Tháng: Tháng Năm 2020

Nguyễn Anh Vũ

Ca sĩ Nguyễn Anh Vũ sinh năm 1980, tốt nghiệp chuyên ngành biểu diễn Thanh nhạc vào năm 2006. Từ tháng 9 năm 2009 anh làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Tại đây anh đóng vai Don Jose trong vở Carmen (Bizet), Ferrando trong Cosi fan tutte (Mozart). Anh đảm nhiệm giọng Tenor soloist trong Requiem (Verdi) và Giao hưởng số 9 (Beethoven) trong các buổi hoà nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra anh tham gia các vai diễn khác trong các chương trình của Nhà hát Nhạc vũ kịch như vở Opera Cô Sao (Đỗ Nhuận), Lá đỏ (Đỗ Hồng Quân). Anh là một trong những solist thường xuyên biểu diễn trong các chương trình của Nhà hát. Gần đây, anh biểu diễn solo ca khúc “Eye of the Tiger” trong chương trình hoà nhạc Rock Symphony của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chương trình đã gây được tiếng vang lớn đối với các khán giả yêu nhạc Rock trong nước và quốc tế.

NSƯT Vành Khuyên

Ca sĩ Lê Thị Vành Khuyên sinh năm 1979, được đào tạo và tốt nghiệp chuyên ngành Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cô công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ năm 1997 cho đến nay. Cô đảm nhiệm nhiều vai soloist trong các vở Opera kinh điển như: vai Carmen trong vở Carmen (Bizet), Despina trong Cosi fan tutte (Mozart), Musetta trong La Boheme (Puccini), Miss Baggot trong The Little Sweep (Britten), Eva trong die Schöpfung (Haydn), Blanchefleur trong Der durch das Tal geht (Pierre Oser), Bà Mai trong Blog Opera, Mụ Ba trong Cô Sao (Đỗ Nhuận), Nữ lái xe trong vở Lá Đỏ (Đỗ Hồng Quân), mẹ Lúa trong thanh xướng kịch của Doãn Nho…
Ngoài ra cô còn hoạt động âm nhạc cá nhân, bao gồm chương trình biểu diễn ghi dấu ấn Khát vọng âm nhạc – Nghệ Sĩ Vành Khuyên và những người bạn và Phát hành CD nhạc cách mạng với 9 ca khúc nổi tiếng trong album Vành Khuyên Hát.
Năm 2009 cô đuoc trao giải Ba cuộc thi Hát Thính Phòng Nhạc Kịch toàn quốc lần thứ IV, được Thủ Tướng Chính Phủ tặng Bằng khen năm 2011 và được Chủ Tịch Nước CHXHCN Việt Nam Tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Ưu Tú năm 2016.

Lê Thị Kim Cúc

Ca sĩ Lê Thị Kim Cúc sinh vào ngày 07 tháng 2 năm 1972. Cô được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), chuyên ngành Thanh nhạc. Cô bắt đầu làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam từ năm 1999. Năm 2003 cô trở thành ca sĩ có biên chế chính thức tại đây. Trong thời gian công tác, cô đã tham gia tất cả các chương trình của Nhà hát giao cho. Với vai trò là ca sĩ trong hợp xướng, kịch mục của cô trải dài từ các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam và Quốc tế như nhạc sĩ Phú Quang, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Nhuận, Đỗ Hồng Quân, Doãn Nho…cho đến các tác phẩm kinh điển của các nhà soạn nhạc lớn của nhân loại từ Händel, Gluck, Mozart, Beethoven, Verdi, Strauss II, Puccini, Bizet… cho đến Mahler, Carl Orff, Gershwin… Ngoài ra, cô còn tham gia các hợp xướng dành cho nhạc Pop của làng giải trí. Cô còn tham gia biểu diễn với tư cách là một giọng hát soloist với các tác phẩm của Mozart, Brahms, Schumann…
Lê Thị Kim Cúc đã mang tiếng hát của mình phục vụ khán thính giả ở nhiều nơi ở trong và ngoài nước. Cô cũng đã nhiều lần giao lưu cọ xát và trau dồi chuyên môn với các dàn hợp xướng từ châu Âu như Đức và Thụy Điển.

