Tag: Around the world

Đào Tố Loan, người đàn bà mê Opera đến cháy bỏng

Không lựa chọn con đường khiến khán giả nhớ mặt nhiều ngay sau khi giành quán quân Sao Mai 2011, Đào Tố Loan chọn học hành để có một bước đi lâu dài hơn trong sự nghiệp ca hát. Là nghệ sĩ theo dòng nhạc thính phòng Opera cổ điển, Đào Tố Loan có thể giao tiếp được 3 ngoại ngữ. Chị bảo chính vì tình yêu với opera trong chị quá lớn nên đã tạo động lực cho chị từng bước đi tới ngày hôm nay.

Thạo 3 ngoại ngữ vì muốn tìm hiểu về Opera cổ điển

– Đào Tố Loan sẽ trình diễn tác phẩm nào trong chương trình Điều Còn Mãi 2019?

Năm nay, tôi rất vui và thú vị khi được thể hiện một tác phẩm mang hơi hướm dân ca “Lời ca dâng Bác”. Khi sắp thể hiện một tác phẩm, tôi có thói quen nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về tác phẩm. Khi hiểu rõ thì người thể hiện có thể truyền tải đúng tinh thần của bài hát tới khán giả. Ngoài ra, tôi cũng sẽ tham gia tiết mục kết “Bay lên Việt Nam” cùng tất cả các ca sĩ và Dàn nhạc Giao hưởng.

– Việc hát cùng dàn nhạc giao hưởng có lẽ sẽ không khó khăn với chị?

Tôi may mắn bởi đã được hát với dàn nhạc giao hưởng rất nhiều. Điều khó khăn ở đây đó là tôi là ca sĩ thính phòng opera nhưng lần này lại hát một bài mang hơi hướm dân ca. Tuy nhiên, đó cũng chính là điểm thú vị cho tôi khi tham gia Điều Còn Mãi năm nay. Tôi có cơ hội được thể hiện một mảng khác, gần gũi với khán giả. Tôi mong mọi người sẽ yêu thích và đón nhận tác phẩm này.

Đao Tố Loan trên sân khấu của Around the world

 Cuộc sống của chị có thay đổi như thế nào sau 9 năm đạt giải Sao Mai?

Sao Mai là bệ phóng cho tất cả các ca sĩ không riêng gì tôi. Đó là một bước ngoặt cuộc đời, một bước đệm nhưng chưa phải đầy đủ. Sau cuộc thi, tôi đã phải cố gắng tìm tòi, học hỏi rất nhiều để trở nên hoàn hảo hơn trong mắt công chúng – những người yêu mến dòng nhạc này.

– Điều gì đã thúc đẩy để chị lựa chọn đi du học bỏ cơ hội chạy show kiếm tiền ngay sau khi đoạt giải cao ở Sao Mai?
Tôi là một người có cá tính mạnh mẽ nên không thích chọn con đường giống người khác để phấn đấu theo họ. Tôi chọn con đường học hành để có những bước dài trong tương lai. Tôi từng tìm nhiều học bổng xin đi học ở Đức, Nauy và Áo. Một lý do nữa khiến tôi làm vậy đó chính là tình yêu thính phòng opera cổ điển trong tôi quá lớn. Và khi muốn tìm hiểu sâu chắc chắn việc sang nước ngoài học hỏi vì đó là cầu nối để tôi mở mang kiến thức cho mình. Tôi cũng muốn mang những điều mình học được để cống hiến và truyền đạt lại cho học sinh của mình.

– Không phải ai cũng tìm được con đường đi học ở nước ngoài, nói được nhiều ngoại ngữ là lợi thế của chị?

Ngay từ đầu tôi chọn con đường này ngoại ngữ chính là việc đầu tiên tôi phải học. Bởi chỉ có ngoại ngữ mới giúp tôi hiểu được những gì bạn bè quốc tế muốn truyền tải.  Trước khi thi Sao Mai, tôi cũng nói được tiếng Anh kha khá nhưng sau đó tôi đã phải tự học thêm nhiều. Tôi cũng chưa giỏi quá nhưng giao tiếp bình thường có thể đáp ứng được. Hiện tại, tôi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, Đức, Italy.

