Tag: Giấc mơ thần tiên

Tiếp biến trong ngôn ngữ múa “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên”

Múa là một loại hình nghệ thuật trong đó những tư tưởng và tình cảm của con người nảy sinh trong quá trình giao tiếp xã hội và giao tiếp với tự nhiên được diễn đạt bằng những tác phẩm cụ thể với các hình tượng nghệ thuật được xây dựng từ nhiều phương tiện biểu hiện. Động tác, điệu bộ được cách điệu và âm nhạc là những phương tiện biểu hiện chủ yếu và quan trọng nhất. Để có được sự giao thoa giữa múa ballet cổ điển và dân gian, cần có sự nghiên cứu, sáng tạo của các đạo diễn, biên đạo và thâm chí cả diễn viên múa nữa. Để có được sự độc đáo và gần gũi của múa ballet trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sản xuất do NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát, trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật, dưới sự dàn dựng của NSƯT Lưu Thu Lan, hãy cùng các chuyên gia phân tích về sự tiếp biến trong ngôn ngữ múa ở vở Ba-lê nổi tiếng, “làm mưa, làm gió” trên các sân khấu vũ kịch thế giới vào mỗi dịp Giáng sinh về.

Thu Huệ – vai Quỳnh Lan trong vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Vào thế kỷ 19, việc phát triển những điệu múa dân gian Châu Âu thành múa tính cách sân khấu để thể hiện những cảnh múa mang tính sinh hoạt, mang lại cho những vở múa cổ điển nhiều sinh khí và gần gũi với khán giả hơn. Trước những câu hỏi, tại sao ông lại lựa chọn cách thể hiện bối cảnh vở múa Kẹp hạt dẻ tại Việt Nam, biên đạo múa Philippe Cohen đã từng chia sẻ, mỗi con người trong chúng ta đều có những giấc mơ về những điều tốt đẹp, giấc mơ của Clara, có thể là giấc mơ của bất kì cô gái nào; chính vì vậy giấc mơ của Quỳnh Lan sẽ là giấc mơ gần gũi với những khán giả Việt Nam. Lựa chọn này cũng là thử thách của ông trong quá trình biên đạo tác phẩm. Để đưa khán giả tới không gian mang tính truyền thống Việt, một không khí gia đình mang văn hoá Việt, biên đạo múa không chỉ mặc cho nhân vật của mình những bộ trang phục Việt, không chỉ thay đổi trang trí theo cảnh trí của người Việt mà mọi cử chỉ, động tác, ngôn ngữ múa cũng được thay đổi cho phù hợp với tính cách của từng nhân vật, hoà hợp với bối cảnh câu chuyện.

Toàn bộ phần khánh lễ của buổi sinh nhật trong màn một lấy ngôn ngữ múa dân gian dân tộc kinh làm ngôn ngữ thể hiện chính. Ngôn ngữ múa dân gian được khéo léo lồng ghép, hoà cùng giai điệu âm nhạc giao hưởng của Tchaikovsky mà vẫn không bị khiên cưỡng hay mất đi tính tự nhiên của nó. Màn múa các bậc cha mẹ mang tính sang trọng với những động tác chậm rãi như đại lộ, quay guộn ngón chuyển tư thế, quay di động, đi xiến kết hợp guộn tay tiên, hái đào… Trong các phần múa vui vẻ các động tác được xử lý linh hoạt trong nhịp nhạc nhanh như bỏ bộ, trống nhật tân, quay tơ và trống quảng bị… Phần chân tận dụng toàn bộ các bước đi trong múa dân gian như đi lướt, bước quả trám, đi thế hai, đi kiễng… Màn múa của các bạn nhỏ được kết hợp hài hoà với những động tác múa Ba-lê cổ điển mang tính nhanh nhỏ tạo vẻ nhí nhảnh, vui tươi và hồn nhiên. Phần thân trên và tay sử dụng hệ thống tay dân gian, phần di chuyển của chân kết hợp giữa các bước đi dân gian với pas curu, pas suivi của múa Ba-lê cổ điển.

Một vũ điệu trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Đặc trưng của múa dân gian dân tộc kinh là tính chất nhẹ nhàng, uyển chuyển, đặc biệt phong phú và đặc sắc trong những chuyển động của phần tay và thân trên mang lại sự yểu điệu, tình cảm và rất thanh lịch. Điều này đã được biên đạo múa tận dụng và sử dụng triệt để. Tạo nên những màn múa sang trọng mà vẫn vui tươi ấm áp, đặc biệt hoàn toàn không bị chênh với sắc thái của âm nhạc cổ điển trong vở múa.

Sự giao thoa uyển chuyển và tinh tế giữa hai thể loại múa, sự hoà trộn hài hoà những nét văn hoá phương Đông và phương Tây mang lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị và đầy bất ngờ; đẩy hình tượng của vở múa tới một tầm cao hơn trong tư duy và tính triết lý.