Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: “Thành công của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hoá nghệ thuật Hàn lâm ở Việt Nam”
Là một trong những nhạc trưởng trẻ gặt hái được nhiều thành công, nhưng cũng rất cá tính khi từ chối lời mời làm việc ở nước ngoài với mức lương cao gấp 50 lần so với trong nước, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh luôn thể hiện mong muốn được cống hiến và góp phần đưa nhạc giao hưởng đến gần hơn với công chúng Việt. Nhận lời mời của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cho Vở ballet Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018, ông đã chia sẻ với PV những suy nghĩ của mình về vở ballet nói riêng cũng như nền nghệ thuật hàn lâm nói chung:
– Là một nhạc trưởng tài năng của làng âm nhạc Việt Nam, ông có thể cho biết lý do ông nhận lời chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) cho vở diễn Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên năm 2018?
– Năm 2016, tôi từng hợp tác rất thành công với VNOB với phiên bản “Kẹp hạt dẻ” phiên bản rút gọn. Có lẽ đây cũng là một trong những dấu ấn để năm 2018 này tôi tiếp tục được giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly mời chỉ huy dàn nhạc cho chương trình biểu diễn Kẹp hạt dẻ phiên bản Giấc mơ thần tiên. Ballet và Opera là hai đỉnh cao của âm nhạc hàn lâm. Dưới nhiều góc độ, hai thứ nghệ thuật này khó hơn cả chơi giao hưởng. Với nhạc trưởng, chỉ huy những tác phẩm giao hưởng chỉ phải thuộc bài và biểu diễn những tác phẩm với tốc độ và yêu cầu hợp lý theo yêu cầu của mình, nhưng khi chỉ huy những tác phẩm Opera và Ballet thì phải theo hơi thở, nhịp điệu của nghệ sĩ Opera và nghệ sĩ múa, đồng thời phải hiểu kỹ thuật thanh nhạc và kỹ thuật múa. Về mặt nội dung, một vở Opera hay Ballet chứa đựng một khối lượng thông tin và giá trị nghệ thuật lớnvà phức tạp vì có sự kết hợp giữa các loại hình. Một tác phẩm Opera hay Ballet thường có cốt chuyện chặt chẽ, nhiều màn, nhiều cảnh, nhiều nhân vật, lời thoại, nhạc công, nhạc cụ, đạo cụ, phục trang, thiết bị âm thanh, anh sáng v.v…Có thể nói những vở Ballet, Opera là kết tinh nghệ thuật có kết cấu phức tạp nhất trong những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc. Đây cũng là sự thử thách bản thân mang tính thử lửa đối với người nhạc trưởng. Vì lẽ đó, tôi thấy rất vinh dự, và cũng rất thú vị khi được phiêu lưu trong những tác phẩm kinh điển lớn nhất của thế giới này tại Việt Nam.
– Được biết đây là lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đưa phiên bản gốc của Mariinsky vào Kẹp hạt dẻ. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về sự thay đổi này?
– Đây là một lựa chọn tuyệt vời. Những phiên bản được nhà hát Vũ kịch Mariinsky chọn lựa trình diễn luôn là những phiên bản kinh điển bậc nhất thế giới. Phiên bản này được nhạc trưởng thần tượng của tôi Valery Gergiev chỉ huy. Ông là một tấm gương mà tôi luôn phấn đấu học theo, không phải chỉ về trình độ chuyên môn siêu việt, mà còn cả cách ông tổ chức, lãnh đạo, xử lý công việc và cuộc sống. Ông vừa mang dòng máu Nga, từ nhỏ đã thuộc lòng những giai điệu kinh điển của các vở Opera, Ballet xứ sở Bạch dương, lại vừa là giám đốc Nhà hát Vũ kịch Mariinsky. Ngoài ông ra không còn ai có thể phù hợp hơn trong việc đưa ra những lựa chọn, cách xây dựng tác phẩm một cách chuẩn xác và phù hợp nhất, cả về mặt chất lượng chuyên môn và về sự chỉ đạo công việc marketing. Việt Nam có một bối cảnh lịch sử xã hội hoàn toàn khác nước Nga, với thị hiếu âm nhạc rất khác nước Nga – một đất nước đã có vài trăm năm lịch sử nghệ thuật hàn lâm. Họ luôn giành một tình yêu lớn cho Ballet, Opera nói riêng và nghệ thuật hàn lâm nói chung, và đương nhiên sự đầu tư về kinh tế cũng là rất lớn. Việt Nam cũng đang dần dần từng bước đầu tư cho nghệ thuật Hàn lâm. Đương nhiên chúng ta sẽ cần thời gian để từng bước đưa nghệ thuật này (trong đó có nhạc giao hưởng, Opera, Ballet …) đến với nhiều khán giả hơn. Khi được biết VNOB sẽ làm Ballet “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky, tôi thấy rất mừng vì đây là một bước đột phá. Nó chứng tỏ rằng chúng ta đã sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Với tâm huyết của lãnh đạo cũng như tập thể nghệ sĩ, với tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp của VNOB, “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky lần đầu tiên biểu diễn ở Việt Nam hy vọng được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình và sự thành công của nó sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hoá nghệ thuật Hàn lâm vào xã hội Việt Nam.