Đào Tố Loan được vinh dự trao tặng danh hiệu

– Thể loại thính phòng Opera kén người nghe, chị đã nỗ lực như thế nào để có thể theo đuổi và sống bằng nghề?

Tôi phải cảm ơn thế hệ đi trước. Họ hy sinh cho nền âm nhạc mới có ngày hôm nay cho những người như Tố Loan. Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, phát triển thì không thể vắng bóng thể loại âm nhạc sang trọng đó. Hiện tại, tuy thể loại nhạc này còn kén người nghe nhưng tôi vẫn có thể sống được với niềm đam mê của mình. Lượng khán giả của dòng nhạc này bây giờ tốt hơn trước rất nhiều. Tôi cũng hy vọng, trong tương lai, âm nhạc cổ điển opera thính phòng sẽ ngày càng tiến gần hơn tới khán giả.

– Bản thân chị làm cách nào để đến gần hơn với khán giả?

Thực tế mọi người có xu hướng nghe những giai điệu lời ca tiếng hát dễ nghe dễ nhớ. Tôi cũng rất mong muốn có thể làm một chương trình của riêng mình để đến gần hơn với khán giả. Tôi sẽ lên một chương trình gần gũi với khán giả, hướng tới đáp ứng cho khán giả dễ nghe, dễ hưởng thụ và tận hưởng những giai điệu đẹp chứ không nhất thiết phải hiểu được tường tận bài hát.

– Khi đứng ở sân khấu quốc tế, chị có gặp trở ngại gì?

Có chứ. Lần đầu tiên tôi đứng trên sân khấu lớn là ở Sao Mai. Sau đó, tôi đi học ở Đức và Nauy. Tôi cũng có cơ hội biểu diễn ở trên sân khấu quốc tế cùng các bạn sinh viên quốc tế khác. Sự hồi hộp, lo lắng nhiều hơn rất nhiều. Ở nước ngoài, ngay cả một em nhỏ cũng có hiểu biết rất tốt về opera. Ở Singapore, tôi đăng ký tham gia thi với mục đích học hỏi bởi các bạn quốc tế có khả năng hát rất tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc bản thân sẽ đoạt giải. Cuộc thi của họ tổ chức rất chuyên nghiệp, giờ giấc tập luyện rất chính xác. Khi ngồi nghe các bạn tập luyện, tôi đã bị choáng và run vì họ hát quá tốt. Nhưng không ngờ, lần đó tôi lại may mắn giành giải quán quân. Tôi hạnh phúc khi không uổng phí công sức bỏ ra một thời gian khá dài để học hỏi. Do đó, tôi nghĩ, nếu ngay từ đầu chưa làm đã nghĩ sẽ không làm được thì mình sẽ thất bại. Khi cố gắng hết mình, có lẽ điều bất ngờ sẽ tới. Nếu còn trẻ, tôi sẽ tham gia nhiều cuộc thi hơn nhưng tôi bị quá độ tuổi nên rất tiếc.

‘Không bao giờ tự hài lòng’

– Chị đã đạt được một số thành tựu, chị có hài lòng về con đường mình đã chọn?

