Bản giao hưởng số 5 cung đô thứ ‘định mệnh’ của Beethoven

Kỷ niệm 191 năm ngày mất của nhạc sĩ thiên tài Beethoven và 210 năm bản giao hưởng số năm “Định mệnh” của ông được công diễn lần đầu, chúng ta cùng nhìn lại bản giao hưởng này qua phân tích của các chuyên gia về nhạc giao hưởng.  Lugwig van Beethoven (1770 – 1827), nhạc sĩ thiên tài của thế giới sinh ra tại ngôi làng nhỏ Rajna của nước Đức và trải qua hầu hết cuộc đời ở thủ đô Viên (Áo), là quê hương của Mozart và là nơi được coi là thủ đô âm nhạc thế giới.

Beethoven sinh ra chịu nhiều đau thương về tinh thần cũng như thể xác như đại thi hào Goethe – nhà thơ Đức vĩ đại đã viết: “Cả cuộc đời Beethoven như một ngày trọn vẹn đầy dông tố”. Nhưng người nhạc sĩ thiên tài đó có nghị lực phi thường đã vượt lên tất cả để chiến thắng số phận cay đắng và nghiệt ngã của mình và để cống hiến trọn đời mình cho nền âm nhạc thế giới. Dường như những đau thương, bất hạnh mà ông đã trải qua trong cuộc đời đã được dồn nén vào trong tâm hồn nhạc sĩ, được ủ bằng một loại “men” lãng mạn hùng tráng đặc biệt đến một độ nhất định để rồi bứt phá và vút lên thành những giai điệu vừa du dương tuyệt vời nhất.

Beethoven được đánh giá là một hình tượng âm nhạc quan trọng trong giai đoạn giao thời từ thời kỳ âm nhạc cổ điển sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Khi mới lên 8 tuổi, ông đã biểu hiện ra là một thần đồng về âm nhạc qua việc chơi đàn piano. Năm 14 tuổi đã viết và biểu diễn thành công 3 bản sonata cho đàn piano. Beethoven không chỉ là một nhạc sĩ thiên tài mà còn là người đầu tiên cảm nhận sâu sắc về vai trò của âm nhạc đối với quảng đại quần chúng và là tài sản văn hóa của nhân loại.

Có lẽ vì như vậy nên ông đã để lại một khối lượng sáng tác đồ sộ là 135 tác phẩm bao gồm các thể loại nhạc kịch (opera), nhạc múa (ballet), 10 bản giao hưởng (symphony), nhạc thính phòng (camarazene), khúc cầu kinh (mise), song tấu (duo), tam tấu (trio), tứ tấu (kvartett), 15 bản sonata, chưa kể các tiền tấu, hát bè, phổ nhạc thơ… Ông đã sáng tác cả những khi ông hoàn toàn điếc, mù và quằn quại trong đau đớn để hôm nay chúng ta được hưởng thụ những bản nhạc bất hủ của ông mà ai cũng đã từng nghe đi nghe lại và mê đắm trong đó như bản giao hưởng số 3 “Anh hùng ca”, bản giao hưởng số 6 “Đồng nội”, bản sonata “Ánh trăng”, bản sonata “Mùa xuân”, bản giao hưởng số 9…

Có một bản giao hưởng của Beethoven được trình diễn nhiều nhất ở nhiều nơi trên thế giới, đến mức một đứa trẻ sinh ra trong một làng quê nghèo cũng có thể cất lên giai điệu mở đầu của bản nhạc khi cao hứng với thành quả nào đó của mình, đó là bản giao hưởng số 5 cung Đô thứ “Định mệnh”. Đây là tác phẩm được ông sáng tác trong thời kỳ thính lực của ông bắt đầu suy giảm rồi dẫn đến điếc hoàn toàn.

Tác phẩm như một dự cảm về định mệnh của cuộc đời ông và bản nhạc đã thể hiện đúng như những gì mà ông đã trải qua. Tác phẩm gồm 4 chương đã được công diễn lần đầu tại Viên (Áo) cách đây 210 năm, vào ngày 22/12/1808.

Bài viết này xin được giới thiệu với độc giả những giai điệu du dương của bản giao hưởng số 5 của Beethoven do Dàn nhạc giao hưởng Viên trình diễn tại nhà hát giao hưởng Viên, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Christian Thielemann. Toàn bộ tác phẩm được trình diễn trong khoảng thời gian 35 phút, bao gồm bốn chương bắt đầu ở các mốc thời gian là:

Chương thứ nhất: Allegro con brio

Chương thứ hai: Andate Con moto

Chương thứ ba: Scherzo Allegro

Chương thứ tư: Allegro

Theo các chuyên gia về âm nhạc thì trong tác phẩm này, những nguyên tắc cải tiến của nhạc sĩ đã trở thành một công thức hoàn chỉnh kinh điển. Giao hưởng số 5 là “bản giao hưởng bi kịch” trong ý nghĩa cao quý cổ đại của danh từ ấy. Tất cả các chương của vở bi kịch này đều xuyên qua một trục phát triển kịch chung. “Qua cuộc đấu tranh đến thắng lợi”, “Từ tăm tối – ra ánh sáng”.