Gỡ khó cho các Nhà hát sau dịch bệnh, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị cần một chiến lược lâu dài để phát triển

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã có buổi làm việc với lãnh đạo các Nhà hát trực thuộc Bộ về những khó khăn, vướng mắc của các Nhà hát do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các giải pháp sắp tới.

Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Kế hoạch Tài chính và các Cục, Vụ liên quan.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Nhà hát đã báo cáo với Thứ trưởng về tình hình hoạt động trong quý I. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các nhà hát đều tạm dừng hoạt động do các chương trình hoạt động nghệ thuật đều bị hoãn, hủy. Nhiều nhà hát đã không có nguồn thu.

Đơn cử như Rạp Xiếc Trung ương, nếu quý I năm 2019, doanh thu từ bán vé biểu diễn đạt trên 2,4 tỷ đồng. Trong khi năm nay, nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng để phục vụ dịp Tết Canh Tý và biểu diễn tại Đồng Nai đã lỗ vài trăm triệu do công vận chuyển dụng cụ biểu diễn, thuê bến bãi… Chế độ lương thưởng cho các nghệ sĩ giảm đáng kể trong khi nhiều nghệ sĩ, diễn viên vẫn phải làm việc như duy trì việc chăm sóc thú, tập luyện với thú (đối với xiếc thú) và tập luyện để không bị xơ, cứng cơ thể…

Đại diện lãnh đạo các nhà hát cũng cho biết, các nghệ sĩ, diễn viên hầu như chấp nhận việc giảm lương như Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam trong tháng qua, Ban giám đốc tình nguyện không nhận lương, nhân viên chỉ nhận 30% lương.

Nhiều Nhà hát, đặc biệt là nhà hát nghệ thuật truyền thống bày tỏ lo lắng, trong thời gian qua, việc giữ nghệ sĩ gắn bó với nghề đã khó khăn thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc giữ các nghệ sĩ gắn bó với nghề càng khó khăn hơn gấp bội. Đại diện các nhà hát cũng đề xuất một số giải pháp và mong muốn Lãnh đạo Bộ VHTTDL có cơ chế hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đòi hỏi các nhà hát có phương thức hoạt động mới như việc xây dựng nhà hát online. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc quảng bá, kế hoạch thực hiện. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, các tác phẩm cần gắn với các sự kiện và ngày lễ lớn trong thời gian tới như Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Thương binh Liệt sĩ, Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ với những khó khăn của các Nhà hát trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh. Thời điểm đầu năm mới là cơ hội để các Nhà hát biểu diễn phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu nhất trong năm nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà bị ảnh hưởng lớn. Thứ trưởng đánh giá cao việc nhiều Nhà hát đã chủ động cùng cả nước chống dịch và dù thiệt hại rất nặng nề vẫn có sự âm thầm vượt khó.

Thứ trưởng cho rằng, Lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề mà các Nhà hát và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua và đã có chủ trương hỗ trợ các Nhà hát trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu cơ chế tăng cường đặt hàng, đặc biệt là đối với các nhà hát truyền thống. Chú trọng các tác phẩm lớn, có giá trị nghệ thuật cao.

Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu phương thức xây dựng Nhà hát online sao cho hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các Nhà hát chú trọng luyện tập, xây dựng các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị.

Thứ trưởng cho rằng, hiện nay nghệ thuật biểu diễn của chúng ta đang thiếu những tác phẩm lớn, mang tính thời đại, ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Mong muốn của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ VHTTDL là làm sao xây dựng được những tác phẩm lớn, tác phẩm đỉnh cao. Vì vậy, trách nhiệm của các Nhà hát, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Bộ VHTTDL là không chỉ xây dựng một dự án để chung tay vượt qua khó khăn trong vòng thời gian ngắn sắp tới mà còn cần một chiến lược lâu dài, tổng thể để phát triển hơn./.

(bvhttdl.gov.vn)