– Theo ông, những nhạc cụ nào sẽ đóng vai trò chính trong dàn nhạc của Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018 và tại sao?
– Tất cả các nhạc cụ Tchaikovski đưa vào tác phẩm của mình đều ko có một nhạc cụ nào thừa cả. Trừ điều này ra trong “Kẹp hạt dẻ”, ngoại trừ sự sắp xếp các nhạc cụ độc tấu xen kẽ một cách rất khéo léo giữa các bộ dây, gỗ, đồng và gõ, Tchaikovsky dùng rất nhiều những nhạc cụ gõ. Bộ gõ là một thành viên rất quan trọng trong dàn nhạc từ giữa thế kỉ 19 trở đi, với rất nhiều nhạc cụ gõ mới có âm sắc cực kì phong phú độc đáo dần dần được đưa vào dàn nhạc. Tchaikovsky đã sử dụng rất thành công những nhạc cụ gõ màu sắc để xây dựng thành công những hình ảnh nhân vật: đàn phím Celesta gắn với cảnh “Dance of the Sugar Plum Fairy” với hình tượng diễn viên múa nữ chính trình diễn điệu nhảy solo của mình với những cảm giác thần thoại huyền bí nhưng rất trong sáng. Tháng 10- 2018, tôi đã có dịp được chạm vào và chơi cây đàn Celesta được trưng bày tại bảo tàng nhạc cụ thuộc Nhạc viện Tchaikovsky tại thành phố Moscow. Đây là cây Celesta đầu tiên trên thế giới được Tchaikovsky giữ bí mật đến tận trước khi công bố đêm diễn đầu tiên (world premier) của Ballet “Kẹp hạt dẻ”. Nhạc cụ này có lúc được thay thế bởi Glockenspiel (một cách gọi khác là Campanelli) trong nhiều phiên bản khác nhau của “Kẹp hạt dẻ” khi không có nhạc cụ Celesta. Bên cạnh Celesta và Glockenspiel, hai cây đàn Harp là nhạc cụ không thể thiếu mang lại những thang âm thần tiên cùng hình ảnh thiếu nữ trong sáng ở nhiều chương nhạc. Tại Việt Nam, không phải lúc nào cũng dễ kiếm được đàn Harp cũng như nghệ sĩ chơi đàn Harp. Năm 2016, chúng tôi có may mắn mời được nữ nghệ sĩ Chloe Morel người Pháp chơi đàn Harp 1 và Ryoko Boumuki chơi Harp 2 bằng keyboard điện tử. Hiện tại, có Harp hay không chúng tôi xin phép giữ bí mật đến phút cuối. Ngoài những nhạc cụ đặc sắc trên, nhiều nhạc cụ khác ở bộ Gõ và bộ Gỗ cũng đem lại hương vị cho những điệu múa và lời hát dân gian như: mõ Castanet trong “Le chocolat” với hình ảnh đất nước Tây Ban Nha, chuông Tambourine trong “Trépak” kết hợp nhịp nhàng với điệu múa Nga và trong “Le Café” miêu tả thành công những điệu múa gợi cảm của những vũ công Ả Rập, cồng Tam Tam xuất hiện trong nhiều cảnh đặc tả cảm giác bóng đêm, không gian rộng lớn bao trùm cùng sự đe doạ … Ngoài ra sáo flute miêu tả rất sinh động hình ảnh những chú bé mục đồng trong “Les Mirlitons” và sáo piccolo thì đặc tả thành công những cú lộn nhào và những màn trêu đùa của những chú hề Trung Quốc trong “Le Thé”. Có thể nói Tchaikovsky cũng là một bậc thầy tầm cỡ thế giới của lĩnh vực phối khí.
– Sẽ cần một quy mô dàn nhạc với bao nhiêu nhạc công, thưa ông?
– Đây là một dàn nhạc 2 quản quy mô lớn, với khoảng 60 nhạc công biểu diễn.
– Ông có ý định làm mới hay tạo ra một nét riêng cho phiên bản gốc Marinsky của Nga trong Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên năm nay?