Tôi chưa bao giờ hài lòng về bản thân mình. Một vị Giáo sư nước ngoài nói với tôi rằng, người nghệ sĩ opera sẽ đi xuống nếu họ bằng lòng với những gì mình đang có hiện tại. Người nghệ sĩ opera vất vả đó là phải tìm hiểu rất nhiều, phải học nhiều ngoại ngữ, hiểu về nền âm nhạc cổ điển tốt và phải nắm vững về kiến thức về âm nhạc. Âm nhạc cổ điển chiếm quá nhiều thời gian về việc học. Khi tôi chọn học hỏi sẽ không thể có nhiều thời gian để biểu diễn. Sắp tới, tôi sẽ quay lại Singapore diễn một đêm Gala Concert. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu ý nghĩa của tác phẩm sẽ biểu diễn. Đôi khi tôi ngẫm, người nghệ sĩ chọn theo âm nhạc cổ điển sẽ rất vất vả. Tôi mong trong tương lai, những người nghệ sĩ như tôi sẽ được nhìn nhận, đồng cảm và công nhận bởi để hát 2-3 tiếng trên sân khấu, chúng tôi đã phải khổ luyện rất nhiều. Tôi rất thích hát nhiều thể loại nhạc Việt Nam nhưng không có quá nhiều thời gian. Do vậy, lần hát trong Điều Còn Mãi năm nay cũng là một may mắn cho tôi.

– Ông xã là người rất quan trọng trong việc định hướng chị đi theo con đường ca hát?

Đúng vậy! Nếu không có ông xã, có lẽ tôi sẽ không có ngày hôm nay. Trước đây, gia đình tôi cũng nghèo nên không mơ tưởng đi học. Ngay từ khi là bạn, chồng thấy tôi có khả năng nên đã hướng tôi đi học và theo nghệ thuật. Chồng tôi làm bên ngân hàng nhưng rất yêu âm nhạc và có tốt chất viết nhạc. Anh ấy mới gia nhập Hội nhạc sĩ Hà Nội và viết nhiều tác phẩm cho thị trường. Hiện tại, anh vẫn luôn là người sát cánh bên tôi mỗi dịp quan trọng. Tôi luôn biết ơn vì anh đã luôn ủng hộ, thậm chí nhiều lúc thay tôi chăm sóc cho các con khi tôi quá bận rộn.

 Công việc bận rộn như vậy, chị giành thời gian nào cho gia đình?

Nếu không đủ tình yêu và niềm đam mê với opera cổ điển, có lẽ tôi đã không thể cân bằng được. Lượng công việc của người phụ nữ có gia đình rất khủng khiếp. Có những ngày, tôi đầu tắt mặt tối từ sáng tới tối, vừa dạy con học, vừa tìm hiểu nhưng tôi vẫn có thể vượt qua được. Bên cạnh đó, sự động viên của gia đình cũng tạo động lực lớn cho tôi có thể yên tâm làm việc.

– Chị có định hướng cho các con theo con đường ca hát?

Con gái 4 tuổi của tôi cũng có năng khiếu. Cháu thuộc rất nhanh những bài hát mới của bố. Những nốt cao trong bài hát mà tôi phải tập nhiều cháu lên một cách dễ dàng. Cháu cũng biết hát giọng thật, giọng giả thanh. Nhưng tôi không phải người quân phiệt mà chỉ hướng cho các con. Tôi sẽ tạo mọi điều kiện giáo dục, hướng cho con. Nếu con không thích tôi cũng sẽ để cháu làm gì mình thích chứ không nhất thiết phải theo nghề mẹ.

(Vietnamnet)

Tôi chọn con đường học hành để có những bước dài trong tương lai. Tôi từng tìm nhiều học bổng xin đi học ở Đức, Nauy và Áo. Một lý do nữa khiến tôi làm vậy đó chính là tình yêu thính phòng opera cổ điển trong tôi quá lớn

VNOB làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng: Đưa Hồ Thiên Nga về Đà Nẵng

Ngày 6-8 vừa qua, đoàn cán bộ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB), dưới sự dẫn đầu của NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc Nhà hát, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, do ông Huynh Văn Hùng, Giám đốc Sở chủ trì, về việc đưa các sản phẩm nghệ thuật của VNOB đến với người dân thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Năm 2020 đánh dấu một cột mốc đáng nhớ đối với Đà Nẵng khi kỷ niệm 45 năm giải phóng thành phố. Vì vậy, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng rất muốn có một chương trình nghệ thuật đặc biệt để phục vụ người dân cũng như du khách đến với thành phố vừa được chọn là 1 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do NewYork Time bình chọn trong năm 2019. Để đáp ứng tiêu chí này, trong cuộc họp tại Trung tâm hành chính thành phố Đà Nẵng, NSƯT Trần Ly Ly đã trình bày điểm đặc sắc của một số sản phẩm nghệ thuật do Nhà hát thực hiện, trong đó có vở vũ kịch Hồ Thiên Nga và chương trình nghệ thuật Around the world.

