Tháng: Tháng Năm 2022

VNOB ký thỏa thuận hợp tác nguồn nhân lực với Học viện Múa Việt Nam

Một trong những bước tiến lớn nhất trong việc tìm nguồn nhân lực cho nghệ thuật hàn lâm nói chung và Ballet nói riêng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam trong năm 2022 là bắt tay với Học viện Múa Việt Nam để đưa các sinh viên ngành Múa về Nhà hát thực tập, trải nghiệm thực tế qua các chương trình biểu diễn.

Chiều 25 tháng 5 vừa qua, tại trụ sở Học viện Múa Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có chương trình ký kết hợp tác về đạo tạo thực tập tốt nghiệp với Học viện Múa Việt Nam và Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các giảng viên, nghệ sĩ trực thuộc các đơn vị trên.

Theo đó, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ nhận các học viên của Học viện về thực tập qua hoạt động trải nghiệm thực tế để rèn luyện, nâng cao trình độ và thích nghi nhanh chóng hơn với môi trường hoạt động biểu diễn. Nói về sự kiện này, Phó giám đốc phụ trách Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam Phan Mạnh Đức cho biết: “Lâu nay Nhà hát chỉ có thể trông chờ vào nguồn diễn viên múa bale của Học viện Múa Việt Nam. Việc ký kết hợp tác đào tạo là một hướng đi đúng, đáp ứng chuẩn đầu ra và đầu vào cho công tác đào tạo diễn viên múa cũng như “thanh xuân hóa” nhân lực của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc hợp tác này là chiến lược lâu dài, các nhà hát và Học viện sẽ cùng sát cánh và linh hoạt để tạo sự thuận lợi nhất có thể trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành múa Việt Nam”.

Tại lễ ký kết, Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, NSƯT Trần Văn Hải chia sẻ: “Được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ VHTTDL, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Học viện Múa Việt Nam rất vui mừng khi được hai đơn vị hàng đầu là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam ký kết hợp tác đào tạo thực tập tốt nghiệp. Việc hỗ trợ của các đơn vị nghệ thuật sẽ giúp học viên Học viện Múa Việt Nam có được trải nghiệm thực tế để rèn luyện bản thân. Sau lễ ký kết này, lãnh đạo của Học viện Múa Việt Nam sẽ cùng hai nhà hát ngồi lại để đưa ra những bước đi chính thức, cụ thể, sao cho công tác đào tạo này sát với thực tiễn”.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông nhấn mạnh: “Việc hợp tác này sẽ tháo gỡ những bất cập và hạn chế trong công tác đào tạo diễn viên múa, thường chỉ mạnh về kiến thức cơ bản nhưng lại yếu về thực hành. Lễ ký kết hợp tác chỉ là sự khởi đầu và lãnh đạo Bộ rất mong Học viện Múa Việt Nam cùng với các nhà hát sẽ xây dựng một chương trình đào tạo chuyên môn hợp lý cả về thời gian lẫn kỹ năng biểu diễn. Sự hợp tác này cũng giúp cho các giảng viên múa sát sao hơn với công tác đào tạo. Đội ngũ giảng viên cũng cần thay đổi phương pháp dạy học tích hợp liên môn nhằm rèn luyện kỹ năng nghe, hiểu, nhận biết để thực hành ngay vào những bước chân đầu tiên trên sàn diễn của các em”.

Thứ trưởng cũng bày tỏ niềm vui khi các nhóm tác giả của Học viện Múa Việt Nam thời gian qua đã nỗ lực hoàn thiện giáo trình giảng dạy đào tạo tài năng múa trên phạm vi cả nước như: Kiến thức âm nhạc trong đào tạo múa, Lịch sử kịch múa Việt Nam... Đặc biệt là hai chương trình đào tạo diễn viên múa chuyên sâu Kịch múa 6 năm và Dân gian dân tộc 4 năm được triển khai vào tháng 9.2022, sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Thứ trưởng cho rằng những chương trình và giáo trình đào tạo cho ngành múa của Học viện Múa Việt Nam xây dựng có chất lượng tốt sẽ là cơ sở để đưa những kiến thức cơ bản, chuyên sâu không chỉ cho học viên của Học viện mà chắc chắn sẽ được các trường văn hóa nghệ thuật đào tạo múa đón nhận và sử dụng như một hành trang tốt để có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Lễ ký kết hợp tác đào tạo thực tập tốt nghiệp của Học viện Múa Việt Nam với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam