Ngày: Tháng Chín 6, 2019

Thực hiện lời dạy của Bác: Đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng

(Chinhphu.vn) – Nghệ thuật hàn lâm với nhạc giao hưởng, hợp xướng và múa ballet nhận được nhiều sự quan tâm của Bác Hồ ngay từ ngày đầu thành lập.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tập hợp mọi lực lượng, mọi người yêu nước, tiến bộ dưới ngọn cờ của Đảng, của dân tộc, trong đó Người dành nhiều tình cảm và rất quan tâm đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nước ta.

Trong số các môn nghệ thuật, ballet được Bác Hồ quan tâm từ những ngày đầu mới được đưa về Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các Diễn viên Khóa I đang luyện tập tại Xưởng phim Hà Nội (Hãng phim truyện Việt Nam sau này) năm 1961. (Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Năm 1959, ballet được dạy trong Trường Điện ảnh cùng với các môn khác như diễn viên, đạo diễn… Ngày 10/2/1960, Bác bất ngờ đến thăm trường (lúc đó đặt tại số 7 Trần Phú, Hà Nội). Cùng với việc hỏi thăm tình hình học tập của các học viên, Bác Hồ đã dừng lại giữa nhóm tập ballet. Bác hỏi thăm tình hình học tập của các học viên, nhắc nhở và động viên các cháu học tập tốt hơn.

Bác còn hướng dẫn các học viên nói năng sao cho dễ hiểu như khi một học viên trả lời Bác là “tập vũ”, Bác đã sửa lại là “múa”, hay nên dùng các chữ “tiểu phẩm” hay “trích đoạn” để công chúng hiểu dễ hơn.

Bác luôn đề cao vai trò, thể hiện trân trọng và động viên đội ngũ làm nghệ thuật đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bác thường nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chính sự quan tâm sâu sắc đó đã dẫn dắt đội ngũ văn nghệ sĩ đi theo cách mạng, đem trí tuệ, tài năng và nhiệt tình cống hiến cho đất nước, dân tộc.

Không chỉ quan tâm đến các diễn viên múa ballet, Người cũng dành nhiều tình cảm cho các nghệ sĩ dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng.

Một đêm diễn Ballet của VNOB thời kỳ những năm 70 của thế kỷ 20

Nhớ lại đêm diễn ngày 3/9/1960 tại Công viên Bách thảo (Hà Nội) trong chương trình kỷ niệm Đảng Lao động Việt Nam, Nhạc sĩ Phú Ân kể lại: “Lúc đó, Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) (lúc đó được gọi là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) có 114 thành viên, cùng với dàn hợp xướng quốc gia 120 người, cùng với mấy trăm học sinh của Hà Nội, Thành Đoàn, trường Hoa kiều đang biểu diễn.

Bác Hồ bất ngờ xuất hiện trong bộ quần nâu, áo lụa trắng, dép cao su. Bác đề nghị dàn nhạc chuẩn bị bài Kết đoàn. Mọi người xúc động, sung sướng ngỡ ngàng, cùng hát vang bài ca trong giây phút ý nghĩa lắng đọng. Theo nguyện vọng của mọi người, Bác đứng lên bục chỉ huy, cầm đũa bắt nhịp bài ca Kết đoàn. Và bức ảnh Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn là biểu tượng đẹp trường tồn về hình ảnh một vị lãnh tụ bình dị, trân trọng tình yêu nghệ thuật.

Chế độ đặc biệt thời kỳ khó khăn

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ đã dành sự quan tâm đặc biệt không những về tinh thần mà cả vật chất cho các nghệ sĩ, những người làm văn hóa, nghệ thuật.

Không chỉ là người lãnh đạo, dẫn dắt, đưa đường, chỉ lối, đặt nền móng cho nền văn hóa, văn nghệ Cách mạng Việt Nam, Bác còn quan tâm đến từng bữa ăn cho các văn nghệ sĩ.

Ngày Bác Hồ về thăm khu Văn công Cầu Giấy, lúc đó là trụ sở của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (tiền thân của VNOB), mọi người đều hứng khởi. Các nghệ sĩ kể lại rằng, buổi sáng hôm ấy vừa tập xong với chuyên gia Triều Tiên, đang nghỉ ngơi, nghe tiếng reo hò ầm ngoài ngõ “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”. Nhiều người khóc vì được nhìn thấy Bác.

Bác nói chuyện ân cần, hỏi thăm từng nghệ sĩ. Người nói rằng rất vui mừng vì nước Việt Nam có dàn nhạc.

Biết các nghệ sĩ tập luyện nhiều vất vả, Bác quyết định thưởng thêm 15 ngày phép và yêu cầu thực hiện tiêu chuẩn cho các anh chị em làm công tác nghệ thuật được hưởng chế độ đặc biệt: Một cân đường, bốn hộp sữa, cân bánh, cân kẹo, mười quả trứng, một lít nước mắm/xì dầu, 1 cân cá, mười bìa đậu phụ…

Thành công lại nhớ đến Người

Trong suốt thời gian 60 năm thành lập và phát triển, những chỉ thị, lời dạy của Bác về văn hóa, văn nghệ vẫn luôn là những bài học lớn đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Từ lúc mới chỉ là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam với vỏn vẹn vài chục người, đến nay, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã trưởng thành với 3 đoàn lớn bao gồm Đoàn Hát, Đoàn Nhạc kịch và Đoàn Múa với gần 200 diễn viên và nghệ sĩ.