– Tôi được mời lần này với vai trò nhạc trưởng, chủ yếu phụ trách phần dàn nhạc. Với âm nhạc hàn lâm, một thứ âm nhạc vốn nghiêm khắc không được phép tự ý phá cách, đặc biệt với một phiên bản đã được trình diễn thành công trên thế giới, tôi sẽ không đưa thêm một sự thay đổi nào về mặt phối khí và biểu diễn đối với dàn nhạc. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở phần múa, biên đạo sẽ dựng lại với nội dung và hình thức phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam. Phần phối khí và kết cấu kinh điển của “Kẹp hạt dẻ” theo phiên bản Mariinsky” sẽ được giữ nguyên. Tuy nhiên, việc không thay đổi trên không đồng nghĩa với sự đơn giản và việc không có sáng tạo. Ngược lại, nó còn khó hơn là người ta tưởng. Vì khi biểu diễn một tác phẩm kinh điển thế giới, bạn sẽ phải đối mặt với sự so sánh. Phiên bản “Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên” sẽ được khán giả và các đồng nghiệp mang ra so sánh một cách rất tự nhiên với những phiên bản họ đã từng xem, mà phần lớn là các phiên bản nổi tiếng thế giới. Ở Việt Nam, những tác phẩm thế này không được diễn nhiều, nên không có nhiều phiên bản. Làm thế nào để vừa không bị chê mà ngược lại lại được khen là có sáng tạo trong hơi thở, trong cách xử lí sự đối tỉ về cường độ và tốc độ giữa các cảnh, các màn, giữa các nhân vật, là điều mà tôi luôn đau đáu hướng về. Tuy nhiên tôi tin rằng với sự nỗ lực của bản thân mình, của các anh chị em nghệ sĩ, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ lãnh của VNOB, tác phẩm sẽ có một sự thành công nhất định. Ít nhất chúng ta đã làm, có làm ra thì mới có cải để tự mình, và cả người khác nữa, học tập, và từ đó lại có động lực làm nhiều cái mới nữa.
– Được biết, hiện nay, ông đã xây dựng được dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới”. Liệu, ông có ý định đưa một vài loại nhạc cụ này vào dàn nhạc của Kẹp hạt dẻ 2018?
– Dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” là của riêng tôi, do tôi thành lập tháng 11 năm 2013 với 11 thành viên. Trước đó, ban nhạc gia đình Tre Việt với 5 thành viên do bố tôi – NSUT Đồng Văn Minh thành lập năm 1993, đi biểu diễn trong và ngoài nước đến năm 2010 thì tạm dừng do mẹ tôi bị ốm và sau đó là các anh chị em tôi đi học và làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới là một sự tiếp nối truyền thống của ban nhạc tre nứa gia đình, cho tình yêu âm nhạc nói chung và tình yêu âm nhạc tre nứa, âm nhạc dân tộc nói riêng, nó được gọi là dàn nhạc vì nó lớn hơn nhiều về mặt biên chế nhạc công, biên chế phối khí nhạc cụ trong các tác phẩm âm nhạc và cả sự đa dạng trong các thể loại âm nhạc, không chỉ âm nhạc Việt Nam mà cả âm nhạc thế giới. Sức Sống Mới đã trở thành khách mời quen thuộc của các Nhà hát Lớn Hà Nội và nhiều nước trên thế giới. Lần này tôi không đưa nhạc cụ tre nứa dân tộc của Sức Sống Mới và Ballet “Kẹp hạt dẻ” vì đây là một tác phẩm âm nhạc hàn lâm, không được có sự sự tự ý thay đổi về mặt phối khí. Tuy nhiên, tôi đang phối khí những giai điệu kinh điển của “Kẹp hạt dẻ” vào cho dàn nhạc tre nứa Sức Sống Mới biểu diễn mừng giáng sinh theo lời mời của viện Goethe cũng trong tháng 12 tới, chỉ vài ngày sau khi diễn ra Ballet “Kẹp hạt dẻ -Giấc mơ thần tiên”. Đây cũng lại là một phiên bản “Kẹp hạt dẻ” đầu tiên được trình diễn với các nhạc cụ tre nứa dân tộc của Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng với sự kĩ lưỡng trong phối khí và tập luyện, chúng tôi sẽ mang đến cho khán giả một cảm giác hoàn toàn khác từ sự kết hợp Đông – Tây này. Đây cũng là một trong những truyền thống của Sức Sống Mới: đưa phương Đông đến gần với phương Tây, và đưa phương Tây lại với phương Đông.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho Kẹp hạt dẻ – Giấc mơ thần tiên phiên bản 2018 của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thành công rực rỡ.
Tuyết Hoa