Đạo diễn sân khấu vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires Huyền Nga: “Phân thân để để lột tả được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria”

Là một trong những đạo diễn sân khấu thành công của Việt Nam và từng dàn dựng khá nhiều chương trình nổi tiếng như Carmen Hà Nội, La Boheme, Cosi Fantutte, Cô Sao,… Huyền Nga được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) mời tham gia đạo diễn sân khấu cho vở nhạc kịch nổi tiếng “Maria de Buenos Aires”. Thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng đạo diễn Huyền Nga đã tạo dựng được những nét riêng độc đáo cho vở nhạc kịch này. Cô đã chia sẻ khá cởi mở về những nét mới của vở diễn năm nay:

Đạo diễn Huyền Nga đang làm việc với diễn viên
  • Với tư cách đạo diễn sân khấu của Maria de Buenos Aires, xin chị cho biết những nét mới của vở nhạc kịch này khác biệt so với những sân khấu trước kia?
  • Maria de Buenos Aires vốn không phải  là một vở nhạc kịch theo phong cách truyền thống. Nó là một chu kì bài hát được liên kết với nhau bởi một chủ đề nhưng không tạo thành cốt truyện theo nghĩa thông thường. Năm nay, Maria de Buenos Aires của tôi là một câu chuyện về cô gái Maria cháy cùng điệu Tango cho đến tận hơi thở cuối cùng tại Buenos Aires – thành phố lớn nhất của Argentina – nơi được mệnh danh là “Paris của châu Mỹ Latin”. Để khắc hoạ được rõ nét bối cảnh và diễn biến của câu chuyện này, ngoài việc bưng dàn nhạc lên sân khấu để trở thành một phần của mi- zăng- xen, tôi phải thêm vào đó một số nhân vật nhằm tạo ra những mắt xích kết nối chặt chẽ các tuyến kịch trên sân khấu, tạo cảm giác logic cho khán giả dễ cảm nhận hơn và tiếp cận gần hơn với các nhân vật trong vở nhạc kịch.
  • Được biết, Maria de Buenos Aires là một vở nhạc kịch mang chiều hướng “Opera Mới” và  Nuevo Tango. Vậy chị sẽ tạo dựng một sân khấu ra sao để thể hiện được một cách tốt nhất nét đặc biệt của vở diễn? 
  • Đúng, đây là vở nhạc kịch duy nhất do nhà soạn nhạc Người Argentina, Astor Piazzolla, viết như một bản tuyên ngôn về tình yêu của mình dành cho Tango và thành phố quê hương của ông là Buenos Aries. Tôi cho rằng Tango, bản thân nó, đã là một bản giao hưởng của các vũ điệu. Vì vậy, tôi đã tạo dựng một không gian sống cho vở diễn là một quán bar hiện đại và phóng khoáng – nơi mà mọi người có thể lui tới và cùng nhau thể hiện đam mê của mình trong  những bước nhảy Tango điệu nghệ.
Hương Diệp cùng các diễn viên VNOB đang tập luyện
  • Maria là một nhân vật mang tính cách của thiên thần ẩn mình trong bản năng đầy nhục dục của một cô gái. Để thể hiện được một cách hiệu quả nhất nhân vật này, chị sẽ phối hợp như nào với đạo diễn múa và chỉ huy dàn nhạc?
  • Maria là một nhân vật đầy mầu sắc với hai mặt đối lập. Khi thì nồng nàn da diết qua những lời ca, tiếng hát. Lúc lại mạnh mẽ, dứt khoát và quyết liệt như những bước nhảy Tango. Tôi đã sử dụng thủ pháp “phân thân” (có nghĩa là 2 diễn viên cùng thể hiện một nhân vật) để có thể truyền tải được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria. Việc này sẽ tăng thêm phần hấp dẫn cho người xem và được Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, bà Trần Ly Ly, vừa là chỉ đạo nghệ thuật, vừa trực tiếp sản xuất, và nhạc trưởng Philip nhiệt liệt hưởng ứng.
  • Vở nhạc kịch Maria của VNOB năm nay có mang lại cảm xúc gì cho chị và chị nhớ nhất khoảnh khắc nào của vở diễn? 
  • Nó đem lại cho tôi thật nhiều cảm xúc, vui mừng, lo lắng và cả hoảng sợ! Vui mừng vì được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, nơi tôi công tác 20 năm, mời quay lại dàn dựng nhạc kịch – vốn là niềm đam mê và là sở trường của tôi. Mừng quá nên chẳng kịp nhận ra là mình chỉ có 20 ngày để dàn dựng từ khi nhận lời mời đến lúc biểu diễn mà đã nhận lời. Đến lúc nhận lời xong thì đâm lo. Khi bắt tay vào việc thì thấy hoảng sợ. Thông thường  chuyên gia khi sang đây dựng thì cũng cần đến vài tháng để thực hiện! Nhưng đồng hành cùng tôi là ê kíp sáng tạo giàu kinh nghiệm và dàn diễn viên rất chuyên nghiệp của VNOB. Đặc biệt, giám đốc Nhà hát cũng là người đạo diễn những màn múa của vở nhạc kịch. NSƯT Trần Ly Ly rất quyết liệt trong cách chỉ đạo các khâu hỗ trợ thực hiện ý tưởng của tôi nên công việc tiến triển rất tốt. Tôi thực sự xúc động mạnh ở khoảnh khắc trước khi chết cô ấy sinh ra một bé gái. Đứa bé chào đời không bằng tiếng khóc mà bằng những bước nhảy Tango, phải chăng đó là vòng luân hồi của chính Maria? phải chăng kiếp trước tôi cũng chính là người miệt mài, say mê với nghệ thuật Opera…
  • Cảm ơn đạo diễn Huyền Nga và chúc vở nhạc kịch thành công tốt đẹp, tạo hiệu ứng tốt với khán giả Việt Nam.

Tuyết Hoa (th)

Did you like this? Share it!

0 comments on “Đạo diễn sân khấu vở nhạc kịch Maria de Buenos Aires Huyền Nga: “Phân thân để để lột tả được hết phần hồn cũng như phần xác của Maria”

Comments are closed.