Tháng: Tháng Mười Hai 2018

Thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú

(Tổ Quốc) -Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Quyết định nêu rõ việc thành lập Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai(Hội đồng) để giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Ủy viên Hội đồng (17 người) gồm các nhà quản lý như ông Bùi Trường Giang, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lương Hồng Quang- Vụ trưởng Vụ Thi đua- Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước. Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng là các nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, viện trưởng các viện nghiên cứu…

Quyết định nêu rõ, Hội đồng có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức xét, lựa chọn những cá nhân có đủ tiêu chuẩn, trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai.

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc: các phiên họp Hội đồng phải có ít nhất 75% tổng số thành viên của Hội đồng tham dự, trong đó có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được ủy quyền.

Các cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu phải được ít nhất 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Danh sách quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ kết luận, kiến nghị của Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ và tiêu chuẩn đối với từng danh hiệu, Hội đồng tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín đối với từng cá nhân được đề nghị, lập Danh sách các cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và thông báo công khai Danh sách này trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi có kết quả xét tặng của Hội đồng.

Sau khi tổng hợp kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và tham khảo, tiếp thu ý kiến trên các phương tiện truyền thông đại chúng (nếu có), Hội đồng gửi hồ sơ đến Ban Thi đua- Khen thưởng Trung ương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, trình Chủ tịch nước./.

Học sinh trường Thực nghiệm đến giao lưu với VNOB về Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên

Nằm trong khuôn khổ đưa học sinh tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm, vừa qua, nhân dịp Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB)  xây dựng vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018, trường Tiểu học Thực nghiệm đã đưa 120 em học sinh thuộc khối lớp 4 của trường đến thăm quan, giao lưu và trực tiếp xem cách dàn dựng một vở diễn như thế nào.

Đạo diễn – biên đạo múa Lưu Thu Lan giới thiệu về vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên với học sinh trường tiểu học thực nghiệm

Các em đã có cơ hội nhìn nhận một cách thực tế và rõ rang về các loại nhạc cụ được sử dụng trong một dàn nhạc giao hưởng, cách động tác múa ballet cũng như cách ghép chương trình như thế nào. Cũng trong chương trình giao lưu này, đạo diễn – biên đạo múa Lưu Thu Lan và nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã giới thiệu cho các em một cách tổng quan về vở ballet kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên.

Một tiết mục trong vở diễn

Trao đổi với VNOB, cô giáo Nguyễn Bạch Yến, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thực nghiệm, cho biết: “Chúng tôi rất muốn phối hợp với VNOB để thực hiện các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm nhằm đưa đến cho các cháu những cảm nhận về nghệ thuật hàn lâm và hướng nghiệp từ nhỏ. Với những môn nghệ thuật như ballet, các cháu phải tập từ rất nhỏ mới có thể đạt được thành công. Vì vậy, những đợt trải nghiệm như thế này sẽ giúp hình thành nhân cách và hướng nghiệp sớm cho các cháu”.

Dàn nhạc đang ghép với chương trình

Lần đầu tiên được đến với ballet một cách thực sự, nhiều học sinh đã không khỏi ngỡ ngàng và phần đông rất thích thú với các vai diễn cũng như vũ điệu điêu luyện của các nghệ sĩ. Cháu Trần Trang Linh, lớp 4C, cho biết: “Cháu chưa bao giờ được đi xem múa ballet như thế này. Cháu thích lắm và rất khâm phục các cô chú diễn viên. Cháu cũng mơ ước sau này mình được như vậy”.Còn cháu Đào Phương Anh, học sinh lớp 4C, lại tỏ ra rất hào hứng với âm nhạc: “Cháu rất muốn tìm hiểu về các loại nhạc cụ ở đây và nhất là cách chỉ huy dàn nhạc của chú Đồng Quang Vinh. Cháu sẽ nói với bố mẹ cho cháu đi xem các vở ballet và nghe nhạc giao hưởng sau này”.

Các học sinh đang chăm chú xem chương trình

Dự kiến, VNOB và trường Tiểu học Thực nghiệm sẽ có kế hoạch làm tiếp những chương trình giao lưu và trải nghiệm tương tự. Nếu mô hình này thành công, VNOB sẽ hướng đến việc đưa nghệ thuật hàn lâm đến với các trường học.

Tuyết Hoa

Sân khấu Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên 2018: Đèn lồng và nón lá

Để đưa Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên 2018 đến gần với công chúng Việt Nam, đạo diễn – biên đạo múa Lưu Thu Lan đã đưa ra ý tưởng sử dụng đèn lồng và nón lá làm chủ đạo trên sân khấu của vở ballet.

 

Sân khấu Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên sẽ lấy đèn lồng và nón lá làm chủ đạo

Tiếp thu ý tưởng của biên đạo múa Lưu Thu Lan, thiết kế sân khấu , họa sĩ Nguyễn Công Hoan, đã dàn dựng hàng loạt đèn lồng trên sân khấu của vở diễn sắp tới. Bên cạnh đó, cây thông Noel cũng được pha trộn theo phong cách người Việt với những chiếc nón lá.

Những chiếc nón lá đang được các “phù thủy” của VNOB hóa phép

Để chuẩn chị một cách chu đáo nhất cho sân khấu tráng lệ của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) đã chuẩn bị tới hơn 500 nón lá các loại cùng gần 50 đèn lồng. Hiện, các họa sĩ của Nhà hát đang làm việc hết sức tích cực cả ngày lẫn đêm để chuẩn bị cho sân khấu có một không hai của Kẹp hạt dẻ ở Việt Nam.

Tuyết Hoa