Đại diện VNOB trình bày về sản phẩm cũng như các điểm thuận lợi khi đưa Hồ Thiên Nga đến với Đà Nẵng đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng thành phố

Với uy tín 60 năm hình thành và phát triển, lại là đơn vị hàng đầu trong sản xuất và biểu diễn các chương trình nghệ thuật hàn lâm như giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch, đã từng đưa nhiều sản phẩm có chất lượng cao đến với các Liên hoan quốc gia và sân khấu quốc tế, VNOB, với các sản phẩm của mình, đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo sở. Sau khi phân tích những thuận lợi và khó khăn trong từng sản phẩm cũng như khả năng tiếp nhận của công chúng thành phố, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao nghiêng về khả năng đưa vở vũ kịch Hồ Thiên Nga về diễn tại Nhà hát Trưng Vương trong khoảng thời gian từ 25 đến 28 tháng 3 năm 2020 nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng thành phố. Được biết, Nhà hát Trưng Vương, với sức chứa trên 1000 khán giả, sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho người dân thưởng thức tác phẩm tầm cỡ thế giới này.

Hiện tại, VNOB và Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng đang tiếp tục những bước thương thảo tiếp theo để đi đến quyết định cuối về việc đưa Hồ Thiên Nga đến với Đà Nẵng. Theo kế hoạch, lãnh đạo Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng sẽ ra thăm và dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát vào đầu tháng 10 tới và bàn tiếp những kế hoạch chi tiết của chương trình.

Tuyết Hoa

60 năm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB): Đột phá để tiếp cận công chúng

Nếu như suốt gần 60 năm qua, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) hầu như chỉ được nhóm công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm, mà con số này không lớn, biết đến, thông qua những tác phẩm trong nước như Cô Sao, Võ Thị Sáu, Nguồn sáng… hay các tác phẩm quốc tế kinh điển như Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà, La Sylphide, Kẹp hạt dẻ… thì chỉ trong hơn 1 năm qua, nếu chỉ cần nhấn nút tìm kiếm về Nhà hát, ngay lập tức đã có tới hơn 12.000 kết quả. Điều đó cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của đông đảo công chúng đối với VNOB…

… “Hiện tượng” VNOB

Năm 2018 trôi qua với hàng loạt thành công của VNOB trên sân khấu trong nước và cả quốc tế. Từ những chương trình như Bản giao hưởng mùa Hạ dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng người Nhật, Kotaro Kimura và hơn 60 ca sĩ hợp xướng đến từ Nhật, đến Giai điệu mùa Thu với nhạc trưởng Lê Phi Phi, chương trình múa đương đại Bolero and Suite en Blanc với sự góp mặt của biên đạo múa Lê Ngọc Văn, vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires và kết thúc mùa diễn với vở Ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản Việt, VNOB được biết đến như một “hiện tượng”. Hàng trăm tờ báo, kênh truyền hình, phát thanh, báo điện tử và thậm chỉ cả mạng xã hội đều “nhảy vào mổ xẻ”, phân tích, bình luận về sự thay đổi mang tính đột phá này.

