. Dàn nhạc cũng dễ tương tác với diễn viên múa và các ca sĩ hơn. Một chi tiết thú vị là khi Asto Piazzolla lần đầu tiên dàn dựng Maria de Buenos Aires, ông cũng có ý muốn như VNOB.
  • Với Maria de Buenos Aires, dàn nhạc sẽ sử dụng những loại nhạc cụ nào, thưa ông?
  • Khoảng 10 loại nhạc vụ khác nhau như Violon, Viola, Cello, Double Bass, Sáo, Piano, Accordeon, Guitar và bộ gõ.
  • Là người châu Âu, tại sao ông lại đến với Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng?
  • Năm 1985, tôi tình cờ gặp gỡ huyền thoại Asto Piazzolla. Đây có thể coi như bước ngoặt của cuộc đời tôi khi biết đến tinh thần của Nuevo Tango. Từ đó, Tango nói chung và Maria de Buenos Aires nói riêng trở thành niềm cảm hứng mới của tôi. Tôi đã trình diễn vở này ở nhiều nơi trên thế giới. Còn lần này, tôi rất vui khi được phối hợp với VNOB để tạo nên con gió mới mang tên Maria de Buenos Aires tại Việt Nam.
  • Ông có thể cho biết ý kiến của mình về gu cảm thụ nghệ thuật của khán giả Việt Nam qua các chương trình ông trình diễn?
  • Một câu hỏi rất hay. Chúng ta hãy tưởng tượng xem nhé. Tôi là người châu Âu, biểu diễn Tango là chất nhạc Nam Mỹ xen lẫn chất châu Phi và giai điệu của người Ang – điêng, tại Việt Nam. Đây có thể xem là minh chứng rõ ràng của sự toàn cầu hóa. Những gì mà tôi cảm nhận được từ khán giả Việt Nam là sự hòa nhập, cảm thụ và tiếp nhận đầy nhiệt tình. Sự ủng hộ của khán giả Việt đã giúp chúng tôi có thêm niềm đam mê để giới thiệu Tango rộng rãi hơn nữa ở Việt Nam.
  • Nếu được chia sẻ về Tango với công chúng Việt, ông sẽ nói gì?
  • Tango là đam mê. Nói đến Tango là nói đến sự hoài niệm, giằng co giữa tình yêu, đam mê và cái chết.
  • Xin cảm ơn và chúc cho Maria de Buenos Aires thành công tốt đẹp

Tuyết Hoa (th)