Lời dạy của Bác Hồ đã được đúc kết và trở thành kim chỉ nam cho sự tiến bước của Nhà hát. Chính vì vậy, dù trải qua những giai đoạn thăng trầm khác nhau, liên tục bị thách thức bởi kinh phí xây dựng tác phẩm hạn chế, và đồng lương cho nghệ sỹ không đủ sống, thì phẩm chất xuyên suốt của những con người gắn bó với Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) vẫn là đam mê được làm nghệ thuật, được phát triển nghề nghiệp một cách nghiêm túc, với niềm tin mãnh liệt về sứ mệnh đem lại sự đổi thay tươi đẹp.

NSUT Trần Ly Ly, Q. Giám đốc VNOB cùng tập thể Nhà hát sau thành công của Chương trình Bolero and Suit en Blanc

NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Mục đích của nghệ thuật là đem lại liều thuốc cho tâm hồn con người đẹp hơn, trong sáng thánh thiện hơn, khai mở trí huệ của con người. Chính vì vậy, có tình yêu thương mới làm nghệ thuật được, chứ còn chỉ vì trách nhiệm thì không làm được”.

50 năm trôi qua, thực hiện Di chúc của Người, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) vẫn không ngừng phấn đấu, phát triển và từng bước đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng Việt.

Ngay từ thời kỳ đầu, Dàn nhạc Giao hưởng và Dàn Hợp xướng đã xây dựng nhiều chương trình hòa nhạc có giá trị nghệ thuật, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những tác phẩm Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó (Nguyễn Tài Tuệ), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)… đặc biệt vở nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận là nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam được dàn dựng công phu, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Tiếp đó là các vở nhạc kịch Núi rừng hãy lên tiếng, Evghehi Oneghin, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng và các vở vũ kịch Chị Sứ, Phá lao của nhiều tác giả âm nhạc và biên đạo múa người Việt đã tạo tiếng vang.

Những năm tháng chiến tranh, các đoàn nghệ thuật xung kích, các nghệ sĩ, cán bộ của nhà hát đã không quản gian khổ hy sinh, mang nghệ thuật đến với đồng bào chiến sĩ ở tuyến lửa Vĩnh Linh hoặc đi dọc đường Trường Sơn.

Nhiều nghệ sĩ của nhà hát đã được trao tặng huân chương và nhiều danh hiệu cao quý như các nghệ sĩ chỉ huy Dương Quang Thiện, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Quý, Đỗ Dũng, Trọng Bằng, Nguyễn Hải, đạo diễn Võ Bài, họa sĩ Trần Mậu, biên đạo múa Thái Ly, Đoàn Long, Hồng Linh, các ca sĩ Quốc Hương, Tân Nhân, Quý Dương, Quang Hưng, Trung Kiên, Vũ Dậu, Anh Đào, Thúy Hà, Kim Định, Bích Liên, Tâm Trừng…

Sau này, nhiều vở vũ kịch và nhạc kịch kinh điển được chuyên gia bạn sang dàn dựng thành công như kịch múa Spartacus, Giselle, Hồ thiên nga, Chàng du đãng và cô tiểu thư, Faust, Madam Butterfly… Những tác phẩm này đã làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Kim Quy, Kiều Ngân, Thế Dũng, Lê Vân, Lê An, Thúy Hạnh, Văn Hải, Anh Quân, Minh Thông, Hoàng Hoa, Gia Hội, Gia Khánh…

Những vở kịch có sức hấp dẫn như Tiếng hát Trương Chi, Vợ chồng A Phủ (NSND Đoàn Long), Huyền thoại mẹ (Nguyễn Công Nhạc), Huyền tích Trường Sơn (Bằng Thịnh)… đã xuất hiện trong giai đoạn nhà hát đã chính thức đổi tên thành Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (1985).

Nhiều biên đạo, chỉ huy, nghệ sĩ nước ngoài đã đến làm việc với nhà hát. Sự hợp tác này làm phong phú hơn các chương trình nghệ thuật, nâng cao trình độ biểu diễn cho tập thể nhà hát. Nhiều tác phẩm xuất sắc đã ra đời, tiêu biểu: Em người phụ nữ Việt Nam, Qua miền đất lạ, Mắt phượng hoàng, Cuộc sống Paris, Trường học Tình yêu, Giấc mơ và hiện thực

Không chỉ thành công với nghệ thuật cổ điển bác học, hòa nhập và bắt kịp bước với trào lưu nghệ thuật múa đương đại thế giới, nhà hát là một trong những cái nôi tiếp nhận và phát triển múa hiện đại ở Việt Nam.

Nhiều nghệ sĩ trẻ của nhà hát đã được cử đi học tập tại Australia, Pháp, Thụy Điển, Mỹ… Họ đã góp phần tạo cho múa hiện đại đến gần với công chúng trẻ. Một số tác phẩm múa đương đại đã tỏa sáng văn hóa Việt Nam như Hồn Trương Chi, Nguồn sáng, Trường tương tư, Mùa đom đóm

60 năm thành lập và phát triển, lớp lớp nghệ sĩ đã nối tiếp truyền thống, cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật bằng tất cả tâm, trí, lực. Đã có nhiều nghệ sĩ nhân dân và nghệ sĩ ưu tú xuất hiện ở đây. Đã có tới 3 Huân chương Lao động, thứ tự qua từng thời kỳ, bắt đầu từ hạng Ba (1990), hạng Nhì (1999) và hạng Nhất (2009) và tiếp tục nhận Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2014 của Nhà nước tặng cho tập thể Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB).

Nhật Nam