Maria de Buenos Aires – vở nhạc kịch do VNOB dàn dựng hồi táng 11-2018 gây ấn tượng khá mạnh với khán giả

Không chỉ dừng lại ở các chương trình trong nước, VNOB còn góp phần quảng bá nghệ thuật Việt ra nước ngoài thông qua các chương trình giao lưu văn hóa nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Anh – Việt tại London, Tuần văn hóa Việt Nam tại Campuchia, Nhật Bản…

Tiếp bước sang năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát, VNOB tiếp tục mang đến một luồng gió mới cho khán giả bằng chương trình mở đầu mùa diễn mang tên “Dạ tiệc âm nhạc – Around the world”. Chương trình đã tạo nên một tiếng vang lớn trong công chúng yêu nhạc, giới phê bình và báo chí. Có thể nói, đây là một sự đột phá mang tính táo bạo nhất khi “dám” xây dựng các trích đoạn nổi tiếng thế giới thành một tác phẩm có sự kết nối đặc biệt hiệu quả giữa nhạc giao hưởng, Opera và Ballet.

Dạ tiệc âm nhạc – Around the world đã cho thấy sự đột phá mạnh mẽ của VNOB

Tất nhiên, để có được sự đột phá này, không thể không nói đến sự thay đổi cơ bản về mặt ý thức hệ của Ban lãnh đạo mới của Nhà hát cũng như tinh thần, nhiệt huyết, sự đoàn kết và quyết tâm sáng tạo của các diễn viên, nghệ sĩ. NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB, chia sẻ: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi làm được là sự gắn kết các đoàn với nhau trong cùng một chương trình. Nếu như trước kia, một chương trình biểu diễn thường dàn nhạc giao hưởng sẽ ngồi dưới hố nhạc, trên sân khấu là nơi biểu diễn của hợp xướng, Opera hay Ballet, thì trong Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, dàn nhạc đã được đưa lên tầng 2 trong tư thế được tôn vinh, tạo cảm hứng cho nhạc công cũng như sự thăng hoa cho các nghệ sĩ khác. Khán giả được thưởng thức bằng tai, bằng mắt và các giác quan khác, khiến cảm xúc được nâng đến tận cùng.

… Nhưng khó khăn vẫn còn đó

Tuy đạt được nhiều thành công trong thời gian qua, nhưng VNOB vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức không nhỏ chính là làm sao thu hút được công chúng đến với sân khấu. Bà Ly Ly chia sẻ: “Loại hình nhạc vũ kịch hàn lâm rất khó tiếp cận với khán giả vì mô hình nghệ thuật này đòi hỏi người xem phải có nhận thức và có hiểu biết”.

Kinh phí tổ chức cũng là một bài toán khó. Thực tế là để tổ chức một chương trình nghệ thuật, VNOB đã phải huy động đến hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, ca sĩ… chưa nói đến đội ngũ làm hậu cần như ánh sáng, âm thanh, sân khấu. Rồi tiền phục trang, thiết kế, thuê nhà hát,…Tất cả những khoản này tính đến tiền tỷ. Nhưng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ chỉ bằng vài phần. Vậy, khoản còn lại lấy từ đâu? Xã hội hóa, xin tài trợ đối với những chương trình như thế này quả không phải là điều dễ dàng!

Bên cạnh đó, làm sao để giữ chân các tài năng hay tìm kiếm nguồn nhân lực trong tương lai cho Nhà hát? Thời buổi “gạo châu, củi quế” như hiện nay, với mức lương vài triệu, mỗi buổi tập luyện vất vả được bồi dưỡng vài chục nghìn, nhiều nghệ sĩ, vì đam mê nghề nghiệp, đã phải ra ngoài kiếm thêm bằng việc đi xe ôm, bán hàng ngoài chợ… Điều đó khiến Ban lãnh đạo VNOB phải tính toán cặn kẽ, tìm kiếm các nguồn khác để có thể giúp các nghệ sĩ vững tin với con đường nghệ thuật đã chọn.