Tư tưởng triết lý chung của bản giao hưởng số 5 được áp dụng để diễn đạt là như thế. Đó là sơ đồ của nội dung và hai phần ngoài cùng của nó, còn phần giữa là cả một cảnh tượng của cuộc đấu tranh sống còn phức tạp và toàn diện đang phát triển. Những thời điểm cao trào trong cuộc đời con người được mô tả rất rõ trong bản giao hưởng, đó là khi một ai đấy buộc phải tham gia vào cuộc đấu tranh cho việc thực hiện lý tưởng, định mệnh, đấu tranh cho cái “tôi” của mình, tham gia cuộc đấu tranh mà có thể báo trước cái chết, nhưng không thể từ nan và kết thúc bằng thắng lợi của tinh thần đạo đức.

Tư tưởng hùng vĩ và cao cả được thể hiện dưới một hình thức rõ ràng kinh điển, cân đối, mạch lạc, logic và cô đọng, rất đời thường nhưng lại rất phi thường. Từ những bước chân rụt rè và tiếng gọi yếu ớt cho đến hành động dứt khoát của chiến sĩ trên yên ngựa phi nước đại và tiếng kèn xung trận ngân vang, từ những day dứt dồn nén trong lồng ngực đến cảm giác như tiếng thét vỡ òa trong lồng ngực… Nhờ những phẩm chất ấy bản giao hưởng số 5 đã trở thành loại kiểu mẫu, một tiêu chuẩn nhạc giao hưởng của thế kỷ 19.

Đúng như tên của bản giao hưởng, chủ đề “định mệnh” như một dự cảm mới về sức mạnh mới, một niềm kiêu hãnh và báo trước một thắng lợi sẽ xuất hiện. Ngay trong chương I, bên cạnh những giai điệu khẩn khoản dè dặt, du dương của chủ đề phụ là nền nhạc đặc biệt xuyên suốt của chủ đề chính, đó là sự tích lũy dần yếu tố căng thẳng, mãnh liệt dồn vào một dòng nhạc thống nhất, để rồi motiv định mệnh vang lên, tượng trưng cho giờ phút thử thách nghiêm trọng, tiếp theo là sự tan vỡ đột ngột thể hiện bằng sự đau buồn réo rắt quặn lòng người nghe.

Có dòng âm thanh như đề cập đến một khía cạnh mới của tư tưởng trong tác phẩm. Theo đó, người nghe có thể cảm nhận được những tư tưởng cao thượng, những cảm xúc nồng nhiệt của nhân vật trong bản hùng ca với trái tim yêu thương nhân loại. Nhân vật đó chính là Beethoven. Người nghe thấy rõ những khúc biến tấu thay đổi cho nhau, luân chuyển, lúc du dương, êm ái (alto và cello) đầy tính chất quả cảm cao thượng, khi thì lại như một bài ca kêu gọi với nhịp điệu diễu hành oai nghiêm, trang trọng, âm thanh kèn hiệu làm chúng ta tưởng tượng ra vị anh hùng xông trận.

Ở phần tiếp theo, những giai điệu hồi hộp lo lắng, âm điệu khẩn cầu rồi tiếp đến là âm điệu hào hùng như thác đổ thể hiện rõ nét. Người nghe sẽ cảm nhận được những tiếng ồn ào của đám đông bật dậy sau những âm thanh khẽ khàng thánh thót của tiếng chuông ngân, giống như sự sống trỗi dậy sau khoảng lặng im của tạm thời của sự bất tỉnh.

Sự bật dậy lúc đầu còn thầm kín, sau chuyển sang âm hưởng của một cuộc chiến đấu sôi động đang sắp sửa nổ ra. Chương 3 chính là chuẩn bị cho màn kết của bản giao hưởng, đó cũng là chương trình diễn những kết quả huy hoàng của cuộc chiến.

Chương 4 được xem như một bài hát hùng tráng ca ngợi con người đã chiến thắng cho cuộc đấu tranh cho những lý tưởng nhân đạo cao quý, cho giá trị nhân văn đích thực – bản thể người. Chính vì thế mà chương này đồ sộ như một khúc khải hoàn tường thuật về sức mạnh tinh thần con người.

Không thể đếm xuể đã có biết bao lời ca ngợi bản giao hưởng tuyệt vời này khi thính giả đắm mình trong bản nhạc để nghe những giai điệu cứ dâng trào lên cao mãi, cao mãi, đưa đẩy thính giả vào cõi vô tận và mãnh liệt của thế giới tâm linh, làm cho ai cũng có thể cảm nhận được những điều bình dị như nỗi buồn đau và niềm vui hạnh phúc đan quyện vào nhau, ôm ấp lấy thân phận mình một cách cao thượng bằng những âm điệu tuyệt vời. Đúng như lời một tác giả đã mô tả về bản nhạc: “Như ánh sánh rực rỡ chiếu xuyên qua màn đêm thăm thẳm, và lúc ấy ta mới nhận ra bóng tối khổng lồ đang lắc lư tới lui đã bao trùm lên ta, huỷ diệt mọi thứ bên trong ta chỉ trừ nỗi đau của niềm khắc khoải vô tận – cái khắc khoải mà trong đó mọi sự ngân lên trong cung bậc hân hoan đều bị dìm xuống và chết lịm, và chỉ qua nỗi đau ấy – cái thống trị nhưng không huỷ diệt tình yêu, hy vọng và niềm vui – ngực ta như muốn nổ tung bởi hơi thở dồn dập trong những hoà âm tràn ngập âm thanh của niềm đam mê, chúng ta bám lấy cuộc sống và trở thành người nắm giữ linh hồn”.

Did you like this? Share it!

0 comments on “Bản giao hưởng số 5 cung đô thứ ‘định mệnh’ của Beethoven

Comments are closed.