Tag: Hàn Quốc

VNOB kết nối mạng nghệ thuật châu lục

Nhằm tìm hiểu thị trường và đẩy mạnh nhu cầu mở rộng quan hệ quốc tế, gần đây, đoàn cán bộ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) do NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị Ủy ban Múa châu Á 2019, tổ chức tại Trung tâm văn hóa châu Á (ACC) – thành phố Gwangju và bước đầu kết nối với các tổ chức quốc tế cũng như các nước trong khu vực và châu lục.

Hội nhập với nghệ thuật múa châu lục

Hội nghị Ủy ban Múa châu Á là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa trong việc kết nối, duy trì và phát triển nghệ thuật Múa của châu lục lên tầm cao mới cũng như tạo sự gắn kết giữa các quốc gia châu Á thông qua môn nghệ thuật này. Những hoạt động này trong tương lai sẽ được phát triển tốt hơn nữa và tạo cơ hội để các nước nâng cao bản sắc văn hóa thông qua nghệ thuật múa, từng bước đưa múa truyền thống giao thoa với múa đương đại để hội nhập vào thế giới.

Chủ tịch ACC, ông Lee Jinsik, gặp mặt các đại biểu trước thềm Hội nghị

Hội nghị Ủy ban Múa châu Á (ACC) diễn ra thường niên với khá nhiều hoạt động, trong đó chủ yếu là tổng kết hoạt động của Ủy ban trong năm trước, xem xét về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Điều lệ, trao đổi và thống nhất kế hoạch hoạt động của năm. Tham dự Hội nghị 2019 có 45 đại biểu – đại diện cho các nước Bhutan, Brunei, Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Việt Nam và nước chủ nhà Hàn Quốc, Viện Văn hóa châu Á đặt tại Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa châu Á. Ngoài ra, còn có đại diện thành phố Gwangju, phóng viên và đại diện các nghệ sĩ tham gia biểu diễn.

Trong năm 2019, ACC đã thành công trong việc hỗ trợ cho 5 biên đạo đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Philippines trong một dự án mang tên Choreographer Lab. Theo đó, các biên đạo được hỗ trợ ăn, ở, đi lại, người hướng dẫn để biến ý tưởng của mình thành tác phẩm múa đương đại tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc trong thời gian 3 tháng. Toàn bộ 5 tác phẩm đã được trình diễn trong chuỗi sự kiện của Hội nghị lần này.

Về Điều lệ, các thành viên nhất trí sửa đổi một số Điều trong Điều lệ hoạt động của Ủy ban Múa châu Á. Nét sửa đổi đặc biệt nhất tại Hội nghị năm nay là nếu thành viên trong Ủy ban Múa châu Á vắng mặt trong 2 năm liên tục không có lý do thì thành viên đó coi như rút khỏi Ủy ban; ACC sẽ thành lập nhóm Phản ứng nhanh để đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch đạt hiệu quả cao theo đánh giá của các chuyên gia múa châu Á phân tích. Nhiệm kỳ hoạt động của thành viên nhóm này là 2 năm. Nhóm sẽ họp 3 tháng/1 lần. Nhóm sẽ bao gồm nghệ sĩ, các nhà tổ chức festival, các nhà phê bình và đại diện của Viện nghiên cứu văn hóa châu Á.

Tổng kết chương trình showcase tại Hội nghị

Trong kế hoạch hoạt động của năm 2020, Ủy ban Múa châu Á đặc biệt chú trọng vào Hội thảo mang tính học thuật về múa châu Á (Asian Dance Symposium), tiếp tục dự án Choreographer Lab và lần đầu tiên giới thiệu các chương trình của Công ty múa châu Á tại châu Âu.

Sự khởi đầu ấn tượng của VNOB

Trong khuôn khổ chương trình, VNOB đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội nghị. Bên cạnh việc được mời chia sẻ kinh nghiệm tổ chức một số sự kiện múa đương đại cùng với Viện Goethe (Đức) và Trung tâm văn hóa Pháp (L’Space), đại diện của Việt Nam đã đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung luật, Điều lệ và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2020.

NSƯT Trần Ly Ly với Giám đốc nghệ thuật Công ty Múa châu Á, Ahn Aesoon

Nhân dịp này, Đoàn đã gặp và làm việc với Giám đốc nghệ thuật của Công ty Múa châu Á, Chủ tịch ACC, đại diện Singapore, Campuchia… để trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong thời gian tới và dự kiến phối hợp tổ chức một số sự kiện. Đặc biệt là đại diện của Việt Nam được mời tham gia vào Nhóm Phản ứng Nhanh của Ủy ban Múa châu Á.

Cũng trong Hội nghị này, Chủ tịch ACC và Giám đốc nghệ thuật của Công ty Múa châu Á đề xuất việc Việt Nam và Philippines sẽ đăng cai một Festival múa châu Á (Asian Dance Festival) trong tương lai vì nhận thấy hai nước có đủ điều kiện, đáp ứng được yêu cầu tổ chức sự kiện này.

Tuyết Hoa