Đột phá để tiếp cận khán giả

Trong nghệ thuật trước hết phải hiểu rồi mới có thể yêu mà nghệ thuật hàn lâm vốn là loại hình còn khá xa lạ với khán giả Việt Nam. Chính vì vậy, Bà Ly Ly cho rằng: “muốn khán giả có thể đến với loại hình này, trước tiên, cần phải cho ra những sản phẩm hấp dẫn, có nội lực và kỹ năng. Ban đầu là đưa sản phẩm tốt, sau đó phải để khán giả thấy thích, cảm thấy thiếu, cảm thấy đói, cảm thấy khát…Nghệ thuật có cái thú vị hay ở chỗ, đó là nếu bạn ốm bạn gặp bác sĩ, nhưng cái ốm của tinh thần vô cùng quan trọng mà con người chúng ta không để ý. Khi ta đói tinh thần, ta cần làm gì, lúc đó chúng ta cần dùng nghệ thuật để chữa lành vết thương tâm hồn”.

Theo chiều hướng đó, VNOB đã mạnh dạn “thay áo mới” cho loại hình nghệ thuật quý tộc này. Hàng loạt những chương trình nghệ thuật hàn lâm, kinh điển được thể hiện một cách nhẹ nhàng, trẻ trung, nhiều màu sắc hơn trong thời gian qua đã cho thấy quyết tâm của VNOB trong việc tạo bước đột phá để tiếp cận khán giả có hiệu quả hơn.

Không chỉ dừng lại ở những “hiện tượng’ như Maria de Buenos Aires, Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên hay Dạ tiệc âm nhạc – Around the world, trong thời gian tới, VNOB sẽ cho tiếp tục cho ra mắt những bữa tiệc âm nhạc hoành tráng và nhiều sắc màu hơn như vở ca kịch Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở vũ kịch Hồ Thiên Nga hay chương trình múa đương đại Đất và Nước… Đây cũng sẽ là điểm nhấn cho năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Nhà hát với các chương trình sẽ được được trình diễn lâu dài, thay vì chỉ vài ba đêm như trước đây.

Một thực tế cho thấy là loại hình nghệ thuật hàn lâm này ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện để phát triển trong khi ở các nước khác, nó là bắt buộc. Trong nhà trường, các học sinh phải trang bị kiến thức về nhạc giao hưởng, vũ kịch. Nhưng tại Việt Nam, giao hưởng, hợp xướng, vũ kịch….đều là những loại hình nghệ thuật còn xa lạ với khán giả. Chính vì thế, để các chương trình tiếp cận khán giả là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, theo bà Trần Ly Ly, sự ra đời của cách mạng 4.0 và tận dụng mạng xã hội sẽ phần nào tạo ra hướng tiếp cận mới với khán giả, tạo cho khán giả thấy sự hấp dẫn, cần đi xem, cần phải hiểu….Nhưng, để làm được điều này đòi hỏi cần có một quá trình dài hơi. Mặt khác, cũng cần nghiên cứu thị trường và phải hiểu rõ khán giả cần gì. “Điều quan trọng là cái khán giả cần thì ta mang đến cho họ, nhưng không được phép rời xa nghệ thuật của mình”. Bà Ly khẳng định: “Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích”.

Lượng khán giả đến với VNOB ngày một nhiều

Để có thể đưa nghệ thuật hàn lâm tiếp cận gần hơn với công chúng, ngoài việc “thay áo mới” cho các chương trình, VNOB cũng đang thực hiện một chiến lược khá hay. Đó là xây dựng và phát triển mạng lưới khán giả tích cực cho nghệ thuật hàn lâm. Chiến lược này đang được thực hiện thông qua hai hệ thống. Một là phối hợp với các tổ chức có liên quan để xây dựng câu lạc bộ người yêu nghệ thuật hàn lâm qua mạng xã hội. Hai là thành lập, mở rộng các lớp đào tạo ngắn hạn về hợp xướng, Ballet, Opera và âm nhạc. Những hoạt động này đã và đang góp phần tích cực vào việc mở rộng sự hiểu biết, niềm đam mê nghệ thuật hàn lâm cho công chúng.

Tuyết Hoa (Theo Tạp chí Cục NTBD)

 

Nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng quan trọng là nghệ thuật là để phục vụ khán giả, giúp cho cuộc sống tinh thần của khán giả được phong phú hơn, đem đến cho khán giả những điều họ thích.

NSƯT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB